Những bức thư thơ 25.Bán diện thuyền quyên - 26.Dụng điển [2]


25.  BÁN DIỆN THUYỀN QUYÊN

Nha Trang, đầu tháng Quí Xuân năm Đinh Tỵ (4-1977)

PHƯƠNG THẢO,
Người xưa thường nói:
-                  Kẻ giàu điển tích cũng như kẻ giàu tiền bạc, khi cần chỉ có việc mở  rương.
Lời ấy rất đúng.
Nhưng tôi lại nhận thấy:
-       Học được nhiều điển hay cũng như có được nhiều bạn hiền. Khi mình có việc, không đợi bạn cũng đến với nhau.
Tôi xin đưa một trường hợp gần đây ra dẫn chứng:
Năm 1973, tôi bị bệnh thanh quang nhãn (Glaucome) hư hết một mắt. Nhân viết thư cho ông bạn già Nguyễn Hiến Lê, tôi có mấy vần hý tác:
Duyên văn chương đương thắm
Thân già bổng đảo điên
Một đêm đầu nhức nhối
Suốt tháng mộng triền miên
Hoá nửa cụ Đình Chiểu
Không hai chàng Vân Tiên
Xui đường hoa chỉ thoáng
Những bán diện thuyền quyên.

Hứng thơ theo dòng bút viết thư mà lên xuống, điển tích theo hứng thơ mà đến trang sức cho tứ thơ.
Cụ Nguyễn Đình Chiểu, tác giả Lục Vân Tiên, bị hư cả hai mắt, và nhân vật chính trong tác phẩm của cụ lại được may mắn:
Đêm nằm mơ thấy ông tiên
Bưng cho chén thuốc mắt liền sáng ra.
Tác giả Lục vân Tiên thì ‘Mục hạ vô nhân’. Nhân vật chính trong Lục Vân Tiên nhờ có tiên mà được ‘Nhất song bạch nhãn ngạo trần huyên’. Hai bên cộng lại chia hai thành ra tôi ‘Nhất mục thị chúng’ (1). Nghĩ mình ‘Một mắt xem đời’ thì sao khỏi bị đời, nhất là xa mã, học thói Từ Phi đối với Lương Nguyên Đế.
Ý nghĩ vậy viết vậy.
Văn ra sao thì sao.
Nhưng Nguyễn Quân lại cao hứng cho phổ biến trên tạp chí Bách Khoa. Nhiều bạn viết thư hỏi những điển dùng trong bài, nhất là điển trong câu kết.
Gieo gió phải gặt bão, tôi không dám quản công.
Tôi đoán chắc sau khi đọc mấy dòng hý tác trên đây, Phương Thảo cũng thắc mắc như các bạn kia.
-      Bán diện thuyền quyên là điển gì?
Xin đáp:
-      Bán diện thuyền quyên (Nửa mặt người đẹp) là mượn ý đổi lời những câu thành ngữ Trung Hoa ‘Từ nương bán lão’ (Nàng Từ già nửa), ‘Từ Phi bán diện trang’ (Nàng Từ Phi trang sức nửa mặt). Từ nương, Từ phi trong hai câu thành ngữ đó là nàng Từ Chiêu Bội, thứ phi của Lương Nguyên Đế thời Nam-Bắc triều (386-589).

