Những bức thư thơ 33.Bích Ngọc - 34.Đêm Thu nghe quạ kêu



33. BÍCH NGỌC

Nha Trang tiết Lập Thu năm Mậu Tuất (1958)

Kính gởi chị Maria Mộng Hoa và hoạ sỹ Hương Bình,

Chị thích nghe chuyện lý thú trong làng thơ?
Chuyện Bích Ngọc thách hoạ thơ cũng là một câu chuyện lý thú. Tôi xin kể chị nghe:
Câu chuyện xảy ra đã gần 25 năm.
Nguyên năm 1933, anh em Đà Lạt tổ chức một cuộc ca kịch để lấy tiền ủng hộ đồng bào bị lụt ở Nghệ Tĩnh. Trong vở tuồng có một nhân vật tên Bích Ngọc. Một phụ nữ Đà Thành đóng vai Bích Ngọc rất được hoan nghênh, nên sau cuộc hát giúp anh em thường gọi là cô Bích Ngọc. Gọi là cô vì cô chưa có lứa đôi mặc dù đã "quả mai ba bảy".
Cách ít lâu trên báo Tiên Long ở Huế và báo Công Luận ở Sài Gòn, đăng một bài thơ thách hoạ, dưới ký tên Bích Ngọc.
Thơ rằng:
Gương sáng hoa thơm mảnh má đào,
Giữ gìn giá ngọc quyết treo cao.
Quả mai ba bảy đương vừa lứa,
Bến nước mười hai vẫn cắm sào.
Gác nguyệt tô dồi duyên thục nữ
Bình chim chờ đợi mắt anh hào.
Nhắn nhe chú Mán anh Mường biết:
Thấy quế rừng xanh chớ ước ao.

Dưới thơ có chú rằng "nếu ai hoạ hay sẽ ưng làm chồng, không điều kiện".
Thơ hoạ đăng trên các báo rất nhiều, nhất là trên 2 tờ Tiên Long và Công Luận. Vì bài xướng có ý xấc xược nên hầu hết các bài hoạ đều chưa lời đả kích. Tôi chỉ còn nhớ được đôi câu như:
Vườn xuân ong bướm khôn ngăn lối,
Bể dục phong ba khó vững sào.
của một nhà thơ hữu vị vô danh ở Đà Lạt và câu:
Năm hồ nhẹ tếch thuyền Tây Tử
Vùng vẫy mà chi vũng nước ao.
của một ông lão hữu danh vô vị ở Nha Trang
Lúc bấy giờ tôi ở Đà Lạt, Hàn Mặc Tử ở Qui Nhơn viết thư lên hỏi thăm lai lịch Bích Ngọc, rồi gởi đăng ở Công Luận một bài thơ công kích rằng:
Bích Ngọc nào đây muốn lậy chồng?
Con nuôi bà Tú phải hay không?
Trăng non khi đã nhiều lên xuống,
Bến nước bây giờ lắm đục trong.
Bảy chữ tám nghề e thạo ngón?
Năm chờ mười đợi tiếc cho công.
Thôi thôi chớ ước gieo cầu nữa:
Sẵn Tú-Xơn kia kết giải đồng.
Bài thơ xuất hiện làm khoái chí nhiều người, và nhiều người tưởng rằng bị một đòn đau Bích Ngọc không dám "hó hé" nữa. Nhưng chỉ vài số sau, Công Luận đăng bài hoạ của Bích Ngọc. Hoạ rằng:
Thục nữ nào e nỗi ế chồng,
Dèm pha mặc kẻ, ngó như không.
Sen phơi nắng hạ hương càng thắm
Bùn lóng hồ thu nước vẫn trong.
Dòng Ngự gieo thơ chưa gặp khách,
Cầu Lam đợi ngọc quản chi công.
Miệng lằn lưỡi mối đừng khua nữa,
Ta há như ai, vững tựa đồng.
Hàn Mặc Tử viết thư lên xin hoà giải để cho "làng thơ bớt sóng gió". Nhưng sóng gió đã chẳng bớt mà vì trận "thuỷ chiến" vừa qua lại càng thêm dữ dội hơn trước. Các bạn làm thơ bỏ vận "đào" hoạ vận "chồng", gởi đến các báo đăng thật không kịp. Có nhiều bạn lại gởi ngay cho tôi nhờ đưa "tận tay Bích Ngọc"
Cuộc xướng hoạ kéo dài hằng năm. Nhưng Bích Ngọc không lựa được ai làm chồng nên vẫn một mình đi trưa về sớm.
Năm 1935 tôi đổi xuống Nha Trang, kết bạn thân cùng một nhà nho là Thuần Phu tiên sinh.
Thuần Phu tuổi gần sáu mươi, nhưng sức còn khoẻ, tánh vui và đa tình. Tiên sinh thường ngâm câu:
Bần nhi mãi tiếu do thân luỵ
Lão trượng đa tình hoặc thọ trung.
Một hôm đương ngồi thưởng trăng, một người mù đi ngang rao "bóp lưng". Tiên sinh cười ha hả ngâm rằng:
Có gái tra cũng có gái xuân
Bóp đâu chẳng bóp bóp ngang lưng.
Ai nấy đều cười rộ. Nhân đó tôi mới đem câu chuyện Bích Ngọc thách hoạ thơ ra nói và yêu cầu Thuần Phu hoạ để "chiếm bảng ngọc". Tiên sinh ước được thấy mặt. Nhân có phiến ảnh của một người bạn gái, chữ ký từa tựa chữ "Bích Ngọc", tôi đưa cho tiên sinh xem. Tiên sinh rất lấy làm thích và hỏi tôi: "Sao ông không hoạ" Tôi đáp rằng vì quen với nhà tôi nên phải kiêng. Tiên sinh thích chí cười to, rồi nghĩ họa một lượt bốn bài. Có hai câu xuất sắc, rằng:
Mai sưa trái chín tình thêm thiết,
Dương nảy chồi xuân hứng mới hào.
Thật rõ là ông già ve gái lỡ thì.
Tôi lãnh thơ để gởi lên Đà Lạt. Ít hôm sau tiên sinh được thư của Bích Ngọc do nhà bưu chính đưa đến. Bích Ngọc khen 4 bài thơ hoạ và nói xa xa đến việc trăm năm. Thuần Phu sướng quá, liền đến mách với tôi. Tôi rất sướng. Tiên sinh sướng phần tiên sinh, tôi sướng phần tôi, mỗi người sướng một cách, mỗi người sướng mỗi cớ, nhưng người nào mặt cũng hân hoan, vỗ vế nhịp đùi, ngất nga ngất ngưởng.

