Những bức thư thơ 35.Sự thật trong thơ - 36,Chuông khuya


35. SỰ THẬT TRONG THƠ

Nha Trang tiết Lập Đông năm Giáp Thìn (11/64)

Anh Vương Kỳ Sơn,
Hôm trước ông khách nói: Các nhà thơ chỉ sống trong mơ trong mộng, cho nên những gì họ nói ra trong thơ đều không thực hoặc xa thực tế. Thấy tôi làm thinh chắc anh cho rằng tôi mặc nhiên công nhận ý kiến của ông khách.
Không phải thế.

Tôi nghĩ rằng: Một người suốt đời chỉ quanh quẩn nơi ao hồ, sông suối... chưa hề biết biển là cái gì; nếu người ấy bảo "nước ở đâu cũng ngọt" mà mình cãi rằng "nước biển mặn" thì nhất định bị gán ngay cho hai chữ "nguỵ biện" hoặc "loạn ngôn".
Cho nên nhiều khi "làm thinh" không phải là mặc nhiên công nhận.

Cổ nhân dạy rằng: Gặp người không đáng nói mà nói thì mất lời. Gặp người đáng nói mà không nói thì mất người.
Vì theo lời dạy của cổ nhân, hôm trước tôi không nói với ông khách, mà hôm nay phải nói với anh.
Các nhà thơ bị mang tiếng "chỉ sống trong mơ trong mộng", là vì họ sống với nội tâm nhiều hơn với ngoại cảnh. Và nhìn vào ngoại cảnh, họ nhìn bằng lòng hơn bằng mắt, lại chỉ thu nhận những gì đặc biệt, những gì ẩn khuất, những gì tế nhị... mà thôi.
Như nhìn vào cảnh mùa thu, Chế Lan Viên thấy:
- Mới độ nào đây hoa rạn vỡ
Nắng hồng choàng ấp dãy bàng cao.
- Cũng mới độ nào trong gió lộng
Nến lau bừng sáng, núi lau xanh.
Và Xuân Diệu lại thấy:
- Những luồng run rẩy rung rinh lá..
Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh.
- Hư vô khói toả trên đầu hạnh
Cành biếc run run chân ý nhi.
Đứng trước mùa thu, Lưu Trọng Lư chẳng những thấy những hình ảnh ẩn náu trong chiều sâu của cảnh vật, mà còn nghe cả những tiếng mà không mấy người để ý nghe:
Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ?

Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô!
Mùa thu là một mùa nên thơ nhất trong 4 mùa, và ai lại không quen với mùa thu. Thế mà mấy ai đã nhìn thấy những hình ảnh, nghe thấy những thanh âm như trên?
Cũng như mùa thu, mặt trăng rất quen thân với nhân thế. Nhưng chỉ riêng Hàn Mặc Tử mới nhìn thấy:
Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu
Đợi gió xuân về để lả lơi.
Và:
Bỗng hôm nay trước cửa bóng trăng quì
Sấp mặt xuống uốn mình theo dáng liễu.
Phải có những nhận xét tinh vi của một tâm hồn tế nhị và một đời sống bên trong dồi dào, mới có thể cảm xúc và phác hoạ những nét độc đáo thế ấy.

