Trong vườn hoa thơ Bài 16-Tiếp khách hoa thơ[2]

TIẾP KHÁCH HOA THƠ [2]
4. 

Lão đương cùng bác LA DUNG dạo vườn xem những khóm hoa thu trổ nụ, thì TUYẾT NGA đón hỏi: - Để khỏi phụ lòng cổ nhân, xin hãy cho biết làm thế nào biết được rằng có thi cốt hay không thi cốt?
Theo ý Hứa Hồn, lão vườn nhủ rằng:
Ngâm thơ cốt tợ thành tiên
Không thơ trong cốt chớ phiền ngâm thơ 
(Do câu: Ngậm thi hảo tợ thành tiên cốt / Cốt lý vô thi mạc lãng ngâm)
LA DUNG cười: - Có khó khăn gì. Hễ người có thi cốt thì không nghĩ tục, không nói tục, không làm tục.
Lão tiếp:
-  Đúng vậy nên cổ thi có câu:
Bất tục nãi tiên cốt
Đa tình thi phật tâm.

Nhưng muốn trở thành một thi nhân có tác phẩm bất hủ, thì chỉ có thi cốt vẫn chưa đủ, mà còn cần phải có thi tài, thì là có giống tốt mà không có đất thích nghi. Có thi cốt thi tài mà không thi học, thì là có giống tốt đất tốt mà thiếu phân nước bón tưới. Bởi vậy có nhiều người có thi cốt thường gọi là người có tâm hồn mà suốt đời không có thơ truyền tụng. Đó là vì thiếu thi tài và thi học. Lại có lắm người lúc trẻ có nhiều giai phẩm, nhưng tinh ba chí phát lộ trong nhất thời; rồi ngày tháng trôi qua, giá trị văn chương hoặc nằm cầm chừng lại đó, hoặc đi xuống lần lần. Đó là vì vậy mà không chịu học vậy.

TUYẾT NGA: - Có thi cốt thi học mà không thi tài thì sao?
-  Công học tập sẽ tạo nên tài. Sanh ra có tài đó là nhờ thiên phận. Người đời gọi những người có thiên phận là những bậc thiên tài. Còn những người nhờ công phu học tập mà trở nên tài, là những bậc thần hoá. Thơ của những bậc thiên tài thường thanh thoát cao siêu. Thơ của các bậc thần hoá thường uẩn tạ thâm viễn…
-  Còn có thi tài thi học mà không thi cốt thì sao?

LA DUNG: - Chữ ART là nghệ thuật, sanh ra chữ ARTISTE là nghệ sỹ, và chữ ARTISAN là thủ công. Những người có thi tài và thi học mà không thi cốt, thì trở nên những nhà thủ công, làng thơ gọi là "thi công" tức là những ông "Thợ Thơ".
Lão biểu đồng và tiếp:
-  Những ông thợ khéo gọi là lương công, những ông thợ khéo mà nổi danh gọi là danh công. Làm nên được một lương công, một danh công cũng là một việc rất khó: phải tốn công phu rèn luyện lâu ngày.
TUYẾT NGA: - Nói tóm lại. Muốn trở thành một thi nhân đúng với danh nghĩa của chữ (un vrai poète) thì phải có đủ ba yếu tố: THI CỐT, THI TÀI, THI HỌC….
Lão cướp lời:
-  Nếu rủi phải thiếu một, thì nên chịu thiếu thi học, còn thi cốt nhất thiết phải có..
LA DUNG: - Nếu không thi cốt thì nên nghe lời Hứa Hồn: “ Mạc lãng ngâm”. Vì làm một thi công dù có nổi danh đi nữa cũng chả “thú vị” gì. Để thì giờ làm thơ mà làm việc khác bổ ích hơn.
Lão cười: - Ý kiến của bác giống ý kiến Viên Tử Tài, trong Tuỳ Viên Thi Thoại: “Ông Cao Dao làm lời ca, ông Ích Tắc không nghe có lời ca; ông Châu, ông Thiệu làm thi, ông Thái Công không nghe có thi; thầy Tử Hạ, thầy Tử Cống nghe thường nói thi, thầy Nhan thầy Mãn không nghe nói thi… Như thế, người đời gắng gổ làm thi mà làm chi vậy?.  Viên nói ra lời đó là vì những người trong cốt không thi mà sính làm thi vậy.
TUYẾT NGA: - Nếu đủ cả ba yếu tố cốt, tài, học, thì có nhất thiết trở thành thi nhân chăng?
LA DUNG: - Còn cần phải tu luyện nữa. Có tu luyện mới có pháp thuật, mà tu luyện có công phu, pháp thuật mới cao cường. Người học thơ cũng như người học đạo, phải dày công.
Lão hỏi: - Ông bạn muốn nói đến vấn đề kỹ thuật chớ gì?
-  Phải. Một nhà thơ nắm vững kỷ thuật cũng như một nhà tu hành đắc đạo có tài đáo hải di sơn… Có tài biến không làm có… Mà trong thuật làm thơ, việc dùng chữ là một trong những yếu tố thành công. Có phải chăng lão vườn?
-  Chính thế. Trong câu thơ, mỗi chữ ngoài nhiệm vụ chung là cấu tạo, còn phải có một tác dụng riêng là sáng tạo. Nghĩa là một chữ đã dùng thì chữ ấy chẳng những làm cho câu thơ hoàn thành, làm cho câu thơ đủ nghĩa mà tự nó phải nói lên, phải gợi ra một cái gì thêm. Nói một cách khác: mỗi chữ phải có công dụng kiến thiết, vừa phải có khả năng sáng tạo. Mà muốn tìm được những chữ có đủ “tư cách”, đủ “điều kiện”, nhà Thơ cần phải thôi xao… Những chữ á trệ, những chữ hối tịch, tức là những chữ ngọng nghịu, tối tăm, những chữ chết mà Tàu gọi là tự tử, Tây gọi là poids mort, nhất định phải tránh. Cố Văn Vy đời Thanh có câu rằng:
Vị cầu nhất tự ổn
Nại đắc bán tiêu hàn
Nghĩa là: “Vì cầu một chữ ổn đáng mà chịu được nửa đêm lạnh”. Xem thế thì biết người xưa lựa chữ công phu biết bao nhiêu. Đời nay, nhiều người lẫn lộn thị phi, thường đem lời chỉ trích.
TUYẾT NGA: - Quả vậy. Họ bảo rằng cứ để chữ tuôn theo giòng tư tưởng một cách tự nhiên thì thơ mới có thần, chớ không nên gò gẫm mà làm mất sanh khí.
LA DUNG: - Ai bảo gò gẫm làm gì cho mất sanh khí. Thôi xao đâu phải gò gẫm. Thôi xao là cân nhắc, là lựa lọc. Cân nhắc, lựa lọc để tìm cho những chữ thích nghi mà dùng cho ổn đáng. Còn gò gẫm là lo tìm chữ  cho mới, cho lạ, cho kêu.. để đối chọi cho sít, để làm cho câu văn có vẻ khác thường.. mà không cần đến ý nghĩa cho lắm. Một bên nặng về nội dung, một bên chỉ chuộng về hình thức. Không nên lầm lẫn vàng thau. Phải thôi xao, nhất định phải thôi xao, vì có nhiều chữ đồng một nghĩa, mà dùng chữ này thì câu thơ mới nổi bật, còn dùng chữ kia thì câu thơ lại chìm lỉm. Ví dụ bài “Sợi tơ mành” của Liên Tâm sau đây:
Thành xa mấy lượt trống sang canh,
Tựa án mình riêng cảm nỗi mình!
Cao cả chưa đền ơn chín chữ,
Nặng nề thêm ngán nợ ba sinh.
Chòm hoa dưới nguyệt so le bóng,
Tiếng hát bên sông bận bịu tình.
Nhện báo tin gì sa trước mặt?
Gió đưa lăng líu sợi tơ mành.

