Đôi nét cương yếu về thi học [10]






10.

PHONG LÂM giắt tay Lạp Mai xô ngõ bước vào Vườn, vừa đi vừa ngâm:
Há dám thương đâu khách má hồng
Thương vì một nỗi chực phòng không
Thương con cuốc lẻ kêu mùa hạ
Thương cái bèo non giạt bể đông
Thương vợ chồng Ngâu duyên chếch mác
Thương cha mẹ nhện phận long đong
Thương thời thương vậy thương sao đặng
Há dám thương đâu khách má hồng.

Lão cao hứng ngâm tiếp:
Há dám thương đâu gái có chồng
Thương vì một nỗi có mà không
Thương vườn sương muộn sương xao xác
Thương cánh đào thơ gió lạnh lùng
Thương chị trăng già cÂm chắp nối
Thương ông đầu bạc khéo riêng chung
Nghĩ thương mà nói rằng thương vậy
Há dám thương đâu gái có chồng.

Lạp Mai: - Nghe đồn rằng lão vườn không ưa lối thơ du hí, cớ sao cũng thuộc những bài vận ngữ không được liệt vào “phổ ý mục lục” của nhà thơ?
-  Lúc nhỏ khi mới học thơ, chính những thứ thơ ấy chui vào tâm trí trước nhất. Lớn lên mặc dù chúng bị bao nhiêu thơ hay khác che lấp, thỉnh thoảng vẫn “chường mặt” ra “múa men với thiên hạ”. Cho nên quí lão hữu có dạy bọn trẻ làm thơ, nên đem những bài thơ thật ra làm mẫu.
Phong Lâm:
-  Lo đi học mà không rồi đây, còn thì giờ công sức đâu nữa mà làm thầy!
Biết rằng hai ông bạn già nầy đến quấy rầy mình về Thi pháp nữa đây, lão bèn chận đầu:
-  Người Á Đông cũng như người Âu tây.. khi biết nói thì tự nhiên nói đúng mẹo. Cho nên trước khi cụ Trần Trọng kim và cụ Dương Quảng Hàm viết sách Văn phạm Việt Nam, ông cha chúng ta có ai nói ngược ngạo, nói sai nguyên tắc ngôn ngữ đâu, và từ khi có sách Văn Phạm, các lão hữu có khi nào dùng đến, đọc đến đâu…
Lạp mai cười hả hả: - Lão già tinh quái! Muốn “Bế môn tạ khách” đây! Đâu có được! Câu “Dục lập nhi lập nhân, dục đạt nhi đạt nhân”, lão vườn thường nói, vẫn còn văng vẳng hên tai đây.
-  Thật là hoạ từng khẩu xuất!
-  Dù cho là hoạ đi nữa, thì khi đã thấm nhuần thuyết vị tha và vô ngã, cũng không đáng quan tâm.
-  Thôi đừng dông dài. Hãy nhập đề cho rồi.
Phong Lâm: - Đạo Thành đã đem lời lão vườn nói cho chúng tôi rõ về các thứ bệnh phổ thông của thơ. Vậy xin hỏi hai bài thơ Thương đó có bị bệnh Bình Đầu chăng?
-  Nhân có bệnh Bình Đầu mà người xưa biến chế ra thể thơ Bình Đầu. Hai bài thơ Thương thuộc thể Bình Đầu. Bịnh đã biến thành Thể thì làm gì còn có bệnh nữa.
-  Còn các bệnh khác có được biến thành thể chăng?