Những nhà thơ có một nội tâm phong phú, nhìn vào đâu cũng nhận thấy được những điểm khác thường. Như nhìn vào bức tranh loã thể, thi sĩ Bích Khê đã thấy:
Nàng là tuyết: Thịt da nàng tuyết điểm;
Nàng là hương: Nhan sắc mộng lên hương;
Mắt ngời châu rung ánh sóng nghê thường,
Lệ tích lại sắp tuôn hàng đũa ngọc.
Đêm u huyền ngủ mơ trên mái tóc,
Vài chút trăng say đọng ở lằn môi.
Ôi! Rung rinh hai núm vú cong đồi!
Tôi muốn nút một dòng sâm ngọt lộng.
Vân vân…
Đọc những câu trích dẫn trên đây, phần đông đều cho là "không thực" hoặc "xa sự thực".
Có biết biển mới biết nước biển là mặn.
Muốn biết những gì kia có thực, có xa sự thực hay không, thì cần phải chứng nghiệm, nghĩa là phải tạo cho mình một đời sống nội tâm, phải luôn hoà mình với cảnh vật.
Anh vốn thích Thơ và thường công nhận rằng: "Dưới con mắt nhà Thơ, tất cả những gì ẩn nấp trong thâm tâm vạn vật đều hiển hiện lên cả". Đó là lấy lý trí mà công nhận, chớ chưa thể chứng.
Nghe nói nước biển mặn, anh tin lời nói ấy đúng sự thật. Nhưng nếu anh muốn rõ nước biển mặn như thế nào thì anh nên nếm thử.
Nghĩa là: Nếu anh muốn nếm chân vị của Thơ, muốn cùng tác giả các bài thơ, các câu thơ anh thích, rung cảm một cách chân thành, thì anh nên thể nhập vào thơ, tức là cố tạo cho mình một đời sống bên trong vững chắc.
Chừng ấy anh sẽ thấy những gì các nhà thơ - các nhà thơ chân chính, lẽ tất nhiên - nói ra trong thơ họ đều đúng sự Thực. Và những Cái mà người đời cho là Mộng là Mơ, nó chỉ mộng, mơ đối với những người chỉ sống hời hợt với ngoại cảnh mà thôi..
Cũng như khi chưa thể hội được cái Đẹp thường trú của Bản Thể nhiệm màu, thì chúng ta chỉ thấy xuân trong mùa hoa nở. Nhưng khi đã giác ngộ rồi, lúc nào cũng thấy xuân, nơi nào cũng gặp xuân. Cho nên ngài Giác Hoàng Điều Ngự đời Trần có bài thơ rằng:
Niên thiếu hà tằng hiểu sắc không
Nhất xuân tâm sự bách hoa trung.
Như kim khám phá Đông hoàng diện,
Thiền bản bồ đoàn khán truỵ hồng
Nghĩa là:
Tuổi trẻ mơ hồ lẽ sắc không,
Vui xuân lòng gởi khoảng trăm bông
Chúa Đông rày đã tầng quen mặt
Thong thả ngồi xem nhánh rụng hồng.
Đối với hững người còn mê đắm danh lợi thì làm sao tin được rằng "xuân tồn tại cả trong lúc hoa đã rụng hết" nghĩa là: "xuân có cả trong những mùa không gọi là xuân". Đọc bài này nhất định họ cho là lời nói huyễn hoặc.

Các nhà thơ tuy chưa toàn giác, nhưng nhờ sức sống mạnh mẽ của nội tâm, đã giao cảm thường xuyên cùng vạn vật, nên nhận thấy được phần nào những bí ẩn, những tinh tế của Vũ trụ, và đem vào thơ những gì họ đã nhận thấy thật sự. Vì không nhận thấy được những cái nhà thơ nhận thấy, người đời cho là "mơ mộng", cũng như những người chưa giác ngộ cho lời nói "xuân có trong những mùa không gọi là xuân" là huyễn hoặc vậy.
Tôi xin quả quyết cùng anh rằng không ai thành thật bằng các nhà Thơ.
Anh sẽ tin lời nói của tôi khi anh thật sự trỡ về với nội tâm.
Xin chào anh, và mong anh đừng cho lời nói của tôi là phù phiếm mà không lưu ý./.