Sáu câu sau có thể gọi là hoàn hảo. Luận và kết nhập điệu. Song câu khởi non, câu thừa kém. Rất tiếc không quen biết tác giả để đề nghị sửa chữa cho được toàn bích.
Lão nói:
-  Sợi tơ mành” ra đời đã trên 20 năm nay. Tác giả hiện giờ ở đâu thật không ai biết. Nhưng vốn chỗ quen thân với lão, nên thay mặt tác giả, lão xin ông bạn phủ chính dùm cho.
LA DUNG cười: - Không đợi Lão Vườn xin, DUNG nầy cũng đã tự tiện sửa lại từ lâu, vì mỗi bận cao hứng ngâm nga, thấy không được sướng lô miệng.
-  Xin cho nghe.
-  Câu đầu chữ  “LƯỢT” đổi ra chữ “BẬN”. Câu thứ nhì bỏ hai chữ “Tựa án” ra, thay chữ “thổn thức” vào, và đem chữ “chạnh” thế cho chữ "Cảm”. Thử nghe xem:
Thành xa mấy bận trống sang canh
Thổn thức mình riêng chạnh nỗi mình.
Lão vỗ đùi khen:
-  Hay! Giỏi! Những chữ sửa như thế, sách Tuỳ Viên thi thoại gọi là “Hồng lô điểm tuyết” nghĩa là những điểm tuyết trắng trong lò lửa hồng.
TUYẾT NGA: - Câu thừa sửa lại. Nga công nhận là hay hơn nguyên tác: Hai chữ "tựa án” trong nguyên tác chỉ có công dụng làm cho câu thơ đủ số chữ, chớ không nói lên được gì có ý vị. Chữ “cảm” ý nhẹ quá không xứng với ý các câu tiếp. Bác LA DUNG sửa lại như thế chẳng những đã thêm tình tứ cho câu thơ, mà ý thơ lại còn thừa thượng tiếp hạ một cách sít sao. Cái hay trong câu đó dễ thấy. Còn về câu “Thành xa..” thú thật rằng Nga chưa thấy chữ BẬN hơn chữ LƯỢT ở chỗ nào?

LA DUNG: - Sự hơn kém rõ rệt lắm: Câu thơ nhuận sắc đọc lên nghe ấm áp như ngồi nói chuyện trong phòng khách, còn câu nguyên tác đọc xong không còn chút đỉnh dư âm nào cả, thật chẳng khác tiếng nói ở ngoài trời.
TUYẾT NGA: - Tại sao thế?
LA DUNG: - Nhờ trực giác mà Dung này nhận biết được như thế, nên không thể giải thích được “tại sao”.
Lão cười: - Tại vì chữ BẬN có hướng có lượng hơn chữ LƯỢT chớ còn tại sao nữa.
TUYẾT NGA: - Chưa đủ sức lãnh hội. Mong được nghe thêm.

-  Quả như lời Bác La Dung: Với chữ LƯỢT, câu thơ đọc nghe bằng phẳng, không có dư âm, không làm cho người đọc chủ ý. Thay chữ BẬN vào, câu thơ tự nhiên thêm trọng lượng và đọc lên nghe dường có tiếng trống vẳng bên tai. Tại sao vậy? Tại vì chữ  LƯỢT thuộc loại Thiệt âm, dài và hẹp nên bổng, không giữ dư âm được lâu bền, nên không đủ sức gây thêm âm hưởng cho câu thơ, thành ra hơi thơ loảng. Còn chữ BẬN thuộc loại Thần âm, mập mạp nên trầm; âm hưởng của chữ giúp cho nhạc thơ trở nên dài và ấm, đọc lên chúng ta cảm thấy ngay câu thơ “lên cân”. Thêm nữa chữ BẬN đồng một âm loại với chữ BÙM vọng lại âm vang, đọc lên, trí chúng ta liên tưởng ngay đến tiếng trống và tai chúng ta thấy rõ khả năng sáng tạo của chữ BẬN dồi dào biết bao nhiêu !
TUYẾT NGA trầm ngâm giây lâu rồi nói: - Phải cho rành luật thanh âm thì mới có thể nhận thức tinh tường như thế. Sau khi nghe lão vườn, NGA xin phục bác La Dung, và xin công nhận rằng chữ BẬN đã làm tăng giá trị câu “ Thành xa…”. Nhiều lắm.
Lão cười :
-  Cho nên người xưa thường tôn làm thầy những ngừơi sửa cho một chữ ổn đáng: Thầy một chữ (nhất tự sư). Mà tôn làm thầy phải lắm, vì nhất tự hưng, nhất tự vong: một chữ  mà làm cho câu thơ chết trở thành sống, thì giá trị của chữ ấy cao đến bậc nào!

