Những bức thư thơ 17.Thơ Vịnh Mai của Việt Nam - 18.Bài thơ Hữu Sở Tư


17.  THƠ VỊNH MAI CỦA VIỆT NAM

Nha Trang, Trung tuần tháng Hai năm Đinh Tỵ (1977)

Hiểu Vân,
Không phải là ‘Phật nhà không thiêng’ như Hiểu Vân tưởng đâu.
Đối với tôi thơ hay không có quốc giới, không có triều đại. Khi chúng nằm trong người tôi, chúng là của tôi, chúng là hiện tại. Nhưng khi viết cho các em xem thì phải ghi là thơ Trung Quốc, thơ Việt Nam, thơ đời nầy thơ đời nọ, để cho dễ nói chuyện đó thôi.
Hiểu Vân thông cảm rồi chứ?
Trong bức thư thơ gởi cho Thành Xuyên (1) hôm trước, không có thơ mai của Việt Nam là vì:
Thơ chữ Hán của các danh sỹ tiền bối mà tôi thuộc, tôi đã giới thiệu trong tập “TRONG VƯỜN HOA THƠ ” và đã chép trong bức thư gởi cho Hồng Liên hôm Vũ Thuỷ (2), bài của Diệu Liên công chúa. Sợ chép đi chép lại mãi sanh nhàm.
-      Thơ Quốc âm tôi chỉ thuộc 3 bài của Triều Lê. Những bài nầy không được xuấc sắc, để đứng cạnh thơ đời Tống đời Thanh, sẽ không làm vinh dự cho tác giả.
Nay thể theo lời yêu cầu của Hiển Vân, tôi xin chép lại 3 bài Quốc âm ấy ra đây.

MAI THỤ
Giữa mùa đông, lỗi thức xuân
Nam chi nở cực thanh tân
Trên cây khác ngỡ hồn cô dịch
Đáy nước ngờ là mặt Thái Chân
Càng thuể già càng cốt cách
Một phen giá một linh thần
Người cười rằng kém tài lương đống
Thửa việc điều canh bội mấy phần.

LÃO MAI
Hoa nẩy cây nên thuở đốc sương
Chẳng tàn chẳng cỗi hãy phong quang
Cách song khác ngỡ hồn Cô Dịch
Quáng bóng in nên mặt Thọ Dương
Đêm có mây nào quyến nguyệt
Ngày tuy gió chẳng bay hương
Nhờ ơn vũ lộ đà no hết
Đông đổi dầu đông hãy một dường.

Đó là bài thơ trong QUỐC ÂM THI TẬP của Ức Trai NGUYỄN TRÃI.
Và đây bài thơ thứ 3 trích trong HỒNG ĐỨC QUỐC ÂM THI TẬP:
MAI THỤ
Trộị cành mai chiếm một chồi
Tin xuân mây mẩy điểm cây mai
Tinh thần sáng thuở trăng tạnh
Cốt cách đông khi gió thôi
Tuyết cứng trượng phu tùng ấy bạn
Nết trong quân tử trúc là đôi
Nhà truyền thanh bạch chăng từng khối
Vậy xứng danh thơm đệ nhất khôi.

