Trong vườn hoa thơ Bài 02-Dưới mai bàn thơ

DƯỚI MAI BÀN THƠ
Tặng Kiến Đạo.

Lão vườn đương đứng ngắm vầng trăng hoàng hôn vương trên khóm mai già nở xuân, thì một ông khách đến, vừa cười vừa ngâm:
Có mai không nguyệt kém tinh thần
Có nguyệt không thi tục lụy nhân.
Lão vườn vội ra đón khách, và ngâm tiếp:
Ngày tối thi thành trời có nguyệt,
Cùng mai đối bóng bội phần xuân. (1)
Hai người cả cười. Đọan bày bàn kỷ dưới gốc mai, pha trà cùng ngồi thưởng hoa.
Khách nói:
-      Mai là giống hoa cảm thụ khí dương trước nhất. Cho nên qua tiết đông chí là nảy nụ đâm bông. Cổ nhân có câu:
Tuyết trung vị luận điều canh sự
Tiên hướng bách ba đầu thượng khai.
Anh thử diễn nôm, và cho biết câu ấy của ai.
Lão vườn:
-      Đó là của VƯƠNG HỘI đời Tống. Vương làm câu này từ lúc bé. Một vị lão thần là LỮ CÔNG xem thấy nói rằng: “Thằng bé này đã nắm chắc Trạng Nguyên và Tể tướng trong tay”. Sau quả như lời đoán. Câu này văn cổ kính, không thể dịch theo nguyên điệu được, xin tạm dịch là:
Việc nên canh khoan bàn trong tuyết,
Đầu trăm hoa điểm xuyết cành cao.
Khách:
-      Rằng hay thì cũng hay. Song không diễn tả được cái vẻ rụi rẵn của mai. Đọc câu “Tiên hướng bách ba đầu thượng khai” thì ta cảm thấy ngay cái vẻ cứng rắn khẳng khiu của mai. Tuy thế “Không phản”, “Không diệt” cổ nhân là được rồi.
Lão vườn nâng chén trà mời khách, và nói:
-      Mai biết có xuân trong lúc tuyết sương đương thạnh; và trong lúc trăm hoa còn đang sợ sương tuyết, mai đã dám lộ diện chào xuân. Bởi thế Tống nhân kết tội là “tiết lộ xuân quang”, rằng:
_____________________________________________________
(1)   Phỏng theo thơ xưa:
Hữu mai tuyết bất tinh thần
Hữu tuyết vô phi tục lụy nhân
Nhật mộ thi thành thiên hựu tuyết
Dữ mai tính tác thập phần xuân.
................
Lục dương giải ngữ ưng tương tiếu:
Lậu tiết xuân quang cáp thì thùy?
Tạm dịch:
Dương xanh biết nói ưng cười đấy:
Tiết lộ xuân quang ấy bởi ai?
Khách cười:
-      Buộc tội để làm tăng giá trị cho mai. Đó là lời trách yêu của một tình nhân.
Lão vườn:
-      Chính thế. Xem qua văn chương các thời, tôi nhận thấy hoa mai được mọi người yêu chuộng. Vì tánh chất thanh đạm, các nhà ẩn dật thân mến đã đành, đến cả những nơi quyền quí cũng lấy làm bạn. Hầu phu nhân, một cung phi của Tùy Dạng Đế có bài KHÁN MAI rằng:
Xế tuyết tiêu vô nhật !
Quyển liêm thời tự  tần.
Đình mai đôi ngã hữu lân ý:
Tiền lộ chi đầu nhất điểm xuân.
Tạm dịch:
Bao giờ thềm rã tuyết ? !
Rèm cuốn nét mày nhăn.
Thương thiếp sân mai thầm ngõ ý:
Cành cao nảy trước điểm hương xuân.
Khách:
-      Tôi thường nghe nói rằng thi nhân đời Tùy cũng như Tấn, Tề, Lương, Trần, chủ trương thuyết duy mỹ, chuyên luyện hình thức mà quên hẳn nội dung, nên văn thơ mất cả sanh khí. Tôi chưa được xem văn chương đời Tùy, nhưng theo bài KHÁN MAI của HẦU phu nhân, lời tự  nhiên, ý hàm súc, thì đâu thấy cái bệnh “chỉ trang sức bề ngoài”?
Lão vườn:
-      Không nên đem một bài mà xét một thời đại. Lấy đại thể mà bàn thì văn chương đời Tấn, Tề, Lương, Trần, Tùy quả thật diễm lệ. Nhưng cái đẹp của đời Lục Triều đâu bằng được các đời sau. Đến như  nói “Chuyên luyện hình thức mà quên hẳn nội dung”, thì tôi không đồng ý. Vì làm một bài thơ cốt để nói một cái gì mình muốn nói, mình cần phải nói. “Cái gì” đó, nhiều khi nói bằng lời không đủ, phải mượn đến hình ảnh, đến màu sắc, đến thanh âm…. Nói cách này không thỏa mãn phải tìm cách khác, dùng chữ này không đủ sức diễn tả, phải tìm chữ khác... Nát ruột vì một chữ, rụng mày vì một câu, là để diễn tả cho được hết cái ý, nào phải để khoe cái khéo mà chơi. Ai có tầng khổ tâm với thơ thì mới tin lời tôi nói.
Khách:
-      Vậy sao TRẦN TỬ NGANG, một thi nhân có danh đời Đường lại nói: “Thơ Tề, Lương… lời rất đẹp mà tình ý rỗng không”?
Lão vườn:
-      TRẦN TỬ NGANG là người trong phái “Phục cổ”, muốn dùng văn chương để chấn hưng đạo Khổng Mạnh mà thời loạn lạc đã làm suy vi. “ Tình ý” đó là những gì giúp ích cho nhân sinh, cho đạo đức. Thật ra, tôi từng thấy nhiều văn thơ tình ý hay mà lời không lấy gì đẹp, chớ chưa hề thấy bài nào có lời đẹp mà không có ý hay.

