Những bức thư thơ 13.Thơ các triều đại Trung Hoa - 14.Tùy Viên Thi Thoại


13. THƠ CÁC TRIỀU ĐẠI TRUNG HOA

Nha Trang, Thượng tuần tháng Hai năm Đinh Tỵ  (1977)

Thanh Quang,
Nói đến luật thi thì thơ Đường được đề cập đến nhiều nhất.
Đó là do Thi lục xuất phát từ đời Đường. Thơ Đường đã nhiều, lại nhiều bài hay, hay nhiều vẻ.
Người xưa có câu: ‘Đường thi, Tấn tự, Hán văn chương, nhân gian tuyệt phẩm’. Nghĩa là 'Thơ đời Đường, chữ đời Tấn, văn đời Hán, đó là ba nghệ phẩm tuyệt diệu trên thế gian’.
Đại khái là thế. Chớ đi sâu vào chi tiết thì từ Đường đến Thanh, mỗi đời có mỗi tánh chất, mỗi sắc thái, mỗi ý thú… riêng. Và trong mỗi đời, mỗi thi nhân có mỗi đặc điểm riêng. Những cái riêng biệt ấy không thể nào đem so sánh hơn thua.
Chúng ta không phải là những nhà nghiên cứu, mà chỉ là những người đi tìm cái hay, cái đẹp trong thơ để thưởng thức. Thơ là hoa mà chúng ta là bướm. Nếu có thể bước thêm một bước nữa, thì làm con ong để gầy chút mật cho con cháu, sau khi nếm được vị ngọt hương thơm của hoa mà chúng ta gặp được nơi vườn, nơi đồng, nơi rừng núi…
Tôi cũng muốn nói đại lược cho Thanh Quang cùng các em yêu thơ biết chỗ đặc sắc trong thơ của mỗi thời đại, hầu giúp gậy để các em chống đi trên đường thơ thăm thẳm và gập ghềnh. Nhưng 'trói voi bỏ rọ', tôi đã hao nhiều công sức, đã tốn nhiều thì giờ, mà rốt cuộc rọ bị hư, voi vẫn hai chân trước đi trước hai chân sau đi sau… tôi chợt nhớ đến lời người xưa tả nhan sắc của Tứ Đại Giai Nhân:
Tây Thi: nghiêng nước nghiêng thành
Chiêu Quân: Nhạn sa cá lặn
Điêu Thuyền: sắc nước hương trời
Lục Châu: hoa nhường nguyệt thẹn
Và lời của Tố Như tiên sinh tả nhan sắc của Thuý Vân, Thuý Kiều:
Hoa cười ngọc nói đoan trang
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da.
Làn thu thuỷ nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh.
Đố nhà hoạ sĩ đại tài nào có thể theo đó mà đưa những nét đặc sắc của mỗi giai nhân.
Âu đành nhường công việc phân tách, so sánh… cho các nhà phê bình, các nhà nghiên cứu văn học. Chúng ta hãy cùng nhau làm ong làm bướm dạo vườn hoa…
Mỗi thời đại, chúng ta thưởng thức một vài đoá. Gặp đâu hay đó, chúng ta không chọn lựa màu sắc hương vị, không phân biệt hoa của ngươi có đại danh hay không có danh. Bởi thơ là hoa, mà:
Hoa nào hoa lại không hương sắc
Một cánh hoa tươi một điểm tình.
Đây, một bài thơ Đường: ĐĂNG LẠC DU NGUYÊN
Hướng vãn ý bất thích
Khu xa đăng cổ nguyên
Tịch dương vô hạn hảo
Chỉ thị cận hoàng hôn.
Đó là tác phẩm của LÝ THƯƠNG ẨN, một thi hào nổi tiếng về những bài ‘vô đề’ diễm lệ, tổ lối thơ ‘Hương liêm’ tức là lối thơ tình thơm thắm (Hương liêm là Hộp thơm của giai nhân dùng đựng phấn sáp). Phái thơ của ông, đời sau gọi là phái CHI PHẤN. Bài thơ thượng dẫn không thuộc lối hương liêm. Đó là nổi buồn trước cảnh già là buổi chiều của cuộc đời sắp tắt: LÊN CAO NGUYÊN LẠC DU
Trời hôm ý chẵn thích
Dong xe lên cổ ngươn
Tịch dương cảnh đẹp vô ngần
Riêng thương tấc bóng đã gần hoàng hôn
Một tiếng thở dài nhỏ như tơ mà dài bất tận.
