Những bức thư thơ 37.Vỏ sò khô ấp ủ - 38.Điển Ô Y Hạng


37. VỎ SÒ KHÔ ẤP Ủ


Nha Trang tiết Đại Tuyết năm Giáp Thìn (12/1964)

Kính gởi bác Vân Sơn,
Bài thơ Vỏ Sò Khô xin đổi đầu đề là Ấp Ủ:
Vỏ sò khô ấp ủ
Niềm băng tuyết đêm sương
Muôn xa bờ bến cũ
Vang vọng sóng trùng dương.
Mặc dù được bác khen là "có đạo vị" bài này vẫn không thể để vào hàng thơ "tải đạo". Bởi vì những người chủ trương "văn dĩ tải đạo" cũng như những người chủ trương "nghệ thuật vị nhân sinh", luôn luôn nhắm mục đích truyền bá giáo lý, phổ biến tư tưởng. Còn tôi sáng tác bài này không có dụng ý gì khác hơn là ghi lại niềm rung cảm của tâm hồn.
Nguyên tôi ở Nha Trang về Bình Định lánh nạn năm 1944. Đến năm 1947 thì tản cư đến Phú Ân, một thôn hẻo lánh, đất rộng người thưa thuộc quận Bình Khê. Tôi ở đó hơn một năm, bạn bằng chỉ có mấy bộ sách cũ!

Một hôm tôi dạo chơi bờ suối, tình cờ trông thấy một vỏ sò khô trắng nõn đầy ăm ắp sương mai. Ngạc nhiên tôi tự hỏi: - Sò chỉ ở biển mới có, cớ sao lại có vỏ nơi đây?
Rồi vui miệng ngâm:
Ai đem em bỏ lên nguồn,
Em xa biển cả có buồn chăng em?
Ngâm xong, đứng nhìn lòng vỏ sò long lanh dưới ánh nắng. Từ "biển" trong câu thơ, trở đi trở lại mãi trong tâm hồn. Rồi liên tưởng đến biển Nha Trang, lòng tôi sanh nhớ thương da diết. Tôi nhìn sững vỏ sò. Sương bỗng tràn ra, tràn ra mãi và cảnh vật trước mắt tôi vụt biến thành cửa biển mênh mông. Sóng xao dìu dịu gió thổi êm êm, mặt biển như một tấm thuỷ ngân tràn đầy ánh sáng, loang loáng rung rinh. Lòng tôi mở rộng và khoan khoái vô biên. Bỗng một luồn sóng bạc vỗ mạnh vào bờ. Tôi giật mình! Thì ra vừa chợp mộng!

Từ ấy những đêm thanh vắng, nằm thương nghe tiếng sóng vang nhè nhẹ bên tai.
Phú Ân vốn cách Qui Nhơn chừng vài ba chục cây số đường thẳng. Những lúc tạnh trời, người địa phương vẫn thường nghe sóng biển vọng.
Tiếng sóng tôi nghe đó, không biết là tiếng sóng biển Qui Nhơn hay tiếng sóng trong tiềm thức bị vỏ sò khô dấy động?
Nhưng rồi khói lửa xoá nhoà tất cả!

Năm 1954, tôi trở lại Nha Trang. Ngót mấy năm trời lòng mãi trôi theo cái mới, ít khi hồi tưởng những cái đã qua. Bỗng một hôm - tôi có ghi là đêm 17/3/1963 - nằm một mình, tôi ôn lại những gì đã xảy ra trong 10 năm chạy loạn. Những cảnh ngày xưa lần lượt hiện ra trước mắt như một cuốn phim xi nê… mà cảnh đứng ngắm vỏ sò khô đựng sương mai và biển mộng nơi bờ suối Phú Ân hiện lâu và rõ ràng hơn hết. Rồi cũng tiếng sóng làm tỉnh mộng và bên tai vẫn phảng phất dư âm.
Tiếng sóng biển Nha Trang hay tiếng sóng trong tiềm thức?
Không phân biệt được, nhưng lòng sanh một nỗi buồn dìu dịu lẫn một niềm vui lâng lâng:

Muôn điệu tơ lòng run khẽ khẽ

Nửa vời sóng nhạc gợn lâng lâng.
Liền trở dậy vặn đèn ghi lại niềm cảm xúc thành bài:

Vỏ sò khô ấp ủ
Niềm băng tuyết đêm sương
Muôn xa bờ bến cũ
Vang vọng sóng trùng dương.
Nay nhân mấy lời bác gởi khen, tôi xin trình bày rõ nguyên nhân sáng tác, để gọi là "miếng mắm trao qua, quả cà trao lại".
Cầu Phật gia hộ bác thân tâm luôn luôn an lạc./.