-  Có một số bệnh được mượn tên đặt cho thể. Như thể Phong yêu mà bài ngũ Ngôn QUA ĐÒ GẶP NGƯỜI CŨ lão đã chưng ra Vườn Hoa Thơ mấy tháng trước (1) có thể dùng làm điển hình. Thể Điệp Âm như bài “chạy chữa chai chân..” của cụ Nguyễn Khoa Vy, Thể Song Thanh Điệp Vận, như bài của Tuy Lý Vương:
Mây xây núi túi chim tìm tổ
Khách cách đường trùng nốt cột lau
Lỏng khỏng đào cao ngường phậu xấu
Lơ thơ liễu yếu chị đàu đau
Thể Điệp tự, như bài của cụ Nguyễn Thượng Hiền:
Vất vất vơ vơ cũng nực cười
Cằm cằm cụi cụi có hơn ai
Nay còn chị chị anh anh đó
Mai đã ông ông mụ mụ rồi
Có có không không lo hết kiếp
Khôn khôn dại dại ngoẳn xong đời
Chi bằng láo láo lơ lơ vậy
Ngủ ngủ ăn ăn nói chuyện chơi (2)
Lạp Mai:
-  Những bệnh Điệp Tự, Điệp Vận... chưa nghe lão vườn nói…, mà sao đã nói đến thể thơ do những bệnh kia mà có?
-  Đó là không nói mà nói, nói mà không nói. Người rành thơ như  lão hữu sao còn hỏi những điều sơ đẳng của Đạo làm thơ như thế? Nguyên tắc của Thơ đâu quí bằng Đạo của Thơ. Quí lão hữu tuy chưa thuộc một số nguyên tắc, nhưng lão nhận thấy đã hiểu Đạo thơ nhiều lắm. Bằng cớ là đã có những câu thơ hay.
-  Chúng tôi làm thơ như các bà lão theo đạo phật. Cứ ngày rằm mồng một là sắm hương đèn hoa quả lên chùa lạy Phật, và đọc thuộc những bài kinh bài kệ do Thầy dạy cho đó thôi, chớ nào có hiểu thấu Giáo Lý cao thâm, lịch trình tiến triển của Phật giáo.
-  Thế mà các bà ấy sẽ thành phật vì theo đúng phép tu hành hơn nhiều nhà ra công nghiên cứu Đạo Phật, miệng nói toàn chữ của Phật mà tâm không có mảy may giống bồ đề. Khách theo Đạo thơ cũng thế.
Phong Lâm: - Chỉ có tâm mà không có học, thì việc tu hành không thể tinh tiến. Mấy mươi năm theo đuổi nghề thơ, mãi nay mới tỉnh ngộ. Kể cũng hơi chậm. Song chậm còn hơn không. Rất mong lão vườn nhớ câu “Tự giác nhi giác tha” kẻo chúng tôi phải buộc lòng ngờ rằng lão vườn bị ảnh hưởng thời đại “miệng đọc nam mô, ruột chứa bồ dao găm”.
-  Thi Pháp cũng như Đạo Pháp, nói thế nào cho hết, nói thế nào cho đủ?
-  Người ta hỏi gì thì mình nói nấy.
-  Vâng. Hỏi đi
-  Thể thơ còn nhiều?
-  Nhiều, khá nhiều. Riêng nói về thể Đường luật, từ Vãn Đường trở về sau đã biến ra nào Xúc cú, nào Câu thi, nào phong yêu, nào Đoàn huyền, nào cách cú, nào du xuân, nào toàn bình, nào toàn trắc, v.v…..Rồi sang Việt Nam còn chế thêm một số biến thể nữa như thể của cụ Nguyễn Khoa Vy và cụ Tôn Thất Mỹ:
-      Nhắc bạn thêm thương tình nhạn bắc
    Trông đời thêm ngán cảnh trời đông.
                                                                                     (N.K.V.)
Đó là thể nói lái:
- Tin nhạn mong chờ e ít hát  (E - X - H)
  Gối loan trằn trọc ép anh ca (F - N - K)
                                         (N.K.V)
-      Huyền vi máy tạo e lời lậu (` - E)
   Sắc sảo câu thơ ít chữ đề (' - X )
                                         (T.T.M)
Đó là thể "tạm mệnh danh" là thể cắc cớ. Vân vân…
Người muốn đi đến diệu xứ của Thơ, nên tránh những lối “chơi nghịch” ấy, nên để công sức và thì giờ lo súc tích và hàm dưỡng.