LA DUNG: - Lại nhiều khi giá trị câu thơ thay đổi theo sự thay đổi vị trí của một hai chữ trong câu. Xin lấy bài THU SANG của Lão Vườn làm ví dụ. Bài ấy trước kia nghe đọc rằng:
Khắp nẻo hồng mai trải lá vàng,
Đàn ve dắng dỏi đón thu sang…
Lòng ơi, chớ để đêm trăng lạnh
Giấc mộng gia hương bướm phụ phàng.

Vừa rồi xem bản thảo ĐỌNG BÓNG CHIỀU thấy sửa câu đầu lại rằng:
Khắp nẻo hồng mai lá trải vàng.
Nghĩa là chữ LÁ đem lên trên, chữ TRẢI đem xuống dưới. Chỉ thay đổi vị trí của hai chữ ấy, mà giá trị câu thơ hơn kém nhau rất xa! Câu nguyên tác tả một cảnh thường, một cảnh quá thường và không linh động. Còn câu nhuận sắc gợi lên một cảnh rực rỡ và hoạt động, rất nên thơ.
TUYẾT NGA: - Để tán mỹ lời phê phán của bác La Dung, NGA xin góp thêm phần nhận xét: Vì sao cảnh tả trong câu nguyên tác là một cảnh tầm thường và không linh động? Là vì trong câu, chữ LÁ là phần tử chính, là than chốt của câu, mà LÁ VÀNG tự nó không có gì mới lạ, lại không nói lên được chút gì khác thường. Thêm nữa chữ VÀNG đi sau chữ LÁ gợi ngay trong trí người đọc, một màu sắc vàng úa đã không thích mắt lại còn nhuộm thêm vẻ tiêu điều…
LA DUNG ngắt lời: - Trong sắc vàng úa vẫn có cái ĐẸP, trong cảnh tiêu điều vẫn có cái THÚ. Mà có đẹp có thú tức là có Thơ kia mà?
TUYẾT NGA: - Tôi không phản đối. Song chỉ đẹp, chỉ thú, chỉ nên thơ khi nào bức tranh kia linh động. Cảnh tả trong câu “ … trải lá vàng”, không chút linh động. Đó là vì chữ LÁ thành phần chính trong câu - đứng sau chữ TRẢI, phải đóng vai bị động, nên mang tánh cách tiêu cực, không gây được sức sống cho câu thơ. Trái lại, một khi được đưa lên trên chữ TRẢI, thì lá liền trở thành chử động. Với tánh cách tích cực, LÁ làm cho câu thơ đầy sanh khí sanh lực và rực rỡ sắc hoàng kim, bằng cách “trải vàng” trên “khắp nẻo hồng mai” vậy.
Câu nhuận sắc hay hơn câu nguyên tác là vì thế, có đúng chăng hai ông bạn già?
Lão đáp:
- Cô bạn trẻ nói rất đúng. Và xem đó chúng ta thấy rõ rằng phép dùng chữ cũng như phép dùng tướng: Phải biết rõ sở đoản và sở trường, lại phải dùng cho đúng chỗ, Sở Bá Vương lực bạt sơn, chí cái thế, mà phải thua Hán Cao Tổ, một anh trùm làng hiếu sắc, chỉ vì không biết dùng người đó thôi.
TUYẾT NGA: - Và Khổng Minh điều khiển được Quan Vân Trường và Trương Dực Đức được dễ dàng là vì nắm được ưu điểm và nhược điểm của Quan Trường.
Lão cười:
-  Nhưng chớ tự phụ. Khổng Minh đã phải khóc tấm tức tấm tưởi, sau khi thua trận Nhai Đình, vì không nghe lời Lưu Huyền Đức, dùng lầm Mã Tắc là “một chữ rỗng nhưng rất kêu”.
Và Khổng Minh cũng dùng nhầm Lý Nghiêm làm tư lệnh hậu cần, bị nó giã chiếu triệu về (vì không lo kịp lương phải cách chức nó.)



5.

Chị Ngọc Sương là chị ruột cố thi sỹ BÍCH  KHÊ, là người mà Hàn Mặc Tử mới nghe tên đã “phải lòng” và thốt:
Ta đề chữ ngọc trên tàu lá,
Sương ở cung Thiềm nhỏ chẳng thôi.
Chị đến thăm Vườn với một bó hoa thơ mới nở và đầm đìa giọt sương mai:
Sương óng ánh cành mai ngời suốt bạc,
Hồn trắng trong mát dịu mắt thi nhân.
Mỗi ban mai sương đọng lá xanh ngần
Bay phơi phới trong bầu trời sáng láng.
Sương tươi mát những cành cây nức rạng.
Những mái nhà nóng bức dịu hơi sương.
Sương ấp yêu hoa cỏ cãnh ven đường,
Giòng thi tứ tình sương khơi tuyệt tác.

Đó là những “giọt sương” trích trong bó hoa thơ tác giả tặng cho Lão vườn.
Lẫn lộn cùng những giọt sương trong sáng và dịu mát, Lão vườn lại nhận thấy những giọt lệ đeo nặng trên những cánh hoa tươi:
Đời tôi xa cách bạn vàng,
Đời tôi sống giữa ngày tàn hắt hiu.
Đời tôi là bến cô liêu,
Chiều sương xuống lạnh lạnh nhiều bạn ơi!