Như bài VỊNH MAI sau đây của KỲ LỆ XUYÊN đời Thanh:
Chi đầu hà xứ nhân khinh ngôn
Sương diệc tinh thần tuyết diệc ôn.
Nhất cảnh hiểu phong tầm cựu mộng,
Bán lâm hàn nguyệt thất cô thôn.
Ngâm tình dục lũ băng vi cú,
Ly hận nan chiều ngọc tác hồn.
Ký ngữ khê kiều kiều thượng khách:
Mạc tùng hương lý ngộ sài môn.

Chữ đúc, lời chuốt, cách điệu cao, ý thâm viễn. Tuy là vô phủ tạc ngấn, nhưng xem qua cũng biết rằng phải mất nhiều công phu mới làm nên. Vì lời quá đẹp, ý quá hàm súc, nên tôi đã cố gắng hết sức mà chỉ dịch được có câu luận nghe hơi thông thông:
Vần băng muốn chạm tình ngâm vịnh,
Hồn ngọc khôn chiêu hận biệt ly.

TÙY VIÊN, một thi hào thiên về tánh tình, phải khen là “Cao đạm chi hoài”. Như thế việc trau chuốt lời văn có hại chi đến tình ý? Có hại chi đến sanh khí bài thơ? Làm mất  sanh khí bài thơ, làm hại tình ý của thơ, là những người không có hồn thơ, không có cốt thơ, mà sính làm thơ, những người có hồn thơ có cốt thơ, mà tài nghệ non kém, chớ nào phải tại đúc chữ luyện lời.
Khách:
-      Vậy anh cũng đồng ý rằng văn chương tự nó có một giá trị riêng, miễn nó đẹp là quí, chứ không cần giúp cho nhân sinh cho đạo đức.
Lão vườn:
-      Theo tôi, hoa là thơ của đất, thơ là hoa của người. Mà đã là hoa thì không đẹp không ai chuộng. Hoa hải đường, hoa thược dược… tuy không hương, nhưng vẫn được kẻ yêu hoa chăm sóc và liệt vào hành danh hoa, vì sắc đẹp. Còn hoa dúi dẻ, hoa cau, dù có hương, vẫn không thấy ai đem cắm vào độc bình, cài lên mái tóc. Đến như  hoa mai, tiếng là thanh sấu, mà nếu không đẹp thì chúng ta có ngồi dưới gốc để bàn thơ?
Khách vỗ tay cười lớn:
-      Vậy anh này thuộc phái duy mỹ rồi!
Lão vườn:
-      Vâng. Tôi là một trong những người đi theo cái Đẹp. Song không phải chỉ hoa lệ mới gọi là Đẹp. Có vẻ đẹp nùng diệm, có vẻ đẹp thanh đạm, có vẻ đẹp tỉ mỉ, có vẻ đẹp đơn sơ; có cái đẹp nhờ màu sắc, có cái đẹp nhờ cách xếp đặt; có cái đẹp cứng rắn, có cái đẹp dịu dàng ; có khi điêu khắc thành đẹp, có khi tự nhiên mà đẹp… Hoa có muôn hình nghìn sắc, thì Thơ cũng có muôn nghìn vẻ đẹp như hoa.
Khách:
-      Xin cho một ít ví dụ cụ thể.
Lão vườn:
- Vì ngồi dưới gốc mai nên xin lấy một ít thơ Vịnh mai hoặc nói đến mai để làm chứng.