Lạp Mai: - Xin lĩnh ý. Nhưng hôm nay mong được cởi mở một ít thắc mắc định đến nhờ cởi mở: Xin cho biết về Ngũ Kỵ và Tứ Bất Nhập Cách.
-  Chỉ nói sơ qua thôi. Các lão hữu sẽ tự nghiên cứu lấy nếu muốn hiểu thấu đáo:
NGŨ KỴ là 5 điều kỵ trong việc làm thơ. Đó là Cách nhược (cách yếu ớt), Tự tục (chữ tục tàn) tài phù (tài xốc nổi, tài để lộ ra ngoài), lý đoản (lý cạn cợt), ý tạp (ý tứ tạp nhạp).

TỨ BẤT NHẬP CÁCH là bốn điều hễ phạm đến là bị quan trường đánh hỏng:
Khinh Trọng bất đẳng ( nặng nhẹ không giống nhau, không bằng nhau; hoặc nặng nhẹ lẫn lộn, hoặc nặng quá nhẹ quá không cân xứng nhau).
Chỉ sự bất thiệt ( chỉ việc dối trá, nói láo).
Dụng ý thái quá (ví dụ tặng I người mới làm thơ sạch nước cản mà bảo là tài Lý Bạch, Đỗ phủ.. )
Dụng ý thiên khô (dùng ý lệch lạc chểnh mảng. Nhạt nhẽo khô khan).
Phong Lâm: - Không có gì cao siêu mầu nhiệm.
-  Những gì lão đã thưa chuyện cùng các lão hữu lâu nay đều là một số nguyên tắc sơ đẳng, mà những người đã lão luyện việc làm thơ như quí lão hữu không cần biết, bởi không biết vẫn không có hại cho việc sáng tác. Một người thợ mộc đã quen tay sử dụng đục chàng rồi, không biết vì sao phải nắm đục như thế nầy nắm chàng như thế nầy, vẫn tạo được những sản phẩm khả ái. Và những nhà thạo về sinh lý học chưa chắc sinh con đã được khoẻ mạnh bằng bọn mình.
Lạp Mai: - Đó là hành dị tri nan. Chúng tôi muốn tri hành hiệp nhất. Bác Phong Lâm bảo không có gì cao siêu mầu nhiệm. Song ở đời có những gì cao siêu mầu nhiệm và có những gì không cao siêu mầu nhiệm? Theo ý tôi chưa biết thì là huyền bí, biết rồi thì hết huyền bí.. Chỉ thế thôi. Cho nên cứ tìm biết những gì mình chưa biết và muốn biết. Còn những điều ấy có cao siêu mầu nhiệm hay không, chẳng cần nghĩ đến. Vậy tôi xin trở lại vấn đề Thanh Bệnh mà tôi cần biết thêm.
-  Muốn là được (Vouloir c’est pouvoir).
-  Hàn Sơn Tử đời Đường có bài thơ chỉ trích những người theo thuyết Thanh Bệnh của Trầm Ước, tôi nhớ được mấy câu:
Vân bất thức phong yêu
Nhưng bất hội hạc tất
Bình trắc bất giải áp
Phàm ngôn thủ thứ xuất.
Tạm dịch:
Vốn chẳng biết phong yêu
Cũng không thông hạc tất
Nõ sắp xếp trắc bằng
Lời cứ tuần tự xuất.
Y kiến lão vườn đối với lời nói của Hàm Sơn Tử như thế nào? Lão có tật hay nói quanh co kiểu các thiền sư giảng Đạo. Tôi thích lão nói thẳng cho mau.
