Trong vườn hoa thơ Bài 03-Hoa và thi nhân


HOA VÀ THI NHÂN

Nhớ vườn hoa nở ngọt ngào
Dưới trăng chung bóng ra vào cùng thơ.
                                                                                  (Tuyết Nga)
Nói đến Hoa là nói đến Đẹp. Thi nhân là khách đi tìm Cái Đẹp (Le Beau), cho nên không mấy người không yêu hoa.
Yêu hoa, người yêu vì sắc, người yêu vì hương, người yêu thứ hoa nầy, người yêu thứ hoa nọ.
Có người yêu tất cả các giống hoa, vì bảo rằng:
Hoa nào hoa lại không hương sắc,
Một cánh hoa tươi một điểm tình.
Có người lại lựa một số hoa để yêu. Như:
TĂNG DOÃN BÁ kết bạn thân cùng10 giống hoa và gọi:

-      Hoa Lan là Phương hữu
-      Hoa Mai là Thanh hữu
-      Hoa Thuỵ hương là Thú hữu
-      Hoa Sen là Tịnh hữu
-      Hoa Bồ đào là Thiền hữu
-      Hoa Lạp mai là Kỳ hữu
-      Hoa Cúc là Giai hữu
-      Hoa Quế là Tiên hữu
-      Hoa hải đường là Danh hữu
-      Hoa Trà My là Vãn hữu

Và TRƯƠNG MẪN THÚC, một thi sỹ kiêm hoạ sỹ đời Tống, lựa 12 giống hoa vẽ thành 12 bức tranh tuyệt mỹ treo nơi thơ phòng và gọi là 12 người khách:

-      Quí khách là hoa Mẫu đơn
-      Cận khách là hoa Thược dược
-      U khách là hoa Lan
-      Giã khách là hoa Tường Vy
-      Thọ khách là hoa Cúc
-      Tiễn khách là hoa Quế
-      Viễn khách là hoa Lài
-      Giai khách là hoa Thuỵ hương
-      Thanh khách là hoa Mai
-      Nhã khách là hoa Trà My
-      Tịnh khách là hoa Sen
-      Tố khách là hoa Đinh Hương.

Một số lớn hoa Tăng Doãn Bá yêu thì Trương Mẫn Thúc cũng yêu, song tuỳ sự nhận thức của mỗi người mà đặt tên tự cho mỗi thứ. Duy có hoa Mai, hoa Sen, hoa Quế là được hai nhà nhận thức in nhau. Cả hai đều nhận hoa Mai là thanh, hoa Sen là tịnh, và đều gọi hoa Quế là Tiên.