Nhưng rồi tiên sinh lại đâm lo, vì nghĩ rằng mình già cô ấy trẻ, nếu có người nói vào nói ra thì chắc chi cô ta giữ lời hứa. Tiên sinh bèn bày ra một kế là gởi cho Bích Ngọc một bức thư nói rằng:
"Vì lòng quá tơ tưởng đến cô nên khi hôm nằm mộng thấy Tây Vương Mẫu, Ngài cho biết rằng cô và tôi đều là người trên thiên giới. Cô làm chức Quản Tửu, tôi làm chức Giám Trà, hầu hạ Thượng đế. Ngày nọ tôi đang quạt nước pha trà sớm mai thì thấy một con trâu vàng băng vào vườn Gia Hoà trước điện. Đó là sao Lâu Kim Ngưu mà tôi không biết. Tôi liền chạy ra đuổi  đánh. Khi trở vào thì nước bị trào cạn hết! Nước ấy vốn là ngọc lộ đọng trên lá sen hồ Giao Trì, mỗi đêm chỉ hứng được một bình nhỏ. Nước cạn không lấy gì pha trà, nên bị Thượng đế phạt đày xuống hạ giới. Cách một tháng sau cô cũng bị đày, vì vô ý để con Hư Nhật Thử là con chuột trong sao Hư, ăn vụng hết men huyền sương- một thứ men dùng hàng vạn hàng nghìn hộc sương thu lọc lấy tinh ba rồi cô lại - không lấy gì ủ rượu làm tiệc Bàn Đào. Vì bị đày kẻ trước người sau, trước sau tuy chỉ có một tháng, nhưng trên trời một  bữa dưới thế một năm, nên tác trông kẻ già người trẻ. Chứ nếu lấy tuổi trời mà suy thì mọt bên còn đương măng, một bên cũng mới vừa nên trúc. Tây Vương Mẫu lại dạy rằng chúng ta tuy bị đày nhưng Thượng Đề vẫn nhớ đến công lao nên đã định mãn hạn rồi cho về thiên cung trở lại. Tôi có hỏi thăm về duyên tơ tóc, ngài phán rằng vì muốn cho chúng ta sum họp nơi trần thế nên mới đày cả hai xuống nước Việt Nam. Cho nên chúng ta được gần gũi nhau tuy nhờ duyên thơ song vốn đã sẵn có tiền duyên và tiền định".
Tôi khen là một diệu kế. Nhân cao hứng tôi tóm tắt câu chuyện trong một bài ngũ ngôn khẩu đắc:
Ngày trước kiếp đôi ta
Cửa thượng đế vào ra
Cô làm bồi nấu rượu
Tôi làm bếp pha trà.
Nước cạn: lòng trâu quấy
Men hao: mỏ chuột tha.
Đày xuống người sau trước,
Xui nên tác trẻ già.
Thiên cảnh vui sum họp,
Trần duyên cũng mặn mà.
Chi để chia hai ngả
Trông mau họp một nhà.
Tu hành chung gắng sức,
Tội trước sớm nhiêu tha.
Tiên sinh rất ưng ý, nhờ tôi chép dùm thư và thơ gởi lên Đà Lạt cho Bích Ngọc. Tôi xin vâng. Ít lâu sau tiên sinh được thư trả lời của Bích Ngọc, cũng do nhà bưu chính đưa tới. Bích Ngọc nói rằng "chuyện đời tuy thực mà hư, còn giấc mộng kia ngó hư mà thực" Lại nói gần gần đến chuyện trăm năm.
Tiên sinh hơi bối rối "Lộng giả thành chơn"! và "tấn diệt nan hề thối diệt nan" là hai câu tiên sinh thường ngâm sau khi đọc thư Bích Ngọc. Tôi bỡn tiên sinh bốn câu rằng:
Già kén lỡ làng duyên Bích Ngọc,
Xe tơ bối rối dạ Thuần Phu.
Nặng tình dương cỗi sanh cành bích
An phận bìm non dựa bóng cù?
Vì "tấn thối lưỡng nan" nên gặp ai quen biết, tiên sinh cũng đem chuyện Bích Ngọc ra nói và nhờ giải quyết. Người thì lên mặt đạo đức rầy tiên sinh "sao đắm lòng vào bể ái". Người thì diễu cợt tiên sinh:
Tuổi hạc đã toan tìm đất xuống
Máu dê lại muốn trổ trời lên.
Có người lại bảo
Bích Ngọc là Quách Tấn đấy. Không nên tin.
Ai nói gì mặc ai, tiên sinh vẫn giữ "vững lập trường"
Nghe tin tiên sinh đã "đâm ghiền Bích Ngọc", Hàn Mặc Tử và Quách Kiến Đạo viết thư yêu cầu tôi phải lo tìm "thuốc cai" kẻo để lâu ngày thành "bất trị". Tôi không lấy làm lo vì biết tình tiên sinh:
Khuây sầu vạn cổ ba chung rượu
Xoá chuyện năm châu một ván cờ.
Tuy thế tôi vẫn không dám để tiên sinh "bước thêm một bước nữa", cho nên mỗi khi tiên sinh nói đến B.N thì tôi "đánh trống lãng".
Được ít lâu có người trên Đa Lạt xuống tin cho tiên sinh biết Bích Ngọc bị cha mẹ ép gả cho một công chức cao cấp rồi. Tiên sinh hết sức buồn! Nhưng "sầu vạn cổ" và "chuyện năm châu" mà chỉ vài chén rượu và một cuộc cờ cũng khuây khoả xí xoá được, huống hồ "chuyện mê gái" "sầu mất tình nhân chưa quen biết". Cho nên chỉ trong vài tuần nhật, tiên sinh cùng tôi trong những lúc nhàn hạ, vẫn xúng xính xùng xình, hỉ hỉ hả hả. Và một năm trôi qua.