Từ Chiêu Bội và Lương Nguyên Đế sống vào giữa thế kỷ thứ 6.
Nàng là một trang tuyệt đại vô song, lại là một tay văn chương xuất chúng. Trong triều mỗi lần có cuộc hợp mặt bình văn là có nàng tham dự. Tánh phóng khoáng và tiếng cười giọng nói trong trẻo vui tươi quyến rũ mọi tấm lòng yêu đẹp.
Nhưng nhà vua lại là người không ham nữ sắc, mà chỉ ham triết lý Lão Trang, và văn thơ kiều diễm. Đối với vẻ đẹp lộng lẫy, với duyên quyến rũ của Từ Phi, nhà vua không mảy may chú ý.
Trước thái độ thờ ơ của nguyên đế, ban đầu Từ Phi còn cố gắng chịu đựng. Nhưng sau nhận thấy mọi nỗ lực đều vô hiệu, nàng đâm ra oán ghét chồng rồi nghĩ cách trả thù.
Nguyên Lương Nguyên Đế bị chột một mắt từ lúc nhỏ. Vịn vào đó, mỗi lần ra nghinh tiếp, nàng chỉ đánh phấn và thoa son có nửa mặt. Nguyên Đế vốn thông minh, hiểu ngay rằng vợ muốn bảo cho biết mình chỉ một mắt nên không nhìn thấy, không đáng được nhìn tất cả vẻ đẹp của nàng. Biết thời biết chớ không lưu tâm, giới ý. Từ Phi không chọc tức nổi Nguyên Đế, tức mình đem chỗ dụng ý của mình ra nói với tất cả mọi người trong cung. Tưởng làm thế, nhà vua sẽ đuổi nàng ra khỏi cung. Song vẫn vô hiệu.
Không chịu nổi mãi cảnh lẻ loi trong thời xuân thắm, Từ Phi bèn thông gian cùng một văn quan trẻ tuổi trong đám cận thần của nhà vua: Kỵ Quý Giang. Hai bên rất hợp ý nhau. Những cuộc đi lại với nhau, những văn thơ xướng hoạ với nhau, trong triều ngoài dân đều hay biết. Nhưng Nguyên Đế vẫn thản nhiên, hầu như không để ý đến chuyện thường tình trong thiên hạ ấy.

Nhà Lương mỗi ngày một suy yếu. Nước Nguỵ ở phương Bắc kéo quân xuống phương Nam đánh phá. Kinh đô nước Lương bị vây rât ngặt. Quân và dân thành Giang Lăng đem toàn lực kháng chiến, song thế địch quá mạnh, người nước Lương không sao giữ nổi thành.
Chính trong ngày thành bị phá, Lương Nguyên Đế đang cùng các quan giảng học về Lão Tử tại điện Long Quang, còn Từ Phi thì đang vui say cung tình nhân trong cung cấm.
Tin thành vỡ được truyền đến, Nguyên Đế hết sức buồn phẩn. Hướng vào các quan, than:
-      Một đời ta đọc thiên kinh vạn quyển mà không ngờ đến chuyện hôm nay.
Tức thì hạ lệnh đem tất cả sách trong thư viện ra đốt hết, và nhìn ngọn lửa cất cao, nói:
-      Cái đạo văn võ của cổ nhân mà người đời vẫn ca tụng, đến đêm nay là hết.
Cũng trong lúc ấy, tin thành bị phá làm cho đôi tình nhân trong cung tỉnh mộng. Kỵ Quý Giang liền xô người yêu xuống đất rồi tìm đường tẩu thoát. Không còn biết bám víu vào ai, Từ Chiêu Bội vội vã chạy tìm Lương Nguyên Đế. Nguyên Đế nhìn nàng hỏi:
-      Quý Giang đâu rồi?
Từ Phi sượng sùng đáp:
-      Đã trốn mất rồi.
Nguyên Đế nghiêm mặt nói:
-      Sự việc đến nước này, sao khanh không tự xử đi? Còn sống làm gì nữa?
Từ Phi tự tận. Quân nước Ngụy kéo vào thành như nước lũ. Nguyên  Đế vẫn thản nhiên đứng làm thơ khóc người đẹp, người đẹp tuy không yêu nhưng vẫn thương.
Trong câu:
Xui đường hoa chỉ thoáng
Nhưng bán diện thuyền quyên.
Tôi chỉ mượn ý ‘chột mắt của Nguyên Đế' để nói mình, và ý ‘nửa mặt Từ Phi’ để nói người. Người khinh mình có một mắt. Mình khinh người có nửa mặt. Còn những chi tiết trong câu chuyện đều bỏ hết. Dụng điển như thế gọi là THÁI DỤNG. (2)

