Những bức thư thơ 17.Lời hẹn ước - 18.Khúc Hà Mãn Tử


17. LỜI HẸN ƯỚC

Nha Trang, tiết Lập Đông năm Kỷ Hợi (1959)
Em Hồng Loan,
Câu lục bát:
Duyên em trái đã nặng cành
Kiếp này khôn dễ nối tình Ngọc Tiêu.
Dùng đến hai điển, một điển về Đỗ Mục, một điển về Vi Cao.
ĐỖ MỤC là một thi nhân đời Vãn Đường (836 -905). Khi làm Thứ Sử Trì Châu nghe đồn đất Hồ Châu có nhiều mỹ nữ liền tìm đến. Tình cờ gặp một thiếu nữ tuyệt đẹp, nhưng tuổi mới lên mười. Đỗ không ngại, theo đến nhà, đưa sính lễ đính hôn và giao ước cùng bà mẹ 10 năm nữa đến làm quan Hồ Châu sẽ làm lễ thành hôn. Nếu quá hạn ấy mà không đến thì Nàng hãy lấy người khác. Bà mẹ nhận lời. Nhưng chờ đến 12 năm cũng không thấy Đỗ trở lại. Bất đắc dĩ phải cho con lấy chồng.
Sau đó 2 năm, Đỗ được bổ làm Thứ Sử Hồ Châu. Thân đến tìm thiếu nữ thì nàng đã có hai con. Đỗ bùi ngùi làm bài Tự Uỷ:
Tự thị tầm xuân khứ giảo trì
Bất thường trù trướng oán phương thì
Cuồng phong lạc tận thâm hồng sắc
Lục diệp thành âm tử mãn chi
Nghĩa là:
Chậm bước tầm xuân nguyện chẳng thành
Nỡ đem thương tiếc oán ngày xanh
Gió cuồng thổi hết bao hồng thắm
Lá đã sum cây trái nặng cành.
VI CAO cũng người đời Đường. Lúc nhỏ có việc đến Giang Hạ, ở trọ nhà một vị sứ quân họ Khương. Con trai sứ quân là Kinh Bảo rất quí trọng Vi, tự mình săn sóc từ nơi ăn chốn ở, lại sai một con thị tỳ nhỏ tên Ngọc Tiêu hầu hạ bên cạnh.
Ngọc Tiêu lúc bấy giờ mới 10 tuổi, nhưng có sắc đẹp, tánh lại thông minh cần mẫn, nên Vi rất yêu quí.
Được hai năm Vi phải về quê có việc cần. Kinh Bảo ngỏ ý xin cho Ngọc Tiêu được theo hầu gối khăn. Vi nhận tình nhưng xin gởi Ngọc Tiêu lại trong vòng 5 năm, hoặc lâu lắm là 7 năm, sẽ trở lại đón. Đoạn tặng nàng một vòng ngọc làm tin. (1)
Nhưng rồi 7 năm trôi qua mà Vi Cao không thấy lại. Ngọc Tiêu buồn thương, bỏ ăn mà thác. Nhà họ Khương thương tình, lấy vòng ngọc đeo vào tay mà chôn.
Cách đó một thời gian lâu, Vi Cao được bổ làm quan Bộc Xá tại Giang Hạ. Vừa gặp lúc Kinh Bảo có người nhà phạm tội bị vạ lây. Vi ra sức cứu khỏi. Nhân hỏi thăm Ngọc Tiêu. Bảo kể hết sự tình, và đưa trình một bài thơ của Ngọc Tiêu để lại:
Huỳnh tước hàm hoàn dĩ sổ xuân
Biệt thời lưu giải tặng giai nhân
Trường nhai bất kiến ngư thơ chí
Vị khiển tương tư nhập mộng tần (2)
Nghĩa là:
Sẻ ngậm vòng châu đã mấy xuân
Gởi tình ly biệt tặng giai nhân
Chân mây vắng vẻ tin nhàn cá
Từng gối tương tư khiến mộng gần
Vi Cao thương cảm vô cùng, trước đông người vẫn không cầm được dòng lệ xối.
Để đáp lòng Ngọc Tiêu, Vi thuê người tạc tượng nàng và lập đàn cầu siêu. Đêm đến chiêm bao thấy Ngọc Tiêu đến tạ:
-   Trọn nhờ ơn sâu, thiếp đặng thác sinh vào nhà khác. Xin hẹn 15 năm nữa sẽ đến làm kẻ tỳ thiếp nhà chàng.
Từ ấy Cao Vi làm quan ở Giang Hạ. Trải 13 năm tới mới được thăng làm Trung thư Lệnh. Nhân ngày sinh nhật Vi mở tiệc ăn mừng. Lễ mừng đều là của quí vật lạ. Duy một người ở Đông Xuyên tên là Lư Bát Toạ đem dâng 1 ca nhi tuổi vừa mười lăm, tên Ngọc Tiêu, dung mạo giống hệt Ngọc Tiêu nhà họ Khương ngày trước. Nơi tay lại có mộtvòng thịt nổi lên trông như chiếc vòng ngọc. Biết là hậu thân của người xưa. Vi Cao than:
-   Ngọc Tiêu thật không quên tình cũ.
Em Hồng Loan,
Hai mối tình, tương tợ phần đầu, di biệt phần cuối. Nhưng cả hai giai nhân đều ở trong tình cảnh đau thương. Có người bảo:
-   Ngọc Tiêu cũng như người thiếu nữ đất Hồ Châu đều đáng thương. Còn Vi Cao cũng như Đỗ Mục đều đáng giận. Nếu hai người biết trọng chữ tín thì đâu đến nỗi làm luỵ giai nhân.
Thật không ai dám cãi. Song việc đời đâu có phải hễ dốc lòng là được. Cũng có lắm trường hợp bất khả kháng. Biết đâu trong thời gian xa cách Đỗ, Vi lại chẳng gặp phải những chuyện bất ngờ đành cam chịu tiếng phụ bạc.
Nhưng thôi, lòng cổ nhân riêng cổ nhân biết lấy. Chúng ta nên trở lại cùng câu:
Duyên em trái đã nặng cành
Kiếp này khôn dễ nối tình Ngọc Tiêu.
Một câu thơ 14 chữ mà dùng đến hai điển. Và hai điển nhờ khác nhau ở phần cuối, nên mới phối hợp với nhau được để sanh ra câu lục bát kia. Câu thơ tuy nhiều chất liệu, song vẫn trong trẻo nhẹ nhàng.
Xem một câu thơ một bài thơ có dùng điển, ngoài cái thú thưởng thức được cái hau cái đẹp của thơ, chúng ta còn hưởng thêm cái thú nơi điển cố và cái thú trong nghệ thuật dùng điển của tác giả. Nhưng không phải tất cả những thơ có dùng điển đều gây hứng thú cho người đọc. Nếu thơ không hay, cách dùng điển không khéo, thì nhìn vào chữ nghĩa chúng ta thấy ngổn ngang những xương cốt của văn thơ xưa.
Chắc em thông cảm?
Xin chào em.
_________________________________________________________________________________
(1)   Có sách chép là Vi Cao tặng một chiếc nhẫn ngọc (Ngọc chỉ) và nơi ngón tay của hậu thân Ngọc Tiêu có một vòng thịt nổi lên trông như chiếc nhẫn.
(2)   Bài thơ này có sách chép rằng:
Huỳnh tước qui lai dĩ cập xuân
Biệt thời lưu giải tặng giai nhân
Trường giang bất kiến ngư thơ chí
Vị khiển tương tư mộng nhập tần.
Và ghi là của Vi Cao tặng Ngọc Tiêu. Xét kỹ thì 2 câu trên là giọng tặng biệt, 2 câu dưới là giọng nhớ mong. Bảo là của Ngọc tiêu có phần đúng hơn. Nên tôi theo sách Dị Văn mà thuật như trên.



