Những bức thư thơ 43.Tình thơ - 44.Thơ là gì?


43. TÌNH THƠ

Nha Trang tiết Lập Thu năm Nhâm Tý (1927)

Bạn Phương Phong,
Bạn bảo rằng thi nhân vốn đa tình, nhưng tình đều dồn cả cho tình nhân, nên không hề có thơ tặng nội tướng. Nếu bạn lên nắm chính quyền, chắc bọn làm thơ sẽ đi Côn Đảo nghỉ mát hết.
Xin ông bạn xét lại, xét lại cho họ nhờ. Họ yếu bóng vía lắm:
Hốt văn Hà Đông sư tử hống
Trụ trượng lạc thủ tâm mang nhiên
                                                                                 (Tô Đông Pha)
Nghĩa là:
Chợt nghe sư tử Hà Đông thét
Gậy rụng rời tay trống ngực dồn.
Cho nên họ thường bảo nhau:
Khuyên ai chớ sợ trời hơn vợ
Trời ở còn xa vợ ở gần.

Như thế mà bảo rằng họ chỉ dồn tình cho tình nhân thì oan cho họ quá!
Kìa ông bạn không thấy sao? Đông Hồ khóc vợ, nước mắt ngập cả hồ trăng Hà Tiên và rồi mỗi lần hạ bút là không quên Thất Tiểu Muội. Phan Sào Nam viết bài kể công Phan lão bà, lời lâm ly bi tráng ai nghe cũng cảm kích rơi lệ. Ông tú Trần Kế Xương tặng bà tú một bài thơ nửa chua chát nửa ngọt ngào:
Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi nấng năm con với một chồng
Lặn lội thân cò khi nước cả
Eo xèo mặt nước buối đò đông
Một duyên hai nợ âu đành phận
Năm nắng mười mưa dám quản công
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc
Có chồng hờ hững cũng như không.
Bà tú đọc thư, chắc vừa ngậm ngùi, vừa hứ, vừa háy:
Hờ hững mà có đến năm con! Nếu không hờ hững e phải "kế hoạch hoá gia đình" mới khỏi bị eo xèo mặt nước thêm năm bảy bậc nữa!
Và hơn nghìn năm xưa, thi hào Lý Bạch, một nhà thơ chỉ biết có rượu mà cũng không dám quên vợ, nên có thơ: Tặng Nội
Tam bách lục thập nhật
Nhật nhật tuý như nê
Tuy vi Lý Bạch phụ
Hà dị Thái Thường thê.
Tản Đà tiên sinh dịch:
Ba trăm sáu chục ngày trời
Ngày ngày say tít như đời con nê
Vợ chàng Lý Bạch ta kia
Như ai vợ Thái Thường xưa khác gì.
Thái Bạch uống rượu say thì ngủ li bì. Khi tỉnh dậy khen rằng mình đã tỉnh. Khen thì phải thưởng. Không thưởng bằng gì hơn bằng rượu.Thưởng rượu vào thì say. Say lại ngủ. Ngủ rồi tỉnh dậy. Tỉnh dậy lại thưởng. Vân vân...
Như thế một năm ba trăm sáu chục ngày, đều "tuý như nê". Thật chẳng khác ông Thái Thường ngày xưa coi việc hương khói trong các đền thờ các vị tiên đế. Ngày đêm phải giữ gìn sạch sẽ và phải luôn luôn có mặt nơi đền. Chỉ được nghỉ ngơi bữa rằm và mồng một. Nhưng Thái Thường lại theo đạo Phật, hai ngày ấy phải ăn chay và cữ mọi thứ trần tục. Cho nên suốt tháng đối với bà nội tướng đành "ái nhi viễn chi".
Hữu tình mà hoá vô tình
Người yêu đâu biết lòng mình thiết tha.
Chắc ông bạn đã thông cảm tấm lòng của thi nhân?
Nhưng đó là hữu tình trong hiện tượng vô tình.
Tình cảm của Thái Bạch chưa chắc đã kém tình cảm của Vị Xuyên, Sào Nam, Đông Hồ. Tôi xin kể cho ông bạn nghe mối tình của  Tô Đông Pha, để ông bạn thấy thêm rằng bọn thi nhân không đến nỗi tệ như ông bạn tưởng.

