Những bức thư thơ 41.Văn chương tạ lòng - 42.Văn chương và nghèo khổ


41. VĂN CHƯƠNG TẠ LÒNG

Nha Trang tiết Lập Hạ năm Nhâm Tý (1972)

Chị Mỹ Dung
Trong bức thư Lời Hẹn Ước gởi cho Hồng Loan năm Kỷ Hợi (1959) có câu:
Duyên em trái đã nặng cành
Kiếp này khôn dễ nối tình Ngọc Tiêu (1)
Đó là một câu thơ trích nơi "Bức Văn Chương" của chàng thơ Biển Nại gởi tạ lòng cố nhân.
Hồng Loan và tôi vốn quen biết hai người ấy.
Hai người ấy yêu nhau thời tiền chiến. Rồi thời thế đổi thay, nàng đi lấy chồng. Từ ấy phần nước non xa, khói lửa nhiều, hai bên không gặp được nhau, không gặp nhau cả trong giấc mộng.
Nghĩ đến nàng, chàng có bài Thay Bông
Gặp chàng đương độ lý đào bông
Đào lý thay bông thiếp có chồng
Tình nhạt dần theo hương phấn nhạt
Âm thầm giọt lệ khóc đêm đông.
Thời hậu chiến, may đâu lại tái ngộ. Trong lúc chuyện trò, chàng buột miệng ngâm:
Nghĩa trước phụ phàng thôi đã lỡ
Duyên sau hò hẹn nữa mà chi.
Chàng liền hối hận rằng mình vừa tàn nhẫn vừa thô lỗ. Nhưng nàng không hờn cũng không giận, nên sau đó nàng có thư thăm. Trong thư chép lại hai câu kia và thêm hai câu nữa:
Vườn dù nở rộ trà my
Chút lòng sau trước hoa quỳ hướng dương.
Bùi ngùi, soạn "Bức Văn Chương" gởi vào tạ lòng:
Duyên em trái đã nặng cành
Kiếp này không dễ nối tình Ngọc Tiêu
Chuyện xưa để nước lui triều
Nhắc chi thêm tủi nghĩ nhiều thêm thương
Nợ dâu tằm chửa hết vương
Xe tơ dệt bức văn chương tạ lòng.
Thế là tốt! Vì "ba sự liễu" rồi (3) nếu lòng hoa quỳ có còn nhớ bóng dương thì nên hướng về văn chương là thứ bất diệt kia vậy.

Chắc chị không khỏi thương cô nàng và trách anh chàng. Thương cô nàng đa tình, trách anh chàng bạc tình.
Thưa chị:
Bạc tình là thói đàn ông
Đa tình là nghiệp má hồng xưa nay.
Đó là tánh trời sanh. Nếu có thương có trách thì nên tìm cái gốc mà thương mà trách, chớ cô nàng và anh chàng chỉ là cái ngọn.
Huống hồ:
Trăm năm không kẻ bạc tình
Nghìn thu ai biết lòng mình thuỷ chung.
Cho nên  trước khi sinh ra những thói si tình, đa tình, chung tình, bạc tình… chắc là trời đã suy đi nghĩ lại kỹ lắm. Và dù Si dù Đa dù Chung dù Bạc... dù chi chi đi nữa, rốt cuộc tình vẫn là tình.
Chữ tình là chữ chi chi
Anh hùng hào kiệt nhiều khi cũng tình
Cung xanh khi thả bọn mình
Trời cao đã bắt mang tình mà đi
Chữ tình là chữ chi chi
Càng văn chương lắm càng si vì tình…(4)
Anh chàng kia vốn là khách văn chương. Tình anh chàng không đến nỗi bạc đâu. Chị đừng trách mà tội nghiệp. Anh chàng vốn si vì tình. Nhưng tình si mà trí tỉnh. Cho nên không để lòng lôi cuốn vào con đường khó tới khó lui đó thôi.
Tâm phải luôn luôn đi đôi với trí mới khỏi bị vướng vào cảnh "giây rơm gánh đá", ân trước thù sau.
Theo thiển ý, sống trong trường tình cũng như sống trong trường thơ, suy tư là điều cần thiết.
Nhưng đứng trong địa hạt thơ, sao lại nói dông dài về tình như thế này? Đó cũng tại chị, tại chị đem một câu thơ dính đến một mối tình ra mà hỏi. Hỏi thì phải nói. Bởi cổ nhân dạy: Gặp người không đáng nói mà nói thì mất lời. Gặp người đáng nói mà không nói thì mất người.
Không muốn mất người nên tôi không dám không nói.
Mong chị thông cảm. Thông cảm cho phần tôi, thông cảm cho anh chàng cam tạ lòng cố nhân bằng bức văn chương, chớ không dám tạ lòng bằng chút tình xưa nghĩa cũ.
_________________________
(1)   Xem Lời Hẹn Ước ở trước
(2)   (3) Cổ thi: Khai đáo trà my ba sự liễu. Nghĩa là: Đến khi hoa trà my nở rồi thì công việc về hoa chấm dứt. Tức là hết mùa hoa (hoa trà my nở muộn hơn các hoa, nở cuối xuân)
(4) Không nhớ tên tác giả.




