Những bức thư thơ 3.Ngọc Lam Điền - 4.Tơ hồng chim xanh

3. NGỌC LAM ĐIỀN

Nha Trang, tết Nguyên Tiêu năm Mậu Tuất (1958)

Anh Hương Sơn,
Anh đã cùng bạn Kính Sơn thả lòng theo họ Từ, họ Lưu, họ Nguyễn, họ Hoàng đi thăm các tiên động. Nhân còn dư hứng xin mời anh với Kính Sơn theo Bùi Hàng đến Lam Kiều chung vui một chuyến nữa.
LAM KIỀU ở huyện Lam Điền tỉnh Chiết Giang.Tại Lam Kiều có một cái cầu bắc ngang qua sông Lam. Cầu ấy cũng gọi là Lam Kiều.Tại Lam Điền lại có một ngọn núi cũng mang tên là Lam Điền. Vì trên núi có nhiều ngọc nên có tên nữa là Ngọc Sơn.
Còn BÙI HÀNG là một tú sỹ đời Đường Năm Trường Khánh triều Đường Mục Tông (821-825), BÙI HÀNG đến Trường An thi bị hỏng, nhân tiện đường sang Tương Hán và Ngọc Kinh tìm thú vui. Cùng đi một thuyền có một người đàn bà tuyệt sắc, ngồi cách Hàng 1 bức rèm thêu. Lân la hỏi thăm, con tỳ nữ cho biết là Phàn phu nhân. Hàng muốn thân cận, đút tiền nhờ tỳ nữ trao hộ bài thơ:
Tích vi Hồ Việt do hoài tưởng (1)
Huống ngộ thiên tiên cách cẩm bình
Thảng nhược Ngọc Kinh tương hội khứ (2)
Nguyện tuỳ loan hạc nhập sào thanh (3)
Nghĩa là:
Xa xôi Hồ Việt còn mong tưởng
Huống cách người tiên nửa bức màn
Ví được Ngọc Kinh cùng dõi bước
Thân nguyền theo mãi bóng xe loan.
Phu nhân không chút giận, ôn tồn bảo:
- Nhà ngươi không nên bỡn cợt. Ta cùng ngươi có chút nhân duyên, ngày sau còn có lần gặp gỡ. Đoạn rót rượu đưa ra mời Hàng.
Đến Tương Hán, phu nhân bước lên bờ, trao cho Hàng một phong thư, rồi cùng con thị tỳ đi thẳng. Hàng mở thư xem thì là 1 bài tuyệt cú:
Nhất ẩm quỳnh tương bách cẩm sanh
Huyền sương đảo tận kiến Vân Anh
Lam Kiều tận thị thần tiên lộ (4)
Hà dụng khi khu thượng Ngọc Kinh. (5)
Nghĩa là:
Một chén quỳnh tương trăm cảm sanh
Huyền sương giã nát thấy Vân Anh
Cầu Lam ấy chốn thần tiên ấy
Lọ phải chồn chân đến Ngọc Kinh.
Bùi Hàng không thấu triệt được ý nghĩa bài thơ. Nhưng không biết Phàn phu nhân đi về hướng nào, đành ngậm tình bức rức. Rồi thu xếp hành trang, lên bộ đi Ngọc Kinh. Đến Lam Kiều, nhân khát nước ghé vào nhà một bà lão bên đường xin uống. Bà lão gọi với vào nhà trong:
- Vân Anh con đâu, hãy đem nước ra đãi khách.
Bùi Hàng giật mình. Chợt trong rèm đưa ra một bát nước. Bưng uống thấy thơm mát khác thường. Vén rèm trả bát, trông thấy 1 thiếu nữ như tranh. Hồn vía bị thâu hết, đứng tần ngần ngẩn ngơ… Hồi lâu nhớ đến bài thơ Phàn phu nhân tặng, mừng thầm là việc gặp gỡ hôm nay. Bèn lân la làm quen cùng bà lão, rồi đánh bạo xin cưới Vân Anh. Bà lão đáp:
- Ta nay đã già yếu chỉ còn đứa con gái để nương nhờ. Hôm trước đây 1 tiên ông cho 1 hoàn thuốc, bảo phải dùng chày ngọc cối ngọc mà giã cho nát rồi uống thì sẽ được trường sanh. Nhà ta đã có cối ngọc. Nếu chàng muốn cưới Vân Anh thì phải đem chày ngọc làm lễ sính.
Hàng nhận thấy mọi lời điều đều ứng hiệp với lời thơ, nỗi vui mừng hiện lên nét mặt. Bèn hẹn 100 ngày sẽ nạp sính. Rồi bái biệt bà lão, lên đường.
Hàng bỏ cuộc đi Ngọc Kinh. Về nhà thâu góp vàng bạc, tìm đến nơi nổi danh nhiều ngọc quý hỏi mua. Nhưng lại ngày lại ngày qua mà không tìm đâu có chày ngọc. Hàng đã bắt đầu thất vọng. Ngày nọ qua đất Biện Lão, đứng trông nước chảy dưới cầu, buồn muốn rơi nước mắt. Chợt 1 lão nhân đi qua, đầu râu bạc trắng. Hàng nhìn biết đây không phải là người thường, bèn lẽo đẽo theo sau. Ông lão quay lại hỏi. Hàng liền quì mọp bên đường cái, đem tâm sự bày thưa. Ông lão vuốt râu cười:
- Chày ngọc tìm đâu ra. Thương tình nhà ngươi có lòng thành, ta tặng cho một hạt giống. Hãy tìm đất tốt mà gieo. Khi lên cây sẽ dùng mà đẽo lấy.
Hàng nhận lĩnh hạt giống, cúi đầu lạy tạ. Khi ngẩn lên thì chỉ còn phưởng phất gió mây.
Hàng mừng rỡ ra về, làm theo lời dặn. Được ít lâu cây ngọc lên cao, Hàng đốn cây tiện làm chày, rồi vội vàng đến Lam Kiều dâng lên bà lão. Hẹn 100 ngày vừa đúng. Bà lão khen là tín sỹ và mời tạm nghỉ nơi nhà ngoài.
Đêm đến, nghe tiếng chày giã nơi nhà trong, Hàng rón rén vén màn dòm trộm: Một con thỏ trắng, lông mịn như bông, mắt thắm như hạt lựu chín, cầm chày ngọc giã thuốc trong cối ngọc, hào quang bay ra dường tuyết phun. Hơn vài khắc, bà lão ra dấu:
- Huyền sương đã nát.
Thỏ trắng dừng tay. Bà lão lấy thuốc nuốt, rồi nói: - Ta phải vào động bảo họ hàng lo việc chăn gối cho Bùi lang.
Rồi đèn tắt, bốn bề không một tiếng khua.
Độ nửa canh tư, hai tiên đồng và hai ngọc nữ xách đèn lồng, khiên kiệu hoa đến rước Bùi Hàng. Đến một nơi đài điện nguy nga, rèm châu giường ngọc, bà lão đưa Hàng vào nhà thờ làm lễ, rồi đưa đi ra mắt họ hàng. Một người đàn bà đẹp nhìn Hàng mà cười:
- Bùi lang có biết ta chăng?
Hàng cúi đầu thưa:
- Vì trước chưa được làm người thân trong nhà, nên chưa được biết.
- Thế thì không còn nhớ chuyến đò sang Tương Hán ư?
Hàng giật mình, ngước lên nhìn, thì là Phàn phu nhân.Phu nhân tên thật là Vân Kiều, chị ruột Vân Anh. Chồng là Lưu Lượng. Hai vợ chồng tu hành đắc đạo nên biết được việc quá khứ vị lai.
Hàng chấp tay tạ lỗi. Phu nhân cười:
- Khách văn nho thường hay khách sáo!
Đoạn tiệc bày, nhạc trỗi, chén quỳnh tương rót chúc đôi vợ chồng tình xuân thêm xuân.
Lễ cưới xong, bà lão cho vợ chồng Bùi Hàng vào động Ngọc Phong trên núi Lam Điền ở để cùng nhau tu luyện. Hoa đào nước suối, gió núi trăng ngàn… cảnh bao nhiêu tình bấy nhiêu, tình bao nhiêu phong phú bấy nhiêu… Rồi:
Hạc vàng khuất dặm trần hiu
Ngọc phong để dấu Lam Kiều truyền danh.
Anh Hương Sơn,
Bùi Hàng có phước hơn Từ Thức và Nguyễn Triệu, Lưu Thần. Gặp tiên rồi sống mãi nơi cõi tiên, chớ khỏi bị chết mòn vì nhớ nhung nơi trần giới. Nhưng chắc anh không khỏi thắc mắc:
- Nếu Bùi Hàng không trở lại nhân gian thì người đời làm sao biết rõ kết cuộc của đôi tiên phàm kia như sao sau khi đã lên Ngọc Phong tu luyện?
Thưa có sách chép rằng:
Năm Thái Hoà triều Đường Văn Tông (827 - 840), một người bạn của Bùi Hàng là Lư Lang có gặp Hàng ở Lam Kiều. Hàng cho biết đã đắc đạo, và tặng bạn mấy hạt ngọc Lam Điền cùng 1 viên linh đan. Người bạn xin truyền đạo. Hàng đáp:
- Đạo vốn ở lòng. Bỏ hết tham dục thì tự nhiên thấy Đạo. Có truyền chăng là truyền phép tu hành đó thôi. Mà tôi nay chưa thể nói đến chuyện đó.
Rồi cùng Lư lang chia tay. Từ đấy không gặp Hàng ở đâu nữa.
Nói “Không gặp Hàng ở đâu nữa” là nói về đời. Chớ trong văn chương thì họ Bùi vẫn thường cùng Vân Anh tới lui nơi Lam Kiều để nghe những vần thơ chuốt ngọc:
Nỗi riêng nhớ ít tưởng nhiều
Xăm xăm đè nẻo Lam Kiều lần sang 
 (Kiều)
Mảng nghe họ Mãng gần miền
Lam Kiều là chốn thần tiên có người 
 (Thị Kính)
Chốn Lam Kiều cách nước mây
Bùi Hàng chưa dễ biết đây chốn nào 
 (Phan Trần)
Vân vân …Xin chào anh và chúc anh lên núi Hương tìm được ngọc hầu mong thêm được một cặp Vân - Hàng thứ hai.
________________________________________
(1) Có chỗ chép: Đồng vi Hồ Việt do hoài tưởng.
(2) - : Thảng nhược Ngọc Kinh triều hội khứ.
(3) - : Nguyện tuỳ loan hạc nhập thanh vân.
(4) - : Lam kiều tự hữu thần tiên quật
(5) - : Hà tất khi khu thượng Ngọc Kinh