38. ĐIỂN Ô Y HẠNG


Nha Trang, tiết Thu Phân năm Tân Hợi (1971)
Kính gởi ông Ngư Phủ và quí bạn đọc Bán Nguyệt San Văn ở Nam Đô.
Bài Đêm Thu nghe Quạ Kêu với câu mở đầu: "Từ Ô Y hạng rủ rê sang"
Là bài thơ được nói đến nhiều hơn tất cả mọi bài trong tập Mùa Cổ Điển của tôi, từ ba mươi năm nay (1941-1971).
Được nói đến nhiều, không phải vì văn chương mà vì điển Ô Y hạng. Tôi bị chỉ trích có, bênh vực có.
Về bên chỉ trích, trước hết là nhà văn tiền bối, Phan Khôi tiên sinh, mới đây là nhà thơ hiện đại Đông Hồ lão hữu.
Nguyên:
Năm 1940, tôi chuẩn bị cho ra tập Mùa Cổ Điển. Một người bạn trẻ của tôi là Nguyễn Đình, giáo sư trường Nha Trang, nhân về Quảng Nam thăm nhà, có trình cho Phan tiên sinh bản thảo Mùa Cổ Điển. Thấy điển Ô Y hạng trong bài Đêm Thu Nghe Quạ Kêu, tiên sinh bảo Nguyễn Đình về bảo cùng tôi sửa lại vì điển ấy thuộc về chim én chớ không phải chim quạ. Nguyễn Đình về bảo tôi. Tôi cười đáp: Không hề gì.

Khi Mùa Cổ Điển ra đời (1941) thấy Ô Y hạng vẫn còn nằm y trong Đêm Thu Nghe Quạ Kêu, Phan tiên sinh nhân nói về "Những chữ vô nghĩa trong thơ hiện đại, có nói đến chuyện gặp Nguyễn Đình và điển Ô Y hạng của tôi. Bài của tiên sinh đăng ở tờ Sông Hương do tiên sinh đứng chủ bút. Tôi nhớ đại khái lời của tiên sinh như thế này: "Đến như tập Mùa Cổ Điển của Quách Tấn là một tập thơ có nhiều bài thật hay mà vẫn có lắm chữ vô nghĩa, như chữ Ô Y hạng trong bài Đêm Thu Nghe Quạ Kêu. Ô Y là điển thuộc về chim én, không chút liên quan đến quạ. Tôi đã có nhắn cùng giáo sư Nguyễn Đình về nói cùng thi sĩ Quách Tấn sửa lại kẻo uổng một bài thơ hay. Nhưng không hiểu vì sao mà vẫn để y như cũ".

Vì tiên sinh có hẹn "sẽ gặp để nói chuyện"nên tôi không có thư hầu tiên sinh. Song rồi hết biến cố này đến biến cố khác, tôi không được may mắn hầu chuyện cùng tiên sinh.

Năm 1968, ông bạn Đông Hồ nhân viết bài "Nhân điển Ô Y hạng, nghĩ về hại Tận Tín Thư", có nói sự dùng điển sai trong bài Đêm Thu nghe Quạ Kêu khiến một số thí sinh Đại Học Văn Khoa bị hỏng oan. Bài ấy đã được đăng ở tập san Bách Khoa và in trong Úc Viên Thi Thoại.

Tôi đã có thư cho Đông Hồ, hẹn sẽ gặp nhau để trình bày về điển Ô Y hạng tôi đã dùng cho lũ quạ của tôi. Nhưng lương mộng chưa thành ông bạn đã cỡi hạc.

Ngoài Phan Khôi tiên sinh và Đông Hồ thi sĩ, còn có Hoài Thanh (tác giả Thi Nhân Việt Nam) và Vũ Ngọc Phan (tác giả Nhà Văn Hiện Đại).

