Những bức thư thơ 23.Thi thiên tử - 24.Nga nga lưỡng nga nga


23. THI THIÊN TỬ

Nha Trang, tiết Võ Thuỷ năm Canh Tý (1960)

Anh Nguyễn Huy Tự,
‘THI THIÊN TỬ’ là danh hiệu người ta tặng cho VƯƠNG CHI HOÁN, một thi nhân đời Thịnh Đường.
Nguyên một hôm, Vương Chi Hoán cùng hai bạn thơ là VƯƠNG XƯƠNG LINH và CAO THÍCH đương ngồi đối ẩm trong một tửu lâu thì một đoàn ca kỹ ôm đàn phách tới.  Chi Hoán bảo hai bạn:
-    Lâu nay chúng ta không ai chịu nhượng ai. Nay tôi xin giao hẹn: Hễ thơ ai được bọn ca kỹ ngâm hát nhiều nhất thì người ấy được tôn  làm thiên tử, còn thì làm chư hầu.
Vương Xương Linh và Cao Thích gật đầu và cùng nâng chén ngồi đợi.
Ba nhà vốn là những bậc có danh, văn chương lại rất phổ biến trong làng ca nhạc. Nhưng vì không được ai biết mặt, nên khi vào đoàn ca kỹ không để tâm. Hồi lâu một ả gõ phách ca bài TÒNG QUÂN HÀNH của Xương Linh:
Tỳ bà khởi vũ hoán tân thanh,
Tổng thị quan san ly biệt tình!
Liêu loạn biên sầu đàn bất tận!
Cao cao thu nguyệt chiếu trường thành.
Phỏng dịch:
Nôn nao khúc mới động giây Tỳ,
Tình bận quan san tiếng biệt ly!
Cửa ải sầu đoanh đàn chẳng hết!
Trường thành trăng lạnh ánh quang huy.
Rồi ca tiếp bài PHÙ DUNG LẦU TỐNG TÂN TIỆM của Xương Linh:
Hàn võ liên giang dạ nhập Ngô,
Bình minh tống khách Sở sơn cô!
Lạc Dương thân hữu như tương vấn:
Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ.
Phỏng dịch:
Sông Ngô dừng mái lạnh đêm mưa,
Sáng tiễn người đi núi Sở trơ !
Bằng hữu Lạc Dương như hỏi đến:
Băng trong hồ ngọc tấm lòng xưa.

