Những bức thư thơ 21.Rắc rối trong văn chương - 22.Ôi tương tư


21. RẮC RỐI TRONG VĂN CHƯƠNG

Nha Trang, đêm Hạ huyền tháng 2 Đinh Tỵ (4-1977)

VÂN HƯƠNG
Đúng như vậy:
Sầu đong càng lắc càng đầy
Ba thu dồn lại một ngày dài ghê.
Lấy ý trong câu Kinh Thị: ‘Nhất nhật bất kiến như tam thu hề’.
Nhưng ‘ba thu’ không phải là ‘ba năm’ như chúng ta thường nghe giải thích, mà là ba mùa thu, tức là chín tháng. Bởi ‘nhất nhật bất kiến...’ ở trong thiên THÁI CÁT, mà thiên này gồm có ba chương:
I
Bỉ thái yết hề  (1)
Nhất nhật bất kiến
Như tam nguyệt hề
II
Bỉ thái sưu hề  (2)
Nhất nhật bất kiến
Như tam thu hề
III
Bỉ thái ngải hề (3)
Nhầt nhật bất kiến
Như tam toái hề  (3)
Nghĩa là:
I
Dây đay tay cắt kìa ai
         Nhớ nhau chẳng thấy ngày dài ba trăng
II
Cỏ tiêu tay cắt kìa ai
         Nhớ nhau chẳng thấy ngày dài ba năm
III
Ngải thơm tay cắt kìa ai
         Nhớ nhau chẳng thấy ngày dài ba năm / ba thu.

Mỗi ngày nhớ nhau chẳng thấy thì ngày dài gấp bội. Ngày thứ ba dài gấp ba ngày thứ nhất: ba lần ba tháng là 9 tháng/Ngày thứ ba dài gấp bốn ngày thứ hai:  bốn lần chín tháng là 36 tháng: ba năm.
Thời gian ba tháng, ba thu, ba năm, của những kẻ nhớ nhau chẳng thấy đó, không phải thời gian trước mắt, mà là thời gian trong tâm, thời gian tâm lý. Thời gian tâm lý không thể đo bằng bóng mằt trời, mặt trăng, bằng chuôi sao bắc đẩu, không thể đo được bằng mùa hoa lan, hoa sen, hoa cúc, hoa mai, không đo được bằng tiếng oanh, tiếng cuốc, tiếng nhạn, tiếng, hồng, cũng không đo được bằng gốc rẫy của người. Thượng hay đồng hồ của người Kinh, … mà phải đo bằng cường độ nhớ nhung chờ đợi của con tâm, bằng dụng cụ tinh thần mà cố nhân gọi là ’tương tư ý’.
Chúng ta hãy trở lại với chữ ‘tam thu’.
Tam Thu là ba mùa thu. Chúng ta thường nghe nói đến Tam Xuân, Tam Đông. Như vậy Tam Xuân, Tam Đông có phải là ba mùa Xuân, ba mùa Đông chăng?
Không phải.
TAM XUÂN là ba tháng xuân, tức là một mùa xuân.
Mạnh Giao đời Đường có bài DU TỬ NGÂM:
Từ mẩu thủ trung tuyến
Du tử thân thượng y
Lâm hành mật mật phùng
Y khủng trì trì qui
Thuỳ ngôn thốn thảo tâm
Báo đắc tam xuân huy
Nghĩa là:     
Mẹ hiền
Mối chỉ trong tay
Con đi
Ao mẹ đã may sẵn sàng
Đường kim
Hàng khắng khít hàng
Sợ ngày về chậm mà đàng xa xôi
Ôi chao! Lòng cỏ nhỏ nhoi
Ai rằng báo được lượng trời ba xuân?
Câu kết, có chỗ chép:
Dục tương thốn thảo tâm
Báo đáp tam xuân huy
Trong Đoạn Trường Tân Thanh, đoạn Kiều bán mình chuộc cha, Tố Như Tiên sinh thoát ý câu trên:
Hạt mưa xá nghĩ phận hèn
Liệu đem tấc cỏ quyết đền ba xuân.
Như thế chúng ta chắc chắn ‘ba xuân’là ba tháng xuân, chứ không phải là ba mùa xuân.