Tô Đông Pha cưới vợ lúc 18 tuổi. Vợ họ Vương tên Phất, 15 tuổi. Đến 30 tuổi thì goá vợ. Năm Ất Mão (1074) làm quan ở Mật Châu, Tô đã 40 tuổi, nằm mộng thấy vợ, dậy làm bài từ Giang Thành Tử, ghi lại giấc mộng:
Thập niên sinh tử lưỡng mang mang
Bất tư lương
Tự nang vương
Thiên lý cô phần
Vô xứ thoại thê lương
Túng sử tương phùng ưng bất thức
Trần mãn diện
Mấn như sương
Dạ lai ư mộng hốt hoàn hương
Tiểu hiên song
Chánh sơ trang
Tương cố vô ngôn
Duy hữu lệ thiên hàng
Liệu đắc niên niên trường đoạn xứ
Minh nguyệt dạ
Đoản tùng cương.
Dịch phỏng:
Mười năm sống thác đôi đàng
Nghĩ âu chẵng nghĩ nguôi càng khó nguôi
Nghìn trùng một nấm mồ côi
Biếtbao gió dập mưa vùi mà đau!
Cõi trần phỏng có gặp nhau
Bụi lầm mặt trắng mái đầu pha sương..
Đêm qua mộng chợp hồi hương
Tóc buông nửa mái thấy nường bên song
Nhìn nhau lòng chẳng ngỏ lòng
Giọt thương tâm những ròng ròng mưa sa
Tưởng chừng năm lại năm qua
Đồi thông đối bóng trăng tà nhớ nhau.
Vợ mất đà 10 năm mà tình còn tha thiết đến thế, huống hồ khi còn cay đắng có nhau, ngon ngọt có nhau, thì tình còn thâm hậu đến đâu nữa.
Nhưng tình thì có tình duyên, tình nợ và tình thơ.
Đối với vợ của các thi nhân thường thường tình duyên và tình nợ nhiều hơn tình thơ. Cho nên thi nhân ít hay làm thơ tặng quí bà, bỡi quí bà ưa thực hơn mộng. Chớ nếu quí bà thích nghe châu ngọc dưới nét chữ, đài điện trong hàng thơ, ráng mây trên mặt giấy thì dù "quĩ tài chánh của tâm hồn" có bị thâm hụt đến đâu đi nữa, thi nhân cũng ráng chạy để cung cấp đầy đủ cho quí bà.