Hoài Thanh chê là dùng điển sai, nhưng lại vớt "điều ấy tưởng chẳng quan hệ gì lắm". Còn Vũ Ngọc Phan thì chỉ chê rằng "dụng điển cầu kỳ".

Đó là những vị chê trên giấy trắng mực đen. Còn những lời chê miệng thì không kể xiết.

Cũng có lắm người bênh vực. Phần nhiều là "khẩu thuyết". Duy nhà văn Nguyễn Hiến Lê cho biết ý kiến bằng thư (16/11/68): "Mấy chục năm trước hồi mới đọc Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh, rồi mới đây đọc của Đông Hồ trong Bách Khoa, tôi đều nghĩ rằng hai vị đó nghiêm quá, chứ Ô Y hạng chỉ là một lối mượn chữ - chứ không phải dùng điển - giá viết văn xuôi, cho ba chữ đó vào một cặp ngoặc kép thì chẳng ai trách vào đâu cả; nhưng trong bài thơ, chẳng cần vậy (đặt vào ngoặc kép).Thế thôi. Tôi chẳng biết gì cách thức về luật lệ thơ, nghĩ vậy mà không biết đúng không".

Năm 1946, tôi được nghe một vị phụ lão bênh vực cho điển Ô Y hạng, một cách hài hước rất lý thú. Việc xảy ra tại Cựu kinh đô Huế, nhân các bạn thích thơ tranh luận về điển ấy, vị phụ lão nói:
"Tác giả bài Đêm Thu Nghe Quạ Kêu viết sai chính tả khiến cho khách yêu thơ phải hao sức hao hơi. Chữ Hạng kia là Kỳ Hạn không có G. Quách Tấn là người Bình Định đọc những chữ có G in như những chữ không G cho nên mới viết Y Hạn ra Y Hạng. Chớ câu ấy không dùng điển dùng tịch chi cả. Nghĩa ấy như thế này: "Bọn qua (từ ô) y kỳ hạn rủ nhau sang". Nghĩa thật rõ ràng mà văn cũng già dặn. Mắc gì lại bàn những chuyện xa xôi cho mất công".
Ai nấy đều cười rộ.

Một bài thơ, một cuốn sách ra đời, mà được nhiều người bàn tán, thì thật là một cái thú rất thú đối với tác giả. Cho nên ngót ba mươi năm nay, tôi lặng lẽ thụ hưởng.

Nay nhân bức thư của ông Ngư Phủ do toà soạn Văn chuyển đến, tôi xin nói rõ về điển Ô Y hạng và phép dùng điển mà tôi đã học được của cổ nhân.

Trong bức thư nói về nguyên nhân sáng tác bài Đêm Thu Nghe Quạ Kêu gới cho Bàng Bá Lân tháng 8 năm 1963, tôi có nói qua về nguyên do tôi dùng điển Ô Y hạng. Bức thư ấy Bàng quân đã đăng trọn trong tập Văn Thi sỹ Hiện Đại, Kỷ Niệm, Nhận Định, quyển II (trang 68) và Trần Tấn Long đã trích đưa vào bộ Việt Nam Thi Nhân Tiền Chiến (quyển Trung, trang 575), Hai bộ sách ấy đã được phổ biến sâu rộng. Nên ở đây chỉ xin nói về sự dụng điển Ô Y hạng vào Đêm Thu Nghe Quạ Kêu có sai phép làm thơ hay không.

Để giúp các bạn ít thuộc điển tích dễ thấy rõ thị phi trước hết tôi xin giải thích điển Ô Y và Ô Y hạng.
Ô Y nghĩa là áo đen.
Đó là tên riêng của chim én.
Vì sao có nhiều giống chim lông đen mà chỉ riêmg chim én mang hiệu Ô Y?
Có tích mới dịch ra tuồng.

