Những bức thư thơ 27.Chiếc giày thơm - 28.Khóc Dương Khuê


27. CHIẾC GIÀY THƠM

Nha Trang, tiết Tiểu Thử năm Nhâm Dần (7/62)

Anh Quách Vĩnh Khương,
Hương Phiệt (chiếc giày thơm) là tên một quyển tiểu thuyết, bằng chữ Hán, viết theo thể Thất ngôn Cổ phong.
Đó là một tác phẩm đời Trần. Tác giả là ai không được rõ, chỉ thấy chép trong bộ Toàn Việt Thi Lục của Lê Quí Đôn.
Câu chuyện như thế này:
Đồng Xuân ở bên cầu sông Nhị. Phố xá chật đất, lâu đài vút mây. Bóng hoè xanh, bóng liễu lục ưởng ánh sắc màn gấm sắc rèm châu.
Trong vùng có nhà họ Trương.
Họ Trương có người con gái nhan như ngọc.
Nàng mới 16 tuổi. Làn da mỡ đông, mái tóc mây uốn. Đôi má ửng hồng, đôi mày đắm lục. Cốt cách là mai in tuyết. Tinh thần là ngọc non Lam
Một hôm nhân tiết xuân thiên, nàng ra đứng tựa lan can hóng mát. Đứng mỏi, ven rèm bước xuống sân. Giày thơm nang gót sen, nàng bước lững thững trên những cách hoa rụng. Nô đùa nàng nhặt đôi mảnh tàn hồng cài lên mấy nhánh trống. Trên giàn tường vi từng trận hương phong thổi. Quần lụa điều , áo là trắng lộng gió bay phất phơ. Thân rthơ trước lầu, trông thấy đôi mủi giày khi ẩn khi hiện, có thể ngờ rằng người tiên cỡi loan đi trong bóng trăng.
Chợt chàng họ Lý cỡi ngựa đi chơi xuân trên đường lục dương. Trong ánh dương xanh, trông thấy nàng họ Trương, lòng chàng bỗng nhiên sanh bàng hoàng. Chàng xuống ngựa đứng trước lầu.
Nàng họ Trương ngó thấy liền bước vội lên lầu. Và
Cửa lầu xũ bức rèm hương
Mây La Phù khoá nghẹn đường Thiên Thai.
Từ ấy, ngày ngày chàng họ Lý mãi thẩn thơ bên cầu. Nhưng không mối không mai, đành ngậm tình bứt rứt.
Một chiều kia, bỗng gặp người tớ gái nhà họ Trương, tên Hồng Hạnh, đi mua phấn về ngang qua cầu. Chàng Lý bèn đón lại hỏi thăm, rồi ngỏ thật tâm sự. Chàng nói:
- Tôi họ Lý tên Quốc Ba, là một công tử chốn Trường An. Tuổi mới hai mươi. Tánh ưa đọc sách. Chân chưa hề bước đến chốn Bình Khang. Hôm trước tình cờ trông thấy gia nương của nàng, lòng cầm mong hội cầu ý phụng.
Nói đoạn lấy trong tay áo một tờ hoa tiên màu bích, đưa cho Hồng Hạnh:
- Xin nhờ nàng trao lại cho Trương tiểu thơ.
Nàng họ Trương xem thơ, lòng thơm xúc động. Hồng gầy gõ, lục võ vàng. Nửa bức rèm hoa màu xuân tịch mịch, ba canh trướng phấn  mùi hương ngùi ngùi. Nàng bèn viết một phong thư sai Hồng Hạnh đem cho chàng Lý.
Chàng Lý theo lời thơ, đạp trăng đến vườn hoa.
Vừa mới gặp nhau lòng đã như quen biết cũ. Vui mừng không nén, nhưng tình hoài muốn tỏ, lại sợ tai mắt không che. Nên đành vội biệt nhau và hẹn nhau khuya mồng ba tháng ba sẽ gặp nhau trên cầu cho được thanh vắng.
Ai ngờ việc đời khó như nguyện.
Hôm ấy quan Kim Ngô giữ chàng Lý ở lại phủ. Một mình nàng họ Trương đến nơi cầu. Trông rồi lại trông mà người yêu mãi không thấy, chỉ thấy trên cầu bóng trăng soi lửng lơ, dưới cầu dòng sông trôi lạnh lẽo. Nỗi thương tâm không cầm giữ được, khiến tuông theo hai hàng lệ sụt sùi. Đồng hồ đã cạn, tiếng chuông báo canh tàn. Nàng không thể chờ được, đành nuốt giận trở về. Nhưng để cho chàng Lý nhận thấy rõ thâm tình nàng rút chiếc giày hoa để lại nơi cột cầu rồi mới cất bước.
Đến canh năm quan Kim Ngô mới buông chàng Lý. Chàng đến cầu thì trời chưa sáng. Nơi cột cầu mùi hương phảng phất, mà nhìn chung quanh không thấy bóng giai nhân. Tiếng vượn thương tâm hồn quyên rỏ huyết. Chàng buồn não, ôm chiếc giày mà nằm. Ruột đứt tương tư, hồn bay vất vưởng bên lầu nàng họ Trương, xác nằm bên cầu mà chết.
Vừa lúc ấy quan thiếu sư họ Trần đi ngang qua. Thiếu sư là người lão luyện, hiểu biết tình hoài xuân của bọn nam nữ, bàen cầm chiếc giày đi hỏi thăm khắp nơi. Đến nhà họ Trương, ướm thử giày thấy vừa vặn. Ban đầu nàng họ Trương còn dấu diếm, rồi nức nở nói câu được câu không, cuối cùng chạy đến ôm lấy chàng Lý mà khóc, và khấn rằng:
- Lương duyên đã không hợp được nhau, thì xin cùng hợp nhau trong một huyệt.
Âm dương giao cảm, tình thâm giao hội, hồn không đợi chiêu, giấc không đợi lay mà chàng Lý lần lần tỉnh dậy. Để cảm đền ơn đức, chàng Lý và nàng Trương sụp lạy Trần thiếu sư. Sư bỏ ra về vừa cười vừa nói:
- Vì hai người ta trở thành mụ mai dong!
Liền đó chàng Lý tương sáu lễ đến nhà họ Trương. Trước lầu cây đàn cầm hoà cùng cây đàn sắt. Trong màn con chim oang giao cổ cùng con chim ương. Và hao liền một cuống, màu lục màu hồng ôm giữ tình xuân diễm lệ cho đến tuổi trăm năm.
Cho hay đôi lứa từ xưa đến nay, đều có mạng, không nên để cho tai mắt làm sai tánh trời. Và chẳng riêng gì việc chàng Lý nàng Trương, muôn việc trên đời đều có tiền định.

