Những bức thư thơ 07.Nàng Lục Châu - 08.Nữ thi nhân Việt Nam


07. NÀNG LỤC CHÂU                                              

Nha Trang đêm Thượng Nguyên năm Đinh Tỵ (1977)
        
Song Vân,
Đêm nay trăng tỏ, xin mời Song Vân cùng tôi đi viếng Lục Châu.
LỤC CHÂU, nhan sắc tuyệt luân, lại hát hay đàn giỏi, ái thiếp của Thạch Sùng đời Tấn.
Thạch Sùng tự Quý Luân, tiểu danh là Tề Nô, quê ở Sơn Đông, đời Tấn Vũ Đế (265 – 290), làm thứ sử Kinh Châu, Giàu có địch quốc. Thạch Sùng rất yêu quí Lục Châu. Để làm vui lòng nàng, bỏ vàng muôn mở một khu vườn gọi là vườn Kim Cốc, xây lâu đài Đình Tạ, đắp núi đào suối, trồng đủ thứ cây quí hoa lạ, phong quang không nhượng cung uyển của nhà vua. Lục Châu ở riêng trên một toà lầu đài cao 100 thước, trang trần toàn gấm và kim cương, gọi là Thanh Lương cát.
Vua Vũ Đế thăng hà, Huệ Đế nối ngôi. Vì nhu nhược nên quyền bính nằm trọn trong tay tướng quốc là Tư Mã Luân.
Tư Mã Luân có một gia thần tên là Tôn Tú, người rất tham dâm gian ác. Nghe đồn Thạch Sùng có Lục Châu tài sắc tuyệt thế, Tú sai người đến bắt để dâng cho Tư Mã Luân. Thạch Sùng phản đối, Tú bèn vu là có ý mưu phản. Luân liền sai Tú đem binh vây bắt và cho được quyền hành động tuỳ nghi, Tú thi hành mệnh lệnh.
Lúc bấy giờ Thạch Sùng đương ngồi cung Lục Châu trên Thanh Lương cát nghe tin dữ than:
- Vì không chịu xa nàng nên mang tội cùng tướng quốc. Đến nông nỗi này không biết tính làm sao?!
Lục Châu khóc:
- Chàng vì thiếp mà mang tội, thiếp xin vì chàng mà giữ trọn di luân.
Nói xong vụt nhảy xuống Thanh Lương mà tuẫn tiết.
Tôn Tú kéo quân vào bắt Thạch Sùng giết và tịch thu tài sản.
Thơ văn về Lục Châu có cũng nhiều và cũng có nhiều giai tác.
THÁI THUẬN của Việt Nam có bài LỤC CHÂU TRỤY LẦU rất được truyền tụng và nhiều bạn yêu văn chương đã lầm tưởng là Đường Thi:
Uyển chuyển nga my trụ hiểu trang
Lầu tiền hiệu tử chỉ kham thương
Nguyệt trầm di thất đương thiên ảnh
Hoa lạc nan lưu phát đia hương
Kim Cốc viên hàn xuân tịch mịch
Ngọc tiêu thanh đoạn dạ thê lương
Tê Nô nhược thức vong gia hoạ
Ưng bã minh châu thục Manh Quan
Tạm dịch:
Mày ngài điểm nét tân trang
Lầu cao phút đã phụ phàng hoa niên
Trăng chìm chìm bóng đương thiên
Mùi hương phác địa lạnh miền hoa rơi
Vườn Kim Cốc lục hồng phai
Ngọc tiêu vắng vẻ đêm dài thê lương
Tề Nô ví biết tai ương
Đã đem châu sáng đổi nường Mạnh Quang.
Bốn câu giữa tuyệt diệu. Tác giả không tả cảnh nhảy xuống lầu mà tả chỗ trống mà không trống trong khi và sau khi nhảy xuống lầu.
Quanh tường một bức khăn là rủ
Treo nguyệt ba canh bóng quế cao
Gương đã lạnh lùng mờ cẩm trướng
Châu còn thảnh thót quẹn la bào

