Những bức thư thơ 11.Đọc thơ - 12.Đối trong thơ Luật

11. ĐỌC THƠ

Nha Trang, Trung tuần tháng Giêng năm Đinh Tỵ (3.1977)

TRIÊU DƯƠNG
Luật thơ Thất ngôn và Ngũ ngôn đã manh nha từ đời Lục Triều (221-621), đến đời Đường (618-907) mới được quy định. Buổi sơ Đường (6I8-712), luật thơ không mấy nghiêm mật. Sang thời thịnh Đường (713-824) quy tắc mới thật chỉnh tề. Và từ Vãn Đường (825-907) trở về sau kỷ cương càng ngày càng thêm nghiêm túc.

Cổ nhân đặt ra luật thơ là cốt để giúp cho thi nhân những phương tiện ổn định để diễn đạt ý thơ, để điều khiển thi hứng. Vì là phương tiện nên giá trị của luật thơ không phải tuyệt đối, không phải bất khả xâm phạm. Để phô diễn được hoàn toàn những gì muốn phô diễn, cần phô diễn, thi nhân có quyền mở rộng khuôn khổ, hoặc vứt bỏ những lề lối không thích ứng, hầu tránh cái họa hình thức câu thức làm tiêu diệt sinh khí của nội dung. Đó là phá luật theo hứng.
Sống ngay trong thời đại đặt ra thi luật, mà lắm nhà thơ vượt quy tắc để theo cảm hứng của mình và truyền lại những vần giai tác. Nổi tiếng nhất là bài ĐĂNG HOÀNG HẠC LÂU của Thôi Hiệu:
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tải không du du
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thu
Phương thảo thê thê Anh Vũ Châu
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu
Tản Đà dịch:
Người xưa cỡi hạc đi đâu
Mà nay Hoàng Hạc đây lầu còn trơ
Hạc vàng đi mất từ xưa
Nghìn thu mây trắng bây giờ còn bay
Hán Dương sông tạnh cây bày
Bãi xa Anh Vũ xanh dày cỏ non
Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng thêm buồn lòng ai.
Kim Thánh Thán đời Minh khen là “quán tuyệt kim cổ”.
Lý Thái Bạch lên chơi Hoàng Hạc Lâu, xúc cảnh muốn đề thơ, chợt thấy thơ Thôi Hiệu trên vách, liền quăng bút than:
Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc
Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu.
Nghĩa là:               
Trước mắt cảnh bày không tả được
Vần thơ Thôi Hiệu ở ngay đầu.
Nhưng rồi không nhịn thua, Lý sang Phượng Hoàng Đài chơi đề ở đó một luật:
Phượng Hoàng đài thượng phương hoàng du
Phượng khứ đài không giang tự lưu
Ngô cung ba thảo mai u kính
Tấn đại y quan thành cổ khâu
Tam Sơn bán lạc thanh thiên ngoại
Nhị Thủy trung phân Bạch Lộ Châu
Tổng vị phù vân năng tế nhật
Trường An bất kiến sử nhân sầu
Tạm dịch:
Đài Phượng Hoàng xưa chim phượng đậu
Phượng đi đài vắng nước xuôi dòng
Hoa cỏ cung Ngô vùi nẻo quạnh
Xiêm đai triều Tấn lấp gò không
Chia đôi Cò Trắng sông quanh quất
Dựa mép trời xanh núi chập chồng
Ngẫm lại mây thường che ánh nắng
Trường An chẳng thấy xót xa lòng.
Bài Hoàng Hạc Lâu phá cả niêm lẫn luật. Bài Phượng Hoàng đài chỉ phản niêm. Về mặt văn chương thì bài của Thôi Hiệu cổ kính, bài của Lý Bạch trang nhã. Về mặt nội dung thì bài họ Lý ý thâm mà tình thiển, bài họ Thôi tứ bát ngát, vị đắng đót mà ngọt ngào, càng chíp chắp càng thấm sâu vào phế phủ. Từ đời Đường trở về sau, thơ về loại “đăng cao hoài cổ” không bài nào so ngang bài của Thôi. Cho nên lời phê bình của Thánh Thán xưa nay đều công nhận là đích đáng.

