Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2020

Hồn tử sĩ - Hát Giang trường hận : Ai cũng nghe nhưng ít người biết.

  • Mai Lĩnh
Xưa nay, có một giai điệu nhạc buồn mà hầu như ai cũng từng nghe qua đài phát thanh, truyền hình hoặc nghe trực tiếp trong hội trường, hay ngoài nghĩa trang nhưng chẳng mấy ai để ý về xuất xứ nhạc phẩm ấy.

Đó là bài Hồn Tử Sĩ, một nhạc phẩm đã ra đời hơn 70 năm, được trình tấu hoặc phát thanh trong những lễ tang, truy điệu... Điều đặc biệt của nhạc phẩm này là cả hai chế độ đối kháng nhau lại cùng sử dụng suốt giai đoạn chiến tranh giữa hai miền Nam Bắc (1954-1975). Hiện tại, bài hát này được nhà nước Việt Nam sử dụng trong các lễ tang chính thức. Người Việt ở hải ngoại, bài hát vẫn được sử dụng trong nhiều trường hợp có nghi lễ truy điệu.

Nguyên thủy, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (1921-1989) viết ca khúc có tên là Hát Giang Trường Hận, trong một kỳ trại do Tổng hội Sinh viên Đông Dương tổ chức tại Mê Linh, vào khoảng năm 1942-1943. Đến năm 1946, Lưu Hữu Phước cùng với một đồng nghiệp là Hồng Lực đã sửa phần lời và đổi tên bài hát "Hát Giang Trường Hận" thành "Hồn Tử Sĩ" để tưởng nhớ và chiêu hồn các chiến sĩ hy sinh trong thời kỳ chống Pháp.

Theo thiển ý của người viết, ngoài giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm, có một nguyên nhân khiến nhạc phẩm này được phổ biến và sử dụng rộng rãi, liên tục trong thời gian dài hơn bất kỳ tác phẩm âm nhạc nào khác của Việt Nam, có lẽ do hơn bảy thập kỷ qua nó chỉ được trình tấu chứ không được hát lời ca, nhất là vào những thời gian 1954-1975 ở miền Bắc và sau 1975 đến nay trên toàn quốc Việt Nam. Đó cũng là lý do khiến rất nhiều người từng nghe, từng xúc động với giai điệu trầm hùng của “Hồn Tử Sĩ”, nhưng rất ít người biết đến lời ca, càng hiếm hoi người biết đến nguyên bản ca khúc Hát Giang Trường Hận.

Nói vậy, chẳng lẽ nếu mọi người biết - và thuộc - lời ca khúc này thì nó sẽ không được dùng phổ biến vậy sao? Đây chỉ là suy diễn của tôi, một thiển ý xuất phát từ thực tiễn là gần nửa thế kỷ nay, lịch sử Việt Nam thường được “tô đậm”, nhấn mạnh các diễn biến lịch sử đất nước giai đoạn từ sau thập kỷ 20 của thế kỷ XX đến nay. Lịch sử trước đó chỉ được nhắc đến một cách sơ sài, phiến diện. Vì thế, từ một ca khúc vinh danh lòng yêu nước và công lao chống ngoại xâm của nhị vị nữ anh hùng và nhân dân thời trước là khó được chấp nhận và tác giả phải sửa lại lời ca; và ngay cả khi sửa "Hát Giang Trường Hận" thành "Hồn Tử Sĩ" rồi cũng thật khó được chấp nhận được cất tiếng hát lên ở những sự kiện như lễ tang chính thức của nhà nước hiện nay.

Điều này lâu nay ít người để ý, mặc dù trên Youtube, từ lâu đã có thể nghe NSND Trần Khánh cùng dàn hợp xướng của đài Tiếng Nói Việt Nam hoặc đơn ca của NSND Quang Thọ (Nhà hát Ca Múa Nhạc VN). Tại các lễ tang cấp nhà nước, người ta thường phát bài Hồn Tử Sĩ do Dàn Nhạc kèn của Đoàn Nghi lễ quân đội hòa tấu.

Có tài liệu ghi tên tác giả phần lời bài “Hồn Tử Sĩ” là Hoàng Mai Lưu. Nhưng thông tin này không chính xác. Hoàng Mai Lưu là bút danh chung của nhóm bạn Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ, và Lưu Hữu Phước. Sự kết hợp nhóm bạn này xảy ra sau khi đã có Hồn Tử Sĩ, sáng tác của Lưu Hữu Phước và Hồng Lực tham gia phần lời như đã nói ở trên. Xin đọc thêm thông tin về nhóm Hoàng Mai Lưu tại http://phatgiaobaclieu.com/hoang-mai-luu-va-ca-khuc-giai-phong-mien-nam-ts-tran-thuan/ 

Nhạc của Lưu Hữu Phước nhưng lời của Phan Mai, bạn có thể lắng nghe giọng hát Thái Thanh thể hiện "Hồn Tử Sĩ".

Còn có một nhạc phẩm với nội dung tương tự,  ít được biết tới là bài “Chiêu Hồn Tử Sĩ” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, sau đó lại được đặt tên lại là “Mặc Niệm Đồng Chí”.

Các bạn có thể đọc và so sánh lời các bài "Hát Giang Trường Hận" và "Hồn Tử Sĩ" tại https://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BB%93n_t%E1%BB%AD_s%C4%A9#B%C3%A0i_h%C3%A1t_chung_c%E1%BB%A7a_ng%C6%B0%E1%BB%9Di_Vi%E1%BB%87t_Nam và dị bản khác tại https://loibaihat.biz/lyric/petsj/hontusi/
_______________________________________________