Những bức thư thơ 05.Ban Thiệp Dư (1) - 06.Ban Thiệp Dư (2)


05. BAN THIỆP DƯ [1]

Nha Trang, Rằm tháng Chạp năm Bính Thìn (02-1977)

Hoàng Ly,
Bài thơ TRƯƠNG TỊCH đáp lời CHU KHÁNH DƯ, hai câu Nhất Nhị không có điển. Nhân họ CHU ớ Việt Châu, họ TRƯƠNG dùng chữ VIỆT NỮ cho sát ý đẹp tình đó thôi. (VIỆT NỨ là người con gái đẹp cũng như TIÊU NƯƠNG là cô nàng, TIÊU LANG là anh chàng). Hai câu Tam Tứ, mỗi câu dùng tên môt khúc hát để trang điểm.
TỀ HOÀN là Tề Hoàn Phiến (Cây quạt bằng lụa nước Tề), là một bài thơ của BAN THIỆP DƯ được phổ vào nhạc.

BAN THIỆP DƯ là một cung phi đời Thành Đế nhà Hán (32–6 trước Kỷ Nguyên Thiên Chúa), có tài có sắc, trước được sủng ái, sau bị Triệu Phi Yến dèm pha mà bị thất sủng. Buồn bã Thiệp Dư soạn khúc Tề Hoàn Phiến để ký thác tâm sự:
Tân liệt Tề hoàn tố
Hiệu nhiết như sương tuyết
Tài vi hợp hoan phiến
Đoàn đoàn tự minh nguyệt
Xuất nhập quân hoài tụ
Động dao vi phong phát
Thường khủng thu tiết chí
Lương phong đoạt viêm nhiệt
Khí quyển hiệp tư trung
Ân tình trung đạo tuyệt
Tản Đà tiên sinh dịch:
Xé ra vuông lụa nước Tề
Phau phau sạch trắng khác gì tuyết sương
Cắt làm cái quạt buồng hương
Tròn xinh vạnh vạnh như gương trăng rằm
Liền tay anh để anh cầm
Hằng khi phe phẩy riêng thầm gió bay
Trời thu những sợ hơi mây
Lạnh lùng cơn gió đổi thay nực nồng
Trong rương quạt bỏ nằm không
Giữa đường đứt hết mối lòng thương yêu.

Khúc ca này khi thì lấy đề là Tề Hoàn Phiến, khi thì gọi là Thu Phiến, lại có chỗ chép là Oán Ca Hành.
Còn LANG CA là một khúc ca của nước Ngô, người hái củ ấu (lăng) thường dùng trong khi làm việc. Khúc ca ấy như sao, tôi chưa được đọc. Chỉ thấy sách Từ Nguyên giải: ‘Thái lăng giả sở xướng chi ca'. LÝ THÁI BẠCH cũng có dùng chữ Lăng ca trong bài TÔ ĐÀI LÃM CỔ:
Cựu uyển hoang đài dương liễu tân
Lăng ca thanh xướng bất thanh xuân
Chỉ kim duy hữu Tây giang nguyệt
Tằng chiếu Ngô vương cung lý nhân
Nghĩa là:
Vườn xưa đài vắng liễu vừa xanh
Vẳng khúc Lăng ca não nuột tình
Người đẹp cung Ngô từng dõi bóng
Tây giang còn sót mảnh trăng thanh
Có thể đoán chắc rằng Lăng ca là một khúc ca bình dân, một bài ca dao phổ biến, có ảnh hưởng sâu rộng đến thế đạo nhân tâm.

TRƯƠNG TỊCH mượn ý để khuyên CHU KHÁNH DƯ nên dùng tài mình để phụng sự việc dân việc nước chớ đừng dùng riêng cho việc lập công danh: Khúc TỀ HOÀN PHIẾN hay thì hay thật, song là của riêng của Ban Thiệp Dư sao bằng khúc LĂNG CA là của chung của thiên hạ, giá trị to lớn biết bao!
Thác lời giai nhân cốt đã nói những gì không tiện nói thẳng ra, hoặc nói thẳng ra không được lý thú. Còn dùng điển cố là để nói được nhiều, nói được kín đáo những điều mình muốn nói, nói một cách gọn gàng nhưng đầy đủ, một cách không lộ liễu nhưng rõ ràng. Đó là hai cách trang điểm cho văn thơ thêm đẹp, thêm hàm súc.
Để thêm vui, tôi xin lục thêm đôi bài thơ thác lời giai nhân được xưa nay tán thưởng:
TỰ QUÂN CHI XUẤT HỸ                         
Tự quân chi xuất hỹ
Bất phục lý tàn ky
Tư quân như nguyệt mãn
Dạ dạ giảm thanh huy
Tản Đà tiên sinh dịch:
Từ ngày chàng bước ra đi
Cửi canh bỏ dở nghĩ gì sửa sang
Nhớ chàng như nguyệt tròn gương
Tiêu hao ánh sáng đêm thường lại đêm.
Nguyên tác là của TRƯƠNG CỬU LINH đời Đường.

