Những bức thư thơ 27.Sợ vợ - 28.Mộng Xuân không dài


27. SỢ VỢ
   
Nha Trang, Hạ tuần tháng 3 năm Đinh Tỵ (5-1977)

HƯƠNG KHANH,
Không phải tôi không quí những câu ngẫu đắc. Tôi không đem chúng vào những tập đã xuất bản hay chưa xuất bản nhưng đã hoàn tất, là vì chúng mới thành cú chớ chưa hợp thành chương, nhiều khi ngâm để mua vui, không ghi chép lại, lâu ngày quên lửng, khi có người nhắc mới nhớ.
- Không ghen sao phải đàn bà
Có từng sợ vợ mới là đàn ông.

- Ai ơi chớ sợ trời hơn vợ
Trời ở còn xa vợ ở gần.
Quả thật của tôi. Và chính do những câu ấy mà chị em thấy tôi không để râu tưởng tôi là hậu thân của Đường ngự sử đại phu BÙI ĐÀM. Tôi không hề phật ý. Vì nghĩ rằng:
Sợ vợ là tánh trời sanh
Tiếng tăm sợ vợ sử xanh còn truyền.
Để chứng minh lời nói của tôi, trước hết tôi kể cho Hương Khanh nghe chuyện BÙI ĐÀM, mà chị em đã tặng cho tôi.

BÙI ĐÀM làm quan Giám nghi Đại Phu hoặc giám sát Ngự sử triều Đường Trương Tôn (705-710), nổi tiếng sợ vợ. Ngự sử thường nói cùng bạn.
-      Vợ có ba điêù đáng sợ: Lúc còn trẻ trông như Phật sống hiện thân. Đó là một điều đáng sợ. Khi con cái đầy đàn, thì trông như ba bị chín quai. Đó là hai điều đáng sợ. Đến lúc về già, son phai phấn lợt, mặt xanh như chàm đổ, hoặc như lọ nồi, trông rõ là loài yêu quái, đặc vẻ cú diều. Đó là ba điều đáng sợ.
Câu nói được truyền tụng, dân thành Tràng An mới tặng cho Bùi Đại phu biệt hiệu là ‘Bùi Phạ Bà’.
Quan Ngự sử sợ vợ, đấng chí tôn sợ vợ cũng không thua.
Nói ‘không thua’ là nói cho có ‘tôn ti’, chớ cổ kim chưa có người nào sợ vợ một cách ‘chí tôn’ như Đường Trung Tôn.

