Những bức thư thơ 19.Thơ trong áo thú - 20.Hai khúc buồn vui


19. THƠ TRONG ÁO THÚ

Nha Trang, tiết Đại Tuyết năm Kỷ Hợi (1959)

Em Tuyết Nga,
Em thích chuyện Thuỳ Dương Hoa gởi thư trong áo thú hơn chuyện Hàn Thuý Tần đề thơ trên lá thắm (1).
Nhưng chuyện Đề thơ lá thắm là chuyện duy nhất từ xưa đến nay, chớ chuyện gởi thư áo thú vốn có trên một. Chẳng nói đâu xa, xin nói ngay ở đời Đường:
VƯƠNG GIÁ, người quận Hà Trung, là một thi nhân có danh thời Vãn Đường. Vợ là TRẦN NGỌC LAN, con nhà vọng tộc ở Ngô Quận, người đẹp thơ hay. Vợ chồng rất yêu quý nhau.
Đời vua Hy Tông (874-888), Hoàng Sào khởi loạn. Vương phải đi thú đóng ngoài ải Đồng quan. Trần thị ở nhà phòng hương vò võ. Nhân khi gởi áo rét ra quan ải cho chồng, thị dấu vào lần vải lót một bài thơ tỏ niềm thương nhớ:
Phu thú biên quan thiếp tại Ngô
Tây phong xuy thiếp thiếp ưu phu
Nhất hàng thư ký thiên hàng lệ
Hàn đáo quân biên thư đáo vô
Nghĩa là:
Thiếp giữa trời Ngô chồng ải sói
Gió tây thổi thiếp thiếp thương chồng
Mỗi hàng thơ gởi muôn hàng lệ
Lạnh đến bên chàng thơ đến không?
Vương xem thơ, không cầm được lòng thương cảm, ôm mặt khóc rưng rức. Viên Tam quân là Trương Lân trong thấy hỏi. Vương kể hết sự thể và đưa bài thơ ra trình. Trương Lân xúc động, vào bẩm cùng chủ tướng xin cho Vương được giải ngũ.
Thuỳ Dương Hoa nhờ một bài thơ mà cứu được một người khỏi khổ và giúp cho mình được chồng. Trần Ngọc Lan cũng được sự may mắn tương tự. Nhưng việc làm của Thuỳ Dương Hoa có phấn nguy hiểm hơn Trần Ngọc Lan. Bởi nếu rủi ro gặp ông vua hà khắc thì nhất định Ngưu Sinh không được phận và Thuỳ Dương Hoa chưa chắc đã được yên thân, nếu không mất mạng. Còn vợ lén gởi thư cho chồng, thì dù quân kỷ nghiêm khắc đến đâu cũng quở trách là cùng chớ không đến nổi hành tội. Tuy thế lòng vẫn không thật yên ổn. Hoàn toàn yên ổn là lòng gởi cho lá đưa ra ngoài dân gian. Không sợ ai hết, không ngại chi hết. Nhưng quá ư buồn! Thế gian mênh mông bát ngát, lòng mình biết trôi giạt về đâu?
Lòng Hàn Thuý Tần là cỏ bồng bay theo gió.
Lòng Thuỳ Dương Hoa là sợi tơ không lưỡi câu thả trong hồ nước lạnh lẽo cá nhiều.
Lòng Trần Ngọc Lan là trái nhãn lồng ném cho con chim quyên đương bay trong làn mây trắng.
Con chim quyên có nhận được trái nhãn lồng chăng chẳng biết, nhưng gởi lòng vẫn thấy mục đích rõ ràng.
Tuy không nhắm được mục đích câu được cá, song lòng Thuỳ Dương Hoa không đến nỗi phiêu bồng như lòng Hàn Thuý Tần, vì nơi gởi lòng chỉ thu hẹp trong vùng quan tái.
Không mục đích, không sở trú, lòng Hàn Thuý Tần thật bơ vơ trong cõi nước mây man mác.
Vì vậy thơ của Trần Ngọc Lan thiết tha nhưng không lạnh lùng. Thơ của Thuỳ Dương Hoa lạnh lùng nhưng không bát ngát. Ngó thì lợt lạt, nhưng vừa bát ngát vừa lạnh lùng, là thơ của Hàn Thuý Tần.
Em Tuyết Nga,  
Xem chuyện có cái thú của chuyện (2). Xem thơ có cái thú của thơ. Cho nên khi xem những chuyện nên thơ, những chuyện có thơ, em nên xem đi xem lại để hưởng cho hết cái thú trong chuyện và trong thơ.
Xin chào em, và cầu chúc em mỗi lần xem lại một câu chuyện nên thơ, một câu chuyện có thơ, là mỗi lần tìm thấy cái hay cái thú mới. Bởi những món đồ cổ quí giá thường theo hoàn cảnh bên ngoài, trạng thái bên trong của người xem, mà cung cấp những gì đáng cung cấp, có thể cung cấp, cung cấp cho người có chí có tâm./.
______________________________________
(1), (2) Xem bức thư ‘Vần thơ đưa duyên’ ở trước.


