Những bức thư thơ 19.Huyền thoại trong thơ - 20.Vương Bột với bài thơ Đằng Vương Các


19. HUYỀN THOẠI TRONG THƠ

Nha Trang, Thượng tuần tháng Hai Đinh Tỵ (4-1977)

Tường Vân,
Câu:
Vân hoành Tần Lãnh gia hà tại
Tuyết ủng Lam Quan mã bất tiền
Là câu thơ của HÀN TƯƠNG tặng HÀN DŨ, rồi HÀN DŨ đem vào bài thơ đưa cho HÀN TƯƠNG.
HÀN TƯƠNG là cháu kêu HÀN DŨ bằng chú ruột. Tu tiên đắc đạo, danh xưng là HÀN TƯƠNG TỬ, cùng với Hán Chung Ly, Trương Quả Lão, Lý Tiết Quày, Tào Quốc Cửu, Lữ Đồng Tân, Hà Tiên Cô, Lâm Thái Hoà, Hợp Thành Bát Tiên.

HÀN DU (768-824), tự Thoái Chi, quê huyện Xương Lê, tỉnh Hà Bắc. Đậu tiến sỹ đời vua Đường Đức Tôn (780-805). Văn chương nổi tiếng. Làm quan có thành tích tốt.
Dưới thời vua Hiến Tôn (806-821), HÀN DŨ làm Binh Bộ Thị Lang ở Kinh về nhà mở tiệc hạ thọ. Hàn Tương về mừng chú câu thơ thượng dẫn. Không ai hiểu ý nghĩa như sao cả. Cách ít lâu, nhà vua cho đại thần đến chùa Phượng Tương rước cốt Phật vào cung thờ phụng. Hàn Dũ bèn dâng sớ lên can. Nhà vua nổi giận giáng Hàn làm Thứ sử và biếm ra Triều Châu. Hàn Dũ phải ra đi lúc nghiêm đông trên khoảng đường tám nghìn dặm. Qua khỏi dãy Tần Lãnh trập trùng, lại phải vượt ải Lam Quan chớm chở, rồi mới tới đất Triều Châu. Nhưng khi đến dưới chân Lam Quan thì tuyết xuống lấp cả đường sá, lấp cả núi rừng. Ngựa không làm sao đi được, chợt Hàn Tương đến, thưa cùng chú nên bỏ ngựa đi thuyền. Hàn Dũ hỏi:
-      Đang tiết nghiêm đông, tuyết phủ dày mặt nước, thuyền làm thế nào mà đi?
-      Thưa đã có cách.
Đoạn mời chú và người nhà xuống thuyền và bảo nhắm mắt lại. Ai nấy đều vâng theo. Bên tai nghe gió thổi và thuyền rẽ tuyết chạy như bay. Ước chừng một giờ, bên tai không còn nghe tiếng gió và thuyền như dừng lại. Tương Bảo mở mắt thì thuyền đã cập bến Triều Châu, trên sông Hàn đầy lam chướng. Chừng đó Hàn Dũ mới biết hai câu thơ kia ám chỉ việc bị giáng trích nầy.
Lúc chia tay Hàn Dũ đưa cho Hàn Tương một bài thơ trong có hai câu thơ ấy:
Nhất phong triêu tấu cửu trung thiên
Tịch biếm Triều Châu lộ bá thiên
Bản vị thánh triều trừ tệ sự
Cảm tương suy hủ tích tàn niên
Vân hoành Tần lĩnh gia hà tại
Tuyết ủng Lam quan mã bất tiền
Tri nhử viễn lai ưng hữu ý
Hảo thu ngô cốt Chướng giang biên.
Tạm dịch:   
Bệ rồng tờ tấu sớm ngày dâng
Chiều biếm Triều Châu ngất vạn trùng
Ơn nước những mong trừ tệ chính
Thân bèo đâu dám tiếc tàn dung
Mây giăng Tần lĩnh quê nhà khuất
Tuyết phủ Lam Quan vó ngựa chùng
Dặm thẳm tìm nhau bao hảo ý
Vì nhau thu lượm cốt bên song.
Câu kết thật thảm!
Bị trích đến Triều Châu, Hàn không hy vọng được trở về Kinh đô, tấm thân già chắc phải vùi nơi bờ song Chướng. Tuy vậy Hàn không chán nản, hết lòng lo việc nước việc dân.