Còn TAM ĐÔNG lại không phải ba tháng đông hay ba mùa đông, mà là ba năm.
Trong Hán Thư, nói về Đông Phương Sóc: - "Niên thập nhị học thư, tam đồng văn sử túc dụng".
Nghĩa là: 'Năm mười hai tuổi học sách, sau ba đông văn chương kinh sử khá dùng được đầy đủ’.
Chữ ‘Niên’ ở đầu câu làm ngọn nến soi cho chúng ta thấy rỏ nghĩa chữ ‘đông’ ở dưới là ‘năm’.
Và khi Kim Trọng từ giả Thuý Kiều để về chịu tang chú, có câu:
Ngoài nghìn dặm chốc ba đông
Mối sầu khi gở cho xong còn chầy.
Để tang cho chú, kỳ hạn là ba năm. Ba năm vụt qua chốc lát, song đối với người mang nổi sầu cách biệt ở trong lòng thì ngày dài ba tháng, ba thu, ba năm, dằng dặc…

Vân Hương không khỏi thắc mắc:
-      Cũng thì chữ TAM mà sao nghĩa lại không đồng nhất như thế?
-      Là vì văn chương vô bằng cứ. Mà đó là ước lệ của văn chương. Huống hồ thời gian trong thơ là thời gian tâm lý, dài ngắn tuỳ cường độ nhớ trông. Cường độ lại mỗi lúc một khác, mỗi người mỗi khác. Chắc chi ‘ba năm’ của người nầy, của lúc này đã dài bằng ‘ba thu’ của người khác, lúc khác. ‘Ba trăng’ của người nầy, của lúc này đã ngắn thua ‘ba thu’ hoặc ‘ba năm’ của người khác, lúc khác. Cho nên chớ thắc mắc làm gì cái ‘không nhất trí’của khách văn chương sống với nội tâm nhiều hơn với ngoại cảnh.

Xin nói thêm cho Vân Hương rõ:
Ngoài đời nghĩa từ Tam Xuân, Tam Hạ, Tam Thu, Tam Đông, khác với nghĩa trong văn chương, nhất là trong thơ:
-               Tam Xuân là tháng Ba, tức là Quí Xuân.
-               Tam Hạ là tháng Sáu, tức là Quí Hạ.
-               Tam Thu là tháng Chín, tức là Quí Thu.
-               Tam Đông là tháng Chạp, tức là Quí Đông.
Trong văn chương cũng thường dùng ‘tam xuân, tam thu…’ theo nghĩa thông thường:
Trăng giữa ba thu mây vẫn tỏ
Sen trong chín hạ nắng càng tươi.
                                                                           (Khuyết danh)  (4)
Vân vân… Ba thu đây tức là quí thu. Giữa ba thu tức là rằm tháng 9. Trăng rằm tháng tám, tức trăng trung thu, mới thật tỏ. Nhưng đến rằm tháng chín vẫn tỏ như cũ, mặc dù tiết đã muộn màng, mặc dù trời có mưa.

Nhân tiện cũng nói luôn chữ ‘Chín Hạ’.
‘Chín Hạ’ là tháng cuối của mùa Hạ. Mượn ý câu trong Kinh Dịch ‘Dương cùng ư cửu’. Mùa hạ thuộc dương. Nên mượn số 9 thay cho sô 3. ’Cửu hạ’ tức là ‘Tam Hạ’.
Nhưng văn chương thật lôi thôi, rắc rối. Nhưng chính những cái lôi thôi, rắc rối ấy lại thường là cái thú trong văn chương.
Và nói chuyện văn chương thường nhảy từ gà qua lừa. Đó cũng là một cái thú khi viết văn, nhất là viết cho người tương tri tương ái.
Cụ Trạng Trình nhà ta có câu:
Thanh nhàn ấy là tiên khách
Biết thú ta đà có thú ta.
Cái thú cụ Trạng nói đó nhất định gồm có cái thú ‘Lôi thôi rắc rối của văn chương’, cái thú ‘Nhảy từ gà sang lừa’, từ ‘Tam thu đến cửu hạ’.
Nếu Vân Hương không thấy thú cũng cứ bảo rằng có thấy thú cho vui.
__________________________________________________________
(1)   Bỉ thái CÁT hề
-Vì để hợp vần với nguyệt nên cát đọc thành yết
(2)   Bỉ thái TIÊU hề
- Vì để hợp vần với Thu nên cát đọc thành sưu
(3)   Như tam TUẾ hề
- Vì để hợp vần với ngải nên cát đọc thành toái
(4) Của Tôn Thọ Trường.
Câu trên: Mây vẫn tỏ.



