Thứ Tư, 22 tháng 7, 2020

Cá ngựa - sinh vật biển độc đáo và đáng yêu



  • Mai Lĩnh - TS Trương Sĩ Kỳ

ĐỜI SỐNG LOÀI CÁ NGỰA

Cá ngựa thuộc bộ phụ cá Chìa vôi (syngnathoidei), họ syngnathidae. Các loài cá ngựa chỉ ở trong một giống Hippocampus (sau đây viết tắt là H.) và xuất hiện cách đây ít nhất 40 triệu năm. Kích thước của các loài cá này thay đổi khá lớn, loài nhỏ nhất (H.minotaur) chỉ dài 10-20mm, trong khi đó loài lớn nhất dài đến 300mm (H.ingens, H.kelloggi). Theo danh mục loài trên thế giới thì có gần 150 loài cá ngựa; nhưng thực tế chỉ có khoảng 35 loài, còn lại chỉ là tên đồng vật (synonym).

Cá ngựa là loài có hình dáng kỳ lạ: đầu giống đầu ngựa, mõm hình ống, không có răng, thân không có vảy. Đuôi dài dùng để bám, không có vây đuôi như các loài cá thông thường khác. Chúng thường bơi đứng, di chuyển chậm. Cơ thể có nhiều vòng xương thân và đuôi. Cá ngựa là loài lưỡng hình giới tính, có nghĩa là có sự sai khác giữa con đực và con cái theo hình thái ngoài: cá ngựa đực trưởng thành có túi ấp trứng nằm dưới phần bụng, cá cái không có túi này. Đây là dấu hiệu sinh dục thứ cấp.

Cá ngựa phân bố ở vùng biển nhiệt đới và cận nhiệt đới, tập trung chủ yếu ở vùng biển phía Tây Đại Tây Dương và Ấn Độ - Thái Bình Dương. Phạm vi phân bố của chúng từ 450 vĩ Bắc đến 450 vĩ Nam. Mặc dù phân bố rộng, nhưng trong tự nhiên số lượng cá ngựa không nhiều, chúng sống ở các dải ven bờ ở độ sâu vài mét nước cho đến 45m - 60m. Mật độ quần thể của cá ngựa ngoài tự nhiên rất thấp, ở Sydney (Australia) nơi có sinh cảnh thích hợp nhất với cá ngựa, mật độ chỉ có 01 con / 6 m2. Có trường hợp cá biệt 10 - 15 con / 1 m2.
Cá mái đang chuyển trứng cho cá đực
mang thai (ấp trứng) và sinh con

Cá đực đẻ hàng ngàn cá con mỗi lần

 Cá ngựa là sinh vật duy nhất trên hành tinh này
có con đực ấp trứng và đẻ con.


Cá con được "bắn" ra từng đợt từ bụng cá đực

Cá con chui ra khỏi bụng "cha"


Cá con chui ra khỏi bụng "cha"
















Cá ngựa chưa thành thục sinh dục thường sống đơn độc, nhưng chúng lại kết cặp vào mùa sinh sản và sống chung thủy với nhau ở một lãnh thổ nhất định. “Nhà” của cá đực thường có diện tích khoảng 1 m2, nhưng của cá cái có khi rộng đến 100 m2. Sự khác nhau về diện tích lãnh thổ giữa cá đực và cá cái làm giảm sự cạnh tranh về thức ăn và không gian trong nội bộ loài. Đây là một thích nghi nhằm nâng cao khả năng sử dụng cơ sở thức ăn của cá ngựa. Chúng thường sống ở vùng biển có nhiều rạn san hô, rong lá Hẹ,sargassum, hải miên (sponges) hoặc đáy là bùn cát.

