Những bức thư thơ 01.Tiết phụ ngâm - 02.Đời đáng chán


01. TIẾT PHỤ NGÂM

Nha Trang, tiết Đại Hàn năm Bính Thìn (1977)

Hoàng Ly,
Tác giả bài TIẾT PHỤ NGÂM là TRƯƠNG TỊCH, đời Đường, và bài thơ làm theo lối Thất Ngôn cổ phong. Xin chép toàn thiên cho Hoàng Ly ngâm vịnh:

Quân tri thiếp hữu phu

Tặng thiếp song minh châu
Cảm quân triền miên ý
Hệ tại hồng la nhu
Thiếp gia cao lâu liên uyển khỉ
Lương nhân chấp kích Minh quang lý
Tri quân dụng tâm như nhật nguyệt
Sự phu thệ nghĩ đồng sinh tử
Hoàn quân minh châu song lệ thuỳ
Hận bất tương phùng vị giá thì.
Nghĩa là:
Biết thiếp có chồng rồi
Tặng minh châu một đôi
Cảm ơn chàng quyến luyến
Đeo bên áo hồng tươi
Nhà thiếp lầu cao gần Ngự uyển
Chồng làm chấp kích Minh quang điện
Trăng sao sáng tỏ tâm ý chàng
Sống thác nhờ chồng xưa trót nguyện
Thôi đành gạt lệ trả minh châu
Hận lúc chưa chồng chẳng gặp nhau.

Trước khi nói về nguyên nhân sáng tác bài thơ, tôi xin nói sơ qua tiểu sử của tác giả:
TRƯƠNG TỊCH, tự là Văn Xương, quê ở Ô Giang (Hoà Châu), đổ tiến sỹ đời Đường Đức Tôn (780 - 805), làm Quốc Tử Trợ giáo Bí thư lang. Văn chương lừng lẫy. Những nhà danh vọng đương thời như Lệnh Hồ Sở, Bùi Độ, Bạch Cư Di, Nguyên Chẩn. đều kính trọng và kết giao. Đời vua Hiến Tông (806-821), Hàn Dũ tiến cử lên chức Quốc Tử Tư nghiệp Thuỷ bộ Viên ngoại lang.
Khi về cư tang ở Ô Giang, quan Nguyên soái Đồng bình là LÝ SƯ ĐẠO cho người thân tín đưa thư và vàng lụa đến mời Trương về giúp việc để thêm vây cánh. Trương không đi, làm bài TIẾT PHỤ NGÂM để đáp lời mời Lý Sư Đạo.
Mượn lời người tiết phụ để tỏ ý chí của mình, xưa nay các văn chương thường làm. Ở Việt Nam chúng ta có ĐÀO DUY TỪ là một.

ĐÀO DUY TỪ, người Thanh Hoá, sinh thời Lê Anh Tôn (1556-73). Vì con nhà ca xướng, nên không được thi cử, ĐÀO công tức mình bỏ về quê vào Quy Nhơn, ở chăn trâu cho một phú gia tại làng Tài Lương huyện Bồng Sơn. Sau nhờ quan Khám Lý TRẦN ĐỨC HOÀ biết tài, tiến cử lên chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Nhà chúa trọng đãi phong chức Nha uý Nội tán trước Lộc Khuê hầu (năm Đinh Mão 1627). Từ ấy thế lực Nam hà mỗi ngày một thêm lớn mạnh.
Hối tiếc mình đã bỏ phí một cao tài cho Nguyễn vương dùng, TRỊNH TRÁNG ngầm phái người vào Nam thuyết phục Đào công trở về đất Bắc. Công thác lời người thiếu phụ, soạn một khúc ca gởi cho Trịnh Tráng:
Ba đồng một miếng trầu cay
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không
Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng như cá cắn câu.
Cá cắn câu biết đâu mà gở
Chim vào lồng biết thuở nào ra?
Nhưng Trịnh Tráng không nản, vẫn tiếp tục cho người vào khuyên dụ. Đào công lại phải gởi nhắn về Bắc hà hai câu lục bác tỏ ý keo sơn của mình:

Có lòng xin tạ ơn lòng

Đừng đi lại nữa mà chồng em ghen.
Bài của Trương Tịch phổ biến trong làng thơ Trung Hoa và Việt Nam trên một nghìn năm nay. Khách phong tao không mấy ai không thuộc, không biết. Còn bài của Đào Duy Từ thì đã trở thành ca dao. Người Việt Nam dùng làm của chung. Ít người quan tâm đến tác giả và nguyên nhân sáng tác.
Đó là hai áng văn chương bất hủ. Giá trị khó phân cao thấp, nhưng tính chất thì khác hẳn nhau.
Bài của Trung Hoa, ý cương mà lời nhu. Yểu điệu, đoan trang, rõ là khẩu khí khách phòng hương phong nhã. Bị từ chối, Lý Sư Đạo đã không phật ý mà còn thêm lòng kính yêu.
Bài của Việt Nam là khẩu khí của người phụ nữ bình dân. Ăn chắc nói chắc, lời không cần hoa mỹ, tỷ dụ không cần xa xôi. Trong lời từ lại ngầm ý trách, song cứng cỏi mà không được dứt khoát hẳn hoi.
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thuở nào ra.
Vậy thì nếu biết được chỗ gỡ, tấc nhiên không chóng thời chầy, vẫn có thể ra... Vì thế Trịnh Tráng không chịu rút lui ngay ý muốn của mình khi nhận được lời từ khước. Để họ Trịnh dập tắt hẳn hy vong, Đào công lại phải mượn lời thiếu phụ nói thẳng ‘đừng đi lại nữa' và doạ thêm 'mà chồng em ghen’.
Người xưa đối xử với nhau thật là đẹp!

Hoàng Ly không khỏi thắc mắc:
- Có phải Đào Duy Từ học cách Trương Tịch đối xử cùng Lý Sư Đạo mà đối xử cùng Trịnh Tráng chăng?
- Có lẽ phải, vì Đào Công sanh sau Trương Công gần 8 thế kỷ. Nhưng trước khi Trương Công mượn lời giai nhân để gởi tâm sự thì đã có người nhờ giai nhân nói thay mình cùng Trương Công. Người ấy là CHU KHÁNH DƯ.

CHU KHÁNH DƯ tự Khả Cửu, quê ở Việt Châu, đậu Tấn sỹ đời vua Đường Kính Tôn (825 - 826). Khi CHU ra Tràng An thi thì gặp TRƯƠNG đương làm Thuỷ Bộ Lang Trung. Hai bên mến tài nhau mà thành bạn. Muốn dò xem tài mình sẽ được đắc dụng chăng, CHU soạn một tuyệt tả người thiếu phụ nói chuyện cùng tân lang, để tặng TRƯƠNG:
Động phòng tạc đình hồng chúc
Đãi hiểu đường tiền bái cữu cô
Trang bãi đê thanh vấn phu tế
Hoạ my thâm thiển nhập thời vô?
Nghĩa là:
Đêm động phòng đã ngừng thắp đuốc hoa
Đợi trời hừng sáng ra lạy mẹ cha nơi cao đường
Điểm trang xong thỏ thẻ ý chàng
Vẽ mày đậm nhạt có hợp thời trang chăng hỡi tình.
TRƯƠNG liền phúc đáp:
Việt nữ tân trang xuất kính tâm
Tự tri minh diệm cánh trầm ngâm
Tề hoàn vị túc thời nhân quý
Nhất khúc Lăng ca dịch vạn câm
Nghĩa là:
                                        Trang điểm xong từ lòng kính bước ra
                                        Biết mình xinh mình đẹp Cô gái Việt lại dần dà trước gương
                                        Quạt lụa Tề chưa đủ cho người quý người thương
                                        Lăng ca một khúc giá gấp muôn lạng vàng rồng.

Tình tự quá! Ý vị quá! Người hỏi lên cao mới một tầng, người đáp lại lên thêm một tầng nữa! Tương tri thế ấy mới là tương tri. Thương yêu kính trọng nhau vì văn chương, cuộc đời thật là thơm tươi, và mối tình luôn luôn thắm đẹp. Được gần nhau như Trương Tịch và Chu Khánh Dư, thì thơm tươi thắm đã đành, mà dù không được gần nhau nhưng Trương Tịch và Lý Sư Đạo, Đào Duy Từ và Trịnh Tráng, thì tình đời cũng không đến nỗi nghiêng ngửa phũ phàng.
Duyên thơ còn dài, xin tạm ngừng bút./.




