Những bức thư thơ 39.Không cố ý dùng điển - 40.Giá trị của tặng phẩm


39. KHÔNG CỐ Ý DÙNG ĐIỂN

Nha Trang tiết Xuân Phân năm Nhâm Tý (1972)

Hải, Lạc thân mến,
Bài thơ in trên thiệp Xuân với hoạ phẩm của Vĩnh Ấn do xưởng in của Trung tâm Văn Hoá Phật giáo Việt Nam tại Paris thực hiện nhân dịp Tết Nhâm Tý, là bài Nhớ Em trích trong Mộng Ngân Sơn:
Thiêm thiếp lòng mong đợi
Vùng nghe chim tích linh
Vội vàng xô gối dậy
Đầy thềm hoa tử kinh
Đây là một bài thơ tức sự, một bài thơ ngẫu đắc. Bài thơ ra đời thời kháng chiến chống thực dân, lúc tôi tản cư ở Phú Phong, Bình Định. Tôi nhớ là mùa hè năm Quí Tỵ (1953), mùa hoa Tử Kinh nở thạnh.
Lúc bấy giờ đường giao thông bị cắt đứt. Đã hàng năm mà tôi không gặp bào đệ Kiến Đạo. Nỗi nhớ thương, mong đợi, mãi canh cánh bên lòng.
Một hôm trời vừa tảng sáng đương nằm nghỉ, chợt nghe chim khách reo rồi lại reo. Lòng mừng khấp khởi, tôi vụt đứng dậy chạy ra thềm. Nhưng đợi suốt ngày không thấy, ngày hôm sau, hôm sau nữa cũng không thấy, không thấy người, không thấy tin. Nhìn hoa Tử Kinh nở đầy thềm, tôi ghi lại chút lòng chờ mong thương nhớ.
Đó là tâm sự chớ không phải văn chương.

Thời hậu chiến, hồi cư về Nha Trang, gặp Phạm Công Thiện, tôi đưa bài Nhớ Em cùng một số ngũ tuyệt khác của tôi cho xem. Năm 1964, Phạm quân ở Nam Đô gởi cho tôi một bức thư chép lại bài Nhớ Em với niềm chiếu cố: "Mấy năm trôi qua, bài thơ trên vẫn làm tôi bỡ ngỡ, kinh ngạc và cảm thấy lạ lùng đi vào thế giới tinh khôi mà tôi đã đánh mất giữa hố thẳm và sương mù".
Tôi mừng cho bài thơ không đến nỗi vô mệnh, vì đã có tri âm.
Trên đời được 1 tri âm cũng đã khỏi bị sống bơ vơ. Hạnh phúc thay! Bài Nhớ Em lại còn có người bạn thứ hai nữa là Thi Vũ ở Paris. Chính Thi Vũ đã chọn bài Nhớ Em cho in vào thiệp chúc xuân Nhâm Tý.
Thi Vũ cho biết: "Bài này thiền lắm. Hơi thơ rất tịnh ở hai câu đầu, hai câu sau gấp và hùng. Nói ra sự bật nhảy huy hoàng của một Saton. Sự ngạc nhiên hồn hậu mà cũng là sự kiến tính phiêu vơi. Chọn xong, em đã tự tay sắp chữ, chon màu, và in cùng bức hoạ Vĩnh Ấn làm thiệp xuân cho Văn Hoá" (thư ngày 4.2.72)
Thi Vũ cho biết thêm: "Em có gởi bài thơ trong thiệp cho Phạm Duy, đề nghị Phạm Duy phổ nhạc. Em nói đây vừa là một bài thơ Thiền, vừa là một bài thơ Tình, và Tình của Đông Phương. Nó có uy lực trả lời và khai thị cho bài Adieu của Apollinaire, mà Phạm Duy phổ nhạc qua bài Mùa Thu Chết… Anh thử đọc lại xem:
J'ai cueilli ce brin de bruyère
L'autome est morte souviens-t'en
Nous ne nous verrons plus sur terre
Odeur du temps brin de bruyère
Et souviens-t'en que je t'attends.
                             (Adieu - Apollinaire)
Bùi Giáng dịch làm mấy bản:
Ta đã hái nhành lá cây thạch thảo
Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi
Chúng ta sẽ không tao phùng được nữa
Mộng trùng lai không có ở trên đời
Hương thời gian mùi thạch thảo bốc hơi
Và nhớ nhé ta đợi chờ em đó.
Hoặc:
Xa nhau trùng điệp quan san
Một lần ly biệt nhuộm vàng cỏ cây
Mùi hương tuế nguyệt bên ngày
Phù du như mộng liễu dài như tơ
Nét mi sầu toả hai bờ
Ai về cố quận ai ngờ ai đi
Tôi hồi tưởng lại thanh kỳ
Tuổi thơ giọt nước hương thì ngủ yên.
Hoặc …
"Thơ Apollinaire quá tuyệt. Nhưng buồn ray rứt, đứt ruột. Có nỗi chết chập chờn. Thảm sầu ai oán.
Nhưng không có cái trùng phùng nơi thinh không. Không còn cái hơi hám cận kề, đeo đẳng, trung thành và nhập một của Nhớ Em:
Thiêm thiếp lòng mong đợi
Vùng nghe chim tích linh
Vội vàng xô gối dậy
Đầy song hoa tử kinh.
"Ngọt, Thơm. Tinh khiết. Bâng khuâng. Nhẹ như một nụ cười thầm kín, mà chỉ có hoa biết tới trong cơn bình minh" (thư ngày 4.2.72 )