Cá ngựa là loài rộng muối và rộng nhiệt. Giới hạn chịu nhiệt bình thường của cá ngựa như sau: loài cá ngựa Nhật Bản (H. japonicus) từ -50 C đến 360 C; loài cá ngựa Ba chấm (H. trimaculatus) 100 C đến 300 C; loài cá ngựa Đen (H. kuda): 90 C đến 340 C. Tính chịu muối của các loài cá ngựa thay đổi theo độ tuổi của cá thể, cá càng lớn thì biên độ chịu muối càng rộng. Cá con có thể sống ở nồng độ muối 15%o, nhưng cá trưởng thành có thể chịu được độ muối 5%o. Loài H. capensis có thể sống ở độ muối từ 1%o đến 59%o.







Do khả năng di chuyển chậm nên để tránh kẻ thù, cá ngựa thường sống len lỏi trong các thảm cỏ biển, rạn đá, rạn san hô, mầu sắc cơ thể có thể thay đổi theo môi trường sống để trốn tránh kẻ thù. Người ta đã phát hiện cá ngựa trong dạ dày của một số cá nổi biển khơi như cá thu ngừ, cá đuối, cá hồi, nhưng tần số xuất hiện của chúng không cao. Một số cua và chim biển cũng là địch hại của cá ngựa. Rõ ràng là nhờ khả năng “ngụy trang” mà chúng đã tránh được nhiều kẻ thù. Đôi khi cá ngựa chết do bão tố, bị sóng lớn dánh dạt lên bờ.

Cá ngựa có lẽ là động vật duy nhất trên hành tinh này có con đực ấp trứng và đẻ con. Vào mùa sinh sản, con cái có buồng trứng chín muồi kết cặp với một con đực ở một lãnh thổ riêng biệt. Thông thường vào buổi sáng cá đực và cá cái giao phối với nhau, sau đó cá cái chuyển trứng vào túi ấp của cá đực. Ở đó, trứng được thụ tinh, phôi phát triển trong túi ấp. Chính vì hiện tượng này, nên cho rằng cá ngựa có sự chuyển đổi vai trò giới tính. Thông thường cá thụ tinh ngoài, số lượng tinh trùng luôn luôn lớn hơn số lượng trứng trong môi trường nước. Do đó, số lượng trứng thụ tinh - hay nói chính xác hơn là thế hệ cá con sau này - phụ thuộc vào số lượng trứng hay cá cái hơn là cá đực. Nhưng năng suất sinh sản của cá ngựa lại phụ thuộc vào sức chứa của túi ấp, có nghĩa là phụ thuộc vào con đực hơn là con cái.
Cá mẹ chuyển trứng
 cho cá cha ấp
Cá ngựa là động vật biến nhiệt, cho nên các quá trình sinh lý (sinh trưởng, sinh sản, sinh dưỡng,...) của chúng phụ thuộc rất lớn vào nhiệt độ nước. Do đó, thời gian ấp trứng của cá đực cũng phụ thuộc vào nhiệt độ. Cá ngựa Ba chấm ở biển Trung Quốc có thời gian phát triển phôi là 19 ngày ở nhiệt độ nước là 22C, 50C; 16 ngày ở 240C và 11 ngày ở 28, 50C. Có tác giả cho rằng thời gian này kéo dài từ 10 ngày cho đến 6 tuần tùy theo loài và vùng phân bố. Khả năng đẻ của cá ngựa cũng tùy thuộc từng loài, thông thường là 200 -1.000 cá con, loài cá ngựa nhỏ H.zosterae thường chỉ đẻ 5 con, nhưng loài H.reidi có khả năng đẻ 1.527 con. Nếu so với các loài cá kinh tế khác thì rõ ràng là khả năng đẻ con của cá ngựa rất thấp.

Trứng cá ngựa chưa thụ tinh có hình quả lê, một đầu lớn và một đầu bé. Tế bào chất thường tập trung ở cực Động vật. Hai giờ sau khi thụ tinh, trứng có dạng hình cầu. Quá trình phân cắt và phát triển phôi cũng giống như các loài cá khác.

