Những bức thư thơ 09.Chuyện nàng Long Cơ - 10.Dụng điển [1]


09. CHUYỆN NÀNG LONG CƠ

Nha Trang, Trung tuần tháng Giêng năm Đinh Tỵ (3-1977)

Hồng Liên,
Thơ đề Long Cơ Nghĩa Lư của Phạm Thái gồm có hai bài. Câu thơ trích dẫn trong bức thư trước là câu kết của bài thứ nhất.
Hai bài Đề Nghĩa Lư văn chương tinh diệu. Song ít được phổ biến, vì không phải là khúc Hạ Lý Ba Nhân:
I
Gió thu hiu hắt khóm phương tùng
Thổi rụng hàng châu ngoẹn má hồng
Cỏ biết chẳng treo hồn Sở trướng
Trúc vàng thà điểm giọt Ngu cung
Hoa kề cổ trủng đeo tình nặng
Trăng rọi cô lư sáng tiết trong
Dệt gấm Thanh Nê câu nhất tiếu
Theo nền Thúy Ai chữ tam tòng.
II
Cuồn cuộn xe mây kíp ruổi dong
Dễ mà theo dõi chốn hành tung
Khêu sầu chín khúc chùng dây sắt
Diễn thảm năm canh quạnh giọt đồng
Niêm đảo mơ màng hồi thú cổ
Sinh tiêu văng vẳng tiếng thiền chung
Huyền thương ví chẳng thù hồng phấn
Chi kiếp trần hoàn chửa trả xong.
Để dể nhận thức chỗ thâm diệu của thơ, tưởng cũng biết qua thân thế của nhân vật liên hệ: Long Cơ.

LONG CƠ là thứ thiếp của Thanh Xuyên hầu Trương Đang Thụ.
Hầu là một cựu thần nhà Lê, người làng Thanh Nê trấn Sơn Nam, làm hiệp trấn Lạng Sơn. Vua Quang Trung dứt nhà Lê, hầu không chạy theo vua Chiêu Thống, ở lại làm quan cùng triều Tây Sơn để làm nội ứng cho Hàn Sĩ Phu nuôi chí khôi phục tiền triều. Việc lớn chưa thành thì hầu bỗng nhiên thất lộc. Không ai hiểu biết nguyên nhân.
Long Cơ đưa linh cữu hầu về Thanh Nê. Tang ma xong yên, bà lẻn ra nơi mộ hầu treo mình tuẫn tiết, nhưng người nhà cứu kịp, bà bèn cất một ngôi nhà nhỏ bên mộ, một mình ở thờ chồng. Ngôi nhà đó mệnh danh là Nghiã Lư.

PHẠM THÁI, một đồng chí của hầu đến Thanh Nê điếu tang, xúc cảnh đề thơ vào vách Nghĩa Lư, trước là để chia sẻ tâm sự cùng người quả phụ biết hi sinh tuổi thanh xuân vì chồng, sau là để nhủ thầm cùng các bạn đồng chí còn tại thế cái chết bí mật của hầu.
Bài I nêu lòng tiết nghĩa của Long Cơ.
Bài II tả tình cảnh của bà trong khi ở Nghĩa Lư thủ tiết.
Bài I chỉ gợi cho chúng ta thấy, chúng ta cảm thấy những gì ở trước mắt. Bầu không khí của thơ tịch mịch nhưng sáng đẹp, trong mát khiến người đọc thơ sinh lòng khâm phục chớ không cảm thương.
Bầu không khí của bài II mông lung bát ngát. Lòng người đọc bị rung cảm trước cảnh điều hiu quạnh quẽ của cả trong và ngoài Nghĩa Lư, trí người đọc bị dẫn dắt ra tận nơi xa xôi ngoài phạm vi Nghĩa Lư để đi vào chỗ lờ mờ của quá khứ…
Nội dung của cả hai bài đều phong phú.
Bài II không dùng điển. Bài I dùng điển nhiều.