Gò Lạc Du là nơi có nhiều mồ mả. Nhìn cảnh chiều, nhìn mồ mả, mà nghĩ đến khoảnh thời gian ngắn ngủi còn dành lại cho tuổi già, thì lòng ai khỏi bồi hồi ảo não. Người thường còn thế huống là thi nhân là kẻ nhiều cảm nhiều sầu.
Đứng trước cảnh chiều, trong nơi trước có người ở, bây giờ bỏ hoang, người đời Tống có thơ:
Tiểu đào vô chủ tự khai hoa
Yên thảo mang mang đới vãn hà
Kỹ xứ bại biên vi cố tỉnh
Hướng lai nhất nhất thị nhân gian
Tạm dịch:                       
Khóm đào không chủ vẫn đơm bông
Khói cỏ đìu hiu quyện rán hồng
Dậu để đòi nơi bao giếng cạn
Xưa kia xúm xít cửa nhà đông.
Nỗi buồn không sâu sắc cũng không bao la.
Tôi liên tưởng đến bài SƠN PHÒNG XUÂN SỰ của Sầm Tham đời đường:
Lương viên nhật mộ loạn phi nha
Cực mục tiêu điều tam lưỡng gia
Đình thụ bất tri nhân khứ tận
Xuân lai hoàn phát cựu thời hoa.
Tạm dịch:                       
Ngày tối vườn Lương quạ rộn ràng
Đìu hiu năm bảy nóc nhà hoang
Cây sân chẵng biết người đi hết
Xuân đến cành xưa vẫn nở hương.
Sức truyền cảm mạnh hơn bài trước. Bài thơ Tống đi từ hoa đến người, bài thơ Đường đi từ người đến hoa. Tống sau Đường. Ngờ rằng người sau chịu ảnh hưởng người trước, nhưng tình trong lòng cũng như cảnh trước mắt đều khác nhau, nên mỗi bên có mỗi ý thú riêng.
Nhưng hoa trong cả hai bài đều vô tình đối với người.
Có phải thảo mộc vốn vô tình chăng?
Chưa chắc.
Sách Sơn Phòng Tuỳ Bút chép rằng:
Cây hoa quỳnh ở Dương Châu là một cây hoa độc nhất ở Trung Quốc. Niên hiệu Đức Hựu đời Tống, năm Ất Hợi có nạn xâm lăng. Quân nhà Kim ở phía Bắc tràn xuống Dương Châu. Hoa quỳnh năm ấy không nở. Một thi sĩ đương thời có bài thơ viếng hoa:
Danh thiện vô song khí sắc hùng
Nhẫn tương nhất tự báo đông phong
Tha niên ngã nhược tu ba sử
Hợp truyện Quỳnh Phi liệt nữ trung
Nghĩa là:
Danh vốn không hai khí sắc hùng
Nỡ đem một chết tạ đông phong
Năm nào ta viết thiên hoa sử
Liệt nữ Quỳnh Phi truyện chép chung.

Đọc xong bốn bài thơ Đường, Tống rồi, Thanh Quang thử dừng lại để lại để kiểm điểm xem cảm tưởng mình như sao. Có phải thơ Đường vị nồng hơn thơ Tống chăng? Nhưng đối với những bạn trí thắng tâm, thì thơ Tống sẽ được ưa thích hơn thơ Đường, vì ý hậu, lời bình, chân tình, biểu lộ rõ rệt.
Đó là nói riêng mấy bài thượng dẫn, chớ không phải nói chung về thơ Tống, Đường. Và những bài thượng dẫn là nhớ mà chép chớ không phải chọn lựa những bài tiêu biểu để minh chứng sự khác biệt của đôi bên. Nhưng ‘vô tình mới thật hữu tình’. Thanh Quang và các em nên lưu ý đến điểm đó.
Bây giờ, chúng ta hãy bước sang vườn thơ nhà Nguyên.