Không tuân thủ triệt để niêm luật của thơ, mà tác phẩm không bị “ đám trung thần của thi luật” loại bỏ, còn nhiều danh thủ như TỪ AN TRINH. Từ có bài VĂN LÂN GIA LÝ TRANH rất được truyền tụng:
Bắc đẩu hoành thiên đa dục lan
Sầu nhân ỷ nguyệt tứ vô đoan
Hốt văn họa các Tần tranh dật
Tri thị lân gia Triệu nữ đàn
Khúc thành hư ức thanh nga liễm
Điệu cấp diêu liên ngọc chỉ hàn
Ngân thược trùng quan thính vị tịch
Bất như miên khứ mộng trung khang
Tạm dịch:
Chuôi đầu quay ngang trời muốn sáng
Lòng sầu tựa nguyệt tứ man man
Bỗng nghe bên xóm Tần tranh dạo
Đoán biết lầu hoa Triệu nữ đàn
Khúc thành chạnh tưởng mày nga nhíu
Điệu gấp thêm thương ngón ngọc hàn
Cửa khóa mấy lần chưa lúc mở
Ngủ đi nhờ mộng thấy dung nhan.

Trong Phượng Hoàng đài, câu 3 không niêm với câu 2, câu 4 không niêm với câu 5. Trong bài Văn Lân Gia Lý Tranh, câu cuối của tiền giải, tức là câu 4 của toàn thiên, không niêm với câu đầu của hậu giải, tức là câu 5 của toàn thiên.
Một bài thơ phóng niêm hay thất niêm là một cây cầu bị sút mất một đôi tấm ván bắc ngang. Đọc thơ chúng ta có thể cảm giác đi qua cầu, đương đi nhanh chợt phải dừng lại hoặc chậm lại để bước qua những chỗ thiếu ván.
Nhưng bài thơ thượng dẫn, mạch văn không bị gián đoạn vì niêm đứt. Đó là nhờ ý tiếp kéo, khí chuyển kéo, tức là nhờ thi tài của tác giả cao, bút lực của tác giả mạnh; chớ nếu không có tơ lòng giữ gìn, thì ngó ý một khi đã rời, tình duyên nhất định bị đoạn tuyệt. Cho nên đối với niêm luật, việc thủ xả phải có chừng mực chớ không nên buông lung. Câu chuyện Đông Thi luôn luôn là một gương sáng.
Nói thế không phải là ý khuyên Triệu Dương cùng các em một cách gián tiếp rằng một khi đã chọn thể đường luật làm thể chính trong việc sáng tác thì phải tuân thủ nghiêm chỉnh những quy tắc đặt ra, như vậy mới mong có thơ hay. Đừng nghĩ vậy mà oan, bởi thơ hay đâu phải ở niêm luật mà chính là ở tình ý, ở cảnh sự.

Nghĩ như TỐNG CHI VẤN, một trong những thi nhân có công lớn trong việc chỉnh đốn thi luật, mà nhiều khi cũng không theo hẳn những quy tắc mình đặt ra để theo. Tống có một bài thơ phóng niêm được vua ban khen và làng thơ tán thưởng, đó là bài: TAM DƯƠNG CUNG THẠCH TÔN THỊ YẾN.
Ly cung bí viện thắng doanh châu
Biệt hữu tiên nhân động hác u.
Nham biên thụ sắc hàm phong lãnh
Thạch thượng tuyền thanh đới vũ thu
Điễu hướng ca diên lai độ khúc
Vân y trướng điện kết vi lâu
Vi thần tích thiểm Phương Minh ngự
Kim nhật hoàn bồi bát tuấn du.