42. VĂN CHƯƠNG VÀ NGHÈO KHỔ

Nha Trang tiết Hạ Chí năm Nhâm Tý (1972)

Chị Thu Trang,
Tôi không nhớ rõ tác giả câu:
Con ơi chớ lấy chồng thi sĩ
Nghèo lắm con ơi khổ lắm con.
Là Nguyễn Bính hay Đinh Hùng. Mà của ai, của họ Nguyễn hay họ Đinh, câu ấy vẫn là "nguyên tắc rút nơi kinh nghiệm bản thân" vẫn là "lời tâm huyết" của người lịch duyệt Bởi Nguyễn Bính cũng như Đinh Hùng đều là hai thi nhân chính cống "nghèo lắm con ơi khổ lắm con"
Từ xưa đến nay các thi nhân có tài thường bị nghèo khổ.
Trước kia có Tố Như tiên sinh:
Thập khẩu đề cơ Hoành lĩnh Bắc
Nhất thân ngoạ bệnh Đế thành Đông.
Nghiã là:
Mười miệng đòi cơm ngoài cõi Bắc
Một thân nằm bệnh góc thành Đông. (1)
Gần đây ngoài Đinh Hùng, Nguyễn Bính, có Tản Đà, Hàn Mặc Tử… đều là những tài tử đa cùng.
Có phải vì văn chương sinh nghiệp chướng chăng?
Về điểm này, trong bài tựa cho tập thơ của Mai Thánh Du đời Tống, Âu Dương Tu đã nói rõ:
" Tôi nghe người đời nói: Thi nhân ít người thành đạt mà lắm kẻ khốn cùng. Phải như vậy chăng? Chỉ là vì những bài thơ được truyền tụng phần nhiều đều do người cùng khổ đời xưa làm ra. Phàm kẻ sĩ có điều gì uẩn súc mà không đem thi hành được ở đời, đều muốn phóng lãng ở ngoài cảnh núi gò sông bến, ngắm hình trạng cá sâu. thảo mộc, gió mây, điểu thú, thường xét cái kỳ quái của những vật ấy, mà trong lòng lại uất tích những ưu tư cảm phẩn, mới phát ra lời oán hận, che bai, để than thở cho ngưỡng kẻ ky thần, quả phụ, mà tả những cái khó nói của nhân tình. Vậy đời càng khốn thì thơ càng hay. Không phải thơ làm cho người ta khốn cùng, mà chính vì có khốn cùng rồi thơ mới hay… (2)

" Không phải thơ làm cho người ta khốn cùng, mà chính vì có khốn cùng rối thơ mới hay". Đã biết rõ như thế, nhưng khi bị khốn cùng, thi nhân vẫn không khỏi có ý oán văn chương:
Thảo ngay trải dạ với đời
Văn chương chẳng lẽ luỵ người thế ư? (3)