22. ÔI TƯƠNG TƯ

Nha Trang, thượng tuần tháng 3 năm Đinh Tý (4-1977)

Thanh Sương,
TƯƠNG TƯ là cùng nhớ nhau.
Có người nhớ, có người được nhớ, và người được nhớ cũng phải nhớ, người nhớ cũng phải được nhớ, có qua có lại mới gọi là tương tư.
Cổ thi có câu:
Quân tại Tương giang đầu
Thiếp tại Tương giang vỹ
Tương tư bất tương kiến
Đồng ẩm Tương giang thuỷ
Nghĩa là: Nhà chàng đầu sông Tương, nhà thiếp cuối sông Tương.
Nhớ nhau không thấy nhau, cùng uống nước sông Tương.

Tản Đà Tiên sinh, để tả lòng nhớ nhau trong lúc xuân về, có một lục nhan đề là NGÀY XUÂN TƯƠNG TƯ:
Trách cái tằm xuân nhả mối tơ
Làm cho bối rối mối tương tư
Sương mù mặt đất người theo mộng
Nhạn lảng chân trời kẻ đợi thơ
Nghìn dặm dám quên tinh lúc ấy
Trăm năm còn nhớ chuyện ngày xưa
Tương tư một mối hai người biết
Ai đọc thơ này đã biết chưa?
Tôi đoán chắc rằng Thanh Sương cung kính thưa:
- Đọc rồi nhưng chưa biết.
Tôi dám quyết đoán là vì:
Sông Tương bến cạn dòng sâu
Đoạn trường ai có qua cầu mới hay.
Mà Thanh Sương nào đã qua cầu, còn trong bài cổ thi cũng như bài của Tản Đà Tiên sinh, chúng ta chỉ được cho biết sự hiện hữu của Tương Tư thế nào có được cho biết sắc thái và khí vị của Tương Tư như sao. Bởi cho biết thế nào được. Người xưa đã than:
Tương tư không biết cái làm sao
Khạc chẳng ra cho nuốt chẳng vào
Khi đứng khi đi khi nói chuyện
Lúc say lúc tỉnh lúc chiêm bao
Bóng trăng trước mặt ngờ chân bước
Tiếng gió bên tai mở miệng chào
Mong gặp Vĩ sinh mà hỏi thử
Tương tư không biết cái làm sao.
Đó là trạng thái của kẻ tương tư. Muốn nếm vị tương tư thì phải qua cầu đoạn trường, phải thể nhập. Nghĩa là phải tự mình uống nước để biết độ nóng lạnh, chứ không thể ý hội, không thể lý giải, không thể ngôn truyền.