-  Bắt con rắn phải đi thẳng, bắt con rùa phải lắt lư châu thân khi bò. Điều đó dù độc tài như Hích Lê (Hitler) cũng không nỡ làm. Huống nữa đường vào con tim vốn khúc chớ không trực, thì cách nói quanh co chẳng cần lắm sao?  Quí lão hữu có lẽ không quên rằng đây chúng ra dùng tâm mà đãi nhau chớ không dùng trí.
-  Chỉ sợ nói quanh co tốn thì giờ đó thôi.
-  Mình nói chuyện thơ chớ nào phải giảng văn ở học đường mà bài phải soạn trước, giờ phải theo đúng. Nói chuyện thơ là những cuộc lãng du bằng miệng. Gặp đâu nói đó, thích gì nói nấy, cuộc nói chuyện không có chương trình vạch sẵn, câu nói chuyện không có bố cục dàn sẵn. Muốn dừng đâu thì dừng, muốn nghỉ lúc nào thì nghỉ, không qui định thời hạn, không hạn định đề tài. Nói chuyện thơ khác giảng văn, khác làm việc nghiên cứu thi ca, khác làm việc soạn thảo văn học sử, tuy những thứ nầy vẫn chen lẫn trong câu chuyện.
Phong Lâm: - Thông cảm rồi. Yêu cầu cho biết ý kiến về bài thơ của Hàn Sơn Tử.
-  Điểm này lão đã có lần trình bày cặn kẽ. Nay xin nhắc lại đôi nét đại cương: Vì quan niệm về thơ không phải chỉ có một, nên làng thơ Á Âu Kim Cổ chia ra nhiều phái. Phái nào có lý riêng có phép riêng pháo nấy. Ai cho phái nào phải thì theo. Nếu đều cho là quấy cả thì tự lập ra một phái mới cho thêm đông xóm đông làng. Lão không đủ trình độ học thức cũng không đủ khả năng lý luận để biện bạch thị phi.
Lạp Mai : - Khách làng thơ kể cũng đa sự!
-  Thơ ở giữa Đời và Đạo. Đạo không nói. Thơ không nói làm thinh cũng không nói nhiều. Tức là Thơ ở Giữa Đời và Đạo. Đời là Tục , Đạo Thoát Tục, Thơ không tục cũng không xa tục, khách tục vì lợi danh mà sanh nhiều chuyện, đó là lẽ tất nhiên. Khách làng tu là những người đi tìm những gì thanh cao và trường cửu hơn danh lợi, mà còn nặng lòng Ngân Ngã, mà còn ra công gắng sức tranh giành ảnh hưởng ở thế gian, còn đả kích lẫn nhau như kẻ phàm phu tục tử…, huống hồ khách làng là hạng người “nửa tục nửa tiên”.
Phong Lâm: - Lý sự không đến nỗi “cùn”. Tạm được. Hãy cho biết mình có nên theo thuyết Thanh Bệnh chăng?
-  Theo ý lão thì nên theo, nhưng phải linh động. Và làm thơ cũng như tìm người Đẹp. Vì muốn khôi phục nước Việt nên phạm Lãi mới phải lội suối trèo non hàng bao nhiêu ngày tháng, rồi đưa cô gái thôn Trử La về dạy múa dạy ca, sạy làm duyên làm dáng…, phải hao bao nhiêu sức tốn bao nhiêu của bao nhiêu công…, Phải tử công phu như vậy vì nhắm mục đích cao xa. Chớ nếu muốn tìm kẻ nội trợ cho con cháu, thì cô gái nào mà dung công ngôn hạnh, từ 10 điểm trở lên, 15 điểm trở xuống, là chấm đậu với niềm hân hoan của người lịch duyệt.
-  Tức là nên theo, nhưng không nên cố chấp.
-  Chính vậy. Và muốn cho âm điệu được hài mỹ, chẳng những chỉ tránh được bệnh là đủ. Mà còn phải lựa chữ có hướng lượng cho thích đáng, phải dùng tiếng ức tiếng dương cho thích ứng, phải tiến phải đậu cho thích nghi… (3)
Không phải là việc dễ.