Xin nói thêm cho biết ý:
Tôi quen biết Từ Phi đã từ lâu, tuy không lâu bằng cụ Nguyễn Đình Chiểu và chàng Lục Vân Tiên, nhưng cũng có trên dưới mười lăm năm. Và cũng như cụ Đình Chiểu và chàng Vân Tiên, tôi gặp lại nàng một cách ngẫu nhiên.
Nói cho đúng sự thật thì trước khi tôi gặp lại cụ Nguyễn Đình Chiểu, đã có người nhắc đến cụ rồi. Người đó là ông bạn đồng môn Phan Ngọc Châu. Phan quân nghe tin tôi mang bệnh, đến thăm:
-      Đừng buồn. Anh còn hơn cụ Đồ Chiểu được một nửa.
Lúc đó tôi nằm tại bệnh viện Sùng Chánh ở Chợ Lớn. Ngoài Phan Quân, không ai hay biết. Khi xuất viện, tôi về thẳng Nha Trang chớ không ghé thăm bạn Sài thành. Về Nha Trang, tôi viết thư cho Nguyễn Hiến Lê, thì cụ Nguyễn ngẫu nhiên đến với họ Lục...
Như thế cụ Nguyễn và chàng Lục đến với tôi không lấy gì làm lạ. Lạ nhất việc xuất hiện của Từ Chiêu Bội, xuất hiện với nửa mặt phấn son. Bởi đối với nàng, tôi tuy không vô tình như Vương Nguyên Đế, song không thanh khí như Kỵ Quý Gia. Nên từ khi làm quen, tôi chưa có dịp nghĩ đến. Thế mà không cần tôi thỉnh, nàng lại đến giúp tôi hoàn thành bài thơ một cách hóm hỉnh, tự nhiên.
Vậy tôi có thể kêt luận:
-      Mỹ nhân đối với kẻ nắm quyền bính trong tay thì làm cho nghiêng thành đổ nước, còn đối với làng phong nhã thì sẵn sàng giúp cho nên khúc nên chương. Và điển tích đối với khách văn chương là những bạn hiền, như trên đã nói, bạn hiền có thuỷ có chung, thời gian không quên, không gian không cách./.
 ___________________________________________
(1) a/ Dưới mắt không người.
     b/ Một đôi mắt trắng xem khinh thói đời (thơ của Phùng Khắc Khoan).
     c/ Một mắt xem quần chúng.
(2) Dụng điển có 4 cách chính: Minh dụng, ám dụng, thái dụng và tá dụng. Về bốn cách này tôi đã nói rõ trong bức thư thơ giải thích Ô Y Hạng ở tập I Những Bức Thư Thơ .






26. DỤNG ĐIỂN [2]

Nha Trang, tiết Lập Hạ năm Đinh Tỵ  (5-1977)

PHƯƠNG THẢO,
Nhiều khi trong thơ có điển mà người làm thơ không tự biết.
Trong Tuỳ Viên Thi Thoại, tác giả Viên Mai kể:
Buổi nhỏ ta có câu thơ VÔ ĐỀ rằng:
Đệ châu tẩy diện tương hào nhiễm
Thi cú phần khôi hoạ tửu thôn
Nghĩa là:     
Nước mắt rửa mặt đem cây bút nhúng vào,
Câu thơ đốt ra tro, hoà với rượu mà nuốt.
Ông Hồ Trĩ Khuê khen:
-      Kẻ thiếu niên này có thi đảm.
Ta tự cười là hai câu thơ tạc không. Câu đầu còn có thể dẫn tích Lý Hậu Chúa. Đến câu thứ thì hoàn toàn bày đặt. Chẳng ngờ năm nay tình cờ mở sách Trang Lầu Ký của Trương Bí thấy chép chuyện Diêu Nguyệt Huê nữ tử mến thơ Dương Đạt, dọc qua vài lần rồi đốt lấy tro hoà rượu uống, gọi là Khoản Trung tán. Lại chép: Ngưu ứng trinh nữ chiêm bao thấy xé sách ăn; Mỗi lần ăn xong một bộ thì văn thẻ biến thái. Ta mới biết là có dụng điển. Thật là vô tâm mà ám hiệp.