Câu chuyện thật lý thú. Một câu chuyện thật trữ tình, dùng thuyết "tiền định" để kết luận. Tình tiết phảng phất chuyện "hoa đào" của Thôi Hộ đời Đường.
Toàn chuyện gốm 102 câu thất ngôn. Văn chương tuy không sánh kịp Tỳ Bà Hành hay Trường Hận Ca của Bạch Cư Dị song rất lưu loát thanh nhã.
Xin trích một đôi đoạn nho nhỏ để anh xem cho vui.
Đây là đoạn tả nàng Trương đi dạo trước sân:
Xuân phong quyện ỷ mộc lan khúc
Khúc lan ỷ biến khỉ la vi
Hương phiệt khinh dinh liên bộ trì.
Đình tiền hốt đạp lạc ba tối
Hý thập tàn hồng trang cựu chi
Tường vi giá thượng hương phong khỉ
Hồng quần tố luyện phiêu phiêu cử
Xước ước lầu tiền lệ phiệt tiêm
Quan như nguyệt hạ thừa loan nữ.
Để cho thêm vui tôi xin dịch phỏng:
Thẫn thờ đứng tựa lan can
Gió xuân uể oải vén màn bước ra.
Giày thơm dìu nhẹ gót hoa
Đầy sân đạp cánh hương sa ngại ngùng…
Trức nhìn thấy nhánh không bông,
Mua vui nhặt mảnh tàn hồng dắt lên
Giàn hương gió lộng từng cơn
Quần hồng áo trắng chập chờn tung bay.
Lầu hoa lững thững dấu giày
Mơ màng dưới nguyệt tiên bay xuống phàm.