Nhà Nguyên nổi tiếng về Tuồng. Thơ không được xuất sắc, nên truyền bá không được rộng bằng thơ Tống thơ Đường. Ở Việt Nam ta rất ít người thuộc; nhất là từ khi Hán tự không còn được trọng dụng nơi cửa công và nơi trường học, thì dường như không mấy ai còn nhớ rằng nhà Nguyên vẫn có thơ, và nói đến thơ Trung Hoa, người ta chỉ nhắc đến thơ Đường, thơ Tống.
Đây, một bài thơ Nguyên: CÁCH LIÊM MAI
Ngọc đường chỉ xích hữu thần tiên
Thuý bạc lung xuân tín bất truyền
Nhật mộ tương tư vân thụ diếu
Nhất hoằng thu thuỷ nguyệt quyên quyên (1)
Nghĩa là: MAI CÁCH RÈM
Tấc gang nhà ngọc có thần tiên
Màng thuý lồng xuân tin chẳng truyền
Thương nhớ ngày chiều mây thẳm thẳm
Dòng trong sóng lạnh ánh thuyền quyên.
Mượn mai để nói người. Ý không mới lạ, nhưng lời đẹp tình nồng. Rõ là giai tác. Đọc thêm một tuyệt nữa: ỨC MAI
Thiều thiều xuân tím cách Giang Nam
Tịch tịch phương tâm phụ tuế hàn
Thanh điểu bất lai tiên mọng diếu
Nguyệt minh không tự ỷ lan can.
Nghĩa là: NHỚ MAI
Tin xuân vời vợi cách Giang Nam
Quạnh quẽ lòng hương phụ tuế hàn
Vắng bóng chim xanh xa bóng mộng
Lạnh lùng trăng sáng tựa lan can.
Bài này cũng như bài trên, văn chương tú nhã và niềm nhớ thương vừa trong trẻo vừa xa xôi. Giá trị thật không nhỏ.

Thơ như thế, đời Nguyên không hiếm. Song vì bị tuồng lấn át, nên không được đương thời và hậu thế săn sóc nâng niu. Mà ở đời nếu không được săn sóc nâng niu, thì tài hoa khó mà nảy nở, khó mà nẩy nở đến cực điểm.
Thơ đời Minh cũng vậy, cũng bị tuồng rồi đến tiểu thuyết thu hút phần lớn tác giả có tài và độc giả có khả năng thẩm mỹ. Đúng hơn là người đương thời thích xem tuồng xem tiểu thuyết hơn xem thơ, nên khách văn chương phần đông bởi thơ theo tuồng và tiểu thuyết. Nên thơ Minh và Nguyên không phồn thạnh bằng Đường Tống, là do hoàn cảnh chớ không phải nhân tài.
Trong số thơ Minh mà tôi được xem, tôi gặp được nhiều giai cú: SƠN TRUNG BIỆT HỮU
Nhất thượng hương đài khán lạc huy
Sa thôn cô thụ vãn y y
Lão tăng bất xuất thanh sơn tự
Chỉ hữu chung thanh tống khách qui.
Tạm dịch:
Thẳng tới đài hương ngắm bóng chiêu
Cây cối làng cát dàng thiu thiu
Tăng già chẳng tiện xa sơn tự
Tiễn khách hồi chuôngvọng tiếng theo.
Cảnh thanh u, tình cao khiết. Một khí buồn em em lành lạnh thấm lần vào tâm hồn người đọc như hơi sương chiều buổi đầu thu. Vị thơ là vị nước suối trong, người ưa thịch trà thơm rượu ngon không dễ gì nhận thức chân giá trị.
Đó là thơ của CAO KHẢI, một danh bút thời Minh sơ còn truyền được nhiều giai tác.
Thời Minh sơ, phần đông thi nhân đều mô phỏng cổ nhân. Đến cuối đời Minh, phái lãng mạn xuất hiện. Thơ thay đổi cả chất lẫn thái. Một trong số thi nhân dẫn đầu phong trào là ĐƯỜNG DẦN tự là Bá Hổ.
Bá Hổ là một mỹ nam tử, đa tình mà cũng đa tài. Thơ được nhiều nhười ưa thích. Tôi thuộc được hai bài ĐỐ HOA (tức là GHEN VỚI HOA).