Kế một ả khác cất giọng ngâm bài BIỆT ĐỎNG ĐẠI của Cao Thích:
Thập lý hoàng vân bạch nhật huân,
Bắc phong xuy nhạn tuyết phân phân..
Mạc sầu tiền lộ vô tri kỷ:
Thiên hạ hà nhân bất thức quân.
Tạm dịch:
Mười dặm mây vàng bóng ác soi,
Hơi may thổi nhạn tuyết tơi bời.
Chớ sầu đường trước không tri kỷ:
Thiên hạ quen anh chẳng thiếu người.
Vương Xương Linh và Cao Thích đắc ý rung đùi. Vương Chi Hoán tức mình nói:
-    Thứ ca kỹ quê mùa, vừa xấu vừa dốt, biết sao được những khúc nhã điệu cao tình.
Đoạn chỉ một người đẹp nhất đám.
-    Nếu con bé kháu khỉnh kia mà không hát thơ tôi thì suốt đời tôi chịu thua các anh. Bằng trái lại, các anh phải xá tôi làm thiên tử.
Vừa dứt lời thì cô bé lên dây tỳ, vừa gảy vừa hát khúc LƯƠNG CHÂU TỪ của Chi Hoán:
Hoàng Hà viễn thượng bạch vân gian,
Nhất phiến cô thành vạn nhẫn san!
Khương địch hà tu oán dương liễu?!
Xuân phong bất độ Ngọc Môn Quan.
Tạm dịch:
Ngọc nước Hoàng Hà tiếp bạch vân,
Thành côi một mảnh núi muôn tầng.
Vì chi địch Rợ oán dương liễu?!
Ai Ngọc hằng không lọt gió xuân!
Vương Chi Hoán vỗ bàn cười lớn:
-    Tôi nói có sai đâu. Các anh đã chịu xưng thần chưa đó?
Đoàn ca kỹ nghe cười nói to tiếng, ngạc nhiên, lân la lại hỏi chuyện. Biết ra, vừa lấy làm thú vị vừa mừng được gặp người hâm mộ mà chưa quen. Để tỏ lòng hân hoan cả đoàn chung nhau làm tiệc đãi.
Câu chuyện lưu truyền ai cũng lấy làm thích thú, bèn gọi Vương Chi Hoán là Thi Thiên Tử; nghĩa là ông Thiên tử trong nước Thi.
Thế là nhờ bài Lương Châu Từ mà danh Vương Chi Hoán thêm hiển hách.
Người đồng thời là VƯƠNG HÀN cũng có bài Lương Châu Từ rất được truyền tụng:
Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi!
Tuý ngoạ sa trường quân mạc tiếu:
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi ?!
Tạm dịch:
Rượu đào thơm ngát chén pha lê,
Toan uống đàn bôn dục dã đi!
Say ngã sa tràng chàng chớ mỉa:
Xưa nay chinh chiến mấy ai về?!
Bài này tánh chất khác hẳn bài của Vương Chi Hoán. Bài của Chi Hoán từ kiện và ý nhiệm. Bài của Vương Hàn văn điệu và tứ thâm. Một bên khí nặng mà phải dằn. Một bên tình nhiều mà cố nén. Nhưng cả hai đều ngậm ý chua chát mỉa mai: cây liễu nơi Ngọc Môn Quan, cành lá không sanh, vì gió xuân không thổi tới. Thế mà bọn rợ Khương còn thổi khúc Chiết Liễu để tỏ lòng oán trách cảnh biệt ly! Người ở nhà được yên vui với vợ con, đã không thương kẻ đem thân bỏ chiến trường, lại còn chê cười khi thấy người ta tìm cái say để quên cái  chết! Ý không nói mà vô cùng! Tình không tỏ mà bất tận. Thật là ‘vị nội vị, thinh ngoại huyền’. Cái hay của Đường Thi, nhất là về thơ tuyệt cú, phải ý hội chớ không thể ngôn truyền là vì thế.
Và nếu hỏi hai bài LƯƠNG CHÂU, bài nào hơn bài nào, thì không ai dám quả quyết.
Cùng một đề tài mà còn thế, huống hồ đối với những bài của Cao Thích và Vương Xương Linh.
Bài TÒNG QUÂN HÀNH thì lâm ly bi tráng.
Bài PHÙ DUNG LẦU TỐNG TÂN TIỆM thì thanh cao.
Bài TỐNG ĐỎNG ĐẠI thì khoan và tự tại.
Bài LƯƠNG CHÂU TỪ của Chi Hoán, cảm khái nhưng hiên ngang.
Thật không thể phân biệt được Dương Quí Phi hơn Tây Thi hay Chiêu Quân hơn Phi Yến.
Còn nói về toàn thể sự nghiệp của ba nhà, thì Vương Xương Linh sở trường về thơ tuyệt cú. Những bài về biên tái về cung trung… từ diệu ý thâm, xưa nay ít nhà sánh kịp. Thơ Cao Thích thì hùng kiện và có nhiều giai tác lưu truyền.
Riêng về Vương Chi Hoán, tôi không được đọc nhiều. Nhưng danh hiệu THI THIÊN TỬ mà thời nhân tặng họ Vương, tuy do một câu chuyện lý thú, chứ không phải bằng vào tánh chất văn chương hay tài nghệ của tác giả như danh hiệu THI THÁNH của Đỗ Phủ, THI TIÊN của Lý Thái Bạch…, vẫn làm cho tôi tin rằng Vương Chi Hoán cũng là một tay cự phách thời Thịnh Đường. Vì nếu là một thi nhân dung thường thì dù chi chi cũng không ai chịu kêu là thiên tử.
__________________________________
(1)   Tái bút: Bài “Bồ Đào mỹ tửu…” dịch lại:
Rượu đào ngát chén dạ quang
Rót chưa kịp uống tiếng đàn giục đi
Sa trường sóng ngã cười chi.
Xưa nay chinh chiến mấy khi mà về.
                                                (Q.T.)



24. NGA NGA LƯỠNG NGA NGA

Nha trang tiết Hạ Chí năm Tân Sửu (1961)