02. ĐỜI ĐÁNG CHÁN

Nha Trang, ngày đưa ông Táo về trời năm Bính Thìn.

Hoàng Ly,
Nói chuyện thơ cũng như nói chuyện tình, chuyện này kéo sang chuyện nọ, nhiều khi từ gà sang lừa, mới Ngô liền Sở, người ngoài trông vào thấy rời rạc nhạt nhẽo, nhưng người trong cuộc lại thấy liên quan mật thiết như những vòng xà tích móc nối nhau.
Mở đầu cho câu chuyện Thơ giữa chúng ta là khúc ngâm của Người Tiết Phụ, bắt sang qua cây quạt của Ban Thiệp Dư, rồi nhảy đến đài Tô của cô gái nước Việt.
Bây giờ HOÀNG LY lại trở về Việt Nam để cùng Tản Đà tiên sinh gẫm xem  “Đời đáng chán hay không đáng chán”.
Vì nhớ mãi lời người xưa dạy: - Dục lập nhi lập nhân, dục đạt nhi đạt nhân.

Nên tôi vội phúc cho Hoàng Ly rõ:
Bài “ĐỜI ĐÁNG CHÁN...” của Tản Đà tiên sinh là một bài Ca Trù:
Người đời thử ngẫm mà hay
Trăm năm là ngắn, một ngày dài ghê!
Còn ai, ai tỉnh ai mê?
Những người thiên cổ đi về những đâu?
Đời đáng chán hay không đáng chán?
Cất chén quỳnh riêng hỏi bạn tri âm.
Giá khuynh thành nhất tiếu thiên câm,
Mắt xanh trắng đổi nhầm bao khách tục!
Giang Hà nhật hạ nhân giai trọc
Thiên địa lô trung thục hữu tình
Đón đưa ai lá gió chim cành?!
Ấy nhân thế phù sinh là thế thế…
Khách phù thế chưa dứt câu phù thế,
Người phong lưu thêm đượm vẻ phong lưu.
Bức khăn hồng nâng đỡ giọt châu,
Chuyện kim cổ một vài câu phải trái:
Châu Nam hải, thuyền chìm sông Thuý Ai,
Sóng Tiền Đường, cỏ áy bến ô Giang.
Gẫm nghìn xưa, ai tài ba, ai tiết liệt, ai đài trang,
Cùng một giấc mơ màng trong vũ trụ...
Đời đáng chán biết thôi là đủ,
Sự chán đời xin nhủ lại tri âm
Nên chăng nghỉ lại kẻo nhầm.

Bài này thác lời một viên quan và một ả đào cùng đàm luận với nhau. Bốn câu đầu là câu mưỡu, đại ý nói rằng đời người không ra sao, để gợi ra sự đáng chán ở trong bài nói.
Vào bài, từ câu một “đời đáng chán hay không đáng chán” đến câu tám “Ấy nhân thế phù sinh là thế thế”, là lời của quan viên. Đại ý nói rằng đời đã đáng chán mà đời của những người trong xóm yên hoa lại càng đáng chán hơn…

Bốn câu giữa “khách phù thế…, Một vài câu phải trái”, là những câu chuyển ý, để tiếp xuống lời đáp của nguời ả đào, từ câu 13 đến cuối bài. Đại ý nói: Nếu đời đáng chán, thì chẳng cứ gì những người trong xóm yên hoa, mà xem như người xưa nổi danh là bậc tài hoa, tiết liệt đài trang… như Mỹ Châu, Phan Thị Tuấn, Tây Thi, Ngu Cơ…, nhưng thân thế có ra gì đâu, chẳng qua cũng chỉ một giấc mộng mơ màng trong khoảng trời đất. Cho nên lẽ đời đáng chán, chỉ nên biết qua thế thôi, còn có nên chán hay không thì cần phải nghĩ kỹ kẻo nhầm.