Đẹp một cách trang nhã như bài VỊNH MAI của KỲ LỆ XUYÊN trên đây, và như câu “Chủng mai” của Tạ Uẩn Sơn:
Hương sắc đô không hàn triệt cốt,
Tài bồi yếu hậu ngọc sanh nha
(Nghĩa là hương sắc dường như không có chi cả nhưng lạnh thấu xương, trồng vun quến chỉ mong sau nầy ngọc đâm chồi)
Đẹp một cách thanh tao, như bìa PHONG MAI cùa bà NGÔ TRỊNH KHUÊ:
Mai ba phân nhiễu hộ,
Ngọc sắc lãnh thương đài.
Tà ảnh hàm tình trụy,
Đê chi đái tiếu khai.
Lạc nghi tàn tuyết ẩn,
Võ xúc ám xuân lai.
Bất tận tương tư ý,
Khuy nhân nguyệt kỷ hồi.
(Nghĩa là: hoa mai rối đoanh cữa. Sắc ngọc lạnh rêu xanh. Bóng xế ngậm tình mà rơi, cành thấy đeo cười mà nở. Khi rụng thì ngờ là tuyết đã tan rồi mà còn sót lại. Lúc múa khiến mùa xuân len lén mà đến. Chẳng hết được ý tương tư, nên đòm người đã mấy trăng).
Lại như câu “Lục dương” vừa dẫn trước đây và như bài VỊNH HỒNG MAI sau đây:
Ngọc cốt đình đình thanh thả u
Trước tha nhan sắc tại chi đầu
Mục đồng thụy khởi mông lung nhãn
Thác nhận đào lâm dục phóng ngưu.
(Nghĩa là: Cốt ngọc làu làu vừa thanh vừa u. Trùm trải sắc đẹp lên đầu nhánh. Kẻ mục đồng thức dậy đôi mắt còn mơ màng loạn choạng, trông thấy màu hồng mai ngỡ là rừng đào nên ý muốn thả trâu đến.)
Bài Hồng Mai cũng như câu “ Lục dương…” lời thanh ý khúc.
Những vẻ đẹp hoa lệ, trang nhã, thanh tao… dễ nhận thấy. Có nhiều câu cổ kính mà đẹp, như câu của Lâm Bô:
Sơ ảnh hoàng tà thuỷ thanh thiển,
Am hương phù động nguyệt hoàng hôn.
(Nghĩa là bóng sưa nghiêng ngửa trên dòng nước trong và cạn. Hương kín đáo nổi chập chờn dưới ánh trăng lúc hoàng hôn).
Kỳ kiện mà đẹp thì như câu của Tiêu Đức Tháo:
Tương Phi nguy lập đống giao bối,
Hải nguyệt lãnh quải san hô chi.
(Nghĩa là: Thấy hoa đã tưởng là tuyết, không ngờ có mùi hương bay đến). Và câu:
Bất tri cận thuỷ mai ba phát,
Nghi thị kinh đông tuyết vị tiêu.
(Nghĩa là: Chẳng biết rằng là mai nở bên nước, nên ngờ là tuyết đã trải mùa đông rồi mà chưa tiêu).
Những câu thơ tự nhiên như thế, ngó thì dễ mà làm không phải dễ. Mỗi chữ đều có một giá trị riêng, thay đổi là hỏng. Như câu “ Chỉ ưng .. Bất ngộ…” của Tô Tử  Khanh, và VƯƠNG AN THẠCH sửa lại rằng:
Diêu tri bất thị tuyết,
Vị hữu ám hương lai.
(Nghĩa là: Ở xa cũng biết rằng không phỉa tuyết, vì có mùi hương kín đáo bay đến).