Đời tôi còn một ngày vui,
Bóng chàng trở lại mới nguôi lòng sầu.
Ai làm nên cuộc bể dâu,
Cho thương nhớ trải bạc đầu mái xanh.
Đời đang cuộc sống yên lành,
Ai đem chia biệt bức thành mấy gang!

Đời tôi cuộc sống lỡ làng,
Vơi sầu đêm gảy khúc đàn năm canh.
Tình tang! ơi! ơi! tình anh!
Nhớ sâu đáy nước thương xanh cao trời!

Ngày mô trời sáng rực đời,
Vui bên mắt ấm, bên lời ấm êm,
Thì tôi gảy khúc nhạc đêm,
Tình tang tích tịch nhộn lên tiếng.. chàng…!

Đó là những mảnh lòng không cần biết tác giả, chỉ đọc qua mấy lời tâm sự, cũng đủ biết tình cảnh đau đớn như sao!
Đọc bài “Đời tôi” trên đây của chị Ngọc Sương, lão vườn nhớ đến bài “Sinh ly biệt” của Bạch Cư Dị:
Thực bách bất dị thực mai nan.
Bách năng khổ hề mai năng toan!
Vị như sinh biệt chi vị gian,
Khổ tại tâm hề toan tại can.
Thần kê tái minh tàn nguyệt một,
Chinh mã liên te hành nhân xuất.
Rồi khan cốt nhục khốc nhất thanh,
Mai toan bách khổ cam như mật.
Hà thuỷ bạch,
Hoàng vân thâu….
Hành nhân hà biên tương đối sầu.
Thiên hàn lộ khoan hà xứ túc?
Đường lê diệp chiến phong sưu sưu.
Sinh ly biệt!
Sinh ly biệt!
Ưu tùng hà lai vô đoạn tuyệt ?
Ưu cực tâm lao huyết khí suy,
Vị niệm tam thập sinh bạch phát!
Tản Đà tiên sinh dịch rằng:
Sung, mơ ăn khó ai ơi!
Sung ăn thời chát, mơ thời chua sao!
Chưa bằng sống biệt ly nhau,
Ruột gan chua chát lại đau bội phần
Lầu trăng gà gáy hai lần,
Hét luôn tiếng ngựa giục dần khách xa
Trông nhau một tiếng khóc oà,
Mơ chua sung chát như là mật ngon!
Nước sông trắng mây vàng tuôn,
Kẻ đi người ở cơn buồn bên sông.
Ngủ đâu? trời lạnh đồng không!
Đìu hiu ngọn gió loạn rung lá đường.
Biệt ly lúc ấy lạ nhường!
Mối lo chẳng rứt từ phương hướng nào?
Quá lo huyết khí tiêu hao,
Chưa ba mươi tuổi tóc sao trắng rồi!

Ai đã từng nếm vị sanh ly mới thấu nổi chua chát của Ngọc Sương và Bạch Cư Dị. Đem sánh cảnh sanh ly với cảnh tử biệt, thì kẻ sanh ly chỉ hơn kẻ tử biệt bằng những hàng lệ thấm hàng thơ! Cổ nhân có câu:
Nhược tỷ cửu nguyên tuyền lộ biệt,
Chỉ đa hàm lệ nhất phong thư.
Nghĩa là:
So cùng chín suối xa xôi,
Chỉ hơn hàng lệ sụt sùi trong thơ.
Đó là vì quá buồn mà than vậy thôi, chớ:
Số khá bỉ thôi thời lại thái,
Lẽ thường đông cuối trở sang xuân
                                                                                (Nguyễn Công Trứ)
Và:
Ly biệt có từng cay đắng trước,
Tương phùng mới biết mặn nồng sau.
                                                                                (Khuyết danh)
Cho nên dưới lớp giá lạnh lùng, mầm non đã ngấm ngầm thai nghén. Và một ngày kia, bỉ cực thái lai, thì:
Từng dĩa ngọc trăng vàng bay nghi ngút,
Từng bát sao long lanh màu sáng rực,
Từng tiềm hoa, ngào ngạt vị hương nồng,
Gió lam chiều đến  quyện nước khơi sông,
Chung một món rượu nồng say gió nước,
Một bản nhạc muôn lời ca náo nức
Trên cành vàng chim cất tiếng chân reo.
Gót nhạc sen tiên bạn nhịp nhàng theo,
Tình bốn hướng dồn trên muôn sắc lá,
Nhạc khiêu vũ lòng hoà vui rộn rã
………………………
Vợ chồng tiên hoà điệu giữa lòng con,
Xoá trên mi những ngày tháng mỏi mòn,
Đời gắn chặt hoa hồng trên môi thắm.
Ngày nào đó mở trang đời ra ngắm,
Nhìn biệt ly ghi đậm nét đau thương,
Ta cười vang châu ngọc toả sáng đường,
Thành nhung gấm bước nhịp nhàng êm ái.
                                                                                (Mở Hội - Ngọc Sương)

Và nhân lúc xuân đến, ra vườn hái hoa về phòng “Cắm hoa chờ”:
Em cắm lọ hoa hồng,
Chờ anh trong xuân mới.
Lòng em dường phơi phới
Nghe hương đượm trời xuân.
Lòng em dường lâng lâng
Nghe hương reo trong lá
Có tiếng gì thong thả?
-  Ý gió lộn màu xanh.
Có tiếng gì thanh thanh?
-  Nhạc hồn ru bóng mộng.
 Tình mở giăng trời rộng.
Anh nguyệt ngời lưu ly..
Nghe hương nở hồn thi,
Nghe hương dồn xuân thắm,
Bên mối tình đầm ấm,
Giữa khoảng đời thơm thanh.
Vần Lý Bạch long lanh
Say trong niềm thương nhớ
Cùng với hoa hồng nở
Chờ anh về trong xuân,
Cùng với nụ xuân tình,
Cười say xuân nồng ấm.