36. CHUÔNG KHUYA
Nha Trang tiết Tiểu Tuyết năm Giáp Thìn.

Thân gởi anh Trần Thúc Lâm

Bài Tiếng Chuông Khuya tôi làm đã lâu. Nguyên là:
Từng giọt châu rơi mắt mẹ hiền
Mừng con lưu lạc trở đoàn viên
Lòng thơ trải hứng bao âu yếm
Mộng quyến phiền ba tỉnh hảo huyền
Đây là mấy nét ghi vội mối cảm xúc lúc nghe chuông.
Khi san nhuận tập Đọng Bóng Chiều, bài này bị loại ví câu tam tứ tôi không ưng mà sửa mãi không được.
Hôm trước sau khi anh cho ý kiến về Động Bóng Chiều tôi quyết định rút  bài Bóng Người Thơ ra và thay Tiếng Chuông Khuya vào, sau khi sửa được câu tam tứ.
Chắc anh cười: Nếu không muốn để thì bỏ quách cho xong, thay thế làm gì cho nhọc công sửa chữa?
Xin thưa:
Số bài trong Đọng Bóng Chiều vốn không lòng định trước. Nhưng khi chọn lựa xong tôi đếm được 108 bài. Bác Vân Sơn Trần Quang Dục trông thấy vỗ vế cười lớn.
Hay quá! Một xâu chuỗi Bồ Đề! Thật là điềm tốt ứng theo lời nguyện của bác trong bài cúng dường ngày Phật Đản năm nọ:
Phước duyên được thấy hoa Đàm nở
Lòng Đạo nguyền dâng trọn ý Thơ.
Lòng tôi vô cùng hoan hỉ!
Và cho đó là một mối tiện duyên.
Vì vậy số bài trong tập thơ không đành di dịch. Muốn rút Bóng Người Thơ ra thì phải có bài khác thay thế mới được.
Trong các bài thơ cũ ở ngoài tập, tôi xét thấy bài Tiếng Chuông Khuya trội hơn hết.
Thêm nữa, trong thời gian này bị phong trào đấu tranh lôi cuốn, tâm hồn tôi không được yên vui. Và nhận thấy không có khả năng lo việc lớn, không có ích cho công việc chung mà còn làm mất bản sắc riêng của mình mà từ lâu đã dày công tu dưỡng. Nên bèn trở lại với văn chương. Gần một tháng nay, lần lần tôi lấy lại được bình tĩnh. Và bài Tiếng Chuông Khuya thường lai vãng trong hồn tôi. Nhưng câu tam tứ vẫn không làm cho tôi thoả mãn.
Vì vậy dù phải nhọc công đến đâu cũng phải gắng sửa chữa cho kỳ được.
Để khỏi làm mất chất thơ của nguyên tác, tôi lắng lòng sống lại niềm rung cảm trong những phút nghe chuông. Rồi lo đúc chữ rèn câu. Nhưng nhọc sức đã bao phen, tôi vẫn không diễn đạt nổi mối cảm xúc! Tôi đành bỏ đó... Bỗng tình cờ tôi tỉnh ngộ:
Té ra thất bại chỉ vì dùng mãi lối trực trần.
Tôi liền đổi phương pháp và xuống được câu:
Sông thu tan tạnh lòng sương khói
In bóng chùa xa trăng nửa hiên.
Xin thú thật rằng tôi rất lấy làm đắc ý: Lời thơ thanh lão và mặc dù hình hài và sắc thái câu thơ chưa đổi khác, niềm yên vui cùng ý hồi hướng vẫn giữ được y nguyên.
Nhưng vừa rồi đem ra ngâm lại, tôi nhận thấy câu: Sông thu tan tạnh lòng sương sóng
Hình ảnh chưa được dồi dào.
Liên tưởng đến bài Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế:
Nguyệt lạc ô đè sưong mãn thiên
Giang phong ngư hoả đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.
Mà có người phỏng dịch là:
Quạ kêu trăng lặn trời sương
Lửa chài cây bãi sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn.
Tôi liền hứng bút sửa ngay câu" Sông thu…" thành:
Neo thu bến tạnh thuyền sương sóng
In bóng chùa xa trăng nửa hiên.
Như thế câu thơ sửa đối với bài Phong Kiều Dạ Bạc có tình bà con xa. Và câu này so với câu trước, theo ý tôi, trội hẳn về ngoại diện cũng như về nội dung.
Ngâm lại toàn bài:
Từng giọt châu rơi mắt mẹ hiền
Mừng con lưu lạc trở đoàn viên
Neo thu bến tạnh thuyền sương sóng
In bóng chùa xa trăng nửa hiên.
Lòng tôi vô cùng thích thú. Thích nhất ở điểm: Tiếng chuông không nghe mà chỉ thấy vì đã tan theo dòng cảm xúc, đi từ giọt lệ từ bi đến bến sông thanh tịnh để đưa lòng hồi hướng về nơi xuất phát: chùa hé bóng trăng. Thành ra nguồn thơ từ ngoại cảnh vào nội tâm, rồi từ nội tâm trở ra ngoại cảnh, nhập cảnh vào tâm, hiện tâm thành cảnh. Trong trời Thơ biến hiện, Tâm Cảnh nhất như.
Anh có đồng ý?
Và vì tiếng chuông không nghe mà chỉ thấy, nên đề tài thơ bỏ từ Tiếng mà chỉ đề là Chuông Khuya.
Thế là tất cả đều ổn thoả. Và từ đây trong Đọng Bóng Chiều, Chuông Khuya sẽ thay thế Bóng Người Thơ đưa về bổn kiển: Một Tấm Lòng.
Việc sửa đối này gây cho tôi được nhiều hứng thú.
Đó cũng là nhờ có anh.
Nên có bức thư này để chia vui cùng anh và để anh giữ làm kỷ niệm.
Đời Thơ còn dài, ước sao duyên Thơ mỗi ngày mỗi thêm thắm đượm.
Xin chào anh./.