TRUNG TÔN, huý là Lý Triết, do Cao Tôn và Võ Tắc Thiên, tức Võ Hậu, sinh ra. Khi Võ Hậu nắm quyền, Lý Triết bị đày ra Phòng Châu với tước Lư Lăng Vương. Trong lúc bị đày, bên mình chỉ có người vợ là VI THỊ, con gái quan Thú sử Dự Châu Vi Huyền Trinh, săn sóc an ủi. Sau khi Võ Hậu bị truất phế, Lư Lăng Vương được rước về làm vua. Nhớ những ngày cùng nhau chung hoạn nạn, Trung Tôn cho Vi Hậu dự triều chính và giao cho nhiều quyền hành.
Vi Hậu bèn nắm được cái thế của Võ hậu ngày xưa.
Và cũng như Võ Hậu, Vi Hậu dâm loạn vô biên. Trung Tôn tánh nhu nhược lại sợ vợ, nên mặc dù biết rõ mọi bí mật của Vi Hậu, vẫn mặt lấp tai ngơ. Triều thần thấy vua không lưu tâm, thì không một ai dám can thiệp. Vì vậy Vi Hậu mỗi ngày một thêm lộng hành. Những hành động xấu xa của Vi Hậu bay khắp dân gian. Và cái tên ‘Vi Hoàng Hậu’ trở thành một cái tên tượng trưng cho sự dâm bôn vô sỉ của hạng đàn bà quyền quý, như tên Võ Hậu ngày xưa.
Có một chuyện gần như chuyện tiếu lâm.
Một đêm Nguyên Tiêu nọ, trong cung mở dạ hội lớn, tất cả các đình thần đều đến dự. Các tao ông nhã khách đều đua nhau làm thơ hoặc làm ca để cho nữ nhạc ca công múa hát góp vui. Thời bấy giờ có điệụ hát gọi là HỒI BA rất thịnh hành. Trong cung lại có tên kép hát tên là Tang Phụng, chuyên làm hề để chọc cười vua và Hoàng hậu. Đương bữa tiệc, Tang Phụng đứng ra múa và hát 1 bài theo điệu Hồi Ba. Bài hát khởi đầu bằng những câu:
Hồi Ba nghĩ, như khảo lạo
Phạ bà khước dã đại hảo
Ngoại đầu thả hữu Bùi Đàm
Nội điện vô quá Lý lão.
Xin dịch ra vè cho vui:
Này điệu hồi ba
Như là cái rọ
Trên đời sợ vợ
Là việc tốt lành
Bùi Đàm sợ vợ lừng danh
So cùng lão Lý
Bùi đành chịu thua.
Mọi người đều cất tiếng cười vang. Vi Hậu thích ý, lập tức ra lệnh ban thưởng cho Tang Phụng. Nhà vua có ý thẹn, nhưng cười giả lả cho qua.
Dạ yến tàn thì câu chuyện ‘Phạ bà đại hảo’ theo tân khách bay đi khắp nơi. Để đối chọi với mỹ hiệu ‘Bùi Phạ Bà’ của quan Ngự sử đại phu, người ta đặt cho Trung Tôn mỹ danh là ‘Đế Phạ Hậu‘.
Chúng ta có thể nói là ‘vua nào tôi nấy’, hoặc  ‘Tôi nào vua nấy’.
Nếu theo sách vở thì phải nói ‘ Có vua ấy phải có tôi ấy’. ‘Có tôi ấy phải có vua ấy’. Vầy thôi!

Nhưng không phải chỉ đời Đường, đời mà thơ nổi danh nhân gian tuyệt phẩm, (1) mới có những đấng ‘Phạ Bà’. Đời nào cũng có. Song nổi danh thiên cổ, như Đường Trung Tôn, Bùi Đàm, chỉ có Trần Quí Thường đời Tống.

