- Mai Lĩnh
Sau khi Nguyễn Trung Trực bị thực dân Pháp xử chém ngày 27-10-1868 tại chợ Rạch Giá, những người dân yêu kính ông đã bí mật lập bàn thờ ông trong miếu thờ Ông Nam Hải (cá voi hay cá ông).
Ban đầu, đây chỉ là một ngôi đền nhỏ bằng gỗ, mái lợp lá do dân chài dựng nên bên dòng sông Kiên và rạch Lăng Ông (2), cách bờ biển độ hơn trăm mét.
Qua lần trùng tu vào năm 1881, ngôi đình đã khang trang hơn. Nhưng để có diện mạo như ngày hôm nay, đình thần Nguyễn Trung Trực được khởi công xây dựng vào ngày 20-12-1964 và khánh thành ngày 24-02-1970, do kiến trúc sư Nguyễn Văn Lợi thiết kế, toàn bộ kinh phí xây dựng do nhân dân đóng góp. Nhân dịp này, nhân dân địa phương dựng tượng Nguyễn Trung Trực bằng đồng sơn đen, đặt trước khu "chợ nhà lồng" Rạch Giá.
Đình thần được xây dựng theo kiểu chữ tam (三), gồm có chánh điện, đông lang và tây lang.
Cổng đền có ba cửa (tam quan), cổ kính với mái ngói hai tầng trang trí hình "lưỡng long tranh trân châu" trên nóc. Hai bên là đôi câu đối bằng chữ Quốc ngữ được đắp nổi sơn vàng trên nền đỏ, là hai câu trong bài thơ điếu Nguyễn Trung Trực của Huỳnh Mẫn Đạt:
Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa,
Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần.
Thái Bạch dịch thơ:
Lửa bừng Nhựt Tảo rêm trời đất
Kiếm tuốt Kiên Giang rợn quỷ thần.
Kế đến là ngôi chánh điện được thiết kế với mái ngói cong bốn góc, ở các viền góc đều có trang trí hoa văn hình rồng và lá cúc. Mặt trước chánh điện có hai trụ cột đắp nổi hình rồng uốn lượn từ dưới lên quấn quanh cột.
Trong chánh điện có rất nhiều bàn thờ, lần lượt từ ngoài vào trong có các bàn thờ chính như sau:
- Bàn thờ Chánh soái Đại càn.
- Bàn thờ ba mươi vị anh hùng dân tộc.
- Long đình cùng di ảnh (ảnh nhỏ) Nguyễn Trung Trực.
- Bàn để di ảnh (ảnh lớn) Nguyễn Trung Trực.
- Bàn thờ Chư vị.
- Bàn thờ Chư vị hội đồng trăm quan cựu thần và Cửu huyền thất tổ.
- Ngai chính giữa thờ Nguyễn Trung Trực. Phía trên bệ thờ, có bức hoành ghi bốn chữ: Anh Khí Như Hồng (英气如虹), ca ngợi khí tiết hào hùng của ông sáng như cầu vồng bảy sắc.
- Phía bên trái có ngai thờ chung thờ Phó cơ Nguyễn Hiền Điều và Phó lãnh binh Lâm Quang Ky.
- Phía bên phải là ngai thờ thần Nam Hải Ðại tướng quân.
- Đông lang và tây lang, có các bàn thờ: Tây hiến, Đông hiến, Tiền hiền, Hậu hiền, Thủy long, Đồng bào nghĩa quân liệt sĩ.
Hằng năm, vào các ngày 27, 28 và 29 tháng Tám âm lịch, tại đền thờ đều có lễ hội trọng thể kỷ niệm ngày hy sinh của Nguyễn Trung Trực.
Dân gian địa phương có câu:
Dù ai buôn bán gần xa,
Ngày giỗ cụ Nguyễn thì ta nhớ về.
Ngoài các nghi lễ cổ truyền như rước sắc thần, lễ dâng hương, cúng tế tại đình... còn có hoạt động văn nghệ, vui chơi hội hè của ba dân tộc Kinh - Hoa - Khmer (thường có hoạt cảnh tái hiện hai chiến công nổi bật của Nguyễn Trung Trực, như trận đồn Rạch Giá và trận Nhật Tảo), các trò chơi dân gian, biểu diễn võ thuật, thi nấu ăn, thi múa lân, xe hoa, thả hoa đăng trên dòng sông Kiên...
Nét độc đáo và riêng biệt của Lễ hội truyền thống Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực là những người đến đình cúng, viếng, chiêm bái không chỉ được ăn, uống, xem văn nghệ miễn phí, mà còn được ngủ nghỉ, khám bệnh bốc thuốc miễn phí. Đây cũng chính là điểm đổi mới, thu hút của lễ hội.
Mộ Nguyễn Trung Trực nằm trong khuôn viên, từ cổng nhìn vào, ở bên trái đình. Ngôi mộ bằng xi măng, hình chữ nhật, mà phía sau là một tấm bia cao khoảng 2m, rộng hơn 1m, trên khắc chữ: Anh hùng Nguyễn Trung Trực (1838 - 1868). Ở góc phải mộ có một tảng đá nhỏ ghi ngày đặt viên đá đầu tiên xây mộ là là ngày 18-10-1986.
Năm 1988, Bộ Văn hóa - Thông tin đã công nhận mộ và đền Nguyễn Trung Trực là di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia.
Từ cổng nhìn vào ở bên phải đình, có phòng trưng bày những hiện vật có liên quan đến cuộc khởi nghĩa do Nguyễn Trung Trực lãnh đạo. Ngoài ra, ở đây còn có phòng khám, chữa bệnh bằng thuốc nam miễn phí được thành lập năm 1989.
___________________________________________________________________
(1) Anh hùng Nguyễn Trung Trực được thờ phụng ở các tỉnh An Giang (đình Long Giang, huyện Chợ Mới; đình Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn); tỉnh Hậu Giang (huyện Long Mỹ); tỉnh Sóc Trăng (đình Long Phú, đình An Lạc, huyện Kế Sách và đình Phú Lộc, huyện Thạnh Trị); tỉnh Bạc Liêu (đình An Hòa, huyện Giá Rai) v.v...
Ngoài ra, ông còn được thờ ghép trong nhiều ngôi đình làng ở Nam Bộ, và được nhiều người tôn kính thờ tại nhà.
(2) Rạch Lăng Ông chỉ là một rạch nhỏ ở xóm Phủ (do chữ ngư phủ nói tắt). Vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch (năm nào chưa rõ), có một con cá ông chết ở nơi này, nên dân chúng lập miếu thờ, tức đình thần Nguyễn Trung Trực hiện nay. Về sau, rạch này bị lấp để làm thành đại lộ Tự Do.
(3) Năm 2000, người ta đã cho làm một tượng mới bằng cũng bằng đồng nhưng có kích thước lớn hơn, sơn màu xám để thay thế; và khu "chợ nhà lồng" mà sau này nó còn có tên là "Khu thương mại", cũng đã di dời nơi khác để nơi đó trở thành công viên.