Những bức thư thơ 21.Câu đối Tết - 22.Hoàng hạc lâu


21. CÂU ĐỐI TẾT

Nha Trang, tháng chạp năm Kỷ Hợi 1959

Bạn THANH LANG,
Câu đối Tết:
Vọng xuân xuân khả liên: lĩnh thụ trùng già thiên lý mục;
Bất quy quy tiện đắc: Cô châu nhất hệ cố viên tâm.
Tạm dịch:
Trông xuân đáng yêu: lớp lớp cây giăng nghìn dặm mắt,
Không về về ắt được: khư khư thuyền buộc mối tình quê.
Đó là một câu tập cổ.
‘Vọng xuân xuân khả liên’ lấy trong bài ‘Xuân nhật hạnh’ vọng Xuân cung của Tô Đĩnh đời nhà Đường:
Đông vọng Vọng Xuân xuân khả liên,
Cánh phùng tình nhật liễu hàm yên.
Cung trung hạ kiến Nam sơn tận,
Thành thượng bình lâm Bắc đẩu huyền.
Tế thảo thiêng thừa hồi liễn xứ,
Phi ba cố lạc võ trường tiền
Thần du đối thử hoan vô cực
Điêu lộng ca thanh tạp quản huyền.
Tạm dịch:
Xa vọng Vọng Xuân xuân đáng yêu
Ngày xanh quyến liễu khói lồng theo.
Trập trùng cung dưới Nam sơn dựng,
Vòi vọi thành ngang Bắc đẩu treo.
Nương dấu xe loan làn cỏ mướt,
Lồng chung rượu múa cánh hoa gieo.
Tấm lòng thần tử vui không xiết,
Chim rập lời ca hoạ tiếng tiêu.
‘Vọng Xuân’ nghĩa là ‘trông xuân’. Trong bài thơ, ‘Vọng Xuân’ là danh từ riêng, nhưng khi ngắt đem vào câu đối thì từ  loại thay đổi và nghĩa là 'trông xuân’.
Đoạn tiếp: ‘Lĩnh thụ trùng già thiên lý mục’ lấy trong bài ‘Đăng Liễu Châu thành, ký Đinh Phong' chương 'Liêu tứ châu thứ sử’ của Đỗ Phủ:
Thành thượng cao lầu tiếp đại hoang,
Hải thiên sầu tứ chánh mang mang.
Kinh phong loạn chiếm phù dung thuỷ,
Mật võ tà xâm bệ lệ tường.
Lĩnh thụ trùng già thiên lý mục,
Giang lưu khúc tợ cửu hồi trường.
Cọng lai Bách Việt văn thân địa,
Do tự âm thư trệ nhất chương.
Tạm dịch:
Lầu cao vòi vọi cảnh mênh mông,
Bể nước trời mây tứ não nùng!
Mưa nượp nượp xâm tường bệ lệ,
Gió ào ào chiếm vũng phù dung.
Chập chờn núi trải muôn tầm mắt,
Cuồn cuộn sông quanh chín khúc lòng.
Từ buổi thân nương ngoài Bách Việt,
Nỗi niềm cách trở bức thư phong.
Cảnh ‘Lĩnh thụ trùng già’ đứng chung những cảnh gió thổi mạnh, mưa tuôn dày, sông cuồn cuộn chảy quanh co thăm thẳm… thì làm cho khung cảnh thêm ngợp và thêm buồn. Nhưng khi đứng riêng một mình, và nhất là có mấy chữ ‘Vọng xuân xuân khả liên’ đi trước thì lại vẽ ra một bức tranh bát ngát nhưng xinh tươi. Xem đó thì vị trí của một câu thơ không phải không có ảnh hưởng đến tứ thơ vậy.
Đó là xuất xứ của vế trên câu đối. Vế dưới cũng mượn chữ trong hai bài thơ Đường.
‘Bất qui qui tiện đắc’ lấy trong bài “Lữ hoài” của Thôi Đỗ:
Thuỷ lưu ba tạ lưỡng vô tình,
Tống tận Đông phong quá Sở thành!
Hồ điệp mộng trung gia vạn lý,
Đỗ quyên chi thượng nguyệt tam canh.
Cố viên thơ động kinh niên tuyệt,
Ba phát xuân thôi mãn kính sanh.
Tự thị bất qui qui tiện đắc.
Ngũ Hồ yên cảnh hữu thuỳ tranh.
Tạm dịch:
Nước trôi hoa rụng thảy vô tình,
Đưa ngọn Đông phong cách Sở thành.
Giấc bướm não nề quê vạn dặm,
Nhành quyên da diết nguyệt ba canh.
Năm mòn mỏi mắt tin nhà vắng,
Hoa trập trùng gương mái tóc sanh!
Lòng chửa muốn về về ắt được:
