Thứ Hai, 13 tháng 7, 2015

Túng quá hóa liều

  • Hoàng Đằng

Đầu mùa đông Quảng Trị, trời mưa dầm dề, khi nặng hạt, khi lưa thưa. Rét lạnh đã về.

Trong một túp lều, một thiếu phụ đứng úp mặt vào tường, đầu quấn khăn tang trắng còn mới. Bên cạnh, cách bức màn vải mỏng màu xanh đã ố vàng, trên chiếc bàn trông ọp ẹp, hai cây đèn dầu thắp sáng leo lét, cái sáng cũng khó nhận ra vì bị phủ che bởi cái sáng ban ngày. Giữa hai ngọn đèn ấy là cái lư hương bằng sành hình ống, ở đó, trồi lên khỏi đám nhang tàn chen nhau chật ních, một que nhang đang nghi ngút cháy; những cuộn khói tí hon vòng vèo tiếp nhau bốc lên cao.


Chị Tánh năm nay 28 tuổi, dáng vẻ còn non nớt, nhưng diện mạo đã hốc hác, hai mắt quầng đen do thiếu ngủ, da dẻ sần sùi do rối loạn nội tiết mà nguyên nhân là lo nghĩ quá nhiều. Chiếc áo cánh không che đủ thân; từng luồng gió Đông Bắc thổi qua, chị run lập cập. Tất cả nói lên chị đã chịu nhiều đắng cay trong cuộc sống thường ngày.

Chị lấy chồng cách đây 5 năm. Hai vợ chồng là người cùng làng – một làng quê ở bờ bắc sông Thạch Hãn, sát thị xã tỉnh lỵ xưa.

Sau 1975, lao động nông nghiệp không đủ ăn. Ai có của cải gì dành dụm được từ trước, phải đem bán đi ăn lần; sống cái đã! Chẳng ai nghĩ rằng nếu bán hết của rồi thì lấy chi ăn tiếp. Bố mẹ hai bên đều nghèo cực, dựng vợ gả chồng cho con xong, chia ra ở riêng ngay để, ai có thân tự lo lấy, giảm gánh nặng gia đình.

Con ra ở riêng, bố mẹ chỉ cần che cho một túp lều là đủ. Dựng lều không tốn kém chi mấy; cột kèo cặp bằng tre, vách tráp phên đan bằng tre. Tre không phải mua; vợ chồng chúng nó cứ vác rựa đi khắp làng, xin mỗi nhà mỗi cây. Tình làng nghĩa xóm là vậy. Lợp mái thì cậy nhờ bà con vô rú bứt tranh. Người ta bày ra câu: “Một túp lều tranh đôi quả tim vàng” là để an ủi những cặp thanh niên mới nên vợ nên chồng ra riêng như thế.

Vợ chồng chị Tánh lao động trong hợp tác xã nông nghiệp, thu nhập từ phần ăn chia mỗi vụ mùa quá ít ỏi, vài chục ki-lô thóc, vài chục ki-lô sắn củ, khoai củ. Thiếu thốn trăm bề, họ phải tranh thủ đi làm ngoài. Chị ra Quốc Lộ 1 đón đường ai đi bán buồng chuối, trái mít, bó rau..., níu lại mua, đem ra chợ bán lại, kiếm lãi. Anh đi nhặt sắt phế liệu: mảnh bom, mảnh đạn... rơi vãi, còn sót lại từ thời chiến tranh.
Làm vậy cũng khổ tâm, khổ trí lắm! Trong những buổi họp mỗi tối của Đội, của Hợp Tác Xã, của Đoàn Thanh Niên, Hội Phụ Nữ, họ luôn bị phê bình, kiểm điểm. Ban đầu, họ rất ngại và sợ hình thức sinh hoạt này; càng về sau, tình trạng thiếu đói càng làm cho họ đâm liều, đâm lì.

Thấy cuộc sống của anh chị có khá lên, những thanh niên khác trong làng bắt chước làm theo. Thế là mỗi buổi sáng, dọc hai bên Quốc Lộ 1, nhiều người ngồi đón mua hàng hơn; ở những vùng đất trống, nhiều toán rảo tìm phế liệu hơn.

Chồng chị Tánh bàn bạc với chú em ruột và một đồng nghiệp hàng xóm hùn vốn sắm một máy rà cầm tay. Loại máy rà này mỗi cái có giá gần 5 triệu đồng, do một sinh viên ở thị xã tốt nghiệp Đại Học Kỹ Thuật thiết kế trong thời gian cậu ta đang chờ xin được việc làm ở khu vực Nhà Nước.
Kinh nghiệm cho thấy những toán dùng máy làm ăn thu nhập nhiều hơn bội phần. Những sắt vụn bị lấp do đất mà mưa cuốn tới sẽ được máy phát hiện reo lên; việc đào bới không còn may rủi nữa; lần đào nào cũng có thu hoạch, không nhiều thì ít.