Tô Đông Pha, một bát đại văn chương, bị bọn gian thần đời Tống đem thơ văn ra sàm tấu cùng vua mà hết bị tù đến bị đày, nên có một tuyệt:
Thế gian sanh tử vọng thông minh
Ngã bị thông minh ngộ tử sinh
Đản nguyện tử tôn ngu thả độn
Vô tai vô hại đáo công khanh.
Nghĩa là:
Sanh con người ước thông minh
Mình thông minh hoá ra mình khổ thân
Nguyện sao con cháu ngu đần
Không tai không nạn mới lần công khanh.
Không thông minh thì làm gì có được thơ hay văn hay. Mà không có văn hay, thơ hay thì mới có chỗ để chứa sự ham muốn công danh quyền vị. Mà có công danh quyền vị thì mới được vinh thân phì da, tức là mới khỏi "nghèo lắm con ơi khổ lắm con"
Cho nên lòng mong con cháu ngu lại độn cũng là "kinh nghiệm bản thân" của nhà thơ chân chính.
Xưa cũng như nay đã đem kinh nghiệm bản thân đưa ra cho đời thấy, thế mà trên đời vẫn còn nhiều người ưng trở thành thi nhân và có nhiều người yêu quí thi nhân. Có nhiều bà vợ trong nhà không còn một đồng một chữ để làm cho đỏ lửa nơi đông trù, thế mà thấy chồng không có rượu để nhấm thơ, lại đem cầm cả món hồi môn còn sót lại:
Ái quân bút để hữu yên hà
Tự bạt kim thoa ký tửu gia
Tu đáo nhân gian tài tử phụ
Mạc hiềm thanh sấu tợ mai ba.
Nghĩa là:
Yêu chàng bút đọng ráng mấy
Trâm vàng đổi rượu lòng đây tặng chàng.
Khéo tu được xuống trần gian
Sánh đôi tài tử muôn vàn duyên may
Phấn hương riêng đượm tháng ngày
Chi hiềm sương gió hao gầy vóc mai.
                                                                               (quên tên tác giả)
Đã không than nghèo khó mà còn cho rằng kiếp xưa khéo tu nên kiếp này mới được sánh duyên cùng kẻ tài tử. Lòng yêu văn chương đến thế thật là hiếm có. Mà cũng nhờ những lòng hiếm có ấy mà trên đời còn có người cam chịu nghèo khó cùng văn chương:
Bách niên cùng tử văn chương lý
Lục xích phù sinh thiên địa trung
                                                                                   (Nguyễn Du)
Nghĩa là:
Văn chương thác vẫn đèo bòng
Thân trôi nổi mãi trong vòng kiền khôn
Và lại có người còn cao hứng ngâm to:
Giai nhân là báu của trời
Thi nhân là báu của người giai nhân
                                                                                   (Thơ Bút Trà)
Báu của Trời thì còn gì báu hơn. Không phải nói khoác. Cảnh giàu sang trên đời có ai hơn vua chúa. Nhưng có vua chúa nào giữ mãi được giàu sang cho đến ngoài trăm năm. Trái lại thi nhân tuy nghèo khổ, nhưng văng chương lại nuôi sống thi nhân đến nghìn thu, muôn thu, đến ngoài nghìn thu, muôn thu:
Khuất Bình từ phú huyền nhật nguyệt
Sở vương đài tạ không sơn khâu
                                                                                       (Lý Bạch)
Nghĩa là:
Đền đài vua Sở: Gò xanh
Trời trăng: Từ Phú Khuất Bình treo cao.

Chị Thu Trang,
Như thế, chị khuyên lũ con gái chị nên lấy chồng thi sĩ hay không nên lấy chồng thi sĩ? Và chị sẽ cho lũ con trai chị làm "của báu" của đời giai nhân hay là nguyện chúng sẽ ngu thả độn để đi đến công khanh./.
_________________________________________________
(1)   Thơ Nguyễn Du
(2)   Lời dịch của Nguyễn Hiến Lê trong Cổ Văn Trung Quốc
(3)   Thơ trong Nhánh Lục của Q.T