4. TƠ HỒNG CHIM XANH

Nha Trang, tiết Vũ Thuỷ năm Mậu Tuất (1958)

Anh Thanh Trúc,
Anh bảo tôi nói rõ sự tích TƠ HỒNG và CHIM XANH trong câu:
Tơ hồng lăng líu không xe
Chim xanh lẻo đẻo đi về chiêm bao.
Để anh làm gia vị cho tháng ăn chơi chưa mãn.
Viết thư cho bạn mà nói về thơ, nói những chuyện nên thơ, trong ngày xuân thong thả, thì còn gì thú bằng. Cho nên sự đòi hỏi của anh, chẳng những không chút quấy rầy tôi, như anh tưởng, mà còn làm cho lòng xuân già của tôi thêm xuân.
TƠ HỒNG và CHIM XANH là hai điển rất thông dụng. Không ai không biết ý nghĩa. Nhưng biết tường gốc ngọn và nói cho đủ đầu đủ đuôi, thì quả như lời anh nói, chỉ có các nhà học giả, các nhà khảo cổ chuyên môn. Tôi không thuộc hai hạng người ấy. Cho nên những lời tôi nói sau đây chỉ mong có thể “làm gia vị cho tháng ăn chơi chưa mãn” của anh mà thôi.
TƠ HỒNG hay CHỈ HỒNG do tích Vi Cố.
Sách Loại Tụ và Tình Sử chép đại khái rằng:
VI CỐ người đời Đường. Cha mẹ mất sớm. Muốn có gia thất để lo tròn đạo hiếu của kẻ làm trai, nhưng hỏi đâu cũng không thành sự.
Chàng vốn ở đất Đỗ Lăng đến trọ học nơi Tống Thành. Năm Trinh Quán thứ 2 (628) có người làm mối con gái quan Tư Mã ở đó, và hẹn chàng lúc tối đến chùa Long Hưng xem mặt. Chàng y hẹn ra chùa. Nửa đường gặp một lão trượng ngồi xem sách dưới trăng, bên mình đeo chiếc dây đựng tơ đỏ. Nhìn vào sách, tuyệt nhiên không biết được một chữ nào. Bèn hỏi:
- Sách nầy là sách gì?
Đáp:
- Sách coi về việc hôn nhân.
- Còn tơ đỏ kia dùng để làm gì?
- Để buộc chân những cặp vợ chồng. Gái trai dù là thù địch dù là khác xứ khác chủng, mà tơ hồng đã buộc vào, thì đều thành vợ chồng, không sao tránh khỏi.
Vi Cố mừng rỡ đem việc con gái quan Tư Mã ra hỏi thăm. Lão trượng đáp:
- Việc không thành. Vợ chàng hiện mới 3 tuổi. Phải đợi 14 năm nữa mới cưới về được.Hiện người ấy ở đâu?
- Là con gái Trần Thị bán rau nơi chợ phía bắc hạt này.
Vi Cố từ giã lão trượng. Đến chùa đợi mãi không thấy bóng một người con gái nào. Sáng hôm sau dậy sớm ra chợ tìm Trần Thị. Người ta chỉ một người đàn bà rách rưới bồng đứa con gái lên ba, mặt mày bẩn thỉu. Cố nổi giận lấy cây đánh 2 mẹ con. Cây trúng nơi mày đứa bé, máu tuôn lênh láng. Trần Thị hoảng kinh, bồng con chạy trốn biệt…
Ngày tháng trôi qua, Vi cố vẫn không lấy được vợ. Sau thi đậu được bổ làm quan dưới quyền quan thứ sử Tương Châu là Vương Thái. Vương mến tài bèn gả con gái cho.
Lúc ấy Vương thị mới 17 tuổi. Đêm hợp cẩn, Vi thấy nơi mày vợ có vết sẹo, bèn hỏi thăm. Vương thị ứa nước mắt đáp:
- Vương Thứ Sử là nghĩa phụ của thiếp. Thiếp vốn con bà Trần Thị ở Tống Thành. Mẹ thiếp mất. Nhân Vương Thứ Sử, lúc bấy giờ làm quan tể ở Tống Châu, không có con gái, mới đem thiếp về làm con nuôi. Mười bốn năm nay, tình thương yêu như con đẻ. Còn vết sẹo kia, theo lời người ta thuật lại, là do một tên thư sinh bạc hạnh gây nên.
Nhớ lại ông già dưới nguyệt, đứa bé trên tay, mười bốn năm về trước nơi Tống Sơn, VI CỐ ngậm ngùi nhìn vợ…
Sự tích TƠ HỒNG hay CHỈ HỒNG là thế. Và vì Tơ Hồng ở trong dãy của lão trượng ngồi đọc sách dưới trăng, nên ÔNG TƠ và BÀ NGUYỆT mới sanh ra cho làng văn chương thêm đông người giúp việc.