Tối hôm ấy, ba người họp lên kế hoạch làm ăn ngày hôm sau. Mấy ngày nay, tiếng đồn đến tai họ là tại một khu rừng từng bị cháy vì bom trong thời gian chiến tranh, người ta lặt được nhiều sắt thép, có toán may mắn gặp được cả quả canon hay quả bom chưa nổ; gỡ ra, trong ấy, nào thuốc súng, nào kim loại quý, chưa kể khối lượng sắt thép. Nhiều người đến đó đã “trúng mánh”, có người mỗi ngày thu nhập đến mấy trăm ngàn.

Sáng hôm sau, ba người dậy thật sớm lên đường. Cúp, xẻng và chiếc máy rà - mới sắm cách đó hai tháng - lên vai.
Con chó nhà chị Tánh ngoắt đuôi lia lịa, cứ chạy quành từng vòng lọt vào giữa hai chân chồng chị, vẻ quyến luyến lắm. Con gà trống nhảy lên đậu trên đống rơm, cất tiếng gáy “Cô cô cồ” mấy hồi, chị vui mừng suy diễn con gà đang nói: “Có, có, có”, nghĩa là sẽ lặt được nhiều phế liệu.

Ra khỏi làng, ba người đi dọc bờ sông, lau lách hai bên đường rủ ngọn ra vì nước mưa trong đêm đọng nặng làm lá và đọt trĩu xuống.
Ở dưới sông, mấy chiếc thuyền chài đang gõ “lòng còng” đuổi cá vào lưới. Cảnh hoang vắng thế mà không ai chểnh mảng việc mưu sinh.

Đi được khoảng 5 cây số, đến nơi con sông cái chẻ ra một con sông nhánh nhỏ chia nước chảy về xuôi, ba người phải xuống chiếc xuồng máy đi tiếp.
Máy nổ đẩy xuồng chạy, o chủ xuồng cầm cái gàu thỉnh thoảng múc bớt nước ngấm vào lòng xuồng đổ ra ngoài. O vừa múc nước, vừa cất tiếng hò:

           “Eng ở dưới tê mà lên trên ni đào sắt phế liệu.
           Việc thiệt nguy hiểm mà eng có biết, có hiểu cho không?
           Em đưa eng đi, chỉ xin chúc, chỉ xin mong:
           Sáng eng đi tay không mà chiều về răng cho nặng bị ...”

Nghe hò đến đó, ba người cười vang, vỗ tay và hoan hô o lái xuồng tinh ý, có khiếu bày chuyện.

Sau hai giờ lướt nước, xuồng chạy xiên về phía bờ, tạt vào một bến nước. Nói là bến nhưng chỉ là một lối mòn nhỏ từ mép sông đi lên đồi. Toàn sim và sim; cây sim cao lút đầu người phủ cả đồi, chằng chịt. Ba người khom mình luồn giữa bụi cây để tiến lên, cành cây vướng cúp, xẻng, máy rà cứ kéo giật họ lại.

Rồi họ đến một khoảng trống giữa đồi, nơi đây chỉ cỏ tranh mọc dày, cao ngang lưng quần. Không chừng đây là bãi đáp trực thăng đổ bộ trong những trận “thư hùng” của quân đội hai bên ngày xưa.
Họ thả đồ nghề xuống đất, soạn cơm trưa đã bới theo ra ăn. Ba phần cơm gói trong ba chiếc mo cau, ép cứng, chen vào một gói ny-long nhỏ đựng chả trứng đổ mặn, mỗi gói khoảng một cái trứng. Nước chè cũng bới theo; chè được hầm cả đêm, nước đã ngả màu nâu đen.

Ăn uống xong, chồng chị Tánh đeo máy rà vào người tác nghiệp; chiếc máy đang khua qua khua lại thì “reng, reng, reng”, một hồi tiếng reo phát ra. Anh mừng quýnh, gọi người em và người hàng xóm đem cúp, xẻng tới. Người đồng nghiệp hàng xóm đưa cao cúp lên, bổ một nhát mạnh xuống đất.

Oằm. Một tiếng nổ long trời lở đất. Khói ngùn ngụt vừa bốc lên vừa tỏa rộng, cuồn cuộn, đen ngòm. Lửa bùng ngọn, bắt vào cỏ tranh, cháy lan ra. Hình bóng ba người chìm trong lửa khói.
Họ đã rà và đào trúng quả bom napalm.

Chao ôi! Chồng chị Tánh đã chết, mình mẩy rách nát, đen thui, Em chồng chị cũng chết, một cẳng chân và một cẳng tay lìa bay đâu mất; người đồng nghiệp hàng xóm thoi thóp, cả thân hình hầu như không còn chỗ nào khỏi cháy.
Thân nhân đến nơi đưa anh ấy về bệnh viện tuyến tỉnh cấp cứu; các y bác sĩ lượng giá mức bỏng đến 80% diện tích toàn thân.