Và đây một đoạn nữa, đoạn tả lúc chàng Lý đến cầu không trông thấy nàng Trương:
Ngũ canh thỉ phóng Lý lang hành
Hành đáo hà kiều thiên vị minh.
Hốt văn dinh ngoại thanh hương phát,
Tứ cố vô nhân chánh sầu tuyệt.
Vu hiệp vân thâm viên đoạn trường
Giang Nam xuân lão quyên đề huyết
Huyết càn trường đoạn tình vị dĩ
B ảo phiệt trường miên phò bất khỉ
Hương hồn phi thượng Trương gia lầu
Kiều biên toại tác tương tư tử.
Tạm dịch:
Canh năm quan mới buông chàng
Đến cầu sương chửa vén màn bình minh.
Bên cầu thoang thoảng hương thanh,
Quanh cầu vắng vẻ, sầu đoanh bóng cầu.
Non Vu mây ảm đạm màu
Vượn đau kiếp vượn, lòng đau nỗi lòng.
Giang Nam xuân hết não nùng!
Hơi quyên gió lạnh, máu hồng lệ rơi…
Máu kh, ruột đứt tơi bời,
Ôm giày nằm liệm dấu người tình chung.
Hồn hương bay tới lầu hồng,
Xác tương tư để lạnh lùng nước mây!

Chắc anh sẽ bảo tôi: Nguyên văn hay lắm, chú nên dịch toàn thể để làm giàu cho kho Quốc âm.
Tôi xin thưa:
Bà Đoàn thị Điểm đã dịch Chinh Phụ Ngâm, Phan Huy Vịnh đã dịch Tỳ Bà Hành và Tản Đà đã dịch Trường Hận Ca, thì tôi không nên "xách giày" dù là "giày hương" chạy theo quý vị tiền bối ấy.
Xin chào anh./.



28. KHÓC DƯƠNG KHUÊ

Nha Trang tiết Lập Thu năm Nhâm Dần (10/62)

Bạn Kính Sơn,
Những áng văn xưa còn truyền lại, phần nhiều bị tam sao thất bổn. Bài Khóc Dương Khuê của cụ Tam nguyên Yên Đỗ, theo giáo sư Nguyễn Văn Xung đã đọc cho tôi nghe, thì như thế này:
Bác Dương thôi đã thôi rồi,
Yên xong phận bác ngậm ngùi lòng tôi!
Nhớ từ thuở tranh khôi ngày trước,
Bạn bút nghiên tôi bác cùng nhau.
Kính yêu từ trước đến sau
Cái duyên hội ngộ khác đâu duyên trời.
Cũng có lúc chơi nơi dặm khách, 
Tiếng suối reo róc rách lưng đèo;
Có khi từng hát cheo leo
Thú vui tao nhã lựa chiều cầm tôn;
Cũng có lúc rượu ngon cùng nhắp
Chén quỳnh tương ăm ắp bầu xuân;
Có khi bàn bạc câu văn,
Biết bao đông bích điểm phần trước sau.
Buổi dương cửu cùng nhau tính sổ
Phận đẩu thăng chi có than trời.
Bác già tôi cũng già rồi,
Thôi thôi! Thôi thế thời thôi,thế mà..
Việc đi lại tuổi già thêm nhác,
Gặp nhau ba năm trước một lần
Cầm tay hỏi hết xa gần
Mừng rằng bác vẫn tinh thần chưa can.
Tuổi tôi kể còn hơn tuổi bác
Tôi lại thêm đau trước mấy ngày
Làm sao bác vội về ngay?
Nghe tin tôi bổng chân tay rụng rời!
Ai chả biết chán đời là phải
Vội vàng chi bác mãi lên tiên?!
Rượu ngon không có bạn hiền,
Không mua không phải không tiền không mua.
Câu thơ nghĩ đắn đo chẳng viết,
Viết đưa ai ai biết mà đưa!
Giường kia ai nữa mà chờ
Đàn kia ai nữa mà tơ tưởng đàn!
Bác chẳng ở dẫu van chẳng ở,
Tôi tuy thương lấy nhớ làm thương.
Tuổi già hạt lệ như sương,
Hơi đâu mà khóc tang thương sự đời