Tôi đã tưởng câu chuyện Bích Ngọc đến đó là chấm dứt. Nhưng một buổi trưa tôi đi làm việc về vừa tới ngõ, thì tiên sinh bước ra hớn hở nói:
"Bích Ngọc! Bích Ngọc!"
Tôi ngạc nhiên. Tiên sinh lấy tay chỉ vào nhà. Tôi vào thấy nhà tôi đang tiếp chuyện một cô bạn. Nhà tôi ngó tiên sinh và ngó tôi mà cười. Tôi thở phào một cái mạnh:
"À Bích Ngọc!"
Rồi lẩm bẩm ngâm:
"Con quạ ăn dưa bắt con cò trơi nắng. Em nằm em nghĩ cái sự đời: con cò trắng con quạ đen".
Tiên sinh hỏi:
"Ông ngâm gì thế? Sao lại có cò có quạ?"
Tôi cười không đáp và giới thiệu tiên sinh cùng cô bạn. Đoạn chúng tôi mời tiên sinh ở lại dùng cơm. Trong bửa cơm tiên sinh đem những chuyện "về lòng" ra nói. Cô bạn ngồi nghe không hiểu gì cả. Tưởng tiên sinh nói với tôi vì thấy tôi khi gật đầu khi cười nụ, nên không đáp và không hỏi chi thêm. Thấy cô bạn đối với mình một cách hững hờ, tiên sinh rất lấy làm bất bình, uống nước xong xin cáo về, cầm mấy cũng không ở.
Nhưng cô bạn từ biệt Nha Trang được vài hôm, thì tiên sinh lại đến tìm tôi, vẻ đầy hoan lạc. Tiên sinh nói:
Lâu nay cứ ngỡ là Bích Ngọc bạc tình. Té ra không phải. Đoạn trao cho tôi một bức thư do nhà bưu chính đưa đến. Bức thư chỉ là một bài thơ bát cú, rằng:
Tình cờ hôm trước gặp tiên sinh
Cặn kẽ toan đem tỏ nỗi mình.
Gần gũi lại e câu bất chính,
Thờ ơ cam chịu tiếng vô tình.
Đọc xong có xét cho thời chớ
Đen bạc dù chê vậy cũng đành.
Tâm sự canh chầy khôn chép cạn:
Dòm song chinh chích bóng trăng xanh.
Tôi nói:
Tình quá nhỉ?
Tiên sinh hồn nhiên đáp:
"Thật là chí tình! Tình nhất là câu kết: ngôn tận tình bất tận!"
Từ ấy lòng tiên sinh thêm vui và bên mình một chút hương tình luôn luôn phảng phất, như không như có, không đậm nhưng không bao giờ phai.
Có người cười tiên sinh khéo "cỡi mộng vào Thiên Thai" và trách tôi "khuấy hồ bằng nước lã" Chúng tôi chỉ cười mà không đáp, vì mộng hay thức, nước hay hồ, chi cũng là một cuộc chơi cả.
Nay tiên sinh đã qua đời rồi mà câu chuyện tiên sinh cùng Bích Ngọc, khách làng thơ vẫn còn nhắc nhở đến, thì chơi kia là lãi đấy, người không chơi sao lại trở cười trách người đã chơi và biết chơi.