TRẦN QUÍ THƯỜNG là một ẩn sỹ, bạn thân của Tô Đông Pha và thường cùng Tô công nói về đạo Phật, đạo Lão. Bà vợ Quí Thường họ Liễu tánh hay ghen. Quí Thường rất kiêng nể. Tô Đông Pha có thơ ghẹo bạn:
Hốt văn Hà Đông sư tử hống
Trụ trượng lạc thủ tâm mang nhiên
Nghĩa là:     
Bỗng nghe sư tử Hà Đông rống
Gậy vớt tay run hết cả hồn.
Sở dĩ Tô Đông Pha dùng chữ Hà Đông để ám chỉ họ Liễu là vì Đỗ Phủ có câu “Hà Đông nữ nhi nhân tánh Liễu”, nghĩa là cô gái Hà Đông người họ Liễu, và dùng chữ sư tử vì trong kinh Phật có câu dùng chữ ‘sư tử hống’ để mô tả tiếng có uy lực làm tỉnh ngộ lòng người si mê. Đó là một cách chơi chữ, cắm râu ông nọ vào cằm bà kia, tạo thành một hình ảnh ngộ nghĩnh, ngộ nghĩnh nhưng rất thực rất đúng. Bởi không có gì dễ sợ bằng tướng mạo và tiếng gầm hét của người đàn bà trong lúc máu ghen bùng sôi. (2)
Do đó thành ngữ ‘sư tử Hà Đông’ thành danh từ chỉ người đàn bà hay ghen và hung dữ:
Hầu hạ đã cam phần cát luỹ
Nhặt khoan còn ỏi tiếng Hà Đông.
                                                                            (Trần Tế Xương)
Nhưng một học giả cận đại của Trung Hoa là Lâm Ngữ Đường và một học giả hiện đại của Việt Nam là Nguyễn Hiến Lê lại cho rằng bảo Quí Thường sợ vợ là oan, vì Trần là một ẩn sỹ có tiết tháo, và gia đình rất hoà thuận. Tô Đông Pha nói ‘sư tử hống’ có lẽ vì tiếng nói bà họ Liễu có giọng oang oang, chớ không phải ghen.
Thiết tưởng không cần biện minh. Bởi ghen không phải xấu:
Thân nhàn tiệm thức vô quan hảo
Lão kiện phương tri đố phụ hiền
Nghĩa là: Thân được thong thả, dần dần thấy rõ không làm quan là điều tốt. Đến lúc già mà được mạnh khoẻ mới hay rằng bà vợ ghen là vợ hiền.
Và Tản Đà Tiên sinh nói:
-      Ở đời nếu không phải sợ ai, thời là nhất,. Nếu còn phải có sợ thời sợ vợ là hơn.
Lời nói thật chí lý và nên thơ. Làm trai mới lớn lên, tưởng nên nhớ lấy. Làm gái sắp có gia đình càng nên ghi lấy. Mà người mới bước vào làng thơ lại phải thuộc lòng, vì là lời nói của một vị tiền bồi giàu kinh nghiệm.
_____________________________________________________
(1)   Đường thi, Tấn tự, Hán văn chương, nhân giang tuyệt phẩm. Nghĩa là: Thơ đời Đường, chữ viết đời Tấn, văn chương đời Hán, đó là những nghệ phẩm tuyệt diệu trong thế gian.
(2)   Phật quốc thiền sư có câu:
Sư tử hống thời phương thảo lục
Tượng vương hồi xứ lạc hoa hồng
Nghĩa là:     
Lúc sư tử rống, cỏ thơm trổ biếc
Vui chúa về hoa rụng cánh hồng
Cùng một thành ngữ “Sư tử hống” mà ý nghĩa trong câu của Đông Pha khác hẳn câu của thiền sư.





28. MỘNG XUÂN KHÔNG DÀI

Nha Trang, hạ tuần tháng 3 năm Đinh Tỵ (5-1977)

Phương Dung,     
Tôi không thể chép trọn bài VÔ ĐỀ, cũng không thể nói rõ người trong thơ, vì chưa phải lúc. Để đáp lại thịnh tình của Phương Dung tôi xin nói sơ điển tích dùng trong câu:
Nỡ lòng học Tống Hoa Dương
Ngâm câu Lãng Uyển Nữ Tường xót xa.
Câu ấy thoát thai từ mối tình giữa Tống Hoa Dương và Lý Thương An, thời Văn Đường (823-907).

TỐNG HOA DƯƠNG là một nữ đạo sỹ.
Đời Đường có những nữ đạo sỹ, bề ngoài lấy danh nghĩa là xuất gia đi tu hành để thụ hưởng ân huệ của vua hoặc của các nhà quyền quí, nhưng sự thực hầu hết là những người đàn bà phóng túng đắm mình vào những cuộc sống phù phiếm, trăng hoa.
Tống Hoa Dương là một trong những nữ đạo sỹ đó. Nhưng nàng là một giai nhân tuyệt sắc, khắp kinh thành Tràng An không ai không ca tụng sắc đẹp của nàng. Nàng có một ngôi đền xây trên núi Tràng An, thường thường cứ sớm đi tối về. Đời phong lưu ít có chi em sánh kịp.