Bài Nhớ Em bào đệ Kiến Đạo chưa được đọc. Bởi sau ngày thơ ra đời không bao lâu thì:
Nước chia đôi nhà cũng chia đôi
Anh Nam em  Bắc bạn phương trời
Chờ mong mộng luống chìm theo mộng
Thương nhớ lời không dám rỉ lời
Mòn mỏi niên quang hoa lá rụng
Bẽ bàng tâm sự nước mây trôi
Những đêm ánh sáp ngời trang sử
Sùi sụt dòng thu sóng biển khơi.
Kiến Đạo tuy chưa đọc, song Phạm Công Thiện đã đọc, Thi Vũ đã đọc, đọc với tấm lòng thương yêu, thương yêu thơ, thương yêu người.
Như thế văn chương không đến nỗi vô mệnh mà người không đến nỗi cô đơn.
Mới đây ông bạn già Trần Thúc Lâm, sau khi đọc bài thơ trong thiệp xuân, đến nửa khen nửa đùa:
- Chỉ có 4 câu 5 chữ mà dùng đến hai điển: Tích linh và Tử kinh. Không trách Linh mục Thích bảo anh mắc bệnh hay chữ khi phê bình Mùa Cổ Điển (3) và Vũ Ngọc Phan chê anh là cầu kỳ khi phê bình Đêm Thu Nghe Quạ Kêu (4).

Tôi giật mình. Tích linh là tên chữ của chim khách. Tử kinh là giống cây có hoa từng chùm màu hồng, người mình thường trồng trước sân, bên thềm. Ở thôn quê Bình Định (5) không nơi nào không có. Những cảnh vật đem vào thơ là những cảnh vật trước mắt. Khi làm thơ tôi không hề nghĩ đến điển, mà lâu nay cũng không bao giờ nghĩ đến điển. Trần quân nhắc, mới nhớ:
- Tích Linh: Cổ thi có câu: "Tích Linh tại nguyên. Huynh đệ cấp nạn" ý nói anh em thương yêu giúp đở nhau như chim tích linh cùng bay cùng kêu nơi gò đống.
- Tử Kinh: Điền Chân có ba anh em chung sống với nhau vui vẻ. Bỗng đổi lòng, bèn chia của để ra ở riêng. Của chia xong, còn một cây tử kinh ở trước sân, anh em toan đốn xuống chia ba. Chưa kịp ra tay thì cây thoạt héo. Chân trông thấy bèn than cùng hai em:
- "Cây vốn cùng một gốc, nghe nói phân chước mà tiều tuỵ! Người thật không bằng cây!"
Nói rồi sụt sùi. Hai em cảm động, bỏ việc đi ở riêng. Tử kinh liền xanh tươi trở lại.
Người xưa thường dùng hai điển nầy để nói về anh em. (6)