TẦN THIẾU DU,  chồng nữ sỹ đại danh đời Tống là Tô Tiểu Muội, vừa yêu thược dược vừa yêu tường vi. Tần có câu:
Đa tình thược dược hàn xuân lệ
Vô lực tường vi ngoạ vãn chi
Nghĩa là:
Ngầm ngấm lệ  xuân tình thược dược
Mỏi mềm nhánh muộn sức tường vi.
Có người lại chỉ yêu độc nhất một thứ hoa. Như Đào Tiềm là một.
Đào Tiềm hiệu Uyên Minh, là một cao sỹ đời Tấn, riêng yêu hoa cúc. Cúc trồng đầy vườn và thường ngồi trước dậu tâm tình với cúc. Trong bài Am Tửu, Đào có câu:
Thái cúc đông ly hạ
Du nhiên kiến Nam San.
Nghĩa là:
Hái cúc dưới rào đông
Nam sơn nhìn thoải mái.
Còn LÂM BÔ tự Hoà Tịnh, 1 cao sỹ đời Tống, lại yêu Mai. Suốt đời lấy mai làm vợ hoặc làm con. Một hôm đi chơi trong rừng mai ở Tây Hồ, cao hứng bị lạc đường giữa mùi hương kỳ ảo. Lâm có nhiều thơ vịnh mai, mà câu:
Sơ ảnh hoàng tà thuỷ thanh thiển
Am hương phù động nguyệt hoàng hôn
Nghĩa là: Bóng sưa nghiêng ngửa trên dòng nứơc trong và cạn; Mùi hương kín đáo bay chập chờn dưới bóng trăng hoàng hôn”, là 1 câu thơ quán tuyệt thiên cổ.
Lâm Hoà Tịnh yêu mai cũng như Đào Uyên Minh yêu cúc, không phải yêu vì sắc, mà chính yêu vì vẻ điềm đạm của cúc, nét thanh nhã của mai. Và đối với cúc cùng mai, khách phong tao cũng còn nhiều ngâm vịnh.
Về cúc, Tống nhân có câu:
Mạc hiềm lão phố thu dung đạm
Do hữu hoàng hoa vãn tiết hương.
Nghĩa là:
Mặt lão vườn nét thu dù nhạt,
Có hoa vàng còn ngát lòng hương.
Và Thanh nhân mượn sắc vàng của Cúc điểm vào câu “ Sàng đầu kim tận tráng sỹ vô nhan”, tạo thành câu:
Giã nhân chẩm thử tăng nhan sắc,
Tợ hữu sàng đầu vị tận kim.
Nghĩa là:
Người quê gối đó thêm nhan sắc,
Như thể hoàng kim chửa sạch giường.
Tứ thật mới, và tuy có ý vui đùa song tình vẫn đôn hậu.
Còn vịnh Mai mà tự xuất tân ý và không nhượng cổ nhân, thì có KỲ LỆ XUYÊN Phương Bá đời Thanh.
Ngâm tình dục lũ băng vi cú,
Ly hận nan chiêu ngọc tác hồn
Nghĩa là:
Vần băng muốn chạm tình ngâm vịnh,
Hồn ngọc không chiêu hận biệt ly.

Vô mộng bất tuỳ lưu thuỷ khứ
Hữu hương chỉ tại thử môn trung.
Nghĩa là:
Không mộng nào không theo nước chảy,
Có hương chỉ có tại non nầy.
Và câu:
Lũng thủ chí kim xuân ý bạc,
Sơn trung tự  tích cố nhân hy.
Nghĩa là:
Ý xuân bạc bẽo lòng khe vắng,
Người cũ lơ làng bóng núi sâu.
Tình hoài cao đạm, thật là tri kỷ của mai.
Nhưng đối với Mai, vì vẻ thanh sấu, nên Đường Minh Hoàng phụ rẫy để say sưa vẻ phì nộn của hải đường. Minh Hoàng sánh hải đường với người yêu là Dương Quý Phi. Nhìn Quý Phi ngủ, Minh Hoàng cười nói: “Hải đường ba thụy liễu”, nghĩa là “ Hoa hải đường đã ngủ rồi”.
Lý Thái Bạch lại sánh Dương Quý Phi với hoa Mẫu đơn.
Trong khúc Thanh Bình Điệu của Lý soạn để phổ vào nhạc trong lúc Quý Phi và Minh Hoàng thưởng mẫu đơn tại đình Trầm Hương, có câu:
Danh bạ khuynh quốc lưỡng tương hoan
Nghĩa là:
Thiên hương sánh với khuynh thành,
Sắc đành lẫn sắc, vui đành chung vui.
Hoa mẫu đơn trước kia vì không chịu nở theo mệnh lệnh của Võ Hậu, nên bị đày lên miền Bắc. Võ Hậu mất ngôi, Mẫu đơn trở lại về Tràng An và nhờ Dương Quý Phi cùng Lý Thái Bạch mà thêm cao phẩm giá.
Nhưng Thái Bạch ca ngợi Mẫu đơn chỉ vì Dương Quý Phi.
Ca ngợi Mẫu đơn vì Mẫu đơn, thì có TRÌNH NGƯ MÔN đời Thanh là một. Trình có câu:
Năng giao Bắc địa thành hương giới,
Bất phụ đông phong thị thử ba.
Nghĩa là:
Chúa Đông tình chẳng phụ tình
Đã đem cõi Bắc tạo thành cõi hương.
Người đời Đường cũng có câu:
Quốc sắc triêu cam tửu
Thiên hương dạ nhiễm y.
Nghĩa là:
Rượu sớm say nghiêng màu quốc sắc,
Ao đêm dầm ngát vị thiên hương.
Thật là hay. Song chưa bằng câu:
Nộn húy nhân khan tổn,
Kiều nghi nhật chích tiêu.
Nghĩa là:
Nõn nà luống sợ người xem lấm,
Mềm mịn riêng e nắng sưởi tan.
Đó là một câu truyền thần tuyệt diệu, lột được vẻ kiều nộn của Mẫu đơn.
Lại có câu:
Ưng vị giá cao nhân bất vấn
Cáp viên hương thậm điệp nan thân.
Nghĩa là:
Giá cao ưng khiến người không hỏi,
Hương ngợp nên xui bướm khó gần.
Riêng có ký thác.
Người đời Nguyên lại chê mẫu đơn là vô dụng:
Táo ba tợ tiểu năng thành thiệt,
Tang diệp tuy thô giải tác tư.
Duy hữu mẫu đơn như đẩu đại
Bất thành nhất sự hựu không chi.
Nghĩa là:
Hoa táo nhỏ mà hay kết quả
Lá dâu thô mà nhả thành tơ.
Mẫu đơn to lớn sởn sơ,
Không nên một việc đành tơ nhánh tàn.
Trong đám danh ba, mẫu đơn sắc đã đẹp hương lại đượm, nên được trân ái hơn cả, được ca tụng nhiều nhất. Nhưng thân còn có khi bị luỵ, danh còn có khi bị chê. Đến như cúc như mai là giống hoa nhã đạm, người thân yêu chỉ là những người thanh cao, cho nên  phi thị thị phi xưa nay không luỵ đến.