Nhưng để cho rõ thêm chắc chị không khỏi hỏi:
Vậy Bích Ngọc ký dưới những bài thơ kia có phải là Bích Ngọc diễn kịch lấy tiền giúp đồng bào Nghệ Tĩnh? Và cô bạn mà Thuần Phu tiên sinh gặp đó có phải người rong tấm ảnh tiên sinh đã được xem?
Thưa chị, quạ đen cò trắng mà nhiều khi người đời còn lầm lẫn nhau, huống chi người đẹp với người đẹp, có lẫn người nầy với người kia cũng không can chi, miễn đừng bắt đem "trơi nắng" là được. Còn tác giả những bài thơ ký tên Bích Ngọc thì nếu không phải Bích Ngọc thì là ai? Chẳng lẽ là…là…
Xin chào chị./.






34. Đêm Thu nghe Quạ Kêu

Nha Trang tiết Lập Thu năm Quí Mão (4/8/63)

Anh Bàng Bá Lân,
Được thư anh hỏi về trường hợp tôi sáng tác bài "Đêm Thu Nghe Quạ Kêu", tôi xin phúc anh rõ:
Nguồn cảm xúc bài thơ ấy nằm trong người tôi ngót 12 năm trời.
Nguyên một buổi chiều cuối thu năm Đinh Mão (1927), tôi ở Trường Định xuống An Thái hốt thuốc cho bà thân tôi. Lúc trở về thì trời đã tối. Theo con đường gần và dễ đi nhất, tôi sang bến đò An Thái sang An Vinh, rồi theo con đường ven bờ sông Côn đi thẳng lên (1)
Đêm hôm ấy có trăng, nhưng không được sáng, vì trời nhiều sương. Tôi vừa đi vừa nghỉ vơ vẩn. Chợt đến một khúc đường tre che khuất cả bóng trăng, và mo nang rụng đầy mặt đất. Tôi dậm phải những mo khô mới rụng, tiếng kêu sột sột làm bầy quạ đang ngủ trên cây, giựt mình chớp cánh kêu vang dậy. Tiếng kêu thình lình giữa đêm vắng, nghe vừa rùng rợn vừa lạnh lùng. Cả mình tôi rởn ốc!
Từ ấy tiếng quạ ám ánh tôi luôn.
Cách ba tháng sau bà thân tôi mất. Tiếng quạ vẫn cứ theo tôi, nhưng giọng rùng rợn lạnh lùng đổi thành giọng não nùng hiu hắt. Qua một thời gian khá lâu, tiếng nghe thưa dần và nhạt dần, rồi lịm mất.
Mùa hạ năm Kỷ Mão (1939), một đêm trăng tôi ngồi hóng mát cùng nhà tôi và anh Nguyễn Đình, trên bờ Đầm Nha Trang ở trước mặt nhà. Lúc ấy đã khuya. Nghe tiếng phở rao, nhà tôi gọi. Không thấy trả lời, anh Nguyễn Đình gọi tiếp. Tiếng gọi bị núi Sinh Trung bên kia Đầm dội lại, ngân dài trong đêm khuya. Tiếng quạ năm xưa ở trong tâm hồn tôi vụt thức dậy rộn ràng. Rộn ràng nhưng dịu dàng chớ không rùng rợn, cũng không não nùng như ngày trước.

(1) An Thái thuộc quận An Nhơn, ở Nam ngạn sông Côn. An Vinh thuộc quận Bình Khê (nay là Tây Sơn) ở Bắc ngạn sông Côn. Làng tôi cũng thuộc Bình Khê, cách An Vinh chừng 7 cây số ở phía Tây.
Trở vào nhà, suốt đêm tôi không ngủ được. Tiếng quạ vang vọng bên tai và gợi lên không biết bao nhiêu là ký ức. Phần thì nhớ mẹ già xưa, phần thì thương cảnh làng cũ, bồi hồi ảo não, tôi nằm im lìm để cho nước mắt tuôn. Niềm nhớ thương vơi dần theo nước mắt và lòng tôi êm dịu lần lần.
Toan ngồi dậy ghi lại mối cảm xúc, song thắp đèn sợ quấy rầy giấc ngủ của vợ con, tôi đành nằm yên đợi sáng.
Sáng hôm sau nhằm ngày Chúa nhật, được nghỉ, tôi toan lấy giấy bút để làm thơ thì khách đến! Thế là mất hết buổi sáng. Chiều đến đóng kín cửa phòng, một mình ngồi lập ý.
Vừa nghỉ đến từ quạ thì liên tưởng ngay đến màu đen, đến từ ô. Từ ô làm nhớ đến bài Ô Y Hạng của Lưu Vũ Tích.
Chu tước kiều biên dã thảo hoa
Ô Y hàng khẩu tịch dương tà
Cựu thời Vương Tạ đình tiền yến
Phi nhập tầm thường bách tánh gia.
Những cảnh trong hiện mơ màng ra trước mắt.