Bài này là một bài ứng chế. Nguyên ngày 30 tháng Giêng năm Thần Long nguyên niên (705) vua Đường Trung Tôn cùng 120 văn thần đi chơi Ly Cung ở ao Côn Minh, lúc thị yến ở cung Tam Dương bên suối Thạch Tôn, vua tự ra đề: Tam Dương cung Thạch Tôn thị yến đắc U tự. Nghĩa là hầu yến ở Tam Dương bên suối Thạch Tôn lấy vần U.
Truyền chỉ các quan theo hầu, mỗi người phải làm một bài luật thi. Bài hay nhất sẽ có ân thưởng và được lưu vào khúc Tân phiên ngự chế. Các quan phụng mệnh làm thơ dâng lên. Nhà vua cùng quan Trung Thư ngồi trên thủy tọa bên ao Côn Minh. Trăm quan hợp ở dưới chờ lệnh. Hồi lâu trên lầu nổi trống, rồi những tờ thơ bay xuống, phơi phới như muôn nghìn cánh hoa rơi. Trăm quan nhặt xem, nhận thấy thơ mình đã bị loại duy chỉ có thơ Tống Chi Vấn và Thẩm Thuyên Kỳ (một tay kiệt xuất trong số người có công điển chế luật thơ), trúng tuyển. Được một lúc nữa lại thấy một tờ thơ bay xuống. Mọi người tranh nhau xem, thì ra thơ của Thẩm Thuyên Kỳ cũng bị loại nốt. Đoạn quan Trung Thư ra đứng ngoài lan can tuyên dụ rằng trong 120 bài ứng chế, chỉ có 2 bài của Tống và Thẩm trúng tuyển. Nhưng bài của Thẩm thì khí kém còn thơ của Tống thì tình nhiều, ý hay, lời đẹp, nên lấy đậu thứ nhất. Rồi bài thơ được xướng lên. Thẩm Thuyên Kỳ và trăm quan đều phục là thủ xả công minh.
Bài thơ quả thật tinh luyện và hàm súc. Tuyệt diệu là câu tam tứ.
Nham biên thụ sắc hàm phong lãnh
Thạch thượng tuyền thanh đới vũ thu
‘Sắc cây nơi sườn non ngậm khí lạnh của gió; tiếng suối reo trên đá đeo mùa thu trong mưa’. Ý tứ thật là tân kỳ! Thâm viễn! Và lời thơ tuy trác luyện nhưng không tìm thấy chút ngấn vết dụng công.
Thơ thế mới thật là thơ.
Tôi xin phỏng dịch:
Ly cung cảnh sánh non Bồng
Thanh u thêm động bên dòng Thạch Tôn
Màu cây trải lục sườn non
Ngậm hơi lạnh thoáng theo luồng gió đưa
Suối tràn lên đá phun mưa
Tiếng reo đeo nhẹ tiếng mùa thu reo
Tuyệt hoa ca múa dập dìu
Chim ngàn lựa khúc tiêu thiều hiến dâng
Thềm son năm sắc mây vần
Bóng chen trướng gấm kết tầng lầu hương
Thẹn lòng nhớ thuở điện Phương
Ơn rầy lại được theo đường ngự du.

Về thơ phóng niêm, Tiên Điền NGUYỄN DU cũng có một bài tuyệt xướng, bài ĐỌC TIỂU THANH KÝ:
Tây Hồ hoa uyển tổng thành khư
Đọc điếu song tiền nhất chỉ thư
Chi phấn hữu thần liên tử hậu
Văn chương vô mệnh lụy phần dư
Cổ kim hận sự thiên nan vấn
Phong vận kỳ oan ngã tự cư.
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như
Tạm dịch:
Hồ Tây hoa kiểng giải gò hoang
Cửa hé trang thơ chạnh điếu nàng
Hận luống vương thêm hồn phấn đại
Tro chưa tàn hết nghiệp văn chương
Thanh thương khói hỏa oan chồng chất
Phong nhã đành chung nợ vấn vương.
Ba trăm năm nữa ai trên thế
Biết Tố Như mà nhỏ giọt thương?

Vì câu 7 không niêm với câu 6 theo quy luật, nên câu kết thường bị tách rời khỏi bài thơ để ‘làm lời than của tác giả trước khi mất’. Lại có người ngờ rằng câu ‘bất tri tam bách …’ không phải là câu kết của bài Độc Tiểu Thanh Ký, vì bảo rằng không lẽ nào một thi hào lại làm thơ thất niêm, thành ra không được toàn bích. Đó đều do lòng cố chấp quy tắc mà ra. Tôi nhận thấy sự phá niêm trong bài không phải vì theo cảm hứng, mà chính tác giả dụng ý tách đôi bằng một kẻ hở, nỗi lòng mình đối với người và nỗi lòng mình đối với mình. Đọc đến câu 6, chúng ta phải dừng lại, và nỗi buồn thương cho người trước đổi sang niềm đau xót cho thân sau, khi chúng ta bước qua câu 7,8.
Có đúng chăng, chẳng biết. Nhưng đọc là sáng tạo (lire c’est créer). Rất mong Triêu Dương và các em cố gắng khai thác và bồi dưỡng những ý kiến của tôi, rồi tự tìm lấy những cái hay cái đẹp còn tiềm ẩn trong những áng văn thơ bất hủ./.