Dụng điển cổ, khách làng thơ gọi là DỤNG SỰ, và gọi tắt là Dụng Điển. Đó là một đặc điểm của thơ cổ.
Chủ đích của sự dung điển là làm cho văn tự được phong phú, khí thế được sung thêm hầu ban trợ sự biểu đạt thi ý và tăng gia hiệu lực kích động và truyền cảm của văn chương. Sự dụng điển đã trở thành phong khí trong làng thi ca từ đời Lục Triều (221-621), và lâu ngày trở thành tập quán khiến phần đông kẻ làm thi ca không lấy việc tự sáng tân ý tân từ làm trọng mà lại lấy việc kể điển dẫn sự nhiều làm nhã bát! Đến nỗi sản xuất câu “châm ngôn” “vô trưng bất thi", nghĩa là không có điển không phải thơ. Phong khí dụng điển càng ngày càng trầm trệ. Nhiều danh sĩ đứng lên phản đối, như đời Tống có Au Dương Tu và Lục Du, đời Thanh có Viên Mai, là những tay cựu phách về học vấn cũng như về tài năng.
Trên đời cái gì cũng vậy, việc gì cũng vậy, hễ thái quá cũng như bất cập, đều không hay không tốt, phải đứng ở mức trung dung.
Nếu dùng điển cổ một cách vừa phải, nghĩa là khi thật cần mới dùng, khi dùng không nên lạm và dùng một cách đích đáng, dùng cách thích đương, thì chẳng những không làm cho “ tử khí tràn giấy” như lời Viên Mai, mà còn làm cho người đọc tìm thấy thêm “vị trong vị và tiếng đàn ngoài dây tơ". Như cách dùng điển của  Phạm Thái:
Cỏ biếc chẳng treo hồn Sở trướng
Trúc vàng thà điểm giọt Ngu cung.
Vế tước dùng điển Ngu Cơ tuẫn tiết ở Cai Hạ, huyết hoá thành cỏ Mỹ nhân (1).
Vế sau dùng điển Nga Hoàng Nữ Anh khóc vua Thuấn trên bờ sông Tương, nước mắt rơi vào thân trúc vàng thành ra giống ban ban trúc.
Những chữ “hồn Sở trướng, giọt Ngu cung” thật mới. Cách hợp tự (mariage des mots) vừa bạo vừa tài. Hai câu trên cùng với câu vịnh Chiêu Quân của Tương An Quân Vương trong bài Hoài Cổ Ngâm:
Bốn dây ứa máu tì bà
Bẽ bàng trăng Hán phôi pha gió Hồ
Cho chúng ta thấy rằng không đợi đến thế kỉ thứ 20 khi văn học Tây Phương đã ảnh hưởng đến văn chương Việt Nam sâu đậm, mơí có những cách hợp tự dụng tự, tạo ảnh tượng tân kỳ.
Chính cách hợp tự tân kỳ ấy, một phần lớn đã làm cho những điển cũ dùng đi dùng lại trong văn chương Hoa Việt nhiều lần, trở nên mới mẻ, và làm cho câu thơ gọn gàng nhưng chứa đựng đầy đủ vẻ cao đẹp, nỗi buồn thương, niềm u hận của người sống trong Nghĩa Lư.
Ngu Cơ quyên sinh bằng gươm. Tác giả bài Nghĩa Lư dùng chữ TREO liền biến gươm thành lụa, thích ứng với trường hợp Long Cơ. Tài tình! Tài tình quá!
Tôi liên tưởng đến những vần tuyệt diệu trong bài VƯƠNG TƯỜNG TỰ VẬN và bài LỤC CHÂU TRỤY LÂU:
Quanh tường một bức khăn là rũ
Treo nguyệt năm canh bóng quế cao
Nguyệt trầm dị thất đương thiên ảnh
Hoa lạc nan lưu phát địa hương. (2)
Và tôi nhận thấy: câu Vương Tường là bức tranh thủy mạc có gió, câu lục châu là bản đàn có hương. Còn câu:
Cỏ biếc chẳng treo hồn Sở trướng
Trúc vàng thà điểm giọt Ngu cung
Là một pho điêu khắc có cánh.
Càng hòa lòng mình vào thơ càng nhận thấy hay thấy đẹp, càng thấy thâm diệu tinh vi.
Ngoài những ý tứ hàm xúc ở trong bài: HỒN SỞ TRƯỚNG, GIỌT NGU CUNG còn gọi là những hình ảnh xa xưa mới mẻ, đẹp đẽ mà lạnh lùng: Trướng vua Sở hiện hồn người, hồn người treo phất phơ trên cỏ biếc; cung nhà Ngu hóa nước mắt, nước mắt điểm lác đác trên trúc vàng…
Những hiện tượng kia nhờ ở trong khung cảnh tươi sáng của trướng hoa cỏ biếc, cung châu trúc vàng, nên không làm cho chúng ta rùng rợn hãi hùng.
Chúng ta có thể bình tĩnh để cho trí tưởng tượng theo điển tích xây dựng lại những cảnh tượng của nghìn xưa:
Kìa trong trướng hổ, dưới bóng đèn khuya, Sở Bá Vương Hạng Võ, hàm én râu hùm, ngồi đối ẩm cùng Ngu mỹ nhân, môi đào lưng liễu. Tư bề tiếng ca nước Sở làm động lòng khách viễn chinh. Rượu ngà ngà say anh hùng nhìn giai nhân mà ái ngại. Bỗng vỗ oán cất tiếng ca, giọng lâm ly bi tráng. Giai nhân bước ra trước mặt chồng, tung gươm múa, vừa múa vừa ca, vừa ca vừa khóc. Điệu múa nhịp lời ca, tiếng ca hòa dòng lệ… tiếng ca dứt, gươm lóa ánh hào quang: Ngu Cơ gụt dưới chân Hạng Vương, máu thanh tuôn thành dòng cỏ biếc…
Nhưng “cỏ biếc chẳng treo hồn Sở trướng”. Hai chữ “chẳng treo” làm tan mất gò cỏ biếc trên bến Ô Giang, và thay vào một dãy trúc vàng trên bờ sông Tương dờn dợn sóng dưới chân núi Thương Ngô có lăng tẩm vua Ngu Thuấn. Rồi hai bà Công Chúa Nga Hoàng – Nữ Anh, má không phấn mà hồng môi không son mà thắm, áo xiêm màu trắng, tóc xanh xõa dài, đến nương bóng trúc vàng cùng khóc. Khóc than thảm thiết, nước mắt quyện máu đào lác đác bay vướng vào thân trúc. Từng giọt từng giọt thân trúc điểm thành hoa. Rồi chiều rồi mai, giọt tương tư không ráo. Và trên bờ sông Tương, khóm này sang khóm khác: Trúc vàng thà điểm giọt Ngu cung… (3)

