Những bức thư thơ 31.Tinh nhớ thương - 32.Liên Tâm


31. TÌNH NHỚ THƯƠNG

Nha Trang tiết Lập Xuân năm Mậu Tuất (1958)

Chị Khánh Vân,
Quả như lời chị nói, hai câu thơ ấy không phải hai câu thơ rời rẽ:
Làng tôi không nói hết làng
Có người cứ mỗi chiều vàng nhớ tôi
Là một câu trong bài Nhớ Làng của Thanh Lang
Còn câu:
Non Hương ẩn bóng sương mờ
Chiều chiều tựa cửa đợi chờ ai đây?
Ở trong bài Nhớ Người Ra Đi của Chức Thành.

Chức Thành và Thanh Lang đối với tôi là chỗ quen thân. Và hai bài Nhớ Làng và Nhớ Người Ra Đi tôi đã được xem và còn nhớ được trọn.
Đây bài Nhớ Làng của Thanh Lang:
Mưa đưa thương nhớ về làng
Mưa làm xa vắng dặm đàng bến sông
Chiều nay mở cửa ra trông:
Thấy làng đâu? Chỉ thấy lòng mà thôi!
Mưa ơi thương nhớ bời bời,
Bời bời thương nhớ! Mưa ơi khuất làng!
Ở đây nắng mới võ vàng,
Dừa cao lỏng khỏng cành xoan ngoằn nghèo
Con đường thì ngút cheo leo,
Mình đi chỉ bóng cùng theo với mình.
Làng tôi gió rộng thênh thênh
Mưa sa nhè nhẹ, trăng lên dịu dàng
Làng tôi, không nói hết làng..
Có người cứ mỗi chiều vàng nhớ tôi.
Và đây, bài Nhớ Người Ra Đi của Chức Thành:
Tháng hai năm ngoái nơi nầy,
Ngày mười hai ấy là ngày biệt ly.
Tiếng gà giục giã ra đi
Bước đường cỏ lạnh, hàng mi lệ sầu!
Sụt sùi dặm cát cồn lau,
Ánh bình minh phút trở màu hoàng hôn!
Nhớ thương mưa gió dập dồn
Tháng ngày mặt nước sông Côn thẩn thờ.
Non Hương ẩn bóng sương mờ
Chiều chiều tựa cửa đợi chờ ai đây?!
Hai bên đều mượn văn chương để gởi lòng thương nhớ. Thanh Lang thì từ nơi xa gởi lòng về làng. Chức Thành thì từ làng gởi lòng ra nơi xa.
-  Dường như có mối liên hệ giữa đôi bên?
-  Thưa chị không. Hai bài thơ ra đời cách nhau gần 20 năm và hai tác giả chưa từng quen biết nhau, mặc dù đều là người Bình Định và có tôi ở trung gian.
-  Tuy không có mối liên hệ nhưng vẫn có chỗ tương đồng:
Nhớ LàngNhớ Người Ra Đi là hai bức tranh Tình, mà trong Tình có Cảnh.
Nhưng ở đây, tả cảnh không phải vì cảnh, mà tả cảnh chỉ để diễn tả tâm tình cho thêm đượm nét. Cảnh trong thơ đã theo cái nhìn chủ quan của tác giả mà thay đổi hình thái, chớ không còn giữ nguyên vẹn bản thể trong thực tại khách quan. Nắng Mới, Dừa, Xoan trong thơ Thanh Loan, cũng như Cồn Lau, Dặm Cát, Sông Côn, Non hương… trong thơ Chức Thành là những cảnh vật của thiên nhiên, cảnh vật có thật trong thực tế. Nhưng sắc "võ vàng" của nắng, nét "lỏng khỏng" của dừa, vẻ "ngoằn nghòeo" của soan… cũng như dáng"sụt sùi" của cồn lau, dặm cát, mặt "thẫn thờ" của con sông Côn, bóng "ẩn che" của dãy núi Hương... lại là sắc thái của tâm hồn trùm lên cảnh vật, khiến cảnh vật biến theo sắc thái tâm hồn. Thành thử mỗi nét tả trong thơ là một dáng dấp riêng gợi một chút tình riêng của tác giả.
