Trong vườn hoa thơ Bài 04-Học trồng hoa thơ

HỌC TRỒNG HOA THƠ

I. 

Thời Tiền Chiến, Sào Nam Tiên sinh mở Mộng Du thi xã, Tản Đà tiên sinh mở Văn Đàn Giảng luận. Thấy lão lãnh trách nhiệm giữ Vườn Hoa Thơ, có người hỏi:
- Có phải Lão Vườn bắt chước hai vị tiền bối chăng?
Lại có người bảo:
- Lão Vườn muốn nối chí Sào Nam và Tản Đà.
Lão kính cẩn thưa:
- Nói rằng bắt chước thì không sai. Nhưng bảo rằng nối chí thì không đúng, mặc dù lão tôn kính Phan Tiên sinh cũng như Nguyễn Tiên sinh vào bậc thầy.
- Tại sao?
- Tại vì mục đích khác nhau.

SÀO NAM bị bọn thực dân Pháp an trí nơi Bến Ngự. Bốn bề bị lưới mật thám bủa giăng. Ngoài vài ba người bạn đồng chí như cụ Huỳnh Thúc Kháng, cụ Võ Bá Hạp…, không mấy ai dám tới lui thăm viếng. Mở Mộng Du Thi Xã, Tiên sinh nhắm một mục đích xa hơn là dạy thơ: Lấy thi xã làm nơi trò chuyện, mượn nguồn thi để gieo giống cách mạng vào lòng đám thanh niên có học và ham văn chương, dùng lời thơ để khêu gợi lòng yêu nước yêu nòi của những người chạy theo mồi danh lợi…, để giao tình cùng bạn đồng chí đồng thanh…
Tức là mục đích chính của Mộng Du chủ nhân là chánh trị, còn thơ là phụ thuộc. Bọn thực dân dòm biết lo tìm cách cản ngăn.

TẢN ĐÀ mở Văn Đàn Giảng Luận với mục đích thuần tuý văn chương. Tiên sinh muốn đem sở học và kinh nghiệm sáng tác của mình ra truyền cho những người yêu quí Quốc Văn. Lúc bấy giờ phong trào Thơ Mới đương bành trướng. Uy danh của tiên sinh bị các nhà thơ lãnh đạo phong trào thơ Mới hè nhau đả phá kịch liệt. Cho nên ảnh hưởng của Văn Đàn, cũng như của Mộng Du, không được sâu rộng.
Mộng Du Thi Xã bị áp lực của cường quyền mà thất bại.
Văn Đàn Giảng Luận bị thời thượng lôi cuốn hết tri âm.
Không thành công. Nhưng mục đích cao đẹp của Sào Nam và Tản Đà, trong mắt người hữu tâm, vẫn luôn luôn cao đẹp.

Còn về phần lão, mở Vườn Hoa Thơ, lão chỉ nhắm mục đích mua vui cùng bạn đọc. Không bao giờ lão có tham vọng bày vẽ, dìu dắt bất kỳ ai, vì tự biết mình non tài yếu sức.
Nhắm mục đích thấp gần nên lão mới dám nói năng mạnh dạn, bởi:
Nghìn sau chưa dễ lầm ai 
Riêng vui ngày tháng không ngoài trăm năm (1)
________________________________________________________________
(1) Dịch phóng câu thơ của Nguyễn Thượng Hiền: Vị tất ngộ nhân thiên tải hạ, chỉ năng ngu ngã bách niên trung.




II. 

Nghề chơi cũng lắm công phu .
Vườn Hoa Thơ mở ra, tuy mục đích chỉ để mua vui cùng bạn đọc, song lão vườn rất thận trọng.
Chẳng những dè dặt trong việc khen chê, mà còn cân nhắc trong việc lựa chọn tác phẩm.
“Chọn thơ cũng như dụng nhân tài, môn hộ nên khoan, thể thủ nên nghiêm (1). Biết được rõ do đâu có chỗ khác biệt trong các thi phái thì tự nhiên khoan. Biết được rõ điểm tinh diệu trong mỗi thể cách ở chỗ nào thì tự nhiên nghiêm” .
Đó là lời dạy của cổ nhân.

