Thứ Ba, 7 tháng 10, 2014

Chuyện kể rằng...

  • Tư Miền Biển
Từ bé, chúng ta đã được nghe truyền thuyết về nòi giống Tiên Rồng qua cuộc hôn nhân Âu Cơ - Lạc Long Quân, chuyện Sơn Tinh - Thủy Tinh, chuyện Thánh Gióng, chuyện Chữ Đồng Tử và nàng Tiên Dung, chuyện chiếc nỏ thần của An Dương Vương với mối tình Mỵ Châu-Trọng Thủy....
Ngoài những truyền thuyết, huyền thoại chúng ta còn có cả kho tàng các sự tích về nguồn gốc các món ăn, các loài hoa, cây trái, chim muông, nhân vật và cả những cảnh vật tự nhiên... Nội dung những truyền thuyết, huyện thoại, sự tích... và cả sự phong phú, đa dạng của các câu chuyện ấy đã thể hiện rõ nét nhân sinh quan và tính cách của người Việt và chúng cũng như “gia vị” cho đời sống tinh thần thêm thi vị, lãng mạn và đáng yêu hơn.
Chúng ta lớn lên với thói quen nghe những câu “Chuyện kể rằng...” mà không mảy may nghi hoặc, chẳng phân tích, suy luận những điều được nghe trước khi tin vào những điều đó. Và có lẽ cái tính dễ tin này chính là nguyên nhân xuất hiện của vô số truyền thuyết, sự tích, huyền thoại... được ‘sản xuất’ và loan truyền vì những mục đích khác nhau.
Câu chuyện hai vị tiên đánh cờ trên đỉnh Sơn Trà (còn có tên là núi Tiên Sa, Hòn Nghê) và địa danh đỉnh Bàn Cờ không biết do ai ‘sáng tác’ và tự lúc nào, cũng như pho tượng ông tiên ngồi đánh cờ do nhà điêu khắc nào đục chạm và dựng lên đây lúc nào? Trong các bài báo mạng chỉ thấy nói là do... “người dân” địa phương dựng tượng (?!).
Các bài viết trên mạng thì lan nhanh như “bệnh truyền nhiễm”, chẳng tác giả nào chịu khó lục lại tài liệu trích dẫn của “ai đó” mà cứ phang bừa rằng Lê Quý Đôn kể chuyện hai ông tiên đánh cờ nói trên trong sách Phủ Biên Tạp Lục. Cứ thế sao chép hoặc “xào nấu” y như chính mình đã đọc và trích dẫn từ sách của học giả Lê Quý Đôn.
Nếu bạn nào đã lên thăm tượng ông tiên mê nhìn gái để thua cờ đó nhiều lần sẽ thấy bàn cờ đã thay đổi, vị trí, hình dạng và số quân cờ cũng thay đổi. Còn các bạn chưa có dịp lên tận đỉnh Bàn Cờ, có thể xem hai tấm ảnh dưới đây để thấy sự thay đổi trên bàn cờ.
Trong ảnh này, bàn cờ chỉ có 6 quân và các quân cờ khá mỏng.
Có thể thấy “ai đó” đã làm những việc này chứ đây không phải là di tích gì ráo; nhưng phải thừa nhận là họ đã thành công khi bịa ra truyền thuyết về đỉnh bàn cờ khi gán cho Lê Quý Đôn là người thuật chuyện. Có thêm một địa danh lôi cuốn du khách tham quan cũng là điều hay, chỉ e con cháu chúng ta lẫn lộn lung tung về các truyền thuyết... giả thật khó lường thì tội nghiệp cho chúng thay. Sao phải bịa ra sự tích, dàn dựng di tích trong khi di tích thật sự vẫn đang bị lãng quên, thậm chí tàn phá chỉ vì kinh doanh du lịch nhỉ?
Ảnh này thì bàn cờ có nhiều quân cờ với độ dày hơn gấp đôi quân cờ trong ảnh trên.
Ảnh do Phạm Hồng Sơn chụp chiều ngày 16/11/2014: