Những bức thư thơ 15.Nói về hoa mai - 16.Thơ khổ ngâm


15. NÓI VỀ HOA MAI

Nha Trang, Trung tuần tháng Hai năm Đinh Tỵ (1977)

Thanh Xuyên,
Hai bài CÁCH LIÊM MAI và ỨC MAI trích gởi cho Thanh Quang vừa rồi, là hai giọt mật ong do nhiều thứ mật hoa chế biến trong tâm hồn tác giả. Nghĩa là tác giả đã mượn chữ trong các bài thơ cổ liên quan đến MAI mà kết thành bức tâm sự riêng của mình(1)
Nhưng chữ XUÂN TÍN, THẦN TIÊN là những chữ thường dùng để ám chỉ hoa mai.
Chữ TƯƠNG TƯ mượn trong bài Hữu Sở Tư của Lư Đồng đời Đường:
Tương tư nhất dạ mai hoà phát
Hốt đáo song tiền nghi thị quân
Nghĩa là:                         
Một đêm thương nhớ hoa mai nở
Sân chợt nhìn ra tưởng thấy mình.
Câu: “Nhất mộ tương tư vân thụ diếu” chẳng những mượn chữ trong thơ Lữ Đồng, mà còn mượn chữ trong thơ Đỗ Phủ nhớ Lý Bạch:
Vị bắc xuân thiên thọ
Giang Đông nhật mộ vân
Nghĩa là:                         
Cây xuân trời Vị Bắc
Ngày tối mây Giang Đông
Thơ Lữ Đồng diễn ý MAI, thơ Đỗ Phủ diễn ý XA CÁCH, và cả hai diễn ý NHỚ THƯƠNG. Chữ NHẬT MỘ đưa dư ba xuống câu thứ tư: "Nhất hoằng thanh thuỷ nguyệt quyên quyên”.
Câu này mới đọc qua tưởng không có xuất xứ nhưng xét kỹ thì là thoát thai từ câu thơ Lâm Bồ đời Tống:
Sở ảnh hoành tà thuỷ thanh thiển
Ám hương phù đỗng nguyệt hoàng hôn
Nghĩa là:
Bóng thưa toả ngửa nghiêng trên dòng nước trong cạn,
Hương nhẹ bay lững lờ dưới bóng trăng hoàng hôn.
Dùng chữ NHẬT MỘ trên câu thứ ba để chiếu xuống chữ NGUYỆT nơi câu thứ tư bài CÁCH LIÊM MAI, tác giả đã hớp được cái thần của chữ NGUYỆT HOÀNG HÔN trong thơ Tống. Nhưng trong thơ Tống, bóng hoa mai che mặt nước nên bóng trăng cùng hương nhẹ lơ lửng trên không trung. Còn trong thơ Nguyên, mai bị rèm ngăn cách, nên trên mặt nước trong bóng trăng sáng làu làu.
Bóng trăng sáng làu làu trên mặt nước, vừa gợi cảnh rực rỡ, vừa gây khí lạnh lùng, khiến niềm tương tư càng thêm thấm càng thêm đậm.
Bài ỨC MAI vừa dùng chữ trong thơ cổ vừa dùng điển tích xưa.

GIANG NAM là chữ trong bài thơ Đường:
Chiết mai phùng dịch sứ
Ký ngữ lũng đầu nhân
Giang Nam vô sở hữu
Diêu tặng nhất chi xuân
                                                                                (Lục Khải)
Nghĩa là:                         
Bẻ mai gặp phu trạm
Nhắn cùng bạn lũng đầu
Giang Nam không của cải
Gởi cành xuân tặng nhau.
Còn THANH ĐIỂU trong câu thứ ba, không phải dùng điển Tây Vương Mẫu, mà là điển Triệu Sư Hùng.
Triệu Sư Hùng đời Hán, đi ngang qua núi La Phù thì trời sắp tối, ghé vào nhà trạm bên đường nghỉ qua đêm. Một giai nhân, y trang toàn trắng, ra đón tiếp. Đêm xuống dần dần, tuyết cũng dần dần theo đêm xuống. Trong nhà trạm, một mùi hương thanh thanh từ nơi giai nhân toả ra, mỗi lúc mỗi lan rộng khắp cả đây đó. Và đêm cũng mỗi lúc mỗi lạnh thêm. Giai nhân bèn Sử Hùng sang quán rượu bên cạnh. Một thị nữ áo xanh bưng rượu ra đãi khách. Dâng cho Sử Hùng 1 chén, dâng cho giai nhân một chén, vừa dâng rượu vừa múa vừa ca. Sử Hùng cao hứng uống say lúc nào không hay. Say quá gục lên bàn mà ngủ. Đến khi thức giấc, thì tuyết đã ngừng rơi. Nhìn khắp bốn bên, quán không thấy, trạm không thấy, giai nhân cũng không thấy, mà chỉ thấy dưới bóng trăng vằng vặc một mình nằm tựa gốc mai già hoa thạnh, trên cành một con chim xanh đậu hót líu lo…
Nhưng ở đây “thanh điểu bất lai tiên mộng díu”, cho nên đành “nguyệt minh không tự ỷ lan can”. Niềm nhớ nhung không nói ra lời mà mênh mông cùng quạnh hiu, mà lạnh lùng trong sáng lạn. (1)
Thơ vịnh mai, thơ về mai, triều đại nào cũng nhiều, cũng nhiều bài hay. Nhưng nổi tiếng xưa nay là thơ của Lâm Bồ đời Tống.

LÂM BỒ, hiệu Hoà Thịnh, cất nhà ở tại Cô Sơn cạnh Tây Hồ, trồng mai nuôi hạt. Sống độc thân, lấy mai làm vợ, lấy hạt làm con. Một hôm vào vườn mai Tây Hồ thưởng hoa, bị mùi hương quyến rũ đi lạc đường, phải quanh quẩn suốt đêm. Thơ của Hoà Thịnh được khen là Trừng thiện cao viễn, tức là trong trẻo, sung túc, cao xa.
Bài thơ VỊNH MAI được truyền tụng là bài có 2 câu thượng dẫn.
Toàn thiện:                     
Chúng phương điêu lạc độc huyên nghiên
Chiếm đoạn phong tình hướng tiểu viên
Sơ ảnh hoành tà thuỷ thanh thiển
Ám hương phù động nguyệt hoàng hôn
Sương cầm dục hạ tiên du nhãn
Phấn điệp như tri hiệp đoạn hồn
Hạnh hữu vi ngâm thả tương ác
Bất tu đàn bảng cộng kim tôn

Bài thơ, ý giàu tứ mới, văn chương lại cổ kính. Không tài nào dịch ra thơ nổi. Nên đành giải nghĩa đen:
-   Tất cả hoa thơm đều héo rụng, một mình riêng tốt đẹp,
Chiếm trọn phong tình mà hướng về khoảnh vườn nhỏ.
Bóng thưa toả nghiêng ngửa trên dòng nước trong cạn,
Hương nhẹ bay lững lờ dưới ánh trăng hoàng hôn.
Chim sương cầm muốn bay xuống đậu, nhưng bị choáng mắt,
Giống bướm dường biết điều nên chung đoạn hồn với nhau.
Mây có lời ngâm vi diệu khá gần gũi nương tựa nhau,
Chẳng cần có đàn trỗi khúc rượu rót chén vàng.

Đó là nghĩa trong chữ. Còn ý ngoài lời không sao nói hết. Thanh Xuyên và các em nên tự tìm tự gẫm để hưởng cho được cái vị trong vị ngoài vị của bài thơ nổi tiếng tự nghìn xưa.