Năm Hồ khói sóng có ai tranh.
Và 'châu nhất hệ cố viên tâm’ lấy trong bài ‘Thu hứng’ của Đỗ Phủ:
Ngọc lộ điêu thương phong thọ lâm,
Vu Sơn Vu Giáp khí tiêu sâm.
Giang gian ba lãng kiêm thiên lũng,
Tái thượng phong vân tiếp địa âm.
Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ,
Cô châu nhất hệ cố viên tâm
Hàn y xứ xứ thôi đao xích,
Bạch Đế thành cao cấp một châm.
Bài này người xưa đã có dịch. Bài dịch rất hay nên xin tạm mượn:
Lác đác rừng phong hạt móc xa
Ngàn Vu hiu hắt khí thu già
Lưng trời sóng giợn lòng sông thẳm,
Mặt đất mây ùn cửa ải xa.
Khóm cúc tuôn thêm hàng lệ cũ,
Con thuyền buộc chặt mối tình nhà.
Lạnh lùng dục kẻ tay đao xích,
Thành Bạch dồn châm bóng ác tà.
Lấy nơi này một câu, lấy nơi kia một đoạn, chắp lại thành một câu đối liền lạc như một chiếc áo trời không đường may! Như thế là tài tình. Người không xem rộng, không nhớ dai, không làm nổi.
Nhưng vì sao lại có câu đối ấy?
Nguyên quan án CHU MẠNH TRINH, một trang thiếu niên khoa giáp và một tay phổ thuộc phong lưu ở vào khoảng cuối thế kỷ thứ 19 đầu thế kỷ thứ 20 (1862-1905) một hôm đương ngồi nơi tư dinh, thì có một người lạ mặt cùng một kẻ tuỳ tùng bưng một mâm trầu lá cau trái, 2 chai rượu sen và ba trự bạc đồng, đến khúm núm thưa:
-  Tôi là một chủ thuyền ở Nam Kỳ ra buôn bán. Tết không về được, đến xin quan lớn một câu đối dán xuân.
Quan án vui vẻ nhận lời. Đoạn sai mài mực lấy giấy bút viết:
Vọng Xuân xuân khả liên: lĩnh thụ trùng già thiên lý mục
Rất lấy làm đắc ý. Song nghĩ mãi vẫn không ra vế đối, chắp tay sau lưng đi đi lại lại trong thư phòng. Chợt một ông đồ ở nhà quê đến. Ông đồ vốn là chỗ cố giao của quan án, thỉnh thoảng đến dinh thăm chơi. Quan án trông thấy mừng rỡ:
-   Anh đồ đi đâu đó? Không ở nhà lo tết sao?
Ông đồ cười:
- Để ăn tết được thích thú phải đến quan huynh tìm chút xuân.
Quan án chỉ mâm trầu cau rượu:
-       Xuân không thiếu chi đó. Hễ đối được câu này thì mặc sức ăn Tết.
Đoạn giới thiệu người chủ thuyền và đọc vế câu đối. Ông đồ ung dung lấy giấy bút, viết:
Bất qui qui tiện đắc’.
Quan án khen:
-   Được! Tiếp mau.
Ông đồ rung đùi, cười:
-   Chữ của cổ nhân đã đúc sẵn, mình chỉ có việc đem ra dùng mà nôn gì.
Nói đoạn viết tiếp:
Cô châu nhất hệ cố viên tâm’.
Quan án vỗ vế khen:
-   Hay! hay quá! Đủ cảnh đủ tình! Anh đồ thật giỏi! Thật giỏi! Mình chịu thua.
Đoạn trao tờ hoa tiên cho người chủ thuyền, rồi khui rượu cùng ông đồ nhấm. Rượu ngà ngà say, quan án sai người gói trầu cau và chai rượu còn lại, vào bảo bà án đưa thêm hai trự bạc nữa, để tặng ông đồ. Bà án lườm chồng:
-   Một anh đồ gàn nhưng hay chữ hơn chồng bà.
Rồi cười hả hả, trở ra tiễn chân ông đồ:
-   Ngày hết tết tới, không dám cầm anh đồ ở lại lâu. Ông đồ ra về lòng vui với món quà xuân trọng hậu. Quan án ở lại thích cùng câu đối tập cổ đầy ý vị xuân.
Và năm nay ăn tết xa quê hương, bạn cũng nên mượn câu đối ‘Vọng xuân’  để làm vui lòng cổ viên vậy./.


22. HOÀNG HẠC LÂU

Nha Trang, tiết Lập xuân năm Canh Tý (3/60)

Thân gởi MẠC KHÁNH DƯƠNG,
Hoàng Hạc Lâu (lầu Hoàng Hạc) ở phía Tây Bắc thành Vũ Xương tỉnh Hồ Bắc (Trung Hoa).
Truyền rằng xưa kia Phí Văn Vy tu tiên đắc đạo, cỡi hạc vàng đi vân du có ghé lại Vũ Xương. Nhân có người địa phương cây lầu làm kỷ niệm và đặt tên là Hoàng Hạc lâu.
THÔI HIỆU, 1 thi nhân đời Thịnh Đường, đề nơi vắng lầu một bài thơ rằng:
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu.
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du ..
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.
Nhật mộ hương quan hà xứ thị?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu!
Nghĩa đen là:
Người xưa đã cỡi hạc vàng đi rồi,
Nơi đây chỉ còn trơ lầu Hoàng Hạc.
Hạc vàng một đi không trở lại,
Mây trắng nghìn năm bay lững lờ.
Dòng sông lặng lẽ trông rõ mồn một cây cối đất Hán Dương,
Màu cỏ non thơm trải đờn đờn trên bãi Anh Vũ.
Ngày tối quê hương ở chốn nào ?
Sóng khói trên sông khiến người sanh sầu muộn.

Lý Thái Bạch lên chơi Hoàng Hạc lâu, hứng cảnh toan đề vịnh, chợt thấy bài thơ của Thôi Hiệu, bèn quăng bút than:
Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc,
Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu.
Nghĩa là: Có cảnh trước mắt mà nói không được, vì có bài thơ Thôi Hiệu đề ở trên đầu.

