Những bức thư thơ 5.Chuyện mái tây - 6.Liễu Chương đài

5. CHUYỆN MÁI TÂY

Nha Trang ngày Sóc tháng Trọng Xuân năm Mậu Tuất (1958)

Em Như An,
Dụng điển trong thơ văn không phải để khoe học rộng, khoe hay chữ như em và nhiều người đã lầm tưởng. Dụng điển cốt để Nói có ít mà xít được nhiều, để nói được dễ dàng những điều khó nói.
Như lúc Kim Trọng cùng Thuý Kiều ngồi dưới hiên Lãm Thuý:
Hoa hương vàng tỏ thức hồng
Đầu mày cuối mắt càng nồng tấm yêu.
Mà Kim Trọng:
Sóng tình dường đã xiêu xiêu
Xem trong âm yếm có chiều lả lơi.
Thì Thuý Kiều liền chỉnh:
....  đừng lấy làm chơi
Dẽ cho thưa hết một lời đã nao.
Để cho lời chỉnh, nói một cách nhã nhặn là lời thưa, lọt vào tai mà không làm xốn ý chạm lòng người yêu, khiến người yêu thêm vì thêm nể, thì lời phải vừa nghiêm vừa khoan, vừa rốt ráo vừa kín đáo. Bởi vậy Tiên Điền tiền bối mới dùng điển, dùng nhiều điển, điển nọ lồng vào điển kia, như trăng chiếu vào mây, mây len vào núi:
Vẽ chi chút phận yêu đào
Vườn hồng chi đám ngăn rào chim xanh
Đã cho vào bậc bố kinh
Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu
Ra tuồng trên bộc trong dâu
Thì con người ấy ai cầu làm chi
Phải điều ăn xổi ở thì
Tiết trăm năm nỡ bỏ đi một ngày
Gẫm duyên kỳ ngộ xưa nay
Lứa đôi ai lại đẹp tày Thôi Trương
Mây mưa đánh đổ đá vàng
Quá chiều nên đã chán chường yến anh
Trong khi chắp cánh liền cành
Mà lòng rẻ rúng đã dành một bên
Mái Tây để lạnh hương nguyền
Cho duyên đằm thắm ra duyên bẽ bàng
Gieo thoi trước chẳng giữ giàng
Để sau nên thẹn cùng chàng bởi ai
Vội chi liễu ép hoa nài
Còn thân còn một đền bồi có khi.
Mới nghe thì như phân trần, nhưng gẫm lại thì là phán xét. Roi vọt đều nhắm vào phía đàn bà. Song giá một nơi đánh một nơi: Lỗi thì chia phần cho đàn bà, còn tội thì đàn ông phải gánh hết.
Cho nên trong đoạn văn, điển thì nhiều, nhưng ý chính đóng nơi điển Thôi Trương. Điển Thôi Trương là Chúa, còn bao nhiêu đều là phụ bậc. Vì vậy điển ấy Tiên Điền dùng đến hai lần:
Gẫm duyên kỳ ngộ xưa nay,
Lứa đôi ai lại đẹp tày Thôi Trương…
Mái Tây để lạnh hương nguyền,
Cho duyên đằm thắm ra duyên bẽ bàng...
Dùng đi dùng lại, cố ý mà như vô tình. Lời dịu dàng nhưng ý sâu cay, càng lắng lòng càng thấm thía.
Nhưng có thể nhận thức được chỗ dụng ý của tác giả, tưởng phải biết rõ sự tích về Thôi Trương. Sự Tích này, cũng như các sự tích khác mà Tiên Điền đưa vào Đoạn Trường Tân Thanh, các sách hiện hành đều đã có chú cước. Song chỉ nói đại lược. Có nhiều chi tiết cần thiết để đi vào nơi thâm thuý trong thơ Tố Như mà các sách kia không đề cập. Nhân ngày xuân còn dài, tôi xin thuật lại cho được đầy đủ hơn, hầu giúp em thêm phần hiểu biết.
THÔI là Thôi Oanh Oanh.
TRƯƠNG là Trương Quang Thuỵ.
Người đời nhà Đường (618-907)
THÔI quê ở Bác Lăng, nhan sắc lộng lẫy, nghề chỉ kim rất khéo, lại có tài văn chương.
TRƯƠNG quê ở Tây Lạc, một danh sỹ, đẹp trai và đa tình nhưng khó tánh nên tơ duyên chưa buộc được gót hồng.
Năm Canh Thìn niên hiệu Trinh Nguyên, TRƯƠNG sang chơi đất Bồ, vào trọ nơi chùa Phổ Cứu.
Chùa Phổ Cứu do Vũ Tắc Thiên lập. Phía tây chùa có một lớp nhà gọi là Tây Sương tức Mái Tây. Phía Tây Sương lại có ngôi biệt thự của Thôi Tướng quốc là thân sinh Oanh Oanh bỏ lương tháng ra xây cất lúc làm quan tại triều. Tướng quốc thất lộc, phu nhân cùng Oanh Oanh đưa linh cữu về quê nhà. Nhưng vì đường sá trắc trở, nên khi đi ngang qua đất Bồ phỉa đưa linh cữu vào quàn tạm nơi chùa Phổ Cứu.