Chú VŨ HÂN,
Bài NGA NGA LƯỠNG NGA NGA đã có nhiều sách nhiều báo nói đến rồi. Thể theo lời chú, tôi xin nói lại để cùng chú và các bạn trẻ quen thân mua vui:
Năm Đinh Mão (997) sứ nhà Tống là LÝ GIÁC sang Việt Nam ta. Vua Lê Hoàng sai sư  PHÁP THUẬN cải trang, giả làm lái đò ra đón sứ giả tại bến Sách Giang. Lý Giác là một nhà thơ có danh của Trung Quốc, ngồi trong thuyền thấy đôi ngỗng trắng bơi nhởn nhơ trên mặr nước bèn ngâm:
Nga nga lưỡng nga nga
Ngưỡng diện hướng thiên nha
Nghĩa là:
Ngỗng kìa ngỗng một đôi
Ngưỡng cổ ngóng chân trời.
Trong khi Lý Giác đương tìm tứ thì Pháp Thuận vừa chèo vừa ngâm tiếp:
Bạch mao phô lục thuỷ,
Hồng trạo bãi thanh ba
Nghĩa là:
Nước xanh lông tuyết trải
Sóng lục chân hồng bơi.
Lý Giác hết sức kinh dị, về sứ quán liền tặng cho nhà sư một bài thơ thất ngôn bát cú mà câu kết rằng:
Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu
Khê đàm ba tịnh kiến thiềm thu.
Nghĩa là:
Ngoài trời còn có trời soi sáng
Sóng lặng đầm khe bóng nguyệt ngời.
Những vần thơ trên đều là những vần thơ bất hủ.
Bài NGA NGA lại là một bài thơ ngỡ bình dị tự nhiên mà thật hàm súc thâm diệu. Cổ nhân khen là ‘Thi trung hữu hoạ’. Tôi xin thêm là ‘Hoạ trung hữu đạo’. Bởi vì bài NGA NGA chẳng những là một bức tranh tuyệt mỹ bằng lời, mà còn là một bài kệ hé đường cho những người có lòng đi tìm nơi ‘an tâm lập mạng’.
Đó là một áng văn chương đầy thi vị lẫn đạo vị. Nhìn vào chúng ta vừa được hưởng cái thú vị thanh khiết của một phong cảnh hữu tình, vừa thấy được cái quan niệm về vũ trụ và nhân sinh của Đạo Phật.
Quan niệm ấy như thế nào?
Vạn Vật nghĩa là tất cả những hiện tượng vật chất và tinh thần, tất cả những loài hữu hình và vô hình thì vô số vô lượng, ngàn sai muôn khác, nhưng đều là những hiện tượng có hoại diệt, không có một hiện tượng nào vĩnh cữu, bất biến cả. Tất cả đều tồn tại một cách giả tạm, ngẫu nhiên. Lắm khi sự vật đương có liền trở thành không, đang không bỗng trở nên có, biến chuyển mau chóng, vô thường.
Tuy nhiên, qua sự biến chuyển, sự tiêu hoại của sự vật, vẫn còn có một cái gì không bị biến chuyển, không bị tiêu hoại. Ví dụ các lớp sóng, lớp này thành lớp kia hoại, lớp này hoại lớp kia thành, và qua sự thành hoại của các lớp sóng, vẫn còn có một cái không thành hoại, ấy la Nước. Đối với sự vật cũng thế. Và cái không biến chuyển không tiêu hoại của sự vật, đạo Phật gọi là CHƠN NHƯ.
Nước là bản thể của Sóng.
CHƠN NHƯ là Bản thể bất biến của vạn vật.
CHƠN NHƯ không sanh không diệt, ở đâu và lúc nào cũng thế. Tâm thức  chúng ta không nhận được nó, kỳ thực nó là nguồn gốc phát sinh của vạn vật. Nói một cách khác: CHƠN NHƯ cũng chính là vạn vật, nhưng vì Vô Minh che lấp, nên khả năng trí thức của chúng ta không nhận được CHƠN NHƯ (tức là BẢN THỂ) mà chỉ nhận được vạn vật (tức là Hiện tượng).
Và vì Vô Minh si ám nên ý thức làm phát hiện vạn vật hiện tượng nhìn sai muôn khác, thành ra có chủ thể có đối tượng, tức là có TÂM có CẢNH.
Như thế, tuy có Tâm có Cảnh, kỳ thực Tâm và Cảnh chỉ là một (Tâm cảnh nhất Như), tuy sự vật nghìn khác muôn sai, nhưng tất cả đều chung một Bản Thể (Vạn hữu nhất thể).
Câu “Nga Nga lưỡng Nga Nga” hàm nhiếp lý nghĩa: “Tâm cảnh nhất như, nhưng hiện có tâm có cảnh”.
Chữ Nga Nga tượng trưng cho Bản Thể bất biến, hồn nhiên và vô phân biệt.
Bản Thể chỉ là một. Nhưng vì ý thức tức Vô minh nên mới phân biệt chủ thể và đối tượng.
Chữ lương biểu thị cho sự phân biệt kia vậy.