Cá con vừa sinh ra, sống độc lập ngay ngày tuổi đầu tiên và có kích thước 5-12mm. Kích thước cá con thay đổi theo vĩ độ, càng gần xích đạo thì kích thước cá con càng nhỏ. Tuổi thành thục lần đầu cũng thay đổi tùy theo loài. Cá ngựa H.zosterae thành thục sinh dục ở 3 tháng tuổi, trong khi nhiều loài khác bắt đầu đẻ ở nhóm tuổi từ 6 - 12 tháng tuổi. Mùa sinh sản và độ dài thời gian đẻ của cá ngựa tùy thuộc vào nhiệt độ,ánh sáng và cơ sở thức ăn. Nhiều tác giả cho rằng chúng là loài cá đẻ nhiều đợt trong năm. Theo phân tích lý thuyết sự phát triển noãn bào của buồng trứng,loài cá ngựa Ba chấm ở Trung Quốc đẻ 5 đợt từ tháng 5 đến tháng 9 hàng năm. Cá ngựa là loài sinh trưởng nhanh,vòng đời ngắn.


Trong tất cả các loài giống đực, có lẽ cá ngựa là yêu thương "vợ" nhất. Cũng như các loại động vật khác, "chàng" có tinh trùng, "nàng" có trứng. Nhưng cá ngựa đựclàm thay cho "vợ" chuyện "mang nặng đẻ đau".
Việc con cái chuyển trứng sang cho con đực ấp là một tập tính phức tạp và đặc trưng của loài cá ngựa. Cá đực nhận và ấp trứng trong một cái túi ở phía dưới bụng. Trong khoảng ba tuần lễ cá đực "mang thai", con cái thường xuyên "thăm viếng chồng", cho đến khi những chú cá con chui ra khỏi bụng "bố". Bình thường, cá ngựa sống đơn độc, chúng chỉ gần nhau vào mùa sinh sản. Nhưng không bao giờ xảy ra chuyện "lộn vợ lộn chồng" cặp nào ra cặp nấy. Đến mùa sinh sản, nếu một trong hai con bị mất tích, con còn lại sẽ chịu cảnh "góa bụa", sống cô độc mãi mãi.Chúng chỉ bước thêm bước nữa, khi gặp một cá ngựa khác phái nhưng cùng cảnh ngộ "ở góa" như nhau.


 Cá ngựa có ruột thẳng, ngắn, không có dạ dày. Cá con ăn các loài giáp xác (crustacae) nhỏ,phù hợp kích thước mõm của chúng. Cá trưởng thành ăn các loài sinh vật đáy như amphipoda, tôm palaemonidae... Trong điều kiện nuôi nhốt, cá ngựa có thể ăn các loài ấu trùng tôm và artemia ở các giai đoạn khác nhau. 

Trong phong trào nuôi cá cảnh biển, cá ngựa cũng được xem là loài cá chơi cảnh có giá. Tuy nhiên, bệnh tật và thức ăn cho cá ngựa nuôi trong bể kính vẫn còn là những khó khăn khiến cho phong trào chơi cá ngựa kiểng chưa phát triển rộng rãi.

KINH DOANH CÁ NGỰA TRÊN THẾ GIỚI


Hiện nay có ít nhất 36 quốc gia trên thế giới có thị trường kinh doanh cá ngựa với các mục đích khác nhau. Ở các nước phương Tây, cá ngựa sống được nuôi làm cảnh; ở phương Đông, chúng được sử dụng cho mục đích y học. Việt Nam, Philippines, Ấn Độ, Thái Lan ... là những nước có lượng cá ngựa xuất khẩu khá. Trung Quốc, Singapore vừa xuất vừa nhập khẩu cá ngựa. Về tiêu thụ, có lẽ các nước châu Á là thị trường mạnh nhất,đứng đầu vẫn là Trung Quốc.

Tại Trung Quốc, việc nuôi cá ngựa kinh doanh có lẽ được bắt đầu từ những năm 50. Ở hai tỉnh Guangxi và Guangdong từng có 7 cơ sở nuôi cá ngựa với quy mô khá lớn, nhưng đã ngưng hoạt động từ 20 năm nay.