Tác giả Tuỳ Viên Thi Thoại lại có câu:
Thanh bằng cung chuỷ đô tu tuý 
Vị tẫn toan hàm chỉ yếu tiên 
Nghĩa là:
Dù tiếng chuỷ dù tiếng cung, tiếng miễn dòn là thích 
Cả vị chua cả vị mặn vị cho tươi là ngon
Lão dùng những từ trên đây làm phương châm khi chọn tác phẩm thu nhập được.
Tuy vậy không thể nào tránh khỏi chủ quan chi phối. Chủ quan đây là sở thích.

Thơ hay có nhiều vẻ. Sở thích người cũng có nhiều khác biệt. Đỗ Phủ không thích thơ của Đào Tiềm, Âu Dương Tu lại không ưa thơ Đỗ Phủ. Đó là do tánh tình. Thơ họ Đào thì cam, thơ họ Đỗ là khổ. Thơ họ Âu thì hay nương theo cổ nhân, thơ họ Đỗ thì độc sáng. (2). Do đó mà không hợp nhau.
Các bậc đại gia văn chương còn thế huống hồ Lão Vườn là kẻ học thiển tài thô. Cho nên nếu rủi có chỗ không đúng trong việc thủ xả, trong việc phê bình, thì mong bạn đọc lượng tình mà thể tất.
______________________________________
(1) Cửa ngõ nên rộng, lượm lấy nên nghiêm.
(2) Đào Tiềm đời Tuấn, Đỗ Phủ đời Đường, Âu Dương đời Tống. Âu Dương Tu hoc thơ Hàn Dũ đời Đường, thường lấy thơ họ Hàn sửa làm của mình. Có người chê Âu công là “ưa ăn cắp”. Lưu Cống Phủ đời Thanh cười đáp: - “Tuy ăn cắp nhưng không hại đến sự chủ”. (Tuỳ Viên Thi Thoại).



III.

Có người nhờ lão dạy cho phép làm thơ. Lão từ chối, vì lão rất sợ làm thầy.
Lão sợ có lý do:
Ngày lão còn học cấp Trung Học trường Qui Nhơn, nhân nghỉ hè lão mở lớp dạy tư ở thôn Trường Định là quê hương của lão. Lão viết một câu đối dán nơi cửa trường, rằng:
"Chưa phải thầy thử làm thầy, dìu dắt anh em nền tiến bộ;
Đã ra dạy gắng công dạy, lần hồi chúng bạn bước văn minh
".
Các bạn của lão trẻ cũng như già đều khen là hay. Nhưng bà thân sinh của lão lại chê là không đôn hậu, sửa lại là:
"Chưa đáng thầy học làm thầy, chung sức vun xây nền đạo nghĩa.
Đã ra dạy gắng công dạy, khuyên lòng dong ruổi bước văn minh".
Từ khi biết làm thơ, lão được các bạn quen thân khen ngợi, khiến lão sinh lòng kiêu căng, tự phụ. Bà thân sinh của lão vốn thông Hán học, song không thấy bà ngâm vịnh, nên lão đinh ninh rằng bà không giỏi văn Nôm. Các bạn đồng hương của lão cũng nghĩ thế. Khi thấy bà sửa câu đối dán trường, thì ai nấy đều chột dạ. Tánh huênh hoang ngạo nghễ của lão từ ấy giảm bớt đi nhiều.