Bài thứ nhất:
Phù dung hoa phát mãn giang hồng
Tân đạo phù dung thắng thiếp dung
Kim nhật thiếp tùng ba hạ quá
Như hà nhân bất kháng phù dung.
Tạm dịch:                       
Hoa phù dung nở hồng mặt nước
Người đều khen hoa đẹp hơn em
Bên hoa em thử đi kèm
Cớ chi người lại chẳng thèm nhìn hoa.
Tứ thật mới! Mà niềm ghen cũng thật dễ thương!
Bảo hoa đẹp hơn em, sao em đi bên hoa, ai nấy đều nhìn em chớ không ai nhìn hoa?
Rõ là lời nói lẫy của cô con gái biết mình đẹp và được yêu chìu.
Nhưng ở đây mới hờn, chớ chưa giận.
Hãy đọc tiếp bài thứ hai:
Tạc dạ hải đường sơ trước vũ
Sổ đoá kinh dinh kiều dục ngữ
Giai nhân hiểu khỉ xuất loan phòng
Chiết lai đối cảnh tỷ tân trang
Vấn lang: Hoa hảo nô nhan hảo?
Lang đạo: Bất như hoa yểu điệu.
Giai nhân dương hạ phát kiều sân
Bất tín tử hoa thắng hoặt nhân
Tương hoa nhu toái tịnh lang tiền
Thỉnh lang kim dạ bạn hoa miên.
Tạm dịch:   
Mưa khi đêm thấm đọ hải đường
Đôi đoá hoa nở đầy đặn
Trông đẹp dường muốn nói năng
Giai nhân sáng dậy
Lững thững bước ra cửa loan phòng
Hái hoa đem về đối kính
So sánh cùng nét mới điểm trang
Hoa đẹp hơn, hay em đẹp hơn?
Giai nhân nũng nịu hỏi tình lang
Lang rằng
Nét yểu điệu em đâu bằng hoa được
Giai nhân nghe liền nhíu đôi mày nga
Bụng nghĩ rằng
Hoa chết so với người sống
Lẽ đâu mà lại hơn
Rồi xé vụn hoa
Quang trước mặt
Nửa giận nửa hờn:
Đêm nay chàng hãy ôm hoa mà ngủ
Chớ có lờn vờn lại bên em.
Hờn dễ thương mà giận cũng thật dễ thương. Cho nên tác giả dùng chữ ‘Kiều sân’ vừa đẹp lời vừa đẹp ý.
Cả hai bài đều thanh lệ nhưng đều tự nhiên. Thật đáng tán thưởng.
Nhưng phần đông thi nhân thời Minh lớp thì nệ cổ, lớp thì nặng về lối thơ cử nghiệp, nên sanh ra bệnh hình thức làm cằn cổi nội dung.
Sang đời Thanh, thơ trở lại thời thạnh vượng của Đường, Tống. Thơ có nhiều tánh chất, nhiều sắc thái. Về bên nghệ thuật, thơ Thanh lại còn tinh tế hơn các thời trước. Đó là nhờ thi nhân biết thủ xả những ưu khuyết của tiền nhân, và đúc kết những tinh hoa của nghìn xưa lại thành mật ngọt.
Nổi tiếng nhất thời Thanh là Vương Sỹ Trinh và Viên Mai. Vương thì xướng thuyết 'thần vận’. Viên thì chủ trương ‘tính linh’. Được phần đông hoan nghênh và hưởng ứng là Viên Mai.

VIÊN MAI đối với Vương Sỹ Trinh là hàng hậu bối.
Ông tự là Tử Tài, hiệu là Giảng Trai. Người đời gọi là Tuỳ Viên Tiên sinh. Học rộng, tài cao, văn chương kiệt xuất.
Người đương thời khen:
Cổ kim chỉ thử sổ chi bút
Quái tai quân dĩ thủ trì
Nghĩa là:
Xưa nay bút chỉ mấy cây
Quái thay dồn cả vào tay ông cầm.
Tánh tình lại rất phong lưu phóng khoáng.
Đời phê bình:
Kỳ nhân dữ bút lưỡng phong lưu
Hồng phấn thanh san bạn bạch đầu.
Nghĩa là:
Phong lưu bút cũng như người
Non xanh má phấn không rời tóc sương.