Truyền rằng: Có người đi lạc đến một quốc gia tên gọi là Ô Y Quốc, được quốc vương đãi yến. Yến bãi, người ấy xin về. Quốc vương bảo người ấy vào trong một tiểu đình ngồi nhắm mắt lại. Giây lâu, người ấy mở mắt ra thì thấy mình ngồi tại nhà, trên rường có đôi chim yến đương đậu rỉa lông, mới biết rằng mình vừa mộng du đến Yến Tử Quốc. (1)

Ô Y Hạng là địa danh, có nghĩa là xóm áo đen.
Xóm ấy ở phủ Ứng Thiên, nay là huyện Giang Ninh tỉnh Giang Tô (Trung Quốc), nằm về phía Đông Nam chợ Nam Kinh. Đời Đông Tấn (317-420) có hai vị đại thần là Vương Đạo và Tạ An làm nhà trong xóm ấy. Họ Vương và họ Tạ nối nhau làm Tể tướng đến mấy đời và con em trong nhà đều mặc áo đen. Do đó xóm mới có tên là Ô Y Hạng và con em hai nhà đời gọi là Ô Y Lang (2) Vương Đạo và Tạ An cất chung một toà lầu dưới rừng cây cổ thụ, để nghinh tân hội hữu. Hễ cứ mỗi bận xuân sang thì chim én kéo nhau đến làm tổ chật cả mái lầu, nên tên lầu gọi là Lai Yến Đường (3)

Nhà Đông Tấn bị nhà Tống diệt (420) Họ Vương họ Tạ cũng bị điêu tàn theo.
Trung điệp đời Đường (713-823), nhà thơ Lưu Vũ Tích đi chơi Giang Nam. Nhân qua Ô Y Hạng trong lúc chiều tà, trông thấy nền cũ còn trơ mà con cháu họ Vương họ Tạ đã phiêu bạt tha phương, nhà thơ nghĩ cảm thương chi cổ gia cổ tích bèn làm bài Ô Y Hạng:

Chu tước kiều biên dã thảo hoa

Ô Y hạng khẩu tịch dương tà.

Cựu thời Vương Tạ đường tiền yến
Phi nhập tầm thương bách tánh gia.
Nghĩa là:
Chu Tước cầu xưa lớp cỏ hoa
Ô Y xóm cũ bóng dương tà
Lạc lòi bầy én lầu Vương Tạ
Cam chít chiu nương khắp mọi nhà (4)

Đó là theo tích xưa sách cũ thì Ô Y, Ô Y Hạng đều chỉ về chim én. Thế mà tôi lai đem dùng vào thơ Qụa, thì bị chê là dùng điển sai, thật phải quá. Ngày xưa đi thi, dù gặp quan trường đại lượng mấy đi nữa cũng bị đánh hỏng. Song làm bài Đêm Thu Nghe Quạ Kêu là để nói lên những điều muốn nói, chớ đâu phải để cầu mong "bảng hổ đề danh" mà phải uốn mình theo phép làm thơ cử nghiệp. 
Huống nữa, dùng điển có nhiều cách:
- Minh dụng
- Ám dụng
- Thái dụng
- Tá dụng

Minh dụng là dụng một cách rõ ràng chính xác. Ví dụ: Đêm Thu Nghe Quạ Kêu, mà dẫn điển thất tịch độ hà và mượn thi liệu Ô Thước bắc cầu Ngân giang, như cố nhân Đông Hồ đã dùng để sửa dùm câu "Từ Ô Y hạng rủ rê sang" bị nọc ra câu: Từ bờ Ngân hán rủ rê sang (5)
Như vịnh Trâu già mà dùng điển Điền Đan lập trận hoả ngưu; Ninh Thích gõ sừng trâu ca bài: "Hạo hạo bạch thuỷ":
Đuôi cùn biếng vẩy Điền Đan hoả
Tai nặng buồn nghe Ninh Thích ca.
Ám Dụng là dùng một cách kín đáo, mới đọc qua dường không có điển. Như bài Tự Thán tương truyền là của Nguyễn Trãi:
Chiếc thuyền lơ lửng bên sông
Biết đem tâm sự ngỏ cùng ai hay
Chắc chi thiên hạ đời nay
Mà đem non nước làm rầy chiêm bao...
Đã buồn vì trận mưa rào
Lại đua vì nỗi ào ào gió đông
Mây trôi nước chảy xuôi đàng
Chiếc thuyền hờ hững bên sông một mình.
Toàn bài không có một từ khó. Dường như là văn chương đầu lưỡi. Nhưng hầu hết các câu đều mượn trong cổ thi. Như câu 1,2, xuất phát nơi câu:

Thân tại giang hồ thượng
Tâm tồn nguỵ khuyết trung
Nghĩa là: Thân tuy ở trên sông trên hồ, nhưng lòng còn trong nơi Đế khuyết. Ý nói: tuy không còn làm quan nữa, nhưng vẫn không quên nợ nước ơn vua.