Cổ thi có bài ĐỒNG DIỆP OÁN, là lời oán trên lá ngô đồng:
                                            Thư tác tương tư tự
                                            Thư hương thu diệp thượng
                                            Nguyện trục thu phong khỉ
                                            Thiên hạ hữu tâm nhân
                                            Tận giải tương tư tử
                                            Thiên hạ phụ tâm nhân
                                            Bất thức tương tư ý.
Nghĩa là: Mượn lá ngô đồng làm lá thư để chép chữ TƯƠNG TƯ, nhờ gió đưa ra ngoài thế gian: Hễ ai là người hữu tâm thì lý giải được tường tận ý nghĩa của sự chết vì tương tư. Còn những ai mang lòng bạc bẽo phụ phàng, thì thảy đều không thể biết được ý nghĩa chữ Tương tư.
Tiêu biểu cho ‘Tương tư tử’, có câu chuyện vợ chồng Hàn Bằng thời Chiến Quốc (403-221 tr.C.N):
Hàn Bằng người nước Tống. Vợ là Tức Thị, một tuyệt đại giai nhân. Vợ chồng sống về nghề nông tang, tình sâu nghĩa trọng.
Một hôm vua tống tên là Yển đi dạo gặp Tức Thị hái dâu. Bị nhan sắc hấp dẫn, Yển sai quần thần dò hỏi lai lịch, rồi đem vàng lụa đến dụ dỗ Hàn Bằng dâng hiến vợ. Hàn không chịu. Yển cho quân lính bắt Tức Thị đem vào cung.
Hàn đau khổ quá, tự tử.
Tức Thị vào cung, Yển phán:
- Ta là vua Tống. Nếu nàng vui vẻ thờ ta thì ta sẽ phong làm Hoàng hậu, vinh hiển suốt đời. Bẳng nghịch mạng thì đừng trách ta độc ác.
Tức Thị khẳng khái đáp:
- Chim sẽ không nhập bầy với chim phụng. Thiếp là thứ dân hợp với nhà tranh vách đất, không hợp với cung điện nguy nga. Bệ hạ là vua trong thiên hạ lại đi dựt vợ của thứ dân sao?
Yển nổi giận:
- Nhà ngươi đã là cá trên thớt, chim trong lồng. Dẫu không muốn cũng không được. Huống nữa chồng nhà ngươi đã chết, nhà ngươi còn mong về với ai?
Được tin chồng đã chết, chết vì mình, Tức Thị đứt từng khúc ruột. Đứng trước cảnh trạng bi khổ, chỉ lấy chút lòng để đáp lòng nhau, Tức Thị bèn dịu giọng:
- Nếu quả vậy thì xin cho tiện thiếp tắm gội sạch sẽ, lạy tiễn linh hồn chồng rồi sẽ phụng sự Đại Vương.
Yển mừng rỡ chuẩn y.
Tẵm gội xong, Tức Thị lên lầu cao, ngửa mặt lên không khấn vái, rồi khóc to một tiếng:
- Chàng ơi, đợi thiếp theo cùng.
Cung nữ thất kinh chạy đến cứu thì dưới lầu thịt đã nát cùng xương. Một bức thư để lại xin được chôn chung một mộ cùng chồng thì nghìn thu không giám quên ơn nặng.
Yển giận, truyền chôn cách mộ Hàn Bằng.
Mấy hôm sau, một giống cây lạ mọc cạnh hai nắm mồ, tược đâm lên rất lẹ, chỉ trong mấy ngày đêm mà tán lá sum sê, và cành cây này giao sang cành cây kia, lồng vào nhau, quấn lấy nhau… ngày ngày một đôi uyên ương bay đến đậu, tiếng kêu ai oán và vang vọng tận những nơi làng xóm xa xăm.
Người trong vùng gọi giống cây ấy là cây tương tư và đôi uyên ương kia là oan hồn vợ chồng Hàn Tức hoá sinh.

Trên đời chẳng những loài người mới biết tương tư. Loài vật, lắm giống cũng biết tương tư như loài người, nhất là giống chim, lòng tương tư da diết không kém người hữu tâm.
Chim loan lẻ đôi không kêu.
Chim cuốc lẻ đôi bỏ ăn, bỏ uống, kêu đến ra huyết mà chết.
Ca dao có câu:
Cuốc lẻ đôi còn ngồi than khóc
Huống chi đôi lứa mình phân tóc rẽ tơ.
Và truyền rằng Diệm Tân Vương nuôi một con loan đã ba năm mà không kêu. Phu nhân nói cùng chồng mình là chim lẻ đôi, rồi bảo đem một tấm gương để trước mặt.loan nhìn thấy bóng, liền cất tiếng kêu, và kêu suốt đêm rồi chết.
Ôi, Tương tư! Tương tư!
Tương tư một mối hai người biết
Ai đọc thơ này đã biết chưa?
Chắc Thanh Sương đáp:
- Biết rồi, mặc dù chưa thể chứng./.