Đó là chỗ tương đồng.
Và đây là chỗ tương dị:
Thanh Lang nhân xúc cảnh mà sinh tình, rồi vì tình mà Nhớ cảnh.
Tình của Thanh Lang là một mối tình hiền hiền dịu dịu, toả một nỗi buồn man mác bâng khuâng.
Và cảnh trong Nhớ Làng là những nét đơn sơ rút trong cảnh phức tạp rộng rãi: cây dừa, cành soan, con đường... là một vài cạnh khía tách nơi hiện tượng bao la: chiều rộng của gió, sức nhẹ của mưa, vẻ dịu của trăng... Những nét ấy, những cạnh khía ấy thật là độc đáo, bởi được chọn lọc, lựa lọc. Nhưng không phải chọn lựa theo con mắt của nhà thẩm mỹ mà chọn lựa theo trạng thái của tâm tư. Vì Thanh Lang chỉ chọn lựa trong cảnh vật "ở đây" và ở "làng tôi" những cái gì thích hợp để làm Khung lồng Tình, lồng "bức tranh tình thương nhớ".
Mà trước khi lấy cảnh làm khung lòng tình, Thanh Lang lấy cảnh lồng cảnh. Cảnh "ở đây" đã làm nổi bật "bức tranh thương nhớ" trước khi mưa đưa về làng.
Mưa đưa thương nhớ về làng.
Nhân đây thử hỏi: Có phải thật vì làng mà Thanh Lang đem lòng thương nhớ?
Bảo là "không phải hẳn" thì không  thật đúng. Nhưng thử lấy lòng mà xét: Nếu không có "người cứ mỗi chiều vàng nhớ tôi" ở trong làng, thì gió làng có còn thấy rộng, mưa làng có còn thấy nhẹ, trăng làng có còn thấy dịu... nữa chăng?
"Thiếu một người là thiếu tất cả". Lòng xưa nay ai có khác ai!
Mà dù gió làng vẫn còn cứ rộng, mưa làng vẫn còn cứ nhẹ, trăng làng vẫn còn cứ dịu, mà thiếu "bức tranh thương nhớ" do "người nhớ tôi" làm động cơ sáng tạo, thì những cảnh gió thênh thênh, mưa nhè nhẹ, trăng dìu dịu kia chỉ còn là những nét chạm trổ sơn thếp trên chiếc khung trống: "Làng tôi" Tranh không có thì ai treo khung trống nữa mà chi?
Những nét chạm trổ sơn thếp kia, dù đẹp đẽ đến đâu, mà lâu ngày bụi đóng lu mờ, thì còn ai lưu tâm để mà thương mà nhớ?
Cho nên: "Mưa đưa thương nhớ về làng"
Chỉ vì: "Có người cứ mỗi chiều vàng nhớ tôi"
Bởi "có người nhớ tôi" mà có "tranh thương nhớ". Có "tranh thương nhớ" nên có "khung trổ gió, chạm trăng". Bức tranh Tình ấy, chiếc khung cảnh ấy, đường nét ăn nhịp, màu sắc hào hiệp, lồng vào nhau thật khắng khít nhịp nhàng, trông đẹp lòng khoái mắt.
Nhưng còn nói Tranh và Khung, tức còn phân biệt Tình với Cảnh.
Mà còn phân biệt Tình với Cảnh, là vì trong Nhớ Làng của Thanh lang, Tình và Cảnh là hai chớ không phải là một.
Tình với cảnh là một, là tình cảnh trong Nhớ Người Ra Đi của Chức Thành.