Rồi một hôm lão dạy học. Lão giảng một nơi, có một trò lặp lại một ngả. Giận quá, sẵn cây thước gạch cầm nơi tay, lão gõ lên đầu trò ấy một cái khá mạnh… Buổi học tan, lão vào nhà trong thì thấy bà thân lão ngồi nghiêm chỉnh trên giường, dưới đất trải chiếc chiếu chõng. Bà cầm roi chỉ xuống chiếu. Tuy không hiểu nguyên nhân, lão vẫn ngoan ngoãn phụng mệnh. Bà nhịp roi lên lưng lão:
- Tao nuôi mày từ nhỏ đến lớn, đã có khi nào đánh trên đầu mày chưa? Thế mà mày mới vừa tập dạy học, đã lấy thước đánh lên đầu học trò như vậy, thì lễ để đâu? Nghĩa để đâu?
Lão cảm thấy một luồng hơi lạnh chạy từ gót lên đầu, miệng cứng, thân run, đành sấp mặt chịu tội. Nhận thấy rằng lão biết sợ, bà đánh nhẹ một roi, rồi nói:
- Lần này má tha cho. Con không nên tái phạm.
Mừng quá đỗi mừng, lão vội đứng lên lạy tạ.
Từ ấy mỗi lần bước vào lớp học thì vẻ nghiêm nghị của bà hiện ra trước mắt lão, lão đâm ra sợ sệt lúng túng…

Do đó lúc đậu bằng Cao Đẳng Tiểu Học rồi, lão xin đi làm phán sự chớ không dám xin đi dạy học, mặc dù lão đã thạo nghề. Lũ con lớn lên muốn vào trường sư phạm, lão khuyên:
- Làm thầy cho xứng đáng ông thầy, khó lắm.

Khách yêu Vườn Hoa Thơ nói:
- Ai bảo lên mặt thầy làm gì. Chỉ đem sở học của mình ra dìu dắt đoàn hậu bối đương dò dẫm đường hướng, tưởng cũng đã góp phần xây dựng tương lai ít nhiều rồi.
- Dìu dắt rủi sai đường lạc lối thì phải chịu trách nhiệm về hậu quả. “Mang tơi chữa lửa” là việc không nên làm, nhất là lúc tuổi đã “ biết mệnh trời”. Nhưng đã trót nhận nhiệm vụ giữ Vườn Hoa Thơ thì chẳng lẽ lại theo lời Tuân Tử “ kẻ thiện dịch không bói, kẻ thiện thi không nói” (1) như Dương Quán đời đường. (2). Cho nên thỉnh thoảng lão cũng phải nói, nhưng chỉ nói những gì lão đã học được của cổ nhân mà thôi.
- Được như vậy cũng đã quí lắm rồi. Từ xưa đến nay chưa có ai không học cổ nhân mà làm thơ hay được.
- Học cổ nhân, kẻ thiện học thì đặng cá quên nôm (3), kẻ không thiện học thì khắc thuyền tìm kiếm. Đó là lời luận của Viên Tử Tài. Châu Lịch Viên lại nói thêm: Học cổ nhân thì nên lấy tinh thần mà hợp mặt ở trong mộng, chớ không nên khiến cổ nhân hiện hình giữa ban ngày(4).
Đó là những danh ngôn. Kẻ học thơ nên biết để khỏi bị nô lệ cổ nhân. Và để điểm nhiễm cho lời nói, lão xin đưa ra một vài ví dụ:

Lý Thái bạch trong bài XUÂN TÚ có câu:
Xuân phong bất tương thức 
Hà sự nhập la vi
Nghĩa là:
Gió xuân không quen biết 
Cớ chi vào rèm là?
Tản Đà nương theo đó mà làm ra câu:
Đêm thu gió lọt song đào 
Chồng ai đi vắng gió vào chi đây
Cổ nhân gọi thế là “Am du kỳ ý nhi hiển dịch kỳ từ”, nghĩa là “ trong lấy trộm ý mà ngoài sửa đổi lời”.