12.  ĐỐI TRONG THƠ LUẬT

Nha Trang, tiết Xuân Phân năm Đinh Tỵ (21-3-77)

TRIÊU DƯƠNG,
Đem phép đối ngẫu vào thơ, cổ nhân muốn làm cho:
-      Lời thơ thêm nghiêm chỉnh,
-      Nhạc thơ thêm điều hòa
-      Ý thơ thêm thâm mật
Đối ngẫu có nhiều cách:
-      Chỉnh đối thì tự loại nào đối tự loại nấy, tức là thực tự đối thực tự, hư tự đối hư tự, đơn thanh đối đơn thanh, điệp thanh đối điệp thanh, hiệp thanh đối hiệp thanh… chữ, nghĩa đối sít sao nhau.
-      Ảnh đối hay bạch đối là đối tiếng chớ không cần nghĩa:
Hai mái trống tung đành chịu dột
Tám giờ chuông đánh phải nằm co
                                                                                (Trần Kế Xương)
Non nước lỡ làng màu lịch sự
Gió trăng chờn chợ mối nhân duyên
                                                                               (Phan Sào Nam)
Chuông là quả chuông (danh tự: thực tự) mà đối với trống là trống rỗng, trống trơn (tĩnh tự: hư tự); lỡ làng (hư tự) đối với chờn chợ (hư tự), mượn tiếng làng là làng xóm đối với tiếng chợ là chợ búa. Như thế chẳng những không cần đến nghĩa loại mà cũng không cần đến tự loại nữa, miễn sao tiếng đối xứng nhau là được.
-      Điệu đối: cách này không cần chữ đối chữ như hai cách trên, mà chỉ chú trọng đến sự cân xứng từng nhịp điệu giữa hai vế đối nhau:
Rừng lại suối rồi khe lại suối,
Đây là đâu ngựa đó là đâu
                                                                                    (Hư Chu)
Kinh Phật chữ không là sắc
Kệ người ai tiến với ai lui
                                                                             (Vũ Hoàng Chương)
Trong câu của Hư Chu, nếu tách riêng từng chữ thì “đây đâu đó đâu” không thể đối với “ rừng suối khe suối” được, nhưng cú điệu thật cân bằng từng nhịp một. Còn câu của Vũ Hoàng Chương, thì ngoài chữ Kệ ảnh đối với chữ Kinh, chữ người chỉnh đối với chữ Phật, tác giả đã dùng phép tiểu đối ở mỗi vế, rồi đem đoạn tiểu đối ấy điệu đối cùng nhau. Chữ sắc đối với chữ không, ai lui đối với ai tiến là tiểu đối; ai tiến với ai lui đối với chữ không là chữ sắc là điệu đối.
Cách đối này gọi là tựu cú đối.
Đối dù nghiêm chỉnh dù phóng túng, những chữ đối nhau, những đoạn đối nhau, đều đi song song với nhau. Có một cách đối ra ngoài lệ thường: những chữ sau lại đối với những chữ trước của vế trước hoặc những chữ sau của câu trước đối với những chữ trước của câu sau:
Tâm sự không người chung sưởi ấm
Sống còn nhờ bút có văn chương
                                                                                     (Phùng Anh)
Chờ trăng ba biểu đem tin hạc
Ngăn giọt tùng rơi lệ đỗ quyên
                                                                                    (Bằng Phong)
“Tâm sự không người” mà đối lại là “văn chương có bút”, “chờ trăng ba biểu” mà đối lại là “rơi lệ đỗ quyên”, thì thật là khéo. Đó là chữ sau vế sau đối với chữ trước vế trước. Còn chữ sau vế trước đối với chữ trước vế sau thì như:
Duyên xưa âu đã không tròn được
Còn nhắc làm chi hẹn kiếp sau
                                                                                   (Hiểu Lam)
Giật mình trở gối hương còn thoảng
Người mộng đà xa gọi khó lui
‘Đã không tròn được’ đối với ‘ còn nhắc làm chi’, ‘gối hương còn thoảng’ đối với ‘người mộng đà xa’ kể cũng thật chỉnh.
Những cách đối ấy gọi là GIAO CỔ ĐỐI, Hay Giao Cảnh Đối, nghĩa là ‘đối tréo vế ‘ hay đối giao cổ như hai con chim nằm giao cổ lại với nhau mà ngủ.
Những cách đối trên đây còn chú trọng hình thức bên ngoài hoặc nhiều hoặc ít. Cổ nhân nhiều khi chỉ đối nghĩa chớ không đối chữ, không đối chữ nhưng câu vẫn cân xứng thăng bằng:
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tải không du du
                                                                                    (Thôi Hiệu)
Bạn già lớp trước nay còn mấy
Chuyện cũ mười phần chính chẳng như
                                                                               (Nguyễn Khuyến)
Từ “Bạch vân” đối với “ hoàng hạc”, chuyện cũ đối với bạn già, các chữ khác không đối nhau. Đến cả chữ thiên tải cũng không đối được với chữ nhất khứ vì tải và khứ đều là tiếng trắc, mà phép đối ngẫu buộc phải trắc đối bằng, bằng đối trắc; cách đối nào cũng phải theo nguyên tắc đó.
Cách đối nghĩa này gọi là BẤT ĐỐI CHI ĐỐI, tức không đối mà đối. Không đối mà hai vế vẫn cân bằng với nhau.
Hai vế vẫn cân bằng với nhau, vì nghĩa trong hai vế rất cân xứng với nhau.
‘Không đối mà cân đối’ khó gấp máy lần ‘nhờ đối mà cân đối’. Nhưng khách làm thơ Đường luật thường chỉ chú trọng cách chỉnh đối và ảnh đối, và lại khư khư việc chữ đối chữ, đối thật sít sao mới cho là hay. Để nhạo những kẻ hẹp hòi, cồ chấp, có người đã đặt ra câu:
Chùa non nước, non non nước nước, nhất vui thay là phố Vân Sàng;
Núi già cơm, già già cơm cơm, tam buồn nhẽ ấy phường Vũ mẹt.

