Những bức thư thơ 15.Khúc Biệt Hạc - 16.Buồn không hé môi


15. KHÚC BIỆT HẠC
Nha trang, tiết Lập Thu năm Kỷ Hợi (1959)
Anh Hương Sơn,
Từ vào thu đến nay, ở đây tuy không có cảnh:
Gió thu hiu hắt
Sương thu lạnh
Trăng thu bạch
Khói thu xây thành
Lá thu rơi rụng đầu gành
Sông thu đưa lá bao ngành biệt ly
Nhạn về én lại bay đi
Đêm thì vượn hót ngày thì ve ngâm
Lá sen tàn tạ trong đầm
Nặng đeo giọt lệ âm thầm khóc hoa
Sắc đâu nhuộm ố sơn hà
Cỏ vàng cây đỏ bóng tà tà dương… (1)
Nhưng lòng tôi cảm thấy một nỗi buồn mang mang lạnh lạnh.
Sáng hôm nay để khiển muộn, tôi soạn số thi và từ của người xưa mà tôi đã sưu tập được, đem ra chọn lựa và xếp đặt lại theo thứ tự thời gian, hầu khi dùng đến khỏi mắc công tìm kiếm. Một công hai việc, lòng tôi thấy bớt cô đơn… Song rồi tình cờ tôi gặp hai bài thơ chép chung trong một trang mà cả hai đều mang nặng mối sầu của:
Lá sen tàn tạ trong đầm
Nặng đeo giọt lệ âm thầm khóc hoa.
Một bài của chàng Mục tử đất Thương Lăng, một bài của Bì Thị.
Chàng MỤC TỬ đất Thương Lăng tên gì và ở đời nào, sách Từ Nguyên không chép rõ. Chỉ chép đại lược rằng: Chàng lấy vợ đã 5 năm mà không có con. Cha mẹ bắt phải bỏ để cưới vợ khác. Người vợ biết được, nửa đêm dậy khóc thảm thiết. Chàng thương cảm, soạn một khúc ngâm:
Tương quai tỷ dực hề cách thiên đoan
Sơn xuyên du viễn hề lộ man man
Lâm khâm bất muội hề thực vọng xan.

Rồi cất tiếng ngâm não nuột. Cha mẹ nghe động lòng, gác bỏ việc bắt con lấy vợ khác.
Người sau dùng khúc ngâm của Mục Tử làm Nhạc chương gọi là BIỆT HẠC THÁO và khúc ngâm gọi là Khúc Biệt Hạc.
Còn BÌ THỊ là vợ Nghiêm Quán Phu, có chồng đã mười năm mà không có con, nên bị chồng để. Bì Thị bèn làm 1 bài thơ từ  biệt:
Đương thời tâm sự dĩ tương quan
Vũ tán vân thu nhất xương gian
Tiện thị cô phàn tòng thử khứ
Bất kham tùng thượng Vọng Phu san.
Quán Phu cảm động liền huỷ cuộc phân ly, và vợ chồng đoàn tụ trong êm ấm.
Hai bài thơ đối với tác giả tuy thu được kết quả tốt đẹp, song chất buồn của cả hai làm cho lòng tôi đã buồn thêm buồn. Để giải toả nỗi buồn, tôi bèn diễn dịch hai bài thơ theo cảm xúc:
I
Duyên hầu chính cách lìa tơ
Sông ngăn núi cách mịt mờ  đường xa
Gối chăn não giấc canh tà
Cơm chan nước mắt gượng và đắng cay.
II
Nỗi lòng chung mối tơ vương
Mây mưa phút tản con đường rẽ đôi
Từ đây dong chiếc thuyền côi
Ruột gan đâu nữa lên đồi vọng phu.
Dịch xong rồi ngâm. Dịch một chắc ngâm một chắc, buồn vương theo bút, lệ tràn theo ngâm. Lệ trôi bớt buồn, lòng tôi lần lần trở nên trong, nhẹ. Bèn nghĩ đến anh, viết vội mấy hàng để cùng anh chia mối buồn vui, hầu trong xa cách hướng vào nhau cùng gật:
-   Biết tìm thú thì trong khi, buồn cũng như vui, vẫn tìm được thú. Và thơ buồn cũng như thơ vui nếu là thơ hay, đều có công dụng giải được phiền muộn./.