Âu Dương Tu cực thưởng câu:
Sơ ảnh hoành tà thuỷ thanh thiển
Ám hương phù động nguyệt hoàng hôn.
Nhưng Huỳnh Đình Kiên lại cho là chưa bằng câu: (2)
Tuyết hậu viên lâm tài bán thọ
Thuỷ biên ly lạc hốt hoành chi
Trong một bài khác cũng Vịnh Mai của Hoà Thịnh.
Bài này tôi không nhớ đủ thiên. Và câu trên có nghĩa là:
- Nơi vườn nơi rừng, sau khi tuyết tan thì mới thấy nữa gốc,
Chợt nơi rào nơi dậu gần bên mé nước, liền có nhánh nằm ngang.
Rằng hay thì thật là hay, nhưng không làm cho tôi ớn lạnh như khi đọc những bài thơ Thanh mà Tuỳ Viên trích dẫn trong tập Thi Thoại:
I
Chi đầu hà xứ nhận khinh ngô
Sương diệc tinh thần tuyết diệt ôn
Nhất cảnh hiểu phong tầm cựu mộng
Bán lâm hàn nguyệt thất cô thôn.
Ngâm tình dục lũ băng vi cú
Ly hận nan chiêu ngọc tác hồn
Ký ngữ khê kiều kiều thượng khách
Mạc tùng hương lý ngộ sài môn
II
Điểm ngạch thuỷ giao nhập Hán cung
Đống vân hợp xứ lộ nan thông
Lung lung chiếu khứ nguyệt nghi lạc
Biện biện kình lai tuyết hựu không
Vô mộng bất tuỳ lưu thuỷ khứ
Hữu hương chỉ tại thử sơn trung
Tùng gian trúc ngoại thuỳ tri kỷ
Địa lão thiên hoang ngọc nhất tùng.
Đó là thơ của Kỳ Lệ Xuyên, một vị Phương bá triều Càn Long. Văn chương trang nhã, tình ý cao viễn u nhàn. Tôi được đọc từ năm Quí Vị (1943) và thỉnh thoảng cứ ngâm đi ngâm lại mãi mà không chán. Trên 30 năm nay, tôi cố ý nhào nặn ngọn bút để dịch sang quốc âm, nhưng mãi đến giờ phút nầy vẫn chưa thấy thần hoa mỉm cười! Âu cũng đành dịch nghĩa đen như những bài của Lâm Bồ:
I
Trên đầu cành nơi nào có thể nhận được chút ngấn vết nhè nhẹ,
Sương rơi vào cũng trở thành vật có tinh thần, tuyết dính vào cũng trở thành ấm áp.
Một đường gió sớm bay tìm giấc mộng cũ,
Nửa rừng trăng lạnh che khuất thôn mồ côi.
Tình ngâm vịnh muốn chạm giá làm câu,
Hận biệt ly khó vời ngọc tới để làm hồn. (3)
Gởi nhắn cùng khách trên cầu Khê Kiều
Chớ theo vào chỗ hương thơm mà lầm phải cửa củi tạp.
II
Ai khiến vào cung nhà Hán để điểm trán (cho công chúa)?
Nơi mây lạnh tụ hợp, đường khó thông.
Nhìn theo ánh sáng mờ mờ soi, ngờ rằng trăng rụng,
Thấy cánh cánh dùa tới, nhìn ra tuyết có đó cũng như không.
Không mộng nào chẳng theo nước trôi đi,
Có hương thì chỉ trong núi này mới có.
Trong khoảnh tùng mọc ngoài nơi trúc mọc, ai là tri kỷ?
Trời già đất hoang, chỉ có một cây ngọc.

Dịch nghĩa như thế thì nghe như nói ngọng.
Biết vậy nhưng tôi không dịch thành một bài tản văn, lời xuôi ý liền, vì nghĩ rằng bỏ một viên đường phèn vào nước cho tan để uống, thì không ý vị bằng đập ra cho các em lấy từng miếng nhỏ bỏ vào miệng chíp chắp lấy vị ngọt ngon.
Qua nghĩa đen ngọng nghịu, các em tìm lấy nghĩa bóng ẩn tàng. Rồi dùng nghĩa bóng nghĩa đen hoà cùng âm điệu của nguyên tác, các em sẽ nhận thấy, không nhiều thì ít, chân giá trị của bài thơ.

Thơ của Kỳ Lệ Xuyên cũng như thơ của Lâm Hoà Thịnh, khác hẳn hai bài thơ của đời Nguyên, tự xuất thân ý chớ không hề chịu chút đỉnh ảnh hưởng của tiền nhân. Muốn đem cái hay cái đẹp trong thơ ra trình bày nơi mặt giấy, người cầm bút ít tài như tôi, thấy lúng túng gần như muốn đem dịch ra thơ quốc âm.
Mong Thanh Xuyên và các em tự lực cánh sinh vậy.
__________________________________________________
(1)   Xem toàn thiên ở bài số 13
(2)   Âu Dương Tu và Huỳnh Đinh Kiên là 2 danh gia đời Tống.
(3)   Muốn chạm tình ngâm vịnh nên lấy băng làm câu,
      Khó chiêu hận biệt ly nên lấy ngọc làm hồn.



16. THƠ KHỔ NGÂM

Nha Trang, Trung tuần tháng Hai Đinh Tỵ (1977)