Tôi để bút xuống bàn, ngồi nhắm mắt lại cho lòng vui theo cảnh… Bầy yến dễ thương bỗng bay tản mác rồi nhập lại nơi một lùm tre cao…
Tre che khuất bóng bầy chim én, nhưng lại đưa ra mấy tiếng quạ rộn ràng. Liền đó như một cuốn phim, những cảnh bến đò An Thái biến thành bến Phong Kiều của Trương Kế với quang cảnh:
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hoả đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn San Tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.
Và con sông Côn biến thành giòng Xích Bích, với con thyền của Tô Đông Pha trôi chầm chậm dưới bóng trăng thu. Tôi tưởng tôi là họ Tô dang ngồi vuốt chòm râu rậm bay phất phơ trước gió và gõ mạn thuyền ngâm bài phú Xích Bích có nhắc đến họ Tào. Tôi lại trông thấy rõ dáng đắc ý của Tào Mạnh Đức đứng trên đoàn thuyền kết dài trên mặt sông, quay ngang ngọn giáo ngâm bài:
Nguyệt minh tinh hi
Ô thước Nam phi
Nhiễu thọ tam táp
Vô chi khả y!
Rồi hết điển này đến điển khác nối nhau đưa tôi vào sâu trong cõi mộng. Tôi ngồi ngủ say cho đến lúc người nhà lay dậy ăn cơm tối!
Cơm xong tôi ngồi lại bàn giấy làm việc. Tôi nhất định ghi tất cả những gì đã đến cùng tôi. Nhưng không thể được, vì tôi không thích lối thơ trường thiên. Tôi bèn chọn lọc những nét rung cảm đậm nhất nên thơ nhất dồn vào trong 8 câu:
Từ Ô y hạng rủ rê sang
Bóng lẫn đêm thâu tiếng rộn ràng
Trời bến Phong Kiều sương thấp thoáng
Thu sông Xích Bích nguyệt mơ màng
Bồn chồn thương kẻ nương sông bạc
Thắc thỏm chăng ai quả ấn vàng?
Tiếng dội lưng mây đồng vọng mãi
Tình lan man gợi tứ lan man.
Tôi rất lấy làm thích, và lấy đầu đề "Đêm nghe quạ kêu".
Năm 1941, nhân các bạn ở toà soạn tạp chí Bạn Đường mới xuất bản, gởi thư xin bài, tôi gởi đăng bài ấy.
Cách đó ít lâu xem xét lại các thơ đã làm để in vào tập Mùa Cổ Điển, tôi nhận thấy bài "Nghe Quạ Kêu" câu luận chưa sướng.
Câu trạng do những cảnh cũ gợi điển
Câu luận bị thời cuộc lúc bấy giờ ảnh hưởng:
Lúc bấy giờ quân Nhật đóng ở Việt Nam, nhiều người đi lính để lập công danh, nhiều bà vợ bị chiếc bóng. Do đó mà mượn đến sông Ngân, mượn đến tích Trương Hạo lượm được một viên đá tròn do con sơn thước hoá ra, đem đập vỡ thì thấy một quả ấn vàng có mấy chữ "trung hiếu hầu ấn" sau làm tướng được phong đến tước hầu.
Chưa lấy làm sướng, nhưng sửa mãi chưa được.
Một đêm ngồi tựa lan can, trầm ngâm ngẫm nghĩ. Ngoài trời trăng sáng vằng vặc. Những cánh cửa sổ mở hé được ánh trăng chói vào trông như xuy bạc, và thềm giếng mới rửa loang loáng sắc hoàng kim. Trí tôi và mắt tôi dồn vào sắc vàng sắc trắng của cảnh vật và của câu thơ. Chợt một vật gì rơi vào lòng giếng tạo thành một tiếng "chũm" lạnh lùng. Tôi cảm xúc sửa ngay được câu thơ:
Bồn chồn thương kẻ nương song bạc
Lạnh lẽo sầu au rụng giếng vàng
Sửa được câu này tôi khoái hơn khi làm xong 8 câu trước. Nhưng ngâm đi ngâm lại, lại thấy câu kết chưa nói được nỗi lòng. Một lần nữa tôi phải sửa lại:
Tiếng dội lưng mây đồng vọng mãi
Tình hoang mang gợi tứ hoang mang.
Như thế là ổn. Thích chí ngâm vang cả trời khuya.
Chế Lan Viên cũng cho câu sửa hơn hẳn nguyên tác, nhưng còn chê đề bài không được nên thơ mới thêm vào từ "thu" thành Đêm Thu Nghe Quạ Kêu.