Trong bài Vương Tường tự vận,là tả cái có trong cái không. Còn bốn câu trong Lục Châu trụy Lầu, là tả cái không trong cái có. Khí thơ bài Vương Tường ấm, khí thơ bài Lục Châu lạnh. Nét bút của đôi bên đều là những nét truyền thần linh động. Nhưng văn chương bên chữ Hán có phần tinh tế uyển chuyển hơn.
Riêng tiếc câu:
Tề Nô nhược thức vong gia hoạ
Ưng bả minh châu thục Mạnh Quang.
Làm sai chủ đề bài thơ vì đi ngược ý của toàn bài: Có sáu câu trên thương tiếc ca ngợi tài sắc của Lục Châu và uất hận vì cái chết nhẹ như lông hồng của người đàn bà thuỷ chung nhưng bất hạnh. Đột nhiên xuống dưới lại kết thúc rằng ‘sắc đẹp là cái hoạ vong gia’và bảo rằng Thạch Sùng đã dại rước cai hoạ ấy vào mình; nếu biết được thì minh châu mua nang Mạnh Quang còn hơn.

Đổ tội cho sắc đẹp là thói thường của các nhà văn thơ dùng văn chương chở đạo lý. Điều ấy Bạch Cư Dị trước Thái Thuận và Nguyễn Du sau Thái Thuận, không làm. Chẳng lẽ triết lý và nhân đạo của Thái Thuận kém hai vị thi hào kia?
Lẽ ra tác giả Lục Châu Trụy Lầu mắng Thạch Sùng không biết bắt chước Lương Hồng kìm chế tánh sa hoa, đừng phô trương hách dịch, để cho Lục Châu dược sống vui như Mạnh Quang đời Hán. Hoặc cứ để cho độc giả nhìn cảnh trong thơ, muốn nghĩ sao tuỳ ý, chớ đừng phê phán chi cả, như Đỗ Mục trong bài KIM CỐC VIÊN.
Phồn hoa sự tán trục hương trần
Lưu thuỷ vô tình thảo tự xuân
Nhật mộ đông phong oán đề điểu
Lạc ba do tự truỵ lâu nhân
Nghĩa là:
Phồn hoa nát bụi tàn hương
Vô tình nước chảy cỏ vườn riêng xuân
Ngày chiều thổi ngọn gió đông
Khơi niềm oán hận não nùng chim kêu
Hoa rơi in bóng lệ kiều
Lầu cao trăm thước quyết liều ngày xanh
Tứ thơ nhẹ nhàng bát ngát, gợi không biết bao nhiêu tình bao nhiêu cảnh trong tâm trí người đọc người nghe.
Sắc tài của Lục Châu, tình cảnh của Lục Châu, không theo cảnh giàu sang của Thạch Sùng mà tan theo gió bụi. Mở trang sách cổ, mùi phấn hương vẫn còn ngạt ngào. Có nhiều nhà thơ yêu quý người yêu của mình đã đem Lục Châu ra mà tỷ. Như THÔI GIAO là một.

THÔI GIAO là một thi nhân đời Đường, Thôi có một người hầu là LỆ NƯƠNG, dung nhan diễm lệ lại thấu hiểu âm luật. Thôi rất yêu quý, nhưng vì nghèo túng phải đem bán cho quan Liên suý Vu Địch. Suý vui thích cấp tiền đến bốn mươi vạn.
Được ít lâu, Thôi thương nhớ quá lẻn đến nơi thủ thự tìm thăm. Thơ thẩn dưới bóng liễu suốt mấy ngày mới nhìn thấy được Lệ Nương. Thôi liền tặng một tuyệt:
Công tử vương tôn trục hầu trần
Lục Châu thuỳ lệ thấp la cân
Hầu môn nhất thập thâm như hải
Tùng thử Tiêu lang thị lộ nhân
Nghĩa là:
Khách sang theo gót bụi lầm
Lục Châu sùi sụt khăn dầm giọt thương
Cửa hầu là đáy trùng dương…
Chàng Tiêu làm khách qua đường từ đây.
Có kẻ ghét Thôi chép bài thơ đem trình Liên Suý. Suý cho mời Thôi đến hỏi:
- Thơ kia có phải nhà thầy làm ra?
Thôi không chối. Suý cầm tay nói:                                             
- Bốn mươi vạn quan tiền có là bao. Sao nỡ tiếc một tờ thư mà không sớm bảo cho tôi biết?
Đoạn bày tiệc rượu tiễn Lệ Nương về cùng Thôi, và tặng thêm nhiều vàng lụa.
Thái độ Vu Liên súy đối với người đẹp, với thơ hay như thế là cao nhã thâm hậu, mà cũng thật thích đáng.