Thanh Xuyên,
Làm thơ, có người tuỳ hứng, có người dụng công.
Làm thơ dụng công gọi là Khổ ngâm:
Ngâm thành ngũ cá tự
Dụng tận bán sanh tâm
Nghĩa là:                         
Ra công gióng điệu chuốt lời
Câu thơ năm chữ nửa đời ruột gan.
Nhiều khi khổ vì một chữ:
Vị cầu nhất tự ổn
Nại đắc bán tiêu hàn
Nghĩa là:                         
Bởi câu được một chữ êm
Tấm thân chịu đựng nửa đêm lạnh lùng.
Có người lầm tưởng rằng chỉ có những thi nhân tầm thường, những thi công nặng về hình thức, mới làm thơ khổ sở như thế. Cũng đúng, nhưng không phải hoàn toàn đúng. Bởi từ xưa đến nay, có ai không phục tài Đỗ Phủ. Thế mà Đỗ Phủ làm thơ khắc khổ đến nỗi Lý Bạch phải trêu:
Phạn loả sơn đầu phùng Đỗ Phủ
Đầu đái lạp tử nhật trác ngọ
Tá vấn luật bài thái sấu sinh
Chỉ vị tòng tài tác thi khổ
Nghĩa là:                         
Đầu non gặp Đỗ đương ăn cơm
Nón lá che đầu trời đúng ngọ
Hỏi sao nhân thế trông gầy gò
Chỉ bởi làm thơ quá khắc khổ.

Đâu phải chỉ mình Đỗ Phủ.
Mạnh Hạo Nhiên làm xong một bài thơ thì lông mày rụng hết.
Vương Duy có lần vì chú tâm trong việc cấu tứ mà bước lầm vào vò dấm nơi sân.
Giả Đảo ngót ba năm mới làm được hai câu đắc ý, và mãi lo cân nhắc hai chữ THÔI XAO mà đâm vào xe Hàn Dũ. (1)
Đó là danh gia đời Đường.

Đời nhà Tống, nổi tiếng khổ ngâm có Trần Sư Đạo, hiệu Hậu Sơn. Mỗi lần Hậu Sơn cao hứng thì lên ngâm tháp. Người nhà liền đuổi chó mèo gà vịt đi nơi khác, đem trẻ con gởi nhà khác, để cho ông chuyên ý mà nghĩ thơ.
Lý Phàn Long đời Minh, tánh tình lại càng quái dị. Ông xây ở giữa hồ một lầu gọi là lầu Bạch Vân, gồm ba tầng. Tầng cao nhất là nơi ông ngâm vịnh. Tầng giữa để người ái thiếp ở. Tầng dưới để tiếp khách. Hễ khách lạ tới thăm thì ông bắt làm một bài thơ để thử tài. Nếu như thơ hợp cách, thì ông chèo thuyền ra đón. Bằng không thì ông bảo thẳng: - Về đọc sách nữa đi, đừng bắt ta phí công tiếp đón.

Suốt ngày đêm ông đọc cổ thư. Trên tường dán đầy kiệt tác của cổ nhân. Lúc nào ông muốn làm thơ thì tiệt thang lầu không cho một ai đến. Thi nhân đương thời tôn ông làm Đạo Tàn Minh Chủ.
Các nhà khổ ngâm trên đều có nhiều giai tác truyền thế. Duy Lý Phàn Long được nhiều người đương thời hâm mộ, nhưng người các đời sau lại không thích thơ ông. Do đó tác phẩm lần lần bị mai một hết.
Nhiều người dựa vào Lý Phàn Long mà công kích lối thơ khổ cầu. Ho bảo rằng nhân xảo làm mất hết tự nhiên, mà thơ tự nhiên mới đáng quí.
Nói như vậy thì thơ Đỗ Phủ không đáng quí sao? Và thơ Vương Duy, Mạnh Hạo Nhiên, có câu nào là câu không tự nhiên, có câu nào mang ngấn vết mài dũa?
Còn trần Hậu Sơn, thơ vịnh ngày MỒNG CHÍN THÁNG CHÍN tức Cửu Nhật, có câu:
Nhân sợ tự sanh kim nhật ý
Hàn ba chỉ tác khứ niên hương
Nghĩa là:                         
Việc đời tự sanh ra ý mới của ngày nay
Hoa cúc chỉ nở lại mùi thơm của năm ngoái.
Câu thơ ngó thì dễ nhưng thật là khó, khó làm - vì trước kia và sau này có ai làm được? - mà cũng hết sức khó dịch thành thơ, mặc dù ý nghĩa rõ ràng và chữ Việt tương đương với chữ Hán không đến nỗi thiếu. “Ai đã biết được cái khó trong cái dễ, mới khá cùng nói chuyện thơ ”, lời của tác giả Tuỳ Viên Thi Thoại nghe dường ngạo mạn, nhưng ai đã từng cay đắng với thơ đều công nhận là chí tình chí lý.