Chẳng phải những kẻ bất tài như chúng ta khó đạt, mà cả những bậc đại gia văn chương nhiều khi cũng vấp phải bệnh, hoặc nằng hoặc nhẹ, hoặc ít hoặc nhiều. Để chứng minh lão xin “giới thiệu” hai thi hào đời Đường nổi tiếng là làm thơ rất công phu: Đỗ Phủ và Lý Thương An. Và lão xin đưa ra hai tác phẩm mà người Việt Nam yêu thơ không mấy ai không biết:

THU HỨNG
Ngọc lộ điêu thương phong thọ lâm
Vũ Sơn Vu Giáp khí tiêu sâm
Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng
Tái thượng phong vân tiếp địa âm
Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ
Cô châu nhất hệ cố viên tâm
Hàn y xứ xứ thôi đao xích
Bạch Đê thành cao cấp mộ châm
Đó là một trong 8 bài Thu Hứng của Đỗ Phủ mà Thánh Thán, nhà phê bình trứ danh đời Nguyên, đã hết lời tán tụng, và cổ nhân đã dịch ra Quốc âm:
Lác đác rừng phong hạt móc sa
Ngàn Vu hiu hắt khí thu mờ
Lưng trời sóng giợn lòng sông thẳm
Mặt đất mây ùn cữa ải xa
Khóm cúc tuôn thêm hàng lệ cũ
Con thuyền buộc chặt mối tình nhà
Lạnh lùng giục kẻ tay dao thước
Thành Bạch dồn châm bóng ác tà. (4)
Và sau đây là bài của Lý Thương An, một trong những bài mà phái Tây Côn đời Tống dùng làm phạm thức:
CẨM SẮC
Cẩm sắc vô đoan nhị thập huyền
Nhất huyền nhất trị ức hoa niên
Trang Sinh hiểu mộng mê hồ điệp
Thục Đế xuân tâm thác đỗ quyên
Thượng hải nguyệt minh châu hữu lệ
Lam Điền nhật noãn ngọc sanh yên
Thử tình khả đãi thành truy ức
Chỉ thị đương thời dĩ võng nhiên
Tố Như Tiên sinh đã mượn bốn câu giữa dịch thành khúc đàn Thuý Kiều gảy cho Kim Trọng nghe. Nay lão xin nối điêu cho trọn thủ vỹ:
Đàn Cẩm Sắc hai mươi dây
Mỗi dây mỗi trục nhớ ngày tuổi hoa
Khúc đâu đầm ấm dương hoà
Ay là hồ điệp hay là Trang Sinh
Khúc đâu êm ái xuân tình
Ay hồn Thục Đế hay mình đỗ quyên
Trong sao châu nhỏ duềnh quyên
Âm sao hạt ngọc LÂm Điền mới đông
Tình kia nghĩ đã thành không
Bận chi thương nhớ cho lòng xót xa
Đừng để cho uy danh của tác giả chi phối, chúng ta hãy bình tâm mà xét thì sẽ thấy ngay tỳ vết trong hai viên ngọc của Đường nhân:
Bài Thu Hứng , 4 câu đầu và câu thứ 6 không có một tiếng trường bình. Bài Cẩm Sắc, câu 4 câu 5 cũng thiếu trừơng bình. Tiếng thơ không du trường, giọng thơ không uyển chuyển. Đó là do bệnh Điệp Thanh và phong yêu gây ra.
Nhiều câu thơ của Đỗ Phủ được coi là trác tuyệt, mà vẫn mang bệnh âm thanh:
Tức khiển ba khai thâm tháo thứ
Tiện giao yến ngữ thái đinh ninh
Ba chữ THÂM THÁO THỨ cùng một âm đọc nghe như ngọng (5). Đó là bệnh điệp âm. Nếu đánh gắt thì vế thứ nhất còn một bệnh thứ hai nữa là bệnh bàng nựu do chữ KHIỂN và chữ KHAI gây nên.