Cảnh trong Nhớ Người Ra Đi là cảnh nguyên khối: dặm cát, cồn lau, con sông, dãy núi.
Tình của Chức Thành là một khối tình thâm thiết ngậm một niềm nhớ thương lặng lẽ nhưng chứa .
Nỗi nhớ thương thấm ngập tâm tư và lan tràn trong cảnh vật. Tình hoà với cảnh, cảnh hợp cùng tình, ôm ấp lấy nhau, quấn quít lấy nhau, chan hoà với nhau, không thể rời không thể tách.
Đọc những câu, như câu:
Sụt sùi dặm cát cồn lau,
Ánh bình minh phút trở màu hoàng hôn.
Thì ai có thể phân biệt là mối cảm xúc của ai? Của Người chăng? Thì lòng người đã hoà hợp cùng cảnh vật. Của Cảnh chăng? Thì cảnh vật đã thông cảm với lòng người. Tâm và vật đã hoà hợp lẫn nhau, thông cảm với nhau, nên tình xúc thì cảnh động, như nước chuyển mà sóng xao.
Sóng với nước vốn không hai, thì ở đây tình với cảnh là một.
- Mà tình cảnh ở đây là tình cảnh của người đi hay kẻ ở? Tình cảnh trong lúc biệt ly, rồi mỗi lần nhớ thương thì hiện ra trước mắt?
- Ở đây lòng người đi là lòng kẻ ở, lòng kẻ ở là lòng người đi. Tình cảnh không phân, không gian không cách, thời gian không đoạn…
Các câu khác trong bài thơ, đại khái cũng thế.
Và trong bài thơ câu:
Sụt sùi dặm cát cồn lau
Ánh bình minh phút trở màu hoàng hôn.
Là một đợt sóng lòng cao nhất. Bốn câu đầu là những lượn sóng dồn tới để đưa đợt sóng "sụt sùi" lên cao. Bốn câu sau là những lượn sóng chài ra để xô mình vào bờ mà hai từ "ai đây" là tiếng sóng vỡ.
"Chiều chiều tựa cửa đợi chờ ai đây?"
Đã biệt ly mà còn chờ đợi!
Người đi không hẹn ngày trở lại, mà ngày tháng vẫn còn tựa cửa đợi chờ!
Vậy lòng đợi chờ ai đây hỡi lòng!
"Ai đây", một tiếng kêu não nùng, nửa như than, nửa như trách! Than cho mình chăng? Than cho người ra đi chăng? Trách người ra đi sao một đi không trở lại, hay trách lòng mình đã biết người không trở lại mà vẫn tựa cửa chờ mong?
Chân lý của con tim dễ ai mà hiểu thấu!
Bài Nhớ Người Ra Đi chứa đựng một mối buồn thương thấm thía! Càng đọc càng thấy buồn, và mổi lúc mối buồn càng lắng xuống, mỗi chìm sâu vào tâm hồn.
Trái lại mối buồn thương trong Nhớ Làng rất nhẹ nhàng êm ái, nó chỉ phớt qua lòng người đọc như một ngọn gió thu thoảng qua ngàn hoa lau.
Và thưa chị, đúng như lời chị nói, hai bài thơ cùng một chất - chất buồn- nhưng đậm lạt khác nhau, và mỗi bài thơ có một màu sắc riêng, mọt hương vị riêng.
Còn chị hỏi bài nào hơn bài nào, thì xin thưa rằng tục ngữ có câu:
Hoa huệ, hoa lan, hoa lài, hoa lý,
Anh yêu hoa nào hoa ấy là xinh.
Thôi, chuyện thơ còn dài, xin tạm dừng tay. Chào chị./.