Và Tử Tài có bộ Tuỳ Viên Thi Thoại rất hay. Những người ghiền thơ, Việt Nam cũng như Trung Quốc, đều lấy làm sách ‘gối đầu giường’. Người Việt Nam thuộc được nhiều thơ Thanh, phần lớn nhờ Tuỳ Viên Thi Thoại.
Có dịp chúng ta sẽ nói nhiều về tập thi thoại này, về thơ đời Thanh cùng các đời trước. Bây giờ xin tạm dừng tay, vì thư đã quá dài. Món ăn dù ngon đến đâu cũng chỉ ngon lúc bụng còn thấy đói.
___________________________________________________________________
(1)  Trong tập ‘Nguyên thi tuyển’ chép là ‘Thu Thuỷ’. Tôi thiết tưởng ‘Thanh Thuỷ’ đúng hơn, vì câu 2 có ‘xuân’ thì lẽ đâu câu 4 lại xuống ‘thu’. Huống hồ, thi vịnh mai đời Tống có câu: ‘sở ảnh hoành tà thuỷ thanh thiển’. Tác giả đời Thanh mượn chữ cũ để cho ăn với mai.
(2)  Mấy cây bút đó là ám chỉ các đại danh Đường Tống: Lý, Đỗ, Âu, Tô.
_____________________________________________________________________



14. TÙY VIÊN THI THOẠI

Nha Trang, tiết Thanh Minh năm Đinh Tỵ (1977)

THANH QUANG
Sách Thi Thoại của Trung Hoa rất nhiều, và nhiều tập có giá trị. Nhưng được hoan nghênh nhất là bộ Tuỳ Viên Thi Thoại của Viên Mai.
Bộ sách nầy là một tác phẩm lớn có nhiều đặc điểm, như:
- Lời văn tao nhã đôn hậu,
- Ý kiến sâu sắc và mới mẻ,
- Lời bàn luận xác đáng và công bình
- Thơ trích dẫn đã nhiều, nhiều loại, lại nhiều bài hay, nhiều bài hay mà ít người được biết.
Ở Việt Nam, bộ thi thoại này đã được phổ biến trong làng Thơ Cũ đã trên trăm năm. Thời Pháp thuộc, nhà văn Phan Khôi muốn đem dịch ra Việt văn để giúp ích cho những người yêu thơ cũ mà không biết chữ Hán. Nhưng nhận thấy khó quá, đành gác bút.
Khó, không phải khó ở phần dịch nghĩa, mà khó ở điểm lột cho được ý sang cho được thần của nguyên tác, qua dịch văn nhất là đối với đa số bài thơ câu thơ hàm súc vi diệu.
Cũng có người muốn rút những ý kiến hay, những tài liệu quý, để soạn một bộ thi thoại Việt Nam. Song không có sẵn thơ hay bằng quốc âm để dẫn chứng. Dùng thơ chữ Hán mà không chuyển được cái hay sang chữ việt thì không bổ ích gì cho những người không thể tự rút, không thể nhận thức được thấu triệt những cái hay ở nguyên văn. Cho nên cũng đành bỏ ý định.
Nghĩ người trước đã không làm, mình nay cũng không nên làm. Bởi đã làm thì phải làm cho chu đáo, bằng tự biết không thể làm chu đáo được thì đừng làm còn hơn. Nhưng để thoả mãn phần nào sự đòi hỏi của Thanh Quang cùng các em, tôi xin trích ra đây một ít thơ hay, một ít ý kiến hay, một ít tài liệu quí… mà tôi liệu có thể dịch mà không phản, dịch mà không diệt. Đó cũng là một cách bổ túc cho bức thư thơ kỳ trước chưa nói hết đã phải ngừng.