Hàn Mặc Tử cũng nương theo lời họ Lý, nhưng đi xa hơn Tản Đà:
Âm thầm để gió hôn bên má 
Bẽn lẽn làm sao lúc nửa đêm 
Em sợ lang quân em biết đặng 
Nghi ngờ đến cái tiết trinh em (5) 
                                                 (Bẽn lẽn) 
Thơ xưa có câu NGHĨ CỔ rằng:
Mạc tác giang thượng châu 
Mạc tác giang thượng nguyệt 
Châu tải nhân biệt ly 
Nguyệt chiếu nhân ly biệt 
Nghĩa là:
Trên sông chớ làm thuyền 
Trên sông chớ làm nguyệt 
Thuyền chở người biệt ly 
Nguyệt chiếu người ly biệt. 
Xuân Diệu nhân đó mà có bài:
Đương lúc hoàng hôn xuống 
Là giờ viễn khách đi 
Nước nhuộm màu ly biệt 
Trời vương hương biệt ly … 
Có thể mượn câu thơ của cụ Mộng Si để tán thán mấy câu học cổ trên:
Vàng có nên mười công bấy lửa 
Xanh kia khéo nhuộm hơn chàm.

_______________________________________________

(1) Thiện vi dịch giả bất chiêm, thiện vi thi giả bất thuyết.
(2) Một nhà thơ làm quan có tánh tích tốt
(3) Đắc ngư vong thuyền, tức khi đã được ý rồi phải quên lời. Khắc châu cầu kiếm: khắc dấu trên thuyền đương chạy để mong tìm lại cây kiếm bị rớt xuống nước tức chỉ thấy gần mà không biết nghĩ xa.
(4) “Học cổ nhân giả, chỉ khả giữ chi mộng trung thần hiệp, bất khả sử kỳ bạch trú hiện hình”. Ý nói chỉ nên lấy tinh ba trong lời nói chớ không nên bắt chước từng ý từng lời. 
(5) Có người chê chữ “cái” bảo rằng “tiết trinh” đâu phải là một vật mà gọi là cái? Xin thưa: “Cái tiết trinh” của Hàn Mặc Tử cũng như “cái hồng nhan” trong câu “trơ cái hồng nhan với nước non” của Hồ Xuân Hương.



IV.
 
Nhân đọc Tuỳ Viên Thi Thoại thấy câu: “Thơ do tánh tình của người mà ra (1). Chỉ lo khai thác nơi bản thân là đủ. Cốt sao cho ngôn động tâm, sắc đoạt mục, vị thích khẩu, âm duyệt nhĩ, thế là thơ hay”, một ông bạn đến Vườn Hoa Thơ hỏi lão:
- Theo lời của Viên Tử Tài thì cần chi đọc sách?
Lão đáp:
- Viên Tử Tài là một nhà thơ chú trọng tánh linh. Viên thường nói: “Làm người thì không nên Hữu Ngã (2). Hữu Ngã thì bệnh tự thị bệnh ích kỷ sanh ra nhiều. Còn làm thơ lại không nên Vô Ngã. Vô Ngã tất sanh ra tệ tiệu tập (3), tệ phu diễn. Văn Hàn Xương Lê, sở dĩ cổ kính ấy là nhờ tự nơi mình mà ra”. Đó là Viên khuyên người làm thơ phải “Tự lực cánh sinh” chớ không nên “cầu ngoại viên”. Song nếu không cần đọc sách, nghĩa là không học người xưa, học người hơn mình, thì làm sao biết được nhiều cách khôn khéo do kinh nghiệm mà có, để diễn đạt tình ý cho thấu đáo, sâu sắc?