TRƯƠNG CỬU LINH, tự là Tử Thọ, quê ở Khúc Giang. Đậu Tiến sĩ đời vua Đường Duệ Tôn (710-713), làm Hiệu thư lang. Đến đời vua Đường Huyền Tôn (713-756) được thăng lên làm Tập hiền Viện Học sỹ. Lúc bấy giờ, TRƯƠNG THUYẾT làm Tể tướng, phục tài, kết giao thân mật. Ba mươi năm sau, đầu năm Thiên Bảo (742), Trương Cửu Linh lên ngôi Tể Tướng thay Trương Thuyết cáo lão về nghỉ ở Lạc Dương. không bao lâu vua Huyền Tôn vì say đắm Dương Quý Phi, không nghe lời can gián, để bọn Lý Lâm Phủ, An Lộc Sơn… lộng quyền. Triều thần theo hùa khiến triều chính đổ nát. Trương Cửu Linh thấy mình cô lập, sanh lòng chán nản, mới mượn lời người đàn bà gởi cho chồng để tỏ ý cùng Trương Thuyết.
TỰ QUÂN CHI XUẤT HỸ là một đề tài đã có từ đời Lục Triều (221-621). Vì thích hợp với mình nên Trương Cửu Linh mượn để sáng tác. Đời Lục Triều, TRẦN HẬU CHÚA có một tuyệt được lưu truyền:
Tự quân chi xuất hỹ
Lục thảo biến giai sanh
Tự quân như dạ chúc
Thuỳ lệ trước kê minh
Tạm dịch:     
Từ ngày chàng bước ra đi
Vắng thiu thềm vắng xanh rì cỏ xanh
Nhớ chàng như nến thâu canh
Lệ tuôn đài sáp sầu đoanh tiếng gà. 
Đời sau vì quá thích bài của Trương Cửu Linh mà nhiều người đã quên bài của Trần Hậu Chúa. Xét kỹ bài của Hậu Chúa đâu có kém bài của Cửu Linh về mặt văn chương cũng như về mặt tình tứ.
Có mới nới cũ! Tình thơ sao lại chẳng hơn chi tình đời?
Nhưng mặc ý ai mười hai đường thế, chúng ta nên luôn luôn nhớ lời dạy của cổ nhân:
-   Văn hoành công khí.
Hễ nhận thấy hay thời khen, nhận thấy kém thời chê, không nên để uy danh của tác giả hay cảnh thạnh suy của thời đại chi phối. Về bài TỰ QUÂN CHI XUẤT HỸ, nguyên nhân sáng tác của Trương Cửu Linh, chúng ta đã biết, còn của Trần Hậu Chúa thì tôi xin hẹn cùng Hoàng Ly lúc nào tìm ra sẽ cho hay. (1)
Nghe chuyện bên Tàu mãi, chắc Hoàng Ly rất muốn nghe chuyện bên ta? Vâng bên ta vẫn không thiếu chi chuyện, bởi:
Tình thơ đã thấm văn chương
Ở đâu lại chẳng phấn hương ngọt ngào.
Ở miền Trung lâu ngày, chắc Hoàng Ly có nghe câu hát:
Củ lang Đồng Phó
Đỗ phụng Hà Nhung
Chàng bòn thiếp mót
Đổ chung một gùi
Chẳng qua duyên nợ sụt sùi
Chàng giận chàng đá cái gùi thiếp đi
Chim kêu dưới suối Từ Bi
Nghĩa nhân còn bỏ huống chi cái gùi.
Đồng Phó, Hà Nhung, suối Từ Bi là địa danh ở quận Bình Khê, tỉnh Bình Định. Còn câu ca kia sản xuất thời nghĩa quân Cần Vương nổi dậy chống pháp (1885-1887). Lúc bấy giờ binh của Mai Xuân Thưởng có mấy toán đóng ở Thượng Giang và Hữu Giang để canh phòng quãng đường từ Núi Ngang đến An Khê. Nhân có sự xích mích giữa những nhà chỉ huy, nên mới có những lời gửi nhắn. Cho nên tâm sự gửi gắm trong văn chương qua lời người thôn nữ đó là quốc sự chớ không phải nhân tình. Những người đã sống lâu ở Bình Khê biết rõ. Nhưng chỉ biết rõ sự việc là thế mà không biết rõ tác giả là ai.


