Những bức thư thơ 1.Chuyện trăng ma - 2.Đến tiên động

1. CHUYỆN TRĂNG MA

Nha Trang, ngày 2 tháng 11 năm Đinh Dậu (22-12-1975)

Anh HOÀNH và anh YÊM,

Hôm nay là ngày Đông Chí. Trời Nha Trang kéo mây và gió thổi hiu hắt. Lòng tôi thấy buồn buồn.
Tôi nhớ lại năm Tân Tị (1941), cũng ngày này, cũng trong nếp nhà cũ kỹ ở Nha Trang này, tôi bắt đầu viết tập TRĂNG MA LẦU VIỆT. Đó là tập văn xuôi đầu tiên của tôi, viết phóng theo tập Tân Biên Truyền Kỳ Mạn Lục của Nguyễn Dữ đời Lê. Viết trưa, viết tối, viết suốt cả ngày nghỉ, ngót 20 ngày xong được 10 truyện, vừa văn vừa thơ. Viết xong đi thẳng ra Hà Nội giao cho Trọng Miên xuất bản. Vừa kiểm duyệt xong thì Trọng Miên phải dọn vào Sài Gòn, mang TRĂNG MA theo để thuê in trong ấy, Nhưng rồi lại không in được, phải giao cho nhà xuất bản Tân Việt đem ra Bắc in. Mỗi lần dời chỗ là mỗi lần phải trình kiểm duyệt lại, cái kiếp Trăng Ma thật đã dạn dày! Cũng chưa hết lao đao. Nhà in vừa cho lên khuôn thì Hà Nội lại bị thả bom dữ dội (ngày 10 và 14 tháng 10 năm 1944). Tin ấy làm cho tôi lo vì tôi chỉ có một bản thảo, nếu rủi ro điều gì, thì thật là hưu hỉ! Tôi có cảm tác một tuyệt:
Ba phen sương nắng Bắc Nam Bắc 
Cái kiếp Trăng Ma đã dạn dày! 
Hương lửa thành Long nay lại bén 
Nghìn thu thân thế có thơm lây.
May lửa hương bén mà khói lửa không bén, nên TRĂNG MA còn sót lại đến ngày nay, mặc dù mặt mũi như ma lem, và quyển sách hiện nằm trong tay tôi lại bị mất đôi đoạn.
Hôm nay đem sách ra xem lại, một là để mua vui, hai là để kỷ niệm ngày đậu thai của TRĂNG MA LẦU VIỆT
Đọc phần chính xong. Đọc đến phần cước chú.
Trong phần cước chú có bài TINH ĐÈN rằng:
TRIỆU LANG ngồi dạy học nhà người bạn là Tống Tiềm làm quan Tuần Kiểm đất Cam Lăng. Một đêm đang ngồi xem sách thì thấy 1 giai nhân đứng bên cọc đèn ngâm:
Lang hành cửu bất qui
Thiếp tâm thương diệt khổ
Đê mê la bạc phong
Khắp tận tây song vũ.
TRIỆU rất lấy làm lạ. Nhưng lòng không cầm được, bèn tắt đèn cùng giai nhân đi nằm. Giai nhân nói:
- Thiếp vốn người Phương Đông, bán thân nơi Bành Thành, thấy chàng là người văn vật canh khuya một mình, nên đến làm bạn cho vui.
TRIỆU vô cùng thích thú, suốt đêm không phút rời giai nhân.
Gà vừa gáy, giai nhân xin từ giã và hẹn đêm sau.
Đêm sau, đèn vừa thắp lên thì giai nhân đã thấy đến. Lắng giọng ngâm:
Nhất tự biệt lai âm tín yểu
Tương tư sầu, đắc cơ phu tiểu
Thu dạ thiều thiều canh lậu trường
Tổn tận hàn đăng thiên vị hiểu.
II
Độc ỷ châu liêm thuý đại tần
Thương ta lương dạ tạm tương thân
Như kim thả bạn tài lang túc
Ưng vị tài lang tán thử thân.
Rồi tắt đèn đến cùng Triệu Lang. Thơ hay người đẹp, Triệu Lang không còn ruột gan để nghĩ gì ngoài yêu đương.
Ròng rã hơn một trăng, giai nhân cứ đêm đến thì đến, sáng ra thì đi, dặm sói đồi sương tuyệt nhiên không rơi chút dấu vết. Nhưng tinh thần Triệu Lang lại thường sanh ra hoảng hốt. Học trò nghi sợ bèn đi cáo cùng Tống Tiềm. Tống rình xem… Trời vừa tối, Triệu Lang vừa thắp đèn thì giai nhân hiện đến vừa cười vừa ngâm:
Hướng hiếu lâm loan phất đại mi
Hồng yêu diêm kiểm chiếu la vi
Bất từ dạ dạ da, tương phóng.
Chỉ khủng bàng nhân hựu đắc tri.
Tiếng ngâm vừa dứt, Tống vụt chạy vào núm lấy giai nhân, thì trong tay chỉ còn thấy một cây cọc đèn! Bèn đem đốt. Từ ấy giai nhân không thấy đến nữa, và Triệu lang trở thành một người trầm tư…Câu chuyện này viết phóng theo sách DÃ SỬ GIA DI. Đọc lại rất lấy làm thú vị, nhưng lại thấy ghét Tống Tiềm! Công chuyện của người mặc người, ai bảo làm tài khéo tài khôn, khiến cho Triệu Lang mất tri kỷ và chúng ta không được nghe thêm ít vần thơ hay! Lại tiếc rằng lúc này mình có một mình buồn bã, sao chẳng có ma nào bén mảng đến ngâm nga cho vui. Cùng với ma có văn chương chung hứng, thì dù có sao sao đi nữa cũng chẳng sao sao…
Nghĩ vơ nghĩ vẩn, lòng cao hứng lạ thường! Nhân thấy mấy bài thơ chưa dịch, liền dịch:
I
Chồng đi đi mãi không về
Riêng thương lòng thiếp não nề nhớ trông
Từng cơn gió thổi lạnh lùng
Song tây đối bóng khóc ròng đêm mưa

II
Một đi âm tín hững hờ
Tương tư luống để bơ phờ vóc mai
Đêm thu dài dặc canh dài
Đèn chong lụn bấc, canh hoài còn đêm

III
Rèm châu ủ rũ đôi mày
Đêm thanh tạm gá duyên này làm thân
Cùng chàng êm gối ấm chăn
Vì chàng thân dẫu nát thân cũng đành

IV
Gương loan ngắm sửa mày nga
Má đào ửng ánh rèm là thêm duyên
Đêm đêm sương sỏi chi phiền
Riêng lo tai mắt láng giềng khôn che.
Dịch xong như mở cờ trong bụng. Đọc rồi ngâm, ngâm rồi đọc... Đọc một mình, ngâm một chắc, sổ sổ khuyên khuyên. Vỗ đôi vế nhịp đôi đùi, hỉ hỉ hả hả:
Vị tất ngộ nhân thiên tải hạ
Chỉ năng ngu ngã bách niên trung (1)
Tri âm ai nhắn nhe cùng
Đèn xanh một ngọn trống thùng năm canh
___________________________________ 
(1) Thơ của Nguyễn Thượng Hiền, nghĩa là: Nghìn năm chưa dễ lầm ai / Mua vui ngày tháng không ngoài trăm năm.



2. ĐẾN TIÊN ĐỘNG

Nha Trang, tiết lập xuân năm Mậu Tuất (1958)