Triều Châu (nay là huyện Triều An tỉnh Quảng Đông) ở gần biển. Cứ mùa nước lớn, cá sấu kéo lên từng đoàn làm hại dân bản xứ. Hàn Dũ đến nhằm lúc nhân dân đương gặp nạn, bèn làm văn quăng xuống nước tế cá sấu, rồi truyền gióng trống nổi đuốc khắp nơi, đuổi chúng ra biển. Từ ấy nạn cá sấu chấm dứt. Nhân dân tôn kính Hàn như thần minh.
Ít năm sau, nhà vua hồi tâm triệu Hàn về Triều.
Câu ‘Hảo thu ngô cốt…’ khỏi thành câu sấm thi. Còn câu ‘Vân hoành Tần lãnh… ’rất được truyền tụng. Người đời sau thường mượn chữ trong câu đem vào thơ văn mình, để tượng trưng cho lòng nhớ quê hương, nhớ cha mẹ:
Đoái thương muôn dăm tử phần
Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa.
                                                            (Đoạn Trường Tân Thanh)       
Để tượng trưng cho lòng nhớ quê hương, nhớ cha mẹ, còn một điển nữa cũng thuộc về MÂY:
Lòng còn gởi án mây Hàng
                                  Hoạ vần xin hãy chịu chàng hôm nay.                                                                                                (Đoạn Trường Tân Thanh)
Câu này cũng có chỗ chép là ‘Mây Vàng’
‘Mây Hàng’ hay ‘Mây Vàng’ đều có nghĩa như nhau.

‘Mây Hàng’ lấy tích ông Địch Nhân Kiệt đời Đường đi đánh giặc phương xa, đến núi Thái Hàng nhìn dặm mây trắng ẩn hiện sau non, nói cùng quân sĩ: ‘Nhà cha mẹ ta ở dưới đám mây trắng kia’.
‘Mây Vàng’ do câu cổ thi:
                              Thiên thượng hoàng vân ảnh
                              Du tử hà thời quy?
Nghĩa là:               
                              Trời cao phải ánh mây vàng
                              Bao giờ trở lại hỡi chàng viễn du?
Nói tóm lại ’Mây Tần’, ’Mây Hàng’, ‘Mây Vàng’, xuất xứ tuy khác, nhưng có ý nghĩa như nhau.

Nhân tiện, xin nói luôn về chuyện đuổi cá sấu.
Việc đuổi cá sấu lại xảy ra một lần thứ hai. Nhưng không phải xảy ở Triều Châu hay một nơi nào khác ở Trung Quốc, mà xảy ra ở Việt Nam:
Đại Việt Sử ký Toàn Thư chép rằng: Mùa thu, tháng 8 năm Thiên Bảo thứ 4 (1282), có cá sấu đến sông Lư Giang, tức sông Lô. Vua Trần Nhân Tông sai Hình bộ Thượng thư là NGUYỄN THUYÊN làm văn ném xuống sông. Cá sấu tự đi mất. Nhà vua cho việc này giống việc Hàn Dũ, bèn cho Nguyễn Thuyên đổi họ thành họ Hàn: HÀN THUYÊN.
Hàn Thuyên là người khởi xướng dùng thể Đường Luật làm thơ phú Quốc âm. Khách làng thơ suy tôn là Thuỷ tổ thơ nôm. Rất tiếc là tác phẩm bị thất truyền.

Chắc TƯỜNG VÂN đã thoả mãn về hai câu ‘vân hoành Tần lãnh…’, ’Tuyết ủng lam quan…’, nhưng còn muốn biết thêm về hai câu văn tế cá sấu.
Bài của Hàn Dũ là một giai phẩm còn lưu thế. Bài của Hàn Thuyên bị thất truyền và không biết là văn Nôm hay văn chữ Hán, vì sử không chép rõ. Nhưng bài của Việt Nam cũng như bài của Trung Quốc có uy lực gì huyền bí, làm cho cá sấu phải khiếp sợ bỏ đi không còn dám trở lại?
Hai bài văn tế không có uy lực chi cả.
Trước khi thả bài văn tế xuống nước, lẽ tất nhiên là phải lập đàn hoặc thiết hương án lên cúng tế. Trong lúc cúng tế, ở Việt Nam cũng như bên Trung Quốc, thế nào cũng có trống có chiêng, có đèn có đuốc. Và nhân dân địa phương thấy chuyện lạ kéo đến xem đông đảo. Thước sự đông đảo của nhân dân, sự huyên náo của chiêng trống và ánh rực rỡ của đèn đuốc, cá sấu núng thế phải rút lui dần dần. Thừa thế xông lên, mọi người hò hét la ó, chiêng trống đổ dồn, đèn đuốc đốt thêm. Khí thế vút trời làm cho cá sấu kinh khủng, kéo nhau chạy về nơi dầm vắng biển sâu, nghìn đời không còn dám quay trở lại.
Thả văn tế xuống nước chỉ là đánh một đòn tâm lý vào cân não những người ít suy nghĩ, những người tin tưởng vào thần linh, đó thôi.
Chuyện tế cá sấu cũng như chuyện Hàn Tương tặng hai câu thơ cho Hàn Dũ rẽ tuyết đến Triều châu, chúng ta nên coi là những giai thoại, những huyền thoại, dùng để gia vị cho văn chương thêm thơm thêm ngọt. Chẳng nên tin rằng có, cũng chẳng cần ngỡ rằng không…     



20. VƯƠNG BỘT VỚI BÀI THƠ ĐẰNG VƯƠNG CÁC

Nha Trang, Hạ tuần tháng Hai Đinh Tỵ (4-1977)

Hoàng Lan,
VƯƠNG BỘT tự Tử An là một trong tứ kiệt đời Sơ Đường (618-713). Ba nhà kia là Lạc Tân Vương, Dương Quýnh, và Lư Chiếu Lân. Thường gọi tắt là Vương, Dương, Lư, Lạc. Đỗ Phủ có thơ tán dương:
Vương Dương Lư Lạc đương thời thế
Bất phế Giang Hà vạn cổ lưu
Nghĩa là ‘Thể thơ của họ Vương họ Dương họ Lư họ Lạc, thời buổi ấy, không bỏ được, cũng như sông Giang sông Hà chảy mãi trong muôn đời’.

VƯƠNG BỘT sanh vào khoảng 647-649, mất vào khoảng 675-676, quê ở huyện Long Môn đất Giang Châu. Sáu tuổi đã biết làm văn. Chín tuổi đọc sách Nhan Sư Cổ đã biết vạch lỗi của Nhan. Mười bốn tuổi dâng thư cho quan Thái thường Lưu Tường Đạo, bày tỏ chí mình. Tường Đạo lấy làm kinh dị, dâng lên vua Đường Cao Tông. Vua triệu Vương vào điện khí đối sách, được liệt vào hạng cao đệ và được bổ làm chức Triều tán lang.
Thời bấy giờ các Vương tước nhân lúc nhàn hạ thường bày ra trò chọi gà để ăn thua nhau. Vương Bột cậy tài phụ khí, viết bài hịch ‘Anh Vương Kê Văn’ để đùa cợt. Nhà vua biết được, cho là khinh nhờn thân vương, liền giáng làm quan uý ở Kiếm Nam thuộc Tứ Xuyên.
Ra Tứ Xuyên dược ít lâu, có người nhà viên tham mưu bị tội trốn vào dinh của vương để nhờ che chở. Vương thương tình cho ở, nhưng sau sợ mang hoạ lây, lại ngầm giết đi. Việc phát giác, Vương bị ghép vào tử tội, may gặp kỳ đại xá, nên mới được phóng thích.
Ít lâu sau, sang Giao Chỉ thâm cha, bị đắm thuyền, chết đuối ở Nam Hải. Lúc bấy giờ Vương mới 27, 28 tuổi.
Vương có 3 anh em đều nổi tiếng hay chữ, đời gọi là ’Vương Gia tam châu thụ’.
Riêng Vương Bột, tài mẫn thiệp lạ lùng. Mài mực xong rồi uống rượu cho say, trùm mềm ngủ, tỉnh dậy, viết một hơi là xong, không cần sửa một chữ. Người đương thời bảo Vương có tài ‘Phúc cảo’, nghĩa là thảo văn trong bụng.
Thơ và văn của Vương gom thành bộ VƯƠNG TỬ AN TẬP, 30 quyển, nhưng chỉ còn lưu thế 16 quyển.
Được truyền tụng nhất là bài Đằng Vương Các tự.

ĐẰNG VƯƠNG CÁC là một cái gác cao đẹp do con vua Đường Cao Tổ (618-627) là Nguyên Anh, tước Đằng Vương, dựng trên sông Trường Giang thuộc quận Hồng Châu (nay là huyện Nam Xương tỉnh Giang Tây).
Dưới triều Đương Cao tân (650-683) Đô đốc Hồng Châu là Diêm Bá Dư đặt tiệc tại Đằng Vương Các, mời các nhà quyền quí và văn sĩ xa gần đến dự Vương Bột lúc này mới 15, 16 tuổi (có sách chép là 19 tuổi), hay tin, nhưng ở xa, ngại không tới kịp, nên do dự chưa muốn đi. Một lão trượng khuyên cứ sửa soạn buồm chèo, sẽ có gió nổi. Quả nhiên đến tối có lớn. Vương cho thuyền khởi hành và hôm sau tới Đằng Vương Các vừa kịp lúc vào triều.
Nguyên Diêm Bá Dư muốn khoa tài chàng là Ngô Tử Chương, nên đã bảo làm sẵn một bài tự về Đằng Vương Các. Khi vào tiệc Diêm xin mỗi người làm ngay cho một bài ‘Đằng Vương Các Tự’. Các tân khách hiểu biết dụng ý của Diêm, đều từ chối. Riêng Vương vô tình, xin cấp cho giấy bút. Diêm giận tái mặt nhưng không tiện nói ra, miễn cưỡng sai người mang giấy bút đến và đứng bên cạnh canh chừng, hễ Vương viết được câu nào thì chép lại trình xem, những tưởng, tuổi quá trẻ tài không bao lăm, viết chẳng thành văn, sẽ mắng cho một trận. Nào ngờ, mới đọc mấy hàng đầu, Diêm đã ngạc nhiên về sức bút già giặn. Kịp đến câu:
Lạc hà dữ cô vụ tề phi
Thu thuỷ cọng trường thiên nhất sắc
Thì thán phục là thiên tài, không còn dám đưa bài Tử Chương ra nữa.
Câu chuyện và bài tự của Vương Bột không mấy chốc đà phổ biến khắp nơi. Ai cũng khen văn chương thần diệu.
Hàn Dũ (768-824) xem bài tự Đằng Vương Các, bảo rằng:
-      Đắc phụ tam Vương chi mạc hữu vinh diệu viên.
Nghĩa là ‘Được theo sau rốt ba anh em họ Vương thì thật vinh diệu vậy’.
Do câu chuyện đề tự Đằng Vương Các mà thơ Trung Hoa có câu:
Thời lai phong tống Đằng Vương Các
Vận khứ lôi oanh Tiến Phước bi
Nghĩa là:     
Gặp thời may, gió thổi tới gác Đằng Vương,
Nhằm vận rủi, sét đánh tan bia Tiến Phước.
Và trong Kiều có câu:
Duyên Đằng thuận nẻo gió đưa
Cùng chàng kết tóc xe tơ những ngày.
Đằng Vương Các Tự của Vương Bột là một bài văn kiệt tác. Nhưng tác giả cũng như phần đông độc giả xưa nay, ưa nhắc 2 câu:
Lạc hà dữ cô vụ tề phi
Thu thuỷ cộng trường thiên nhất sắc.
Truyền rằng sau khi bị chết đuối nơi Nam Hải, những đêm trời sáng biển trong, Vương thường hiện hồn lên ngâm hai câu ấy.
Đến đời nhà Trần (1225-1400), Mạc Đĩnh Chi đi xứ sang Trung Hoa, nghe tiếng ngâm của Vương trên sóng, chê là 'dư chữ hà tất dữ cộng' mà sửa lại
Lạc hà cô vụ tề phi
Thu thuỷ trường thiên nhất sắc.
Từ ấy bặt tiếng ngâm. Người ta bảo rằng Vương Bột thấy mình thua Mạc Đỉnh Chi nên xấu hổ, không khoe khoang nữa.