Đó là tiểu sử bài "Đêm Thu nghe Quạ Kêu", một bài thơ thai nghén một giáp tròn, thành hình trong nửa đêm, rồi đến hơn hai năm sau mới được sửa chữa lại. Và lúc nhuận sắc cũng như lúc sáng tác tôi hưởng được nhiều hứng thú.
Vì thế mà lâu nay tôi thích bài ấy hơn các bài khác. Hôm nay tôi lại hưởng thêm một thích thú nữa là vừa tìm thấy một sự ngẫu nhiên lạ lùng:
-  Bị tiếng quạ xúc động năm Đinh Mão
-  Làm bài Đêm Thu Nghe Quạ Kêu năm Kỷ Mão
-  Viết lại sự tích bài thơ năm Quí Mão
Trước anh đã có Bích Khê hỏi về trường hợp sáng tác. Tôi kể cho Bích Khê nghe, Bích Khê bảo tôi viết lại, nhưng từ bấy đến nay tính đã trên 20 năm rồi, tôi cứ định viết mãi, mà mãi vẫn không muốn viết. Nay nếu không có anh hỏi nữa, mà bức thư anh không đến nhằm ngày Chúa nhật, là hôm nay, thì e còn lâu lắm tôi mới viết.
Âu cũng là thiện duyên.
Kính chào anh và cầu chúc anh an lạc./.