Sau đây là kinh nghiệm bản thân:
Khoảng 1970-1971, đầm Xương Huân trước nhà bị lấp để làm chợ. Chim én mất nơi tụ hợp bay tản mác vào nhà người ở chung quanh đầm. Trẻ con ngày nào cũng đóng cửa bắt ăn thịt. Tôi cấm con cháu trong nhà không được bắt chước. Do đó én kéo nhau đến với tôi hàng đoàn, và giúp tôi làm được một số thơ khả thủ. Có một bài được 4 câu vừa ý:
Sân Tạ ngằn rêu biếc
Truông Mây ngọn ráng hường
Băn khoăn xoài để nhớ
Dìu dặt cửi đưa thương.
Đó là nhân thấy én liệng bóng tà dương là nhớ đến cảnh giàu sang của họ Vương, họ Tạ đời Tấn, cảnh giàu sang truyền thế, nhưng rốt cuộc chỉ còn chức vang bóng trong ‘Ô Y Hạng’ của Lưu Vũ Tích đời Đường:
Chu Tước kiều biên dã thảo hoa
Ô Y hạng khẩu tịch dương tà
Cựu thời Vương Tạ đường tiền yến
Phi nhập tầm thường bách tánh gia.
Tản Đà Tiên sinh dịch:   
Bên cầu Chu Tước cỏ hoa
Ô Y đầu ngõ bóng tà tà dương
Én xưa đền Tạ đền Vương
Lạc loài đến chốn tầm thường dân gia.
Từ Ô Y hạng, lòng tôi bay về Truông Mây ở Bình Định để nhìn lại dấu tích của chàng Lía, kể anh hùng sa cơ đã về thần trên vài ba thế kỷ, mà lòng thương nhớ của người bản xứ vẫn còn mãi trong ca dao:
Chiều chiều én liệng Truông Mây
Cảm thương chú Lía bị vây trong thành.
Người bị vây không còn, thanh cũng không còn, mà chỉ còn truông dài núi quạnh, đìu hiu én liệng hoàng hôn.
Đứng trước cảnh điêu tàn của cố hương, tôi liên tưởng đến những sản vật trước kia lừng danh mà nay không còn hoặc đương bị tạn lụn. Đặc biệt là xoài tượng chín và lụa đậu tư. Lụa đã bị hàng ngoại hoá làm chết hẳn. Còn xoài thì lớp bị thuốc khai quang của Mỹ làm hại, lớp bị xoài canh nông thay dần. Lòng bồi hồi ảo não.
Ngòi bút của tôi chạy theo dòng cảm hứng, như thuyền xuôi sông.
Hai câu trên dụng điển. Hai câu dưới do tình quê hương mà thành hình, lúc xuống bút thật không nghĩ gì đến én.
Một ông bạn đánh:
-      Câu ‘Dìu dặt cửi đưa thương’ khả thủ, vì có thể mượn ý ‘én đưa thoi’ làm chỗ tựa. Còn câu ‘Băn khoăn xoài để nhớ’ là một câu đỗ soạn, tạc không, chẳng liên quan gì đến én. Hỏng! (1) (2).
Tôi thật thà đem trình bày dòng cảm hứng cho ông bạn nghe. Ông bạn đã không thương thì chớ, lại còn xẳng giọng:
-      Làm thơ kiểu đó thì còn gì là qui củ:
Lòng tự ái bị chạm mạnh làm nổi dậy tất cả những kiến thức bị chìm trong trí óc về én về cửi về xoài.. Mừng quá, tôi dập tắt ngay lửa tự ái vừa mới nhóm và ung dung đáp:
-      Những người biết rõ tư thế của mình thì ít khi đem đi khoe, ít khi nói đến nguồn gốc tốt đẹp của mình. Chớ người nào lại không có tổ tiên. Thơ cũng như người. Có câu thơ bài thơ nào được gọi là thơ mà không có lai lịch.
-      Vậy anh cho biết xuất xứ của câu ‘xoài để nhớ’xem sao.
-      Ông bạn đã từng ở Bình Định, chắc có nghe câu ca dao:
Chiều chiều én liệng cò bay
Băn khoăn nhớ bạn bạn rày nhớ ai?
Bạn rày nhớ củ nhớ khoai
Nhớ cam nhớ quít nhớ xoài cà lăm.
Ông bạn cười:
-      Cũng tạm được.
-      Sao lại tạm?
-      Vì trong câu nầy anh lấy được chữ ‘xoài’ và chữ ‘nhớ’ để trang điểm cho ‘én’. Còn câu dưới anh chỉ mượn ý ‘én đưa thoi’ để đưa ‘cửi’ vào mà thôi. Chữ ‘thương’ không có chỗ tựa.
-      Sao lại không. Ca dao Bình Định có câu:
Em về mua chỉ dệt hàng
Khung cửi kêu cút kít dạ thương chàng líu lăng.
Ông bạn cười thích thú:
-   Anh đi thi mà rủi gặp quan trường như tôi thì nhất định hỏng. Anh thuộc nhiều điển tích, nhiều tục ngữ, ca dao, kể cũng lợi thật.
Tôi thú thật cùng ông ban:
-      Nếu ông bạn không ‘đánh đau’, thì tôi không dư công đi tìm lai lịch của hai câu ấy. Gần mười năm nay tôi làm thơ có phần cẩu thả:
Tuổi già sanh biếng nhác
Làm thơ không thôi xao
Ý nghĩ vậy viết vậy
Văn ra sao thì sao
Chi hềm chân vịt thấp
Không ngóng cổ cò cao
Khen gật chê cũng gật
Song mai mỉm nụ đào.
Vì làm thơ không thôi xao, văn ra sao thì sao, vì làm thơ theo hứng chứ không theo đề, ý nghĩ vậy viết vậy, nên điểm đến với thơ mà không biết cứ tưởng chỉ có thơ với lòng. Rõ là vô tình! Nhưng ‘vô tình mới thật hữu tình’ như lời Phan Đào Nam tiền bối nói. Bởi khống có ý dùng điển mà có điển, có điển thích đáng, là một cái thú. Không biết có điển, rồi tình cơ khám phá ra điển, lại là cái thú thứ hai. Một câu thơ một lần gây được hai cái thú, chẳng là tình lắm sao?