Nhưng Thôi Giao mượn Lục Châu mà tỷ với Lệ Nương thì có phần lạm. Bởi Lục Châu bị bọn cầm quyền bức bách, còn Lệ Nương là tự Thôi đem bán cho người. Một bên thì tuẫn tiết một bên thì cam lòng ôm cầm thuyền ai. Nỗi đau lòng của gia nhân chung một tính chất, song khác về cường độ và sắc thái.
Dùng điển như thế có sai chăng?
Không sai vì dùng điển có bốn cách: minh dụng, ám dụng, thái dụng và tá dụng. Mà đây là thái dụng, nghĩa là cắt bỏ tất cả những gì không thích ứng để lấy một đôi điểm thích hợp hoặc tương trợ với tình với cảnh với sự việc của mình muốn đem vào thơ.
Mà bài thơ của Thôi Giao được lưu truyền không phải vì điển Lục Châu mà chính nhờ câu tam tứ:
Hầu môn nhất nhập thâm như hải
Tùng thử Tiêu lang thị lộ nhân.
Các nhà thơ Việt Nam đã thoát ý:
Vả nơi rốn bể cửa hầu
Ra vào vì nỗi thảm sâu ngại ngùng
                                                                                    (Hoa Tiên)
Có điều chi nữa mà ngờ
Khách qua đường để hững hờ chàng tiêu
                                                                           (Đoạn Trường Tân Thanh)
Còn về điển Lục Châu, trong bài HOÀI CỔ NGÂM của Trương An Quận Vương, con thứ 12 của Vua Minh Mạng, có một câu tuyệt diệu:
Phân tay bốn giọt lệ tình
Lầu cao trăm thước xem mình như không.
Câu dịch câu ‘Lạc hoa do tự trụy lâu nhân’ trên đây đã chịu ảnh hưởng câu của Trương An Quận Vương:
Hoa rơi in bóng lệ kiều
Lầu cao trăm thước quyết liều ngày xanh.

Chốn ưu huyền chắc Đường Đỗ Mục ngó Tương An Quận Vương mà cười?
Kẻ hậu sinh lấy phấn hương của mình đem chế biến để làm đẹp cho Lục Châu. Giống đa tình dễ ghét mà cũng dễ thương vậy./.




08. NỮ THI NHÂN VIỆT NAM                                                       

Nha Trang, Tuyết Vũ Thủy năm Đinh Tỵ (3-1977)

Hồng Liên,
Đúng như lời Hồng Liên nhận xét: những điển tích dùng trong những tác phẩm của người Việt Nam thời trước, về quốc âm cũng như về Hán tự, hầu hết đều là điển tích của Trung Hoa. Điển tích Việt Nam rất ít được sử dụng.
Không có gì lạ: từ thời Bắc thuộc cho đến cuối thế kỷ thứ 19, người Việt Nam học chữ Hán, chịu ảnh hưởng văn học Trung Hoa sâu sắc.
Sách do người Việt Nam soạn có ít, sách soạn về Việt Nam lại càng ít hơn và không được phổ biến sâu rộng. Như thế văn liệu thi liệu của mình đâu được nhiều mà lúc nào muốn dùng đều sẵn có. Cho nên Hồng Liên đừng trách khách phong tao.
Những gia tác dùng điển tích Việt Nam, tôi không biết được nhiều và không thuộc được nhiều câu nào ngoài những câu:
Dệt gấm thanh Nê câu nhất tiếu
Thêu nền Thúy Ai chữ tam tùng.
Trong bài đề Long Cơ Nghĩa Lư của Phạm Thái, và câu:
Châu Nam Hải, thuyền chìm sông Thúy Ái,
Sóng Tiền Đường, cỏ áy bến Ô Giang
Trong bài đời Đáng Chán của Tản Đà.
Trong khi người Việt Nam ít thân cùng điển tích Việt Nam, Trung Hoa lại có người chiếu cố:
Khỉ duy tài điệu siêu Hồ Phạm
Ban Tạ ư kim hữu thế nhân
Nghĩa là:
Tài cao há chỉ hơn Hồ Phạm
Ban Tạ ngày nay rõ có người

