Những bức thư thơ 25.Cảnh với thi nhân - 26.Thơ tiễn biệt


25. CẢNH VỚI THI NHÂN

Nha trang, Tiết Thu Phân năm Canh Tý (1960)

Em CHÚC THÀNH,
Em cho câu: ‘Cảnh có thi nhân cảnh nổi danh’ là một câu ‘nói khoác’.
‘Nói khoác’ là một bệnh chung của đám văn học, không nhiều thời ít chớ không ai không. Cổ nhân đã nói ‘tôn giáo gia, văn học gia, đô thị nhất chủng khoa đại vọng tưởng’. Nghĩa là nhà tôn giáo, nhà văn học, đều là giống nói khoác mơ hão.
Ông tổ nói khoác trong làng thơ là LÝ THÁI BẠCH. Đây là một trong những câu nói khoác của họ LÝ:
Hứng cam lạc bút diêu Ngũ Nhạc.
Thi thành tiếu ngạo lăng Thương Châu
Nghĩa là:
Lúc hứng hạ bút xuống thì Ngũ Nhạc rung rinh,
Thơ làm xong cười ngạo một tiếng thì Thương Châu kinh hãi.

Cụ NGUYỄN DU nhà ta không vừa. Trong Kiều có câu:
Chọc trời quấy nước mặc dầu
Dọc ngang nào biết trên đầu có ai.
HỒ XUÂN HƯƠNG lúc còn chừa chỏm, đi trợt té, bị người ta cười, liền ngâm chữa thẹn:
Giơ tay vói thử trời cao thấp,
Xoạc cẳng đo xem đất vắng dài.
Và cụ PHAN TÂY HỒ vịnh muỗi:
Nhỏ vóc nhưng mà mang nổi núi,
To gan khi cũng cắn càn voi.
Vân vân...

Đó toàn là những câu ‘nói khoác’.
Như trên đã nói, ‘Nói khoác’ là một bệnh của văn học gia nói chung, và thi nhân nói riêng. Bệnh ấy đối với thi nhân, không lấy gì làm nặng lắm. Nếu đem cân thì chỉ nặng bằng đôi hoa kim cương đeo lòng thòng nơi trái tai của chị em vậy thôi.

Nhưng câu ‘Cảnh có thi nhân cảnh nổi danh’ đâu phải là một câu ‘nói khoác’?
Kìa đầm Đào Hoa, lầu Hoàng Hạc… Ở bên Trung Quốc đâu có phải những cảnh kỳ vĩ như Hy Mã Lạp sơn ở Ấn Độ, Kim Tự tháp ở Ai Cập…, thế mà danh vang thiên cổ. Đó vì đâu? Phải chăng vì có Lý Thái Bạch và Thôi Hiệu?
Thật vậy.
Đầm  ĐÀO HOA ở Kinh Xuyên, tỉnh An Huy, trước kia không mấy người ở phương xa biết đến. Đời nhà Đường (618-907) kẻ hào sỹ đất Kinh Xuyên là UÔNG LUÂN muốn vời LÝ THÁI BẠCH đến, bèn viết thư, có câu rằng: ‘Tiên sinh muốn ngao du’? Ở đây có ‘thập lý đào hoa’ (nghĩa đen là mười dặm hoa đào). Tiên sinh muốn uống rượu ư? Ở đây có ‘vạn gia tửu quán’ (nghĩa đen là muôn nhà bán rượu).
LÝ THÁI BẠCH hớn hở đến.
UÔNG LUÂN cáo rằng: Đào Hoa tên là đầm, chớ thật không có đào hoa. Văn gia là chủ quán rượu họ Vạn, chớ thật không có muôn nhà bán rượu. LÝ cả cười rồi ở chơi cùng họ UÔNG mấy hôm. Lúc ra về, UÔNG tặng danh mã 8 con, quan cẩm 10 cây và thân hành tiễn chân xuống thuyền. LÝ cảm ý, tặng UÔNG một tuyệt rằng:
Lý Bạch thừa chu tương dục hành
Hốt văn ngạn thượng đạp ca thanh
Đào Hoa đàm thuỷ thâm thiên xích
Bất cập Uông Luân tống ngã tình.
Tản Đà dịch:
Sắp đi Lý Bạch ngồi thuyền,
Trên bờ chân dậm nghe liền tiếng ca
Nước đầm nghìn thước  Đào Hoa,
Uông Luân tình bác tiễn ta sâu nhiều.