Hải, Lạc thân mến,
Đối với bài Nhớ Em, không cố ý làm thơ mà nên thơ, không cố tâm dụng điển mà có điển, điển chẳng những hợp với tình mà còn hợp với cảnh, thơ chẳng những chứa vị thơ mà còn ngấm vị đạo.
Thật là chuyện bất ngờ!

Tôi chợt nhớ đến những câu trong bài ca trù Vịnh Thuỷ Tiên của Phan Sào Nam tiên sinh:
Vô tình mới thật hữu tình
Ơn người giới thiệu cho mình gặp tiên
Cách Bồng lai Phương trượng bấy nhiêu niên
Mừng tái kiến lại não nùng duyên nợ cũ…
Lòng tự nhiên sanh bồi hồi ảo não!
Thôi chào Hải, Lạc.
_____________________
(1)      Báo Vì Chúa 1941
(4)    Nhà Văn Hiện Đại.
(5)    Ở Khánh Hoà cũng có nhiều
(6)    Sách Từ Nguyên có dẫn.



40. GIÁ TRỊ CỦA TẶNG PHẨM

Nha Trang tiết Thanh Minh năm Nhâm Tý.

Em An Xuyên,
Người xưa cũng như người nay thường mượn tặng phẩm để biểu thị tâm tình. Nhưng hai bên có điểm khác nhau: Người nay thường quí tặng phẩm vì giá trị của bản thân tặng phẩm hơn là tấm lòng của người tặng gởi gắm ở bên trong. Đối với người xưa, tặng phẩm chỉ là cái móc, cái móc hữu hình để treo bức tranh lòng, bức tranh vô hình và vô giá. Cái móc ấy bằng vàng, bằng ngọc càng quí, mà bằng thau bằng gỗ cũng không sao, miễn treo  được bức tranh lòng là quí. Cho nên người xưa nhìn tặng phẩm chỉ thường nhìn vào chiều sâu chớ ít khi chú trọng đến bề nổi. Và tặng phẩm được quí trọng, được nâng niu, là quí trọng nâng niu tấm lòng người tặng, chớ không phải vì giá trị của vật tặng dù cao đến đâu.

Một người bạn ở Giang Nam nhớ người bạn ở Lũng Đầu. Nhân đi bẻ mai về gặp người phu trạ quen, bèn gởi tặng một cành mai và một bài ngũ tuyệt:
Chiếc mai phùng dịch sứ
Ký dã Lũng Đầu nhân
Giang Nam vô sở hữu
Liêu tặng nhất chi xuân
Nghĩa là:
Bẻ mai vừa gặp trạm
Gởi nhắn bạn Lũng Đầu
Giang Nam không của cải
Một cành xuân tặng nhau.

Tặng phẩm cũng như thơ, thơ cũng như lòng, ngó thì không có gì cho lắm, mà ngẫm thì thật là nhiều, nhiều không sao kể xiết! "Giang Nam không có của". Không có của là không có của riêng. Tức là những gì ở trên đất Giang Nam đều là của chung của thiên hạ, của chung của trời đất. Tất cả là một. Một là tất cả. Gởi cho bạn một cành xuân, tức là gởi tất cả trời xuân của Giang Nam, trong đó có lòng người gởi, đến cho bạn. Không phải tri âm, dể gì đã nhận thấy trong những nét đơn sơ của hoa mai ngậm chứa bao nhiêu niềm thâm hậu của người xa, trong những lời thanh đạm của bài thơ ẩn náu bao nhiêu nỗi thiết tha của tình bạn.