Thế mà cổ nhân lại khen Đỗ Phủ có tài dùng song thanh điệp vận và lấy câu “...thâm tháo thứ.. thái đinh ninh” làm thí dụ.
Lại như câu nầy cũng của Đỗ Phủ:
Ba phiêu cô mễ trầm vân hắc
Lộ lãnh liên phòng truỵ phấn hồng (6)
Diệp Mộng Đắc đời Tống khen là “hàm cái kiền khôn” tức là ngậm che cả trời đất. Ý nói rộng rãi sít sao, không có kẽ hở để có thể dòm thấy.
Theo lão: vế trên âm điệu hoàn hảo. Vế dưới mắc đến ba bệnh là Điệp âm (lộ lãnh liên), Phong Yêu (phòng hồng: đều trường bình thanh), Đại vận (phòng và hồng cùng một thanh và một khuôn). Giọng thơ mới cất lên thì nghe lặp bặp, đọc tiếp nghe trầm trầm và gãy ở khúc giữa, không mấy vui tai.
Phong Lâm:
-  Như thế tại sao cổ nhân lại khen?
-  Thơ hay có nhiều cách: Hay về thanh vận, hay về phong cách, hay về ý thú… Một bài thơ gồm đủ ba yếu tố đó xưa nay rất hiếm. Lão chê những câu bị bệnh đó là đứng về phương diện Thanh Vận mà chê. Còn cổ nhân khen là đứng trên phương diện phong cách và ý thú mà khen.
Lạp Mai: - Lão vườn phải hay cổ nhân phải?
-  Lão có cái phải của lão. Cổ nhân có cái phải của cổ nhân. Cổ nhân không thể sống dậy buộc lão phải theo cổ nhân, và sau này lão có gặp cổ nhân cũng giữ vững lập trường của lão. Lão thờ kính cổ nhân, song nhất thiết không làm nô lệ.
Phong Lâm:
-  Bằng theo lời nói của lão vườn thì thơ cổ kim hiếm bài tuyệt tác lắm sao?
-  Xưa nay thường khen bài nầy là tuyệt tác, bài kia là tuyệt diệu…, là đứng về mặt tương đối mà khen. Chớ tuyệt đối thì đến Hoá công mà còn có chỗ khuyết huống hồ Thi Nhân. Nhưng thơ cũng như người đẹp. Những tuyệt đại giai nhân là những bài thơ toàn bích bằng xương bằng thịt, Thử xem ở nước Trung Hoa đất rộng người đông kia, từ xưa đến nay được mấy Mao Tường Muội Hỷ, Đát Kỷ, Bao Tự, tây Thi, Chiêu Quân, Đêu Thuyền, Dương Quí Phi…? Mà vì tuyệt đại giai nhân có ít, nên trên đời nhiều người đàn bà chỉ có sắc chớ không có tài có đức, nhiều người chỉ có tài đức chớ không có sắc, nhiều người chỉ có thanh chớ kém sắc kém đức.. mà vẫn chiếm được địa vị cao sang, vẫn được tưng bừng kẻ đón người đưa, và hầu hết các phụ nữ có chút ít nhan sắc đều khỏi bị cảnh phòng không gối lẻ. Cho nên thấy có người tán tụng những bài thơ mình không lấy làm hay, và chê bai những bài mình cho là gián đoạn tác, thì không nên bận tâm, không nên kinh dị.
Lạp Mai: - Khen hay chê thường thường đều do quan niệm, do sở thích.
Phong Lâm:
-  Không lẽ những lời phê bình xưa nay đều chủ quan cả sao?
-  Ông bạn thấy màu đỏ thích mắt khoái lòng, ông bạn khen “Đẹp quá”. Lão thấy màu xanh tươi mát dịu dàng, lão khen “Đẹp quá”. Có nhiều người khác cũng khen như ông bạn, lại có nhiều người khác cũng hay khen như lão. Như vậy những lời khen đó khách quan hay chủ quan?