Từ Non Nước từ Chiêm Bao trong câu 4 cũng đều có xuất xứ:
Lương mộng chức vị thành
Sơn hà kinh kỷ biến
Nghĩa là: Mộng lành dệt chưa nên, núi sông đã bao lần biến đổi. Đó là niềm thất vọng của kẻ sỹ yêu nước, vì cô thế phải chịu bất lực trước những biến cố của quốc gia. Vân vân...

Điển dùng thật kín đáo. Cổ nhân gọi cách dùng điển như thế là "ám trung dụng điển", gọi tắt là ám dụng.

Thái Dụng là cắt lấy những phần của điển thích hợp với ý mình muốn tả, việc mình muốn nói, và bỏ những phần không liên hệ hoặc tương phản với nội dung câu thơ. Ví dụ Trong bài Bán Chữ của Phan Sào Nam tiên sinh, cặp luận:
Sấy lử cha Tần càng quý lắm
Chữa phong chú Tháo lại kỳ thêm.
Vế thứ hai là Minh Dụng vì ý của tác giả muốn nói và điển dùng tương đồng: làm cho đối phương tỉnh ngộ. Đọc lên độc giả thấy rõ nghĩa của câu thơ và dụng ý của tác giả một khi đã biết điển Trần Lâm làm bài hịch kể tội Tào Tháo, Tào Tháo đang bị cảm phong đọc đến, toát mồ hôi liền khỏi bệnh.
Vế trên tác giả mượn điển Tần Thuỷ Hoàng đốt sách chôn hoc trò. Nhưng gạt bỏ tất cả chỉ lấy "chất lửa" một mặt để ám chỉ chính sách ngu dân và hà khắc của bọn cầm quyền, một mặt để nhắn cùng những hàng ái quốc rằng: Ngọn lửa tàn bạo của vua Tần kia sẽ vô cùng quí báu nếu biết xử dụng, nếu biết dùng để "sấy" cho ấm nhân tâm đã bị khôi lãnh, sỹ khí đã bị tiêu trầm, khiến những người lạnh nhạt trước tình trạng đau thương của nước nhà do bọn thực dân phong kiến gây nên, trở thành những người có tâm huyết có hào khí. Đó là Thái dụng.

Tá dụng là mượn mà dùng, là dùng ké. Ví dụ điển "Tào Mạnh Đức hoành sáo phú thi" dùng trong bài phú Tiền Xích Bích của Tô Đông Pha:
Năm Kiến An thứ 18 (208) để đánh Đông Ngô, Tào Tháo kết thuyền trên sông Dương Tử tại huyện Gia Ngư. Thuyền nối nhau san sát, khí thế rất mạnh. Tào Tháo đắc ý, cầm ngang ngọn dáo, nhìn trăng ngâm thơ "Nguyệt minh tinh hy. Ơthcs nam phi.." Nhưng rồi bị đối phương dùng hoả công đốt thuyền cháy sạch. Tháo bị đại bại. Dãy núi ở trên bờ sông Dương Tử, một khoảnh rộng bị lửa đốt thành sắc đỏ, nên gọi là Xích bích (vách đỏ).

Đời Tống thi hào Tô Đông Pha (1036-1101) bị trích ở đất Hoàng Châu. Ở Hoàng Châu cũng có một dãy núi sắc đá cũng đỏ như dãy núi ở Gia Ngư và cũng gọi là Xích Bích. Năm Nhâm Tuất (1082), họ Tô đi chơi thuyền dưới chân núi ấy, cao hứng làm bài phú Xích Bích. Nhân Xích Bích này trùng tên với Xích Bích kia, họ Tô nhớ đến việc Tào Tháo đời Tam quốc, mới mượn đem vào văn chương.
Viên Tử Tài, tác giả Tuỳ Viên Thi Thoại, nói:
Thi nhân không nên câu nệ trong việc sử sự (6). Như Bạch Lạc Thiên trong bài Trường Hận Ca có câu "Nga My sơn hạ thiểu nhân hành" (7) thì lúc Đường Minh Hoàng hạnh Thục, nào có đi ngang qua núi Nga My. Trong bài thi Tiên Thành của họ Tạ, có câu "Trừng giang tịnh như luyện"(8) thì Tiên Thành cách Trừng đến trăm dư dặm và nơi huyện lỵ Tiên Thành phía tả, phía hữu đều không có sông lớn. Trong bài phú Thượng Lâm của Tương Như có câu "Bát xuyên phân lưu" (9) thì nơi Tràng An đâu thấy 8 sông (10).