32. LIÊN TÂM

Nha Trang ngày Phật Đản năm Mậu Tuất (01/6/1958)

Anh Hương Sơn
Liên Tâm là người Núi Ngự Sông Hương.
Tôi gặp tại Nha Trang,mùa đông năm Mậu Dần (1938) trong cuộc họp bạn văn nghệ do câu lạc bộ Tự Lập (cercle d'Etude ) tổ chức.
Tuy là một phụ nữ tân học, tuổi trẻ, Liêm Tâm lại ưa chuộng Đường thi và chuyên làm thơ Đường luật. Văn chương thanh nhã. Có nhiều câu, các bà cựu học Khánh Hoà khen là "không kém tài trai", như:
Việc nước muốn làm thương phận gái
Vần thơ toan hoạ thẹn tài trai
Bút mực theo dòi Tô Tiểu Muội
Kiếm cung khó học Triệu Bà Vương.
Lăm le muốn mượn màu son phấn
Tô điểm cho tươi mặt nước non.

Lúc bấy giờ phong trào thơ Mới đang lên cao. Các nhà thơ Cũ, một số bị lôi cuốn, một số đứng dậy chống đối. Những cuộc tranh luận thường xảy ra kịch liệt. Vấn đề thơ Cũ, Thơ Mới cũng có đem ra thảo luận trong cuộc họp bạn của câu lạc bộ Tự Lập Nha Trang. Cuộc thảo luận rất sôi nổi, song không ngã ngũ vào đâu. Liên Tâm và tôi chỉ ngồi cười, không nói vì chủ trương bênh vực trường thơ Đường luật bằng cách cố gắng làm việc cho có kết quả, làm việc trong vắng lặng, im lìm.
Vì cùng một môn phái lại đồng một ý chí, nên vừa quen nhau chúng tôi liền thân mến nhau rồi yêu quí nhau.
Cuộc gặp gỡ này có tác động lớn trong đời văn chương của tôi:
Chính Liên Tâm đã giúp tôi sắp xếp Một Tấm Lòng, thúc đẩy tôi hoàn thành Mùa Cổ Điển. Và mối tình tương thân tương ái ngấm qua Mùa Cổ Điển, đọng lại Lá Mã Tiền và phảng phất qua các tập thơ văn kế tiếp.
Liên Tâm chịu ảnh hưởng của tôi cũng không ít:
Trước kia Tâm theo thuyết "nghệ thuật vị nhân sinh". Nhưng sau khi công nhận "Thơ là Thơ", "Thơ không vị cái gì hết" "Làm thơ là một sự cần thiết cho đời sống của chính mình, như  ăn ngủ.." thì liền vứt bỏ những tác phẩm cũ – phần nhiều có tính cách chính trị, thời thế… và áng tác theo quan niệm mới: Diễn tả tâm hồn.
Cho nên những thi phẩm sau này của Liên Tâm, hầu hết thiên về tình cảm. Và những bài như bài Sợi Tơ Mành:
Thành xa mấy lượt trống sang canh
Tựa án mình riêng cảm nỗi mình!
Cao cả chưa đền ơn chín chữ
Nặng nề thêm ngán nợ ba sinh
Chòm hoa dưới nguyệt so le bóng,
Tiếng hát bên sông bận bịu tình
Nhện báo tin gì sa trước mặt
Gió đưa lăng líu sợi tơ mành!

Bài Nhắn Ai:
Thềm xuân mấy độ lệ hoa rơi
Mấy độ mưa thu liễu rối bời!
Nhớ chập chờn non mây sớm tối
Tình lai láng biển nước đầy vơi
Chiêm bao lẫn quẩn trăng dầm gối
Tin tức bơ vơ nhạn lạc trời!
Gương nhạt cảnh đời chung tấc bóng
Tâm hồn riêng gởi nước non ai.

Và bài Lại Nhắn Ai:
Còi xe đêm trước lọt rèm sưa,
Tin gởi vào ai đã thấu chưa?
Tỉnh mộng nằm ôn tràng mộng cũ, 
Mong thơ lần giở xấp thơ xưa
Cỏ sương rung động niềm thương nhớ
Mây nước nôn nao ý đợi chờ.
Lơ đễnh bên người ôm mặt khóc..
Hỏi tra duyên cớ, ngại ngùng thưa..