TUỲ VIÊN phê rằng: sửa như thế là đem sống làm chết, đương linh động trở thành ngốc trệ (hoạt giả tử hĩ, linh giã ngốc hĩ).
Cho nên Đẹp đã đúng mức thì hễ thay đổi một chút là mất đẹp, bất kỳ vẻ đẹp nào.
Khách:
-      Nghe qua đôi ví dụ, cũng tạm hiểu được quan niệm Đẹp của phái duy mỹ các anh. Nhưng ước được anh dịch những câu ấy ra thơ thì tuyệt.
Lão vườn:
-      Dịch thì chỉ dịch được ý nghĩa của câu thơ, của bài thơ, chớ dịch thế nào được vẻ đẹp của văn. Mà đây trích dẫn để chứng minh các vẻ đẹp về hình thức.
Khách:
-      Âu đành vậy!  Mà này anh đã đọc thơ Nhật Bản và Cao Ly là hai nước đồng văn với Trung Hoa và Việt Nam ta chưa?
Lão vườn:
-      Có đọc được một ít, song đọc qua tiếng Pháp. Về Hán văn thì chỉ biết có một bài về MAI của một người Nhật đọc cho nghe, rằng:
Cửu châu đệ nhất mai,
Kim nhật vị quân khai
Dục thức hoa chân nguỵ:
Tam canh đạp tuyết lai.
Tạm dịch:
Chín châu mai thứ nhất,
Vì chàng đêm nở hoa.
Muốn tường chân với nguỵ:
Đạp tuyết lúc canh ba.

Có người bảo là “Tam canh đạp nguyệt lai”. Câu nào cũng đẹp, có mỗi cảnh đẹp trong mỗi câu.
Khách rung đùi khen:
-      Lời thì cạn mà ý thật thâm, cho nên tiếng dâu dứt mà dư âm mãi còn. Hay!
Đoạn liễm dung trách:
-      Ngồi dưới gốc mai vườn nhà, mà nói toàn thơ mai của ngoại quốc! Thật là “Ngồi gốc sung trông đọt khế” !
Lão cười:
-      Thơ hay không có biên giới. Nhưng xin thú thật thơ nói về mai của nước nhà tôi biết rất ít.
-      Ít còn hơn không.
-      Tôi đã đọc được chừng mươi bài. Còn nhớ đủ đầu đủ đuôi được 4 bài. Một bài của MÃN GIÁC Thiền sư đời Lý, 1 bài của LÊ CẢNH TUÂN đời Trần, 1 bài của Lữ Đường THÁI THUẬN đời Lê và 1 bài của DIỆU LIÊN Công chúa đời Nguyễn.
Khách vỗ vế cười lớn:
-      Mỗi triều đại 1 bài, còn gì thích bằng! Đáng lẽ phải  theo phép ăn mía của cổ nhân, đi lần từ ngọc tới gốc, tức từ trên xuống dưới, từ xa đến gần. Nhưng vì bài thơ gần với hoa, hoa gần với giai nhân, nên tôi xin được nghe thơ của giai nhân trước.
- Vâng, tôi xin nói về DIỆU LIÊN Công Chúa:
DIỆU LIÊN là tên tự, tên thật của Công Chúa là LẠI ĐỨC, hiệu là MAI AM. Con gái vua Minh Mạng. Rất hay chữ và rất giỏi thơ. Tài sánh Tùng, Tuy.
Công Chúa còn truyền 1 tập thơ có bài ÚC MAI mà cụ Hà Đình khen rằng:
Ngâm đáo Uc Mai thanh vận tuyệt
Bất phương biệt hiệu tác Mai Am
Nghĩa là “Ngâm đến bài thơ Uc Mai thì thấy thanh vận cao đến tuyệt đỉnh. Cho nên lấy hiệu Mai Am chẳng có chi đáng ngại”.