Phan Lan Như đời Thanh là một thi nhân có danh vọng. Trong huyện có một mỹ nhân tuyệt sắc. Chàng để ý nhưng không được nàng đáp tình. Một hôm chàng cắt một nhánh mẫu đơn vừa nở, sai một tiểu tỳ đưa tặng với 4 câu thơ:
Phong chi lộ nhị dạ sơ khai
Kim tiễn thương lương mật xứ tài
Vị tăng mỹ nhân phương chiếc nhữ
Giã ưng tiếu nhập thủ trung lai.
Nghĩa là:
Nhị sương nhánh gió đêm vừa nở
Khóm nhặt lăm le chiếc kéo vàng
Lòng tặng giai nhân riêng hái đó
Trong tay mong gởi nụ cười sang
Nhánh hoa vừa nở kia tượng trưng cho mảnh phương tâm của thi sỹ. Mảnh phương tâm này cũng như nhánh hoa kia, bấy lâu vẫn dấu kỹ nơi "mật xứ". Nay vì mỹ nhân mà cắt ra một mảnh để dâng lên hầu mong tiếp được một nụ cười thơm thắm. Nhưng nụ cười đó, nếu giai nhân có thương mà tặng, thì thi nhân vẫn không dám trực tiếp đón nhận, mà chỉ ân cần đón nhận qua bàn tay trung gian.
Tình thật đẹp, ý thật cao, thái độ cũng thật tao nhã. Nếu không quá cố chấp, giai nhân nỡ tiếc chi một nụ cười.
Phan Như Lan gởi quà đi, lòng mong có quà lại. Uông Phu Nhân đất Dương Châu, cũng như người bạn đất Giang Nam, gởi vì yêu mà gởi, vì nhớ thương mà gởi, tức là gởi tặng phẩm vì người chớ không phải vì mình.
Uông Phu Nhân người đời Thanh. Chồng bà đi tòng chinh, lâu ngày chưa được về. Nhân có người ra biên tái, bà bẻ một nhánh hoa trong vườn kèm một bài thất tuyệt, gởi ra tặng chồng:
Thủ chiếc ba chi thuý đại tần
Ân cần dục ký viễn chinh nhân
Minh tri đáo nhật ưng tiều tuỵ
Tức thử ba chi kiến thiếp thân.
Nghĩa là:
Nhành hoa tay bẻ mày nhăn
Sa trường thăm thẳm ân cần gởi trao
Tới nơi héo nhuỵ phai đào
Chàng ơi, thân thiếp khác nào thân hoa!
Thương thảm bao la! Mỗi hàng thơ mỗi dòng lệ! Người nơi chiến địa dù bị khói un lửa đốt vẫn không thể ngăn nổi trào lòng trước hình bóng người vợ qua màu hoa nét thơ.
Một cành hoa - dù là quốc sắc thiên hương - quí sao bằng kim cương, hồng bảo, hoàng kim, bạch kim. Nhưng đối với thi nhân, với cổ nhân, lại quí gấp nghìn muôn lần bảo vật của thế gian, bởi có lòng của người thân yêu gởi gắm.
Song những cành hoa kia, nhờ có thơ nói rõ lòng người tặng. Có nhiều khi tặng phẩm không có thơ đi kèm, thì người nhận phải tinh ý mới khỏi phụ lòng người tặng.