20. HAI KHÚC BUỒN VUI

Nha Trang, tiết Đông Chí năm Kỷ Hợi (1959)

Bác Dương Long,
Hai khúc ngâm bác hỏi đó, một khúc buồn một khúc vui.
Khúc Tây Phong là khúc buồn.
Nguyên CỐ HUỐNG đời Đường (618-906) để vợ, bức rức xốn xang, cảm tác một tuyệt:
Không lâm đối hư dũ
Bất giác trần ai hậu
Hàn thuỷ lạc phù dung
Tây phong đoạ dương liễu
Nghĩa là :
Cửa trống đối rừng không
Ai hay lọt bụi hồng
Gió tây trốc dương liễu
Nước lạnh rụng phù dung.
Khúc ngâm được truyền tụng. Các danh ca thường dùng ngâm theo tơ trúc và đặt tên là khúc Tây Phong.
Còn khúc Kim Lũ Y là khúc vui.
Kim lũ Y là áo thêu bằng chỉ kim tuyến.
Khúc ấy là của ĐỖ THU NƯƠNG, cũng người đời Đường, quê ở Kim Lăng.
Mười lăm tuổi đã nổi tiếng đẹp và giỏi thơ. Quan Tiết Độ sứ Trấn hải  là LÝ KỲ cưới làm vợ bé. Nhân trong tiệc rượu nàng soạn khúc Kim Lũ Y để phổ nhạc tặng Lý:
Khuyến quân mạc tích kim lũ y
Khuyến quân tích thủ thiếu niên thì
Hoa khai kham chiết trực tu chiết
Mạc đãi vô hoa không chiết chi
Nghĩa là:
Khuyên chàng chớ tiếc áo thêu
Tuổi xuân khuyên tiếc, tiếc nhiều, chàng ơi.
Bẻ cành bẻ lúc hoa tươi
Đừng chờ đợi lúc hoa rơi trống cành.
Khúc Kim Lũ Y không mấy lúc mà được phổ biến khắp các phường nhạc, và tên tuổi Đỗ Thu Nương vang dội trong làng văn chương.
Tánh chất hai khúc ngâm thật khác hẳn nhau. Nhưng tình cảnh hai tác giả chỉ khác nhau trong  khi sáng tác: Cố Huống sáng tác lúc cùng vợ sanh ly, Đỗ Thu nương sáng tác trong lúc cùng chồng đối ẩm.
Nhưng rồi Nương cũng không được cùng chồng đoàn tụ mãi, vì Lý Kỳ mưu phản nhà Đường, sự không thành, bị giết. Nương nhờ vua Đường Hiến Tống luyến cố khỏi bị vạ lây và được đưa vào cung dạy các hoàng tử. Sống trong cung với niềm tử biệt, trải ba triều vua. Đến triều Văn Tông (827-840), Nương đã có tuổi mới xin về Kim Lăng.
Khúc Tây Phong và khúc Kim Lũ Y làm theo thể Tỷ.
Nghĩa bóng của khúc Tây Phong dễ thấy: Tiền giải nói về nguyên nhân việc chia lìa, hậu giải tỏ lòng thương hại người vợ bị để. Buồn chứ không trách, thương chớ không giận. Phải chia lìa nhau là vì lẽ phải vậy. Chớ “đắng cũng là ruột, chẳng chọc chọc thì đâu” như lời cụ Nguyễn Đôn Phục đã nói. Đó là lòng thi nhân, xưa nay đều thế cả.
Còn khúc Kim Lũ Y thì một hình mà đến hai bóng. Bóng gần thì chẳng khác chi câu ca dao:
Chơi xuân kẻo hết xuân đi
Cái già lẽo đẽo nó thì theo sau.
Bóng xa, tưởng cần lắng lòng mới thấy. Lý Kỳ vốn tôn thất nhà Đường và đã có lòng gắm ghé ngôi báu từ lâu. Đỗ Thu Nương nhận biết được, mới ngụ ý khuyên can :
Ao thêu kim tuyến vi với ngôi cửu ngũ.Ngôi cửu ngũ tuy quí nhưng sao bằng hạnh phúc của trời cho: đời sống yên vui một bên thơ hay vợ đẹp. Hạnh phúc trời cho đã rõ ràng trước mắt. Khuyên chàng hãy lo mà hưởng, chớ đừng chạy theo cảnh hào nhoáng nhân tạo của chiếc áo thêu kim tuyến kia, mà rồi trong tay sẽ chỉ còn một nhánh không hương không phấn.
Cố Huống vì không đề phòng mà phải chịu cảnh phân ly. Đỗ Thu Nương đã đề phòng mà cảnh phân ly vẫn không tránh khỏi. Lòng trời thật không biết sao mà dò!
Nhưng nếu đời luôn luôn bình an vô sự, thì chúng ta lấy chuyện đâu mà nói lấy thơ đâu mà đọc. Phải chăng bác Dương Long?