Thứ Ba, 7 tháng 3, 2017

Ngôi chùa sư nữ với câu chuyện tình éo le gần 200 năm trước


Cù Lao Phố - Những điều mắt thấy, tai nghe

(Bài 2)

  • Mai Lĩnh
Viếng chùa, lại là một ngôi chùa cổ, khung cảnh thường u nhã, tôn nghiêm, gợi lòng hoài cổ khiến khách nhàn du thấy lòng thanh tịnh, nhẹ nhàng. Nhưng ngày nay, nhiều ngôi chùa cổ không tạo được những cảm nhận như vậy! Không biết có phải tại lòng lữ khách còn nhiều vọng động quá chăng?

Ở Cù Lao Phố và Biên Hoà nói chung, hầu hết đình đền, chùa miếu được bảo tồn nguyên vẹn và có nhiều lần trùng tu, tôn tạo; đó là việc làm cần thiết, nhưng chất lượng và hiệu quả còn tuỳ cách làm.
Khi bước vào chùa Đại Giác - một trong ba ngôi chùa cổ nhất của Biên Hòa (hai ngôi chùa còn lại là chùa Bửu Phong và chùa Long Thiền) - tọa lạc tại  ấp Nhị Hòa, xã Hiệp Hòa (Cù Lao Phố); tôi  
ngắm ba pho tượng lớn đặt sân trước chánh điện mà không muốn chụp ảnh: Tượng Phật Thích Ca ngồi gốc Bồ Đề có khuôn mặt đẹp của một người đàn ông thông minh, sắc sảo; tượng ngài Di Lặc có nụ cười mãn nguyện như ông Thần Tài còn tượng đức Quán Âm Bồ tát thì khiến tôi liên tưởng đến các vị Thánh Mẫu của Thiên Tiên Thánh Giáo, được sơn màu trên khuôn mặt một phụ nữ sang trọng đầy uy lực và khoác lên mình chiếc áo choàng màu thiên thanh!

Trong chánh điện, các ni sư đang hành lễ nên không tiện bước vào, tôi đành ngồi tựa gốc bồ đề nghe anh Phạm Hoài Nhân kể ... "Chuyện tình nơi cửa Phật".


Đi chơi mà được theo chân anh Hai này thiệt là sướng. Anh là chủ nhân trang Vinacom (http://dongnai.vncgarden.com), một trang blog chuyên về du lịch và truyền thông có đông đảo bạn đọc. Xin trích đăng câu chuyện liên quan đến ngôi chùa cổ này:

Chùa Đại Giác được dựng từ khoảng đầu thế kỷ XVII. Vào năm 1779, công chúa thứ ba của vua Gia Long là Nguyễn Thị Ngọc Anh, trên đường chạy trốn quân Tây Sơn đã có thời gian trú ngụ tại chùa này. Khi lên ngôi vua, Nguyễn Ánh nhớ ơn đã ban chiếu trùng tu và phụng cúng pho tượng A-di-đà lớn bằng gỗ cao 2,56m (hiện vẫn còn ở chùa). Vì vậy nhân dân địa phương còn gọi là chùa Phật Lớn. Đến thời Minh Mạng, chùa tiếp tục được tu sửa. Công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh đã cúng một bức hoành phi lớn đề ba chữ "Đại Giác Tự" treo trước chánh điện.

Có lẽ thông tin và hình ảnh về ngôi chùa này chưa đủ thu hút các bạn. Vậy xin các bạn bỏ thêm chút thời giờ đọc câu chuyện sau:

Thiền sư Liễu Đạt – Thiệt Thành, hiệu Liên Hoa (?- 1823),  ngài tên họ là gì? sinh năm nào và quê quán ở đâu thì không rõ. Thiền sư thuộc phái thiền Lâm Tế, đời thứ 35. Do tư chất thông minh và phẩm hạnh nghiêm mật nên được vua xuống sắc, triệu ra kinh đô Huế để giữ chức Tăng cang chùa Thiên Mụ (1813-1823) và được cử làm pháp sư giảng thuyết Phật pháp trong nội cung của vua Gia Long.

Sử truyện kể lại rằng, thiền sư là người rất đẹp trai (hic!), oai nghiêm đỉnh đạc, thông minh, có tài hùng biện và thuyết giảng Phật pháp rất hay nên được đông đảo quần chúng và Phật tử mến mộ.  Thiền sư có rất nhiều đệ tử trong hoàng cung, trong số đệ tử đó có một vị Hoàng cô (cô của vua Minh Mạng) cũng quy y và thọ Bồ Tát giới, pháp danh Tế Minh, tự Thiên Nhựt. Do cảm mến và quá hâm mộ tài năng cũng như đức độ của Thiền sư nên đã có ý định ràng buộc duyên trần cùng với người.
Chuyện này đương nhiên là không thể, nên thiền sư đã chọn phương pháp “tránh duyên” bằng cách xin về trụ trì chùa Từ Ân ở Gia Định.

