Những bức thư thơ 11.Gương vỡ lại lành -12.Khúc Hậu Đình Hoa


11. GƯƠNG VỠ LẠI LÀNH

Nha Trang tiết Xuân Phân năm Kỷ Hợi (1959)

Em Cẩm Xuyên,
Trong văn thơ, dụng xảo mà không ngấn mài dũa, dụng điển mà không ngấn cắt xén, thì mới là diêu thủ. Riêng nói về thuật dụng điển, Tố Như  tiên sinh thật đã lên đến đỉnh tối cao.
Đơn cử một câu:
Bây giờ gương vỡ lại lành
Khuôn thiêng lừa lọc đã dành có nơi.
Đọc lên là hiểu ngay ý nghĩa, không mấy ai ngờ rằng câu thơ có chỗ xuất nhập, tức là dụng điển, điển Công Chúa Nhạc Xương.
Chắc em chưa quen cùng Công Chúa? Tôi xin giới thiệu:
NHẠC XƯƠNG Công Chúa là em vua Hậu Chúa Thúc Bảo nhà Trần bên Trung Quốc (Cuối thế kỷ thứ VI). Chồng là Từ Đức Ngôn làm chức Xá Nhân của Đông Cung.
Công Chúa đã có sắc mà lại có tài thi ca. Đức Ngôn rất yêu quí. Gặp lúc nhà Trần suy, nhà Tuỳ hưng, Đức Ngôn biết vợ chồng khó sống mãi trong cảnh yên vui. Một hôm nói cùng Công Chúa:
-   Tài sắc dường ấy, hễ nước mất, Công Chúa hẳn lọt vào tay kẻ có quyền, còn mong gì sum hợp với nhau được nữa. Nếu chưa dứt hẳn mối tình và còn mong thấy mặt nhau, tất phải có vật gì làm tin.
Bèn đập một tấm gương ra làm hai, mỗi người giữ một mảnh. Rồi hẹn:
-    Sau này, cứ nhớ ngày rằm tháng giêng, đem mảnh gương ra bán ở chợ Kinh Đô. Nếu ta có ở đó thì sẽ tìm gặp.
Kế đó nhà Trần mất (589), Nhạc Xương công chúa vào tay danh tướng nhà Tuỳ là Việt Công DƯƠNG TỐ. Dương yêu đương chìu chuộng rất mực. Còn Đức Ngôn thì bị lưu lạc phương trời. Phải qua bao nhiêu  tháng năm, bao nhiêu sương nắng, mới đến được Kinh Đô. Chàng y hẹn, ngày rằm tháng Giêng, ra chợ dò la tin tức. Chợt thấy một người ăn mặc ra dáng nô bộc, đem bán một mảnh gương, nói giá thật cao, cả chợ đều cho là xuẩn. Đức Ngôn mời người ấy đến một quán vắng. Cơm rượu đãi xong, kể hết chân tình, rồi đem mảnh gương mình ra ghép lại với mảnh gương kia, thì liền nhau như một. Biết là người xưa không quên ước cũ, bèn nhờ đưa hộ một bài thơ:
Chiếu dữ nhân câu khứ
Chiếu qui nhân bất qui
Vô phục Hằng Nga ảnh
Không lưu minh nguyệt huy.
Nghĩa là:
Gương đi người cũng đi
Gương lại người không lại
Vắng vẻ bóng Hằng Nga
Lạnh lùng lòng nguyệt đãi.
Công Chúa được thơ đau xót bỏ cả ăn ngủ. Dương Tố dò biết, mời Đức Ngôn đến, tặng vàng lụa và hứa sẽ giao Công Chúa lại cho. Đức Ngôn bái tạ, và nằm tạm nơi dịch xá đợi tin.
Mấy hôm sau Dương Tố mở tiệc mời Đức Ngôn đến dự. Trong tiệc có Công Chúa ngồi. Tiệc nửa chừng Dương ép Công Chúa làm thơ. Không nghĩ ngợi, đọc:
Kim nhật hà thiên thứ
Tân quan đối cựu quan
Tiếu đề câu bất cảm
Phương nghiệm tố nhân nan.
Nghĩa là:
Ai làm đổi vật dời sao
Tình xưa tình mới xiết bao ngỡ ngàng
Khóc cười âu cũng dở dang
Đạo làm người gẫm muôn vàn khó khăn.