Bài này có nhiều câu khác với bài chép trong Văn Đàn Bảo Giám của ông Trần Trung Viên. Sáu câu đầu Văn Đàn Bảo Giám chép rằng:
Bác Dương thôi đã thôi rồi
Nước mây man mác ngậm ngùi lòng tôi!
Nhớ từ thuở đăng khoa ngày trước,
Lúc sớm khuya tôi bác cùng nhau.
Kính yêu từ trước đến sau,
Trong cơn gặp gỡ biết đâu duyên trời..
Câu 9,10:
Có khi từng gác cheo leo
Thú vui con hát lựa chiều cầm xoang.
Câu 17, 18:
Tôi già bác cũng già rồi
Biết thôi thôi thế thì thôi mới là
Câu 23, 24:
Kể tuổi tôi còn hơn tuổi bác
Tôi lại đau trước bác mấy ngày.
Câu 27, 28:
Ai chả biết chán đời là phải
Sao vội vàng đã mãi lên tiên.
Câu 31,32,33,34:
Thơ muốn viết đắn đo chẳng viết
Viết đưa ai ai biết mà đưa
Giường kia treo những hững hờ
Đàn kia muốn gãy ngẩn ngơ tiếng đàn.
Câu 37, 38:
Tuổi già hạt lệ như sương
Hơi đâu mang lấy hai hàng chứa chan.

Những câu sai khác trên đây cũng có câu hơn cũng có câu kém. Và bài quốc âm "Khóc Dương Khuê" là bản dịch bài ""Điếu Dương Khuê Văn" bằng chữ Hán. Tác giả đã tự dịch lấy. Để xem trong 2 bản của giáo sư Nguyễn Văn Xung và Văn Đàn Bảo Giám, những câu nào nên thủ, những câu nào nên xả, chúng ta cần so sánh với nguyên tác. Đây:
Dĩ hỹ Dương đại niên!
Vân thụ tâm huyền huyền
Hồi ức đăng khoa nhật
Dữ công thần tịch liên
Tương kính thả tương ái
Tao phùng như túc duyên
Hữu thời xuất kinh lộ
Không sơn văn lạc tuyền
Hữu thời thượng cao các
Ca nhi minh tố huyền
Hữu thời đói công ẩm
Thái Bạch phù kỷ diên.
Hữu thời dữ luân văn,
Đông bích la giản biên
Dĩ hĩ tao dương cửu
Thăng đấu phi tham thiên
Dư lão công diệc lão
Dải tổ qui điền viên.
Vãng lai bất sác đắc,
Nhất ngộ tam niên tiền,
Chấp thủ vấn suy kiện,
Ngữ ngôn thù vị khiên.
Công niên thiểu dư tuế,
Dư bệnh diệt công tiên.
Hốt văn công phó chí,
Kinh khởi hoàng hoàng nhiên!
Dư khởi bất yếm thế,
Nhi công tranh thượng tiên!
Hữu tửu vị thuỳ mãi?
Bất mãi phi vô tiền.
Hữu thi vị thuỳ tả?
Bất tả phi vô tiền
Trần Phồn tháp bất hạ
Bá Nha cầm diệt nhiên.
Công ký khí dư khứ,
Dư diệt bất công liên.
Lão nhân khốc vô lệ,
Hà tất cưỡng nhi liên.

Xem qua bài nguyên tác, chúng ta nhận thấy câu thứ hai trong Văn Đàn Bảo Giám sát nghĩa hơn, song chữ "ta" không được vì thất lễ. Huống nữa ở các đoạn dưới, từ "tôi" luôn luôn đi với từ"bác". Vậy:
Vân thụ tâm huyền huyền
Thì để là:
Nước mây man mác ngậm ngùi lòng tôi.
Vừa đúng nghĩa vừa hay. Ở dưới từ "đăng khoa" mà dịch là "tranh khôi" cũng ổn lắm.