Thanh Xuyên và các em có biết kẻ làm thơ dùng nhiều công sức với mục đích gì chăng? Có phải để khoe tài học rộng nghĩ sâu của mình chăng? Có phải để đem tài khéo chạm may khắc ráng trang sức cho đời sống của mình chăng?
Những nhà thơ chân chính không bao giờ nhắm những mục đích tầm thường như thế cả. Đối với họ “văn chương là tấc lòng gởi vào thiên cổ”. Mất ngủ vì chữ, nát ruột vì một câu, là để nói cho được, nói cho hết, nói cho trọn vẹn mà gọn gàng, nói cho rõ ràng mà sâu sắc, để nói mà không nói, không nói mà nói… tất cả những gì lòng muốn nói ra cùng bạn đồng thanh đồng khí đương sống hay chưa sanh, trong tấc gang hay ngoài muôn dặm, nói ra cho vơi bớt nỗi u hoài.
Tử công phu với thơ thì khổ cũng thật khổ mà sướng cũng thật sướng. Khổ trong lúc làm mà sướng khi làm đã được:
Khổ ngâm tăng nhập định
Đắc cú tướng thành công
Ngồi thiền cho đến lúc tâm vào được định xứ, nhà sư phải dùng không biết bao nhiêu công sức, chớ không phải ngồi nhắm mắt và tập trung tư tưởng trong một thời gian là thành. Công phu của thiền sư và của thi nhân, ai có qua cầu mới biết được.
Còn nỗi vui sướng của ông tướng lập được chiến công, dù không là người trong cuộc, cũng có thể đoán biết được mức lượng đến đâu.
Có khổ mà có sướng như thế, người thơ mới sống chết với thơ.
Cũng như tôi lúc nhỏ, khi học hai câu thơ cổ thượng dẫn, các em không khỏi thắc mắc:
-      Khi đắc cú, lòng các nhà thơ khổ ngâm vui sướng thế ấy, không biết lòng các nhà thơ mở miệng thành thơ hươ bút thành thơ, có như thế ấy chăng?
Xin đáp:
-      Các em đã từng xem truyện Tam Quốc: Quan Vũ vừa ra trận thì chém ngay được Huê Hùng. Châu xương phải đánh cùng Bàng Đức ròng rã mấy ngày đêm ở dưới nước, mới bắt được địch. Đứng ngoài cuộc ai dám chắc lòng vui sướng của Quan Vũ thua Châu Xương. Nhưng ai cũng có thể quả quyết rằng cả hai đều vui mừng sung sướng lúc thành công. Song cường độ bên nào cao hay thấp hơn bên nào thì ’ai uống nước nấy biết độ nóng lạnh’.
Tôi xin nói thêm điều nầy nữa:
-      Theo kinh nghiệm bản thân, không có câu thơ nào không dụng công mà đắc ý, mà cũng không thể làm được câu thơ đắc ý nếu không dụng công. Nhưng sử dụng công của nhà thơ mỗi người mỗi khác tuỳ thiên bẩm, tuỳ học thức, tuỳ tài năng. Có người dụng công trong lúc làm thơ, có người dụng công trong lúc uẩn nhưỡng, huân tập, có người dụng công trong việc tích luỹ hàm dưỡng và dụng công luôn cả trong việc thôi xao.
Những nhà thơ mở miệng ra thơ, hươ bút nên thơ, đâu phải thơ ở sẵn nơi miệng nơi bút mà chính đã được tích luỹ đã được hàm dưỡng, đã được uẩn nhưỡng đã được huân tập lâu ngày lâu năm, có khi lâu đời, ở trong tâm, trong trí, trong tiềm thức. Dụng công mà lắm khi đương sự không biết rằng mình dụng công, vì đã từng dụng công đến mức độ trở thành tập quán, trở thành tánh tự nhiên.
Song đâu phải lúc nào cũng mở miệng ra thơ hươ bút nên thơ. Đỗ Phủ nói: “Lý Bạch nhất đấu thi bách thiên” là đề cao tài lanh lẹ hơn người của Trích tiên. Chớ nếu ngày nào, lúc nào cũng một chén rượu vào trăm bài thơ ra như thế thì suốt đời thơ để đâu cho hết?
Mà đối với thơ, làm mau hay chậm, làm nhiều hay ít, không quan trọng. Điều quan trọng là thơ làm có hay hay không đó thôi. Lý Thái Bạch “Nhất đấu thi bách thiên”, Đỗ Phủ ”Thái sấu sinh vị tác tinh khổ ”, lúc sống tề danh, lúc chết lưu danh, kẻ được tôn xưng là Thi Tiên, người được tôn xưng là Thi Thánh, như thế là không uổng phí đời làm thơ.
_____________________________________________________________________
(1) Những giai thoại này đã chép trong tập 'Trong Vườ­n Hoa Thơ’ và ‘Những Bức Thư Thơ’ tập I, nên ở đây chỉ nói qua.