- Bài và ảnh: Phạm Hồng Sơn
Khách du lịch
đến Huế, ai cũng muốn thăm các di tích triều đại nhà Nguyễn mà ngoài hoàng
thành xưa là các lăng tẩm các vị vua, chúa Nguyễn. Nhưng có lẽ ít ai có dịp
viếng An lăng - hiện nay là nơi an nghỉ của ba vị vua: Dục Đức, Thành Thái và
Duy Tân. Đây là khu lăng mộ có kiến trúc đơn giản nhất của các vua nhà Nguyễn
nhưng mang nặng câu chuyện đau thương của cả ba ông hoàng trong giai đoạn lịch
sử chính trị rối ren nhất của vương triều nhà Nguyễn.
Vòng xoay lịch sử
Sau
khi vua Tự Đức băng hà, triều thần đã đưa Ưng Chân - con trai của Thoại Thái
Vương Nguyễn Phúc Hồng Y và là con nuôi của vua Tự Đức - lên ngôi (1883) theo
di chiếu. Vị vua thứ 5 của nhà Nguyễn chưa kịp đặt niên hiệu đã bị truất ngôi,
tống giam vào ngục thất sau ba ngày làm vua; sau đó bị bỏ đói mà chết. Nhà vua
chưa có niên hiệu nên sử sách ghi lại theo tên tư thất của ông là Dục Đức
Đường.
Thi
hài vị vua xấu số được bó chiếu (không có áo quan) cho lính gánh đi chôn trong
khu đất của chùa Tường Quang ở thôn Tây Nhất, làng An Cựu; nhưng còn cách 200
mét mới đến chùa thì thi hài nhà vua bị rớt giữa đường do đứt dây.
Cho
rằng đó là “ý trời”, nhà sư trụ trì chùa Tường Quang cho đào huyệt tại chỗ để
mai táng, không đưa vào trong khu đất của chùa nữa. Ba ngày sau, vợ con của Dục
Đức mới được làm lễ chịu tang.
Sáu
năm sau, con trai của Dục Đức là Bửu Lân được đưa lên làm vua, lấy niên hiệu là
Thành Thái (1889-1907) Đầu năm 1890, Thành Thái cho xây lăng mộ vua cha ngay
trên nấm mồ tạm bợ đó. An Lăng được xây nhưng chưa có điện thờ. Mọi lễ nghi đều
cử hành trong chùa Tường Quang (Năm 1892, chùa được vua Thành Thái ban sắc, đổi
tên là chùa Kim Quang).
Vào
năm Thành Thái thứ 11 (1899), nhà vua cho xây dựng điện Long Ân làm nơi thờ
cúng và các công trình phụ như Tả, Hữu Phối Đường (trước); Tả, Hữu Tùng Viện
làm nơi ở cho bảy bà vợ thứ của vua cha, lo việc thờ phụng hương khói. Về sau,
khi bà Từ Minh, vợ chính của vua Dục Đức tạ thế, triều đình mai táng thi hài
của bà bên phải mộ vua.
Làm
vua được 18 năm (1889-1907), Thành Thái lại bị truất ngôi do có tư tưởng và
hành động chống Pháp. Con trai vua Thành Thái là hoàng tử Vĩnh San được đưa lên
ngai vàng, đặt niên hiệu Duy Tân. Trị vì được 8 năm (1907-1916) vua Duy Tân bị
Pháp bắt vì “tham gia vào cuộc khởi nghĩa chống Pháp của Thái Phiên và Trần Cao
Vân”. Cả hai cha con Thành Thái và Duy Tân đều lãnh án lưu đày biệt xứ, bị đưa
sang đảo Réunion.
Năm
1953, cựu hoàng Thành Thái được về nước, một năm sau thì mất tại Sài Gòn; thi
hài được hoàng tộc rước về chôn trong khuôn viên của lăng Dục Đức. Cựu hoàng
Duy Tân chết năm 1945 trong một tai nạn máy bay ở Trung Phi, thi hài của ông
được chôn cất ở đó cho đến năm 1987, được cải táng đưa về chôn cạnh mộ vua cha
Thành Thái. Hiện giờ, An Lăng là khu mộ chung của ba thế hệ vua nhà Nguyễn: Dục
Đức (cha), Thành Thái (con) và Duy Tân (cháu).
