Trong vườn hoa thơ Bài 05-Gọt tỉa hoa thơ


GỌT TỈA HOA THƠ

1.

Nắng mai trong như lọc. Lão ngồi dưới gốc mận vườn thơ cao ngâm hai câu tức cảnh vừa nhận được khi hôm:
Gió thoảng rèm hương hoa thức ngủ
Trăng lồng hiên trúc bút thôi xao.
Riêng lấy làm thích, nhìn những giọt sương lóng lánh mà mỉm cười. Chợt nghe sau lưng có tiếng:
-   Bác ra vườn sớm quá!
Lão ngoảnh lại thì thấy hai em học sinh quen thân là Lạc và Hải. Liền đó ông bạn già Trần Thúc Lâm đến tiếp. Lão hoan hỷ chào:
-      Chà! Mới mở hàng đã đắc khách. Hôm nay chắc vườn hoa phát tài.
Đoạn pha trà cùng khách nhấm thơ. Trần quân nói:
-      Câu thơ ngẫu hứng mà dường như dùng lắm công phu. Rèm Hương mà xuống hoa, Hiên Trúc mà xuống bút: Thiệt khéo! Một bên giai nhân, một bên tài tử: Thật tình! Bút Thôi Xao: Chữ cũ nhưng cách dùng mới…
Hải có vẻ mừng rỡ:
-      Hai chữ THÔI XAO lâu nay cháu hiểu chưa được thấu đáo, vì tra từ điển thấy THÔI nghĩa là đẩy, XAO nghĩa là gõ, mà ở trường thầy giáo lại giảng: THÔI XAO là lựa chữ nuốt lời trong việc làm thơ. Nghĩa của thầy và nghĩa của sách cách nhau xa quá, nên cháu rất lấy làm phân vân. Kính xin hai bác chỉ giáo.
Lão đáp:
-      Sách giảng đúng, Thầy giảng đúng. Nhưng sách chỉ nói về gốc, thầy chỉ nói về ngọn. Muốn biết hình dáng một cây tùng mà chỉ xem khúc gốc và khúc ngọn thì làm sao hình dung được toàn thể của cây.
Trần quân tiếp:
-      Nghĩa là ở giữa lời giảng của thầy và lời giải của sách có một sự tích về hai chữ  THÔI XAO. Phải biết rõ sự tích này mới hiểu thấu đáo ý nghĩa của hai chữ nọ.
Đoạn kể:

GIẢ ĐẢO là một thi nhân nổi danh đời Đường (618-907). Lúc trẻ nương cửa Phật. Sau hoàn tục, thi đậu tấn sỹ.
Một hôm, mang sao đi thăm một người bạn ở ẩn, xúc cảnh làm được hai câu ngũ ngôn:
Điểu túc trì biên thọ
Tăng sao nguyệt hạ môn.
Nghĩa là: Chim ngủ trên cây bên ao, nhà sư gõ cửa dưới trăng.
Rõ là một giai cú. Nhưng lưỡng lự không biết nên hạ chữ XAO hay chữ THÔI. Suốt đêm trằn trọc. Sáng hôm sau lên đường trở về nhà, lòng không thôi cân nhắc chữ. Vừa đi vừa lấy hai tay làm điệu bộ xô cửa. Cứ lo gõ rồi xô, xô rồi gõ, không để ý gì đến chung quanh. Lúc ấy có xe quan Hình Bộ Thị Lang là HÀN DŨ đi qua, Giả Đảo không thấy cứ đi đâm sầm vào. Hàn sai lính bắt hỏi, biết rõ duyên do, khuyên nên lấy chữ XAO.
Từ ấy hai bên trở thành đôi bạn văn chương, và hai chữ THÔI XAO được làng thơ dùng để chỉ việc rèn câu đúc chữ.
LẠC hỏi:
-      Thưa Bác, tại sao chữ XAO lại hơn chữ THÔI?
Trần quân cười:
-      Không thấy sách giảng.
Lão góp ý:
-      Theo thiển kiến, chữ XAO hơn là vì:
Trước hết giữ được lễ độ. Phàm đến nhà người, dù thân thiết đến đâu, khách, theo phép lịch sự, không bao giờ đường đột đẩy cửa bước vào nhà, nhất là lúc ban đêm. Xưa cũng như nay, thế nào khách cũng phải gõ cữa rồi đứng đợi chủ nhân lên tiếng mời vào hoặc ra đón.
Sau nữa, nếu đẩy cửa bước vào nhà, thì bóng trăng trên cửa đối với người, có cũng như không. Chớ gõ cửa rồi đứng đợi, thế nào người thấy ánh trăng soi sáng cũng ngước mặt lên nhìn trăng. Như vậy người đối với trăng không đến nỗi vô tình và trăng đối với người không đến nỗi vô dụng.
Chữ XAO để vào câu thơ làm cho ý thơ giàu thập bội, cho nên giá trị hơn chữ THÔI.