Cả 3 bài đều thuộc thể thơ LỤC NGÔN, một thể thơ rất thạnh triều Hâu Lệ (3). Giọng thơ chưa nhuyễn. Chữ dùng chưa được nhã, và có nhiều chữ cổ, hiện nay không còn phổ biến. Đọc lên nghe khô khan không thú vị. Đó là vì:
-      Về ngoại diện thì thiếu ảnh tượng, kém âm nhạc.
-      Về nội dung thì ý thắng tâm, tức là thiếu tình, chỉ có chí.
Thơ như thế, cổ nhân gọi là ‘hữu cán vô ba, hữu thanh vô vận’. Chỉ có giá trị về mặt khảo cổ, chớ đối với bọn đi tìm cái đẹp như chúng mình thì nên dừng lại chốc lát ở bên ngoài, không cần phải đi sâu vào bên trong làm chi cho khổ.
Nhưng trong hai bài trước có mấy điển cố Hiển Vân và các em yêu thơ cổ cũng cần nên biết:
CÔ DỊCH: Núi Cô Dịch ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc.
Trong Nam Hoa Kinh của Trang Tử, thiên Tiêu Diêu Dun nói rằng thần núi Cô Dịch, da như dăng tuyết, dáng yểu điệu như gái chưa chồng (xử nữ).
THÁI CHÂN: Hiệu của Dương Quí Phi
Thần Nữ núi Cô Dịch và Dương Thái Chân không có mối liên quan đến hoa mai. Đây Ưc Trai mượn Thần Nữ để ví với cốt cách tao nhã, với tinh thần thanh khiết của cây mai, mượn Thái Chân để ví với sắc đẹp của hoa mai.
Nhưng hoa mai vốn gầy, còn Thái Chân vốn phì nộn như hoa hải đường. Như thế đem Thái Chân ví với hoa mai có thích đáng chăng? Sẽ không ổn nếu tác giả không để hai chữ ‘đấy nước’ ở đầu câu. ‘Đấy nước’ vừa gợi ý mai, do những câu thơ cổ ‘Sợ ảnh hoành tà thuỷ thanh thiển’ và ‘Thuỷ biên Ly Lạc hốt hoành chi ’ tác động, vừa làm cho sắc đẹp của Dương Quí Phi, qua chiều sâu của nước và sự di chuyển của sóng, trở thành mông lung phiêu diêu, làm cho một đoá hoa cánh dày và lớn biến thành trăm nghìn đoá hoa nhỏ óng ánh chập chờn…
Ý thơ rất đẹp, tiếc rằng lời thơ không được tao, nên phải nhờ nhiều vào sức tưởng tượng của độc giả mới tạo nên một khóm mai nở bên dòng nước, vừa cao khiết vừa thanh tân.
Câu 3, câu 4 dùng điển một cách phóng khoáng.
Điển ĐIỀU CANH dùng ở câu kết mới thật sát với Mai.

ĐIỀU CANH là gia vị cho canh. Người ta thường dùng quả mai để nêm canh. Cho ngon nước.
Vua Cao Tông nhà Ân nói cùng quan Tể Tướng là Phó Duyệt:
-      Thầy nên chỉ bảo cho ta gắng chí. Như nấu rượu ngon, thầy là chất hèm. Như gia vị cho canh, thầy là muối là mai. Thầy cùng bạn đồng liêu sửa chữa cho ta, đừng bỏ ta. Ta gắng thi hành những điều thầy huấn thị. (4)
Do đó người đời sau thường dùng chữ ĐIỀU CANH để chỉ công việc làm của Tể Tướng.
Cũng như điển Điều Canh, điển THỌ DƯƠNG dừng ở câu thứ 4 bài thứ Nhì của Ức Trai, là một điển về MAI.
THỌ DƯƠNG là Thọ Dương công chúa, con gái vua Vũ Đế nhà Tống thời Nam Bắc Triều. Ngày mồng bảy tháng Giêng, công chúa nằm nơi thềm điện Hàm Chương, thình lình 1 đoá hoa mai rơi dính nơi trán ở giữa hai chân mày. Nhan sắc công chúa trở nên diễm lệ hơn trước. Nhân đó giới phụ nữ thường vẽ hoa mai trên trán để trang sức, gọi là Mai hoa trang.