Ở Philippines, từ năm 1988,cá ngựa được nuôi tại đảo Marrunggas nhưng không thành công. Hiện nay (từ 1998) đề án nuôi cá ngựa của Philippines được thực hiên tại Trung tâm Phát triển Nghề cá Đông Nam Á ( SEADEC,Philippines). Vài năm gần đây, Thái Lan bắt đầu nghiên cứu nuôi cá ngựa thương phẩm trong điều kiện phòng thí nghiệm nhưng kết quả chỉ dừng lại ở bước đầu. Một số nước khác như Úc, Ấn Độ, Nam Phi, Bỉ, New Zealand đang tập trung nghiên cứu đặc điểm sinh học, sản xuất giống và nuôi cá ngựa thương phẩm, nhưng kết quả đạt được còn rất hạn chế.

Các loài thuộc giống cá ngựa không có giá trị dinh dưỡng, nhưng dược tính cao, được dùng bào chế trong nhiều loại thuốc. Ở các nước phương Tây, người ta còn nuôi cá ngựa chơi cảnh. Theo ước tính của một số chuyên gia nước ngoài, hàng năm có khoảng 20 triệu con cá ngựa được tiêu thụ trên thế giới vì các mục đích trên. Chỉ tính riêng ở Trung Quốc, hàng năm có hơn 20 tấn cá ngựa khô (khoảng 6 triệu con) được sử dụng trong Đông y dược. Cá thường được sử dụng ở dạng khô,có nơi chúng được bào chế thành thuốc viên hình con nhộng như thuốc Tây. Có ý kiến cho rằng,những con cá ngựa có kích thước nhỏ thường được dùng chế loại thuốc viên này vì khó bán ở dạng nguyên con.

Thông thường, con cá càng lớn càng cao giá. Về loài, cá ngựa Gai và cá ngựa Thân Trắng có giá trị xuất khẩu cao hơn các loài khác. Theo ý kiến người tiêu dùng, cá có màu trắng hoặc màu vàng có chất lượng tốt hơn. Thị trường Trung Quốc, đặc biệt là HongKong lại rất chuộng loại cá có màu trắng và không có gai. Vì thế,nhiều loại cá ngựa bị tẩy màu để hợp thị hiếu tiêu dùng của thị trường khổng lồ đó. Ở HongKong, giá cá ngựa khô có chiều dài hơn 150mm có lúc lên đến 1.200 USD/ kg.

Do nhu cầu tiêu thụ cá ngựa ngày càng lớn, dẫn đến tình trạng nguồn lợi cá ngựa ngoài tự nhiên ngày càng giảm. Sự giảm sút có thể thấy qua việc giảm cả về kích thước cá khai thác lẫn đơn vị đánh bắt trên đơn vị cường lực theo thời gian. Trước đây, kích thước thương phẩm cá ngựa thường lớn hơn 120mm, nhưng hiện nay, thị trường cá ngựa đã xuất hiện loại cá chỉ có chiều dài hơn 80mm. Vì thế,cá ngựa đã trở thành đối tượng được nhiều nhà nghiên cứu bảo tồn thiên nhiên quan tâm.


CÁ NGỰA Ở VIỆT-NAM

Đến nay đã phát hiện được 7 loài cá ngựa sống ở vùng biển nước ta: cá ngựa Gai, cá ngựa Gai Dài, cá ngựa Ba Chấm, cá ngựa Đen, cá ngựa Thân Trắng, cá ngựa Đốm Trắng và cá ngựa Mõm Ngắn. Cá sống phân bố chủ yếu từ vùng biển Đà Nẵng đến Kiên Giang; càng tiến ra phía Bắc, sản lượng khai thác càng giảm. Vùng biển có nhiều cá ngựa nhất là Kiên Giang.