Tuy phân biệt, nhưng đối tượng của sự phân biệt chỉ là vạn vật hiện tượng chớ không phải la Chơn như Bản thể. Và tuy có Tâm có Cảnh, nhưng Tâm và Cảnh đều bắt nguồn từ Giác Hải chơn thường, cho nên dêu hướng về Chơn Như Thể Tánh, cũng như hai con Nga Nga đều: Ngưỡng diện hướng thiên nha.
Chữ THIÊN NHA tượng trưng cho THỂ TÁNH. Vì Thể tánh tức Chơn Như, vốn phi hình phi sắc, không thể bảo là “CÓ” mà cũng không thể bảo là “KHÔNG”. Sắc ấy không, không ấy sắc, chẳng khác chi chân trời kia không mà có có mà không vậy.
Nói tóm lại, hai câu thơ của Lý Giác:
Nga Nga lưỡng Nga Nga
Ngưỡng diện hướng thiên nha
Ý nói: Vạn vật biến sinh từ Diệu Giác và đều qui về Giác Hải Chơn Như.
Còn hai câu thơ của Pháp Thuận, câu “Bạch mao phô lục thuỷ” chỉ về sứ giả, câu “Hồng trạo bãi thanh ba” nói về nhà sư.
Tác giả mượn chữ BẠCH MAO để ám chỉ sứ giả là một y cư sỹ có đạo tâm và để tượng trưng cho Bồ Tát hạnh. Mượn chữ HỒNG TRẠO để ám chỉ nhà sư là một hồng y tu sỹ lo việc tu hành và để biển thị cho Thinh Văn hạnh.
Chữ LỤC THUỶ miêu tả cuộc đời sâu thẳm không lường. Vì nước có sâu sắc mới lục, mà nước càng sâu, sự biến chuyển càng khó nghĩ nghì.
Chữ THANH BA hình dung những đợt sóng lòng dục vọng phiền não nổi mãi không thôi, hết lớp này đến lớp khác.
Bạc mao phô lục thuỷ,
Hồng trạo bãi thanh ba
Ý nói: Sứ giả là một cư sỹ áo trắng hiện đem tài năng ra phụng sự quốc gia, đem đạo tâm ra độ sinh tế thế. Còn người lái đò là một tu sỹ áo hồng, ngoài mặt thì thảnh thơi nhàn nhã, nhưng đi sâu vào nội tâm thì thấy luôn luôn chiến đấu cùng dục vọng phiền não để đi đến bờ giác bên kia.
Đó là ý cạn.
Đi sâu thêm một tầng nữa thì thấy rõ ràng hai câu của Pháp Thuận bồi bổ cho hai câu của Lý Giác được viên mãn. Hai bên khắng khít nhau như đôi ngỗng cùng bơi, khắng khít nhau như đầu ngỗng, thân ngỗng và chân ngỗng.
Hai câu của Lý Giác, như trên đã nói, phô diễn chơn lý: tâm cảnh là một và vạn vật đều là Như Như hiển hiện. Tuy nhiên , muốn thân chứng được Như Như thì cần phải “Hướng thiên nha” tức là cần phải quay đầu về với Chơn Tánh.
Hai câu của Pháp Thuận giảng tiếp rằng:
-   Trên đường về, người tu hành phải làm gì đây?
Ngoài đời phải đem Bồ Tát hạnh phục vụ quần sanh để làm cho cảnh đời trở nên vui tươi trong sạch đẹp đẽ như lông ngỗng trắng trải trên màu nước xanh. Và trong khi phục vụ quần sanh phải giữ tam nghiệp (Thân nghiệp khẩu nghiệp và ý nghiệp) cho được tinh khiết, ví như lông ngỗng kia tuy gần nước nhưng không bị nước làm ướt át đắm chìm.
Còn trong lòng thì phải lo chiến thắng dục vọng phiền não như đôi chân ngỗng chiến đấu cùng sóng sông. Nước xanh hiện nay là sóng xanh, thì tâm chơn như hiện là tâm phiền não. Người tu hành tuy ở trong phiền não, nhưng cần phải cỡi sóng phiền não, chớ không phải lìa xa sóng phiền não vì không có phiền não thì không có Bồ Đề, để lướt về “Thiên Nha”
Như thế mới mong thân chứng Như Như, mới thành chánh quả.
Đó là quan niệm của Phái Thiền Tông chủ trương cái thuyết “Vạn hữu nhất thể”, “Tâm pháp nhất như” của Đại Thừa, và dùng làm cơ sở để phát dương Chánh Đạo trong các đời Đinh, Lê, Lý, Trần, (thế kỷ X, XI, XII, XIII ). Lý Giác và Pháp Thuận là những người được hấp thụ trong bầu triết lý thâm thuý của Phật học nên văn chương thấm nhuần đạo vị như thế kể cũng không có chi là lạ.
Bài NGA NGA còn có thể đem luận về TAM QUAN.
Nhưng thôi.
Vì vốn là người đứng ngoài./.