Kim Thánh Thán, một nhà phê bình lỗi lạc đời Thanh, khen bài Hoàng Hạc lâu của họ Thôi là bút pháp kỳ diệu, hay quán cổ kim. Các danh sỹ đời sau hầu hết cũng đều tán phục.
Khen là phải, vì chẳng những văn chương cổ kính, mà lập ý của tác giả lại khác thường.
Nhan đề của bài là Hoàng Hạc lâu, mà trong bài không tả gì về Hoàng  Hạc lâu cả. Tác giả mượn cảnh để tả tình. Hoàng Hạc lâu chỉ là cái dinh, họ Thôi mượn để treo bức tranh tâm sự.
Bài thơ ngậm chứa nỗi lòng hoài cổ thương kim, và gây một bầu không khí vừa mênh mông vừa tịch mịch.
Bốn câu đầu cho ta thấy vẻ hoang liêu của lầu. Hai câu trên tả cảnh cô đơn đối với không gian vô cùng. Hai câu dưới tả cảnh lạnh vắng trong thời gian vô tận.
Và lòng luyến tiếc nhớ thương tràn lan dưới dòng chữ :
Chiếc lầu đứng trơ, có phải con người tương tư đã thành đá? Mà con hạc vàng bay mất tượng trưng cho quá khứ huy hoàng? Và mây trắng còn bay thể hiện nỗi lòng tiếc thương, lớp này qua lớp khác nổi, nghìn thu rồi nghìn thu?
Lòng người là thế. Nhưng tạo vật vốn vô tình!
Trước cái vô cùng vô tận, không có có không, sông vẫn lặng lẽ trôi, vẫn  in bóng chung quanh vào lòng mà vẫn không giữ lại mảy may nào hết, và cây vẫn sanh cỏ vẫn mọc, cao tốt xanh tươi.
Hai câu 5, 6 đã nói lên sự hờ hững của tạo vật trước sự xao xuyến của lòng người, một cách thâm trầm tế nhị. Và dưới vẻ thanh thản của lời thơ, chúng ta nghe tiếng thổn thức của thi nhân nửa như buồn thương, nửa như trách móc!
Và đọc suốt 6 câu, chúng ta nhận thấy tác giả đã đi từ quá khứ đến hiện tại, đi từ chỗ xa xăm mịt mờ đến chỗ gần gũi trước mắt. Đi từ chỗ không có của con hạc vàng, đến chỗ có của lầu Hoàng Hạc và làn mây trắng phất phơ. Rồi từ trên trời với làn mây trắng, đi xuống tới mặt đất với sông bãi cỏ cây… Bức tranh tâm hưởng trãi từ  từ, và nét đi từ  nhạt đến đậm. Mà nét bút càng đậm khng cảnh lại càng thu hẹp lại dần dần, để rồi rút gọn vào con người bé nhỏ: Tác giả!
Tác giả đối với không gian không bờ, thời gian không cuối, cảm thấy sự nhỏ nhen của thân, sự ngắn ngủi của đời, sự vô tình của tạo vật, tự nhiên thấy cần tìm một nơi cho lòng nương tựa để bớt nỗi hiu quạnh lạnh lùng. Mà còn tìm nơi nào thích hợp hơn nơi có những tấm tình thương yêu trìu mến: Quê hương.
Vâng phải tìm một nơi để gởi lòng cho ấm cúng, ít nhất cho đỡ  cô liêu.
Cỏ cây sông bãi tuy vô tình, song thấy đó vẫn còn hơn không có gì trước  mắt. Bây giờ chiều đã xuống rồi, mọi vật sắp chìm trong bóng tối, lòng hiu quạnh sẽ thêm nỗi lạnh lùng, cho nên sự tìm về quê hương để tìm đôi chút yên ủi của người thân thích, láng giềng, lại càng thấy cấp thiết.
Nhưng quê hương ở nơi nào? Biết tìm đâu? Biết về đâu?  Lòng đã buồn lại thêm buồn, buồn vô cùng vô tận, liên miên dồn dập như sóng khói trên mặt sông!
Nhật mộ hương quan hà xứ thị?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu!
Mà quê hương đây vừa chỉ nơi ‘sanh ký’ của tác giả, vừa nhắc đến nơi ‘tử qui’ của con người ta.
Người xưa đã đi rồi, mình đây sẽ nối tiếp. Đến cả người tiên đã tu được phép trường sanh, như Phí văn Vy, mà cuối cùng cũng phải đi về cõi chết, huống hồ con người thế gian còn đó, cuộc đời ngắn ngủi chẳng khác bóng trời chiều.
Nhưng người xưa đi về đâu, thật không ai biết! Cho nên rồi đây mình cũng không biết sẽ đi về đâu! Nhìn cảnh vô thường hiển hiện trên làn khói sóng, lòng đã buồn càng buồn thêm!
Lòng sầu vạn cổ, mối băn khoăn triết lý (angoisse mé-taphysique) của tác giả tràn ngập trong bài thơ. Nỗi buồn ban đầu mênh mông, bát ngát, lần lần cô đọng lại để chìm sâu vào cõi lòng liền cùng sóng khói tuôn ra ngoài cõi mênh mông bát ngát.
Bài thơ mở ra một cách mông lung và khép lại một cách chặt chẽ, và khép lại để đưa người sang một thế giới khác ở ngoài lời thơ, một thế giới ảo mộng u huyền.
Cái kỳ diệu bài thơ là thế. Phải lắng lòng mình theo thơ, phải lắng lòng mình theo thơ, phải soi bóng mình vào thơ, thì mới nhận thấy được cái hay cái đẹp, mới thông cảm được với người đã làm ra thơ.
Vì là một bài thơ tuyệt tác nên Hoàng Hạc lâu truyền tụng được sâu rộng và lâu dài. Có nhiều người đã dịch ra quốc văn, như Tản Đà, Trần Trọng Kim, Ngô Tất Tố, Bùi Khánh Đản và một nhà vô danh trong văn học sử Trung Quốc của Nguyễn Hiến Lê. Những bài thơ dịch ấy hầu hết đều sát ý nghĩa của nguyên tác, nhưng theo chủ quan của tôi thì bài của tản Đà riêng sang sớt được tinh thần của nguyên văn.
Đây bài dịch của Tản Đà:
Hạc vàng ai cỡi đi đâu,
Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ.
Hạc vàng đi mất từ xưa,
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay..
Hán Dương sông tạnh cây bày,
Bãi xa Anh Vũ xanh đày cỏ non.
Quê hương khuất bóng hoàng hôn,
Trên sông khói sóng cho buồn lòng đây.
Sự nhận thức và ý kiến của tôi về bài Hoàng Hạc lâu là thế. Phải không không phải, mong nhờ lời chỉ giáo của các bậc cao minh./.