Lạc  và Hải đồng thanh:
-      Không biết cổ nhân có nghĩ như thế chăng?
Lão đáp:
-      Mình suy luận thấy hợp lý là được, hà tất phải tìm xem cổ nhân có nghĩ hay không nghĩ như mình, một khi cổ nhân không để gì lại làm bằng cứ. Người Tây Phương có câu “ Lire c’est creer” nghĩa là “ Đọc là sáng tạo”. Nếu cổ nhân không nghĩ như mình, mà những điều mình nghĩ ra đó giải thích thơ văn được hợp lý, có thú vị, và không hại gì đến cổ nhân, thì đó là sáng tạo, và đối với cổ nhân cũng như đối với văn chương, mình có công chớ không có tội.
Trần Thúc Lâm nói:
-      Hôm nay đến tìm Lão Vườn chính vì câu thơ của Giả Đảo, không ngờ lại gặp được 1 tân từ có chữ THÔI XAO và hai chú em thắc mắc về hai chữ ấy. Thật có thể gọi là một cuộc tao ngộ kỳ hy.
Lão cười:
-      Như vậy là đã giải quyết xong.
-      Mới xong một vế, còn 1 vế nữa: Từ trước đến giờ tôi vẫn nghe và vẫn thấy các sách quốc văn nói về thơ Đường chép câu thơ của Giả Đảo là:
Điểu túc trì biên thọ
Tăng xao nguyệt hạ môn.
Nhưng vừa rồi tình cờ tôi xem một tờ báo Tự Do cũ, thấy nơi mục “Cổ Tích bằng Tranh” do nhà văn Hiếu Chân phụ trách, lại chép là “Điểu túc trì TRUNG thọ”. Tôi không biết địa chỉ của Hiếu Chân, nên không thể viết thư hỏi xem ông đã trích câu ấy ở sách nào, đành phải đến nhờ Lão Vườn cho biết chữ BIÊN hay chữ TRUNG là chữ của GIẢ ĐẢO.
- Lão không dám quả quyết vì chưa nghiên cứu kỹ. Nhưng theo thiển ý thì chữ TRUNG  thích đáng hơn chữ BIÊN.
-    Vì sao?
-    Phàm người sống cùng ngoại cảnh, khi đi đường thường hay ngó thẳng hoặc ngó lên. Người sống với một nội tâm lúc nào cũng hay ngó xuống. Lãng Tiên Giả Đảo là một nhà sư sống với nội tâm nhiều hơn ngoại cảnh. Đi ngang qua ao, thấy bóng cây chiếu xuống nước, đồng thời nghe tiếng chim ngái ngủ vẳng bên tai, thì tâm hồn rung cảm, tiếng chim bên tai tức thì giao duyên cùng bóng cây trước mắt tạo thành bức cảnh “điểu túc trì trung thọ” mang sắc thái tâm hồn của nhà thơ. Cảnh “chim ngủ trên cây bên ao” là cảnh thường, cai cũng trông thấy. Cảnh “chim ngủ trên bóng cây trong ao” là cảnh phi thường, phải là những người nhìn cảnh vật bằng mắt lẫn tâm mới trông thấy. Thơ Giả Đảo có tiếng là “hiểm quái”. Hình ảnh cảnh tượng trong thơ tất nhiên phải là những hình ảnh cảnh tượng phi thường. Vì vậy tôi tin rằng chữ TRUNG là chữ của nhà thơ đã được các nhà soạn văn học sử Trung Hoa liệt vào phái Quái Đản với Mạnh Giao, Lý Hà.
Hải và Lạc lại hỏi lão:
Câu thơ:
Gió thoảng rèm hương hoa thức ngủ
Trăng lồng thiên trúc bút thôi sao.
Vế dưới dùng điển, vế trên không dùng điển. Như thế có trích đoạn chăng?
Lão đáp:
-      Vế “Trăng lồng thiên trúc bút thôi xao” không phải dụng điển. Bởi chữ THÔI XAO đã trở thành một chữ thông dụng và khi dùng chỉ dùng với nghĩa “nghĩ thơ làm thơ” chớ không quan tâm đến, không liên tưởng đến sự tích GIẢ ĐẢO.
Còn vế “Gió thoảng rèm hương hoa thức ngủ” không phải tạc không. Vì sách chép rằng vua Đường Minh Hoàng thấy Dương Quí Phi ngủ liền phán: “Hải đường ba thuỵ liễu”, nghĩa là “Hoa hải đường đã ngủ rồi”(1). Nhưng bảo rằng dụng điển là sai. Đó chỉ dựa vào lời nói của Vua Đường để khỏi bị bắt bẻ rằng “hoa gì lại biết thức biết ngủ”. Cũng như Trần Kế Xương dựa vào câu tục ngữ “bán trời không chứng” (2) để làm câu:
Lúc túng toan lên bán cả trời
Trời cười thằng bé nó hay chơi
Nói tóm lại, vế “… hoa thức ngủ” lấy thế câu nói của Đường Minh Hoàng, vế “… bút thôi xao” mượn chữ trong câu chuyện của Giả Đảo. Hai bên đều có chỗ dựa, tức là có xuất xứ, nhưng bên nào cũng chỉ dựa hơi hơi mà thôi. Như thế là cân, là chỉnh.
Trần quân tiếp:
-      Và như thế là một cách “phiên trần xuất tân” tức là: lật cái cũ lên để bày cái mới ra”.
Mặt trời lên cao soi nắng vào chỗ ngồi, mặt khách cũng như mặt chủ trông vừa sáng vừa tươi… Và nâng cao chung trà khách chủ đồng cất tiếng:
Dương xuân triệu ngã dĩ yên cảnh, đại khối dả ngã dĩ văn chương. Hội đào lý chi phương viên, tự thiên luân chi lạc sự..” (3)