Bài “ĐỜI ĐÁNG CHÁN” là một bài ca trù hay nhất và đặc biệt nhất trong những bài ca trù được truyền tụng.
Về phương diện “hay” xin để cho Hoàng Ly tự tìm lấy. Xem thơ hay cũng như ăn đồ ngon đồ quý, phải nghiền, phải nghiến, phải nhấm, phải nhắp…, thì mới thưởng thức hết vị trong vị, hương ngoài hương. Ở đây, tôi xin nói những điểm đặc biệt.
Điểm thứ nhất là xưa nay chưa có bài ca trù nào làm theo lối đối thoại. Người đọc, nếu không để ý thì khó nhận được mạch lạc, khó tìm thấy rõ tình ý, thần khí, ngó như đứt mà luôn luôn nối, trong hoàn thiên .

Điểm thứ hai là trong một câu thơ 14 chữ mà dùng đến 4 điển tích:
Châu Nam Hải thuyền chìm sông Thuý Ai
Sóng Tiền Đường cỏ áy bến Ô Giang.
Hai điểm nằm trong một vế, mà chữ trong vế lại liền lạc với nhau một cách chặt chẽ, khiến người đọc dễ lầm là mỗi vế nói một việc. Có người chê dụng điển cách đó bí hiểm làm mất hứng thú của người đọc. Không phải chê không đúng, song không dụng điển cách đó thì làm thế nào nói cho hết ý và nói cho được gọn gàng? Thêm nữa, nếu biết rõ những điển tích trong câu, thì chẵng những không thấy bí hiểm, mà còn thấy thú vị gia tăng bội phần.
Để Hoàng Ly khỏi ngả về phe chê, tôi xin nói rõ các điển trong Đời Đáng Chán         
Châu Nam Hải thuyền chìm sông thuỷ Ái.
Dùng điển Việt Nam: Châu Nam Hải là tích Mỹ Châu. Mỹ Châu vì quá tin chồng là Trọng Thuỷ mà làm mất nước, bị vua cha là An Dương Vương chém chết ở bờ bể Nam Hải. Máu của nàng trôi xuống bể, những con trai ăn vào lòng sanh minh châu. Sự tích Mỹ Châu không ai đã đọc Việt sử rồi mà không biết. Nên, chỉ xin nói qua thế thôi.
Tại thành Cổ Loa ở Vĩnh Yên còn miếu thờ Mỹ Châu. Chu Mạnh Trinh có thơ đề nơi miếu:
                              Lang quân tình trọng phụ ân thâm
                              Bất bạch kỳ oan trực đáo câm
                              Cơ trảo vô linh qui diệc khứ
                              Minh châu hữu lệ bạng do trầm
                              Hoang bi cổ mộc thiên niên quốc
                              Bích hải giao thiên nhất phiến tâm
                              Tịch mịch tiền triều cung ngoại miếu
                              Đỗ quyên đề đoạn nguyệt âm âm
Tạm dịch:
                              Hai vai tình hiếu so bằng
                              Nỗi oan khôn giải nặng quằn cổ kim
                              Nỏ hư rùa cũng không tìm
                              Minh châu ứa lệ trai chìm bể sâu
                              Nước xưa bia vắng cây sầu
                              Tấm lòng nước thẳm trời cao một lòng
                              Miếu tàn nương bóng cố cung
                              Tiếng quyên đứt nối não nùng trăng khuya.
Tản Đà tiên sinh cũng có một bài từ khúc nói về Mỹ Châu và Trọng Thuỷ:
                              Một đôi kẻ Việt người Tần
                              Nửa phần ân ái nửa phần oán thương.
                              Vuốt rùa chàng đổi máy,
                              Lông ngỗng thiếp đưa đường.
                              Thề nguyền phu phụ,
                              Lòng nhi nữ,
                              Việc quân vương...
                              Duyên nọ tình kia dở dở dang!
                              Trăm năm giọt lệ,
                              Ngọc trai nước giếng,
                              Nghìn thu khói hương.
Hai bài thơ trích dẫn bổ khuyết cho mấy lời giải thích sơ lược, giúp Hoàng Ly khỏi mất công mở sử, nếu như ngày mới đã làm mờ chuyện xưa. Xin bước sang sông Thuý Ai với bà PHAN THỊ TUẤN.
Sông Thuý Ái ở huyện Thanh Trì thuộc tỉnh Hà Đông.
Phan Thị Tuấn là vợ bé Ngô Cảnh Hoàn, thời Lê Mạt.
NGÔ CẢNH HOÀN vâng lệnh vua Lê đem quân đi đánh quân Tây Sơn, bị tử trận trên sông Thuý Ái. Người nhà được tin, ai nấy đều thương khóc, riêng bà nói cười như thường. Có người hỏi. Bà đáp: Được chết vì nước, còn chi hơn mà buồn.
Người cạn nghĩ chê rằng không thương chồng. Bà không chút quan tâm. Đến tuần bá nhật, cúng tế xong bà trang điểm lịch sự, sai bơi thuyền ra nơi chồng tuẫn quốc, ung dung tự trầm. Lúc ấy bà mới 20 tuổi, chưa con. Nhân dân địa phương thương người tiết nghĩa, lập đền thờ ở bên sông. Sau vua Tự Đức sắc phong là Tiết Nghĩa Phu Nhân, và sai dựng bia đá ở trước đền.
Sự tích bà PHAN THỊ TUẤN đã được tao nhân dùng để trang điểm văn thơ. Đề NGHĨA LƯ của bà Long Cơ ở Sơn Nam (tức Nam Định), Phạm Thái có câu:

Dệt gấm Thanh Nê câu nhất tiếu
Thêu nền Thuý Ái chữ tam tùng.
Về bà PHAN THI TUẤN có nhiều thơ vịnh. Cổ nhất là bài khuyết danh sau đây, được phổ biến sâu rộng:
                              Mặc ai chê trách mặc ai cười
                              Dạ đá gan vàng sẽ sẽ nguôi
                              Chín suối cũng tìm cho thấy mặt
                              Trăm năm trót hẹn dám sai lời
                              Riêng nhau nhà nước đường đôi ngả
                              Chung lại non sông mả một ngôi
                              Thuý Ái nghìn thu dòng nước biếc
                              Làm gương cho khách thế gian soi.
Bài này có giá trị vì là thơ cổ. Cả bài chỉ có cặp luận là hay, còn 6 câu đề, trạng, kết, văn cũng như tứ đều tầm thường. Không bằng bài của cụ cử DƯƠNG BÁ TRẠC:
                              Chàng đi theo nước thiếp theo chồng
                              Thiếp chết trinh mà chàng chết trung
                              Đến thế ân tình đôi trọn vẹn
                              Việc chi cười nói chẳng thung dung
                              Ma chay đã đủ trên trần thế
                              Đào đỏ thôi về dưới thuỷ cung
                              Giã họ giã hàng giã thôn xóm
                              Cương thường để lại với non sông.
TẢN ĐÀ tiên sinh đối với bà Phan Thị Tuấn cũng như đối với bà Mỹ Châu, chẳng những trân trọng dùng làm điển tích, mà còn có thơ tán dương:
                              Chàng trung cho thiếp mới nên trinh
                              Nửa vị giang san nửa vị tình
                              Má phấn môi son làng nước biếc
                              Gan vàng dạ ngọc đá bia xanh
                              Sô gai thiên hạ âu thừa nhĩ
                              Gió bụi nhân gian chẳng bợn mình
                              Qua lại thuyền ai sông Thuý Ái
                              Còn chăng sóng gợn với hương thanh.
Vẻ thanh lịch cao thiết của bà Phan hiển hiện trên nét bút trang nhã. Nhờ giai nhân mà có văn chương. Văn chương còn mãi với mặt trời mặt trăng, thì giai nhân cũng cùng với văn chương mà sáng mãi.

Phần điển tích Việt Nam tạm xong, xin nói qua điển tích Trung Hoa trong câu:
                              Sóng Tiền Đường, cỏ ấy bến Ô Giang.
Sóng Tiền Đường là điển TÂY THI, như thư trước đã nói rõ.
Còn “cỏ ấy bến Ô Giang” là lấy điển NGU CƠ.