Đều là những bài luật thi có giá trị. Những bài khác đều có nhiều câu giai tác, đáng yêu.
Liên Tâm chẳng những sở trường về thơ Đường luật. Thơ lục bát cũng rất luyện. Như bài Gởi Đời Hoa sau đây:
Nâng niu một đoá hoa đào,
Đời xuân em gởi trọn vào tay anh.
Từ đây cách cội xa cành,
Phấn hương gìn giữ cho đành lòng nhau.
Thật là tinh diệu, lời đẹp tình thâm. Ngoài ra còn nhiều câu ý vị như:
Ba sinh đã trót đèo bòng
Ruột dâu mong rút trọn vòng tơ vương.
Thương anh vò võ phương trời
Trông mây quán khách ngậm ngùi lòng quê.
Từ đây thân gái chữ tòng,
Ra đi ôm "Một Tấm Lòng" anh theo.
Vân vân...

Thơ Liên Tâm có giá trị như thế mà lâu nay ít người biết đến, chỉ vì đó là những mảnh tình riêng, riêng tặng người tri kỷ, đem ra phổ biến e không đẹp tia mắt bàng nhân. Tuy thế vẫn không phải chịu thiệt thòi, vì đã có nhiều bậc thi sĩ đàn anh tán thưởng.
Như Tản Đà đọc bài Sợi Tơ Mành do tôi gởi ra, viết thư vào khen rằng "Liên Tâm tuổi mới đôi mươi mà luật thi đã hay đến thế, thì thật là có biệt tài". Và Chế Lan Viên trong tờ Bạn Đường số 6 ngày 1 tháng 5 năm 1941 khen câu:
Nhớ chập chùng non mây sớm tối
Tình lai láng biển nước đầy vơi.
Là"cảnh người chung một mối tình, đến nỗi trong thơ sự cảm xúc không biết là của ai, và câu:
Tỉnh mộng nằm ôn tràng mộng cũ
Mong thơ lần giở xấp thơ xưa
Là "một câu đẹp nhất trong những câu đẹp nhất mà văn chương Việt Nam có thể có".
Còn Hàn Mặc Tử ở Qui Nhơn nghe tin tôi làm bạn cùng Liên Tâm, bèn gởi vào một bài thơ rằng:
Trường Xuyên ơi! Trường Xuyên ơi!
Viết chẳng nên câu nói nghẹn lời..
Mây nước bao la tình lẵng lặng
Khói  sương mờ mịt nhớ chơi vơi.
Tương tư mộng quyến năm canh mộng,
Luyến ái trời trông bốn phía trời.
Ta nhớ ta thương mình tệ quá!
Có ai khăn khít lại quên ai!
"Có ai khăng khít" là ám chỉ Liên Tâm.
Và Bích Khê sau khi đọc những bài thơ của Liên Tâm do tôi gởi ra Thu Xà, liền gởi vào Nha Trang một bài thơ nhan là "Gởi Chị Liên Tâm, nhờ Quách Tấn trao lại", rằng:
Vẳng tai tiếng hát bổng kia sông,
Thơ đẹp em đương ướp cạnh lòng.
Thưa chị, đêm nay dường nhớ quá,
Đưa thư hồng nhạn biết mang không?
Một nhành mai trắng long lanh ngọc,
Đôi cụm sao vàng lã chã bông.
Muốn giáp mặt nhau trong giấc mọng,
Khuya lơ còn tựa ở bên song.
Ông bạn vong niên ở Nha Trang là Thuần Phu Trần Khắc Thành có tặng đùa chúng tôi một bài Từ Khúc, rằng:
Long Trì liên!
Long Trì liên!
Dệt gấm đã vương tơ Chức Nữ
Vẽ mày còn mượn bút Trường Xuyên!
Lòng tài tử
Ý thuyền quyên,
Vì đồng bịnh
Hoá tương liên.
Đa tình gần với Phật
Không tục ấy là tiên.
Nỗi niềm ai biết không ai biết,
Mây nước Cù giang, Phạm Lãi thuyền.

