Những bức thư thơ 23.Con nào cũng là con - 24.Bút quan Thái sử


23. CON NÀO CŨNG LÀ CON

Nha Trang, tiết Cốc Vũ tháng 3 năm Đinh Tý (20-4-1977)

BẠCH LIÊN,      
Có nhiều khi cao hứng làm được hoặc dịch được đôi câu thơ, đôi bài thơ một cách dễ dàng. Làm xong, dịch xong, lại không chép lại, lâu ngày quên mất. Đến khi có người nhắc mới nhớ.
Như năm 1955, có một ông bạn đến chơi, ngâm:
Nước non dời bước đầu không bạn
Trăng gió bên mình sẵn có thơ.
Tôi khen:
-  Thơ thanh lão, có tình, có vị.
Và hỏi:
-  Của ai thế?
Ông bạn ngạc nhiên:
-  Của mình, sao lại hỏi của ai?
Chừng đó tôi mới nhớ trực lại là một câu thơ trong bài tôi hoạ vận bài của cụ Đề lại Ngô Văn Nhương thời Pháp thuộc, trong khoảng 1935-1945. Bài của cụ Đề Ngô, tôi còn nhớ được 4 câu:
Việc cả muốn làm không đủ sức
Lòng buồn mong tả chẳng ra thơ
Chuyện trò với một bầy con trẻ
Bầu bạn còn vài bộ sách xưa.
Bài hoạ của tôi, ngoài hai câu thượng dẫn, tôi nghĩ mãi mới nhớ được hai câu nữa, nhập lại thành một tuyệt khả lân:
Nước non dời bước đầu không bạn
Trăng gió bên mình sẵn có thơ
Chi bận cò ngao đời nửa mới
Đã tường hươu lá mộng nghìn xưa.
Ông bạn có ý trách:
-  Thơ nhiều quá nên quên. Bạn nhiều quá, e có gặp mới nhớ?! Lòng  thuỷ chung của thi nhân xem chừng không mấy vững chắc.
Tôi không biết trả lời sao!
Vào cuối năm 1976, tôi gặp lại Chế Lan Viên, sau 30 năm trời xa cách. Nỗi vui mừng thật vô biên. Ngót hai ngày tâm sự với nhau, hết chuyện phong sương đến chuyện văn chương… Lúc gần chia tay, Chế nói:
-  Có một bài thơ của Tấn mà mình quên mất câu chót. Trông gặp để hỏi. Xuýt nữa quên!
-  Bài nào thế?
Chế đọc:
Mười cây hoa nở chín cây không
Một trận mưa thưa trận gió lồng
Con nhện biết cầm xuân nán lại...
Rồi tiếp:
-  Quên mất câu thứ tư.
Tôi ngơ ngác, bụng bảo dạ:
-  Dường của ai chứ đâu phải của mình. Chắc của ai, mình thấy thích đọc cho Chế nghe…
Chế cười.
-  Đó là bài Tấn dịch bài thơ Tống:
Thập thọ hoa khai cửu thọ không
Nhất phiên sơ võ nhất phiên phong
Tri thù giã giải lưu xuân trú
Uyển chuyển trừu ty võng lạc hồng.
Chắc chắn là của mình rồi, nhưng đào óc nghĩ mãi vẫn không nhớ câu thất tích kia ra sao cả. Muốn đem một câu khác thay vào, nhưng dịch sao hết ý lẫn nghĩa của nguyên tác. Đành tạm bỏ qua.
Vừa rồi đọc lại tập Tuỳ Viên Thi Thoại tôi phiên âm và dịch nghĩa (dịch qua loa) thời Pháp thuộc, tình cờ gặp được bài thơ trên cả nguyên tác lẫn dịch văn. Bài ấy nhan đề là TÍCH XUÂN Tác giả là TỊCH BỘI LAN, người đời Thanh chớ không phải đời Tống. Và câu thơ dịch thứ tư là:
                    Dịu dàng tơ kéo bủa rơi hồng.
Câu thơ ‘bất thành cú’. Tôi nhớ lại rành mạch: Những thơ trong Tuỳ Viên Thi Thoại, tôi chỉ phiên âm và dịch nghĩa đen. Bài TÍCH XUÂN vì thấy dễ nên vui tay dịch ra thơ. Song đến câu thứ tư thì không đủ sức xoay trở, phải viết bừa cho xong. Có thể vì câu thơ quá kém nên Chế bỏ qua, lâu ngày không còn thấy bóng dáng.
Nay xin tạm sửa lại cho xuôi tai:
Con nhện biết cầm xuân nán lại
Giăng tơ chờ đến phút rơi hồng.
Còn mấy vần thơ Bạch Liên chép hỏi đó, chính cũng đồng một cảnh ngộ với những câu thơ hoạ và thơ dịch trên kia.những vần thơ đó, tôi không chép trong các bản cảo đã hoàn tất.
Quạt đề thơ tặng năm xưa
Ơn lòng giữ nắng gìn mưa trọn niềm
Ví không tài Trác Văn Quân
Mấy ai biết được khúc cầm Tương Như
Đó là tôi dịch bài thơ của Viên Mai đời Thanh tặng nàng họ Nhậm, một nữ hiệu thư đất Tô Châu.
Nguyên trong một bữa tiệc Viên Mai gặp Nhậm Thị. Thị xin đề cho một bài thơ trên quạt. Bốn năm sau trở lại Tô Châu, Viên Mai gặp lại người cũ. Nhậm thị lấy quạt trình cho Viên xem: Quạt dùng lâu ngày đã rách nát, duy nơi có bài thơ không sờn sứt mảy may. Viên cảm động thảo tặng thêm một tuyệt:
Tứ niên tiền tặng phiến đầu thi
Đa tạ giai nhân hảo hộ trì
Bất thị văn Quân tài tuyệt thế
Tương Như cầm khúc hữu thuỳ tri
Chuyện ấy chép trong Tuỳ Viên Thi Thoại.
Năm ngoái, nhân anh Trần Thúc Lâm đọc lại bài thơ ấy trong một buổi nói chuyện văn chương cùng mấy ông bạn quen, tôi cao hứng dịch ra lục bát để giúp vui. Nhưng rồi thấy không lột hết ý, nên bỏ đi, dịch lại theo nguyên điệu:
Quạt đề thơ tặng bốn năm xưa
Muốn tạ lòng ai giữ nắng mưa
Ví chẳng Văn Quân tài tuyệt thế
Cầm đài ai biết giá Tương Như.
Cử toạ kẻ thì cho bài thất ngôn hơn bài lục bát, người thì cho bài lục bát có sức truyền cảm mạnh hơn, dù vần không được chỉnh, ý không sang được trọn vẹn.