Đó là thơ của HOÀNG DIÊN KHUÊ, danh sĩ đất Tần Môn, đề tặng tác giả Diệu Liên thi tập, lúc sang chơi Việt Nam thời Tự Đức.
HỒ PHẠM là Hồ Xuân Hương và Phạm Lam Anh, hai nữ sĩ Việt Nam.
BAN TẠ là Ban Chiêu, Tạ Đạo Uẩn, hai nữ sĩ Trung Hoa, tôi đã từng đề cập.
Hồ Xuân Hương danh vang khắp nước từ trong đường ra ngoài xã hội, không ai không nghe tiếng tăm. Sau đây tôi chỉ giới thiệu cùng Hồng Liên, nữ sĩ PHẠM LAM ANH.

PHẠM LAM ANH nhũ danh là KHUÊ, con gái cụ Phạm Hữu Kính làm Cai Bạ thời chúa Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777), người huyện Diên Phước tỉnh Quảng Nam.
Tư chất thông minh, học rộng, thơ hay, tự hiệu là NGÂM SI.
Chồng bà Nguyễn Dưỡng Hiệu cũng có tài về thi ca, vợ chồng xướng họa với nhau rất tương đắc. Danh tiếng nổi trong một thời.
Bà còn truyền lại tập CHIẾN CỔ ĐƯỜNG THI rất được sĩ phu trong nước tán thưởng.

PHẠM LIỆU, một danh sĩ đất Quảng Nam thường nói cùng khách yêu văn chương: (2)
- Từ xưa đến nay, chưa có người Việt Nam nào thơ hay bằng bà Lam Anh.
Các bậc tiền bối mà tôi được gần gũi cũng thường nhắc đến bà Lam Anh, và mỗi lần nhắc đến là nhắc đến câu bà vịnh Khuất Nguyên:
Cô phẫn khí thành thiên khả vấn
Đọc tinh nhân khứ quốc cơ không
Nghĩa là:
Khí uất riêng thành trời khá hỏi
Người ngay một khuất nước còn chi
Cụ bảo rằng chỉ 14 chữ nói đủ cả tâm sự của Quốc Nguyên và hoàn cảnh quốc gia nước Tàu, nước Sở thì đúng hơn lúc bấy giờ. Nhưng đem câu này sánh với câu của Tiên Điền Nguyễn Du:
Thiên cổ thùy nhân liên độc tĩnh
Tứ phương hà xứ thác cô trung
Nghĩa là:
Hồn độc tĩnh ai lòng tưởng tới
Niềm cô trung biết gởi phương nao?
Thì câu của nữ sĩ không thể vượt bước. Tuy không thể lấy một vài câu mà phân định trọng bá, song chúng ta cũng có thể ngờ rằng Phạm Tiên Sinh vì tình gia tộc mà phê phán có phần thiên vị. Nhưng tài danh của nữ sĩ đã được cả danh nhân nước ngoài hâm mộ, thì thi tài của nữ sĩ nhất định phải cao. Điều này không thể ngờ được.

Thi tài của Phạm Lam Anh đã cao, mà Hoàng Diên Khuê còn bảo rằng thi tài của tác giả Diệu Liên thi tập lại cao hơn gấp bội! Văn chương tự cổ vô bằng cứ, biết lấy gì để phân biệt thị phi? Khen văn chương cũng như khen giai nhân: Hoa nhường nguyệt thẹn, cá lặn nhạn sa, sắc nước hương trời, thành nghiêng nước đổ… đố ai biết mức đẹp đến đâu, và như thế nào? Cũng như khen tác giả Diệu Liên thi tập là hơn Hồ Xuân Hương, Phạm Lam Anh và ngang với Ban Chiêu, Tạ Đạo Uẩn. Lấy gì làm thước làm khuôn để đo lường mức diệu? Để nhận định được công minh?
Nhưng tác giả Diệu Liên thi tập là ai mà được tán dương đến thế?
Đó là Lại Đức Công Chúa.