__________________________________________________________
 (1)   Cũng có sách chép: “Hải đường thuỵ vị túc đa?” Nghĩa là: “Hoa hải đường ngủ chưa đủ ư”?
(2)   “Bán trời không chứng, bán rừng không giấy”. Cũng có nơi nói “Bán trời không văn tự”, “Bán trời không mời thiên lôi”.
(3)   Bài tựa “Xuân dạ yến đào lý viên” của Lý Bạch: Mùa xuân ấm dùng mây khói mà đón mời ta, trời đất dùng văn chương mà đãi ta. Hợp trong vườn thơm đào mận, bày tiệc vui giữa bạn bằng…




2.

Làm thơ công phu như Giả Đảo gọi là khổ ngâm.
Cổ nhân có câu:
Khổ ngâm tăng nhập định
Đắc cú tướng thành công.
Nghĩa là: Làm thơ công phu nhiều và khó như nhà sư ngồi thiến cho đến lúc nhập định, nhưng khi làm được câu đắc ý thì vui sướng không khác ông tướng lập nên chiến công.
Nỗi khổ và nỗi vui ấy đều thể hiện nơi Giả Đảo.
Trường hợp vui như trường hợp sau đây:
Một hôm Giả Đảo mặc áo cà sa cỡi lừa đi lang thang trên đường Tràng An. Nhằm lúc mùa thu, gió thổi lá vàng bay đầy mặt đất, Giả Đảo cao hứng ngâm:
Lạc diệp mãn Tràng An.
Nhưng không nghĩ ra vế thứ hai, cứ cho lừa đi loanh quanh lẩn quẩn, trí băn khoăn miệng lẩm bẩm. Chợt lừa đi đến bờ sông Vỵ Thuỷ. Trông thấy mặt sông gợn sóng, Giả liền hạ ngay câu:
Thu phong xuy Vỵ Thuỷ.
Cảnh thật như vẽ mà đối đáp thật sít sao:
Lá rụng đầy Tràng An
Gió thu thổi Vỵ Thuỷ
Dịch ra thơ:
Lá vàng trôi ngập Tràng An
Sóng sông Vỵ Thuỷ nhẫy tràn gió thu
Giả Đảo khoái chí, miệng đọc thơ chân thúc lừa. Lừa nhảy tứ tung, nhảy xô vào xe quan Kinh Triệu Giả bị lính bắt về phủ giam một đêm!
Hai lần vì thơ mà Giả Đảo đụng vào xe quan. Một lần may vì gặp được vị quan yêu thơ. Một lần rủi vì gặp phải vị quan chỉ biết pháp luật.
Những câu chuyện về các nhà thơ khổ ngâm xưa nay rất nhiều. Lão xin kể thêm một chuyện nữa:
Lý Tiên Chi đời Thanh vào tá túc nơi một ngôi chùa, nửa đêm thức dậy mở cửa sổ cho gió mát, làm bầy chim đương ngủ giật mình vừa bay vừa kêu. Nhà thơ liền ứng khẩu:
Thôi song kinh điểu mộng.
Nhưng rồi nghĩ mãi không đối được. Năm năm sau lên núi cất nhà ở ẩn. Đêm đến vào giường nằm, nghe dế kêu cao hứng đối ngay được câu trước:
Tựu chẩm thính cùng thanh.
Hai câu ấy nghĩa là: “Đẩy cánh cữa sổ làm kinh giấc mộng của chim; đến gối nằm thì nghe tiếng dế gọi”.
Câu chuyện trở thành một giai thoại trong làng thơ.