16.   BUỒN KHÔNG HÉ MÔI
Nha Trang tiết Thu Phân năm Kỷ Hợi (1959)
Bạn Kính Sơn,
Bạn thường khen tấm lòng tốt của Vu Địch đối với Thôi Giao, Dương Tố đối với Từ Đức Ngôn. Để cho bạn có đủ bộ ba trong trường tình “Trả người mình yêu lại cho người yêu của người mình yêu” tôi xin kể lại cho bạn nghe một chuyện nữa: Chuyện Ninh Vương đối với chàng bán bánh.
NINH VƯƠNG là một hoàng thân triều Đường Huyền Tông (713-755). Trong vương phủ có đoàn thị nữ 20 người đều là trang tuyệt sắc, múa khéo hát hay. Mỗi khi trong phủ có yến tiệc, thường hay ra múa hát và dâng rượu. Trong đoàn có một nàng má lúc nào cũng như hoa đào ngậm móc, và lúc nào cũng mặc áo trắng. Nàng rất được Ninh Vương yêu quí. Nhưng vào cung đã ngót năm, chưa hề hé miệng nói, cười. Vương lấy làm lạ, gạn hỏi. Nàng nhất định không nói. Sau phải hết lòng dỗ dành, mới chịu tâu:
-   Thiếp vốn có chồng làm nghề bán bánh nơi chợ phía đông phụng thành. Người ta đã ức chế bắt dâng lên Đại Vương. Tuy được đội ơn yêu thương, nhưng cảnh giàu sang trước mắt không làm khuây được mối tình cũ trong lòng.
Vương hỏi:
-   Ta cho gọi chồng nàng đến để thấy mặt, nàng có vui chăng?
Tâu:
-   Nếu được thấy mặt người cũ, thiếp xin đời đời ghi ơn đức Đại Vương.
Ninh Vương liền cho đi tìm người bán bánh. Nàng đứng núp sau rèm nhìn chồng, nước mắt như suối. Từ ấy chỉ hé môi cười nụ, nhưng tuyệt nhiên không nói nửa lời. Ninh Vương thương tình, cho người bán bánh xếp vào hàng gia nhân được tự do vào ra nơi Vương phủ.
Một hôm trong Phủ Ninh Vương hội yến. Nàng đương dâng rượu cho tân khách, chợt thấy chồng đi qua dưới hiên, nước mắt liền tuôn trào không sao ngăn được. Ai nấy đều kinh ngạc. Vương bèn đem kể hết sự tình và dùng nàng đề thơ để tô điểm cho bữa yến.
Trong số tân khách có VƯƠNG DUY, 1 nhà thơ nổi danh. Vương cất bút đề ngay 1 tuyệt:
Mạc dĩ kim thời sủng
Nan vong cựu nhật ân
Khán hoa mãn nhãn lệ
Bất cọng Sở Vương ngôn.
Nghĩa là:
Đã hay ân sủng dồi dào
Tình xưa nghĩa cũ dễ nào khuây khoa
Sụt sùi giọt lệ bên hoa
Khôn cùng vua Sở thiết tha nửa lời.
Ninh Vương xem xong, đưa cho tân khách. Ai cũng phục là thi tài mẫn thiệp. Càng phục câu kết khéo đem chuyện Đào Hoa Phu Nhân bị bắt dâng  Sở Vương để ví.
Yến bãi, khách về hết, Vương truyền Nàng và người bán bánh đến bảo:
-   Vì bài thơ của Vương Tiên sinh, ta cho vợ chồng trở về đoàn tụ.
Đoạn sai người nhà cấp cho 10 nén vàng.
Vợ chồng cảm động, nức nở nói không ra tiếng, đành lạy tạ mà lui.
Tin ấy truyền ra mọi người đều khen Ninh Vương đại lượng và khen thơ Vương Duy đã chuyển hoá được lòng Ninh Vương.