Quang Thuỵ ở chùa làm quen cùng gia đình họ Thôi. Thôi phu nhân là người họ Trịnh. Quang Thuỵ là cháu ngoại họ Trịnh. Kể ra thì Quang Thuỵ và Oanh Oanh là anh em bạn dì.
Lúc bấy giờ đất Bồ có loạn. Gia đình Oanh Oanh nhờ Trương quen lớn cùng quan tướng đất Bồ, nên lấy thế mà che chở được yên ổn. Do đó mà Quang Thuỵ được gặp gỡ Oanh Oanh.
Vừa gặp mặt thì liền phải lòng. Nhưng dinh thự Thôi phu nhân tuy ở trong khuôn viên chùa mà có tường cao ngăn cách, phòng hương lại thâm nghiêm cẩn túc, nên Quang Thuỵ không có cách gì nói ra miệng để lọt vào tai Oanh Oanh. Sau nhờ con hầu thân tín của Oanh Oanh là Hồng Nương, mà Trương mới đưa thơ tỏ tình được, và nhận được thơ của Thôi.
Đãi nguyệt Tây sương hạ
Nghinh phong hộ bán khai
Phất tường hoạ ảnh động
Nghi thị ngọc nhân lai
Nghĩa là:
Cửa hé theo luồng gió
Trăng chờ dưới Mái Tây
Chạm tường hoa động bóng
Người ngọc tới đâu đây (1)
Trương nhận hiểu ý thơ. Hôm ấy là 14 tháng hai. Đợi đến đêm rằm, chàng tới nơi góc tường phía đông, trèo qua cây hạnh vào bên trong biệt thự họ Thôi. Lần đến Mái Tây thì thấy cửa hé mở. Hồng nương nằm ở giường đợi. Trương nhờ vào báo tin. Liền đó Thôi ra, ăn mặc chỉnh tề. Trương mừng khấp khỏi trong lòng. Nhưng Thôi nghiêm nghị, lớn tiếng mắng:
- Anh cứu sống cả nhà tôi, ơn ấy to lắm, nên mẹ tôi mới tin lòng mà cho tôi được diện kiến. Cớ sao anh lại lấy việc cứu nạn mà đòi hỏi những điều trái với lễ nghi. Hầu tránh những chuyện không hay, mong anh từ nay nên thận trọng. Nói xong nguây nguẩy đi vào. Trương đứng ngẩn người, hồi lâu mới vượt tường trở ra. Từ đó tuyệt vọng. Cách vài hôm sau, Trương đương nằm ngủ một mình dưới bóng bóng trăng nơi hiên chùa, thì Hồng Nương đến đánh thức dậy:
- Cô sang! Cô sang!
Trương dụi mắt ngồi dậy, lòng nửa tin nửa ngờ. Một lát Oanh Oanh đến. Thẹn thùng nũng nịu, không còn vẻ đoan trang hôm xưa. Hôm ấy là mười tám, trăng khuya soi sáng nửa giường nằm. Trương phơi phới tình xuân, tưởng mình được làm bạn với tiên ở ngoài mây ráng. Một lúc sau chuông chùa động. Hồng Nương đến giục về. Thôi rấm rức khóc. Hồng phải dìu mà đưa đi. Trời mờ mờ sáng, Trương trở dậy, tự ngờ vực:
- Có dễ là chiêm bao chăng?
Nhưng nhận thấy rõ cánh tay còn sót phấn, vai áo còn thoảng hương, và mấy giọt nước mắt long lanh còn thấm ướt nơi đệm gối…
Nhưng rồi hơn mười ngày, tin tức vắng bặt. Ngày dài đêm quạnh, Trương thảo 30 vần thơ “Gặp Tiên” để trút bớt lòng nhớ nhung. Chợt Hồng Nương đến. Nhân gởi đưa sang Thôi. Từ ấy hai bên thường gặp gỡ nhau nơi Mái Tây. Trương hỏi dò ý Thôi phu nhân, Oanh Oanh đáp:
- Mẹ em biết không làm sao được nữa, có ý muốn gây dựng cho… Trương mần thinh.
Được một tháng tròn, Trương cần đi Trường An có việc, ngỏ lời cùng Thôi. Nàng lặng thinh, nét buồn hiện hẳn ra ngoài mặt. Hôm sau chàng lên đường. Nhưng chưa đầy hai tháng, trở lại. Thường ngày gần gũi nhau.