Đó là Viên Tử Tài nói về Tá Dụng.
Lời nói của Hoài Thanh và Nguyễn Hiến Lê cùng một ý với Viên Tử Tài.
Và điển Ô Y hạng dùng vào Đêm Thu Nghe Quạ Kêu là dùng ké, là Tá Dụng.

Trong việc dùng điển, từ xưa tới nay chỉ có cách Minh dụng là phổ thông. Cách Tá dụng, trừ thơ Trung Hoa và thơ chữ Hán của Việt Nam, tôi chưa được thấy trong thơ Quốc âm lưu thế.

Các bậc tiền bối dạy làm thơ cũng không mấy khi đề cập đến cách Tá dụng. Chẳng những không đề cập đến và còn răn không nên dùng ngoại điển, tịch điển, sanh điển và khuyên chỉ nên dùng chính điển mà thôi. Do đó sự dùng điển trong làng thơ quốc âm chịu ảnh hưởng lối thơ cử nghiệp, thường bị trói buộc vào khuôn khổ của trường qui.

Dùng điển, nếu biết cách dùng, nếu dùng cho khéo, thì rất có lợi:
Câu văn gọn ngắn mà bao hàm được nhiều ý nghĩa.
Lời văn thêm đẹp và gây thêm nhiều ý vị thanh tao.
Lời nói và ý tưởng trong câu văn được chứng minh.
Gợi thêm trong trí người đọc những hình ảnh, những tư tưởng ở ngoài câu văn bài thơ.
Nhưng không nên lạm dụng, chỉ nên dùng những khi không dừng được. Điển tích cũng như đồ nữ trang, dùng vừa phải và dùng cho đúng lúc đúng chỗ, thì mới tăng vẻ mỹ quan. Cổ nhân nói:
Người có nhiều điển mà không dùng thì chẳng khác người có quyền thế mà không cậy.
Và để cảnh cáo những người sính dùng điển, lại nói:
Tình sanh văn, cảm sanh văn, Những người ưa dùng điển là những người trong bụng vốn không tình mà muốn khoe khoang học thức. Cho nên văn làm ra chỉ là một mớ xác chữ không hồn.

Cổ nhân dạy cách dụng điển cũng nhiều, mà răn việc dùng điển cũng nhiều. Nhưng sợ bọn trẻ hiếu học không có duyên gặp được sách cũ để đọc, nên nhân nói về điển Ô Y Hạng, tôi nói leo qua đôi nét đại cương.
Biển học vô cùng còn sức người hữu hạn. Những điều tôi đưa ra chỉ là một gáo nước. Lại e không tránh khỏi sơ sót lỗi lầm. Ngửa mong các bậc học rộng biết nhiều hoan hỉ chỉ giáo./.
__________________________________________
(1) Theo sách Từ Nguyên
(2) Theo sách Từ Nguyên và Nhất Thống Chí.
(3) Theo sách Giang Nam Thống Chí
(4) Bài này Tản Đà tiên sinh đã dịch:

Bên cầu Chu Tước cỏ hoa

Ô Y đầu ngõ bóng tà tịch dương
Én xưa đền Tạ đền Vương
Lạc loài đến chốn tầm thường nhân gia
(5) Xem Úc Viên Thi Thoại.
(6) Sử sự hay dụng sự cũng đồng nghĩa như Dụng điển.
(7) Dưới núi Nga My ít người qua lại
(8) Sông Trừng giang lúc tạnh trông như lụa trải.
(9) Tám sông chia dòng.
(10) Theo sách của Nghiêm Mông Hữu thì ngày xưa Trường An có 8 con sông là Kinh, Vị, Bá, Sản, Lệ, Kiểu, Lạo, Duất đến đời Tống thì bị lấp hết.