Bạn Kính Sơn,
Trong Truyền Kỳ Mạn Lục có chuyện Từ Thức Tiên Hôn.
Không biết chuyện do tên Động mà sanh, hay tên Động do chuyện mà đặt.
Chuyện rất hay.
Động rất đẹp.
Nhưng cảnh động đẹp như sao, tôi không tả được, vì chỉ tai nghe.
Còn câu chuyện thì ngoài Truyền Kỳ Mạn Lục ra, tôi còn được đọc ở nhiều sách khác, nên có thể tóm tắt cho bạn nghe đỡ buồn lúc không người nói chuyện:
TỪ THỨC người Hoá Châu, làm tri huyện Tiên Du.
Trong huyện có một ngôi cổ tự trồng nhiều giống mẫu đơn. Hàng năm du khách kéo đến xem hoa đông như hội. Năm Quang Thái thứ 9 đời Trần Thuận Tông (1388 – 1398), trong số du khách có một thiếu nữ vô ý làm gãy một cành mẫu đơn hàm tiếu. Nhà chùa bắt đền. Thiếu nữ không sẳn tiền lại không người quen biết, nên bị bắt giữ lại. Từ Thức trông thấy động lòng, cởi tấm áo bào đưa vào chuộc. Đoạn mỗi người về mỗi phương .
Từ Thức vốn người khoáng phóng, hay rượu, ưa thơ, thích phong cảnh. Không chịu nổi mối ràng buộc nơi công phủ, bèn cởi ấn từ quan, về làm nhà cạnh sơn động huyện Tống Sơn nương ngày tháng. Từ ấy ngày ngày cùng 1 tiểu đồng mang bầu rượu túi đàn đi khắp những nơi danh thắng.
Một hôm trông thấy giữa biển Thần Phù nổi lên một đám mây ngũ sắc. Un ùn kết lại thành một đoá hoa sen, Từ lấy làm lạ, bèn chèo thuyền ra xem thử: Một quả núi kỳ vỹ đứng sừng sững giữa cảnh mây nước thương mang. Từ hết sức kinh dị, vì cảnh dù trước mắt mà xưa nay chưa từng thấy bao giờ. Cột thuyền bước lên bờ thì vách đá như thành, không cánh khó mà lên nổi. Từ đương trông ngắm thẫn thờ thì nơi vách đá bỗng nứt một cửa hang tròn và rộng chừng một trượng. Vén áo bước vào thì cửa hang liền đóng lại. Sau lưng cửa lấp, trước mặt bóng tối dày như đêm…
Không bề trở lui, Từ đành sờ soạng đi lần tới. Bám vào rêu, vịn vào đá, đường đi khúc khỉu quanh co. Mỗi bước thấy đi lên cao và mỗi lúc ánh sáng mỗi thêm tỏ. Rồi lên đến đỉnh núi: Bầu trời trong sáng, chung quanh cung điện dinh đài ẩn hiện trong lá hoa mây ráng… Tỉnh mà như mơ, Từ không biết đây là cảnh giới của những bậc lánh đời, hay là quê kiểng của những bậc tu hành đắc đạo. Còn đương sững sờ thơ thẫn, thì hai người con gái áo xanh đến đón:
- Phu nhân chúng tôi sai mời ngài vào cung.
Từ đi theo hai người con gái. Vòng quanh một bức tường gấm, bước vào một toà cung điện lộng lẫy vàng châu: một vị phu nhân áo bạch cẩm ngồi trên giường thất bảo, mời từ ngồi nơi chiếc kỷ bằng gỗ đàn hương:
- Nhà ngươi nghiện cảnh đẹp, tới đây hẳn thoả được chí bình sinh. Ngày tháng phong lưu, chẳng hay có nhớ người gặp gỡ chiều hôm ấy?
Từ cung kính đáp:
- Tôi là kẻ dật sỹ nơi Tống Sơn. Tấm thân trăng gió thường buông lung ngoài cõi giang hồ. Tầm mắt tuy đã rộng nước non, song chốn này thật muôn phần xa lạ. Non tiên, phước may đã đến được, nhưng lòng trần vẫn chưa tan, nên việc trước như thế nào thật chưa được rõ biết.
- Chốn này là núi Phù Lai đoanh kết trên mặt biển khơi, tan hợp theo gió mây, co duỗi theo sóng nước. Ba mươi sáu động tiên, đây là động thứ sáu. Ta là động chủ hiệu Nguỵ Phu Nhân, địa tiên núi Nam Nhạc. Thấy nhà ngươi là người nghĩa khí nên mới vời đến đây.
Đoạn liếc mắt làm hiệu. Một nàng hầu áo xanh lĩnh ý bước vào trong, rồi cùng một mỹ nhân bước ra. Từ ngước mặt nhìn trộm, thì là thiếu nữ làm gãy cành mẫu đơn trước đây. Phu nhân chỉ mỹ nhân:
- Đó là con bé nhà ta, tên gọi Giáng Hương. Ngày trước lén xuống trần gian xem hoa gặp nạn, nhờ nhà ngươi cứu khỏi. Nay muốn cho sánh duyên cùng nhà ngươi để đền đáp ơn trước.
Từ hết sức mừng. Và ngay đêm ấy làm lễ giao bái.
Tâm đầu ý hiệp, vợ chồng chung hạnh phúc trong cảnh yên tĩnh thanh nhàn. Thấm thoát đã đầy năm. Một hôm trông thấy cánh buồm lộng gió ngoài khơi, lòng nhớ hương quan của Từ chợt nổi dậy. Không cầm mãi được, bèn đem tỏ thật cùng Giáng Hương. Hương ứa nước mắt:
- Thiếp chẳng lấy tình cang lệ mà ngăn bước gia hương. Nhưng cõi Diêm Phù nhỏ bé bóng dương quang không dài. Dù chàng có về thì cây liễu ngoài sân, khóm hoa trước cửa cũng không còn nhan sắc cũ.
Từ hết lời năn nỉ, hẹn trở về tính xong gia kế, thăm viếng bạn bằng, rồi sẽ trở lên cùng Hương cho đến tóc bạc. Liệu không cầm được, Hương đành bấm bụng bạch cùng Nguỵ Phu Nhân. Phu nhân than:
- Chẳng ngờ nghiệp trần còn nặng, lòng trần còn phải trở vào!
Liền sai thắng một cỗ xe cẩm vân ban cho Từ.
Giáng Hương lấy một phong thư bằng lụa trắng, hai viên ngọc bích, một hồ quỳnh tương, trao cho Từ làm vật tiễn chân.
Từ lên xe mây. Mây cuốn gió tuôn, trong khoảnh khắc đã về đến Tống Sơn. Bước xuống nhìn quanh thì thành quách nhân dân đã đổi khác. Đem tên họ hỏi thăm một vị cổ lão. Đáp:
- Lúc nhỏ lão có nghe ông Tổ ba đời nhà lão, cùng một tên họ với tôn ông, vào núi lạc lối không thấy về. Lúc ấy thuộc niên hiệu Quang Thái đời nhà Trần. Nay là niên hiệu Diên Ninh năm thứ 5 (1458) đời vua thứ 3 triều Lê. Tính đã trên 60 năm rồi vậy.
Từ buồn rầu toan lên xe trở lại, thì xe liền hoá ra con hồng loan vỗ cánh bay vút. Mở phong thư lụa ra xem thì là những lời ly biệt ! Bùi ngùi tìm đến nơi ẩn cũ, phủi hòn đá trắng, rót chén rượu, đề bài thơ, gõ nhịp ngâm cao, rồi phất tay áo ra đi cùng mây gió.
Chuyện Từ Thức Tiên Hôn của ta giống Lưu Nguyễn Du Thiên Thai của Tàu.
THIÊN THAI là một núi cao đẹp ở tỉnh Chiết Giang.
LƯU THẦN và NGUYỄN TRIỆU là người đời Hán, quê ở Thai Châu
Đời Hán Minh Đế (58-76), Lưu Thần và Nguyễn Triệu, nhân ngày tết Đoan Ngọ rủ nhau vào núi Thiên Thai hái thuốc. Bị lạc đường gần nửa tháng không tìm được lối ra. Lương thực cạn phải hái những quả đào chín bên sườn núi ăn cho cầu no. Một hôm xuống khe uống nước, thấy những hạt cơm vừng và lá rau trôi, mừng rằng trong non chắc có người ở. Bèn cố vượt qua mấy rặng núi nữa. Chợt đến một dòng suối nước trong cát xanh, hai bên bờ hoa đào nở hồng cả mây trắng. Lưu Nguyễn đang ngẩn ngơ nhìn thì xa xa hai mỹ nhân rẽ hoa đi lần đến, cất tiếng gọi:
- Lưu Nguyễn hai chàng, sao mà đến chậm?
Hai chàng kinh dị sao mỹ nhân lại biết họ tên mình. Hai nàng mỉm cười, mời hai chàng cùng đi. Hai chàng lặng lẽ theo. Giây lát tới sơn động.
Động rộng thênh thang. Vách cẩm thạch, màn minh châu,và mọi vật trang trần đều bằng ngọc ngà cùng gỗ quí. Anh sáng trộn mùi hương tràn ngập khắp lòng động. Hai chàng biết rằng mình đã lạc vào động tiên, lòng mừng hiện cả ra mày mắt. Rồi bữa ăn dọn lên. Hai mỹ nhân thân mật rót rượu khuyên mời.
Tối đến nhiều mỹ nhân khác kéo đến, mỗi người tặng một quả đào tươi:
- Chúng em xin mời tân lang và tân nhân.
Rồi cùng nhau múa hát cho đến nửa khuya.
Khách lui về, hai chàng vào làm lễ thành thân cùng hai tiên nữ.
Từ ấy:
Bích sa động lý càn khôn biệt
Hồng thụ chi biên nhật nguyệt trường. (1)
Hai chàng để trọn lòng cho ân ái.
Được nửa năm, động lòng nhớ quê, hai chàng xin về thăm trong ít lâu rồi trở lại. Hai nàng ngậm ngùi:
- Nhờ hồng phúc tiền nhân, hai chàng mới được tới nơi đây kết nghĩa. Nhưng vì trần căn chưa dứt mới xui nên chuyện muốn về!
Liền cùng các bạn tiên mở tiệc tiễn hành. Đưa hai chàng ra khỏi núi, hai nàng trao tặng 1 bức ngọc thơ và một bình vân dịch:
Vân dịch ký qui tu cượng ẩm
Ngọc thơ vô sự mạc tần khai. (2)
Rồi cùng gạt lệ chia tay.
Không bao lâu Lưu Nguyễn về đến làng: Phong cách khác hẳn xưa và người trong làng không còn một ai nhận ra hai chàng mà hai chàng không còn gặp ai là người cũ. Một ông lão cho biết có cụ tổ bảy đời, tên tuổi như thế, ngày xưa vào núi hái thuốc bị mất tích.
Hai chàng ngậm ngùi trở lại Thiên Thai, thì mây giăng ngút toả, mịt mờ không còn nhận ra nẻo đông tây…
Khi hai chàng ra đi nhằm niên hiệu Vĩnh Bình đời Hán Minh Đế. Lúc hai chàng trở về nhằm niên hiệu Thái Khang đời Tân Vũ Đế, cách nhau hơn 200 năm. (3)