Còn về CHIM XANH thì sách Hán Võ Cố Sự chép đại khái rằng:
Ngày mồng bảy tháng bảy, vua Võ Đế nhà Hán đương ngự tại điện Thừa Hoan, thình lình một con chim xanh từ hướng Tây bay đến. Vua hỏi điềm gì. Đông Phương Sóc tâu:
- Đó là sứ giả báo tin Tây Vương Mẫu sắp đến.
Liền đó quả có Tây Vương Mẫu cỡi mây bay đến điện Thừa Hoan cùng vua đàm đạo. Theo hầu Vương Mẫu có ba nàng mặc áo xanh. Đông Phương Sóc bảo đó là ba con thanh điểu biến hoá, mà một đã làm sứ giả đưa tin.
Chép lại chuyện này, tôi chợt nhớ câu chuyện buồn cười đã xảy ra thời Tiền Chiến ở Nha Trang:
Hai ông bạn già ngồi chọi nhau về sở học của mình. Nói đến chuyện Hán Võ Đế tiếp Tây Vương Mẫu, một vị bảo:
- Con chim đến báo tin Vương Mẫu đến là con chim ba chân. Vị kia cãi:
- Chim gì lại chim ba chân! Khéo nói chuyện hoang đường.
- Sách chép kỹ.
- Sách nào?
- Tôi quên tên. Nhưng nhớ rõ câu sách: “Hạnh hữu tam túc điểu vi chi sứ”.
Vì có “chữ thánh hiền để lại” làm bằng cớ, vị kia không cãi được, nhưng vẫn cho là “phi lý, khó tin"
Tôi cười thầm:
- Có thể tin được chim biến làm người, hoặc người biến làm chim, có thể tin được chuyện tiên trên trời xuống làm thân với người, mà không thể tin chim có ba chân được, thì không biết “đức tin” co giãn như thế nào? Huống nữa chuyện thần tiên là chuyện hoang đường, biến hoá không chừng đỗi, vào miệng người này như thế này, sang miệng người khác lại đổi ra thứ khác. Có khi chỉ đổi một số chi tiết, mà lắm khi lại thay cả cốt chuyện hoặc ít hoặc nhiều tuỳ dụng ý của thuật giả. Vẽ rắn thêm chân, chuốc nanh cho quỷ, muốn sao thì muốn, miễn sao câu chuyện gây hứng thú cho người lắng tai trải lòng. Chuyện như thế nọ, chuyện như thế kia, thế nào lại chẳng được. Sao lại cố chấp rằng kia thị nọ phi.Vừa rồi mở Từ Nguyên tra lại điển CHIM XANH cho được chắc chắn, thì thấy chú: - Tam Túc Điểu thanh điểu dã.
Thì ra “Tam Túc Điểu” là tên con Thanh Điểu, 1 giống chim xanh bên Tàu, chớ không phải chim ba chân trên sách vở.Vì sợ tình cờ anh nghe hay đọc thấy danh từ “Tam Túc Điểu” trong văn thơ mà “sanh chuyện”, nên tôi phải nối thêm khúc đuôi vào điển CHIM XANH.
Nếu anh thấy lòng thòng thì xin cứ tự tiện dùng kéo.
Xin chào anh và mong anh có chuyện cần hỏi để tôi được dịp nói. Ít được dịp nói chuyện cùng nhau bằng lưỡi thì hãy nói chuyện cùng nhau bằng thư. Như thế khi gần có nhau mà khi xa vẫn có nhau vậy./.