Nhưng có người nói:
-   Thơ Vương Duy cảm phục được Ninh Vương thì đáng khen thật. Còn hành động của Ninh Vương có gì đáng tán phán. Bởi bớt đi một đoá hoa trong hai mươi đoá hoa, đoá nào cũng diễm lệ, thì ai lại không thể làm?
Lời nói nghe như khí khái. Song lời nói và việc làm thường xung khắc nhau. Nếu ngôn ngữ tố hành, hành tố ngôn, thì đời tránh được loạn lạc.
Trên đời có ba món thường làm cho  người say đắm là tiền của, danh vị , sắc đẹp. Thấy vợ người đẹp, tìm đủ cách để chiếm đoạt cho được thì dù phải phạm tội ác đếu đâu cũng không từ. Như trường  hợp Sở Vương mà Duy Vương đã đưa vào thơ và đã làm cho Ninh Vương giác ngộ.
SỞ VƯƠNG là Sở Văn Vương đời Xuân Thu.  (722 - 497 tr. CN)
Thời bấy giờ nước Sở đương hồi cường thịnh. Các nước nhỏ ở chung quanh đều phải phục tùng cống lễ. Duy nước Sái cậy thế có nước Tề che chở không chịu triều cống sở Vương. Nghe lời nước Tức, Sở Vương cử binh đánh nước Sái. Sái hầu bị bắt, rồi được tha. Khi cho về nước, Sở Vương mở tiệc tiễn hành. Trong tiệc Vương chỉ 1 mỹ nhân trong đám vũ nữ, hỏi Sái hầu:
- Hiền hầu đã bao giờ thấy được 1 người tuyệt sắc như thế chưa?
Nhớ đến mối thù Tức hầu xúi Sở đánh Sái, Sái hầu bèn thừa cơ, tâu:
- Theo nhận xét của tôi, trên thế gian này không ai đẹp hơn vợ Tức hầu là Tức Vĩ. Nàng có thể sánh với tiên nga nơi cung Quảng.
-   Đẹp như thế nào?
-   Mắt trong như nước mùa thu, má ửng như hoa đào, mình mai vóc liễu, gót sen uyển chuyển như mây chiều trước gió xuân. Vẻ đẹp klhông tài nào tả hết.
-   Người đẹp như thế, tiếc rằng ta không được thấy mặt!
-   Uy đức của Đại Vương dù muốn Tề Khương, Tống Tử cũng chẳng khó gì, huống hồ chi Tức Vĩ chỉ là một người đàn bà ở trong vòng thế lực của Thượng Quốc.
Sở Văn Vương nghe nói rất đẹp lòng. Liền đó giả kế đi tuần du qua nước Tức.
Tức hầu nghe tin, ra khỏi thành tiếp đón trọng thể, rồi rước vào cung mở tiệc mừng. Văn Vương ngỏ ý muốn cùng Tức Vĩ tương kiến. Tức hầu không dám trái ý. Tức vĩ vén rèm bước ra, sụp lạy Văn Vương rồi đưa tay lấy chung rượu rót đầy. Bàn tay ngọc nâng ly ngà, màu sắc không phân biệt. Sở Vương ngẩn ngơ nhìn, rồi đứng dậy toan tiếp lấy chung rượu. Nhưng Tức Vĩ đã trao cho 1 cung nữ để dâng lên vua. Vua vừa cạn chén thì Tức Vĩ liền bái tạ lui vào nội cung.
Từ ấy Sở Vương nóng ruột muốn được gần Tức Vĩ ngay. Bèn lập kế chiếm đoạt.
Ngày hôm sau, Sở Vương bày tiệc nơi dịch đình, cho quân giáp sỹ mai phục chung quanh, rồi vời Tức hầu ra dự tiệc. Rượu được vài tuần, nhà vua mượn giọng say, quở trách Tức hầu đủ điều. Tức hầu biện bạch. Nhà vua làm mặt giận, đập án thét quân sỹ bắt trói Tức hầu. Lệnh được thi hành tức khắc. Tức Vĩ hay tin, ngửa mặt than:
-   Bởi rước cọp vào nhà nên mới sinh hoạ.