Phẩm giá ngang hàng với Mai và Cúc, là giống hoa Lan. Tăng Doãn Bá gọi là Phương Hữu, Trương Mẫn Thúc gọi là U Khách, Khổng Phu Tử gọi là Vương Giả Ba. Thi Hào KHUẤT NGUYỄN kết hoa Lan làm đồ trang sức, xem quí như ngọc châu, và tử đệ nhà họ Vương họ Tạ đã cùng hoa lan mà nổi danh thiên cổ.
Bóng chen sân Tạ càng cao cánh,
Tiếng nổi đình Vương lắm phẩm đề.
Đó là câu Vịnh Lan của cụ tú VÕ KIỂM, người làng Hưng Trị, quận Phù Cát, một danh sỹ Bình Định, mới qua đời trên ba mươi năm nay.
HÙNG THỨ TUYỀN đời Thanh có câu:
Bạn ngã tam xuân tiêu vĩnh trú
Thuỳ liêm nhất nguyệt bất thiêu hương.
Nghĩa là:
Ba xuân kết bạn tiêu ngày vắng
Suốt tháng buông rèm chẳng đốt hương.
Tùy Viên khen rằng: “Không nói đến Lan mà chính là Lan” (Tịnh phi lan ba, đích thị lan ba). Không thấy nói đến, kỳ thật nói đến, đó là tài, một tài ba lỗi lạc. Tài ấy tình ấy thật xứng cùng phẩm giá hoa lan.
Một loại hoa cùng Lan, có hoa Thuỷ Tiên, phẩm giá cũng cao tuyệt. Yêu Thuỷ Tiên có bà Châu Nguyệt Tôn, đời Thanh. Bà Châu hiệu Ỷ Hương, vịnh Thuỷ Tiên có câu rằng:
 Anh nghi phù dạ nguyệt,
Hương bất cách liêm lung.
Nghĩa là:
Ảnh ngờ nổi trăng đêm,
Hương không cách rèm xũ.
Đó là vịnh Thuỷ Tiên mà cũng là tự vịnh.