Viên Mai cũng như tôi, dùng điển mà không biết. Nhưng trường hợp Viên Mai có những điểm khác trường hợp tôi: Viên Mai chưa từng đọc điển đó, lúc làm thơ ngẫu nhiên mà trùng hợp, nên không biết rằng mình dùng điển. Tôi đã từng nghe điển đó, nhưng khi làm thơ không nghĩ đến, không nhớ đến lúc nào cũng không hay, nên không biết lúc nào mình dùng điển. Cho nên trường hợp Viên Mai gọi là ‘Vô tâm ám hiệp’, còn trường hợp tôi gọi là ‘Vô tâm ám dụng’.
Và trường hợp ‘Vô tâm ám dụng’ này chứng minh một lần nữa rằng tôi nói trong bức thư gởi cho Phương Thảo hôm trước ‘Điển tích là bạn hiền, khi mình có việc, không đợi mời cũng vẫn đến với nhau’, không phải là câu nói ‘giữa trời’, câu nói vô căn cứ.

Dụng điển cũng như dụng xảo không phải là điều đáng chê như nhiều người đã tuyên bố trong khoảng gần đây. Chỉ không nên lạm dụng mà thôi. Và dụng xảo thì phải vô phủ tạc ngấn, nghĩa là không có ngấn rìu đục, tức là ngấn vết dụng công. Còn dụng điển thì phải vô điền xế ngấn, nghĩa là không dấu vá chấp, tức là phải cho tự nhiên. Như thế mới là diệu dụng. Muốn đến mức đó, người làm thơ phải dày công phu trong việc súc tích, huân tập. Diệu xứ xa xăm, không có chí không có sức của chim bằng không dễ gì mà đi đến.
_________________________________________
(1) Đỗ soạn: Đặt bày ra. Làm thi làm văn mà không hợp cách cũng gọi là đỗ soạn. Lấy tích anh Đỗ Mặc làm thơ thường bị thất lục.
(2) Tạc không nghĩa cũng gần như đỗ soạn. Nghĩa đen là đục ở giữa không. Nghĩa bóng là lấy không làm có, là lời nói không có xuất xứ, không có căn cứ.