Tôi xin kể cho em nghe một câu chuyện chứng minh lời nói của tôi. Câu chuyện xảy ra nơi tỉnh nhà cách đây chừng hai thế kỷ, dưới triều vua Thái Đức (Tây Sơn).
Dưới triều vua Thái Đức (1776-1792) tại huyện Tuy Viễn (Tức Bình Khê hiện nay) có chàng thư sinh họ Trần tự Chánh Thuận, có sỹ hạnh, có văn tài, nhưng nhà nghèo và mồ côi sớm. Chàng yêu người con gái của một phú ông cùng huyện và hẹn khi thành danh sẻ làm lễ điện nhạn. Người con gái tên Nhược Lan, dung nhan tươi sáng, đã thạo nghề kim chỉ lại thạo cả bút nghiên. Nàng có con thị tì tâm phúc tên Thuỵ Khê, làm giả đi về giữa nàng và Chánh Thuận
Năm Nhâm Dần (1782) vua Tây Sơn kéo quân vào Nam đánh quân Nguyễn Phúc Ánh. Chánh Thuận phải tòng chinh. Ra đi không chắc có ngày về, chàng bèn giao nhà cửa cho người chú họ. Vật quí không có gì khác hơn là một chiểc trâm vàng và một chiếc vòng bạc. Để đền công cho Thuỵ Khê bấy lâu hết lòng phục vụ, chàng tặng chiếc trâm vàng. Và để làm vật kỷ niệm của lòng yêu đương chàng tăng Nhược Lan chiếc vòng bạc. Cảnh biệt ly nảo nùng như sao, đau đớn như sao. Không sao kể xiết!
Nhưng chỉ nửa năm sau khi chàng đi thì Nhược Lan đem quăng chiếc vòng bạc xuống giếng nơi nhà chàng và đuổi con thị tì tâm phúc Thuỵ Khê, rồi về làm vợ chàng công tử con 1 quan cai cơ ở trong hạt. Song không được bao lâu, vợ chồng phải bỏ nhau vì khác lòng khác ý. Nàng về ở cùng cha mẹ, suốt ngày không bước ra khỏi sân.