       ÚC MAI
Lâm đường tạc dạ sóc phong xuy
Tiểu các thanh hàn độc tọa trì
Địch lý quan san sầu cựu khúc
Thủy biên ly lạc nhận tiền kỳ
Hương nam tuyết bắc vô phương tấn
Nguyệt địa vân giai hữu mộng ti
Dục bã tân từ viễn tương tặng
Mỹ nhân uyển tại thủy chi my.

Tạm dịch:
          NHỚ MAI
Rừng ao ngọn bấc thỏang canh trường
Gác nhỏ đìu hiu chiếc bóng nương
Nước gợn nguyền xưa rào để nhớ
Đèo vang khúc cũ sáo đưa thương
Nam hương bắc tuyết dường ngăn cách
Sân nguyệt thềm mây mộng vẩn vương
Muôn dặm lòng thơ mong gởi tặng
Bên sông người đẹp thẫn thờ gương.
Bài này được khen do chỗ tài tình “ hút trăm hoa tạo thành mật ngọt”. Nghĩa là hầu hết các câu trong bài đều mượn chữ mượn ý của cổ nhân. Nhưng thật là 1 tấm áo cầu do bao nhiêu mảnh da nách hồ ly kết lại mà nguyên liền như một tấm, trông tìm không hề thấy dấu cắt đường may. Văn chương lại có sức truyền cảm mạnh mẽ. Cho nên khen là phải.

Bài của Lữ  Đường THÁI THUẬN nhan đề là:
        MAI ẢNH
Đảo quảy tà xuyên đạm hựu nùng
Dao đài chỉ trướng ám hương thông
Di lai song ngoại phong xuy hậu
Hòang quá sơn tiền lộ chiếu trung
Đông Các truyền thần thanh họa bút
Tây Hồ tả hứng khổ ngâm ông.
Châu liêm phảng phất hồn vô ngại
Nghi thị chân thân tại tuyết cung.
Tạm dịch:
     BÓNG HOA MAI
Ngửa nghiêng ngang dọc đượm pha nồng
Trong Trương giấy Đài Dao dú nẻo thông
Ngan ngát song lưa chiều gió tắt
Là đà núi tỏa ánh sương phong.
Gác chen nét họa thần in bút
Hồ vọng câu ngâm hứng chạm lòng
Phảng phất rèm châu không trở ngại
Chừng nơi cung Tuyết có tiên ông.