Rồi từ Nhậm thị đất Tô Châu bước qua Trương Thục Dạng đất Trấn Giang:
TRƯƠNG THỤC DẠNG là một thiếu phụ có sắc có học lại thích làm thơ, vì thân sinh là một vị tú tài không gặp vận. Nhưng rủi gặp phải người chồng không biết chữ, cả ngày chỉ lui cui công việc làm ăn, Trương thị rất buồn cho thân phận. Để khiển muộn đành một mình làm bạn với văn chương.
Một thi nhân đất Lục Kiều là Kiên Khánh sang chơi Trấn Giang, tình cờ gặp Trương thị, và trở thành đôi bạn tương tri. Ngày ngày thường gặp gỡ nhau trong cuộc xướng hoạ. Một hôm Kiến Khánh tỏ ý muốn kề cận. Trương thị xin dừng mối tình nơi ngưỡng cửa lễ giáo, để cho đời phong tao thêm phần thanh cao. Lời đoan chính làm sao cho Kiến Khánh nể vì. Song thi nhân không phải thánh mà sắc có sức mạnh hơn ba đào, nên cách một thời gian sau, Kiến Khánh lại tỏ lòng ước mong một lần nữa. Trương thị sụt sùi khóc:
-  Kiếp này duyên đã lỗi, xin hẹn cùng người kiếp sau.
Nước mắt làm nguội lửa ham muốn, song niềm tương thân lại càng thâm hơn.
Mấy tháng sau, Kiến Khánh trở về quê. Trương thị đưa tặng một lật trong đó có câu:
Tam nguyệt đào hoa lân thiếp mệnh
Lục Kiều yên liễu mộng quân gia
Nghĩa là:
Đào muộn màng xuân thương phận thiếp
Liễu vương vấn mộng dõi quê chàng.
Hai năm sau Kiến Khánh trở lại Trấn Giang, thì vợ chồng Trương Thị đã dọn nhà đi nơi khác, không ai biết là đi về đâu. Bồi hồi áo nảo, Kiến Khánh gạt lệ mà trở về.
- Chuyện này cũng rút trong Tuỳ Viên Thi Thoại.
Nghe câu chuyện cử toạ đều bùi ngùi.
Nhân trong người mang một nỗi niềm tương tợ Kiến Khánh, tôi buột miệng ngâm:
Lục Kiều khói liễu xanh xao
Biết rằng tươi héo hoa đào Trấn Giang?
Nhưng không thấy ai để ý.
Từ ấy thời cuộc chiếm cả thời giờ, tôi không có dịp nghĩ tới những vần thơ ngẫu tác trong cuộc họp bạn hôm đó. Nay nếu không có Bạch Liên nhắc đến, thì trong một vài năm nữa tôi e:
Cùng người một chuyến đò ngang
Nhìn ta hỏi nhỏ rằng chàng là ai?
Khi biết được là ai rồi thì vui bao nhiêu buồn bấy nhiêu. Tôi đã thể chứng hai lần rồi. Duyên may run rủi Bạch Liên ngăn trước không cho tôi nếm vị buồn vui vừa ngon vừa chát một lần thứ ba nữa.
Hà Sỹ Ngung, tú tài đời Thanh, có câu:
Thư nhân bổ độc tuỳ thời triển
Thi vị lưu san tận số sao.
Nghĩa là:
Sách để xem thêm tuỳ lúc mở
Thơ dành chọn kỹ nhặt tay sao.
Nghe lời cổ nhân, từ nay làm được câu nào chép lại câu nấy. Dù hay dù dở, con nào cũng là con. Sau nầy có người để ý thì thủ xả tuỳ nghi. Trong một bức thư viết cho tôi trước đây, THI VŨ nói:
-   Có những bài anh thích, chắc chi nhiều người cũng thích như anh. Cũng có lắm câu anh không vừa ý mà lại có lắm người rất ưa…
Cho nên ‘tận số sao’ vừa có lợi cho mình, vừa có lợi cho người, người yêu thơ, người biết chân giá trị của thơ, như Bạch Liên, Thi Vũ./.