Tam quan vào Bửu thành, tuy có bị thời gian bào mòn và phần mái
bị vỡ đôi chút nhưng nhìn chung còn khá đẹp.
|
So
với lăng tẩm khác của các vua nhà Nguyễn, An lăng có kiến trúc đơn giản và
khiêm tốn hơn nhiều. Khu vực lăng mộ hình chữ nhật, bên trong không có Bi Đình
và tượng đá như các lăng vua khác. Muốn vào lăng phải đi qua hai tam quan, có
mái giả bằng xi măng. Chính giữa Bửu Thành có một nhà Huỳnh Ốc dạng phương
đình, thay thế cho nhà bia. Bên trong nhà Huỳnh Ốc không có bi ký, thay vào đó
là một sập đá và kỷ đá dùng để bày hương án và hào soạn mỗi khi cúng giỗ nhà
vua. Hai bên tả, hữu là mộ vua Dục Đức và hoàng hậu Từ Minh.
Điện
Long Ân ở trung tâm khu vực tẩm, hiện có ba hương án thờ bài vị của vua Dục Đức
và vợ (ở giữa), Thành Thái (bên trái) và Duy Tân (bên phải). Phía sau điện Long
Ân ngày xưa là chốn hậu cung của các bà vợ vua, giờ đây được mở rộng và chỉnh
trang. Đó cũng là nơi yên nghỉ của hai ông vua Thành Thái và Duy Tân.
Di tích bị lãng
quên
Chính giữa Bửu thành là nhà Huỳnh Ốc đã xuống cấp nghiêm trọng. Thay vì có bia đá, giữa nhà chỉ có cái bệ đá dùng bày lễ vật khi cúng tế. |
Các tài liệu về
di sản cố đô có ghi chép khá đầy đủ về An lăng; kể cả trên các trang mạng về du
lịch Huế cũng có bài giới thiệu, tuy chỉ sơ sài. Nhưng trong các chương trình
tour thì hầu như không có An lăng dù di tích này nằm ngay trong lòng thành phố
Huế. Thật quá bất ngờ và thấy chút bất nhẫn khi chúng tôi tìm đến viếng An lăng
ở ngay phường An Cựu, cách trung tâm cố đô chỉ 2 cây số.
Dừng xe bên
đường phố, hỏi thăm hai cô gái trẻ có dáng vẻ sinh viên, cả hai cô không hiểu tôi
muốn hỏi gì! Một cô bán hàng gần đó khăng khăng nói rằng tôi hỏi... nhầm, vì
chỉ có lăng Tự Đức chứ làm gì có lăng Dục Đức (?!).
Hỏi một ông có
tuổi, sau thoáng ngập ngừng ông ta cũng chỉ đường xuôi theo hướng đang chạy đến
ngã ba, rẽ phải. Chạy một lúc nhận ra là sắp đến đàn Nam Giao, nếu rẽ phải là
đi lăng Tự Đức. Quay lại, hỏi một o bán gánh trên đường, lần này tôi nói thêm,
đó là nơi vua Duy Tân được đưa về an táng. O bảo có nghe nói, hình như gần chùa
Từ Đàm. Chạy đến gần chùa mới biết là không phải. Lúc này đã mang máng nhận ra
con đường gần đấy nhưng vẫn không chắc nên hỏi thăm một mệ đi chợ. Cực kỳ ngạc
nhiên khi nghe mệ nói chưa bao giờ nghe đến lăng Dục Đức, còn chỗ an táng hài
cốt vua Duy Tân thì có nghe nhưng không biết chỗ. Hỏi thăm mấy người dân ở nhà
mặt tiền đường cũng không ai biết. Mãi mới gặp một bác xe ôm vui vẻ chỉ đường.
Chẳng bận tâm chuyện
vua Dục Đức đã mắc tội gì, việc phế bỏ vua có phải lẽ hay không, chúng tôi
viếng An lăng với tâm trạng nặng nề, thương cảm. Một vị vua đã bị trừng phạt
quá tàn nhẫn bởi người xưa rồi đến nay đã hơn trăm năm trôi qua, người đương
thời vẫn thờ ơ, thậm chí phân biệt đối xử với khu di tích trong một quần thể di
sản văn hóa, lịch sử được quảng bá như là niềm tự hào về việc bảo tồn và khai
thác kinh doanh du lịch rầm rộ ở đất thần kinh.
Lúc ra về, người
trông giữ An Lăng nhắn nhủ chúng tôi, khi nào có dịp ra Huế hãy ghé lại thắp
nén hương cho đỡ tủi lạnh hương hồn nhà vua xấu số và hai vị vua nặng lòng yêu
nước mà bị lưu đày là Thành Thái và Duy Tân.