Lại Đức Công Chúa là con gái vua Minh Mạng, em ruột Tùng Thiện Vương, biểu tự là Diệu Liên, bút hiệu là Mai Am.
Công Chúa học thức rộng thi tài cao. Các bậc tài danh trong triều ngoài quận đều tán phục.
Trong tập Diệu Liên có bài ỨC MAI được truyền tụng nhất:
Lâm đường tạc dạ sóc phong suy
Tiểu các thanh hành độc tọa trì
Địch lý quan san sầu cựu khúc
Thủy biên ly lạc nhận tiền kì
Hương nam tuyết bắc vô phương tấn
Nguyệt địa vân giai hữu mộng ti
Dục bã tân từ viễn tương tặng
Mỹ nhân uyển tại thủy chi my
Phỏng dịch:
Rừng ao nổi bấc lạnh canh trường
Gác hẹp đìu hiu chiếc bóng nương
Nước ngậm bóng rào yêu ấp nhớ
Non trùm tiếng địch ngậm ngùi thương
Nam hương bắc tuyết đường ngăn cách
San nguyệt thềm mây mộng vấn vương
Muốn gởi người xa thơ mới soạn
Dòng xanh bóng ngọc thẫn thờ gương
Bài ỨC MAI khéo ở điểm diệu dụng những chữ trong các bài thơ cũ vịnh mai để gói ghém tâm sự riêng của Diệu Liên một cách kín đáo, mà cái thần câu chữ ỨC và chữ MAI trong đề bài luôn luôn ẩn hiện trên từng câu. Đề tập Diệu Liên, cụ Hà Đình có mật luật, câu kết được truyền:
Ngâm đáo Ức Mai thanh vận tuyệt
Bất phòng biệt hiệu tác Mai Am
Nghĩa là:
Thơ đến Ức Mai tài tuyệt đỉnh
Mai Am làm hiệu ngại ngùng chi.
Danh sĩ Trung Hoa HOÀNG DIÊN KHUÊ đã được hai thi hào Tùng Thiện Vương và Tuy Lý Vương mời vào phủ để cùng xướng họa, nên chắc từng nhìn thấy dung quan của Diệu Liên Công Chúa. Ngòi bút của họ Hoàng không khỏi bị sắc đẹp của Công Chúa chi phối ít nhiều. Nhưng khi tập Diệu Liên được phổ biến sang Trung Quốc, có một danh sĩ chưa từng sang Việt Nam, cao hứng gởi tặng Công Chúa một tuyệt:
Nguyệt đình Huệ phố tài danh cạnh (3)
Cánh thuyết thi viên hữu Phạm Hồ
Viễn khách vị năng khuy chỉ trảo
Thử tâm trường nguyện bái Ma Cô.
Tạm dịch:
Đình trăng bến Huệ nhiều danh tuấn (3)
Thêm ngát vườn thơ tiếng Phạm Hồ
Cách trở chưa từng trong móng ngón
Lòng nguyền khăn khắn phụng Ma Cô.

Ma Cô là một vị nữ tiên thời cổ. Người đất Kiến Xương, tu tiên đắc đạo tại núi Cô Dư ở Mao Châu, đời nhà Tống, được phong Chân Nhân. Tại phía Nam thành Giang Tây có một danh sơn, cao chín dặm, chu vi 400 dặm. Các đại gia gọi là động tiên thứ hai mươi tám. Trên núi có một đỉnh cao gọi là Hội Tiên đỉnh, trên đỉnh có nhà của đạo sĩ THỚI KINH ở tu.