Chắc có bạn tự nghĩ:
-  Hai câu này cũng như hai câu của Giả Đảo trên kia được truyền tụng là do câu chuyện chớ không phải do văn chương.
Lão xin thưa:
-      Văn chương cũng như ý tứ trong những câu nầy mới xem qua thì không thấy gì đặc sắc. Lời thơ bình dị, cảnh cũng là cảnh trông thấy thường ngày. Nhưng nếu chịu khó lắng lòng thì chúng ta nhận thấy vị ngoại vị.
Thật vậy: Tràng An là nơi nổi tiếng phồn hoa đô hội, thế mà dưới mắt Giả Đảo chỉ có toàn lá rụng và gió thu! Lá rụng ám chỉ hạng người vô dụng sống chỉ thêm chật đất mà thôi. Gió thu ám chỉ bọn người có quyền thế thường làm cho người dưới đau buồn phải nhăn mặt như gió thổi mặt sông. (1).
Đó là ẩn ý của hai câu trên.
Còn hai câu dưới ngậm thuyết quả báo của nhà Phật. Mình vô tình cho con chim mất ngủ, con dế cũng làm cho mình mất ngủ trở lại một cách vô tình. Tuy vô tình nhưng vẫn không ra ngoài vòng nhân quả.
Lại còn ý nầy nữa: Chùa là cửa từ bi. Con chim đến nương thân tưởng đã được sống yên ổn, chẳng ngờ còn bị quấy rầy! Núi non là nơi thanh vắng. Nhà thơ sợ người đời làm khổ, lên núi ở cho yên thân, ngờ đâu không bị người lại bị dế phá rối. Người và vật đều là chúng sinh. Hễ nơi nào có chúng sinh thì là có khổ ở đó. Trên thế gian này, đi đâu cho khỏi nắng trời?
Người làm thơ rút ruột ra để thêu dệt nên câu thơ hoa gấm, thì người xem thơ cũng phải trải lòng ra để thu nhận những vị thơm chất thắm tiềm ẩn trong lời thơ. Như thế mới khỏi thiệt thòi cho văn chương.
___________________________________________________
(1)   Có sách chép rằng Giả Đảo đối được câu: “Lá rụng đầy Tràng An” trong lúc bị nhốt. Nếu như thế thì ý vế đối Gió thu thổi Vỵ Thuỷ lại càng rõ. Song không thử bằng thấy cảnh mà hứng thơ… và câu thơ trở thành câu sấm báo trước việc bị kẻ có quyền bắt nhốt.



3.

Một người khách viễn phương ghé vào thăm vườn, nói cùng lão:
-      Đúc chữ rèn câu là công việc của những thi công (Versificateur). Thi sỹ (Poète) chỉ chú trọng phần nội dung, còn lời thì miễn sao đặt được ý.
Lão đáp:
-      Rất đúng. Song từ xưa đến nay, có bài thơ nào lời không đẹp mà được truyền tụng? Huống nữa người làm thơ đúc chữ rèn câu làm gì nếu không để diễn đạt cho trọn tình ý muốn phát biểu?
Nghề làm thơ cũng như nghề làm ngà ngọc. Nếu không làm ra công mài đũa chạm trổ thì ngọc kia ngà kia làm sao trở thành những mỹ phẩm cao giá. Biện Hoà bị hai lần chặt chân là vì giữ nguyên viên ngọc phác. Cho nên cẩu thả trong việc làm thơ mới có tội, chớ lao tâm khổ tứ như Giả Đạo, nếu không khen thời thôi, sao lại nỡ đem ra chê cười?