Hồng Liên,
Dùng điển như thế, Hồng liên có thấy gì hại cho sanh khí bài thơ chăng, hay trái lại làm cho tứ thơ thêm phần bát ngát, ý thơ thêm phần giàu sang?
Đó là dùng điển hay.
Nhưng trên đời người dùng điển hay thời ít, còn kẻ hay dùng điển lại nhiều, và những kẻ thuộc nhiều điển thường ít dùng điển, nhiều khi vì không dừng được mới dùng; những kẻ vì không dừng được mới dùng; những kẻ ít thuộc điển, không mấy thạo việc dụng điển, không hiểu rõ nguyên chỉ của phép dụng điển, lại thích dụng điển ham dụng điển. Sự lạm dụng cưỡng dụng gây ra mối lụy khí trệ thần thương, làm tổn hại chân mỹ của thơ không ít.
Vậy Hồng Liên nên cẩn thận trong việc dụng điển, mà cũng cũng không nên khinh thường việc dụng điển. Phải thận trọng trong việc sử dụng mà cũng cần thận trọng trong việc chê khen …
____________________________________________
(1) Xem bài số 04
(2) Xem bài số 06, và bài số 07
(3) Đoạn nầy trích trong bài nói về Phạm Thái trong tập HƯƠNG VƯỜN CŨ của tôi.





10. DỤNG ĐIỂN [1]

Nha Trang, tiết Kinh Trập năm Đinh Tỵ (3-1977)