24. BÚT QUAN THÁI SỬ

Nha Trang, Trung tuần tháng 3 Đinh Tỵ (4-1977) 
 
BẠCH LIÊN,
Đền vua lắm việc nhiêu khê.
Bút quan Thái sử Tấn Tề phải đây?
Đó là một câu thơ tôi ngâm chơi rồi không chép lại. Không ngờ bay xa và được Bạch Liên gìn giữ. Tôi xin mượn câu thơ Viên Mai tặng Nhậm nữ hiệu thư (1) mà tặng Bạch Liên:
Ví không tài Trác Văn Quân
Mấy ai biết được khúc cầm Tương Như.
Và xin nói rõ nguyên uỷ của câu thơ và điển tích sử dụng.
Nguyên thời Kháng Chiến chống Pháp (1945-1954), tôi trở về quê hương ở Bình Định. Cụ Vương Tủ Đại, nguyên Tổng Đốc Bình Định, viết một bức thư kèm theo một bảng thảo bằng Pháp văn, nhan đề là SOUVENIS D’UN LOYALISME DÉSABUSÉ (Hồi ký một kẻ trung quân tỉnh ngộ) để gởi đến cậy tôi dịch ra quốc âm. Nhưng chưa gởi thì cụ mất. Sau người con là Vương Tử Đạt tìm thấy mới cho người đem đến tận nhà.
Tập Hồi ký kể lại những việc đã xảy ra dưới triều Thánh Thái, Duy Tân, khải Định (1889-1925), nói đầy đủ nhất là hành động của vua Thành Thái.
Cụ Vương Tử Đại vốn là một viên Tham Tá tòa sứ pháp, được đưa sang làm việc bên Nam Triều thời Khải Định, và làm quan lên đến chức thượng thư. Những chuyện cụ viết ra đều là những chuyện tai nghe mắt thấy. Trong thư cụ yêu cầu tôi dịch và tìm cách phổ biến. Các bạn quen thân cũng khuyến khích tôi thực hiện ý muốn của cụ Vương. Tôi không đáp, chỉ ngâm câu lục bát trên. Các bạn hỏi:
-  Anh không tin ngòi bút của cụ Vương vô tư như ngòi bút của các quan Thái sử Tấn Tề chớ gì?
Tôi đáp:
-   Chỉ một phần thôi. Còn một phần nửa là tôi không muốn học thói đời ‘tài giả bồi chi, khuynh giả phúc chi’. Nếu tôi được tập hồi ký nầy lúc nhà Nguyễn còn giữ ngôi, thì có lẽ tôi dễ cao hứng.
Tập bản cảo ấy tôi còn giữ, làm kỷ niệm.
Đó là nguyên nhân sáng tác câu thơ.
Và đây: sự tích các quan Thái sử Tấn Tề