Chuyện Từ Thức và chuyện Lưu Nguyễn chỉ khác nhau ở tình tiết. Không biết Tàu đã lấy của ta , hay ta đã mượn của Tàu. Không ai dám quả quyết. Có điều nên để ý là cốt chuyện tuy giống mà mỗi chuyện có 1 sắc thái 1 phong vị riêng. Đối với người đọc có đôi mắt xanh thì Từ Thức Tiên Hôn và Lưu Nguyễn du Thiên Thai chẳng khác Nữ Anh và Nga Hoàng đối với vua Thuấn.
Có người lấy làm tiếc cho Từ và Lưu Nguyễn đã gặp được hạnh phúc còn bỏ hạnh phúc mà về. Tôi lại cảm ơn ba vị tiền bối ấy. Vì nếu ba vị không trở về thì làm sao chúng ta được đọc chuyện của ba vị ở trong nơi khói mây mờ mịt. Và sự trở về của ba vị lại còn nói lên được rằng tình quê hương thâm hậu biết bao nhiêu! Xa quê hương dù vui sướng đến đâu, lòng nhớ thương cũng không dễ mà khuây được.
Bạn ơi, có người nào là người không nhớ quê? Và nếu có người vong bản, người ấy có còn phải là người?
Nhưng thôi, không nên đi xa mà lạc hướng. Chúng ta nên trở lại Thiên Thai.
Vì Thiên Thai có nhiều đào nở quanh suối, nên người ta thường lầm lẫn với Đào Nguyên.
ĐÀO NGUYÊN là Nguồn Đào, cũng gọi là Đào Nguyên Động.
Truyền rằng:
Đời nhà Tấn (265-420), tại huyện Võ Lăng có chàng ngư phủ tên là Hoàng Đạo Chân. Một hôm chèo thuyền đánh cá dọc theo suối, thấy hoa đào trôi trên mặt nước từng hàng từng hàng nối tiếp nhau. Lấy làm lạ bèn chèo thuyền đi ngược dòng. Hoa đào trôi xuống, thuyền ngư phủ bơi lên. Lên mãi cho đến nguồn, thấy một cái động trồng đầy hoa đào, sắc hồng hương dịu bao trùm cả mây nước. Đạo Chân neo thuyền bước lên bờ và lần bước đi sâu vào động.
Trong động dân cư đông đúc và mặc áo theo lối nhà Tần. Ai nấy đều có vẻ an nhàn hoan lạc. Hỏi thì đáp rằng đến lánh nạn Tần Thỉ Hoàng đã được mấy đời rồi.
Đạo Chân trở về thuật chuyện cùng người trong xứ. Những người háo kỳ nhờ Đạo Chân đưa đường đến xem cho tạng mặt. Nhưng đến nơi thì đường vào động đã bị mây che đá lấp, quanh vùng chỉ còn hoa đào soi suối trong…
Do đó mới mệnh danh là Đào Nguyên.
Và Đào Nguyên dùng trong văn thơ, khi thì dùng với nghĩa là Cõi Tiên, khi thì để chỉ nơi tị nạn:
Ví tuổi xanh không vướng bụi hồng, thuyền ngư phủ đã đưa vào động bích
Bởi má đỏ theo đeo phận bạc, tơ nguyệt ông xui dắt lại lầu son.
                                                                                     (Tần Cung nữ oán Bái Công)