Sách thần tiên truyện chép rằng:
Chân nhân VƯƠNG PHƯƠNG BÌNH giáng nơi nhà Thới Kinh, triệu Ma Cô đến. Mọi người đều trong thấy là một giai nhân tuyệt sắc, tuổi chừng 18,19, móng tay dài và nhọn như móng chim, trên đầu lại có một chùm lông như lông chim và áo xiêm rực rỡ nhưng không phải gấm vóc mà đường bằng mây ráng dệt nên. Nữ tiên tự nói:
- Lúc còn ở cõi trần, tôi đã ba lần thấy biển xanh hóa thành ruộng dâu. Khi đến Bồng Lai phó hội, nước buổi sớm còn đầy mà buổi chiều đã cạn ráo và thấy đất nổi thành gò.
Điển Ma Cô thường dùng trong trường hợp "vật đổi sao dời”:
Tinh Vệ hận nan bình, tằng hướng Tây Sơn hàm mộc thạch; (4)
Ma Cô niên thượng thiếu, dĩ khan thương hải biến tang điền.
Người cũng thường dùng để chúc thọ, ngụ ý “trường sanh bất lão” (từ lúc thành tiên đến khi giáng nơi nhà Thới Kinh, Ma Cô vẫn giữ nhan sắc của tuổi 18,19 mặc dù ngày tháng chồng chất không biết bao nhiêu đời).
Cũng lắm khi dùng để ám chỉ người đẹp có phẩm giá cao hay có những điểm khác thường. Lý Thái Bạch, trong bài HỮU SỞ TƯ, có câu:
Tây lai thanh điểu đông phi khứ
Nguyện ký nhất thư tạ Ma Cô.
Nghĩa là:
Chim xanh bay thẳng về đông
Tờ thơ nguyện gởi tạ lòng Ma Cô.
Điển Ma Cô dùng trong thơ tặng Diệu Liên công chúa ngậm ý tán dương công chúa là một nữ thi sĩ có cốt cách thần tiên.
Bài thơ khá hàm xúc.
Câu một ngụ ý khen về học vấn.
Câu hai ngụ ý khen về thi tài.
Câu bốn ngụ ý khen về phẩm cách.

Khen Diệu Liên mà không hề có một chữ nói đến Diệu Liên, mà người đọc vẫn biết là Diêụ Liên. Đó là phép “mượn mây tả trăng”.
Bài thơ này dụng ý cao hơn hai câu của Hoàng Diên Khuê, song lại không được phổ biến bằng. Không biết buổi sinh tiền, công chúa thích làm Ma Cô hay làm Ban Chiêu, Tạ Đạo Uẩn?
Và đưa Ban Chiêu, Tạ Đạo Uẩn, Hồ Xuân Hương, Phạm Lam Anh ra để so sánh với Diệu Liên công chúa thì thanh danh của công chúa gia tăng không biết bao nhiêu. Nhưng cũng nhờ có Diệu Liên công chúa mà phẩm giá của các vị tiền bối trên được người đời nhắc nhở thêm một lần nữa. Như thế là người trước kẻ sau đều nương nhau mà bất hủ./.
_____________________________________________________
(1) Xem bài số 05, tập 2.
(2) Quảng Nam có 4 ông tiến sĩ nổi tiếng hay chữ là: Nhất Liệu (Phạm Liệu), nhì Hanh (Huỳnh Hanh tức Huỳnh Thúc Kháng), tam Hoành (Võ Hoành), tứ Cáp (Trần Quí Cáp)
(3) Nguyệt Đình (Trọng Khanh) Mai Am (Thú Khanh) Huệ Phố (quí Khanh) là 3 công chúa con Minh Mạng, cùng mẹ với Tùng Thiện Vương. Ba bà đều hay chữ hay thơ.
(4) Câu đối bị khuyết danh tác giả. Nghĩa là: Tinh Vệ, hận khó lấp bằng nên thường bay đến núi phía Tây để ngậm gỗ đá; Ma Cô, tuổi tuy còn trẻ, mà đã từng xem biển xanh hoá ruộng dâu.
Tinh Vệ là một loại chim nhỏ ở mé biển, đầu rằn ri, mỏ trắng, chân đỏ, thường bay lên núi ngậm cây đá bỏ xuống biển. Truyền rằng con gái của Viên Đế chết đuối, hoá thành loài chim này.