Bài của Lữ Đường tự xuất tân ý. Tác giả dụng công khắc hoạch cho ra cái bóng của 1 khóm mai đương hoa. Nói là 1 khóm nhưng là muôn vàn khóm, trong thực có, trong mộng có, trong họa có, trong thơ có. Có mà như không, vì không hình mà chỉ có bóng. Muôn vàn mà là một vì chỉ có Mai là chân tướng, còn bóng kia là do duyên khởi, điệp điệp trùng trùng..
Bài của Diệu Liên thiêng về tâm tình, bài của Lữ Đường nặng về ý thú. Nhưng cả hai đều chí tình cùng Mai.
Khách nói:
-      Câu “Địch lý quan san sầu cựu khúc” của Diệu Liên, có sức quyến rũ lạ lùng! Không cần hiểu nghĩa như sao, ý khác sao, đọc lên tự nhiên lòng sanh cảm, chẳng khác nào đọc câu “Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên” của Trương Kế. Còn câu trạng bài Lữ Đường:
Di lai song ngoại phong xuy hậu
Hoành quá sơn tiền lộ chiếu trung.
Một vế thì tả hương, một vế thì tả sắc, mà hương cũng như sắc chỉ phảng phất trước giác quan người đọc như có như không. Mùi hương còn sót lại sau khi gió đã tắt, vẻ đẹp ẩn hiện ở trong ánh sương mờ. Tuyệt thú! Tuyệt đẹp!
Lão tiếp :
-      Thưởng thơ cũng như thưởng hoa, càng đi sâu vào diệu xứ, càng hưởng được nhiều hương vị  tân kỳ, tôi xin nói sang bài thơ của Mãn Giác Thiền sư và của Lê Cảnh Tuân.
Bài của sư MÃN GIÁC nhan đề là CÁO TẬT BẢO CHÚNG, rằng:
Xuân khứ bách ba lạc,
Xuân đáo bách ba khai.
Sự trục nhãn tiền quá,
Lão tùng đầu thượng lai.
Mạc vị xuân tàn ba diệc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
Tạm dịch:
Xuân đi hoa rụng hết,
Xuân về lại nở hoa .
Trước mắt thoi đưa việc,
Trên đầu tóc dẫu già.
Chớ bảo xuân tàn hoa cũng tận,
Sân mai một nhánh mới đêm qua.

Và đây là bài của LÊ CẢNH TUÂN,  nhan đề là NGUYÊN NHẬT:
Lữ quán khách nhưng tại,
Khứ niên xuân hựu lai!
Qui kỳ hà nhật thị?!
Lão tận cố viên mai!
Tạm dịch:
Quê người khách mãi còn đây,
Xuân sang năm ngoái năm này lại sang.
Ngày về? Đâu biết mà toan!
Vườn xưa, luống để mai tàn hết xuân!