Loài cá ngựa có kích thước nhỏ nhất ở nước ta là loài Mõm Ngắn, lớn nhất là loài cá ngựa Thân Trắng, dài đến 30cm. Hai loài có sản lượng khai thác lớn nhất là cá ngựa Gai và Ba Chấm. Các loài cá này thường bị khai thác ở vùng nước ven bờ, độ sâu không quá 30 mét nước.

Hầu hết các loài cá ngựa ở nước ta đều sinh sản quanh năm,khả năng đẻ của cá đực không lớn,thường dao động từ 200 con đến 1.500 con. Chu trình sống của cá ngựa ngắn,chỉ 3-4 năm. Cá 1-2 năm tuổi chiếm phần lớn trong sản lượng khai thác. Cũng như ở các nước khác, nguồn lợi cá ngựa ở Việt Nam đang bị giảm sút. Nguyên nhân do môi trường biển, sinh cảnh của cá ngựa bị phá hủy bởi nhiều hoạt động của con người. Đó cũng là thảm họa chung cho cả các loài hải sản khác.

Hiện nay, Viện Hải Dương Học (Nha Trang) đã thực hiện đề án “Bảo vệ nguồn lợi cá ngựa” do Anh Quốc,IDRC (Canada),Đại sứ quán Canada tại Hà Nội và Columbus Zoo (Mỹ) đồng tài trợ. Mục đích của đề án nhằm sử dụng bền vững nguồn lợi cá ngựa biển ở Việt Nam thông qua các nghiên cứu về cơ sở sinh học của cá ngựa; nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ sinh vật biển và nghiên cứu quy trình nuôi thương phẩm một số loài cá ngựa. Các nhà nghiên cứu đã thu thập số liệu nhiều năm về đặc điểm sinh thái và sinh học của cá ngựa nhằm làm cơ sở khoa học cho việc đề xuất biện pháp bảo vệ.

Một điều đáng lưu ý là bảo vệ cá ngựa không có nghĩa là ngăn cấm việc khai thác chúng ngoài tự nhiên, mà phải duy trì khai thác chúng một cách bền vững phục vụ cho lợi ích lâu dài của con người. Hằng năm, hàng ngàn cá con 1 tháng tuổi đã được thả ra biển để phục hồi nguồn lợi. Nhiều lớp tập huấn về sản xuất giống cá ngựa đã được tổ chức nhờ sự tài trợ của Đại sứ quán Canada ở Hà Nội. Viện Hải Dương Học Nha Trang thường xuyên tổ chức những buổi nói chuyện với ngư dân và học sinh,sinh viên ở Khánh Hòa về vấn đề bảo vệ môi trường biển.

Việc thực hiện đề án đã bước đầu khép kín được chu trình nuôi thương phẩm loài cá ngựa Đen trong điều kiện thí nghiệm và đang tiếp tục hướng nghiên cứu triển khai ứng dụng cho cộng đồng nhằm phát triển nghề nuôi cá ngựa ở Việt Nam. Hai vấn đề cần giải quyết hiện nay là thức ăn và bệnh của cá ngựa. Mặc dù còn gặp một số khó khăn trong việc hoàn chỉnh quy trình công nghệ nuôi cá ngựa ở quy mô đại trà,nhưng mục tiêu của đề án có tính khả thi và hiệu quả khoa học,thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học trên thế giới.



THỊ TRƯỜNG CÁ NGỰA VIỆT NAM

Cá ngựa ở Việt Nam thường được tiêu thụ ở dạng khô, chỉ một số rất ít được nuôi làm cảnh ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Nha Trang. Cá ngựa khô được bày bán nhiều nhất tại các hàng hải sản khô ở chợ Đầm và khu vực Cầu Đá, Nha Trang. Cá ngựa sống bán tại Cầu Đá (Nha Trang) cao hơn (150%) so với cá khô cùng cỡ. Tại thành phố Hồ Chí Minh, trên đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5), nhiều hiệu thuốc Bắc có bán cá ngựa khô. Một số nơi ở miền Bắc như Hà Nội, Quảng Ninh, Móng Cái... cá ngựa cũng được bán trong các hiệu thuốc Bắc.

Giá cá ngựa thay đổi tùy theo chất lượng, số lượng mua bán và địa phương. Ở các tỉnh như Kiên Giang, Bình Thuận, Khánh Hòa, giá cá ngựa thấp hơn so với các địa phương khác trong nước. Giá cả còn thay đổi tùy theo mức trực tiếp hay gián tiếp mua. Nếu quy ước người mua trực tiếp của ngư dân là mức 1, người mua lại của mức 1 là mức 2 và cứ thế tiếp tục. Thường thì thương nhân nước ngoài phải mua ở mức 2, mức 3. Giá cả thay đổi theo đó, cứ mỗi mức tăng giá tăng theo mỗi bậc khoảng 200.000 đồng đến 300.000 đồng mỗi ký cá khô. Lượng cá ngựa khai thác ở nước ta tiêu dùng nội địa không nhiều,chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc, Đài Loan. Ước tính sản lượng cá ngựa Việt Nam xuất khẩu hàng năm ước tính không dưới 5 tấn.

Hiện nay, việc kinh doanh cá ngựa gặp khó khăn do cung không đủ cầu. Một số doanh nghiệp đã chịu bó tay trong khi có rất nhiều đơn đặt hàng của nước ngoài. Những năm trước đây, một doanh nghiệp ở Đà Nẵng bán sang Trung Quốc mỗi năm khoảng 1 tấn cá ngựa khô, nhưng đến nay phải ngưng vì không có đủ số lượng đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Thời gian gần đây, nhiều thương nhân Singapore, Australia, HongKong đến Việt Nam tìm mua cá ngựa với số lượng mỗi lần xuất khoảng 300 - 500 kg cá khô. Do phải mua gom từ nhiều địa phương, tốn nhiều công sức và thời gian nên ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế cho nhà buôn.

Hiện nay, vấn đề cần đặt ra là làm thế nào để có được số lượng cá ngựa thương phẩm đáp ứng cho nhu cầu xuất khẩu khá lớn của các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời hạn chế việc đánh bắt bừa bãi cá ngựa ngoài tự nhiên, duy trì nguồn lợi lâu dài, bền vững. Giải pháp có tính khả thi là đầu tư nghiên cứu và tổ chức nuôi đại trà cá ngựa cho mục tiêu kinh tế và bảo vệ nguồn lợi loài cá quý hiếm này. 



Cá ngựa khô
Ngâm rượu




      








CÔNG DỤNG CỦA CÁ NGỰA
  • Theo Đông Y cá ngựa có tính ôn, vị ngọt, không độc. Ở Trung Quốc, cá ngựa được dùng làm thuốc và ghi đầu tiên vào bộ sách Bản thảo Cương mục Thập di của Triệu Học Mẫn (1765).
  • Theo Giáo sư-Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi (*): Trong nhân dân người ta coi cá ngựa là một vị thuốc bổ có tác dụng kích thích sinh dục, thường dùng cho người già yếu ,suy nhược thần kinh. Cá ngựa chữa bệnh đau bụng; phụ nữ dùng khi sinh nở hoặc lúc đẻ khó. Cách dùng: mỗi ngày dùng 4-12 gam dưới dạng thuốc sắc; hoặc sấy khô vàng một đôi cá ngựa,tán thành bột để dùng hay làm thành thuốc viên. Ngày uống 3 lần,mỗi lần 1-3 gam bột hoặc viên. Uống với nước hoặc rượu.
  • Chữa bệnh liệt dương của đàn ông và phụ nữ vô sinh theo bài thuốc kinh nghiệm trong dân gian: Sấy khô vàng một cặp cá ngựa đem tán bột. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 gam. Dùng rượu để chiêu thuốc.
_________________________________________________________________________________

(*) Sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của GSTS Đỗ Tất Lợi; Nhà xuất bản Khoa Học và Kỹ Thuật.