Tòng quân được ba năm thì Chánh Thuận được giải ngũ. Về nhà biết được sự tình, chàng vô cùng chua xót. Nghe tin có người vớt được chiếc vòng bạc, chàng tìm đến xin chuộc lại. Người đó đòi 5 lượng vàng. Chàng không đủ tiền để mua vàng, toan bán vườn nhà cho đủ số. Song còn phân vân chưa quyết vì bán một vật cũ để chuộc một vật cũ, thì mất vẫn như nhau. Người được vòng thương tình liền đem vòng đến cho lại:
- Đó là của gia truyền thì lòng tham không nên giữ.
Chánh Nhuận mừng rỡ, đến tìm Nhược Lan. Nhược Lan đóng cửa không tiếp. Đến tìm Thuỵ Khê. Thuỵ Khê đã theo chồng đi xa. Bồi hồi áo não. Chàng toan bỏ làng đi tìm khuây khoả, thì người bạn đồng môn là Phạm Thúc Luân đến thăm hỏi:
- Vì sao chàng quí bạc hơn vàng và lại tặng vòng cho người yêu, tặng trâm cho người ở?
Chàng thở dài:
- Tôi quí vật là quí những gì tiềm ẩn ở bên trong chớ đâu có quí giá trị ở bên ngoài. Chiếc trâm vàng kia vốn của tôi lượm được tình cờ. Không biết chủ là ai để giao hoàn, nên tôi đành phải giữ lấy. Đối với tôi không phải là bảo vật, nên mới đem tặng Thuỵ Khê để đền chút công ơn. Còn chiếc vòng bạc là của ông thân tôi tặng bà thân tôi. Bà thân tôi theo ông thân tôi về chín suối, trao lại cho tôi. Từ nhỏ đến lớn tôi đeo nơi tay không bao giờ rời một giây một phút. Nhưng ra ngoài chiến địa mấy ai chắc về, nên tôi cởi tặng Nhược Lan, trước là để khỏi sợ rơi vào tay kẻ khác, sau là để trong nơi xa cách thấy của như thấy người. Đó là tấm chân thành của tôi. Không hiểu tại sao nàng lại nỡ ruồng rẫy? Nỗi niềm không tỏ, nhưng tường ngăn, cống lấp, muốn hỏi không biết hỏi ai?
Thúc Luân vốn là anh em cô cậu cùng Nhược Lan, nên không mấy chốc lời nói của Chánh Thuận đã lọt đến tai nàng. Nàng khóc lớn:
- Vì không xét sâu nghĩ chín mà tôi đã phụ rẫy một mối tình cao đẹp, và đối xử bất công cùng người giúp việc trung thành! Trời cao đất dày, tôi còn mặt mũi nào trông thấy thiên hạ!
Đoạn toan gieo mình xuống giếng tự vận. May người nhà ngăn lại kịp. Nàng bỏ ăn uống, nằm thiêm thiếp không một tiếng nói, không một lời than.Thúc Luân bắn tin cho Chánh Thuận hay. Chánh Thuận vội vả tìm đến. Cha mẹ Nhược Lan hết sức vui mừng và quyết định sẽ ra tay tác hợp nếu hai bên còn thương tưởng nhau. Chánh Thuận cạn lời an ủi Nhược Lan. Cảm tấm chân thành của cố nhân, nàng nghẹn lòng trong nước mắt:
- Một hôm tình cờ em trông thấy Thuỵ Khê cầm chiếc trâm vàng ngắm nghía. Hỏi ra thì là quà tặng của chàng. Em tưởng rằng giữa chàng và Thụy Khê đã có tình dan díu, Và đem vàng so với bạc, em lại hiểu lầm rằng chàng quí Thuỵ Khê hơn em. Lòng ghen tức nổi lên, em không còn phân biệt phải quấy. Nay lượng chàng dù rộng thứ, lòng em vẫn riêng hổ với lòng.
Mọi sự do hiểu lầm mà ra thì không có gì đáng trách. Huống nữa hành vi của tôi vẫn có chổ khuyết hám dễ khiến lòng lầm lẫn trắng đen. Nhưng việc đã qua cứ để cho qua. Chúng ta nên giữ những gì còn lại. Tình thương yêu nhau sẽ xoá nhoà tất cả những gì không tốt đẹp do hoàn cảnh gây nên.Tủi buồn không giúp ích gì cho lẽ sống.
Thế là trời xuân xanh trở lại, và tình yêu thương nối dài theo nhịp bước của thời gian.

Em An Xuyên,
Chắc em không khỏi phàn nàn:
- Phải chi Nhược Lan được giải thích rõ ràng khi nhận tặng phẩm, thì có đâu phải chịu bao nhiêu năm đau khổ, và làm đau khổ người giúp việc lẫn người yêu.
Tôi xin phúc đáp:
- Người tình tế nhị cũng như người thơ thâm thuý, ưng che dấu nỗi lòng, càng kín càng hay. Và tự nhiên không bao giờ đem tình mình, thơ mình ra giải thích. Tìm những cái hay cái đẹp để yêu để thương, để nâng niu gìn giữ, là bổn phận của người nhận thơ nhận tình. Và có thấu triệt được những gì ẩn tàng cũng như hiển hiện thì mới gọi là tương tri tương đắc, tri kỷ tri âm. Bằng không thì cần chi Bá Nha phải đập đàn khi Tử Kỳ không còn trên trần thế.

Nói tóm lại: Những cái ẩn tàng mới thật là những cái đáng quí. Cho nên khi em nhận vật tặng của người yêu, mà người yêu ấy thuộc vào hàng phong nhã, thì em không nên xem nặng giá trị vật chất, mà phải đi sâu vào giá trị tinh thần. Đừng vì vẻ tầm thường ở bên ngoài mà không nhận chân được niềm cao sang ấp ủ. Em có hiểu tình của người thơ được trọn vẹn, mới hiểu được trọn vẹn những tình ý trong thơ của người yêu, nếu em  đã trót lựa người yêu trong hàng phong nhã.
Xin chào em./.