Lại có chuyện rằng:
Một thầy tú nghèo, đi lỡ đường vào nghĩ trong một quán cơm. Sáng ra không có tiền trả tiền ăn và tiền ngủ. Còn đương lúng túng thì bà quán nói:
-      Tôi ra cho thầy một câu đối, nếu đối hay thì khỏi trả tiền chi hết.
"Sớm mai gà gáy ó o, thầy tú thức dậy mà lo tiền hàng".
Thầy tú bảo:
-      Để tôi đối từng đoạn, từng chữ, cho bà dễ nhận hay dở nhé.
Bà quán gật đầu. Thầy tú đối:
- ‘Sớm mai gà gáy ó o’, tôi đối là ‘Chiều tối heo kêu ụt ịt’. Được không?
-      Được.
-      ‘Thầy tú thức dậy’, tôi đối ‘bà quán nằm xuống’. Được không?
Bà quán đáp:
-      Hay!
Rồi trầm ngâm:
-      ‘Thầy tú thức dậy’mà đối ‘bà quán nằm xuống’thì thú vị quá! Đáng đậu tú tài. Nếu nới tay môt chút thì cho lên cử nhân cũng được.
Đương lúc bà quán mơ màng ‘Thầy tú thức dậy’, ‘bà quán nằm xuống’ mà mỉm cười thích thú, thì thầy tú đối tiếp và hỏi tiếp:
-      ‘Mà lo’, tôi đối ‘mà mắng’, ‘tiền’, tôi đối ‘gạo’, ‘hàng’, tôi đối ‘lụa’. Được không?
Sướng miệng vì thích tình, bà quán luôn luôn đáp ‘Được’. Thầy tú liền nói:
-      Như thế là tôi trả nợ xong rồi.
Đoạn vội vàng xách túi đi một mạch.
Bà quán đương sống với câu đối, không để ý đến thầy tú, lẩm bẩm đọc:
-      Sớm mai gà gáy ó o, thầy tú thức dậy mà lo tiền hàng;
‘Chiều tối heo kêu ụt ịt’, bà quán nằm xuống…
    Ngồi tựa lưng vào ghế, lim dim đôi mắt:
-      Đối sít từng chữ, lại hợp cảnh hợp tình! Có tài thật!
Rồi đọc tiếp:
-      Mà lắng gạo lụa.
Và phê bình:
-      ‘Lo’ đối ‘lắng’, ‘Tiền’ đối ‘gạo’, ‘hàng’ đối ‘lụa’. Đối cũng thật sít sao. Vào trường thi mà đối được như thế, quan trường có khó khăn đến đâu cũng không đánh hỏng được.
Nhưng rồi lại nghĩ:
-      Chữ thì đối rất chỉnh. Nhưng ‘lắng gạo lụa’ là nghĩa làm sao?
Vùng đập tay xuống bàn thét:
-      Thầy gạt tôi! Thầy tú ơi là thầy tú! Đối ơi là đối!
Còn nhiều chuyện khác châm biếm những kẻ quá trọng phép đối ngẫu.
Xem thế, chúng ta đủ thấy rằng cổ nhân quí cân đối thăng bằng của nghĩa hơn của chữ của câu.