18. KHÚC HÀ MÃN TỬ

Nha Trang, tiết Tiểu Tuyết năm Kỷ Hợi (1959)

Chị Mỹ Dung,
Nếu thật lòng thương yêu nhau thì nước non ngày tháng dù cách mấy dù lâu mấy cũng không thể làm đứt không thể làm phai được tình nhau.
Chị không tin?
Tôi xin chứng minh bằng một câu chuyện vừa cảm động vừa lý thú:
Niên hiệu Đại Lịch đời Đường Đại Tông (766-779), quan Thứ Sử Linh Vũ là Lý Diệu mở tiệc đãi khách. Rượu được vài tuần, một vị khách cao hứng đứng lên hát. Vị khách họ Lạc, tuổi đã trên dưới sáu mươi. Khúc hát ai oán, giọng hát não nùng. Ai nấy đều cảm động và khen hay. Nhưng không biết là khúc gì. Lạc ông cho biết là khúc Hà Mãn Tử. Lý thứ sử nói: - Trong tệ dinh có người lão kỵ cũng có khúc hát âm điệu tương tự khúc hát của quý khách.
Lạc ông kinh ngạc, xin cho gọi nàng ra để được nghe. Liền đó, một người đàn bà tóc đã huê râm, nghiêm trang bước ra cất tiếng hát. Giọng hát con thê lương hơn cả giọng của Lạc ông. Mọi người đều sụt sùi. Khúc hát dừng, Lạc ông sửng sốt hỏi:
-       Nàng có phải là Hồ Nhị Tử ở trong cung ngày xưa?
-       Nàng giật mình, nhìn Lạc ông hỏi lại:
-       Chàng phải chăng là Lạc Hàn Lâm ở Lê Viên?
Cố nhân gặp cố nhân, mừng mừng tủi tủi, trong chốn đông người bốn hàng lệ dù muốn ngăn cũng không thể ngăn. Rồi thể lời chủ nhân và tân khách, Lạc ông kể rõ sự tình.
Nguyên niên hiệu Thiên Bảo (742-755), Đường Huyền Tông tổ chức một đội nhạc phủ, ngoài số nam thanh, còn chọn 3000 nữ tú sung vào đội nữ nhạc. Vì nhạc phủ nằm trong Lê Viên nên tất cả nam nữ trong nhạc phủ đều gọi là Lê Viên tử đệ.
Trong đội nữ nhạc có một mỹ nhân người đất Thượng Châu, phấn hương hơn cả chị em, lại giỏi thơ tình âm luật, tên là Hà Mãn Tử, thường gọi là Hồ Nhị Tử. Một lần Nhị Tử thất ý Huyền Tông nên bị tội. Nàng soạn một khúc hát dâng lên nhà vua để minh oan, lời lâm ly bi thống. Vua cảm động tha tội. Khúc hát liền được truyền tụng trong cung. Những cung nhân gặp lúc buồn đều đem ra hát, và khi hát lên người chung quanh dù vui đến đâu cũng phải rơi nước mắt. Trong cung gọi khúc ấy là khúc Hà Mãn Tử.
Lạc công cũng là một Lê Viên tử đệ. Vì có tài về văn học nên được phong hàm Hàn Lâm. Lạc Hàn Lâm phải lòng Hồ Nhị Tử  mà Tử đối với Lạc cũng không hờ hững. Song trong nơi cấm kỵ đành yêu nhau cách ngăn.
    Năm Thiên Bảo thứ 14 (755) An-Lộc-Sơn khởi loạn, vua chạy vào Ba Thục. Các Lê-Viên tử đệ đều thất tán. Lạc Hàn Lâm hết lòng hết công tìm kiếm, nhưng không biết Hồ Nhị Tử  trôi nổi ở phương nào!
Ngót 20 năm trời, thời thế đã đổi thay, dung mạo đã đổi thay, bỗng tình cờ gặp gỡ! Cuộc trùng phùng đầy cả bi thương lẫn hoan hỷ mà cũng thật là hy hữu ly kỳ.
Trong đám tân khách có thi nhân TRƯƠNG HỰU. Thi nhân cảm động, soạn một tuyệt tặng cho Lạc Hà:
Cố quốc tam thiên lý
Thâm cung nhị thập niên
Nhất thanh Hà Mãn Tử
Song lệ lạc quân tiền.
Nghĩa là:
Ba nghìn dặm xót cố hương
Cung xưa hai chục năm trường nhớ nhung
Khúc Hà Mãn Tử hát xong
Nhìn nhau bốn mắt ròng ròng tuôn mưa
Mối tình thật đẹp!
Nhưng mối tình đẹp ấy nếu không có khúc Hà Mãn Tử thì biết có nối lại được chăng? Mà dù có nối lại được, nếu không có thơ Trương Hựu trang điểm, không có văn của người chép truyện ấp ủ, thì phỏng có thể vượt không gian từ Trung Hoa sang Việt Nam để thắm mãi với thời gian không sanh không diệt?
Cho nên muốn giữ tình yêu thương chân thật chắc chắn không phai lạt khoảng trăm năm và mãi thơm thắm ngoài nghìn thu, thì phải nuôi dưỡng bằng văn chương, bằng văn chương bất hủ.
Xin chào chị./.