Con cháu họ Uông đời đời giữ bài thơ làm gia bảo. Rồi bài thơ truyền tụng, câu chuyện họ Lý họ Uông phổ biến, đầm Đào Hoa từ ấy nổi danh.
Đến đời nhà Thanh (1616-1885) TRƯƠNG TỊNH TRAI , một thi nhân có tiếng, đến thăm đầm, thì đầm không còn thấy, mà lại thấy một cánh rừng rộn rã tiếng ve thu. Nếu không có tấm biển chỉ đường có chữ “Đào Hoa” thì không thể nhận biết. TỊNH TRAI bèn cảm tác MỘT tuyệt rằng:
Thuyền phiên nhất diệp truỵ không lâm
Lộ chỉ Đào Hoa thượng khả tầm.
Mạc quái thế nhân giao nghị thiển,
Thử đàm phi phục cựu thời thâm.
Nghĩa là:
Ve nghiêng chiếc lá rụng rừng thâu
Chẳng chữ ‘Đào Hoa’ dễ biết đâu!
Chớ lạ bạn bằng tình nghĩa cạn
Đầm kia chi dễ trở nên sâu!
Thế là đầm Đào Hoa tuy không còn trên mặt đất, nhưng danh của Đào Hoa vẫn còn mãi trong tâm trí khách yêu thơ.

Còn lầu Hoàng Hạc?
Trước khi THÔI HIỆU đề thơ thì lầu Hoàng Hạc vẫn đã có tiếng, vì tương truyền rằng xưa kia PHÍ VĂN HUY tu thành tiên thường cỡi hạc vàng vào đó nghỉ (1). (Tên Hoàng Hạc lầu cũng do đó mà đặt ra). Nhưng từ khi hạc vàng không còn lai nữa thì danh của lầu cũng mờ dần, và ngoài khách văn chương, không mấy ai lui tới.

Một hôm LÝ THÁI BẠCH tới, cầm bút toan đề thi, chợt thấy trên vách có một bài thi của THÔI HIỆU. Thi rằng:
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không dư hoàng hạc lâu
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du.
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thọ,
Phương thảo thê thê Anh Võ châu.
Nhật mộ hương quan hà xứ thị.
Yên ba giang thượng sử nhân sầu!
Nghĩa là:
Hạc vàng ai cỡi đi đâu,
Mà nay Hoàng Hạc đây lầu còn trơ.
Hạc vàng đi mất từ xưa
Nghìn thu mây trắng bay giờ còn bay
Hán Dương sông tạnh cây bày,
Bãi xa Anh Võ xanh dày cỏ non.
Quê nhà khuất bóng hoàng hôn,
Trên sông khói sóng cho buồn lòng đây.
                                                                                (Tản Đà)
LÝ bèn đề bên cạnh rằng:
Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc,
Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu.
Nghĩa là:
Có cảnh nhãn tiền không nói được
Trên đầu Thôi Hiệu đã đề thơ!
Đoạn quăng bút.

Từ ấy bài ‘Hoàng hạc lầu’ của Thôi Hiệu nổi tiếng khắp nơi. Và tiếng bài thơ bay đến đâu thì danh hiệu của lầu theo đến đấy. Mà danh bay chẳng những trong nước Trung Hoa, mà đến tận các nước đồng văn như Việt Nam, Cao Ly, Nhật bản… vì thế các danh sỹ sang sứ Trung Hoa, không mấy người không tìm đến đất Vũ Xương, tỉnh Hồ Bắc để viếng lầu Hoàng Hạc.