Ở Bình Khê còn một câu nữa cũng mang tính chất lịch sử như mấy câu trên:
Chim kêu dưới suối Đá Dàn
Em còn chút mẹ cậy chàng viếng thăm
Câu này cũng như những câu trên đã trở thành ca dao, ít người biết tác giả: Anh hùng Mai Xuân Thưởng, nhà lãnh đạo phong trào Cần Vương chống pháp ở Bình Định.
Suối Đá Dàn là con suối ở thôn Phú Lạc, quận Bình Khê, quê hương của Mai anh hùng.
Nguyên cuộc khởi nghĩa Cần Vương bị thất bại, Mai anh hùng chịu chết chớ không chịu hàng giặc. Anh hùng còn mẹ già, vì tuổi cao nên được giặc để cho sống. Anh hùng bèn thác lời phụ nữ để gửi mẹ già cho bạn đồng chí là cụ Vân Sơn NGUYỄN TRỌNG TRÌ, một kì sỹ của Bình Định (cụ NGUYỄN vì là quan văn nên không bị tử hình), nhờ bạn thay mình lo trọn năm luân.

Một câu thơ hay, một bài văn hay, là tự nó chứa đựng nhiều hình ảnh, nhiều âm nhạc, nhiều ý vị, không cần biết xuất xứ, người đọc vẫn thích đọc, vẫn thấy hay. Nhưng ăn một trái ngon, mà biết được trái đó là trái gì, sản xuất nơi đâu, do đâu mà mình được hưởng... thì cường độ ngon tưởng cũng gia tăng nhiều lắm.
Song không phải bài thơ nào, câu văn nào cũng đều cần phải tìm biết nguyên nhân sáng tác. Cũng có đôi bài không nên nói rõ xuất xứ. Lý lịch của con người, nhiều khi làm giảm mất cảm tình làm sụt mất thanh giá, nếu lý lịch không được mấy tốt. Cho nên thủ xả đều phải tuỳ nghi. Hoàng Ly không nên chấp nhé.
Đối với điển tích cũng vậy. Biết được càng tốt, không biết được cũng không sao, miễn nhận thức được cái hay trong thơ mà mình thích là đủ.
Nói thế không phải có ý bảo Hoàng Ly đừng hỏi nữa đâu. Bởi tôi nào đã quên lời dạy của Khổng Phu Tử mà tôi thường đem ra nhắc nhở con em: Bác học, thẩm vấn, thận tư, minh biện, đốc hành. Ông cha chúng ta lại thường nói: Học rộng không bằng hỏi kỹ, hỏi kỹ không bằng nghĩ chín.
Muốn đi sâu vào văn chương, tôi mong Hoàng Ly sau khi hỏi kỹ phải nghĩ thật chín./.
___________________________________________
(1) Đề bài “Tự quân chi xuất hỹ” không phải có từ đời Lục triều mà có thể từ đời Hán. Thơ nhớ nhà của Từ Cám đời Hán chương thứ 3:
Tự quân chi xuất hỹ
Minh kính ám bất trì
Tự quân như hựu thụy
Vô hữu vùng sĩ thì
Nghĩa là:     
Kể từ chàng bước ra đi
Gương loan bụi phủ thiếp thì chẵng soi
Nhớ chàng như nước chảy xuôi
Nhớ sao nhớ mãi không nguôi được lòng.






06. BAN THIỆP DƯ [2]

Nha Trang, tiết lập Xuân năm Đinh Tỵ (2-1977)

Việt  Anh,   
BAN THIỆP DƯ, tác giả bài Thu Phiến, tên là VIÊN CƠ.
Thiệp Dư là chức.
Trong cung nhà Hán, nữ nhân từ Hoàng Hậu trở xuống chia làm 19 chức. Dưới Hoàng Hậu là Chiêu Nghi, ngang hàng với Thừa Tướng. Dưới Chiêu Nghi là Thiệp Dư, ngang chức Thượng Khanh. Kế đến Kinh Nga và Dung Hoa, bổng lộc như liệt hầu. Sau đến Mỹ Nhân, Tài Nhân, Bát Tử, Sung Y, Thất Tử, Lương Nhân…
Nhiều người lầm tưởng BAN Thiệp Dư là em Ban Cố và Ban Siêu, hai danh nhân đời Hán.
Em Ban Cố và Ban Siêu là BAN CHIÊU, tự là Huệ Cơ. Chồng là Tào Thế Thức. Chồng bà chết, vua nhà Hán vời bà vào cung dạy học. Hoàng Hậu và các phi tần đều kính trọng vào bậc thầy và tôn xưng là Tào Đại Gia. Bà có soạn nữ giới 7 chương, lời đẹp nghĩa sáng. Ban Cố soạn bộ Hán Thư chưa xong thì mất. Bà tiếp tục hoàn thành. Bộ Hán Thư và bộ Sử Ký Tư Mã Thiên là hai bộ sử có giá trị nhất của Trung Quốc, về mặt tài liệu cũng như về mặt văn chương.