Đoạn chạy thẳng ra vườn hoa, toan gieo mình xuống giếng. Nhưng phu nhân chưa kịp tự vẫn thì quân Sở đã tràn vào. Tướng Sở là Đấu Đan giữ lại nói:
-   Phu nhân không muốn sống để cứu mạng cho chồng sao? Tội gì mà cả hai vợ chồng chịu chết?
Tức Vĩ lặng thinh. Đấu Đan đưa vào nạp cho Sở Vương. Sở Vương dịu lời dụ:
-   Nếu nàng chịu về Sở, ta sẽ tha chết cho Tức hầu.
Tức Vĩ đứng im, hai dòng lệ tuôn trên má long lanh như sương sớm trên đôi đoá tường vi. Sở Vương phong nàng làm Phu Nhân. Và nhân thấy mặt nàng như hoa đào, nên gọi nàng là “Đào Hoa Phu Nhân”. Còn Tức hầu thì bị đày ra đất Nhữ Thuỷ. Chẳng bao lâu đau buồn mà thác.
Để chiếm đoạt người đẹp, mà nhẫn tâm làm mất nước người làm hại chồng người, lòng Sở Văn Vương thật độc ác!! Trái lại người đẹp đã vào tay mình, và mình có quyền, đủ quyền để giữ  lấy, nhưng lại trả về cho chồng cũ, Như Vu Địch, Dương Tố, Ninh Vương, thì dù do động cơ nào thúc đẩy, cũng đều đáng khen cả. Tuy vậy số điểm vẫn có cao thấp. Dương Tố không hào đạt như Vu Địch, nhưng có phần khoan hậu hơn Ninh Vương. (1)
Ninh Vương tuy đã rõ nàng thị nữ áo trắng của mình là gái có chồng, và lòng luôn luôn nghĩ đến chồng cũ. Thế mà chỉ cho nàng được thấy mặt chồng. Mãi đến lúc đọc thơ Vương Duy mới để cho vợ chồng tái tụ. Không phải vì cảm động mà chính vì bị tác động tức bị sự tích Đào Hoa Phu Nhân đánh mạnh vào tâm trí mà nhận thức được thị phi:
-  Hành động của Sở Vương so với mình tuy khác nhau. Song xét cho kỹ nghĩ cho sâu, vẫn có chỗ tương tợ. Nếu vì chút vui thú trong nhất thời mà giữ nàng áo trắng, thì sẽ như Sở Vương bị lưu xú đến nghìn thu.
Chắc bạn cười:
-   Sao biết được rõ thế?
Thưa:
-   Chính Ninh Vương đã nói “ vì bài thơ của Vương Tiên sinh..”
Mà vì gì đi nữa, cử chỉ của Ninh Vương cũng đáng khen, như trên đã nói.
Lại đáng khen hơn nữa, đáng phục hơn nữa, là tài dụng điển của Vương Duy. Thi nhân dùng sự tích Đào Hoa Phu Nhân, mặt nổi để diễn tả tình trạng của người thị nữ mặc áo trắng, mặt chìm để thức tỉnh Ninh Vương bằng cách nhắc khéo những nhác rìu búa xuân thu xán xuống đầu cổ Sở Vương ngót bao nhiêu thế kỷ. Thật tài tình mà cũng thật sâu sắc! Dụng điển như thế, ai dám bảo rằng làm mất sanh khí của văn chương?
Bạn Kính Sơn,
Nhân chuyện Ninh Vương mà nhắc đến chuyện Sở Vương rồi lại bàn đến sự dụng điển, thật là cà kê dê ngỗng, thật là từ gà qua lừa. Nhưng có hề gì bạn nhĩ? Nói chuyện văn chương là 1 cách lãng du trên giấy mực. Hễ gặp đâu đẹp thì ghé lại chơi. Chớ có phải đi nghiên cứu địa vật, khảo sát địa hình.. đâu mà phải nhắm tiêu nhắm đích.
Phải chăng bạn? Xin cầu chúc yên vui./.
__________________________________________________
(1) Xem chuyện Vu Địch trong bức thư gởi cho Lê Mộng Hoà.
Xem chuyện Dương Tố trong thư gởi cho Cẩm Xuyên.