Một lần nữa xin đem trường hợp Tô Đông Pha ra để minh chứng.
Bà Vương Thị mất, Tô Đông pha bị đi đày. Các thị thiếp trốn đi hết chỉ có Triêu Vân đi theo.
Triêu Vân tự Tử Hà, họ Vương, người Tiền Đường. Thông minh và thích việc nghĩa. Cốt cách tiên nữ, trang nhã thanh cao. Biết chữ. Trước kia chỉ biết ca múa. Từ khi theo chồng đi đày, nàng tập làm bếp. Thờ chống 23 năm, một mực trung kỉnh. Lúc nàng còn sống Tô công thường có thơ tặng. Lúc nàng qua đời công lại có thơ điếu, có bài ký thác vào bia.
Bà Vương thị mất lúc 27 tuổi. Lúc ấy Tô công 30 tuổi
Triêu Vân mất lúc 34 tuổi. Lúc này Tô công đã 61 tuổi
Nàng mất tháng 7 năm Thiệu Khánh thứ ba (1096) tại Huệ Châu, thì tháng 10 hoa mai nở rộ. Tô công làm bài từ Vịnh Hoa Mai theo điệu Tây Giang Nguyệt, âm thầm hoài niệm Triêu Vân:
Ngọc cốt na sầu chướng vụ
Băng cơ tự hữu tiên phong
Hải tiên thời khiển thám phương tòng
Đảo quải lục y yêu phượng.
Tố diện thường hiềm phấn uyển
Tẩy trang bất thốn tàn hồng
Cao tình dĩ trục hiểu vân không
Bất dữ lê hoa đồng mộng
Bài từ đã hàm xúc lại nói đến 1 giống mai đặc biệt, giống mai ở Huệ Châu. Cho nên cần dịch ra văn xuôi vừa giải thích đôi điểm, mới có thể nhận thức đầy đủ ý nghĩa:
Huệ Châu là nơi sơn cước ở cực nam Trung Quốc. Đến mùa Đông, mai nở, khí núi và sa mù bốc lên ngùn ngụt. Nhưng hoa mai vốn sẳn phong vận thần tiên, băng cơ ngọc cốt, có sợ gì chướng vụ.
Mai ở Huệ Châu cánh trắng nhưng đài hồng, nhuỵ hồng. Trong khi mai nở là lúc tiên ngoài biển sai xứ giả đi tìm các cụm cây thơm non trong đất liền. Các sứ giả ấy là giống chim mỏ đỏ lông xanh, khi đậu thì treo ngược lên cành. Tên gọi là Lục Y Yêu Phượng.
Trông thấy hồng chen lục, lục chen hồng, lửng lơ lơ lửng, không biết đó là hoa mai trong lá hay là sứ giả treo cành?
Hoa và chim. Có thể là hai. Cũng có thể chỉ là một.
Trong nơi chướng vụ, như hư như thực, phân biệt làm sao?
Vì cốt cách băng ngọc, vì phong vận thần tiên, hoa mai không cần son phấn điểm tô ở bên ngoài. Cho cánh dù rã mà nhuỵ vẫn còn hồng, và tình bay vút lên không trung hợp cùng mây hừng nắng sớm chớ không lẻo đẻo theo giấc mộng hoa lê.
Đó là cốt cách tinh thần của hoa mai Huệ Châu, là cốt cách tinh thần của Triêu Vân, là mối tình của Tô công đối với Triêu Vân hay chính là cốt cách tinh thần của Tô công, mối tình siêu việt, tinh thần siêu việt!

Riêng nói về mối tình.
Tại sao Tô công đối với Triêu Vân tình lại thâm hậu đến thế?
Là vì trong bao nhiêu năm nơi đất trích chẳng những nàng chia cay xẻ đắng trên đời thực tế cùng công mà cùng công nàng còn chung buồn chung vui về mặt văn chương nữa. Chính yêu nhau vì văn chương, yêu nhau mà văn chương nảy nở, văn chương giàu mạnh nên mới phát sinh ra tình thơ. Tình thơ đậm hay lợt do tình yêu sâu hay nông.
Nếu ông bạn muốn cho đích xác thì nên thể nghiệm.
Đối với vợ Tô Đông Pha chí tình, đối với tình nhân Tô công cũng tình lắm. Tôi xin kể cho ông bạn nghe câu chuyện xảy ra trong lúc Tô công bị biếm đến Hoàng Châu.

Ở Hoàng Châu công ngụ tại chùa Định Huệ, đêm đêm thường chong đèn ngâm thơ đọc sách. Có người con gái họ Vương tên Siêu Siêu, 16 tuổi, có nhan sắc, không chịu lấy chồng. Nàng thường núp nghe Tô công ngâm thơ đọc sách. Mỗi lần Tô công mở cửa trông, nàng lẫn trốn. Một hôm cha nàng bắt gặp. Nàng thú thật rằng trót yêu Tô công và xin cha đứng làm mai, để nàng được làm thứ thiếp.Thấy chí con đã quyết ông cha phải hứa, nhưng chưa kịp thi hành ý định  thì Tô công bị biếm đi nơi khác.
Siêu Siêu buồn rầu mà chết. Mộ chôn tại Sa Châu.
Sau đó Tô công trở lại Hoàng Châu, nghe chuyện, vô cùng thương xót. Bèn làm bài từ theo điệu Bốc Toán Tử, nhan là Cô Hồng để tặng anh hồn Siêu Siêu: (1)
Khuyết nguyệt quải sơ đồng
Lậu đoạn nhân sơ tỉnh
Thuỳ kiến u nhân độc vãng lai
Phiếu điếu cô hồng ảnh
Kinh khởi khước hồi đầu
Hữu hận vô nhân tỉnh
Giản tận hàn chi bất khẳng thê
Tịch mịch sa châu lãnh
Phỏng dịch:
Nửa trăng treo nhánh ngô gầy
Đồng hồ cạn giọt canh chầy vắng thiu
Thân nhàn lẻ bước tiêu diêu
Chơi vơi dặm biếc đìu hiu cánh hồng
Giật mình vội ngẫn đầu trông
Trần gian thức tỉnh giận không có người
Cành lạnh lẽo! Lá sương rơi!
Khôn tìm được chốn nghỉ ngơi
Sa Châu quạnh quẽ làm nơi gởi lòng!
Đó là Cô hồng, là Siêu Siêu, mà cũng là Tô công, tình lẻ loi, thân lẻ loi, lẻ loi nhưng cao sạch, thà chịu cô quạnh chớ không chịu dựng đâu đứng đó. Chim hồng đây và hoa mai kia thật chung cốt cách chung tinh thần.