Tuỳ Viên đọc sách rất nhiều, và trong thi thoại thường dẫn những lời nói của các danh nhân tiền bối và đương thời để khuyến giới đám hậu sinh.
Trong những lời nói của các danh nhân, lời của Lý Ngọc Châu, chúng ta nên dùng làm câu khẩu hiệu:
“ Đọc sách nhiều là việc tối yếu của thi gia. Sở dĩ phải dồn chứa trong bụng cho được vạn quyển sách là cốt để trợ lực cho thần khí. Thơ mình làm ra có liên quan đến sách mình đọc hay không liên hệ, kẻ làm thơ không tự biết, người đọc thơ cũng không biết. Như thế mới gọi là chân thi. Nhược bằng có ý khoe khoang sức uyên bác của mình thì rớt xuống bậc hạ thừa”. (4)
Đỗ Thiếu Lăng cũng thường nói:
- Độc phá vạn quyển. (5)
Đó cũng là lời dạy phép đọc sách. Đọc mà phải phá.
Đọc để thu hoạch, phá để vỡ nghĩa lý. Phá là “phá kỳ quyển thủ kỳ thần” (6). Độc phá để nhóm lấy phần tinh thần và vất bỏ phần cạn bã. Cũng như con tằm ăn dâu, con ong hút mật.
Nói một cách khác: Đọc sách cũng như ăn, phải tiêu hoá mới bổ ích.
Kẻ học làm thơ cũng nên theo phương pháp học làm người của Khổng Tử:
- Bác học, là học cho rộng
- Thẩm vấn, là hỏi cho kỹ
- Thận tư, là nghĩ cho chín
- Minh biện, là bàn cho chẻ.
- Đốc hành, là làm cho được.

Gia công học tập như thế để cho đủ lực lượng tự phú tự cường, tự xuất cơ trử thành nhất gia phong cốt (7), chớ không chịu nương dưới rào dậu người, như lời Tổ Oanh đời Thanh thường nói (8)
Ông bạn hỏi vặn:
- Lưu Trọng Lư chỉ đọc có quyển Truyện Kiều của Nguyễn Du, Anh Thơ Nguyễn Bính học chưa hết chương trình tiểu học (9). Nhưng thơ của ba nhà có thua kém chi thơ người có thiên kinh vạn quyển trong lòng?
Lão cười:
- Người làm thơ muốn có thơ hay phải gồm đủ ba yếu tố: Thi cốt, thi học, thi tài.
Thi cốt thi tài là của trời
Thi học là của người
Thi nhân là giống cây có hoa.
Sanh ra hoa là thi tài. Nhưng sanh được hoa là do cây có sẵn chất hoa trong thân, tức có sẵn thi cốt.

Cây đã có sẵn chất hoa trong thân, đã sẵn khả năng ra hoa, mà gặp được người vun xới, tưới nước bỏ phân, thì nhất định hoa nở thạnh và giàu hương sắc hơn bị trồng nơi không người tưới bón. Phân nước là thi học.
Học hỏi thêm thì thơ của họ nhất định phải nhiều hơn và cao thâm hơn.
Thơ người ít học thường cạn.
Thơ người học nhiều thường thâm.
Cho nên người làm thơ không nên lười nếu muốn thơ mình lên đến diệu xứ.
________________________________
(1) Thi giả nhân chi tánh tình giả
(2) Hữu Ngã: Nặng về Cái Ta (Le moi).
(3) Tiệu tập: Gom góp của người để bắt chước làm theo.
Phu diễn: Phô bày một cách cạn cợt.
(4) Phàm đa độc thư vi thi gia tối yếu sự. Sở dĩ tất tu hung hữu vạn quyển giã, dục kỳ trợ ngã thần khí nhĩ, kỳ lệ sự bất lệ sự, tác thi giã bất tự tru, độc thi giả diệt bất tự tri. Phương khả vị chân thi. Nhược hữu tâm căng uyển uyên bác tiện lạc hạ thừa.
(5) Đọc và phá vỡ muôn quyển sách (phá vỡ nghĩa lý).
(6) Phá vỡ hình thức để lấy tinh thần của bài văn câu văn mình đọc.
(7) Tự đặt ra thêm máy làm phong vận cốt cách riêng một nhà. Tức tự đặt ra nguyên tắc để làm thơ.
(8) Nguyên văn: “Văn chương đương tự xuất cơ trử thành nhất gia phong cốt, bất khả ký nhân ly hạ.”
Âu Dương Tu đời Tống học văn Hàn Xương Lê rồi tự lập thành nhất gia cơ trử, nhưng học thơ họ Hàn lại bị chi phối nặng nề. Cho nên vượt ra ngoài ảnh hưởng sách vở không phải việc dễ.
(9) Xem “Thi nhân Việt nam” của Hoài Thanh.