Những bức thư thơ 29.Chiếc thuyền lơ lửng bên sông - 30.Chút lòng


29. CHIẾC THUYỀN LƠ LỬNG BÊN SÔNG

Nha Trang, tiết Thu Phân năm Nhâm Dần (1962)

Cháu Bích Ngọc
Bối cảnh lịch sử cũng là một yếu tố cần thiết cho việc nhận thức văn thơ.
Ức Trai Nguyễn Trãi có bài tự thán rằng:
Chiếc thuyền lơ lửng bên sông,
Biết đem tâm sự ngỏ cùng ai hay!
Chắc chi thiên hạ đời nay
Mà đem non nước làm rầy chiêm bao!
Đã buồn vì trận mưa rào
Lại đau vì nỗi ào ào gió đông!
Mây trôi nước chảy xuôi dòng
Chiếc thuyền hờ hững bên sông một mình!
Vì không biết rõ thời kỳ sáng tác, nên nhiều người đành chịu "không biết tác giả muốn nói gì" và Tản Đà tiên sinh đã phải than rằng:
Tâm sự anh hùng người ngoài không dễ hiểu thấu chỗ đau đớn.
Muốn hiểu thấu ý nghĩa của bài thơ, chúng ta thử tìm xem Ức Trai đã sáng tác vào lúc nào.
Lúc chưa gặp Lê Lợi chăng?
Lúc đã phá xong quân nhà Minh chăng?
Hay là sau khi đã lui về Côn sơn trí sĩ.
Lấy lý mà suy thì sau khi lạy biệt cha già, Ức Trai căm thù quân nhà Minh cực độ, nhất quyết phải diệt quân thù cho kỳ được:
Hung tàn lũ giặc chung trời chẳng..
Tiết nghĩa nhà ta nếp vẫn còn.
…….
Từ nay bốn biển con tìm chúa
Trung hiếu hai vai quyết vẹn tròn.
(Nguyễn Trãi Từ Biệt Cha. Vô Danh Thị)

Đi tìm người tri kỷ, dẫu tháng đợi năm chờ, gian nan lận đận cho đến đâu đi nữa, chí phục thù lẽ nào sớm nhụt, mà vội than: "Chắc chi thiên hạ đời nay" và tâm sự, hoài bão lại đành để "Mây trôi nước chảy xuôi dòng"?
Đến lúc nhục nước rửa xong, thân được sang, danh được sáng, thì có gì đến nỗi phải than oán, buồn đau!
Nhận cho kỹ thì đó là lời tâm sự của kẻ cô trung than thời cuộc, oán trách vua, nhưng không dám cả tiếng, mà chi nói bóng gió xa xa. Tâm sự ấy, thái độ ấy chỉ có thể có trong khi Ức Trai đã cáo lão về ẩn nơi Côn Sơn
Lúc ấy thuộc triều vua Lê Thái Tông (1433-1442).

Vua Lê Thái Tổ băng, Thái Tông lên nối ngôi mới 11 tuổi, quyền bính trong triều đều ở trong tay quan phụ chánh là Lê Sát. Lê Sát cậy thế hoành hành, đình thần ai không phục tùng đều bị hại. Các bậc lão thần trung nghĩa đều kiếm cớ từ quan. Đến lúc trưởng thành, Thái Tông giết Lê Sát, tự cầm lấy quyền. Nhưng vì chưa lịch duyệt lại thiếu kẻ tài lương phụ tá, nên vua sanh đắm mê tửu sắc, làm lắm việc vô luân. Ngoài dân gian lại liên tiếp mấy năm mất mùa, nơi nơi đói khổ, giặc cướp liên tiếp nổi dậy ở các miền thượng du.
Vốn có công khai quốc, lại sẵn tài trị dân, mà cái thế bắt buộc đứng ra cứu vãn thời cuộc được nên Ức Trai không thể không sanh lòng bi phẫn cảm khaí. Nhưng vì không "chắc chi thiên hạ đời nay" nên phải mượn văn chương để gởi tâm sự.
Vì vậy chúng ta có thể quyết đoán rằng bài Tự Thán của Nguyễn Trãi đã ra đời trong thời Lê Thái Tông chớ không phải trong thời chưa gặp Lê Lợi.
Bài này văn chương ngó bình dị nhưng tình ý rất thâm viễn. Muốn hiểu thấu tâm sự của tác giả, thì sau khi nhận định được thời kỳ sáng tạo, rõ được bối cảnh lịch sử, chúng ta còn phải tìm biết chỗ xuất nhập của các câu văn, vì hầu hết đều chịu ảnh hưởng ít nhiều văn thơ cổ.
Hai câu đầu:
Chiếc thuyền lửng bên sông
Biết đem tâm sự ngõ cùng ai hay.
Đã thoát thai trong câu:
Thân tại giang hồ thượng
Tâm tồn nguỵ khuyết trung
Nghĩa là thân tuy ở trên sông hồ, mà lòng vẫn còn ở nơi đế khuyết. Ý nói tấm thân dù ở ngoài vòng ràng buộc tháng ngày thong thả cùng nước mây, nhưng tấm lòng luôn luôn nghĩ đến việc nước việc vua như lúc còn làm quan lớn.
Hai từ "tâm sự"trong câu thơ của Ức Trai thật không còn có ý gì khác hơn là lòng ưu ái vậy.
Hai từ "non nước" và "chiêm bao" trong câu thứ tư xuất ở câu:
Lương mộng chức vị thành.
Sơn hà kinh kỷ biến.
Nghĩa là: Mộng đẹp dệt chửa thành, non sông đã mấy lần biến đổi. Cho nên mặc dù trong câu "mà đem non nước làm rầy chiêm bao" cái cảnh biến thiên của tổ quốc không nói ra, song cái ý biến thiên vẫn ngấm ngầm trong hai từ non nước và hai câu:
Chắc chi thiên hạ đời nay
Mà đem non nước làm rầy chiêm bao
vừa ngậm chứa nỗi lòng xót xa thời cuộc, vừa tỏ ý khinh khi nhân vật đương thời chỉ biết lo cho thân mà không thiết gì đến nước. Chẳng những khinh khi mà còn thương hại cho người không nghĩ xa thấy rộng: nước non không yên ổn thì giấc mộng đẹp làm thế nào mà say được lâu!
Câu 1, 2 nói về thời cuộc.
Câu 3, 4 nói về nhân tâm.
Trong câu 5 và câu 6 có từ "Mưa" và từ "Gió". Đó là những ước lệ văn chương thông dụng:
Từ "Mưa" thường dùng để chỉ những gì ở trên nhà vua ban xuống: ơn huệ. Nhưng "mưa" ở đây không phải là mưa nhuần (cam võ) mà là mưa rào (khổ võ) tức là những trận mưa làm hại hoa màu. Mưa rào đây cũng dùng để ám chỉ những hành động bất chính của vua Lê Thái Tông đã làm hại dân hại nước. Những cảnh đói khổ những cảnh giặc cướp ở trong nước thời bấy giờ chẳng phải do vua Thái Tông gây nên thì còn ai? Nhưng đứng trước tình trạng ấy, người bề tôi có tài đức mà không có quyền thế, thì chỉ đành buồn bã và thở than cho đỡ buồn!
Từ "Gió" thường dùng để tả cảnh cha mẹ chết, do câu: "Thọ dục tịnh nhi phong bất đình, tử dục dưỡng nhi thân bất đãi". Nghĩa là "cây muốn lặng mà gió không ngừng, con muốn nuôi mà cha mẹ không đợi" Ở đây tác giả dùng để than việc cụ Nguyễn Phi Khanh mất bên Trung Quốc.

Cụ Nguyễn Phi Khanh bị quân nhà Nguyên bắt đem sang Trung Quốc, xa nhà xa con cái, khiến lúc sống không có người phụng dưỡng, đến lúc chết nắm xương tàn không biết vùi lấp nơi đâu? Tình cảnh thật là đau đớn, đau đớn gấp mười cảnh tử biệt bình thường! Cho nên bên từ "gió" tác giả thêm từ "ào ào" để gợi ý "dữ dội", ý "tàn ác" của ngọn gió, lại còn thêm từ "đông" để tả nỗi "lạnh lùng" để tỏ niềm "thống thiết". Gió đã dữ lại lạnh thì người chịu đựng phải đau đớn khổ sở đến mức nào?!
Đã buồn vì trận mưa rào
Lại đau vì nỗi ào ào gió đông!
Trong nỗi buồn có ngậm ý oán trách. Trong nỗi đau thương có ngậm ý căm hờn. Từ "trận" và từ "rào" ở câu trên, từ "ào ào" và từ "đông" ở câu dưới là những nhãn tự, nhờ đó mà người ngoài cuộc nhận thấy được nỗi lòng gói ghém của tác giả. Nỗi nước như thế, nỗi nhà như thế, trung làm sao? hiếu làm sao? Đau đớn quá! Tâm sự này biết ngỏ cùng ai?!
Mây trôi nước chảy xuôi dòng
Con thuyền hờ hững bên sông một mình!
Đọc câu này chúng ta không khỏi liên tưởng đến câu:
Cô nhạn nam phi hồng bắc khứ
Nhàn vân tây tụ thuỷ đông lưu
Nghĩa là:
Lẻ loi bắc nhạn nam hồng
Ngàn tây mây tụ biển đông nước về.
Thật là rã rời buồn tẻ.
Câu "mây trôi nước chảy" tỏ rằng Ức Trai đã thất vọng hoàn toàn! Gia đình cũng như quốc sự đành buông theo mây nước trôi xuôi!
Mây trôi nước chảy xuôi dòng
Chiếc thuyền hờ hững bên sông một mình!
Gợi một mối buồn vô hạn! Đọc lên chúng ta có cảm giác lạc loài trong cảnh mây nước mênh mông quạnh quẽ, không một bóng người không một tiếng chim, trơ trọi lạnh lùng!
Thật là một mối sầu thiên cổ, một mối trường hận!

Chao ôi! Bao nhiêu tâm sự mà chỉ gói ghém trong 8 câu thơ! Nếu chúng ta không chịu khó tìm tòi ngẫm nghĩ thì không làm sao thấy được nỗi lòng của cổ nhân!

Cháu Bích Ngọc,
Chú viết cho cháu bức thư nầy mục đích là để cho cháu thấy rằng xem thơ, nhất là thơ của cổ nhân, cũng khó như làm thơ. Đã biết rằng chưa chắc những lời chú giải thích trên đây là đúng ý nghĩ của cổ nhân, nhưng nếu cổ nhân có thiêng chắc cũng mừng rằng kẻ hậu sinh chưa làm mất cái "đạo xem thơ" vậy.
Thôi xin chào cháu và chúc cháu đọc và hiểu được nhiều bài thơ hay như bài "Tự Thán" của Nguyễn Ức Trai./.





30. CHÚT LÒNG

Nha Trang ngày Khai Hạ năm Mậu Tuất (1958)

Chú Vũ Hân
Hôm nay nằm xem lại tập Diễm Trang của chú
Đọc đến bài Nghẹn Bước:
Nắng rụng gầy sương đường lỡ thì
Thương người khăn gói nghẹn chân đi!
Quán nghiêng nửa mái chờ giông tố,
Cửa hẹp mây đùn sập nét mi.
Quỉ dựng đằng sau muôn lớp ải,
Lòng nghe nai gặm cỏ biên thuỳ.
Xoa tay nhớ lại mùa xuân trước:
Phấn bướm còn vương nhịp trúc ti.
Lòng tôi không cầm được thương nhớ!

Bài Nghẹn Bước chú làm tặng Bùi Đặng Hà Phan. Tuy trong tập không ghi lời đề tặng, nhưng nó đã đánh thức trong tôi những ngày chú và Phan chung buồn chung vui ở Trung Lương.
Tôi còn nhớ hôm từ Trung Lương, chú ra Thiết Đình tìm tôi để trao bìa thơ Phan hoạ bài Chút Lòng của tôi. Hôm ấy là một ngày Chúa nhật vào khoảng hạ tuần tháng 4 năm 1952, một ngày hè oi bức. Và dưới bóng cây đại thọ, dây tiêu quấn rườm rà, chú và tôi ngồi xem thơ của Phan.
Bài thơ của Phan cũng như bài của tôi, chắc chú không còn nhớ trọn vẹn.
Đây bài của tôi:
Từ phen biển rộng khép trăng song,
Nửa mảnh vườn quê tạm náu lòng.
Đi đứng luống thương đường lối hẹp,
Ăn nằm dám phụ nước non chung.
Mười phương tin tức mây hờ hững,
Ba kiếp văn chương bút ngại ngùng.
Bạn tác ví thương tình gặp gỡ:
Đừng đem mây ráng đọ nghi dung.
Và đây bài của Phan hoạ:
Trời xanh lồng lộng đọng khung song,
Đây mảnh vườn con bát ngát lòng.
Trăng nước mai chiều thơ mộng đẹp,
Đầy vơi nhân thế hận sầu chung.
Mây trôi ngày tháng tình lơ lửng,
Bướm lạc hồn hoa ý ngại ngùng.
Chỉ sợ ráng mây ngày gặp gỡ:
Hương tình đâu nữa ngát hoa dung.

Khi chép cho chú xem bài Chút Lòng, vì sợ tai vách mạch rừng, tôi không nói rõ nguyên nhân sáng tác.
Nguyên năm 1950, Nguyễn Hữu Lộc cho người tâm phúc đến mời tôi gia nhập mặt trận Liên Minh bài Cộng. Để từ chối, tôi không đáp bằng lời, cũng không đáp bằng thư mà chỉ gởi cho ông bạn Chút Lòng gói ghém ấy.
Bài ấy ngoài Nguyễn Hữu Lộc ra, tôi chỉ chép cho chú. Nhưng tôi chắc trước khi chú chép lại cho Phan, thì Phan đã biết rồi, vì giữa Lộc và Phan mối tình thường qua lại.
Trước ấy, Phan và tôi tuy chưa quen nhau, nhưng đã biết nhau. Biết nhau trong văn chương, biết nhau do Nguyễn Hữu Lộc. Biết nhau và thương yêu nhau, song ngót mấy năm trời vẫn không một lời trao đổi. Bài thơ hoạ do chú trao lại là bức thư đầu tiên Phan gởi cho tôi. Cho nên bên bài thơ Phan viết: "Thân gởi anh Q.T chút lòng đồng điệu của người bạn chưa quen"
Đọc mấy vần thơ hoạ và mấy lời đề tặng của Phan, tôi rưng rưng nước mắt. Chú thấy tôi bùi ngùi mà bùi ngùi. Tôi thấy chú bùi ngùi thêm bùi ngùi. Chú nhìn tôi, tôi nhìn chú, lặng lẽ trong cảnh trưa hè oi bức khắt khe…
Rồi Chúa nhật tuần sau, tôi đến Trung Lương cùng chú đi thăm Phan. Gặp nhau trong túp nhà tranh nằm cạnh miếu thờ Quan Thánh, ngó mặt ra sông Lại Giang. Cảm động nghẹn lời!
-   Tôi tưởng không bao giờ được gặp anh!
Lời Phan hơi run run. Chú tiếp:
-   Đọc bài thơ anh, anh Tấn rất cảm động.
-   Đọc bài Chút Lòng tôi đã khóc nhiều… Chúng ta đều cùng một tâm sự. Gặp nhau thêm thương nhau…
Rồi gạt bỏ chuyện đời, ba chúng ta đem văn thơ ra đọc cho nhau nghe. Trong nhà không có người lớn, song chúng mình vẫn nhỏ giọng, vẫn giữ lời!
Lần tôi gặp Phan đó là lần đầu mà cũng là lần chót! Cách hôm đó không bao lâu, chú về Hội An, tôi về Bình Khê, Phan ở lại Trung Lương được vài ba tháng sau thì mất!! Mất trong cảnh nghèo nàn hiu quạnh!!
Chỉ sợ ráng mây ngày gặp gỡ:
Hương tình đâu nữa ngát hoa dung.
Phải chăng là một câu thơ sấm?
Ngày hôm nay ôn lại chuyện cũ, tôi còn thấy rõ đôi mắt to và sáng của Phan, còn văng vẳng bên tai giọng ngâm run run và khẽ khẽ của Phan:
Ăn nằm dám phụ nước non chung
Hương tình đâu nữa ngát hoa dung!
Xoa tay nhớ lại mùa xuân trước:
Phấn bướm còn vương nhịp trúc ti.
 ________________________________________________________