Và trong một bài thơ Đường luật những câu nào cần phải đối?
Một bài Đường luật gồm có 4 cặp. Ban đầu, thi nhân không đặt tên, chỉ gọi là cặp nhất nhị, cặp tam tứ, ngũ lục, thất bát.sau gọi cặp nhất nhị là ‘Khởi liên’ hay ‘Phát đoan’, ‘Phát cú’; cặp tam tứ là ‘Hạm liên’; cặp ngũ lục là ‘cảnh liên’, cặp thất bát là ‘Lạc cú’ hay ‘khiết cú’. Khi luật thơ đã đem vào việc thi cử thì câu thất nhị gọi là ‘Đề’, tam tứ gọi ‘trang’ hay ‘thực’, ngũ lục gọi ‘luận’ hay ‘bồi’, thất bát gọi ‘khiết’.
Trong một bài Đường luật chính thể thì chỉ câu 3 câu 4 đối nhau, và câu 5 câu 6 đối nhau mà thôi.
Nhưng nhiều khi cả 3 cặp đối nhau: hoặc đề, trạng, luận. Hoặc trạng, luận, kết. Cũng có khi cả 4 cặp đều đối. Lại có khi chỉ cặp trạng hay cặp luận. Mà đôi khi cả bài không có đối, miễn giữ cho khỏi thất niêm là được. Đó là ngoại lệ, và những bài ngoại lệ đó đều gọi là luật thi.

Về thi pháp, sách Thi Pháp Nhập Môn của Mân Đàm Du, sách Cổ Thi lược luận của Lương Xuân Phương…là những sách rất phổ biến ở V.N. có nói rõ.  Ơ đây tôi chỉ nhắc lại đôi nét đại cương thôi, vì mục đích viết thư thơ cho Triêu Dương và các em là để cùng nhau thưởng thức những thơ hay và những chuyện có lý thú liên hệ đến thơ.
Để cho bớt lạt lẽo, khô khan về lý thuyết, tôi xin trích ra đây một ít câu đối ngẫu hay cả chữ lẫn nghĩa:
Vàng thếp giếng ngô sa lá gió
Bạc xuy dạu cúc nảy chồi sương.
                                                            (Tương An Quận Vương)
Sông e biển cạn bù thêm nước
Non sợ trời nghiêng đỡ lấy mây
                                                            (Tùng Thiện Vương)
Ngọn nước chảy suôi trời lật ngửa
Mảnh gương úp sắp đất năm nghiêng.
                                                                (Tuy Lý Vương)
Man nác cảnh đâu ngoài vạn dặm
Bâng khuâng chuyện những mấy trăm năm
                                                  (Nghe Êch Kêu – Ôn Như Hầu)
Nắm sương dưới váng chau mày khóc
Hòn máu trên tay mỉm miệng cười
                                                                 (Hồ Xuân Hương)
Chữ hiếu ít nhiều trời đất biết
Gánh tình nặng nhẹ chị em chung
                                                                           (Tôn Thọ Tường)
Thà không trời đất không chi cả
Còn có non sông có lẽ nào
                                                                           (Phan Sào Nam)
Cổ nhân chia thơ ra làm ba bang bằng vào cách đặc câu, gọi là ‘tam bang cú’ là: Tự nhiên cú, Dung dị cú, Khổ cầu cú.
Những câu thơ thượng dẫn gồm đủ ba bang. Thơ của Tương An, Tùng Thiện, Tuy Lý thuộc về khổ cầu cú. Thơ của Ôn Như Hầu, Hồ Xuân Hương thuộc về dung dị cú. Thơ của Tôn Thọ Tường, Phan Sào Nam thuộc về tự nhiên cú. Những câu tự nhiên, những câu dung dị cũng như những câu khổ cầu, đều đối chọi nhau từng chữ từng nghĩa, nhưng không mảy may gượng ép. Đó là nhờ thiên bẩm mà cũng nhờ có nhân công.
Có người cạn nghĩ tưởng rằng chỉ có khổ thơ cầu mới nhờ đến nhân xảo còn thơ dung dị, thơ tự nhiên là sản phẩm của thiên tài. Có biết đâu, thơ Mạnh Hạo Nhiên, thơ Vương Duy, bài nào cũng tự nhiên, cũng dung dị, thế mà tác giả vì cấu tứ, vì tu từ, kẻ thì bứt hết lông mày, người thì bước lầm vào vò dấm. Còn Lý Thái Bạch, một chén rượu thơ nghìn câu, mà không biết bao nhiêu câu thêu hoa dệt gấm.