Dương Tố cảm động, đành bóp bụng cho vợ chồng nối lại duyên xưa.
Điển Nhạc Xương Công Chúa cũng là một điển thông dụng. Trong bài Đông Hồ An Nguyệt của Mạc Thiên Tích có câu:
Rạng thanh đã hứng thuyền Tô tử
Lạnh lẽo càng đau kiếng Nhạc Xương
Điển dùng kể cũng đã khéo. Song sánh với Tố Như thì còn thua. Vì đây còn chất, đó chỉ có thần. Một bên không cần biết điển mà vẫn hiểu ý nghĩa, vẫn nhận thức được cái hay của câu thơ. Một bên thấy rõ điển, nhưng nếu không thuộc điển thì không hiểu rõ tác giả muốn nói gì, cái thú xem thơ bị giảm.
Điển cố đối với thi nhân thật chẳng khác son phấn đối với phụ nữ. Dù thơm dù thắm, thơm thắm đếu đâu mà hễ vụng tay thì không thể làm tăng được nhan sắc. Cho nên chưa thạo cách trang điểm thì thấy điển đừng có ham. Những hãy để việc dụng điển lại đó, chúng ta trở lui cùng Công Chúa Nhạc Xương.
Công Chúa thật là 1 tay tài nữ. Từ Đức Ngôn cũng là một khách tài ba. Vợ như thế chồng như thế, ai không cho là xứng lứa vừa đôi. Hai bài thơ trên, chỉ hai bài thôi, cũng đủ cho chúng ta khen mà không ngượng.
Hai bài, mỗi bài chỉ 4 câu 5 chữ, mà nói lên không biết bao nhiêu nỗi niềm.
Bài của Đức Ngôn không nói nhớ không nói thương, mà nhớ thương chan chứa:
Gương lại người không lại” khiến thấy vật nhớ người. Mà người tuy không lại, song nhìn vào gương vẫn thấy rõ tình xưa vẫn lai láng như bóng trăng mà gương kia gìn giữ. Tình trong gương lai láng, mà người soi gương vắng bóng, khiến lòng người thấy gương thương thảm biết bao!
Rõ là lời thưa mà ý nhặt.
Còn bài của Nhạc Xương Công Chúa thì lời thiển mà ý thâm:
Một bên chồng cũ một bên chồng mới, bên nào đối với Công Chúa cũng hết lòng thương yêu. Công Chúa phải xử sự như thế nào cho ổn đáng? Xử sự đã khó rồi, mà còn bị ép phải nói lên nỗi lòng mình nữa, thì càng khó biết bao nhiêu! Đã biết rằng tình Công Chúa đối với Từ Đức Ngôn nặng hơn Dương Tố, song nếu lời nói thiên về Từ, thì sợ chạm lòng tự ái Dương, rủi ro sóng gió nổi lên, e châu khó về Hợp Phố. Còn nếu nghiêng về Dương, chỉ nghiêng để giữ thế, lại e nhìn trăng qua lớp khói, Từ ngờ rằng bóng đã xế về tây… Công Chúa bèn than nhẹ về cuộc đời dời đổi, để thương cho mình ở trong cảnh ngộ éo le, không dám cười cũng không dám khóc, vì khóc dở dang cười cũng dở dang. Tức là không biết xử trí thế nào cho phải đạo.
Lời thật tròn, thật khéo! Không nói đến người. Chỉ nói đến mình. Nói đến mình, nhưng không nói rõ lòng mình như sao, mà chỉ nói đến nỗi khó khăn trên đường khứ tựu. Nói đến nỗi khó xử ấy, để cho người có quyền xử là Dương Tố  liệu xử sao cho phải nghĩa phải nhân.
Dương Tố là người có đạo đức, không cậy quyền thế mà làm những việc trái nhân luân. Vì nhân luân, đã định trả Công Chúa về chồng cũ. Song vì tình yêu vấn vít nên còn chần chờ ngày một ngày hai. “Gỡ thì thương, vương thì tội”, lòng với lòng biết bao nổi dằng co! Nhưng rồi chỉ mấy vần thơ Công Chúa làm rung động lòng Dương, giúp Dương có thể giải quyết dứt khoát và nhanh chóng.
Hiệu lực của thơ thần dịệu làm sao!
Nhưng thơ có hay mới có thần lực. Và thơ hay chỉ có công hiệu đối với lòng người biết yêu thơ biết quí thơ, với lòng người yêu thơ quí thơ mà không bị quyền thế lợi danh làm chai cứng, như  Dương Tố, như Vu Liên Suý.