Việt Anh,
Nhờ nhận chân được giá trị của việc dụng điển, nên đối với điển tích tôi không trọng mà cũng không khinh. Khi cần thì tôi dùng, khi không cần thì tôi không dùng. Dùng hay thì tôi để, dùng không được thì tôi bỏ. Từ trước đến giờ, tôi không cố tìm điển tích để học cho thuộc phòng lúc cần dùng. Nhưng hễ gặp những điển tích hay thì không bao giờ bỏ mà không nhặt cất kỹ.
Viết những bức thư thơ cho các em, tôi nhằm mục đích gây cho các em một ít vốn liếng sẵn sàng để khi cần, khỏi mất công chạy vậy. Điển tích cũng na ná như tiền bạc. Biết cách dùng, biết dùng đúng chỗ đúng lúc thì nó là người giúp việc tốt. Nếu không biết cách dùng và đụng đâu dùng đó thì nó là kẻ hướng dẫn xấu. Cho nên khi các em đã có nhiều tiền trong túi rồi thì nên thận trọng kẻo tôi bị mang tội làm hư hỏng các em.
Gỡ điển thắc mắc của Việt Anh rồi, xin gỡ đến điểm thắc mắc thứ hai:
Tôi trưng ra hai bài thơ Đề Nghĩa Lư của Phạm Thái ra không phải để nêu cao giá trị của hai bài, mà chính là mượn giá trị của hai bài, nhất là của câu “ cỏ biếc… trúc vàng”, để chứng minh rằng nếu dùng điển cho thích đáng thì vừa làm đẹp cho lời thơ vừa làm giàu cho ý thơ.
Vì vậy tôi không nói hết cái hay cái đẹp trong hai thiên, mà chỉ nói nhiều về hai câu có điển. Và cũng chỉ nói đến cái đẹp cái thú do điển, do cách dùng điển khéo, gây nên mà thôi. Nghệ thuật tinh luyện của tác giả, có dịp tôi sẽ đề cập đến.
Bây giờ tôi xin nói thêm về điển tích:
Cổ nhân chia điển tích ra làm cổ điển và sanh điển.
Cổ điển là những sự tích những sự vật… đã được đem vào sử sách và đã được phổ biến xưa nay.
Sanh điển là những sự việc mới xảy ra và có ảnh hưởng sâu rộng, nhưng chưa được ghi vào sử sách, những nhân vật có danh, ác cũng như thiện, còn tại thế hay qua đời, những câu chuyện hay, có thật hay tưởng tượng, những nhân vật điển hình do ngòi bút của văn nhân sáng tạo…, tìm gặp các sách vừa xuất bản và được hoan nghênh. Ví dụ trong thời Phạm Thái, chuyện bà Phan Thị Tuấn tuẫn tiết trên sông Thúy Ai mà họ Phạm đem vào câu:
Dệt gấm Thanh Nê câu nhất tiếu
Thêu nền Thúy Ái chữ tam tùng.
Đó là dùng sanh điển. Nhưng đến lúc Tản Đà dùng vào câu:
Châu Nam Hải, thuyền chìm sông Thúy Ái,
Sóng Tiền Đường cỏ áy chốn Ô Giang,
Thì sự tích bà Phan đã trở thành cổ điển. Đó là vì việc tuẫn tiết của bà Phan xảy ra trước việc bà Long Cơ tuẫn tiết không bao lâu và chưa được ghi vào sử sách. Đến đời Tản Đà thì thời gian đã in dấu câu chuyện vào tâm khảm phần đông người Việt Nam biết trọng luân thường và màu son đã thấm sâu vào nét bút lòng giấy.
Điển lại còn chia ra: chính điển hay nội điển, ngoại điển, thông điển, tịch điển…
Chính điển là những điển rút ra ở sử và sách được chính quyền công nhận làm sách giáo khoa, ở ngũ kinh tứ thơ.
Ngoại điển là những điển rút ra trong bách gia chu Tử, ở trong giả sử, trong truyện, tiểu thuyết… đã trải qua nhiều mưa nắng mà không bị hủy hoại, mà vẫn được văn giới hoan nghênh.
Những điển dùng trong thơ Phạm Thái và Tản Đà dẫn thượng đều là chính điển. Nhưng nếu gặp quan chấm trường câu nhấp thì sẽ liệt những điển cỏ biếc trúc tàn, Châu Nam Hải vào loại ngoại điển, vì những việc “máu thanh hóa làm cỏ biếc”, “lệ huyết điểm hoa vào thân trúc vàng”, “trai ăn máu mà sanh ngọc” là những truyền thuyết hoang đường do ngoại thư ghi chép đó thôi, chớ không có trong chính sử. Song dù người đọc có gắt gao đến đâu những điển ấy nhờ cách diệu dụng của thi nhân cũng không giảm giá trị. Những điển ấy xưa nay thường dùng nên cũng gọi là thông điển.