Câu thứ 4:"Dữ công thần tịch liên" trong Văn Đàn Bảo Giám dịch là: "Lúc sớm khuya tôi bác cùng nhau" đúng hơn câu "Bạn bút nghiên". Nhưng nếu đổi từ "lúc" ra từ "bạn": "Bạn sớm khuya tôi bác cùng nhau" thì câu thơ mới thật là hay.

Câu thứ 6:"Tao phùng như túc duyên" mà dịch là "Cái duyên hội ngộ khác đâu duyên trời" hay "Trong cơn gặp gỡ biết đâu duyên trời" cũng đều chưa sướng vì từ "túc duyên" là cái căn duyên sẳn có từ kiếp xưa và câu chữ Hán nghĩa đen là "Sự gặp gỡ của chúng ta dường như đã sẳn có duyên với nhau từ kiếp trước". Từ "như" mà dịch là "biết đâu" hay "khác đâu" và "túc duyên" mà dịch là "duyên trời" thì nghĩa chữ đã ép mà câu văn nghe cũng không thông. Nhưng tôi không nghe có câu nào khác hay hơn, nên khi ngâm, tôi không ngâm rõ câu nào hết…

Câu 9, 10 thì Văn Đàn Bảo Giám rõ nghĩa hơn, chỉ tiếc vận "xoang" xuống vận "ngon" ép quá. Còn nếu dùng từ "cầm tôn" (đàn rượu) thì trùng ý với câu dưới (rượu ngon cùng nhắp). Cho nên thà mất vận còn hơn mất ý.

Câu18: "Giải tổ qui điền viên" nghĩa là "cởi ấn từ quan mà về nhà" mà dịch là "Biết thôi thôi thế thì thôi mới là" hoặc "Thôi thôi biết thế thì thôi thế mà" thì đều không đúng nghĩa. Cho nên đọc câu văn dịch, ít người giảng cho thông.

Câu 27, 28: "Dư khởi bất yếm thế. Nhi công tranh thượng tiên" có nghĩa là "Tôi đây há không chán đời, mà bác lại dành lên tiên trước" mà dịch là:
"Ai chả biết chán đời là phải
Sao vội vàng đã mãi lên tiên"
hoặc: "Vội vàng chi bác mãi lên tiên"
Đều chưa được đúng ý, nhưng câu sau văn chỉnh hơn.

Đến những câu 31, 32, 33, 34 thì câu thơ dịch thêm ý thêm vị rất nhiều. Và những câu:
"Thư muốn viết đắn đo chẳng viết
Viết đưa ai? Ai biết mà đưa!
Giường kia ai nữa mà chờ!
Đàn kia ai nữa mà tơ tưởng đàn!"
Thì thật là hay tuyệt, hay hơn những câu:
"Câu thơ nghĩ đắn đo chẳng viết
Viết đưa ai ai biết mà đưa.
 Giường kia treo những lửng lờ
Đàn kia muốn gảy ngẩn ngơ tiếng đàn".
Trong bài khóc Dương Khuê, theo ý tôi thì kiệt tác là những câu:
Rượu ngon chẳng có bạn hiền
Không mua không phải không tiền không mua.
Thơ muốn viết đắn đo chẳng viết,
Viết đưa ai ai biết mà đưa!
Giường kia ai nữa mà chờ,
Đàn kia ai nữa mà tơ tưởng đàn!
Mấy từ "ai nữa" tình tứ quá, dễ thương quá!
Đến hai câu chót:
Tuổi giá hạt lệ như sương
Hơi đâu mà khóc tang thương sự đời.
Thì nghĩa không sát bằng câu của Văn Đàn Bảo Giám song văn êm đẹp hơn, ý hàm súc hơn.

Chắc ông bạn sẽ hỏi: "Vậy bài nào đúng"?
Xin thưa: "Bài nào câu nào ông bạn nhận thấy hay thì câu ấy bài ấy đúng".
Còn bản chính như sao, thì nếu ông bạn có muốn biết chắc chắn, tôi xin đề nghị ông bạn đi tìm cụ Tam Nguyên Yên Đỗ mà hỏi./.