Hai bài thơ và bài từ, văn chương tao nhã, tình ý nồng hậu. Không cần có văn thơ để lại, Liên Tâm được ba bài tặng đó cũng đủ khỏi lo tên tuổi mục theo cỏ cây. Huống hồ thơ của Liên Tâm tuy không được phổ cập trong đại chúng, nhưng đã dược trong hàng thức giả hoan nghênh. Riêng tiếc thi phẩm của Liên Tâm tôi có không được nhiều lắm. Những bài tôi hiện có là những bài làm vào khoảng 1939, 1940. Những văn thơ trước kia, Liên Tâm đều huỷ bỏ, và từ 1941 trở về sau Liên Tâm có còn theo đuổi văn chương hay không, tôi không được rõ.
Vì:
Thu 1939, Liên Tâm phải ra Hà Nội. Vào khoảng cuối 1940, trở về Nha Trang, cùng tôi lựa chọn và sửa chữa những văn thơ Liên Tâm làm từ khi gặp gỡ. Chúng tôi chọn được 20 bài vừa Đường luật vừa lục bát, hợp thành một tập, đặt tên là Sợi Tơ Lòng. Liên Tâm tự tay chép một tập, tôi chép một tập. Tập tôi chép Liên Tâm giữ, tập Liên Tâm chép tôi giữ.
Rồi một đêm mưa lạnh, Liêm Tâm tìm tôi, buồn bã nói: "Về Nha Trang đã hơn nửa tháng rồi, em không thể ở thêm được nữa".
Đoạn đưa tặng tôi một chiếc hộp nhỏ đựng một đoá hoa đào ép khô mang từ Hà Nội về, và bài thơ Gởi Đời Hoa (đã trích dẫn ở trước): "Xa anh chuyến này sẽ không bao giờ gặp lại".
Tôi sửng sốt, Liên Tâm nói:
Chúng ta đã có với nhau "một đứa con tinh thần" - Sợi Tơ Lòng yêu dấu – thì xa nhau không còn ngại gì quên nhau.
Tôi nghẹn ngào, LiênTâm tiếp: "Chỉ còn có đêm nay. Ngoài chuyện văn chương không nên hỏi gì, không nên nói gì: Tất cả đều vô ích".
Rồi cùng tôi ngâm thơ và nói chuyện thơ.
Sáng ngày bình tĩnh lên xe. Từ ấy bặt tin tức!
Mây chiều cây xuân, buồn thương khôn nén, tôi đề vào Sợi Tơ Lòng một tuyệt rằng:
Một mối chung tình vương chín khúc,
Đôi lời tri kỷ luỵ ba sinh!
Canh khuya chuyện cũ ngồi ôn lại:
Giọt lệ thương ai trở khóc mình!
Kế chiến tranh bùng nổ. Những sách vở của tôi để ở Nha Trang đều bị tiêu huỷ. Sợi Tơ Lòng cũng cùng số kiếp không may.
Nhưng cũng may xưa anh có sao một bản và vừa rồi lục chép gởi vào cho. Tôi vui mừng không xiết kể!
Đêm hôm nay, người nhà đi chùa lễ Phật. Một mình ngồi buồn đem Sợi Tơ Lòng ra đọc lại, bồi hồi ảo não: Chốc đã hai mươi năm trời!
Tôi bèn xấp thơ lại để lòng trôi ngược thời gian. Những cảnh ngày xưa đều hiện lần lần trong ký ức, nét đậm nét lợt, lợt ít đậm nhiều..
Đêm vẫn chưa khuya, người vẫn còn vắng. Tôi bèn tỉnh trí, tỉnh lòng, lược thảo mấy hàng nầy làm kỷ niệm. Người xưa đâu tá? Trong nước non? Ngoài khói ráng? Sợi Tơ Lòng có còn vương?
Và nghĩ: chiến tranh tàn phá, nếu không có người yêu quí văn chương như anh, thì Sợi Tơ Lòng dễ gì nối lại được nguyên như cũ. Vậy nên vội chép lại mấy lời truy ức, gởi ra tặng anh, để tạm gọi là đền công ơn vậy./.