‘Mặt Thái Chân’ và ‘Mặt Thọ Dương’ đều dùng để nói vẻ đẹp của hoa mai. Nhưng câu trước mượn nhan sắc của Thái Chân, còn câu sau lại mượn hoa mai nơi trán của Thọ Dương. Ý thì in nhau nhưng hình ảnh ở mỗi câu mỗi khác. Một bên thì tả vẻ đẹp ở dưới nước. Một bên thì tả vẻ đẹp ở trên không. Chữ ‘Quáng bóng’ ở câu sau, khéo dùng chẳng kém chữ ‘Đáy nước’ ở câu trước: Hoa mai trên trán của Công-chúa chỉ có một đoá, nhờ mắt bị quáng mà hoa mai sanh điệp điệp trùng trùng. Chữ ‘Quáng bóng’ còn làm cho người đọc liên tưởng đến câu thơ của Lâm Hoà Thịnh: 'Sương cầm dục hạ tiên du lãng’, mà nhận thấy rằng hoa mai trong thơ là hoa Bạch Mai, và sắc trắng của hoa lộng lẫy đến làm hoa mắt /chim/cả lẫn người.
Bài thơ Hồng Đức mới đọc qua dường như không dụng điển. Nhưng xét kỹ vẫn có, có nơi lập luận:
Tiết ứng trượng phu tùng ấy bạn
Nết trong quân tử trúc là đôi.
Người sưa sánh bậc trượng phu là cây tùng, bậc quân tử là cây trúc, và tùng cùng trúc để chung với mai gọi là 'Tuế hàn tam hữu’, tức là 3 người bạn chịu nổi khí lạnh của mùa đông, ví với những người có khí tiết gặp cơn hoạn nạn, gặp thời loạn ly vẫn giữ trọn được thân danh, đạo nghĩa.
Đem tùng trúc vào thơ, tác giả nêu cao thanh giá của Mai, vừa làm cho Mai có bạn ở bên cạnh.
Câu kết: 'Vậy xứng danh thơm đệ nhất khôi'.
Phải chăng tác giả đã thoát ý câu thơ Tống:
Tuyết trung vị luận điều canh sự
Tiên hướng bách bạ đầu thượng khai
Nghĩa là:     
Việc ngon canh chớ bàn trong tuyết
Đầu trăm hoa điểm xuyết cành cao.
Câu nầy là thơ Vịnh Mai của Vương Hội. Thơ làm từ lúc Vương còn bé. Một danh sĩ lão thành bảo:
-      Thằng bé này đã nắm sẵn chức trạng nguyên và Tể tướng trong tay. Sau quả đúng như thế.
Tuy không biết tác giả là ai, song theo khẩu khí thì đoán biết là người có danh phận cao, sự nghiệp lớn thời Hồng Đức.
MAI là một đề tài rất thông dụng.
Thi nhân dùng để tượng trưng cho niềm tiết tháo, cho lòng tinh khiết của mình. Thói đa tình cũng thường biểu lộ trong thơ.
Và nhân đọc thơ MAI, chắc các em cũng như tôi không khỏi nghĩ lẩn quẩn:
-      Mai kết bạn cùng, trúc, lại sánh đôi cùng liễu. Tùng, trúc luôn làm đại biểu cho giới nam nhi. Liễu luôn luôn tượng trưng cho giới phụ nữ. Còn mai, khi thì đàn ông, khi thì đàn bà. Như thế có phải Mai là đức Quan Thế Âm Bồ Tát của loài thực vật có sắc, có hương?
-      Phi thị, thị phi, cần chi phải biện bạch. Xem thơ mà tìm được cái thú do nhận thức, do tưởng tượng, do suy tư…, đó là đạt được mục đích. Bởi đối với chúng ta, xem thơ, nói chuyện thơ, không có mục đích nào khác hơn là hưởng thú, hưởng thú để di dưỡng tính tình, để tăng tiến trên đường học vấn.
Nhưng không nên lý luận suông mà sanh chán.
Bấy nay đã đem Mai của cố nhân ra làm quà cho các em, tuy chưa được bao năm, song các em cũng đã biết qua mùi vị. Bây giờ, tôi xin gởi đến các em một ít ‘cây nhà lá vườn’.
Xuân Giáp Dần (1974), nhân khóm mai trong vườn, trong tháng Giêng, tháng hai nở lác đác, sang tháng ba nở vun cành, tôi cao hứng ngâm được một luật:
Giếng ngọt Giang Nam một khóm già
Xuân ngoài sáu chục nhánh triều hoa
Tình xuân chừng đợi duyên công chúa
Hương muộn càng say giấc tố nga
Mộng ngắm sương khuya hồn động ngọc
Vần gieo gió sớm bút trau ngà
Hỡi người thức trắng đêm thương nhớ
Tiếng địch thành cao vọng bến xa.
Tứ tuy không thoát khỏi phạm vi ảnh hưởng của cổ nhân, nhưng tình cảnh chân thiết, nên chép ra lòng không mấy ngại ngùng.
Gần đây, nhân thấy người hàng xóm vất một nhành mai hết thời rơi xó nhà bếp, tôi cảm giác được bốn vần:
Trước tết Mai là hoa
Sau tết Mai là củi
Trước bao nhiêu nâng niu
Sau bấy nhiêu hất hủi
Nâng niu Mai chẳng mừng
Hất hủi mai không tủi
Nghìn trước gẫm nghìn sau
Khe trong lòng bóng núi.
Nhìn qua thì an nhiên tự tại, nhưng chíp chắp vẫn thấy chua chát ngậm làm ngon, làm ngon để thấy lòng an nhiên tự tại.
Tôi nhận thấy người cũng như mình, xưa cũng như nay, nói đến MAI chỉ vì mình mà nói, chế chưa từng thấy thi nhân vịnh Mai vì Mai. Đối với Mai như thế cũng phụ phàng quá! Song Viên Mai lại nói:
-    Thơ vịnh vật mà không có ký thác thì chẳng khác lời đùa cợt của trẻ em…, không phải Thơ vậy.
Vậy một khi Mai đã ôm ấp lòng thi nhân vào lòng mình để cùng tan biến thành thơ, thì thơ kia là Mai hay Thi nhân đâu còn là hai nữa, mà người đọc chúng mình còn phân biệt Ngã, Nhân.
Thơ vịnh Mai là thế. Thơ vịnh các vật khác cũng thế.
Hiểu Vân và các em yêu thơ có biểu đồng?
__________________________________________
(1) Bài số 15.   
(2) Bài số 08.
      Trong Vườn Hoa là một tập thi thoại chưa xuất bản.
(3) Về thể Lục Ngôn, tôi đã nói kỹ trong tập thi thoại HƯƠNG VƯỜN CŨ.
(4) Nguyên văn: Nhỉ duy huấn vu trẫm chí. Nhược tác tửu lễ, nhĩ duy cúc nghiệt. Nhược tác hoa canh, nhĩ duy diêm mai. Nhĩ giao tu dư, võng dư khí. Dư duy khắc mại nãi huấn.
(Kinh thư – Thiên Duyệt Mệnh hạ)