Lánh Tần may có nguồn Đào nữa
Tìm Tống e không mảnh đất nào
                                      (Phan Sào Nam)
Bạn Kính Sơn,
Chắc bạn không khỏi ngạc nhiên tự hỏi tại sao hôm nay tôi lại viết thư kể chuyện Tiên cùng bạn, và tại sao lòng lại đi lan man từ động Từ Thức đến động Đào Nguyên ?
Bởi vì từ ngày rời Qui Nhơn về Nha Trang, lòng tôi thường vương một nỗi buồn man mác. Nhớ người nhớ cảnh,và người xưa nơi cảnh cũ hẳn cũng khó quên mình: Người đi kẻ ở, lòng buồn thương nhớ tiếc, ai có khác chi ai. Suy bụng ta ra bụng người, chạnh nhớ đến họ Từ, họ Lưu và họ Nguyễn và các vị tiên cô đa tình, nơi làng mây quán khói. Mượn văn chương tìm bóng dáng, lại thường bị mùi khói lửa tiếng ong ve của đời loạn ly quấy quá rầy rà. Để cởi bớt nỗi u hoài và tìm lấy hứng thú, tôi nghĩ đến bạn là một trong những người thương nhớ tôi… Trong xa xôi trong giấy mực, chúng ta nắm tay nhau đi tránh những nơi tranh hơn dành phải, để cho lòng dễ hoà cùng mộng cùng thơ.
Chúc bạn thân tâm an lạc.
______________________________________________________________________________ 
 (1) Cặp luận bài “Lưu Nguyễn động trung ngộ tiên tử” của Tào Đường. Nghĩa là: Trong động cát xanh, trời đất riêng biệt; Bên cành đào đỏ, ngày tháng rộng dài.
(2) Cặp trạng bài “Tiên tử tống Lưu Nguyễn xuất động” của Tào Đường. Nghĩa là: Rượu vân dịch mang về nhà, nên gắng mà uống; Tờ ngọc thư lúc vô sự, đừng mở ra xem.
(3) Từ Thức ở Non Tiên một năm, về lại trần gian tính ra là 60 năm. Còn Lưu Nguyễn ở Non Tiên mới nửa năm mà về nhà tính ra lại đến 200 năm. Sao lạ thế ? Không có chi lạ cả. Mỗi cõi tiên có 1 thái dương hệ riêng. Cho nên ngày giờ khác nhau xa lắm. Ngày tháng trên non Tiên chỉ có lòng các nhà văn mới đo được thôi. Mà cái thước đo thời gian của các nhà văn chương co dãn cũng bất thường lắm. Chúng ta đừng suy lòng ta ra lòng họ mà sai. Ví dụ một ngày của chúng ta mà kẻ thì nói “nhất nhật như tam thu” kẻ thì nói “nhất nhật như tam nguyệt” Đó là tuỳ độ nhớ nhung trong lòng họ trong khi họ “bất kiến” trong cái “nhất nhật bất kiến” của họ.