Mãi sang đời Tây Sơn (1788-1802), một danh sĩ đất Đồ Bàn là Trần Hiểu Lam chết ba ngày đêm rồi sống dậy nói rằng có gặp Vương Bột nơi Cửu Tuyền. Nhân nói chuyện về bài Đằng Vương Các Tự, Trần Hiểu Lam hỏi Vương Bột có phải vì xấu hổ mà thôi không ngâm hai câu ‘Lạc hà…Thu thuỷ’ chăng? Vương đáp:
- Thôi ngâm không phải vì xấu hổ mà vì chán ngán. Nghĩ Mạc Đĩnh Chi đậu Trạng nguyên ở Việt Nam được phong tặng Trạng nguyên ở Trung Quốc, thành lưỡng quốc Trạng nguyên mà còn không hiểu gì về thơ cả, huống hồ những đám người sức học thua Mạc Đĩnh Chi trên đời đã không còn có người biết thưởng thức thơ nữa thì ta còn ngâm thơ để làm gì?
Trần Hiểu Lam chưa thấu triệt được ý nghĩa. Vương Bột tiếp:
-      Thơ hay là nhờ Tình, Hình, Thanh. Được trung, phiệm, hài mỹ. Bỏ hai chữ DỮ CỘNG thì âm hưởng câu thơ không dược du trường, ảnh tượng của thơ kém phần khăng khít. Như thế là Thanh sút, hình sút: đọc nghe khô khan, không ý vị. Chữ DỮ, chữ CỘNG nói lên sự cố ý cùng bay với nhau của ráng và cò, nói lên sự đồng tình hợp nhất với nhau giữa trời và nước. Bỏ hai chữ ấy là đứt mối liên quan của đôi bên. Cò và ráng tuy bay song song, nhưng cò bay đằng cò ráng bay đằng ráng; Trời và nước tuy một sắc xanh như nhau, nhưng sắc trời riêng sắc trời, sắc nước riêng sắc nước; đôi bên không có tình gì với nhau cả. Như thế là làm cho bức tranh hữu tình trở thành bức tranh vô tình, bức tranh sống trở thành bức tranh chết. Chao ôi, DỮ và CỘNG là hai con mắt của giai nhân, bỏ chúng đi thì còn gì là nhan sắc của văn chương? Thị phi, phi thị, trên 500 năm nay tôi không hề nói với ai, vì có ai hỏi mà nói, và nói để ai nghe. Nay thấy ông là người có tâm cùng thơ, nên đem nói ra để làm duyên cho cuộc gặp gỡ trong chốc lát. Ông nên suy gẫm kỹ lời nói của tôi, và nhất thiết không nên bàn cùng những người không biết thế nào là Thơ, thế nào là Đẹp, thế nào là Đẹp của Thơ, thế nào là Thơ của Đẹp./.