18. BÀI THƠ HỮU SỞ TƯ

Nha Trang, trung tuần tháng hai Đinh Tỵ (1977)

Khánh Vân,
Bài HỮU SỞ TƯ của Lư Đồng là một bài Trường thiên Cổ thể:
                        Đường thời ngã tý mỹ nhân gia
                        Mỹ nhân nhan sắc kiều như hoa
                        Kim nhật mỹ nhân khí ngã khứ
                        Thanh lâu châu bạc thiên chi nha
                        Quyên quyên hằng nga nguyệt
                        Tam ngũ nhị bát dinh hựu khuyết
                        Thuý my thuyền phát sinh biệt ly
                        Nhất vọng bất khiến tâm đoạn tuyệt
                        Tâm đoạn tuyệt hề kỹ thiên lý
                        Mộng trung tuý ngoạ Vu Sơn vân
                        Giác lai lệ trích Tương giang thuỷ
                        Tương giang lưỡng ngạn hoa mộc thâm
                        Mỹ nhân bất khiến sầu nhân tâm
                        Hàm sầu cánh tấu lục ỷ cầm
                        Điệu cao huyền tuyệt vô tri âm
                        Mỹ nhân hề mỹ nhân
                        Bất tri vi mộ vũ hề vi triêu vân
                        Tương tư nhất dạ mai ba phát
                        Hốt đáo song tiền nghi thị quân

Tản Đà tiên sinh dịch:
                              Hôm ta say ở nhà ai
                              Mặt ai xinh đẹp vẽ người như hoa
Bây giờ người đẹp bỏ ta
Lầu xanh rèm ngọc cách xa chân trời
Cung Hằng trong trẻo gương soi
Ba năm hai tám đầy vơi lạ gì
Tóc ve mày thuý chia lìa
Đức tươm khúc ruột chăng vì khuất nhau
Khuất nhau cách mấy ngàn dâu
Để ai ruột đức lòng đau lúc này
Non Vu say giấc nằm mây
Tỉnh ra nước mắt tuông đầy mặt Tương
Sông Tương cây cối chen hàng
Ngóng ai chẳng thấy sầu thương dạ người
Ngậm sầu gảy khúc đàn chơi
Điệu cao dây đứt không người biết nhau
Hởi ơi người đẹp ta đâu
Mưa chiều mây sớm ai hầu biết ai
Nhớ nhau suốt một đêm dài
Trước sân trăng toát hoa mai lúc nào
Ngỡ mình chẳng phải mình sao?
        
Ba chữ HỮU SỞ TƯ của đề bài, Tản Đà Tiên sinh dịch là 'Có nhớ ai'. Tôi e không sát ý. Tưởng nên để nguyên đầu đề thì hơn. Ba chữ ấy có nghĩa là ‘Nhớ có chỗ’, tức là không phải nhớ bông lông. Dịch ra quốc âm đã không lột hết ý nghĩa mà lại nghe không sướng tai. Huống hồ HỮU SỞ TƯ nguyên là đầu đề của bài Cổ nhạc phủ đời Hán, các thi nhân đời sau mượn để sáng tác những khúc mới theo tâm sự hoặc cảnh ngộ của mình.