Quan Thái sử nước Tấn là Đổng Hồ.
Vua nước Tấn là Di Cao (Tấn Linh công) tham dâm vô đạo. Trung thần là Triệu Thuẫn, làm Tướng Quốc, hết lời can gián. Di Cao đã không nghe lại đem lòng oán ghét, bàn cùng đám gian thần tìm cách trừ diệt. Triệu Thẫn biết được bỏ trốn ra nước ngoài. Giữa đường gặp cháu là Triệu Xuyên. Xuyên hỏi biết sự tình, bèn về Kinh đô lập mưu giết được Di Cao tại Vườn đào sau cung, rồi rước Triệu Thuẩn về cùng tôn vua Thành Công lên ngôi.
Việc triều đường được ổn định trở lại.
Một hôm, Triệu Thuẫn bảo quan Thái sử Đổng Hồ cho xem việc nơi Vườn đào chép như sao. Đổng Hồ ung dung mở trang sử:
-  Mùa thu tháng bảy năm ất Sửu, Triệu Thuẫn giết vua Di Cao tại Đào Viên.
Thuẫn giật mình nói:
-  Quan thái sử lầm rồi. Lúc ấy ta đã trốn ra Hà Đông cách Kinh thành hai trăm dặm, có biết đâu việc giết vua. Quan thái sử đổ lỗi ấy cho ta chẳng phải là oan lắm sao?
-  Có thể chữa được chăng?
-  Đầu tôi có thể rơi chứ bản thảo ấy không thể chữa.
Triệu Thuẫn than;
-  Thế mới biết quyền chép sử trọng hơn quyền làm Tướng Quốc. Tiếc thay, ta làm không trọn phận sự đành mang tiêng xấu nghìn thu.
Sau việc nước Tấn, xảy ra việc nước Tề.
Vua nước Tề là Trang Công thông dâm cùng vợ quan Hữu Khanh Thôi Chữ. Thôi Chữ giận lập mưu giết chết vua rồi tôn vua Cảnh Công lên ngôi. Chữ bảo quan Thái Sử bá chép là vua bị bệnh sốt mà chết. Thái Sử không nghe, chép:
-  Ngày Ất hợi tháng 5 mùa hạ, Thôi Chữ giết vua là Quang hiệu Tề Trang Công.
Thôi Chữ nổi giận xé trang sử và giết Thái sử Bá.
Thái sử Bá có ba người em đèu có tài chép sử, là Trọng, Thúc, Quí.
Trọng lên thay anh, cũng chép như trước, liền bị giết.
Thúc cũng chép y như hai anh, và cũng bị giết nữa.
Quí lên thay. Thôi Chữ doạ:
-  Ba chiếc đầu rơi rồi, nhà ngươi nên liệu lấy.
Quí đáp:
-  Chép sử mà chép sai là một điều nhục nhã. Ngày xưa Triệu Xuyên giết Tấn Linh Công. Quan Thái sử Đổng Hồ lấy Triệu Thuẩn là chính khách mà không trị tội quân giặc, nên chép rằng ‘Triệu Thuẩn giết vua Di Cao’. Triệu Thuẩn vẫn không lấy làm quái. Thế thì biết rằng bổn phận kẻ chép sử dù chết cũng không thể bỏ được việc nói sự thật. Giả sử tôi không chép, tất cũng có người khác chép. Như vậy, tôi không chép sự thật đã không che đậy nổi việc xấu của Tướng Quốc, lại còn cho thức giả chê cười thêm. Ích gì?
Thôi Chữ thở dài bỏ đi
Quí chép lại những lời các anh đã chép.
Khi ở sử quán đi ra thấy chức Nam Sử Thị xăm xăm đi tới, Quý hỏi đi đâu. Đáp:
-  Ta nghe anh em ông bị giết hết, sợ bỏ mất việc ngày Ất Hợi vừa rồi, nên đến để chép lấy.
Quí trở vào lấy cho xem bản thảo. Nam Sử Thị gật đầu chia tay.