Nhưng muốn dũa muốn mài muốn chạm muốn trổ, trước hết phải có ngà có ngọc trong tay. Ngà ngọc đó là thi cốt thi tâm, thi tình thi cảm… Chớ nếu dùng gỗ mục gỗ tạp mà ra công mài dũa, ra công trạm rồng trổ mây… kết quả chỉ là những món đồ chơi trong chốc lát. Bởi vậy cổ nhân có câu:
Ngâm thi hảo tợ thành tiên cốt
Cốt lý vô thi mạc lãng ngâm. (1)
Nghĩa là:
Ngâm thơ cốt tựa thành tiên
Không thơ trong cốt chớ phiền ngâm thơ.
Khách lại nói:
-    Văn chương của các bậc đại gia hầu hết đều bình dị và xem đi xem lại vẫn không tìm thấy những ngấn vết dụng công. Như Bạch Lạc Thiên là một.
-    Đúng, nhưng không phải đúng hoàn toàn. Bởi ngoài Bạch Cư Dị ra còn trăm ngàn đại gia khác. Huống nữa để đi tới mức dung dị, họ Bạch phải tốn rất nhiều công phu. Ví dụ bài Tỳ Bà Hành, tác giả phải sửa đi sửa lại không biết bao nhiêu lần. Một ông bạn đến xin bản nháp, thi nhân kéo ra một cái rương đầy. Ông bạn đem so các bản nháp thì bản đầu và bản cuối chỉ còn giống nhau đôi đoạn nhỏ mà thôi! Trong thơ Hương Sơn lại có câu: (2)
Cựu cú thời thời cải
Vô phương duyệt tánh tình
Nghĩa là “câu cũ luôn luôn sửa chữa, nhưng không hại chi đến tánh tình vui đẹp”.
Như thế chứng tỏ rằng Bạch Cư Dị làm thơ rất công phu. Chớ thấy văn chương bình dị mà tưởng rằng không nhọc sức thôi xao.