-  Như vậy có thể lấy số nhiều ít của lời khen chê làm tiêu chuẩn để định giá văn chương chăng?
- Nếu lấy Đa Thiểu làm tiêu chuẩn thì khúc hạ Lý Ba Nhân có giá trị hơn khúc Dương A Dới lộ, khúc Dương A Dới Lộ có giá trị hơn khúc bạch Tuyết Dương Xuân. (7)

Lạp Mai: - Làm thơ khó mà xem thơ cũng không phải dễ!
-  Bởi vậy Giả Đảo đời Đường mới có câu:
Lưỡng cú tam niên đắc
Nhất ngâm song lệ lưu
Tri âm như bất ngộ  (8)
Qui ngoạ cố sơn thu.
Tạm dịch:
Ba năm lòng gởi dôi câu
Ngâm lên một tiếng lệ châu ướt dầm
Đường đời không gặp tri âm
Non xưa trở lại ôm nằm với thu.
Hạ Lý Ba Nhân là tên một khúc hát tầm thường, mỗi lần hát lên được trên vài nghìn người hoạ
Dương A Dới Lộ là tên một khúc hát trung bình, mỗi lần hát lên thì được một vài trăm người hoạ.
Dương Xuân Bạch Tuyết là tên một khúc hát khá cao, hát lên chỉ chừng mươi người họa.
Phong Lâm:
-  Làm chi mà phải lao tâm khổ tứ đến thế?
-  Ông bạn thật xứng đáng làm người trong cửa Khổng Sân Trình!
-  Vì sao vậy?
-  Vì ý ông bạn giống hệt ý nhà hiền triết đời Tống là Trình Di. Đọc câu Đường Thi:
Ngâm thành ngũ cá tự
Dụng tận bán sinh tâm
Nghĩa là:
Nhọc nhằn năm chữ rèn xong
Ai hay dùng cả lòng trong một đời.
Nhà hiền triết phán:
Khả tích nhất sinh tâm
Dụng tạo ngũ tự thượng.
Nghĩa là:
Khá tiếc lòng một đời
Đem dùng đúc năm chữ
Ngụ ý chê là phí tâm vô ích
Đỗ Phủ có câu:
Xuyên ba giáp điệp thâm thâm hiện
Điểm thuỷ thanh đình khoản khoản phi.
Nghĩa là:
Bướm bướm luồn hoa thăm thẳm hiện
Chuồn chuồn giỡn nước chập chờn bay

Trình Di chê:            Như thử nhàn ngôn ngữ, đạo xuất tố thâm?”
Nghĩa là:                  Lời nhảm nhí như  thế nói ra làm chi nhiều?”

Trình Di vừa là một bậc hiền vừa là một nhà thơ, và thơ đối với thầy là một phương tiện để tải đạo, không tải đạo thơ không có giá trị gì.
Nhưng thơ của Thầy cũng như của các nhà hiền triết khác lại bị chê là lý trí quá văn từ, lạt lẽo vô vị, và giọng bằng phẳng giống như bài luận đạo đức.
Cho nên chúng ta phải thận trọng khi xem thơ mà cũng phải thận trọng khi nghe lời bình phẩm, dù là lời cổ nhân.
Lạp Mai:
-  Phong Lâm rủ tôi đến chỉ có mục đích là hỏi thêm đôi chi tiết về Thanh Bệnh, không ngờ được lão vườn cho thưởng thức nhiều hương vị của hoa thơ.
Phong Lâm:
-  Kể có phần đông dài khiến tôi chưa được thoả mãn về thuyết Thanh Bệnh.