Bà BAN CHIÊU sống vào thời Hán Võ Đế (140 - 86 tr. C.N) đến thời Hán Chiêu Đế (86 - 73 tr. C.N) hoặc Hán Tuyên Đế (73 - 6 tr. C.N) và giữ chức Giáo Thọ trong cung.
Còn BAN VIÊN CƠ sống vào thời Hán Thành Đế (32-6 tr. C.N), và là một cung phi được sủng ái.
Hai bên khác nhau về thân phận và thời đại.
Nhưng cả hai đều có tài về văn chương.
Trong thi ca nàng BAN thường đi đôi với ả TẠ:
Khen tài nhả ngọc phun châu
Nàng Ban ả Tạ cũng đâu thế nầy          
                                           (Kiều)
Bảo nàng Ban đó là BAN CHIÊU cũng đúng, mà BAN Thiệp Dư cũng không sai.

Và đã nói về nàng BAN thì nên nói luôn về ả TẠ, cho vui câu chuyện đầu xuân.
Ả TẠ là TẠ ĐẠO UẨN, một tài nữ đời Đông Tấn (317-420), cháu Tạ An. Chồng là Vương Ngưng Chi. Lúc bà còn bé, một hôm trời xuống tuyết, Tạ An hỏi:
- Giống thứ gì?
Một người cháu gọi Tạ An bằng chú, tùng huynh của Đạo Uẩn, tên là Lãng, đáp:
- Giống muối trắng vãi giữa trời (Tán viên không trung sai khả tự).
Đạo Uẩn bảo:
- Chưa giống bằng ‘bông liễu bị gió tung’ (Vị nhược: liễu nhự nhơn phong khỉ).
Tạ An tán thưởng.
Chẳng những có tài về văn chương Đạo Uẩn còn có tài biện bác. Người em của Ngưng Chi là Hiến Chi nói chuyện cùng khách, lý lẽ thường không được vững chắc, lập luận kém cỏi. Khách có ý xem thường. Nàng bảo người nhà treo một bức màn nơi khách sảnh. Mỗi khi khách đến, nàng ngồi sau màn gà cho em chồng. Nhờ vậy ma lần lần Hiến Chi khuất phục được khách.