Hy vọng tràn đầy và tuộn thành những vần thơ trong sáng.
Bó hoa thơ của chị Ngọc Sương vốn đem tặng riêng cho lão. Song nghĩ đến câu chuyện lão được nghe ông già bà cả kể lại lúc lão chưa lên lão, mà lão sợ..

Chuyện rằng:
Ngày xưa có một người suốt ngày suốt đêm nằm giữ một kho tiền của chủ. Đói khát đã giơ sương mà hắn ra không dám rời kho tiền để đi ăn đi uống, mà cũng không dám lấy một đồng trinh để mua bát cơm bát canh. Một ông thổ thần đi ngang qua, thấy tình cảnh đáng thương, về trời tâu cùng Thượng Đế, xin thưởng cho con người có nghĩa. Thượng Đế liền quở:
-  Có nghĩa gì mà có nghĩa? Kiếp trước hắn là một đứa keo kiệt, ích kỷ. Có vật gì tốt đẹp, có biết được gì hay ho thì hắn cứ giữ bo bo  riêng cho mình hắn. Nên nay ta đày làm kiếp Mọi giữ của để răn đời.
Nghĩ đến chuyện đời xưa ấy, lão sợ cho kiếp sau của lão, nên lão không dám giữ riêng bó hoa thơ của chị Ngọc Sương. Lão lấy ra đôi nhánh đem chưng bày trong vườn hoa thơ, để trong lúc xuân về, quí khách yêu hoa trong bốn phương đồng lãm, hầu mong kiếp sau, lão khỏi làm kiếp...




6.

Tiết vừa sang hạ mà nắng thật đã gắt gao! Chợt nhớ bài thơ của ông Tú Vị Xuyên:
Trời làm đá nát lẫn vàng sôi
Thiên hạ trông mưa đứng lại ngồi.
Ngày trước biết gì ăn với ngủ,
Bây giờ lo cả nước cùng nôi
Trâu mừng ruộng nẻ cày không được,
Cá sợ ao khô vượt cả rồi.
Tình cảnh nhà ai nông nổi ấy,
Quạt mo phe phẩy một mình tôi.

Đứng dưới gốc cây mận trong vườn, lão vừa phe phẩy quạt mo vừa ngâm khẽ khẽ bài thơ của ông Tú.
Con trâu của ông Tú thấy nắng nôi thì “mừng ruộng nẻ không cày được” còn lão nhìn “đất nẻ” lại lo ngại cho cảnh vườn hoa thơ. Một ông bạn láng giềng, bác Hương Khê trông thấy dáng lo ngại của lão, bèn vạch rào sang vỗ vai lão và ngâm:
Vườn thơ Lành Mạnh hết hoa tươi,
Lão giữ vườn hoa mếu máo cười
Không đợi ông bạn dứt lời, lão ngâm tiếp:
Vườn dẫu không hoa hương vẫn ngát
Quanh giàn hoa lý lá trăng rơi.
Rồi hai khuôn mặt nhăn nheo móm mém nhìn nhau cười tích tác. Chợt người phát thơ đem vào cho một chiếc hộp nhỏ niêm phong cẩn thận. Vội mở ra xem thì chỉ có một cành hoa hai đoá của Tùng Chi từ bờ sông Đông Ba Huế gởi đến:
Ấp ủ lòng hoa sương phủ lạnh,
Đón ngăn đường mộng núi giăng xanh.

Đó là mảnh tâm sự gói ghém thành 2 đoá cẩm nhung mùi hương hơi cay cay đắng đắng.
Kế đó khách yêu hoa xa gần lần lượt đến thăm vườn và tặng hoa. Lão nhìn thấy khuôn mặt của ông bạn Hương Khê trở nên đầy đặn. Lão rờ thử lên mặt lão thì thấy cũng bớt móm và bớt nhăn: Té ra khi có điều vui thì lòng già non trở lại. Hương Khê ngó lão mà cưỡi, lão cũng ngó Hương Khê mà cười, rồi cùng nhau đi đón khách và nhận quà. Quà khá nhiều.
Đây một nhánh hoa duyên dáng nhất trong bó hoa của ông Thanh Trúc ở Thôn Mỹ Đức, quận Bình Khê, tỉnh Bình Định:
Giải trí hằng ngày đem sách đọc,
Sợ già mỗi bữa lấy gương soi.
Hoa ông già mà có duyên quá!
Ông Lý Lạp Mai ở Tuy Hoà cũng có duyên già như ông Thanh Trúc, nhưng khác ông Thanh Trúc, Lạp Mai tôn ông lại không ham sách không thích gương, vì:
Mở sách chỉn e lờ nét chữ,
Gần gương những sợ bạc hàm râu!
Ông già này lấy nhân làm quả. Thật là “liến”
Trong các bó hoa khác, gương và sách vẫn thấy gói theo nhiều. Như:
Buồn xích gần gương cho có bạn,
Rảnh năng lấy sách để tìm thầy.
Của ông Bích Hồ ở Đà Lạt, trong bài “Một mình”. Chỉ có một mình mà vẫn tìm có thầy có bạn. Ông già này thật có tài “biến hoá”vậy. Ông Xương Huân ở Nha Trang, trong bài “Tuổi già” có câu:
Khen lão còn xuân gương tủm tỉm,
Sợ già lú chữ sách nghê nga.
                                        V.v...
Mà chẳng phải chỉ các bạn già thường nhắc đến gương đến sách, mà bạn trẻ cũng rất ưa sách ưa gương:
Trông gương mình thấy mình: Thương quá!
Ai thấy mình, ai nỡ chẳng thương?
Của Xích Tùng, một chàng trai còn “bảo thu miên”
Vợ ngủ, chong đèn nằm đọc sách,
Bạn về, tựa cửa đứng trông mây.
Của Thạch Bích người đã từng nghe tiếng thích thơ của sỹ tử song chưa được nghe tiếng khóc của Khánh Thuận:
Đường khuya mai liễu tạnh phong trần,
Mở sách mong tìm bóng mỹ nhân.
Lan Lý vườn bên hương nở thắm
Ngập ngừng theo gió lọt song vân.