Trước hết tôi xin thuật lại lời Tuỳ Viên nói về thơ Đường luật:
Thơ Thất luật khởi đầu từ Thạnh Đường, giống như quốc gia mới gầy dựng. Cung thất tuy có, nhưng chẵng qua mới sáng kiến qui mô, thọ lập giá tử. Nơi động phòng, nơi khúc thất…, những cữa võng, câu lơn hãy còn chưa tề bị. Đến đời Trung Đường, Vãn Đường mới thật hoàn bị. Tới đời Tống, đời Nguyên, càng xuất càng kỳ. Thất Tử đời Minh khôpng biết lẽ ấy, muốn kẹp thiên tử để sai chư hầu, khiến cốt trống tuy lập mà những chỗ hay diệu đều bỏ. Nên Hoài Nam Tử bảo: ‘chim anh Vỏ hay nói mà khôgn hay được sở dĩ làm sao mà nói ra câu ấy’ (Anh võ năng ngôn, nhi bất năng đắc kỳ sở dĩ ngôn).
Đó là Tuỳ Viên chỉ trích thi nhân đời Minh hô hào ‘Văn thì phải theo Tần, Hán, thơ thì phải theo thịnh Đường’. Trong số người đề xướng có 7 nhà văn có danh lớp trước, gọi là Tiền Thất Tử. Trong số người hưỡng ứng có 7 nhà văn có danh lớp sau, gọi là Hậu Thất Tử. Ngoài ra còn nào Tiền Ngũ Thử, Tục Ngũ Tử, Mạt Ngũ Tử… những tử ấy chỉ mô phỏng cổ nhân, chế không có sáng kiến gì khác. Tuỳ Viên không chỉ trích thẳng, chỉ đem lời của Hoài nam Tử ra làm mũi tên.
Thi nhân đời Minh chủ trương phục cổ, song nhóm này theo Thịnh Đường, nhóm khác theo sơ đường, công kích lẫn nhau không ngớt. Rồi đến phong trào lãng mạn nổi dậy rầm rộ, và kéo hàng chục triệu người theo. Nhưng cũng như phái phục cổ quá nô lệ cổ nhân, phái lãng mạn quá độ không có được nhiều thành tích lớn đẹp.
Tuỳ Viên không thích thơ đời Minh. Trong tập Thi Thoại, thỉnh thoảng tôi gặp những lời chỉ nghị, nhưng không thấy có thơ trích dẫn. Còn thơ các đời khác từ Đường đến Nguyên, Thanh, đều được đưa ra giới thiệu với những lời khen hay chê rất tao nhã, tinh thâm:
“Thi có chỗ nhận giả làm chân, mà diệu. Như người nhà Đường, trong bài TÚC HOẠ SƠN có câu:
Nguy lan uỷ biến đô vô muội
Du khủng tinh hà truỵ nhập lâu (1)
Như người đời Tống, vịnh MAI BA TRƯỚNG, có câu:
Hồ đồng tế tảo tiêu tương đạm
Do khủng tàn hoa lạc chẩm bàng (2)
“Còn có chỗ nhận chân làm giả, mà diệu. Như người đời Tống vịnh Tuyết Trung Quan kỵ:
Cáp tợ xuân phong tam nguyệt bán
Dương ba phi xứ mẫu đơn khai (3)
Như người đời Nguyên vịnh Mỹ Nhân Sơ Đầu:
Hồng tuyết hốt sanh trì thượng ảnh
Ô vân bán quyển cảnh trung thiên (4)
“Thơ phú quí mà tuyệt diệu, như thơ đời Đường:
Du đắc vi ngâm tà ỷ trụ
Mãn y ba lộ thính cung oanh
Như thơ đời Tống:
Nhất viện hữu hoa xuân trú vĩnh
Bát hoang vô sự chiếu thơ hy (5)
Chúc hoa tiệm ám nhân sơ thụy
Kim áp vô yên khước hữu hương (6)
Nhân tán thu tiên nhàn quải nguyệt
Lộ linh hồ điệp lãnh miên hoa (7)
Như thơ đời Nguyên:
Cung nga bất thức trung thư lệnh
Vấn thị thuỳ gia mỹ thiếu niên (8)
Trụ trung lung đắc triều thiên bút
Trú nhật qui lai hựu hoạ my (9)
Bổn triều (tức triều Thanh) Thương Bửu Y có câu:
Liêm ngoại nồng vân thiên tợ mặc
Cửu hoa đăng hạ bất tri hàn
  Na năng cách ký xuân minh mộng (10)
Áp tẫn nồng hương thị yến qui (11)
Than Nha Tây thiếu tể có câu:
Lâu đài oanh điệp xuân huyên tảo
Ca vũ giang san nguyệt trụy trì (12)
Tư khấu Trương Đắc Thiên có câu:
Nguyện đắc hồng la thiên vạn thất
Mãn thiên tháp địa tú oang ương (13)
Những câu ấy đều là những tuyệt cú. Ai bảo rằng ‘lời nói vui vẻ khó hay’? (hoan ngu chi ngôn nan công gia?).”