-  Nhìn màu thuốc tiếm, ngửi mùi ten dót thích thú hơn hay nhìn màu hoa ngửi hương hoa thích thú hơn? Huống nữa, lão đã nói rằng chúng ta “lãng du bằng miệng”. Ông bạn muốn đến Ngũ Hành Sơn đặng xem lại Động Huyền Không. Đó là mục đích nhắm sẵn. Nhưng vừa lên khỏi đường dốc hòn Non Nước tức hòn Thuỷ Sơn, liền thấy ngôi chùa Tam Thai đứng sừng sững trước mặt, vừa cổ kính vừa trang nghiêm, thì lẽ nào không ghé vào viếng cảnh. Vào chùa gặp một Thiền sư phong nhã vừa đưa chúng ta đi xem chùa, vừa giải thích cho chúng ta nghe những thắng tích quanh chùa. Trong lời giải thích có nhiều chi tiết giúp cho chúng ta hiểu rõ về động Huyền Không mà vào động chưa chắc chúng ta đã nhìn thấy tìm thấy. Như thế chẳng có lợi lắm sao? Huống nữa động Huyền Không đâu phải lá Trung Tâm Điểm của Ngũ Hành Sơn, đâu phải là cảnh đẹp nhất của hòn Thuỷ Sơn?
Lạp Mai gật đầu và nhìn Phong Lâm:
-  Lão Vườn lập ý khuyên chúng ta  không nên chuyên chú vào Thanh điệu, mà còn phải lưu tâm đến nhiều phương diện khác, nhất là phong cách và Ý thú mà khi nãy lão đã hé cho chúng ta thấy… Ngũ Hành Sơn có 5 ngọn núi, ngọn nào cũng có kỳ quan thắng tích…
Lão ngắt lời:
-  Những công việc chọn hoa đòi hỏi nhiều thì giờ lắm, lão không rảnh đâu để làm hướng dẫn viên. Xin nhị vị lão hữu nếu muốn du lãm thì nắm tay nhau mà đi…. Ngoài các tiệm sách có bán sẵn bản đồ và sách hướng dẫn… Chớ lo không biết đường ..
Lạp Mai: - Xin lĩnh ý. Song trước khi “tự lực cánh sinh” mong được nghe thêm đôi lời “phế phủ”.
-  Lão xin mượn lời của Jules Lachelier, một triết gia người Pháp sống vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, để làm quà cho hai lão hữu: “Để lý giải một hệ thống thì điều kiện thứ nhất là phải thể nhập, điều kiện thứ nhì là phải giải thoát” (pour comprendre un systère con dition est d’y entrer, la seconde est d’en sortir).
Lạp Mai dắt tay Phong Lâm đứng dậy:
-  Tức là chúng ta phải tìm hiểu những qui luật của thơ, khi hiểu đã thấu đáo rồi thì phải phá qui luật mà ra, để đứng trên qui luật mà sáng tác.
Đó là đạt lý.
_________________________________________________
(1)   Thể Phong Yêu, hạm liên không đối, đến cảnh liên mới đối. Đọc 4 câu có cảm giác thon thon, đến câu cảnh vì sự đối chọi làm cho khí thơ đọng lại và nở ra, khiến khúc trước như lưng ong khúc sau như bụng và đít (Xem bài số 5).
(2)   Bài nầy cụ Phan Bội Châu có phê bình và hoạ vận trên một tờ báo, nhưng lão không nhớ tên báo mà cũng không nhớ bài hoạ vì lâu ngày quá.
(3) Đã nói rõ trong bài số 9 ở trước.
(4) Bài nầy các Ả Đào thường hát trước bài dịch Tỳ Bà Hành nhưng không biết rõ tác giả là ai.
(5) Ay khiến hoa nở rất mực vội vàng (Tháo thứ cũng như cấp cự, có người đọc là tạo thứ). Lại dạy con yến nói quá sức khăng khăng.
(6) Sóng chao bụi lúa mồ côi làm chìm sắc đen của mây. Móc lạnh gương sen làm rơi màu hồng của phấn.
(7) Chữ mượn trong bài phú của Tống Ngọc.
(8) Có chỗ chép là “Tri âm như bất thưởng”.

HẾT BÀI