PHAN SÀO NAM tiên sinh cũng là một tình nhân của Thuỷ Tiên. Bài Vịnh Thuỷ Tiên trích dẫn trong bài “Chuyện Hoa trong Ngày Xuân” là kết quả của mối tình thơm thắm. (1)
Chẳng những đối với danh hoa thi nhân mới có tình. Thường hoa, như hoa lang, hoa cà, hoa bưởi….. Vẫn được thi nhân lưu ý:
- Chơi hoa cho biết màu hoa
Hoa lang tím tím hoa cà xanh xanh.
Hoa lài hoa lý hoa ngâu
Không bằng hoa bưởi thơm lâu dịu dàng.
Hoa lang, hoa cà, hoa bưởi dù không sánh kịp các danh hoa, song vẫn còn có ít nhiều hương sắc. Đến hoa LAU đã không sắc lại không hương mà thi nhân vẫn không phụ rẫy:
Tri phủ dương ba phiên tiện nhữ:
Nhất sanh tùng bất thức xuân sầu.
Đó là thơ vịnh hoa lau của người đời Thanh là LƯU HÀ THƯỜNG. Ý nói rằng “Hoa dương sanh về mùa xuân khen hoa lau biết lựa mùa thu mà nở, nên suốt đời khỏi bị vướng mối sầu xuân”.
Viên Mai xem câu thơ của Hà Thường mà thất sắc. Và hoa lau nhờ Hà Thường mà nổi danh trong làng thơ.
Ngoài các thi nhân kể trên, còn nhiều nhà yêu hoa khác. Mỗi người yêu mỗi cách, song đại để đều thấy nơi hoa, mỗi thứ có mỗi tâm hồn, mỗi tính cách riêng biệt. Và đối với thi nhân, hoa không phải là vật chơi qua thời, mà là những người bạn tinh thần thân thiết.
Chẳng những thế, thi nhân yêu hoa lại còn yêu với một niềm chung thuỷ:
Yêu hoa yêu cả một đời
Khi phong nhuỵ thắm khi cười gió đông,
Khi trăng xế khi sương lồng,
Khi đà lợt phấn phai hồng càng yêu. (2)
Rủi cuộc yêu đương có ngắn ngủi, yêu rồi vẫn để lại chút hương vị của yêu đương:
Tình trong giấc mộng vẫn tình
Gối hoa đã tỉnh bên mình còn hương.
Chẳng những thi nhân mới yêu hoa quí hoa. Cả các nhà đạo đức cũng có tình với hoa:
- Đức Khổng Tử yêu hoa lan, gọi lan là hoa Vương Giả và thường đeo lan trong mình.
-      Chu Thúc Mậu, một vị đại hiền đời Tống, yêu hoa sen. Mùa sen nở đêm đêm thường cột thuyền giữa đầm mà ngủ, để mộng mình hòa cùng mộng sen.
Lắm nhà quyền quí cũng rất yêu hoa:
-      Vua Đường Minh Hoàng yêu hoa như yêu cung phi mỹ nữ. Nhà vua đã đặt Dương Quý Phi bên hoa Mẫu đơn khiến Lý Thái Bạch có khúc Thanh Bình điệu để lại nghìn thu. Nhà vua lại sai đúc những chiếc chuông nhỏ bằng vàng, đem treo trên cành cây nơi Thượng Uyển để đuổi chim không cho đến phá hoa. Và những lần xuân đến thường đem nhạc công theo mình trong lúc đi thưởng hoa, để họa tấu những khúc du dương cho hoa được hoan lạc. Do đó hễ mỗi lần nhà vua đến thì trăm hoa đua nở theo nhịp trúc ti.
-      Những tay phong lưu phú quí đời Tống cũng như đấng quân vương, thường làm những cung đện bằng ngọc để chứa hoa. Mỗi giống hoa có một chuyên viên phụ trách việc bón tưới cho cây, tắm rửa cho lá. Như hoa Mẫu đơn thì giao cho mỹ nhân, và giai nhân phải mặc lễ phục khi tắm rửa cho hoa. Hàn mai thì phải một vị tăng gầy gò xanh xao chăm sóc.
Yêu hoa quí hoa đến thế là cực điểm.
Nhưng lòng yêu hoa vẫn còn ở trong vòng tình ái.
Chưa bằng tình yêu hoa của người Nhật.
Người Nhật đã nâng cao lòng yêu hoa thành lòng sùng kính. Và lòng sùng kính của họ đối với hoa, thiêng liêng như một đạo giáo.
Đó là Hoa đạo.