Và như Dương Tố đối với Từ  Đức Ngôn, Vu Liên Suý đối với Thôi Giao (1), chúng ta có thể gọi là “Hy sinh tình yêu cho tình yêu” . Ngườii nay thường nói câu ấy mà chưa thấy ai thực hiện lời nói của mình. Người xưa không hề nói đến những lời cao đẹp như thế, mà hành động của cổ nhân, như chúng ta thấy đó, cao đẹp biết bao nhiêu.
Không thấy nói mà thấy làm, đó là phép dụng điển mà không thấy điển của Tố Như tiền bối, phép dụng điển mà không ngấn cắt xén của cổ nhân dạy khách làm thơ.
Chúng ta nên học cho chín.
Xin chào em và chúc em gặp nhiều may mắn trên đường học vấn và sáng tác./.
__________________________________________________________________
(1)   Chuyện Vu Liên Suý và Thôi Giao đã nói trong bức thư gởi cho Lê Mộng Hoà.


12. KHÚC HẬU ĐÌNH HOA

Nha trang tiết Lập Hạ năm Kỷ Hợi (1959)

Em An Định,
Một bài thơ là một chánh phủ.
Chánh phủ nào cũng vậy, phải có một vị nguyên thủ và một nội các. Trong thơ, vị nguyên thủ là ý chính, các ý khác là các bộ trưởng, thứ trưởng…, nhiều ít tuỳ nhu cầu.
Nếu là thơ trường thiên thì ý chính nằm trong một đoạn.
Nếu là thơ bát cú, tứ tuyệt…, thì ý chính nằm trong một câu, hoặc trong một nhóm chữ, có khi chỉ nằm trong một chữ.
Bởi vậy, khi xem thơ em phải tìm xem ý chính nằm nơi đâu. Có tìm thấy ý chính rồi, mới hiểu thấu đáo những gì giàn trải hay dấu diếm nơi hàng chữ hoặc phồn tạp, hoặc đơn sơ. Vì đầu có xuôi đuôi mới lọt.
Xin đơn cử bài BẠC TẦN HOÀI của Đường Đỗ Mục:
Yên lung hàn thuỷ nguyệt lung sa
Dạ bạc Tần Hoài cận tửu gia
Thương nữ bất tri vong quốc hận
Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa.
Ý chính bài này là Hận Vong Quốc. Mối hận vong quốc dính liền vào khúc Hậu Đình Hoa. Người thương nữ nơi quán rượu Tần Hoài không biết, mới xướng khúc ca ấy làm chạnh lòng khách neo thuyền nơi bến lạnh khói trăng.
Để em có thể hưởng trọn thú vị của bài thơ, tôi vừa dịch vừa diễn:
Khói lồng nước khuya
Trăng lồng cát phẳng
Neo thuyền bến vắng
Quán rượu Tần Hoài
Não nùng gió lọt bên tai
Mối hờn mất nước kéo dài theo canh
Gái buôn tình chẳng thấu tình
Cách sông xướng khúc Hậu Đình Hoa xưa.
Nhưng vì sao lại bảo rằng Mối hận Vong Quốc dính liền vào khúc Hậu Đình Hoa?
Nguyên Trần hậu Chúa THÚC BẢO (cuối thế kỉ thứ VI) là một ông vua thông minh, có tài thơ phú, nhưng thích xa xỉ ham hoan lạc, việc nước giao cả cho đám quyền thần.
Nhà vua có một quí phi tên Trương Lệ Hoa là 1 tuyệt thế giai nhân, thơ đã hay mà tánh lại mẫn thiệp, được nâng niu như ngọc liên thành. Để làm đẹp lòng quí phi, vua sai cất ba toà hoạ các lộng lẫy, gọi là gác Lâm Xuân, gác Vọng Tiên và gác Kiết Ỷ. Chung quanh câu lơn đều toàn gỗ trầm đàn chạm trổ tinh tế. Bên trong trang trần những rèm châu màn gấm, những đồ bằng vàng ngọc, hổ phách, lưu ly… Dưới sân trồng những cây quí hoa thơm, lại đắp núi Nghinh Phong, đào hồ Ngoạn Nguyệt… Từ bao nhiêu đời vua trước, chưa đời nào có những cảnh sang đẹp hơn.