Thơ Mạnh Hạo Nhiên, thơ Vương Duy cũng rất thanh giản, không có một câu nào khúc mắc khó hiểu. Ai ngờ họ Mạnh khổ ngâm đến lông mày rụng hết, còn họ Vương lo cấu tứ đến nỗi bước lầm vào vò dấm nơi sân! (3)
Trái lại, Lý Thái Bạch uống một chung rượu viết nghìn câu thơ, Tô Đông Pha cười cợt giận mắng đều thành văn chương. Thế mà thơ họ Lý câu nào cũng trác luyện, thơ họ Tô không dễ gì đọc một lần mà hiểu ngay! (4) mà đi đến chỗ “hạ bút thành thơ, xuất khẩu thành thơ” như vậy đâu phải một mai một chiều mà được. Phải dày công hàm dưỡng, dày công súc tích. Rồi một khi hứng đến thì thi tình thi tứ… chứa sẵn trong tiềm thức liền theo hứng mà tuôn ra như nước nguồn tuôn suối, chớ đâu phải ngẫu nhiên mà có được ý đẹp lời hay.
Lục Phóng Ong nói rằng:
-      Văn chương vốn thiên nhiên, hễ diệu thủ thì là ngẫu đắc (5)
Nói là “ ngẫu đắc” (làm được thơ hay một cách tình cờ, một cách tự nhiên chớ không dùng sức cấu tạo) là vì những tình ý chứa đựng trong người tác giả lâu ngày mà tác giả không để ý, chợt xuất hiện một cách thình lình tưởng chừng như khi không mà được.
Chữ “ diệu thủ” trong câu nói của họ Lục chứng minh lời của lão. Bởi làm thơ đến mức diệu thủ thì công uẩn nhưỡng tâm tư, công thôi xao từ diệu, có phải ít ỏi gì đâu. Chính Lục Phóng Ong tu luyện đã đến mức xuất thần nhập hoá như Lý Thái Bạch, Tô Đông Pha.
Nhiều người muốn bắt chước Bạch Lạc Thiên mà không hề biết đến phương pháp làm việc của họ Bạch. Nhiều người muốn làm Lý Thái Bạch, Tô Đông Pha mà không chịu tìm hiểu sở học, không chịu luyện đời sống nội tâm cho được phong phú như họ Tô họ Lý. Như thế thì có khác gì cách làm tốt của nàng Đông Thi.
Khách nói:
-      Theo lời bàn luận nãy giờ, dường như lão vườn không thích thơ tự nhiên bằng thơ khắc hoạch?
-      Bất luận loại thơ nào, hễ hay là lão thích. Nhưng chớ lầm lộn tự nhiên với nông nổi, hời hợt, dễ dãi, cầu kỳ, dẫn điển mới lạ… là khắc hoạch.
Những bài thơ tự nhiên như bài sau đây của Phan Sào nam tiên sinh:
CẢM TÁC
Buồn biết bao nhiêu tức biết bao
Trách chung chung phải tính làm sao
Thà không trời đất không chi cả
Còn có non sông có lẽ nào…?
Hãy quyết ra tay chèo kéo lại
Để cho khắp mặt ngó trông vào.
Dòng thần con cháu hăm lăm triệu
Cũng mái đầu đen giọt máu đào.
Và những bài thơ khắc hoạch như bài tiên sinh khóc nhà chí sỹ Trương Gia Mô giận việc nước mà nhảy xuống núi tự tử:
Em muốn thăm anh chửa kịp vào
Đi đâu? Anh vội chán đời sao?
Lánh tần may có nguồn đào nữa
Tìm Tống e không mảnh đất nào!
Mây bạc nước non người vắng vẻ
Chim vàng mưa gió bạn lao xao!
Giang nam còn phú ai chăng nhớ?
Tiếng cuốc đầu ghềnh mấy đoạn đâu.
Bài trên tự nhiên mà hàm súc. Bài dưới khắc hoạch nhưng không hề có ngấn rìu búa trong việc dụng công, không hề có dấu dao kéo trong việc dụng điển. Thơ như thế là đã lên đến bậc thượng thừa.
Gặp được những bài thơ như hai bài trên thì lão đắm hồn trong hương vị. Mà một khi hồn đã đắm thì còn phân tách sao được hương vị nào hơn hương vị nào để có thể sanh lòng khinh trọng, trọng khinh.
Cho nên lực thơ cho Vườn Hoa, lão trải lòng đón tất cả những phấn hương của các thi hữu vui lòng gởi tới.
___________________________________________________________
(1) Nhâm thi đây có nghĩa là làm thơ: Khổ ngâm, ngâm khách (làm thơ khắc khổ, khách làm thơ).
(2) Hương Sơn là biệt hiệu của Bạch Cư Dị
(3) Theo Tuỳ Viên Thi Thoại.
(4) Trong Tuỳ Viên Thi Thoại có nói.
(5) Nguyên văn: Văn chương bổn thiên nhiên, diệu thủ ngẫu đắc chi giã. (Lục Phóng Ong người đời Tống.)
Ngẫu đắc là tình cờ mà làm được câu hay.



4.

Nhờ câu chuyện THÔI XAO mà Giả Đảo được phần đông khách Hàn Mặc Tử làm đại biểu cho phái ngâm thơ khắc khổ. Chớ trên thực tế còn nhiều người khổ ngâm tưởng còn hơn Giả Đảo bội phần. Bởi Giả Đảo mới:
Lưỡng cú tam niên đắc
Nhất ngâm song lệ lưu
Nghĩa là:
Ba năm lòng gởi hai câu
Ngâm lên một tiếng lệ châu ướt đầm
Có người đến nỗi:
Ngâm thành ngũ cá tự
Dụng tận bán sanh tâm
Nghĩa là:
Đúc năm chữ thành thơ
Lòng nửa đời dụng trọn!
Hoặc:
Vị cầu nhất tự ổn
Nại đắc bán tiêu hàn
Nghĩa là:
Vì mong một chữ vừa lòng
Mà thân chịu nổi lạnh lùng nửa đêm.

ĐỖ PHỦ cũng là một khổ ngâm ông. Thấy Tử­ Mỹ (1) làm thơ khắc khổ, Lý Thái Bạch chế diễu:
Phạn quả sơn đầu phùng Đỗ Phủ
Đầu đái lạp tử nhật trác ngọ
Tá vân nhân hà thái sấu sinh
Chỉ vị tòng lai tác thi khổ.
Nghĩa là:
Cơm đầu núi gặp chàng Đỗ Phủ
Nón lá kè che tủ nắng trưa.
Hỏi sao gầy gọ bơ phờ?
Chỉ vì kham khổ cùng thơ bấy chầy.