Như thế chẳng phải ‘Cảnh có thi nhân cảnh nổi danh’ là gì?
Đầm ‘Đào Hoa’ nhờ tình bạn mà ‘ có thi nhân’. Lầu Hoàng Hạc nhờ sự đi lại của tiên mà ‘có thi nhân’. Có nhiều cảnh ‘Có thi nhân’ là nhờ giai nhân, như lầu ‘ Ông Hoàng’ là một.
‘Lầu Ông Hoàng’ ở Phan Thiết do Bá tước de MONTPENSIER cất. Lầu cất gần biển, phong cảnh khả ái. Đó là một thắng cảnh tỉnh Bình Thuận, và là nơi hẹn hò của HÀN MẠC TỬ cùng MỘNG CẦM trước đây. Mộng Cầm đi lấy chồng, Tử có làm bài PHAN THIẾT! PHAN THIẾT! rằng:

Nhớ khi xưa ta là chim phụng hoàng
Vỗ cánh bay chín tầng trời cao ngất…
Bay từ Dao Lỵ đến trời Đâu Suất,
Và lùa theo không biết mấy là hương
Lúc đằng vân gặp ánh sáng chận đường,
Chạm tiếng nhạc va nhằm thơ thiên cổ.
Ta lôi đình thấy trăng sao liền mổ:
Sao tan tành rơi xuống vũng chiêm bao,
Trăng tan tành rơi xuống một cù lao
Hoá đài  điện đã rất nên tráng lệ
Ơ ngôi cao ngước mắt ra ngoài bể
Phong lưu ghê, sang trọng chẳng vừa chi.
Ta mê man như tới chốn Phượng Trì
Ở mãi đấy không về thiên cung nữa
Nhưng phép lạ ! Có một vì tiên nữ
Hao hao như nường Nguyệt cõi Đào Nguyên.
Ta đắm mê trong ánh sáng trần duyên
Và van lạy xin cô nường kết ngãi…
Mỉa mai thay cho phựơng hoàng si dại
Là ta đây đương ở kiếp muôn chim !..
Trở lại Trời tu luyện với muôn đêm,
Hớp tinh khí lâu năm thành chánh quả.
Ta trở nên như ngọc đàng kim mã.
Rất hào hoa rất phong vận : Người Thơ
Ta là trai khí huyết ước ao mơ
Người thục nữ sanh giữa thời vô thượng.
Rồi ngây dại nhờ thất tinh chỉ hướng
Ta lang thang tìm tới chốn Lầu trang,
Lầu ÔNG HOÀNG, người thiên hạ đồn vang,
Nơi đã khóc, đã yêu thương da diết..
Oi trời ôi ! là Phan Thiết, Phan Thiết!
Mà tang thương còn lại mảnh trăng rơi
Ta đến nơi: Nường ấy vắng lâu rồi.
Nghĩa là chết từ muôn trăng thế kỷ.
Trăng vàng ngọc, trăng ân tình, chưa phỉ!
Ta nhìn trăng khôn xiết ngậm ngùi trăng!
Ta vãi tung thơ lên tận sông Hằng,
Thơ phép tắc bỗng kêu rêu thống thiết:
Hỡi Phan Thiết! Phan Thiết!
Mi là nơi chôn hận nghìn thu,
Mi là nơi sầu muộn ngất ngư…!

Tuy nhan đề là ‘PHAN THIẾT’ nhưng thơ thì chú trọng LẦU ÔNG HOÀNG.
Lầu ÔNG HOÀNG trước kia đối với những người ở xa Phan Thiết, ít người biết tiếng. Nhưng từ khi bài PHAN THIẾT ra đời thì tất cả những người yêu thơ HÀN MẠC TỬ  đều biết rằng ở Phan Thiết có Lầu ÔNG HOÀNG, và có nhiều người từ nghìn xa tìm đến viếng nhiều người chưa biết được náo nức mà hỏi thăm!

Thế là lầu ÔNG HOÀNG ‘có’ H.M.T mà nổi danh. Nhưng nếu không có MỘNG CẦM ở Phan Thiết, hỏi Hàn Mạc Tử có làm thơ giới thiệt lầu ÔNG HOÀNG? Nhất định là không, vì Lầu Ông Hoàng đâu có tình gì với Hàn Mạc Tử?!
Vậy bài thơ:
Cảnh có thi nhân cảnh nổi danh
Thêm giai nhân nữa cảnh thêm tình.
Sóng đời dẫu cuốn dâu về bể,
Thơ với trời cao một sắc xanh.
Là lời nói có căn cứ, lời nói của người tin tưởng ở sự vĩnh cửu của cái ĐẸP: cái đẹp nên thơ, cái đẹp đã thành thơ, cái đẹp của THƠ./.
_____________________________________
(1)   Có chỗ chép là Đinh Linh Huy.