Bạn Phương Phong,
Riêng nói về Tình Tô Đông Pha có thể đại diện cho giới thi nhân để biện minh cho lời buộc tội của ông bạn.
Và tôi xin thưa thêm cho ông bạn rõ:
Những món quà được nâng niu ấp ủ phải là những món quà thích hợp với sở háo của người nhận quà, càng thích hợp bao nhiêu càng được nâng niu ấp ủ bấy nhiêu. Như cừu non thì thích hợp với sở háo của đại bàng mà khong thích hợp với sở háo của phụng hoàng, trái trúc thích hợp với sở háo của phụng hoàng mà không thích hợp với sở háo của đại bàng. Tây Thi thì phải đem dâng cho Ngô Phù Sai chớ không nên đem dâng cho Liễu Hạ Huệ, vì Ngô Phù Sai biết làm nghiêng thành đỗ nước, còn Liễu Hạ Huệ thì coi nhà ngói như nhà tranh (2)
Các bà vợ của thi nhân phần nhiều là những bà thực tế quanh năm lo chăm sóc đời sống vật chất cho chồng cho con, đổ mồ hôi sôi nước mắt. Mặc dù hồn ở trên mây trên mưa, thi thân vẫn biết rõ được sở thích của vợ, nên lựa những vật gì vợ quí hơn thơ để tặng. Còn công ơn của vợ đối với mình thì ghi vào nhật ký, hồi ký. Nếu bạc phước vợ qua đời trước thì khắc vào bia, chép vào văn tế, như xưa nay đã lắm người làm. Vì vậy không có Tây Thi, không cừu non, Liễu Hạ Huệ, Phụng Hoàng có hờn có giận thi nhân đâu.
Nói tóm lại, tình của thi nhân đối với vợ cũng như đối với tình nhân thật chẳng khác hoa mai đất Huệ Châu:
Đảo quải lục y yêu phượng
Tẩy trang bất thốn tàn hồng
Cao tình dĩ trực hiểu vân không
Bất dữ lê ba đồng mộng.

___________________________
(1)   Có sách chép người con gái họ Ôn ở Huệ Châu. Nhưng câu chuyện không khác.
(2)   Ngô Phù Sai đời Đông Châu mê Tây Thi bị mất nước. Liễu Hạ Huệ đời Đông Châu là bậc thánh, con gái ngồi trong lòng vẫn không động tâm.




44. THƠ LÀ GÌ?

Nha Trang tiết Bạch Lộ năm Nhâm Tý (1972)