Bài của đại sư MÃN GIÁC thật siêu nhiên thoát tục, ngậm chứa lý tưởng cao thâm của nhà Phật. Nhân lúc bệnh đại sư mượn hoa để cụ thể hoá cho tứ chúng nhận thức được đặc tánh “ bất biến tuỳ duyên” và “ tuỳ duyên bất biến” của Chân Như Lý thể.
Đại ý nói rằng:
CHƠN NHƯ tuỳ duyên mà ẩn hiện, cũng như hoa theo xuân đi mà rụng, theo xuân đến mà nở. Dù ẩn dù hiện, CHƠN NHƯ vẫn ở trước mắt, vẫn ở trên mọi sự vật. Thấy hiện đừng cho đó là thật có. Thấy ẩn đừng tưởng đó là thật không. Không có có không đều là biến thái “tuỳ duyên”, đều là “Bất Thật”. Song ở trên cái “Bất Thật” phải tìm những gì “Chơn Thật”, bất biến, bất sanh, mà cũng bất diệt. Có vượt khỏi bao lớp “duyên khởi huyễn tướng”, có ngộ được cái “không hề sanh, không hề diệt” tức là CHƠN NHƯ, thì mới gọi là biết hưởng cái Xuân Bất diệt ở giữa cõi đời có diệt rồi lại có sanh. Có thế mới gọi là THẬT BIẾT nhánh mai CHƠN THẬT nằm trong trăm hoa BẤT THẬT có tàn có nở kia.
Còn bài của LÊ CẢNH TUÂN là một “tiểu thiên tâm sự”. Nếu không biết qua thân thể của tác giả thì không nhận thức trọn được cái hay của bài thơ. Vậy tôi xin lược kể:
CẢNH TUÂN tự là Tử Mưu, người làng Mộ Trạch tỉnh Hải Dương. Khi nhà Trần bị nhà Hồ diệt, CẢNH TUÂN cùng Bùi Bá Kỷ tìm cách khôi phục. Đến khi quân Minh diệt nhà Hồ đặt nền thống trị ở Việt Nam, dùng Bá Kỷ làm tham nghị, thì CẢNH TUÂN gởi cho Bá Kỷ một bức VẠN NGÔN THƯ tỏ chí nguyện cùng sống cùng chết với nhà Trần, khuyên Bá Kỷ yêu cầu nhà Minh lập lại ngôi cho con cháu nhà Trần, nếu không thì nên thôi quan tước…. Sau đó Bá Kỷ bị tội. Khi tịch biên gia sản Bá Kỷ, quân Minh tìm thấy bức Vạn Ngôn Thư, bèn cho tìm bắt CẢNH TUÂN. CẢNH TUÂN trốn tránh được một thời gian, nhưng sau bị bắt đem về Kim Lăng với người con trai. Hai cha com đều mang bệnh mất ở Trung Quốc.
Bài NGUYÊN NHẬT làm trong lúc đi lánh nạn Minh. Câu “lão tận cố viên mai” thật chan chứa tình nhớ thương quê kiển và niềm chua xót cho tấmthân phải mòn mỏi với chí phục thù bất toại.
Khách:
-      Thơ Việt Nam thật không thua thơ ngoại quốc, hình thức cũng nhưng nội dung. Mà biết được chân giá trị của một bài thơ, hiểu được cái hay của một bài thơ, tưởng không phải là một chuyện dễ dàng.
Lão vườn:
-      Nhất là đối với những bài thơ có công phu. “nếu không nhận rõ chỗ dụng công thì không thấy bản sắc của tác giả”, như lời Tản Đà tiên sinh nói.
Khách:
-      Cũng không thấy được bản sắc của tác giả nếu không biết được quan niệm của tác giả về thơ cũng như về nhân sinh về vũ trụ.
Lão vườn:
-      Đúng thế. Cho nên muốn phê bình, phải có học. Mà những người học thức rộng, kiến thức cao lại ít hay phê bình, vì khiêm tốn. Trái lại…!!
Khách cười:
- Đời là thế. Nhưng thôi… Chúng ta hãy trở lại cùng mai của chúng ta. Để nhấm cạn ấm trà mai, anh hãy cho nghe thêm ít bài thơ về mai bằng Quốc âm.
Lão vườn:
-      Thơ Quốc âm về mai, trong những giai phẩm cổ nhân để lại tôi chưa được thấy bài nào. Tôi chỉ biết được một tuyệt của một nhà thơ hiện đại, rằng:
Thu về mai nở gấp,
Trùng cửu nảy chồi xanh.
Tết đến xuân đi trớt!
Đồng quê bát ngát tình
Khách:
-      Tác giả là ai?
Lão vườn:
-      Một người có học thức, có thi tài, nhưng không muốn ai biết danh. Cho nên văn thơ làm ra không khi nào chép lại, và trừ chỗ chí nhân, không để cho ai đọc. Tôi xin lạm dụng tình thân, cho anh biết biểu tự; KIẾN ĐẠO.
Khách:
-      Nghe qua, tuy chưa nhận thức được thâm ý của tác giả, song đã thấy “ám hương phù đổng nguyệt hoàng hôn”. Để thưởng thức cái “chơn vị” của mai, tôi phải “tam canh đạp nguyệt lai” mới được.
Đọan đứng lên từ giã.
Trăng đã lên cao, chiếu ánh vàng lên những cánh mai vàng lung linh phiếu điếu.
Khách vừa đi vừa ngâm:
Bên khóm mai già vầy thú cũ
Ra về sống áo được mùi hương.