VIÊN TỬ TÀI, nhà thơ chú trọng tính linh, ngâm thi cũng rất khổ khắc.
Trong Tuỳ Viên Thi Thoại có kể một câu chuyện Tử Tài làm một bài thơ đi hạ một danh sỹ trùng phó quỳnh lâm (2). Bài thơ chỉ có 4 câu mà phải thôi xao mất nửa tháng, và phải sửa đi sửa lại mất bảy lần! Người bạn là Tâm Du xem bản thảo, công nhận rằng bản thứ 7 quả hơn bản thứ 5 thứ 6. Nhân đó Viên Tử Tài có câu:
Sự trùng tru hối phương trưng hảo
Thi đáo năng trì chuyển thị tài.
Nghĩa là:
Việc biết hối rồi thường hoá tốt
Thơ nhờ xong chậm trở thành hay.
Làm thơ khổ như thế cho nên mới có những thành ngữ: “Điêu trùng” là chạm trổ sâu bọ, “Âu tâm lũ cốt” là mửa lòng chạm xương, “điêu khắc tâm tư”, “ khắc hoạch tâm tư”… để nói việc làm thơ. Và có một bộ sách nói về thơ lấy tên là “Văn tâm điêu long” (Lòng văn chạm rồng).

Có người hỏi lão:
-      Trong làng thơ Việt Nam có người nào như các thi nhân Trung Hoa đó chăng?
-      Lão chỉ biết được hai người là SÀO NAM tiên sinh và TẢN ĐÀ tiên sinh.
Phan tiên sinh tuyên bố trên báo Tiếng Dân rằng đã dùng nhiều công phu nhiều tâm lực để thôi xao những vần thơ quốc âm đăng tải trên báo chí.
Nguyễn tiên sinh tự ví mình như con tằm rút ruột:
... Dâu xanh rút giả sợi tơ vàng
Thân thế con tằm những vấn vương
Tớ nghĩ thân tằm như phận tớ
Tơ tằm đói đoạn mối văn chương
……………………………………
Bao nhiêu củi nước mới thành văn
Được bán văn ra chết mấy lần
……………………………………
Năm 1932, Tiên sinh hứa sửa dùm cho lão mấy chữ đối không chỉnh trong câu trạng bài thơ Tự Thuật được bình giảng trên mục Văn Đàn Giảng Luận của tờ An Nam Tạp Chí:
Lúc hứng ngửa nghiêng trời đất rộng
Ngồi buồn xáo trộn cổ kim chơi .
Đến năm 1935, Tiên sinh viết thư vào cho biết rằng suốt ba năm trời, những lúc rảnh thường nghĩ tìm chữ đối, nhưng không sao tìm được chữ vừa lòng, nên đành giao hoàn nguyên tác.

Tản Đà tiên sinh vốn lấy văn chương làm sự nghiệp, thì phải khổ cùng văn chương đã đành. Đến như Phan Sào Nam tiên sinh suốt đời tận tuỵ cho Cách Mạng, và thường ngâm, từ lúc trẻ, câu thơ của Tuỳ Viên:
Mỗi phạn bất vong duy trúc bạch
Lập thân tối hạ thị văn chương
Nghĩa là:
Ngon miệng bữa thường riêng trúc bạch
Lập thân hèn nhất dụng văn chương (3)
Mà cũng phải khổ vì văn chương, thì biết rằng văn chương có sức hấp dẫn mãnh liệt đối với những người có tâm hồn, và một khi đã mắc vào thì suốt đời phải mang lấy nghiệp.
Nhưng:
Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đành trách lẫn trời gần trời xa.
_______________________________________
(1)    Đỗ Phủ tự Tử Mỹ hiệu Thiếu Lăng.
(2)    Đậu tấn sỹ lần thứ hai.
(3)    Trúc bạch là tre và lụa. Ngày xưa chép sử vào tre và lụa. Câu của Tuỳ Viên, đại ý nói: Hàng ngày hễ bưng chén cơm ăn thì lòng chỉ mong sao lập nên công trạng với nước non để nghìn thu danh được lưu sử sách; còn như muốn xây sự nghiệp mà dùng văn chương thì đó là dùng một phương tiện thấp hơn tất cả mọi phương tiện khác.