TẠ ĐẠO UẨN cũng như BAN CHIÊU, BAN THIỆP DƯ, lưu danh nhờ tài. Nhiều phụ nữ khác lưu danh nhờ sắc. Tài cũng như sắc đều là của trời cho, không dễ mà được.
Người đàn bà có tài mà không có sắc, hoặc ít sắc, gọi là Tài nhân còn có sắc mà không tài hoặc ít tài, gọi là Mỹ nhân hay Lệ nhân. Có cả tài lẫn sắc, gọi là Giai nhân. Giai nhân đúng với nghĩa của nó, rất hiếm, cho nên xưa nay thường gọi chung những người có nhan sắc hoặc có tài ba, là giai nhân.
Ở đời, giai nhân có tài sau khi chết rồi được hậu thế quý trọng hơn giai nhân có sắc. Nhưng lúc còn tại thế, thì sắc luôn luôn được chuộng hơn tài, nhất là khách quyền quý. Như trường hợp BAN THIỆP DƯ và TRIỆU PHI YẾN là một.
BAN THIỆP DƯ vừa có tài vừa có sắc. Song sắc của Thiệp Dư không bì kịp Phi Yến.
PHI YẾN tên là NGHI CHỦ, vốn là một kỹ nữ được đưa vào cung. Vua Hán Thành Đế say mê sắc đẹp và điệu múa của nàng mà phong ngay khi mới vào cung chức tài nhân, rồi phong tiếp chức Thiệp Dư. Từ khi có Phi Yến thì Ban Thiệp Dư bị thất sủng, tiếp đến Hoàng Hậu họ Hứa bị phế ngôi để họ Triệu lên thay thế. Lên ngôi Hoàng Hậu được ít lâu thì Phi Yến thông gian cùng một gã thanh niên con một quan túc uý. Song vì không đủ bằng cớ nên không bi cắt ngôi.
Trong khúc Thanh Bình Điệu của Lý Thái Bạch, có câu:
Tá vấn Hán cung thuỳ đắc tự
Khả liên Phi Yến ỷ tân trang
Nghĩa là:
Cung Hán hỏi ai người sánh kịp
Khá thương Phi Yến chuốt tân trang.
Đó là lời Lý Thái Bạch khen nhan sắc Dương Quý Phi. Vua Đường Minh Hoàng và Quý Phi rất vừa ý. Nhưng Cao Lực Sỹ, một gian thần được Quý Phi tin dùng, vốn ghét Thái Bạch bèn tìm cách xuyên tạc:
-   Xem ý Nương nương lấy làm ưa thích khúc Thanh Bình Điệu, chớ không oán giận Lý Bạch?
-      Có gì mà oán giận?
-   Đáng giận là câu ‘Khả lân Phi Yến ỷ tân trang’. Phi Yến vốn có tư thông với Yên Xích Phượng ở trong cung. Vua Hán Thành Đế biết được bèn giết Xích Phượng. Vậy đem Phi Yến mà sánh với Nương nương là ngụ ý chê bai chớ không phải ca tụng. Xin Nương nương nghĩ kĩ.
Lúc bấy giờ Quí Phi đang gian díu cùng An Lộc Sơn, nghe nói chột ý, sinh ra giận Thái Bạch, bèn xui vua đừng trọng dụng nữa. Thái Bạch biết được liền từ quan. Đường Minh Hoàng vui mà chấp nhận.
Câu chuyện Đường Quý Phi và Lý Thái Bạch chứng tỏ một lần nữa là sắc thắng tài. Nhưng sắc thắng tài, chỉ thắng lúc con người tài sắc còn sống, như trên đã nói. Chớ sau khi người đã vắng cõi đời thì thanh giá Triệu Phi Yến sao bằng Ban Thiệp Dư.
Đường nhân VƯƠNG DUY có bài vịnh Ban Thiệp Dư:
Quái lai trang các bế
Triếu bãi bất tương nghinh
Tổng hương xuân viên lý
Hoa gian tiêu ngữ thinh
Đó là tả nét đúng đắn của Ban Thiệp Dư. Ý nói: Mỗi lần nhà vua bãi triều vào hậu cung thì bao nhiêu phi tần đua nhau nghinh giá. Quái lạ sao riêng Thiệp Dư lại đóng cửa trang đài, không ra đón tiếp. Ấy là vì nàng nghĩ: nếu cùng với mọi người cung nghinh nhà vua vào cho tới xuân viên, thì chỉ thêm tiếng cười tiếng nói trong hoa mà thôi, chớ có ích chi.
Ý thơ thật thâm nhiệm. Xin tạm dịch:
Lạ sao đóng cửa đài gương
Không ra nghinh giá quân vương bãi triều?
Vườn xuân theo bước dập dìu
Nói cười thêm được ít nhiều trong hoa...
Xem thế thì Ban Thiệp Dư chẵng những có tài có sắc mà còn có đức. Một giai nhân gồm đủ tài, sắc, đức, là một người nữ trọn vẹn.
Người đời sánh giai nhân với hoa.
Tôi cho giai nhân là hoa và hoa là giai nhân. Giai nhân là hoa của người. Hoa là giai nhân của đất. Dung nhan là sắc, tài hoa là hương, đức hạnh là trái. Và cũng như giai nhân hoa ít có giống gồm đủ ba yếu tố hương, sắc, quả.
Hoa hải đường, hoa thược dược, hoa phù dung, hoa trà my... có sắc không hương.
Hoa lài, hoa lý, hoa ngâu, hoa bưởi... có hương không sắc.
Hoa mẫu đơn, hoa tường vi, hoa thuỷ tiên, hoa cẩm nhung... có hương có sắc, nhưng không có quả.

Có đủ hương, sắc, quả e chỉ có giống hoa sen.
BAN THIỆP DƯ tuy không thể sánh cùng hoa sen, nhưng vẫn là giống hoa trọn vẹn, một giống hoa quý trong đám danh hoa. Có lẽ vì quý trọng giống danh hoa kia nên cổ nhân không gọi Ban tài nữ bằng tên mà gọi bằng chức vị: BAN THIỆP DƯ.
Chuyện giai nhân cũng như chuyện văn chương còn dài. Tôi xin tạm đình thư./.