Vấn đề nầy có dịp sẽ bàn nhiều, bây giờ xin chép cho Triêu Dương và các em xem một ít biệt lệ mà vẫn được coi là luật thi:
Sông núi vẫn chung vùng đất Việt
Gió mưa sao cứ dãy non tùng
Sáng soi đâu cũng sang đầu hạ
Ẩm ướt đây dường giữa tiết đông
Buội rậm chán nghe bầy ếch dậy
Ao sâu không thấy sen lồng
Những mong trục đất quay cho chóng
Xuân tới ngấn cây trải gấm bông.
                                                                        (Vịnh Mùa Hạ Dalat T.X)
Vừa bước vào đề đã đối nhau, phá thừa trông chẳng khác hai ngọn núi đứng song song trước dãy núi chạy tiếp. Cách này, do đó, gọi là SONG PHONG.
Nhưng nếu câu 1 câu 2 đối nhau mà 3, 4 không đối, thì lại gọi là DU XUÂN, tỷ như hoa mai ăn trôn sắc xuân mà nở trước trăm hoa. Còn hai câu 7,8 đối nhau như bài Đề Nghĩa Lữ thứ I của Phạm Thái (1) thì gọi là SONG VỸ.
Chỉ đối ngẫu ở cặp luận, như: NGẬM LÒNG
Ba năm trời xa xôi
Phong trần cam lắm nổi
Gặp nhau đành thương nhau
Nhìn nhau không nỡ hỏi
Nước lặng dòng mây trôi
Tre nghiêng bờ gió thổi
Rồi ngàn dâu ngàn dương
Ngập ngừng chuông điểm tối.
                                                                                 (Đăng Đạo)
Cách này gọi là PHONG YÊU.
Toàn bài không một cặp nào đối nhau, gọi là PHÓNG NHIỆM CÁCH hay LƯU THUỶ CÁCH, như bài của Vũ Hân: NGHẸN BƯỚC
Nắng rụng gầy sương đường lỡ thì
Thương người khăn gói nghẹn chân đi
Quán nghiêng nửa mái chờ giông tố
Ngỏ hẹp mây đùn sập nét mi
Quỷ dựng đằng sau muôn lớp ải
Lòng nghe nai gặm cỏ biên thuỳ
Xoa tay nhớ lại mùa xuân trước
Phấn bướm còn vương nhịp trúc ty
Tất cả những bài thơ mà phép đối ngẫu ở ngoài cặp Trạng, Luận, mà không bị lỗi niêm đều là LUẬT THI, người xưa gọi là ‘Luật thi bất câu đối’ nghĩa là Thơ Luật không câu nệ phép đối ngẫm. Còn nếu thất niêm thì là HUYỄN THỂ (cũng đọc là ảo thể) chớ không phải LUẬT THỂ (Luật thi).
Còn những bài thơ không có đối lại thất niêm thì thuộc về CỔ PHONG (Cổ thể).

Một số người ghét cay ghét đắng việc đối chọi, thường buông những lời mạt sát quá đáng. Nhưng nếu họ biết rõ phép tắc đôi như sao, cách sử dụng phép đối ngẫu như sao, thì chắc thái độ đã kích sẽ bớt phần khóc liệt. Còn đối với Triều Dương và các em, tôi không bao giờ có ý khuyên nên tập đối ngẫu, tập làm thơ có đối ngẫu. Tối viết những đều những điểm trên đây, chỉ để giúp ích về phương diện học vấn mà thôi. Tuy vậy nếu biết khai thác nếu biết sử dụng thì tưởng cũng có lợi cho việc sáng tác lắm lắm, bởi ngôn ngữ Việt Nam vốn mang sẵn đối ngấu tính từ nghìn xưa. Những phương ngôn tục ngữ là những bằng chứng hùng hồn.
_____________________________
(1) Xem thơ trích dẫn trong bài số 9.