26. THƠ TIỄN BIỆT

Nha Trang, Tiết Hạ Chí năm Canh Tý (1960)

Mạc Khánh Tiên,
Đường thi có rất nhiều thơ tiễn biệt, đủ các thể, thể nào cũng hay. Tôi không đủ sức mà cũng không đủ tài để dịch tất cả. Để cùng nhau mua vui, tôi xin trích ra đây mười bài tuyệt cú phổ biến nhất, và dịch qua để Tiên cùng các bạn yêu Đường Thi mà không thạo Hán tự, biết qua ý nghĩa.
Dịch thơ là một việc khó, mà dịch Đường Thi lại là một việc khó gấp hai gấp ba. Vì Đường Thi gợi nhiều hơn nói, thì làm sao diễn dịch cho hết được những ‘cái gợi’ của nguyên văn?
Cho nên Tiên và các bạn yêu Đường Thi mà không thạo Hán văn, đừng định giá trị nguyên tác qua những bài dịch của tôi hay các dịch giả khác mà tôi mượn đem vào đây vì thấy những bài dịch ấy không thể dịch hơn được.
Và những bài tôi lục sau đây, tôi không sắp theo thứ tự  thời gian để khỏi mắc công tra cứu, mà cũng không sắp theo giá trị văn chương vì trăm hoa nở xuân, phân hơn kém không phải là việc dễ. Vậy nhớ bài nào trước, chép trước. Thế thôi.
Đây là bài ‘HOÀNG HẠC LẦU TỒNG MẠNH HẠO NHIÊN’ của LÝ THÁI BẠCH 

Cố nhân tây từ Hoàng Hạc lâu
Yên hoa tam nguyệt hạ Dương Châu
Cô phàm viễn ảnh bích không tận..
Duy kiến tràng giang thiên tế lưu
Tạm dịch:
Cố nhân giã từ Hoàng Hạc lầu,
Lòng nương khói hoa xuống Dương Châu.
Thuyền côi bóng khuất trời xanh thẳm:
Mây nước vơi vơi tiếp một màu.

Đọc bài HOÀNG HẠC LẦU TỒNG MẠNH HẠO NHIÊN của Lý Bạch, tôi liên tưởng ngay đến bài PHÙ DUNG LẦU TỐNG TÂN TIỆM  của VƯƠNG XƯƠNG LINH:
Hàn võ liên giang hạ nhập Ngô,
Bình minh tống khách Sở sơn cô!
Lạc Dương thân hữu như tương vấn,
Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ.
Tạm dịch:
Sông Ngô cập bến lạnh đêm mưa,
Sáng tiễn người đi núi Sở trơ
Bằng hữu Lạc Dương như hỏi đến,
Băng trong hồ ngọc tấm lòng xưa.

Bạn thân của VƯƠNG XƯƠNG LINH là CAO THÍCH cũng có một bài tiễn biệt được thời nhân hoan nghênh như bài của Vương. Đó là bài BIỆT ĐỔNG ĐẠI:
Thập lý hoàng vân bạch nhật huân,
Bắc phong xuân nhạn tuyết phân phân.
Mạc sầu tiền lộ vô tri kỷ:
Thiên hạ hà nhân bất thức quân.
Tạm dịch:
Mười dặm mây vàng nắng nhạt soi,
Hơi mây thổi nhạn tuyết tơi bời.
Chớ sầu đường trước không tri kỷ:
Thiên hạ quen anh chẳng hiếm người.

Bài này ý trái với bài TỐNG NGUYÊN NHỊ SỨ TÂY AN của VƯƠNG DUY:
Vị thành triêu vũ ấp khinh trần,
Khách xá thanh thanh liễu sắc tân.
Khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu:
Tây xuất Dương quan vô cố nhân.
Tạm dịch:
Mưa mai lấp bụi Vị thành,
Xanh xanh quán khách mấy nhành liễu tươi.
Khuyên ai cạn chén ai mời,
Dương quan ra đó không người quen thân.