Còn tịch điển là những điển bí hiểm, những điển ít người dùng đến biết đến. Để khoe học rộng đọc nhiều, người đời Tống thường ưa dùng tịch điển như Tô Đông Pha có câu:
Đống hợp ngọc lâu hàn khởi túc
Quang dao ngân hải huyễn sanh hoa.
Hoàng Đình Kiên có câu:
Lâm sương thu áp cước
Xuân võng tiến cầm cao
Thơ của Tô Đông Pha là thơ TUYẾT. Ngọc lầu, Ngân hải là những mỹ từ dùng để tả sắc trắng của tuyết:
- Giá đọng thành lầu ngọc, lạnh nỗi lúa hột đầy mình,
- Ánh sáng sao biển bạc, hoa sanh chờn vờn trước mắt.
Tả tuyết như thế là hay.
Nhưng Tô thi lại giải thích:
- Hà Đạo sĩ gọi Vai là Ngọc lầu, Mắt là Ngân hải.
Như thế câu thơ bị thu hẹp nghĩa:
- Giá đọng nơi vai lạnh nỗi lúa hột,
- Ánh sáng sao trước mắt, trên không sanh hoa.
Vì đạo sĩ gọi Ngọc lầu là Vai, Ngân hải là Mắt, thì mắt và vai đây là vai mắt của đạo sĩ. Tác giả Tùy Viên Thi Thoại phê:
- Như thế thì lúc trời xuống tuyết, chỉ xuống nơi nhà đạo sĩ thôi ư?
Còn những chữ ÁP CƯỚC, CẦM CAO trong thơ Hoàng Đình Kiên cũng không mang nghĩa chính, nghĩa thường là chân vịt và tơ đàn nên mệnh danh là Ap Cước là tên riêng của con cá chép, vì sách Liệt Tiên ghi rằng đời Châu có người nước Triệu là Cầm Cao cởi cá chép đỏ vào sông Hỗn Thủy, do đó cá chép được mang hiệu là Cầm Cao. Như vậy câu thơ có nghĩa rất cạn cợt:
-  Sương rừng thu hết cỏ chân vịt,
-  Lưới xuân dâng cá chép sắc đỏ
Toàn là những điển bí hiểm. Những điển bí hiểm ấy chỉ nói lên rằng tác giả những câu thơ kia học rông biết nhiều, chớ không trang điểm cho lời thơ, không mở rộng thêm tứ thơ, được phần nào cả, trái lại còn làm cho tác phẩm trở thành những nơi chứa đồ cổ ít được người đến xem.
Một phần lớn cũng vì thói ưa dùng tịch điển mà sự dùng điển cổ bị đả kích. Lời đả kích mỗi ngày  một thêm nhiều. Ưa dùng điển cổ đã thành bệnh như lời Viên Mai đời Thanh. Ưa đả kích hay dùng điển cũng đã thành bệnh và bệnh ấy cũng đã truyền nhiễm sang Việt Nam từ lâu. Tôi xin kể một câu chuyện xảy ra tại Nha Trang trong khoảng gần đây:
Một bạn thường hay ngâm câu:
Cành gió hương xao hoa tỷ muội
Đồi sương sóng lượn cỏ vương tôn
Một ông khách đến chơi nghe ngâm vụt nói:
- Thơ bá láp như thế mà cũng thuộc! Cỏ gì lại “cỏ vương tôn”? ông bạn cười đọc tiếp
Trời bến Phong Kiều sương thấp thoáng
Thu sông Xích Bích nguyệt mơ màng.
Và hỏi:
- Đó là cặp trạng trong bài Đêm Thu Nghe Quạ Kêu. Câu ấy có bá láp chăng?
Khách đáp: Lại càng bá láp hơn nữa. Vì chả có gì là quạ là kêu. Thêm nữa ở Phong Kiều mới có sương, chỉ ở Xích Bích mới có nguyệt?
Khách gạn hỏi tên tác giả. Ông bạn cho biết, từ ấy hễ nghe ai nói đến tên tác giả Mùa Cổ Điển là khách bĩu môi bưng tai.
Tội nghiệp!
Phải chi những điển trong các câu đó là những điển hóc, thì bị chê trách đã đành. Đây lại là những điển thông dụng, tuy không đến nỗi trần thủ, chớ hễ là người có chút ít Hán học, có biết năm mười câu cổ thi Đường thi, thì có ai lạ gì những điển ấy.
Tôi viết ra những lời này để cảnh giác Việt Anh và các em ưa thích điểm cổ. Cảnh giác để khỏi lạm dụng, chớ trong bụng có sẵn điển mà biết dùng cho đúng lúc, đúng chỗ đúng mức, thì có khác chi đem tiền của ra làm những việc đáng làm những việc nâng cao đời sống đẹp cho thêm đẹp thêm vui
Thôi nói về điển cổ chừng ấy cũng tạm đủ.
Học rộng không bằng học kỹ. Học kỹ không bằng nghĩ chín.
Rất mong Việt Anh và các em nghĩ cho thật chín những điều tôi đã nói cùng Việt Anh và các em trong bấy lâu nay./.