Bổn phận kẻ chép sử là phải chép đúng sự thật, mà kẻ nắm quyền sanh sát trong tay lại hay sợ sự thật. Cho nên người nhận chức Thái Sử, ngoài khả năng, kiến thức, học vấn, cần phải có tiết tháo can đảm. Giàu sang không đắm lòng, nghèo hèn không dời chí, oai vũ không sơn gan. Tìm người đủ tư cách rất khó. Ngày xưa thường thường là cha truyền con nối, anh chết em thay. Và triều đại nào cũng có quan Thái Sử bị hãm hại bởi tay đám cường quyền, bằng cách nầy hoặc cách khác.
Vua Minh Thái Tổ băng hà. Vua Huệ đế nối ngôi mưu việc tước quyền hành các Phiên vương nước Yên bèn cử đại binh đánh và giành được ngôi. Đó là Minh Thành Tổ.
Lên ngôi, Thành Tổ sai nhà văn học bác sỹ là Phương Hiếu Nhụ thảo chiếu tức vị. Phương không chịu. Vua doạ giết chín họ. Phương đáp:
-  Dẫu đến 10 họ cũng không sao.
Vua đưa bút ép viết. Phương viết ngay:
-  Yên tặc soán vị.
Thành Tổ giận sai giết chín họ của Phương.
Phương Hiếu Nhụ không phải là một sử gia mà là một thi nhân có khí tiết, được người đương thời trọng vọng. Khi Yên vương muốn cướp ngôi Huệ Đế, một vị Hoà Thượng khuyên:
-  Đến kinh đô xin đừng giết Phương Hiếu Nhụ. Nếu giết thì giống người giữ đạo Thánh Hiền sẽ tuyệt mất.
Nếu vị Hoà thượng không dặn Yên vương, thì Phương Hiếu Nhụ chưa chắc đã bị tru di tam tộc. Bởi mới đến Kinh đô, Yên Vương nào đã biết Phương là ai mà sai thảo chiếu. Biết Phương là người giữ đạo Thánh Hiền, Yên Vương mới đưa ra thử lòng xem có tùng phục chăng. Nếu tùng phục thì để mà dùng, bằng không thì sớm lo trừ khử. Từ trước đến giờ kẻ có quyền bính trong tay mà thiếu nhân ái trong lòng thì rất sợ rất ghét những kẻ có tài năng lại có khí tiết. Vị Hoà Thượng có lòng từ bi nhưng bất cận nhân tình, nên vô tình đã làm hại Phương Hiếu Nhụ. Âu đó cũng do nghiệp mà ra.
Nhưng cũng là một gương sáng để chúng mình soi trong việc xử thế.
Ham vui, đi có hơi xa khởi điểm.
Xin trở lại với câu lục bát:
Đền vua lắm chuyện nhiêu khê
Bút quan thái sử Tấn Tề phải đây?
Không phải chỉ có ý nghi ngờ lòng vô tư của cụ Vương mà cũng có ý khen cụ là người trong quan trường mà có gan đem những cái xấu của Triều đình nhà Nguyễn ra phơi nơi mặt giấy, mặc dù biết rằng cụ được người khác ủng hộ, tôi vẫn khen là có đảm lượng, vì đồng thời với cụ cũng có lắm người từ bên ‘Chánh Phủ Bảo Hộ’ đưa ra ‘Chánh Phủ Nam Triều’ nhưng có mấy ai dám chỉ trích những hành vi xấu xa của vua chúa. Có lẽ ý trọng khinh đã nằm sẵn trong tiềm thức nên gặp dịp liền phát thành lời, chớ lúc ngâm thật không dụng tâm, không cố ý. Và ngâm rồi thì bỏ qua. Chẳng ngờ sau hai mươi mấy năm trời, lại được gặp lại. Ông Lan Đình đời Thanh có câu:
Tháp tân ba tợ diên giai khách
Độc cựu thi như ngộ cố nhân
Nghĩa là:     
Hoa mới cắm bình, tình thơm thắm như vời giai khách;
Thơ xưa ghé mắt, nỗi vui mừng dường gặp cố nhân.

Lòng người xưa cũng là lòng người nay vậy./.
_________________________
(1) Xem bức thư số 23 ở trước.