NGU CƠ là vợ Hạng Võ. Hạng Võ rất yêu quý, đi đánh giặc vẫn đem theo trong quân. Sau bao nhiêu trận tranh hùng, Hạng Võ bị Lưu Bang đánh thua chạy về đóng ở Cai Hạ. Quân Lưu Bang bủa vây mấy vòng. Đêm đến mưu sỹ của Lưu Bang là Trương Lương truyền quân lính ca những khúc ca của nước Sở với giọng người Sở, quân Hạng Võ nghe ca, nhớ nhà lén trốn đi hết lớp này đến lớp khác. Hạng Võ ngồi trong trướng uống rượu cùng Ngu Cơ, ngoài trướng cột con tuấn mã tạp sắc gọi là Truy mã. Xúc cảnh sanh tình, Hạng Võ vỗ kiếm ca:
                              Lực bạt sơn hề khí cái thế
                              Thời bất lợi hề truy bất thệ
                              Truy bất thệ hề khả nại hà?
                              Ngu hề! Ngu hề! Nại nhược hà?
          Nghĩa là:
                              Sức nhổ núi hề, hùng khí ai bì!
                              Thời chẳng lợi hề, ngựa chuỳ không đi!
                              Ngựa không đi hề, biết làm sao đây?
                              Ngu hề! Ngu hề! Tính làm sao đây?
          NGU CƠ liền đứng lên, rút kiếm, vừa múa vừa hát:
                              Hán binh dĩ lược địa,
                              Tứ diện Sở ca thanh…
                              Đại vương ý khí tận,
                              Tiện thiếp hà liêu sanh?
Nghĩa là:
                              Đất đai binh Hán chiếm rồi
                              Bốn bên tiếng Sở vang trời khúc ca!
                              Khí anh hùng đã tiêu ma,
                              Tấm thân bồ liễu sống mà chi đây?!
Tiếng ca vừa dứt thì liền quay kiếm đâm cổ mà thác. Xác chôn nơi bờ Ô Giang. Quanh vùng đó mọc lên một thứ cỏ vừa mướt vừa thơm, người đời gọi là ‘Ngu mỹ nhân thảo’.

TANG TỬ CỐ đời Tống, vịnh Ngu Cơ có câu:
                              Hương hồn dạ trục kiếm quang hàn
                              Thanh huyết hoá vi nguyên thượng thảo.
Nghĩa là:
                              Hồn trút đêm hương ngời kiếm lạnh
                              Máu ươm sắc cỏ mướt gò xuân.

Hoàng Ly,
Bốn giai nhân trong ‘Đời đáng chán’ của Tản Đà Tiên sinh, cũng như phần đông giai nhân trên thế gian, đều chết trẻ và chết ‘bất bình thường’. Người đời thường bảo rằng đó là do Trời xanh đánh ghen cùng má hồng. Nhưng suy cho kỹ nghĩ cho chín: Chính nhờ có chết như thế giai nhân mới được sống mãi với sắc kiều diễm của mình trong văn chương lưu thế, trong tâm trí người yêu Đẹp, yêu văn chương. Chớ nếu Trời để cho sống đến răng long đầu bạc và chết êm ấm trên nhung lụa, thì trăm năm rồi, còn ai nhắc nhở nhớ thương? Cho nên ngắt bớt một quãng đời bốn năm mươi năm để đổi lấy nghìn muôn thu, đổi chút yên ổn trong một vài giờ đôi ba bữa để lấy bao nhiêu nâng niu săn sóc của trường tồn, thì giai nhân đâu có lỗ, mà người đời than tiếc cho giai nhân?

Chắc Hoàng Ly không hoàn toàn đồng ý. Cũng không hề gì, miễn Hoàng Ly. vừa ý về những lời giải thích các điển tích trong ‘Đời đáng chán’ là tôi vui lòng.

Tái bút:
Quên cắt nghĩa hai câu thơ chữ Hán:
                              Giang Hà nhật hạ nhân giai trọc
                              Thiên địa lô trung thục hữu tình.
Xin bổ khuyết: Sông Giang Đông mỗi ngày mức nước càng xuống thấp, người đời đều trở thành ô trọc hết. Như vậy trong lò trời đất đúc ra con người, cũng như lò đúc kim khí, có ai là người hữu tình?
Rõ là giọng chán đời!
Nhưng đời đáng chán hay không đáng chán, nên nghĩ kỹ kẻo lầm.
Xin nhắc lại lời của giai nhân trong ‘Đời đáng chán’./.