Tôi trích một đôi đoạn ngắn để Thanh Quang cùng các em nếm qua cho biết ý vị của Tuỳ Viên Thi Thoại.

Trên đây tôi nói rằng tôi trích một ít thơ… mà tôi liệu có thể dịch được. Nói vậy là vì những câu thơ tôi trích đó, tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần và tưởng rằng mình đã nắm được cái hay của hình thức lẫn nội dung. Không ngờ khi chép ra mặt giấy, tôi bị lúng túng như đứng trước một giai nhân vừa thanh lệ vừa cao nhã, tự thấy rằng minh không đủ khả năng chuốt chữ lựa lời tương xứng, để thực hiện ý định của mình. Nghĩ rằng xưa nay thiên hạ thích Tây Thi là thích nàng Tây Thi làm nghiêng thành đổ nước của Ngô Phù Sai, chớ không ai thích xác chết của Tây Thi dù xác được ướp thành 'mô mi' (Momie) bất hủ. Cho nên tôi đành chú giải nghĩa đen để các em tự tìm lấy cái hay cái đẹp trong nguyên tác. Điều này đối với các em có hơi khó. Vì vậy tôi không dám trích nhiều mặc dù còn vô số thơ giai diệu.
Nhưng ngày xuân còn dài, vườn hoa xưa còn thắm. Nếu các em thấy thích thì tôi sẽ lựa thêm một số nữa gởi đến các em.
_____________________________________________________________________
(1)   Nghỉ đêm trên Hoạ Sơn: Nơi câu lơn cao đã tựa khắp mà vẫn ngủ không được, con sợ dòng sông ngân rụng xuống bay vào lầu.
(2)      Vịnh Trướng thêu hoa mai: gọi tiểu đồng quét kỹ chiếu tiêu tương (chiếu bằng tre bông), còn sợ hoa tàn rụng bên gối.
(3)   Trong tuyết ngấm kỵ nữ: y như gió xuân lúc nửa tháng ba.
Nơi hoa dương bay, hoa mẫu đơn nở.
(4)   Mỹ nhân chải đầu: Tuyết hồng bỗng sanh bóng trên ao,
                                     Mây đen nửa cuốn trời trong kính.
(5) Thơ Đường:           - Dựa nghiêng nơi trụ, ngâm khẽ khẽ một cách đắc ý,
                                       Áo đầy sương hoa lắng tiếng oanh trong cung.
Thơ Tống:                   - Một viện có hoa ngày xuân dài,
                                      Tám cõi không việc tờ chiếu ít.
(6)     -                 - Hoa đèn mờ dần, người mới thiu thiu ngũ,
                              Lư vàng hình con vịt không khói mà vẫn có hương.
(7) Thơ Tống:      - Người tản hết, cây đu thảnh thơi treo bóng trăng,
                              Hạt móc rơi, con bướm ngủ lạnh trong lòng hoa.
(8) Thơ Nguyên: - Kẻ cung nga không biết là quan trung thơ lệnh,
                              Hỏi kẻ ấy là người trẻ đẹp con nhà ai.
(9)                                             - Trong tay áo lồng được cây bút triều thiên
                              Ngày ngày đi về nhà vẽ mày cho vợ.
(10) Thơ Thanh: - Ngoài rèm mây dày đặc, trời đen như mực,
                              Dưới đèn cửu hoa không hay khí lạnh lùng.
(11)       -       :     - Đâu hay lại nhớ đến giấc mộng xuân khi sáng,
                             Mùi hương đậm đà đè lên râu lúc hầu yến xong trở về.
(12)       -       :    - Oanh bướm nơi lâu đài khiến mùa xuân rộn sớm,
                             Sông núi lừng ca múa xui bóng trăng lặng chậm.
(13)       -       :    - Nguyền được lụa hồng ngàn vạn tấm
                              Đầy trời chật đất thêu chim uyên ương.