Theo sách CỰU THI LƯỢC LUẬN của Lương Xuân Phương, một học giả Trung hoa cận đại, thì bài Hữu sở tư nguyên thuỷ đại ý nói rằng ‘nhân nghĩ ngợi và sinh ra ghét ghen, nhân ghét ghen mà muốn dứt tình’. Còn theo tập LÝ HẠ, quỉ tài và quỉ thi, của Tuệ sĩ, một thiền sư kiêm thi sĩ hiện đại, thì Hữu sở tư là đề của một bài nhạc phủ đầu tiên do Hàn Vũ Đế sáng tác, gồm 17 câu, có ý dụ hàng quân Nam Việt, sau khi Triệu Đà băng hà, Tự Quân còn nhỏ, Cù Thái hậu thông gian cùng sứ giả Trung Hoa.
Tôi chưa được đọc bài nhạc phủ ấy. Không biết bài của Lương Xuân Phương đề cập và bài của Tuệ Sĩ giới thiệu là một hay hai, vì không thấy trích dẫn trong hai tập biên khảo.
Trong tập biên khảo của họ Lương có trích dẫn một đôi đoạn trong các bài của các thi nhân đời sau nghĩ tác về đề Hữu Sở Tư:
Như hà hữu sở tư
Nhi vô tương kiến thì
Dục tri ưu năng lão
     Vi thị kính trung ti      
                 (Vương Duy)
Nghĩa là:                         
Vì sao lòng nặng nhớ nhung
                                        Vì khi trông đợi không cùng thấy nhau
                                        Ưu phiền dục tuổi già mau
                                        Trong gương tơ trắng đổi màu tóc xanh.

-  Tây lai thanh điểu đông phi khứ
Nguyện ký nhất thư tạ Ma Cô.
                                                                                (Lý Thái Bạch)
Nghĩa là:
Chim xanh bay thẳng về đông
Một phong thư gởi tạ lòng Ma Cô.

Trong tập biên khảo của Tuệ Sỹ, bài của Lý Hạ được chép toàn thiên:
Khứ niên mạch thượng ca ly khúc
Kim nhật quân thơ viễn du Thục
Liêm hoạ hoa khai nhị nguyệt phong
Đài tiền lệ trích thiên hàng trúc
Cầm tâm dữ thiếp trường
Thử dạ đoạn hoàn tục
Tưởng quân bạch mã huyền điêu cung
Thế gian hà xứ vô xuân phong
Quân tâm vị khẳng trấn như thạch
Thiếp nhan bất cửu như hoa hồng
Dạ tàn cao bích huyền trường hà
Hà thượng vô lương không bạch ba
Tây phong vị khởi bi long thoa
Niên niên chức tố toàn song nga
Giang sang thiếu đệ vô hưu tuyệt
Lệ nhãn khang đăng tạc minh diệt
Tự tùng cô quán thân toả song
Quế hoa kỷ độ viên hoàn khuyết
Nha nha hưởng hiểu minh lâm mộc
Phong quá trì đường hưởng tòng ngọc
Bạch nhật tiêu điều mộng bất thành
Kiều nam cánh vấn tiên nhân bốc.

Tuệ Sĩ dịch theo nguyên điệu:
Năm qua đầu ngõ ca ly khúc
Ngày nay thơ chàng xa đất thục
Ngoài rèm hoa nở gió tháng hai
Trước đài lệ nhỏ nghìn khóm trúc.

Lòng đàn và ruột thiếp
Đêm nay đứt lại nối.

Tưởng chàng ngựa trắng treo đồng cung
Thế gian nơi đâu không gió xuân
Lòng chàng chưa chịu vững như đá
Sắc thiếp không lâu như hoa hồng.

Đêm tàn ngất tạnh giải sông Ngân
Sóng bạc trơ sông không cầu ngang
Khung cửi buồn mong gió Tây thổi
Năm năm dệt lụa đôi mày nhăn.