Ở hoàng cung, hoàng cô Tế Minh - Thiên Nhựt bỗng thấy vắng thiền sư, bà nhung nhớ không nguôi. Thế rồi bà tìm cớ xin phép vua vào Gia Định, gọi là để cúng dường chùa Từ Ân, nhưng thật ra là để gặp thiền sư cho thỏa lòng nhung nhớ.

Tháng mười, năm Quý Mùi (1823), thiền sư đang uống trà đàm đạo ở chùa Sắc Tứ Từ Ân, bổng có tin báo Hoàng cô vâng lệnh vua đến cúng dường chùa. Nhận được tin, thiền sư lo âu trong dạ, không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Thế rồi ngài tìm cách lánh mặt.

Thiền sư đã lên chùa Đại giác ở Cù lao Phố, tỉnh Biên Hòa để nhập thất hai năm.
Hoàng cô ở chùa Từ Ân, không thấy thiền sư đến tiếp kiến. Hỏi Tăng chúng thì mọi người đều nói là không biết thiền sư Liên Hoa ở đâu.

Do tâm bịnh nên sức khỏe Hoàng cô ngày một sa sút trầm trọng. Sợ nguy hại cho bổn tự nên cuối cùng mọi người đành tiết lộ sự thật. Được tin này, Hoàng cô thông báo với quan trấn Gia Định là mình lên chùa Đại Giác để cúng dường. Quan tổng trấn cử phái đoàn hộ tống Hoàng cô lên chùa Đại Giác.

Sau khi đến chùa dâng lễ cúng dường và nhờ đưa đến tịnh thất của thiền sư Liên Hoa. Hoàng cô với tâm thành kính đảnh lễ trước tịnh thất và xin gặp mặt thiền sư lần cuối trước khi hồi kinh. Thiền sư không trả lời. Hoàng cô suy nghĩ kế khác, sau đó quỳ trước cửa thất thưa rằng: “nếu Hoà thượng không tiện ra tiếp, xin Hoà thuợng cho con nhìn thấy bàn tay của Hòa thuợng, đệ tử cũng hân hoan mà ra về”.

Im lặng vài phút thiền sư đưa bàn tay ra cửa nhỏ nơi đưa thức ăn vào thất, Hoàng cô vội ôm bàn tay hôn một cách trìu mến, rồi sụp lạy xuống và khóc sướt mướt.

Đêm hôm ấy, vào khoảng canh ba, trong khi mọi người đang yên giấc, bỗng thấy tịnh thất của thiền sư phát hỏa, mọi người chạy ra dập lửa thì tịnh thất đã cháy rụi. Nhục thân của thiền sư cũng cũng cháy đen. Mọi người đang bàn tán, xôn xao, có người phát hiện bài kệ của thiền sư viết bằng mực đen trên vách chánh điện:
THIỆT đức rèn kinh vẹn kiếp trần
THÀNH không vẩn đục vẫn trong ngần
LIỄU tri mộng huyễn chơn như huyễn
ĐẠT đạo mình vui đạo mấy lần.

Thiền sư Liên Hoa biết cuộc đời này là mộng huyễn ảo ảnh. Người đã dùng ngọn lửa để thức tỉnh và giáo hóa Hoàng cô. Nhưng có lẽ do duyên nghiệp nhiều đời nhiều kiếp giữa hai người, nên ngọn lửa ấy đã không đạt được kết quả như mong muốn.
Đoạn sau của câu chuyện càng bi kịch hơn nữa:

Sau khi làm lễ nhập thất Hòa thượng Liên Hoa xong, Hoàng cô rất buồn bã và cho biết rằng bà sẽ ở lại chùa Đại giác cho đến ngày khai mộ mới hồi kinh. Nhưng ngay ngày hôm sau, Hoàng cô uống độc dược tự tử tại hậu liêu chùa Đại giác nhằm ngày mồng 2 tháng 11 năm Quý Mùi (1823).
Bây giờ bạn đã đọc xong câu chuyện tình nơi cửa Phật, một trong những chuyện tình ly kỳ nhất Việt Nam. Khi nào có dịp đến thăm Biên Hòa, mời bạn hãy cùng tôi đến Đại giác cổ tự, nơi xảy ra thiên tình sử này, để cùng thăm một ngôi chùa cổ, để trầm ngâm về tình yêu, phật pháp, và về sự phù du của kiếp người..


Nghe bạn kể chuyện tình ngang trái, bi thảm của nữ nhân hoàng tộc, lòng không khỏi ngậm ngùi, nhưng quen tính cẩn thận, Mai Lĩnh xin mời bà con đọc thêm các nguồn tư liệu khác để mọi điều sáng tỏ hơn:
Đừng bỏ qua bài viết này với nội dung phản biện khá nghiêm túc: