Chủ Nhật, 19 tháng 7, 2020

Gốm Chăm Bầu Trúc



  • Bài và ảnh: Lê Ký Thương

Từ TP.HCM theo QL1A về hướng Bắc, đến Km 1566 chúng ta sẽ gặp địa phận làng gốm thủ công cổ truyền Bầu Trúc thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Đường dẫn vào làng được tráng nhựa, thay cho đường đất sỏi lâu đời và chiếc cổng mới xây dựng nằm trong dự án của Nhà nước bảo tồn làng nghề gốm thủ công cổ truyền duy nhất ỏ Đông Nam Á - một làng nghề đã có từ thời Vua Chăm Pô Klong Garai (trị vì 1151-1205) vẫn còn lưu giữ đến ngày nay.


Xưa kia làng có tên Chăm là “Paley Hamu Trok”, người Việt gọi là làng Ma Tró, còn địa danh hành chính là làng Vĩnh Thuận, có từ thời Minh Mạng (1832). Sau trận lụt lớn năm 1964 (Giáp Thìn), làng được dời về vị trí cao ráo hiện nay, cách làng cũ hai cây số, cạnh một hồ nước lớn, quanh hồ có nhiều trúc nên gọi nôm na là Bầu Trúc và trở thành địa danh của làng từ đó đến nay (nhiều người Việt phát âm là Bàu thay vì Bầu)

Thọat nhìn toàn cảnh làng, không thấy dáng vẻ của một làng gốm thủ công cổ truyền mà báo chí trong nước nhắc đến khá nhiều. Nó giống như những ngôi làng Chăm Bà-la-môn khá nhiều ở vùng Ninh Thuận, Bình Thuận. Trong sân vườn mỗi khuôn viên nhà đều không có cây - theo quan niệm của họ: ‘cây cao bóng cả’ là nơi trú ngụ của thần linh, chỉ trồng ở các đền, tháp!
Đền thờ Thần làng Po Klong Chan

Làng cũ bây giờ là vùng đất canh tác hoa màu, chỉ rải rác vài ngôi nhà gạch kiên cố hay những chòi tranh giữ vườn hiện lên giữa những vườn nho xanh. Nơi đây có đền thờ Thần làng Po Klong Chan đồng thời là ông Tổ nghề gốm Bầu Trúc gắn liền với quá trình thành lập làng. Xưa, đền là một ngôi nhà tạm bợ vách tre, mái rạ. Đến năm 1967 dân làng góp tiền thuê người Việt xây dựng lại theo lối kiến trúc gần giống đền miếu Việt.

Truyền thuyết về tổ nghề gốm Bầu Trúc

Theo truyền thuyết, ông tổ nghề gốm Bầu Trúc là Pô Klong Chan, người bạn chí cốt của vua Pô Klong Garai từ thời niên thiếu. Pô Klong Garai lúc sinh thời mình đầy ghẻ lác, đi ở đợ chăn trâu. Một hôm đàn trâu bị lạc, Pô Klong Garai đi tìm thì gặp Pô Klong Chan, hai người kết thân với nhau. Lúc bấy giờ, Pô Klong Garai quyết định bỏ đàn trâu, trốn chủ và cả hai rủ nhau đi buôn trầu. Trên đường đi bán trầu, khi đến hòn đá chẻ thuộc làng Chung Mỹ ngày nay, Pô Klong Garai cảm thấy đau nhức toàn thân, không thể đi tiếp. Pô Klong Chan thương bạn nhưng không biết phải làm gì, đành bỏ bạn ở lại rồi chạy về nhà báo tin cho cha mẹ bạn biết. Đến chiều tối, khi Pô Klong Chan cùng gia đình Pô Klong Garai trở lại nơi này thì họ đều ngạc nhiên thấy một con rồng đang liếm toàn thân Pô Klong Garai. Và mầu nhiệm thay, ghẻ lác trên người Pô Klong Garai biến mất, ông trở thành một thanh niên khôi ngô, tuấn tú... 
Khi trở thành vua xứ Pandarang, nhớ đến tình bạn cao đẹp ngày xưa, Pô Klong Garai mời Pô Klong Chan về triều phong chức tước, nhưng Pô Klong Chan từ chối. Ông trở về quê, tập họp dân làng dạy nghề gốm. Nhớ công ơn to lớn của bậc tiền hiền, dân làng lập đền thờ Pô Klong Chan ngay tại làng cũ Hamu Trok, tôn vinh ông là Thần làng và tổ sư nghề gốm. Từ bao đời nay, hàng năm, người Chăm Bầu Trúc đều tổ chức 4 lễ cúng tế trang trọng Thần Pô Klong Chan vào bốn thời điểm khác nhau.

Kỹ thuật sử dụng nguyên liệu gốm Bầu Trúc

Cánh đồng đất sét (Hamutanu Lan), rộng khoảng 20 ha, cách làng khoảng 4 cây số. Từ bao đời nay, sau khi thu hoạch xong vụ lúa xuân hè, người Chăm Bầu Trúc đến đây khai thác đất làm gốm.

Sông Lu chảy vòng quanh làng Bầu Trúc, vượt qua cầu Phú Quý trên quốc lộ 1A rồi đổ về hướng đông, cắt đôi làng Mỹ Nghiệp - với nghề thủ công cổ truyền dệt thổ cẩm - và làng gốm Bầu Trúc. Vào mùa khô, nước cạn, người làm gốm Bầu Trúc lấy cát mịn nơi con sông này về trộn với đất sét để tạo ra sản phẩm. Theo họ, ngoài cát sông Lu không có cát sông nào khác có thể làm chất phụ gia.
Sông Lu cung cấp nguồn cát phụ gia đất sét làm gốm Bầu Trúc

Đất sét khai thác ở cánh đồng cách làng 4km

 Thợ gốm dùng thanh gỗ hay búa đập cho viên đất vỡ nhỏ 

Nhồi đất sét trộn phụ gia rồi đạp bằng chân... 
... và nhồi bằng tay thành từng lọn như trái bí đao, bảo quản
nơi râm mát và ủ kín bằng bao nylon để giữ độ ẩm của đất.
Đất sét từ “mỏ” đưa về nhà được phơi khô và cất giữ nơi khô ráo, tránh lẫn với đất thường và các tạp chất khác. Nếu có tạp chất thì họ dùng sàng tre để loại bỏ.
Trước khi cho vào hố ngâm, người thợ gốm dùng thanh gỗ hay búa đập cho viên đất nhỏ ra để dễ tan trong nước.

Hố ngâm đất sét, chiều sâu khoảng 50 cm và miệng hố khoảng 40 cm. Để giữ miệng hố khỏi sạt lở, dễ lấy đất ra sau khi ngâm xong, người thợ gốm dùng miệng lu đất làm miệng hố. Lượng đất sét được ngâm trong hố theo tỉ lệ 2/3 đất + 1/3 nước sạch không chứa calci và phèn. Đất sét rất kỵ hai chất này. Điều này giải thích tại sao người Chăm xưa kia phải dùng đồ gốm Biên Hòa hay Bình Dương để đựng nước mắm, muối và nước có độ phèn mà không dùng sản phẩm của họ làm ra.

Cách ngâm đất làm gốm của người Chăm Bầu Trúc là chỉ ngâm trong hố đất, không được ngâm đất trong bất kỳ đồ đựng nào. Đây là kinh nghiệm dân gian từ xa xưa truyền lại. Người thợ gốm ở đây đã nhiều lần ngâm thử đất trong lu, hoặc các lọai thùng đựng bằng nhôm, nhựa... thì đất luôn bị hư, không đủ độ dẻo để làm gốm.

Đất sét ngâm trong hố khoảng 12 tiếng đồng hồ thì đạt độ dẻo, sau đó người thợ gốm lấy ra, trộn với cát mịn sông Lu không lẫn tạp chất như sỏi, sạn, hay các khoáng chất khác theo tỉ lệ 1 - 1 (nếu sản phẩm cỡ to lớn như lu, thạp...) hoặc 1 đất - 2 cát (nếu sản phẩm cỡ nhỏ như nồi, trã...)

Người thợ gốm bắt đầu nhồi đất tuần tự theo hai giai đoạn: đạp đều bằng chân và cuộn tròn bằng tay. Công đoạn này thường do lao động nam đảm nhận, cứ thế đến khoảng chục lần đất và cát hòa quyện vào nhau một cách nhuần nhuyễn và trở thành đất làm gốm.

Khi thực hiện xong công đoạn trên, người thợ gốm bắt đầu xe đất thành từng lọn một rồi bảo quản nơi râm mát và ủ kín bằng bao nylon để giữ độ ẩm của đất.

Quy trình chế tác cổ truyền

Gốm Chăm Bầu Trúc tuy cơ bản được làm bằng tay nhưng họ còn dùng một số dụng cụ phụ trợ để tạo hình dáng gốm: vải cuộn (Panek) làm từ vải thô được xếp lại thành 3 lớp dùng để thấm nước chà láng thân gốm và tạo hình các kiểu miệng gốm; vòng quơ (Ta khoh) làm bằng cây thực vật có thân tròn, nhỏ, dài khoảng 50 cm được uốn cong lại thành hình tròn có đường kính 20 cm, dùng để chải láng thân gốm và đáy gốm trước khi chải láng bằng vải cuộn; vòng cạo (Tanuh) làm bằng thanh tre vạc mỏng, uốn lại thành hình tròn (đường kính khoảng 10 cm) rộng vừa đủ cầm tay, dùng để cạo mỏng bên trong thân gốm và đáy gốm.
Bên cạnh những dụng cụ chính nêu trên, người thợ gốm Chăm Bầu Trúc còn dùng hòn kê bằng sản phẩm gốm hỏng; dao nhọn, thanh tre vót nhọn đầu và dùng những nụ hoa, vỏ sò để in dập hoa văn trên gốm...
Để cho gốm ráo nước, người thợ tiếp tục tạo dáng miệng sản phẩm. Kĩ thuật bẻ miệng gốm được thực hiện lần lượt như sau: bẻ miệng đứng, rồi đến miệng loe, hơi loe, cuối cùng là miệng khum. Thao tác bẻ miệng gốm là giai đoạn cuối cùng trong công đoạn tạo hình dáng gốm Chăm Bầu Trúc.
Sản phẩm chờ khô

Tạo dáng miệng bình


Trang trí sản phẩm

Thợ gốm di chuyển xoay quanh để tạo
dáng sản phẩm kê trên kệ cố định
 Gốm Chăm Bầu Trúc được trang trí ngay sau khi tạo hình kiểu dáng gốm kết thúc. Lúc này gốm chưa rời khỏi hòn kê, còn ẩm ướt cho nên rất thuận lợi cho việc trang trí.
Người thợ dùng hoa văn vỏ sò, các nụ hoa, mẫu hoa thực vật để in, dập lên trên vai gốm. Mẫu vỏ sò còn tạo cho gốm Chăm có những hoa văn hình răng cưa đẹp mắt. Ngoài những hình răng cưa của vỏ sò người thợ gốm còn dùng xương của vỏ sò bị canxi hoá lâu năm thành cục vôi để bào nhẵn thân gốm, tăng thêm độ bóng khi gốm hơi khô. Các loại hoa văn in, dập trên gốm Chăm Bầu Trúc phải kể đến các loài hoa thực vật. Ở loại hoa này người thợ gốm Bầu Trúc thường dùng nụ hoa đã nở rộ, khô cứng như loài hoa “cà dược” (Pa duk chiek) loại hoa này thường nở rộ bốn mùa có nhiều ở vùng Chăm Ninh Thuận. Hoa văn trên gốm Chăm Bầu Trúc còn có loại hoa móng tay, hoa văn thừng đắp nổi, thường trang trí phổ biến cho loại thạp đựng gạo (Khan brah) và các loại đồ đựng dâng cúng thần linh.
Ngoài ra còn chế biến màu thực vật để bôi làm màu hoa văn cho áo gốm khi gốm được nung vừa mới ra lò còn hơi nóng.
Cạo, chuốt sản phẩm


Hoa văn

Bôi màu ngay khi sản phẩm vừa nung xong.


Sản phẩm chờ nung



























Số lượng gốm được tích luỹ đến một số lượng nhất định thì mới đem ra nung. Thông thường một mẻ

Chuẩn bị bãi nung gốm 

Phơi sản phẩm trước khi đốt

Phủ rơm và các loại chất đốt nung gốm

Tàn lửa, để ủ nóng cho gốm chín tiếp.

Tro nguội mới hoàn thành một mẻ nung sản phẩm
100 cái gốm nhỏ như nồi, chậu, lò nấu … Để có số lượng gốm như trên thì ít nhất 3 công thợ gốm làm trong một tháng. 







Khi nung gốm, người Chăm thường chọn thời gian vào các mùa nóng, khô, tránh mùa gió (vào khoảng thời gian từ tháng 11 đến tháng 8 năm sau). Trước khi nung, thì đem gốm trong kho ra phơi trong thời gian một ngày. Nguyên liệu nung gốm chủ yếu là củi khô, phân trâu bò khô, rơm rả, xác, bã thực vật như trấu.





Ký ức và hiện tại

Từ lâu, đồ gốm gia dụng Bầu Trúc gắn liền với sinh hoạt hàng ngày trong gia đình người Việt cư ngụ ở vùng duyên hải và cao nguyên miền Trung. Trong ký ức của tôi vẫn in đậm hình ảnh người đàn bà Chăm đầu đội chiếc giỏ tre to đựng nào lu, vò, nồi, niêu, trả, chậu, ấm nấu nước, lò đun, lò đổ bánh căn... và cả chiếc đồng binh bằng đất, trọng lượng đến sáu bảy chục kí-lô, chân trần đi bán dạo khắp các làng quê dưới nắng hè oi ả… Tôi đã ăn cơm nấu bằng chiếc nồi làm từ đây, uống nước đựng trong chiếc vò làm từ đây... Và bây giờ những sản phẩm gốm đó vẫn còn sản xuất ở đây.
Cụ Trương Thị Dạn

Cụ Dạn vẫn nhanh nhẹn và cần cù làm
hàng gốm mỗi ngày
Thế mà bây giờ tôi mới tận mắt thấy phương thức làm gốm của họ. Cụ Trượng Thị Dạn, 76 tuổi, lưng đã còng nhưng đôi mắt còn tinh anh và đôi bàn tay tuy nhăn nheo nhưng còn rất nhuyễn, đã đi quanh hòn kê là chiếc lu cũ lật ngược, nặn từ lọn đất hình quả bí đao thành những chiếc bình cao khoảng 60 cm, mỗi chiếc mất nửa tiếng, tất cả hình dáng và kích cỡ đều như nhau. Thật đáng khâm phục! Những người tài nghệ như cụ ở làng còn rất ít. Những chiếc bình cụ nặn, ngay sau đó, được một nghệ nhân trẻ, đắp thêm chi tiết và hoa văn, thực hiện thêm vài công đọan như nạo mỏng, miết láng để tạo thành sản phẩm mỹ nghệ.

Từ khi đồ gia dụng nhôm nhựa phổ biến, gốm Bầu Trúc ngày càng mất thị trường tiêu thụ. Đời sống dân làng đã khó khăn càng khó khăn thêm. Gần đây, nhiều gia đình chuyển hướng làm gốm thủ công mỹ nghệ, nhưng chưa tìm được đầu ra hoặc không biết đâu mà tìm, chỉ có một số ít gia đình tự tìm kiếm thị trường thì tạm sống được.

Bài và ảnh: Lê Ký Thương
_________________________________________________________________________________
(Bài viết này có tham khảo nhiều nguồn viết về Gốm Chăm Bầu Trúc. Trân trọng cám ơn các tác giả).