Núi sông vời vợi người heo hút
Mắt lệ trông đèn sáng rồi tắt
Từ khi quán vắng khép kín song
Hoa quế máy lần tròn lại khuyết

Rừng cây tinh sương đàn quạ giục
Gió lộng bờ ao rộn tiếng ngọc
Ngày trắng tiêu điều mộng không thành
Cầu Nam bói thử kỳ hẹn ước.
Dịch thật sát ý nghĩa, nhưng vì dịch giả là một nhà sư chân chính nên không có vị tình lẫn vào vị thơ. Bắt chước Tản Đà Tiên sinh dịch thơ Lư Đồng, tôi thử dịch thơ Lý Hạ theo thể lục bát:
Đường xưa ngâm khúc ly ca
Ngày nay đất thục đã xa thư chàng
Rèm hoa xuân nở muộn màng
Trước đài lục trúc muôn hàng lệ tuôn
Đêm nay lòng thiếp lòng đàn  
Đức thôi lại nối ngổn ngang tơ lòng
Tưởng chành ngựa trắng đeo cung
Nơi đâu nơi chảng gió đông dịu dàng
Đá xây chưa vững lòng chàng
Hoa dung thiếp cũng dễ dàng tàn xuân
Đêm tàn quạnh quẻ sông Ngân
Mênh mông sóng bạc bờ không nhiệp cầu
Đường thoi ngọn bất thổi mau
Năm năm khung gấm những chau đôi mày
Núi sông vời vợi tháng ngày
Đèn chong mắt lệ tắt rày sáng mai
Từ phen quán vắng thoen cài
Bao lấn hoa quế rụng rồi lại lưng
Tinh sương giục giã quạ rừng
Bờ ao gió lộng vang lừng ngọc châu
Ngày buồn mọng chẳng thành đâu
Nhớ kỳ hẹn ước qua cầu hỏi tiên.

Bài của Lư Đồng là chàng nhớ thiếp. Bài của Lý Hạ là thiếp nhớ chàng. Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai? Không thể nói hơn kém, chỉ có thể nói sầu của Lư Đồng mênh mông, sầu của Lý Hạ da diết. Và Lư Đồng thương nhớ một cách ngọt ngào, Lý Hạ nhớ thương pha lẫn bức rức.
Nói tóm lại: thi nhân mượn đầu đề HỮU SỞ TƯ để tả lòng nhớ thương nhau vì xa cách. Thường thường thiên về niềm luyến ái. Nhưng đôi khi cũng ra ngoài thông lệ. Như Hà Thừa diễn tả lòng thương nhớ song thân:       
HỮU SỞ TƯ
Tư tích nhân
Tăng Mẫn thị tử
thiện dưỡng thân
Nghĩa là:                         
NHỚ CÓ CHỖ
Nhớ cố nhân
Thầy Tăng thầy Mẫn
Nuôi nấng hai thân trọn niềm

Mượn đề HỮU SỞ TƯ để Thầy Tăng thầy Mẫn ngồi. Hai thầy ngồi để tác giả có chỗ gởi lòng đau buồn không phụng dưỡng được cha mẹ mình vì ở xa cách. Cho nên HỮU SỞ TƯ của tác giả, trên văn chương là thầy Tăng thầy Mẫn, nhưng trong thâm tâm là hai đấng sinh thành.
Đề tài cũ mà thi nhân mượn để sáng tác có nhiều. Ngoài đề HỮU SỞ TƯ, còn những đề thông dụng như: Thanh bình điệu, Lương châu từ, Ô thê khúc…, vân vân...
Mượn đề cũ để sáng tác có nhiều cách:
-   Đề đồng ý dị
-   Đề đồng sự dị
-   Đề đồng điệu dị
Nói qua cho biết thôi, chớ không nên đi sâu vào chi tiết, vì không khéo mục đích thư thoại trở thành khảo cổ là chỗ sở đoản của tôi.

Bài của Lư Đồng, mặc dù chưa nghiên cứu kỹ, chúng ta cũng có thể tin rằng đó là niềm nhớ thương người tình xa cách. Còn bài của Lý Hạ, theo Tuệ Sỹ thì 'hình như mô tả tâm trạng Trác Văn Quân chờ đợi ngày về của Trương Như từ đất thục’. Có lẽ đúng. Song Trương Như là ai, trong khi Trác Văn Quân không ai khác là tác giả?
Sẽ tìm Tuệ Sỹ để hỏi thăm
Bây giờ xin tạm dừng bút./.