Đối với gương với sách, thì già có cái thú của già, trẻ có cái thú của trẻ. Nhưng lão lấy làm lạ rằng trong những món quà lão nhận được ngày hôm qua, sách và gương thiêng hẳn về nam giới. Bên nữ giới chỉ có 2 câu của Hồng Vân:
Kim chỉ lẽ đâu rời mặt sách,
Phấn son chi để thẹn lòng gương.
Đó là lời nói của người cầu tiến và chăm tu dưỡng. Và đó là lời của lí trí. Hồng Vân còn một câu tâm tình:
Trót thương, khổ quá! thương là luỵ!
Toan dứt, than ôi! dứt chẳng đành!
Đều là những đoá hoa đáng nâng niu.
Người bạn thân của Hồng Vân là Thanh Thuỷ cũng có một kiên khả ái:
Biết phận bèo mây là phận mỏng,
Riêng tình sông biển vẫn tình thâm.
Câu nầy cũng như câu “Trót thương” là khổ qua hầm thịt nạc. Có nếm thì nuốt mau chớ đừng chíp chắp.

Trong những bó hoa thơ của các bạn gái, lão nhận thấy có nhiều đoá thật đẹp, song dưới sắc đẹp luôn luôn hiện nét buồn, như:
Vị trà hoà ánh trăng trong
         Tâm hoan nhắp chén đắng lòng cố nhân.
Của Chức Thành:
Trăng vàng lờ rạng sông xanh,
Nhớ thương đứt ruột vẫn đành thờ ơ!
Của Như An:
Cũng chung tình cảnh cùng Chức Thành và Như An, Mỹ Dung có câu:
        Đã ngăn cánh bướm tìm theo mộng
Còn ngắm hoa đèn nán đợi tin!
Và câu:
Vắng thơ thổn thức can tràng,
      Được thơ lại sợ, vội vàng trả thơ!
Nghĩ cũng tội. Nhưng:
Trăm năm trong cõi người ta
   Tu là cõi phúc tình là giây oan.
Ai bảo các chị có tình?
Bác Hương Khê đồng ý, nhưng rồi cười hả hả và ngâm:
Bất tục mãi tiên cốt,
Đa tình thị phật tâm.
Đoạn trao cho lão xem những nhánh hoa khả ái bác đã lựa được trong những bó hoa của các em học sinh. Đây nhánh hoa “Đàn hồn vọng nguyệt” của Duy Trang:

Nhạc trầm hương êm vút
Phiếm lệ rủ hồn ca
Chiêm niệm người năm trước
Hồn phiêu bạc trời xa…

Kinh thành ơi! Kinh Thành!
Đêm nay trăng còn xanh?
Lối xưa quen tình tự
Hoa bướm kết duyên lành?

Từ mắt khép hồn say
Ta đi tìm tình vơi đầy
Dù phương xa gió lạnh
Và mưa sầu loạn bay.

Rồi nay rằm tháng tám
Thương nhớ về kinh thành
Hồn hương theo khói xám
Người phương nào? Mây xanh!

Còn đây trang tình sử
Đây mộng vàng xa xôi
Đây tóc thề duyên cũ
Hương thoảng tình chưa vơi…

Nhạc trầm hương sầu ngút
Phiếm lạnh rồi ly ca
Chiêm nghiệm người năm trước
Hay chiêu niệm hồn ta?

Và đây nhánh hoa “Hoang sầu” của Cao Hoàng Nhân:
Trăng sầu viễn xứ
Gió siết hồn hoang
Cô độc nghìn xưa vè chế ngự
Mắt xanh tươi bở ngỡ kinh hoàng.
Người xưa độc ẩm
Rượu bồ đào thơm phảng phất không gian.
Lạnh lùng nghe bọt sóng
E ấo dạo cung đàn
Kiêu căn nhìn bão thét
Rung rinh đồi Hy Mã chuyển động Thái Bình Dương.
Trắng tay cười khinh thế sự
Mà trong tim từng thế kỷ suy tàn
Muôn khối tinh cầu nức vỡ
Tiếng pha lê xao xuyến trăng vàng.
Sầu vây lớp lớp
Mộng gởi lầu trang
Tóc trùng dương buộc vào án sách
Tâm sự , ôi, ngổn ngang!
Mắt xanh nghiêng ngửa mười phương gió
Vất áo hoa mà nghe tiếng thời gian

Đó là những cánh hoa chớm nở nhuộm sắc thái tâm hồn của những chàng trai mới lớn lên, chí chưa định, lòng chưa đâu. Người xem hoa nên mở rộng cõi lòng để đón chút hương vị thanh thanh lạ lạ.. khác hẳn hương vị của những đoá hoa đã trình bày trên kia, mà kẻ vun vén là những người đã từng trải việc đời không nhiều thì ít.
Trong khi lão lom khom chưng hoa nơi vườn thì bác Hương Khê cặm cụi lựa chọn khá nhiều, nhưng lão nghĩ chưng bấy nhiêu hoa cũng đã vừa rồi, nên để dành lại cho bữa khác. Bác Hương Khê vừa tẩm nước cho hoa vừa ngâm:
Hết xuân, úa liễu phai đào
Bốn mùa hương phấn ngạt ngào vườn thơ.



7.