Cả làng chấn động. Cùng một lúc, một gia đình phải lo đám tang cho hai người con trai đang tuổi thanh niên; một gia đình nữa đang phải lo chi phí điều trị cho đứa con “thập tử nhất sinh”.
Người đồng nghiệp hàng xóm điều trị bốn ngày ở bệnh viện tuyến tỉnh.

Qua giai đoạn cấp cứu choáng bỏng, bệnh viện không đủ khả năng và chuyên môn nữa, đã chuyển anh lên bệnh viện tuyến trung ương. Khi được bác sĩ thông báo chuyển viện, gia đình anh chần chừ vì không có tiền.
Dù vậy, họ vẫn âm thầm xoay xở, kêu khách bán ngay con trâu mẹ và con trâu nghé mới sinh. Đó là tài sản có thể bán nhanh được và cũng là công cụ sản xuất chủ yếu của nhà nông.

Nửa tháng sau, anh xuất viện trong tình trạng lớp da cháy đã lột, trắng bạch, chỉ còn các cơ tứ chi hơi cứng và co rút. Đáng lẽ anh phải tiếp tục điều trị bằng các phương pháp phục hồi chức năng, gia đình đành đầu hàng vì không còn gì để bán tiếp.

Anh đang nghỉ ngơi. Hy vọng một ngày không xa anh sẽ trở lại với công ăn việc làm – chắc chắn không phải là công việc rà tìm sắt thép phế liệu nguy hiểm ấy.
Hai đồng nghiệp của anh không còn; công cụ của anh cũng không còn. Sau vụ nổ, cái máy rà khốn nạn kia không còn nguyên vẹn, đã bán đổ bán tháo được hai triệu đồng; số tiền chia ra để người thì phụ chi phí mai táng, người thì phụ chi phí thuốc men.
Nhìn đồng nghiệp hàng xóm đang hồi phục, chị Tánh và bố mẹ chồng tủi, nức nở; nước mắt cứ chảy hoài vì cái mất mát quá lớn lao đang tạo ra vết thương lòng không thuốc gì làm lành được.

Chị Tánh đang thổn thức lo lắng trước hai đứa con gái còn quá nhỏ dại: đứa 4 tuổi, đứa 3 tuổi từ nay không cha; chuyện cơm gạo áo tiền, chuyện học hành và những chuyện tương lai của chúng chị biết chia vai cùng ai. Túp lều tạm bợ mai mốt hư hỏng đi, ai người che chắn. Bố mẹ chồng đã vào tuổi bảy mươi, bố bị bệnh thần kinh, tay chân luôn run lẩy bẩy, mẹ nửa lòa nửa sáng; người em dâu mới cưới về ba tháng, chắc chắn nó sẽ tính chuyện tương lai lâu dài, liệu nó cùng chị phụng dưỡng ông bà được bao lâu!

Người bạn hàng xóm sống đấy, nhưng nằm viện dài ngày đã lấy đi hết những của cải quan trọng của gia đình; và thời gian dưỡng bệnh càng dài, gia đình càng khốn đón vì không có một khoản thu nhập nào hết.
Trong làng, mọi người thì thầm: Giá như các thanh niên ấy không đi rà đào phế liệu thì ...
Mà đúng vậy, thời gian trước đây, họ đâu có làm nghề rà, đào phế liệu! Họ làm ruộng. Mùa màng đến, họ bận rộn theo các công việc: gặt, đập, gieo, cấy, cày, bừa. Rảnh rỗi, họ vào rừng chặt củi, phần để đốt, phần đem xuống thị xã bán để, dù ít ỏi, vẫn có đồng vô đồng ra. Họ sẽ không gặp tai nạn khủng khiếp đến thế nếu họ cam chịu thiếu đói triền miên.

Đời nông dân cơ cực lắm; “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, vậy mà không khi nào đủ sống.
Không phải họ không biết rà đào sắt phế liệu là nguy hiểm. Xa gần, lúc này lúc kia, đã từng có những vụ nổ gây thương tật nặng, gây chết người. Tuy nhiên, túng quá hóa liều, họ tự an ủi một cách dại dột “chết no hơn sống thèm”.

Đèn trên bàn thờ cứ để đỏ. Hương cứ ngún hết cây này lại thắp cây khác. Hai đứa bé sốt nóng từ hôm trước đã được gởi về nhà ông bà ngoại. Trong túp lều chỉ còn lại một mình, đứng mỏi lại ngồi xuống, chị Tánh úp mặt xuống bàn.

Vành khăn trắng để lọt ra ngoài mấy sợi tóc lưa thưa màu hoe do dầm mưa dãi nắng nhiều.
 Bên cạnh, cái giường tre trải chiếc chiếu mốc. Đầu giường, hai cái gối bẩn đen. Chỉ một cái có dấu đầu đè oằn xuống.

Bên ngoài, mưa rơi mạnh hơn, gió thổi dữ hơn.