Hai bên ý tuy khác nhau, nhưng thì vẫn một, vẫn một niềm quyến luyến lúc ra đi, một niềm thương xót lúc chia ly. Bảo rằng ‘đừng sầu’ vì đã sầu lắm vậy, sầu vì ‘vô tri kỷ’, cũng như vì ‘vô cố nhân’.
Bài của VƯƠNG DUY lại phảng phất bài TỐNG LÝ THỊ LANG PHÓ THƯỜNG CHÂU của GIẢ CHÍ:
Tuyết tình vân tán bắc phong hàn,
Sở thuỷ Ngô sơn đạo lộ nan !
Kim nhật tống quân tu tận tuý:
Minh triêu tương ức lộ man man.
Tạm dịch:
Tuyết ngừng gió lạnh mây tan,
Non Ngô bến Sở gian nan dặm dài.
Đưa nhau nay chẳng say vùi
Nữa mai xa cách ngậm ngùi ích chi.

Những bài trên đều tả tình kẻ ở người đi. Tiễn nhau để mỗi người đi mỗi ngả, thì có bài HOÀI THƯỢNG BIỆT CỐ NHÂN của TRỊNH CỐC:
Dương Tử giang đâu dương liễu xuân,
Dương ba sầu sát độ giang nhân.
Sổ thanh phong địch ly đình vãn,
Quân hướng Tiêu Tương ngã hướng Tần.
Tạm dịch:
Bờ Dương tứ sắc dương tươi,
Hoa dương buồn giết dạ người sang sông.
Chia ly tiếng địch đình phong
Tiêu Tương nẻo đó, đây lòng Tần giang.
Thật là buồn. Nhưng đi để mà đến một nơi nhất định, thì dù buồn cũng không buồn bằng người ra đi để không biết bao giờ đến, không biết bao giờ hết đi! Như nỗi buồn trong bài LÂM GIANG TỐNG HẠ TRIÊM của BẠCH CƯ DỊ:
Bi quân lão khứ  lệ triêm cân,
Thất thập vô gia vạn lý thân.
Sầu kiến chu hành phong hựu khỉ
Bạch đầu lãng lý bạch đầu nhân!
TẢN ĐÀ tiên sinh dịch rằng:
Muôn dặm thương anh lệ biệt sầu,
Bảy mươi tuổi tác cửa nhà đâu!
Buồn theo ngọn gió theo buồm nổi
Sóng bạc đầu quanh khách bạc đầu!
Lòng buồn ấy thật không kém lòng người tha phương tiễn người đi tha phương, như nỗi buồn của VI TRANG trong bài ĐÔNG DƯƠNG TỬU GIA TẶNG BIỆT:
Thiên nha phương thán dị hương thân,
Hựu hướng thiên nha biệt cố nhân!
Minh nhật ngũ canh cô điếm nguyệt,
Tuý tinh hà xứ các triêm câu!
Tạm dịch:
Thương thân vò võ phương trời,
Phương trời nay lại tiễn người ra đi!
Ngày mai quán lẻ vầng khuya,
Giấc say chợt tỉnh đầm đìa giọt châu!

Trên đây là những bài thơ tiễn người ra đi. Tiễn người trở về thì có bài TỐNG NHÂN HOÀNG KINH của SẦM THAM:
Tất mã tây tùng thiên ngoại qui,
Dương tiên chỉ cọng điểu tranh phi.
Tống quân cửu nguyệt Giao Hà bắc,
Tuyết lý đề thi lệ mãn y.
Tạm dịch:
Ngựa về, khuất nẻo trời tây,
Tay roi chắp cánh chim bay lẹ làng.
Sông Giao tháng chín tiễn chàng,
Đề thơ trong tuyết lệ tràn  thấm bâu.