LÝ THƯƠNG ẨN, tự Nghĩa Sơn, hiệu Ngọc Khê, quê ở Hoài Châu, Tỉnh Hà Nam. Thi tài quán thế. Đậu tiến sĩ đời Đường Văn Tông (827-840).
Lúc Lý ra Trường An thi tấn sỹ thì gặp Tống Hoa Dương. Hai bên thường hội kiến trong những cảnh sinh hoạt xa hoa của giới phong lưu đài các. Bên tài tử, bên giai nhân, không dễ gì không tương thân tương ái. Mối tình mỗi ngày mỗi thêm thắm thiết. Lý làm nhiều thơ khen dung nhan của Tống. Đại khái như:
Luận trích thiên niên biệt Đế thần
Chí kim do thức nhị chu nhân
Nghĩa là:     
Nghìn năm cách biệt cõi Trời
Ngày nay gặp gỡ lại người ngày xưa
Tống thường rủ Lý lên đền chung vui. Thanh u mà không nhã, thị tứ lẫn lâm tuyền. Bên cảnh bên tình, tiên trong cõi tục. Thơ lý do đó đã diễm lệ càng thêm diễm lệ. Thơ lúc bấy giờ ảnh cũng như tình, đều là tình cảnh trước mắt và đều làm ra vi Tống Hoa Dương. Như:
BÍCH THÀNH
Bích thành thập nhị khúc lan can
Tê tịch trần ai ngọc tịch hàng
Lãng Uyển hữu thư đa phụ hạc
Nữ Tường vô thọ bất thê loan
Tinh trầm hải để đương song kiến
Vũ quá hà nguyên cách tọa khan
Nhược thị hiểu châu minh hựu định
Nhất sinh trường đới thuỷ tinh bàn.

Dịch phỏng:          
Bích thành đoanh lộn lan can
Tề nhìn trong bấy ngọc càng ấm sao!
Tờ thơ Lãng Uyển hạc trao
Nữ Tường không một cây nào không loan
Bên sông trông xuống Tràng An
Lòng lanh đáy biển muôn ngàn sao rơi
Cơn mưa qua giải sông Trời
Màu ngân tuôn thấu chỗ ngồi láng lai
Bồng doanh ví sẵn duyên hài
Gìn mâm châu sáng bên đài thuỷ tinh.
Đó là một trong những bài vịnh cảnh thần tiên và thú thần tiên nơi đền Tống Hoa Dương.
Bước chân vào đường tình, thời kỳ này là thời kỳ tươi đẹp nhất vui sướng nhất của Lý Nghĩa Sơn. Thi nhân cho là cuộc đời không còn có gì đáng buồn đáng hận.
Nhưng mộng xuân không dài.
Đời Đường, kỳ thi tiến sỹ mới là bước đường xuất thân của kẻ sỹ. Muốn làm quan, thi đậu rồi, kẻ sỹ còn phải qua kỳ khảo hạch của bộ Lại. Lý tạm biệt Tống để đi dự khảo thí. Thi hỏng. Hỏng kỳ này còn kỳ khác, ý không chút bận lòng. Song khi trở lại cùng người yêu thì lòng lại bị một vết thương xối máu: Tống Hoa Dương đã đem tình yêu trao cho kẻ khác, mà kẻ khác ấy lại không ai khác hơn là Đạo Sỹ Vĩnh, một người bạn của Lý và chính Lý đã giới thiệu cùng hoa Dương! Để được tự do sống cùng người mới, Hoa Dương tìm cách đuổi Lý ra khỏi đền. Lý ôm mối hận tình mà xuống núi.
Trong non trầm nhả khói đôi
Ngoài non xuống bước lẻ loi dặm trường…
Sau đó Lý trải qua nhiều cảnh ngộ, thương tâm có, đắc ý có, trên đường công danh cũng như trên đường tình ái. Cuối cùng chết trong cảnh nghèo nàn quạnh quẽ và để lại cho nghìn muôn sau một pho tình sử đầy hương và cũng đầy lệ, cùng những vần thơ tuyệt tác mà phần nhiều đều dùng phép tượng trưng vừa u ẩn vừa diễm kiều:
           Thử hoa thử diệp trường tương ảnh
           Thuý giảm hồng suy sầu sát nhân

Nghĩa là:                          Màu hoa sắc lá chiếu nhau
                                        Hồng phai thuý nhạt thương đau giết người

Xuân tàn đáo tử ti phương tận
Lạp chúc thành khô lệ thuỷ càng

Nghĩa là:                          Tầm xuân đến chết tơ còn vướng
                                        Ngọn sáp thành tro lệ mới khô
Đời thi nhân!