Cung phi có hàng đoàn. Những người có văn học đều được phong làm nữ học sỹ. Các  quan trong triều, hễ có tài ngâm vịnh đều được trọng dụng và được thường gần gũi bên nhà vua.
Đêm đêm nhà vua cùng Trương Lệ Hoa nhóm hợp các nữ  học sỹ, các thi nhân nơi gác Lâm Xuân, mở tiệc để ngâm thơ bình phú. Những bài hay được thưởng và được phổ vào trúc ti. Có nhiều đêm vui chơi suốt sáng. Những đêm ấy gọi là Trường Dạ ẩm.
Hậu Chúa có soạn một khúc ca gọi là HẬU ĐÌNH HOA:
Lệ vũ phương lâm đối cao các
Tân trang diễm chất bản khuynh thành
Ánh hộ ngưng kiều sạ bất tiến
Xuất duy hàm thái tiếu tương nghinh
Yêu cơ kiểm tự hoa hàm lộ
Ngọc thụ lưu quang chiếu hậu đình.
Hậu Đình Hoa, nghĩa đen là Hoa nơi sân sau. Đó là lời ca tụng vẻ đẹp của Trương Lệ Hoa. Lời văn kiều diễm. Tạm dịch:
Đối gác hương rừng thơm mái vẻ
Màu tân trang nhuốm vẻ khuynh thành
Yêu kiều bóng đọng long lanh
Thoắt qua cửa gấm khôn đành bước đi
Rèm lưu ly hé cười nghênh đón
Má ửng hồng hoa ngậm móc xuân
Dịu dàng sáng đội màu ngân
Qua hàng cây ngọc trong ngần sân sau.
Miệt mài trong cuộc thi ca yến ẩm, nhà vua không nghĩ chi đến việc nước việc dân. Vua Văn Đế nhà Tuỳ ở phương Bắc dò biết, sai Dương Quảng, Dương Tố và Lý Uyên đem mười lăm vạn quân sang đánh.
Khi quân Tuỳ đến nơi, Trần Hậu Chúa còn say chửa dậy. Quần thần đều chạy trốn hết bỏ nhà vua cùng các phi tần ở trong cung. Quân Tuỳ phá thành vào. Vua Trần bị bắt. Trương Lệ Hoa bị giết. Nhà Trần bị diệt vong.
Khúc Hậu Đình Hoa rất được truyền tụng. Nhân việc mất nước của nhà Trần, người đời sau mới gọi khúc ca là “mối hận vong quốc”.
Tên khúc ca do chữ HOA ở câu 5 và chữ HẬU ĐÌNH ở câu 6 ghép lại, và tác giả mượn vẻ đẹp rực rỡ của hoa nơi hậu đình để sánh với vẻ đẹp của Trương Lệ Hoa. Trong bài, YÊU CƠ là Tổng Thống, HOA là Thủ Tướng, còn HẬU ĐÌNH là đệ nhất, đệ nhị Phu Nhân.
Em An Định,
Em xem kỹ bài BẠC TẦN HOÀI và bài HẬU ĐÌNH HOA em sẽ thấy lời tôi nói không sai không cưỡng.
Nhân tiện bàn thêm cùng em cho vui:
Nghĩ cũng tức cười! Làm mất nước là người chớ đâu phải là văn chương. Có bắt tội thì bắt tội người làm mất nước, cớ sao lại đi bắt tội văn chương mặc dù văn chương kia là của người làm mất nước. Nếu bảo tại mê đắm văn chương, không lo việc nước, khiến nước bị diệt vong, nên văn chương kia bị coi là văn chương vong quốc. Đó là lời buộc tội của những người có quyền thế và ưa độc tài. Chúng mình tránh nghe họ nói. Như bài HẬU ĐÌNH HOA là một giai phẩm, đọc lên nghe khoái nhĩ khoái tâm. Thế mà Đỗ Mục nghe xướng trong khi lòng buồn nơi cảnh vắng, lại lên án cả khúc ca lẫn người xướng ca! Nếu không biết rõ khúc Hậu Đình Hoa nói gì thì chắc em tưởng là 1 áng văn chương đồi truỵ, gây ảnh hưởng không tốt cho người đọc người nghe.
Bởi vậy tôi khuyên em: Xem văn thơ phải cận thận, luận văn thơ phải công bằng, thì mới bổ ích cho tâm trí./.