Anh nắng chiều rải lên mặt hồ muôn vàn ngôi sao bạc lóng lánh long lanh. Lão đẩy gối ngồi dậy, hứng chí ngâm:
Hiên mây gấm dệt tờ thơ cổ,
Sân mận hương lồng giấc ngủ trưa..
Sương khói lưng chiều buông nửa mộng
Theo giòng hoa lá gợn ngàn xưa.
Tiếng ngâm vừa dứt thì từ ngoài ngõ đưa vào một nhịp cười lanh lảnh!
-  Có khách .
Lão vội bước ra đón. Mỹ Dung theo vào:
-  Thơ Lão Vườn làm toàn bằng chất mộng!
-  Mộng là Thơ còn ở trong tâm trí. Thơ là Mộng đã ra cùng văn chương.
Mỹ Dung cười lớn:
-  Sao hôm nọ Lão Vườn lại bảo: “Thơ là giai nhân”?
-  Thơ là giai nhân của tâm hồn. Giai nhân là Thơ của thân mắt….
-  Mà Thơ là Mộng thì Giai Nhân cũng là mộng nữa rồi?
-  Chính thế. Cho nên nhiều người nói: “Đẹp như mộng”.
Nhân nói đến mộng,lão chợt nhớ bài thơ của Tản Đà, bèn ngâm:
Giấc mộng mười năm đã tỉnh rồi
Tỉnh rồi lại muốn mộng mà chơi.
Nghĩ đời lắm nỗi không bằng mộng,
Tiếc mộng bao nhiêu dễ chán đời!
Những lúc canh gà ba cốc rượu,
Vào khi cánh điệp bốn phương trời?
Tìm đâu cho thấy người trong mộng,
Mộng cũ mê đường biết hỏi ai!
Mỹ Dung:
-  Trong thơ của Tản Đà tiên sinh, bên mộng vẫn thấy bóng đời rõ rệt. Trong thơ Lão Vườn bóng đời biến hẳn thành bóng mộng hoàn toàn… Nhưng đó là phần việc của các nhà phê bình. Bây giờ xin hỏi thăm “Giấc Mộng” Trong bài thơ của Hà Nhiệm Đại, tiến sỹ đời nhà Mạc, vịnh Nguyễn Trãi:
Giấc mộng hai nơi khéo tỏ tường,
Tới non lam gặp Đức Cao Hoàng.
Hịch thư nhiều thuở tài mau mắn,
Pháp độ trăm đường sức sửa sang.
Công giúp hồng đồ cao ngất núi,
Danh ghi thành sử sáng bằng gương
Hoạ kia gây bởi văn hoàng lỗi,
Rắn nọ lời đâu chỉn lạ nhường!
“Giấc mộng hai nơi” là tích gì?
Lão đáp:
-  Đó là câu chuyện “lịch sử” đã xảy ra trong thời nước ta bị nhà Minh đô hộ.
Thời đó có người ở hạt Hoắc Sa thuộc tỉnh Sơn Tây tên là Trần Nguyên Hãn, đi ngang qua làng Thuỵ Hương, nhân trời tối, vào nghỉ ngơi miếu thờ Khang Thiên Vương Lý Ông Trọng. Nửa đêm Trần mơ màng nghe tiếng vị thần ở làng bên cạnh đến đón Thiên Vương đi chầu Thượng Đế. Thiên Vương từ chối rằng có quí khách trong miếu, không thể đi được. Vị thần ra đi một mình, đến gà gáy trở lại. Thiên Vương hỏi thăm việc thiên triều. Vị thần đáp rằng: “Thượng Đế thấy nước Nam hiện không có chủ, nên sai Lê Lợi làm vua Nguyễn Trãi làm tôi”. TRẦN NGUYÊN HÃN tỉnh dậy đi tìm Nguyễn Trải, thuật lại chuyện trong giấc mơ. Nguyễn Trãi liền đến miếu khấn hỏi lại Thiên Vương. Thiên Vương ứng mộng,bảo rằng: “Cơ trời không dám lậu. Hãy đến hỏi bà Tiên Dung. Bà biết rõ chi tiết, và vì là đàn bà dù có nói ra, Thượng Đế cũng không quở trách”..
Mỹ Dung gườm:
-  Lão Vườn chỉ có thưa thớt mấy cọng râu, cọng nào cũng quặp trước vào cổ. Thế mà hễ động tới đàn bà là lo nói xấu!
-  Đâu dám. Lão nói theo sách.
-  Sách nào?
-  Tang Thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ và Nguyễn An.
-  Tác giả cũng như Lão Vườn… Nhưng thôi, hãy kể tiếp.
Lão tiếp:
-  Nguyễn Trãi nghe lời, cùng Trần Nguyên Hãn mang lễ đến cầu Tiên Dung. Đêm đến mộng thấy Tiên Dung gọi bảo rằng: “Lê Lợi sẽ làm vua nước Nam, Nguyễn Trãi sẽ phò tá. Nhà ngươi chưa biết sao ?” Nguyễn Trãi cầu xin được rõ tung tích Lê Lợi Tiên Dung cho biết là người ở Lam Sơn.
Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn băng ngàn tìm vào Lam Sơn, gặp Lê Lợi, thân mặc áo vải cụt cách, vai vác cuốc, tay dắt trâu ở ruộng về. Hai người theo đến nhà, xin ở nghỉ nhờ để dò xem tình thế. Bữa hôm đó, nhà Lê Lợi có kỵ. Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn giúp việc nấu nướng. Lê Lợi cần dao thái thịt, vừa thái vừa nếm luôn mồm. Nguyễn Trãi chê là người không có tư cách, bảo cùng Nguyên Hãn: “Thế này là Tiên Dung đã lừa chúng ta rồi!” Hai người bèn bỏ ra về, và đến đền Tiên Dung đòi lễ lại. Đêm đến Tiên Dung báo mộng rằng: “Cơ trời đã định. Có điều thiên tinh chưa dán đó thôi. Sao không nấn ná chờ đợi?”. Hai người bèn trở lại Lam Sơn. Trong lúc Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn trở về Bắc thì ở Lam Sơn Lê Lợi tình cờ bắt được binh thư và thần kiếm, đêm đêm chống kiếm ngồi xem sách một mình. Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn đến nơi, nấp ngoài rình xem,trông thái độ và thần khí của Lê Lợi khác hẳn ngày xưa, bèn đẩy cửa bước vào. Lê Lợi nghe tiếng động vung kiếm đứng dậy. Hai người sụp lạy, thưa: “Lũ chúng tôi lặn lội tới đây là biết rằng minh công sẽ làm chúa thiên hạ”. Lê Lợi mừng rỡ lưu hai người lại cùng nhau lo việc cứu nước an dân.
Mỹ Dung cười:
-  Thật là cảnh Đà Lạt trăng mờ của Hàn Mặc Tử!
Hư thực làm sao phân biệt được
Sông Ngân Hà nối giữa màn đêm.
Mà dường như Hà Nhiệm Đại tin việc thần ứng mộng kia là chuyện thực, nên mới nói:
Giấc mộng hai nơi khéo tỏ tường,
Tới non Lam gặp Đức Cao Hoàng.
Lão đáp:
-  Nếu quả tin là thực thì đâu có hạ chữ “Khéo”. Tác giả muốn mượn chuyện hoang đường “Thần báo mộng” mà mở đầu , rồi mượn chuyện hoang đường “rắn trả thù” mà kết thúc, để bảo thầm cùng thế gian rằng những chuyện trong tủ sách chép về Nguyễn Trãi, ngoài hai chuyện hoang đường kia, tất cả cũng đều là chuyện hoang đường nốt.
-  Sao lại nghi ngờ quá thế?
-  Bởi vì BOSSUET đã nói: “Từ khi có những nhà viết sử thì không còn có sử nữa” (Depuis  qu’il y a des historiens il n' y a plus d’histoire) . Không có sử nửa tức là chỉ còn những chuyện hoang đường do các nhà viết sử tưởng tượng ra mà thôi.
-  Sao lão vườn lại gán ý tưởng của một văn sỹ pháp ở thế kỷ thứ XVII vào nhà văn sỹ Việt ở thế kỷ thứ XVI như thế? Thật là xáo trộn cả thời gian lẫn không gian!
Lão cười, ngâm:
Lúc hứng ngửa nghiêng trời đất rộng,
Ngồi buồn xáo trộn cổ kim chơi….
Mỹ Dung :
-  Có người bảo rằng: “Lão Vườn bình giảng thơ rất chủ quan”. Nghĩa là thường nhìn thấy hình ảnh mình ở trong thơ người nhiều hơn là nhận thấy chân tướng của tác giả. Càng gần lão càng thấy sự nhận xét kia là đúng.
Lão cười:
-  Không ai chủ quan bằng những người tự xưng rằng mình phê bình văn chương một cách khách quan. Nói một cách ba hoa: Các ông ấy đã khách quan một cách hết sức chủ quan vậy. Riêng về phần lão: Lão chỉ nói ra những gì lão nghĩ, lão cảm, lão nhận thấy. Luôn luôn lão nhìn với con mắt hóm hém của lão, lão nói với lỗ miệng móm mém của lão, chớ không bao giờ lão mượn con mắt và lỗ miệng của người khác dù cho miệng mắt ấy là của một tuyệt đại giai nhân.
-  Và lão vườn tự cho những gì lão nhận thấy, nói ra là đúng?
-  Đúng đối với lão, đúng theo lão.
-  Nếu có người bảo lão sai thì sao?
-  Lão sẽ công nhận là sai nếu lão xét lại thấy quả thật là sai.
Mỹ Dung còn muốn hỏi nữa, nhưng lão chận:
-  Có lẽ cô đến đây mục đích không phải để nghe lão lý sự, mà cũng không phải để lý sự với lão?
Mỹ Dung cười:
-  Chính thế. Đến để tặng hoa cho vườn thơ. Mà hoa đây không phải của tôi. Đây này:

SÔNG THƠ
Sương cành rụng ánh dương trong,
Hiu hiu gió lấp trải lòng sông thơ.
Giấc thuyền mơ ven bờ tỉnh sáng,
Làng thu ba lênh láng trời ngân..
Trời ngân nhạn điểm câu thần,
Ao tiên muốn gột ngại vầng mây trôi.
Cánh hoa môi bồi hồi nhịp sóng,
Khúc cao tình đồng vọng non xa..
Tình lơ lửng quyến yên hà,
Nao nao biển nhạc là là dặm hương…
-  Của ai?
-  Của một ngừơi bạn thân không muốn cho biết tên.
-  Đối với lối thơ tượng trưng như bài này, tên tác giả không giúp gì thêm cho việc nậhn thức cái đẹp cái hay trong thơ. Không muốn cho biết cũng được.
-  Mong lão vườn cho biết ý kiến. Về bài thơ.
-  Ý kiến của lão là không nên phát biểu ý kiến, vì đó là một bức tranh thêm bằng chí mộng rút trong sự thật bao trùm một màn sương mơ. Vì đó là nước mặt hồ lung linh phản chiếu bóng một giai nhân ẩn hiện sau mành liễu buông xanh. Cứ  để tự nhiên cho người muốn thưởng thức tìm lấy những gì đáng thưởng thức.
-  Như thế là lão vườn đã công nhận “SÔNG THƠ” là một bài thơ hay, một đoá hoa đẹp?
-  Một đoá hoa hương sắc gồm đủ, theo chủ quan của lão.
Mỹ Dung cười lớn:
-  Thế là lão vườn đã tự mâu thuẫn với lão rồi! Lão bảo không nên phát biểu ý kiến mà lão lại nói bô bô ý kiến của mình ra cho thiên hạ nghe!..
Lão hô người, lẩm bẩm:
-  Thật là khôn từ thuở lên ba..!
Và đưa Mỹ Dung ra về, lão tự hứa:
-  Thấp cơ thua trí đàn bà,
Từ nay cái dại ba hoa xin chừa.