Em Chức Thành,
Em nói:
Thơ là gì?
Xin đáp:
Thơ là giai nhân.
Khách giai nhân được trăm năm yêu chuộng, nghìn thu để danh là nhờ ở tài và sắc.
Chung Ly Xuân có tài.
Dương Ngọc Chân có sắc.
Có tài không sắc là nước hoa thiên hương đựng trong chiếc ve sành. Có sắc không tài là chung vàng khảm kim cương dùng đựng rượu nhạt. Khách bàng quan trông vào có chỗ thương tiếc. Cho nên Lý Lạp Ông luận rằng:
Bồng môn bất xứng như ba mạo
Kim ốc nan tàng một tự bi
Nghĩa là:
Song bồng chẳng xứng mặt huê
Nhà vàng chi để chứa bia không lời.
Bởi vậy tài sắc phải gồm đủ mới xứng gọi là giai nhân. Và nội dung và ngoại diện phải gồm đủ mới xứng gọi là Thơ.
Nhưng trong Tuỳ Viên Thi Thoại có câu: Nữ tử dĩ sắc vi chủ nhi tài thứ chi.
Nghĩa là: Người con gái lấy sắc làm chủ lấy tài làm thứ.
Các bậc hièn triết ngày xưa, tức là những cụ không háo sắc, cũng vẫn để Dung đứng trước Công, Ngôn, Hạnh.
Cho nên đã là Thơ tức là giai nhân thì trước hết phải Đẹp.
Chắc em lại hỏi:
Đẹp là gì?
Xin đáp:
Đẹp là Hoàn Toàn, là Trọn Vẹn (Perfection).
Và xin nói thêm:
Thơ là giai nhân, mà giai nhân là hoa. Cho nên cũng như hoa, giai nhân đẹp nhiều vẻ.
Có vẻ đẹp thanh đạm, có vẻ đẹp kiều diễm.
Có vẻ đẹp nồng đượm, có vẻ đẹp lạnh lùng.
Có vẻ đẹp cao nhã, có vẻ đẹp đài các.
Có khi thật thà mà đẹp, có khi nhí nhảnh thành đẹp
Có khi vừa trông thấy liền yêu đương và muốn chiếm hữu. Lại có khi trông thấy lại sinh lòng kính sợ, khiến ưa thích nhưng không dám đến gần.v.v..
Mà đẹp thì có thể đẹp tiên thiên, có thứ đẹp hậu thiên.
Giọng nói, hồi chuông, môi cười nụ hương thắm, hồ thu dờn dợn nổi chìm đôi con mắt xanh, non xuân lặc lìa gần xa đôi chăn mày uốn… đó là thứ đẹp tiên thiên. Còn áo hồng thướt tha, giày hoa lững thững, má đào làn phấn mỏng, tóc huyền chiếc trâm vàng… đó là thứ đẹp hậu thiên.
Đẹp tiên thiên là của trời ban. Đẹp hậu thiên là của người tạo.
Chỉ có trời không có người thì là chậu hoa thuỷ tiên không bàn tay êm mềm tỉa xén. Chỉ có người không có trời thì là cột gỗ tạp thếp vàng son nơi công đường.
Đã biết rằng:
Em đây vừa đẹp vừa dòn
Dù không điểm phấn tô son cũng tình
                                                                                              (Ca dao)
Nhưng trước khi đem dâng Tây Thi cho Ngô Phù Sai, Phạm Lãi đã phải mất nhiều công phu để giáo dục và trang điểm. Chứ nếu cứ để y dáng cô nàng giặt sa nơi bàn thạch, thì dễ chi đã làm đổ quán siêu thành của nước Ngô.
Vì vậy có thiên tạo thì cũng phải có nhân công bài thơ mới hoàn toàn đẹp, và có tài cần phải có sắc mới có thể gọi là giai nhân. Có tài mà không sắc thì gọi là tài nữ. Có sắc không tài thì gọi là mỹ nữ. Tài nữ cũng như mỹ nữ đều không thể thoả mãn được sự đòi hỏi của người thơ. Thoả mãn được sự đòi hỏi của người thơ chỉ có giai nhân, nghĩa là chỉ có cái Đẹp hoàn toàn, cái đẹp của hoa mẫu đơn, tường vi, bạch mai, ngọc lan, kim cúc… vừa có sắc vừa có hương. Nếu phải thích một bên thì tạm nhân hoa hải đường, hao trà mi, hoa thược dược vậy.

Em Chức Thành,
Đối với người thơ yêu đẹp, Thơ là thế, Đẹp là như thế, Nhưng ở đời dễ gì tìm được cái hoàn toàn! Cho nên con người thơ luon luôn đi tìm Thơ, đi tìm Đẹp, và luôn luôn bất mãn với tác phẩm của mình. Có hiểu như thế, em mới thấy rõ lòng quí trọng giai nhân của làng thơ yêu Đẹp./.