Và bài TỐNG LƯƠNG LỤC của TRƯƠNG DUYỆT:
Ba Lăng nhất vọng Động Đình thu,
Nhật kiến cô phong thuỷ thượng phù.
Văn đạo thần tiên bất khả tiếp !
Tâm tuỳ hồ thuỷ cọng du du.
Người xưa đã có dịch bài này. Vì được đọc đã lâu ngày quá nên tôi chỉ nhớ chừng như thế này, không chắc là đúng nguyên bản:
Ba Lăng trông suốt Động Đình
Hòn lao chới với một mình trên không.
Non tiên cách trở dặm hồng,
Nước hồ cuộn cuộn tấm lòng nương theo.
Cũng thì đưa người ra về, nhưng SẦM THAM tiễn người về Kinh Kỳ, một nơi phồn hoa đô hội, TRƯƠNG DUYỆT tiễn người về ẩn nơi Động Đình, mây nước cách trần gian. Cho nên họ SẦM mừng cho bạn được về mà thương cho mình không tới được, chỉ nghe người ta nói là nơi thần tiên ở nhưng trước mắt mình thì là một hòn non côi ở giữa khoang trời nước bao la, cho nên trong nỗi buồn ly biệt có phảng phất niềm lo âu. Tình trong hai bài đều thiết tha mà bài của TRƯƠNG DUYỆT thật là thâm viễn.
Nhưng cũng như hầu hết các bài trên đây, bài của TRƯƠNG DUYỆT có tính cách riêng biệt, không thể đem dùng trong bất cứ  trường hợp tiễn biệt nào cũng được.
Có tính cách chung, thích hợp cho đại đa số là bài TỐNG NGUYÊN NHỊ của VƯƠNG DUY.
Bài này đã thành một bài ca tống biệt phổ thông, gọi là DƯƠNG QUAN TAM ĐIỆP.  Chữ DƯƠNG QUAN lấy trong câu ‘Tây xuất Dương Quan vô cố nhân’. Còn gọi là TAM ĐIỆP là vì khi ca, câu thứ nhất đọc một lần, còn ba câu sau mỗi câu đọc hai lần. Đến đời nhà Nguyên, người ta lấy bài đó biến chế theo điệu Bắc khúc và gọi là DƯƠNG QUAN TAM ĐIỆP KHÚC, rằng:
Vi thành triêu vũ ấp khinh trần
Cánh sái biến KHÁCH XÁ THANH THANH, lộng nhu ngưng thiên lũ,
Cánh sái biến  KHÁCH XÁ THANH THANH, lộng nhu ngưng thuý sắc,
Cánh sái biến  KHÁCH XÁ THANH THANH, lộng nhu ngưng LIỄU SÁC TÂN.
Hưu phiền não, KHUYẾN QUÂN CÁNH TẬN NHẤT BÔI TỬU, nhân sinh hội thiểu, phú quí công danh hữu định phận.
Hưu phiền não, KHUYẾN QUÂN CÁNH TẬN NHẤT BÔI TỬU,
Cựu du như mộng, chỉ khủng phạ TÂY XUẤT DƯƠNG QUAN, nhãn tiền
vô cố nhân!
Hưu phiền não, KHUYẾN QUÂN CÁNH TẬN NHẤT BÔI TỬU
Chỉ khủng phạ TÂY XUẤT DƯƠNG QUAN VÔ CỐ NHÂN.

Nghĩa là:
Mưa mai lấp bụi Vị thành
Lại rảy khắp quán khách xanh xanh, ngàn dây tơ mềm bay lộn.
Lại rảy khắp quán khách xanh xanh, ngưng màu thuý dợn dợn.
Lại rảy khắp quán khách xanh xanh, lộng mấy nhành liễu tươi.
Đừng phiền não, khuyên ai cạn chén ai mời,
Cuộc đời như mộng! Chỉ sợ Dương Quan ra đó, trước mắt
Không người quen thân.
Đừng phiền não, khuyên ai cạn chén ai mời,
Chỉ sợ Dương Quan ra đó, trước mắt không người quen thân.

Còn các bài khác vì có tánh cách riêng biệt nên không được phổ biến. Nhưng không phải vì thế mà giá trị - đối với khách văn chương - sút kém bài của Vương Duy./.