Hoa đạo về hình thức là nghệ thuật cắm hoa. Có nhiều nguyên tắc, có nhiều trường phái. Mỗi trường phái có một người lãnh đạo và có những nguyên tắc riêng biệt. Nhưng đại để là thận trọng trong việc hái hoa, cắm hoa, đặt để lọ hoa ở một nơi xứng đáng.
Dường như họ chỉ chú trọng về mỹ thuật.
Nhưng sự thật họ cố gây trong óc mọi người cái quan niệm nhất trí về thiên nhiên và nghệ thuật, về nghệ thuật và đời sống con người, hầu tạo một bầu không khí điều hòa tươi đẹp trong cảnh sinh họat hằng ngày.
Đó là một cách tu thiền vậy (3)
Chỉ có nước Nhật mới có Hoa đạo cũng như Trà Đạo.

Ở Trung Hoa có ngày Hoa Chiêu, thường tổ chức vào ngày rằm tháng hai âm lịch, là thời hoa nở cực thịnh. Muôn nhà từ nhà dân đến nhà quan, từ nhà nghèo đến nhà giàu, đâu đâu cũng ăn uống, vui chơi như ngày nguyên đán đêm thượng nguyên. Người ta cúng vị Hoa thần lúc hoa đương thời nở rộ, để cùng thần thưởng thức vẻ đẹp hoàn toàn của thiên nhiên, mà hoa là đại biểu.
Đến tháng tư âm lịch, hoa rụng hết, chỉ còn có hoa đồ mi (4), thì lại tổ chức lễ tiễn Hoa thần, gọi là Giao Mang Chủng. Lễ tưng bừng không kém lễ Hoa Chiêu. Song chỉ có những nhà có vườn hoa, những nơi có công viên, mới treo đèn kết hoa rực rỡ thay hoa.
Tuy lễ lạc tưng bừng, song người dự cuộc không có lòng thành kính đối với hoa như người trong Hoa đạo của Nhật Bản.
Lòng yêu quí hoa của ông cha chúng ta ngày xưa tưởng không kém người Trung Hoa, người Nhật Bản, tuy không nâng lòng yêu hoa thành lòng mộ đạo như người Nhật, không có những hình thức sang trọng như người Trung Hoa.
Lão từng thấy nhiều vị túc nho, nhiều vị ẩn giả không bao giờ giơ tay hái một đóa hoa đương nở hay còn búp. Và hễ gặp những cánh hoa rơi thì lượm để vào những nơi sạch sẽ kín đáo. Không phải lãng mạn như nàng Đại Ngọc khóc hoa chôn hoa trong Hồng Lâu Mộng. Các cụ nhặt hoa rơi một cách hồn nhiên và tự nhiên như nhặt những tờ giấy có chữ thánh hiền bị rơi trước mắt.
Lão còn nhớ: Năm 1925, lão đậu bằng Tiểu Học, bè bạn đến mừng. Một anh bạn thấy nơi hàng rào có bụi hoa hường - gai (rosier sauvage) nở đầy bông, bèn hái một đóa vừa mới nở. Bạn cầm ngửi một chốc rồi ném nơi sân. Sau khi các bạn ra về hết, bà thân sinh của lão ra nhặt hoa và hỏi tên anh bạn kia, rồi nghiêm sắc mặt bảo:
  -    Hoa mới nở mà hái là bất nhân. Hái hoa rồi lại ném là bất nghĩa. Con không nên chơi với người ấy.

Những bó hoa cắm trên bàn thờ lúc cúng, những bình hoa để nơi phòng khách phòng văn, đến khi tàn, không bao giờ bị ông bà cha mẹ chúng ta quăng vào giỏ rác, hay ném vào nơi không được sạch sẽ. Hiện thời, lên nhà quê chúng ta còn thấy những bó hoa điệp, hoa vạn thọ khô héo gác trên hàng rào duối, hàng rào tre. Đó là những bó hoa của các bà nội trợ cúng rằm, cúng mồng một, cúng Phật hay cúng tổ tiên. Đó là di tích của lòng yêu hoa kính hoa của ngày xưa còn sót lại.
Di tích tốt đẹp ấy không còn thấy ở thành thị.
Bởi người thành thị đã nhiễm phải thói khinh bạc của hạng người tự do cho mình là văn minh, tức là người Âu Mỹ.
Người Âu Mỹ trồng hoa nhiều hơn người Việt Nam, và tốn phí cho hoa cũng gấp trăm nghìn lần. Trong những phòng khách, phòng ăn, phòng làm việc, trong những buổi lễ, trong những ngày vui…, hoa mua về cắm đầy, đầy cả hương, đầy cả sắc, nhất là sắc, lộng lẫy huy hoàng. Nhưng cuộc vui tàn, buổi lễ tan, hoa vừa héo cánh, thì trước kia quí trọng bao nhiêu, lúc nầy phụ rẫy bấy nhiêu. Ngàn tia muôn hồng vừa mới ngự nơi cao sang nhất, lại bị dồn chung cùng những rác rến, những đồ dơ bẩn của nhà bếp của sân …! Mùi hương của hoa lẫn cùng mùi hôi hám của đồ thừa thãi, sắc thắm của hoa bị những thứ ô uế làm úng rữa, ố hoen…! Đáng lẽ hoa còn sống còn tươi được một thời gian nữa mới trọn đời hoa, thì đã phải chết oan chết gấp!

Tinh thần người Tây Phương và người Đông Phương khác nhau xa quá!! Một bên thì lộ ra ngoài. Một bên thì chìm vào bên trong. Và tình người Á - Đông, đem cách chơi hoa yêu hoa mà so sánh, thì chúng ta thấy thâm hậu hơn người Âu Mỹ nghìn lần.
Tình yêu quí hoa của cha ông chúng ta để lại là một trong những dân tộc tính.
Tưởng chúng ta không nên đánh mất, trái lại còn nên vun vén trau dồi để được như người Trung Hoa, người Nhật Bản.
Và cách yêu quí hoa của ông cha chúng ta, của người Trung Hoa, Nhật Bản, là hình ảnh là hành động của những tâm hồn cao đẹp, tức là hồn Thơ.
Những người yêu quí hoa như các vị thánh hiền, các vị phong lưu đài các, như các vị túc nho, các bà từ mẫu.. kể trên, là những nhà thơ làm bằng hành động bằng thái độ thay thế văn chương.
Đó là những người tâm hồn dệt bằng văn chương. Vì văn chương đâu phải chỉ ở nơi văn tự:
Hảo điểu chi đầu diệc bằng hữu
Lạc ba thuỷ diện dai văn chương (5)
Cho nên thơ có câu:
Yêu hoa là khách văn chương
Vì hoa bút trổ mùi hương khuynh thành. (6)

_________________________________________________
(1)    Xem bài “Chuyện hoa trong ngày xuân" ở trước.
(2)    Thơ trong "Một Tấm Lòng" xuất bản năm 1939.
(3)    Viết theo quyển Trà Đạo của OKAKURA KAKUZO do Gabriel Mourey dịch ra          tiếng Pháp với nhan đề là Le Liver du The.
(4)    Cổ thi: Khai đáo đồ mi ba sự liễu
(5)    Chim tốt trên cành cũng là tình bằng hữu, hoa rụng trên mặt nước thảy là những áng      văn chương.
(6)    Bài này nguyên của đứa con trai lão là Quách Giao đề là “Ngày xuân nói chuyện hoa”, lão sửa lại và thêm thơ vào để làm tốt cho Thi Nhân.