Thôi đối với Trương hết sức nhiệt tình, song chưa từng hé lòng ra miệng. Thời thường vẻ sầu chứa chan, mà dáng người vẫn thong dong lặng lẽ. Nàng hay làm thơ. Trương đòi xem mấy lần vẫn không được. Chàng cũng thường lấy văn chương mà ghẹo, mà nàng thờ ơ không mấy khi để ý xem. Một đêm Thôi ngồi một mình gảy đàn, giọng buồn thánh thót. Chợt thấy Trương đến liền buông đàn, ép mấy cũng không gảy nữa.Mấy tháng trôi qua. Nhân vì việc thi cử tới kỳ, Trương chuẩn bị đi ra Trường An. Nhưng không nói rõ ý mình, chỉ than thở ở bên Thôi. Nàng biết ý sắp xa nhau, dịu mặt nhẹ lời, thong thả bảo Trương:
- Trước phá em, sau bỏ em, vẫn là đáng lắm. Em không dám giận. Ví như trước anh phá, sau anh thương cho trót, thì đó là ơn anh. Lời thề bách niên, như thế là trọn vẹn, hà tất phàn nàn chi lắm về chuyến đi này. Thế nhưng lòng anh đã không vui, em biết lấy gì an ủi. Anh thường khen em đàn hay. Khi trước thẹn không sao đàn nổi. Nay anh sắp đi, xin chìu cho thoả lòng anh.
Đoạn sai lau đàn, dạo gảy khúc Nghê Thường Vũ Y. Chưa được mấy tiếng, giọng buồn đã xen lẫn, không còn biết là khúc gì. Người nghe sụt sùi… Thôi dừng tay, quăng đàn khóc rưng rức. Đoạn đứng dậy trở về dinh, không trở sang nữa.Mái Tây gió lạnh.Quang Thuỵ ra Trường An, thi không đổ, bèn ở lại Kinh. Nhân có người đến đất Bồ, Trương gởi thư an ủi Thôi và tặng một hộp hoa giấy cùng năm tấc sáp hồng. Thôi đáp lại, lời lẽ ôn tồn nhưng thống thiết. Lại gởi tặng một chiếc vòng ngọc, một món tơ màu và một chiếc nghiền trà bằng trúc hoa. Trương đưa thư và tặng vật cho bạn bằng xem. Do đó, đồng thời nhiều người biết chuyện. Bạn Thôi là Dương Cự Nguyễn, một thi nhân có danh, làm thơ vịnh Thôi Oanh Oanh:
Thanh nhuận Phan Lang ngọc bất như
Trung đình huệ thảo tuyết tiêu sơ
Phong lưu tài tử đa xuân tứ
Trường đoạn tiêu nương nhất chỉ thư
Nghĩa là:
Nét ngọc chàng Phan ngọc chẳng như
Trong ngần sân huệ tuyết lưu thưa
Tình xuân tài tử xuân nhiều quá
Đứt ruột nàng tiêu một lá thư
Các bạn của Trương nghe chuyện Thôi, đều cho là kỳ ngộ. Nhưng ý Trương thì đã quyết tuyệt rồi. Có người hỏi tại sao. Đáp:
- Đại phàm giống vưu vật trời đã sinh ra, chẳng tự hại mình, tất làm hại người. Vi phỏng cô gái họ Thôi gặp gỡ được kẻ phú quý yêu dấu nâng niu, thì không làm mây làm mưa, tất cũng làm long làm ly, biến hoá không biết thế nào lường được. Ngày xưa vua Trụ nhà Thương, vua U nhà Châu, làm chủ một nước muôn xe, thế lực to lớn. Thế mà hỏng vì một người con gái: Dân bị tan, thân bị giết, đến nay thiên hạ còn chê cười ! Đức của tôi không thắng nổi yêu nghiệt, cho nên đành tuyệt tình vậy.
Ai nghe nói cũng đành thở dài!!
Hơn một năm sau, Oanh Oanh có chồng; Quang Thuỵ cũng lấy vợ. Một hôm nhân ngang qua nơi Thôi ở, Trương lấy lễ anh họ xin thăm nàng. Nàng không tiếp đưa ra một bài thơ:
Tự tòng tiêu sấu giảm dung quang
Vạn chuyển thiên hồi lãn hạ sàng
Bất vị bàng nhân tu bất khởi
Vị lang tiều tuỵ khước tu lang
Nghĩa là:
Từ độ chia lìa võ vóc mai
Giường e ngại xuống trở trăn hoài
Với đời há thẹn mà không dậy
Tiều tuỵ vì ai thẹn với ai.
Trương ra về gởi lại một tuyệt:
Khí trí kim hà đạo
Đương thời thả tự thân
Hoàn tương cựu cầu ý
Lân thủ nhãn tiền nhân
Nghĩa là:
Rẻ rúng thôi đành phận
Thân yêu nhớ buổi đầu
Xin đem tình ý trước
Thương lấy kẻ về sau (2)
Từ ấy hai bên đứt hẳn liên lạc.
NGUYÊN CHẨN tự Vi Chi, một danh sỹ đời Đường, bạn thân của Quang Thuỵ, viết lại chuyện Thôi Trương thành sách lấy tên là HỘI CHÂN KÝ.
Đến đời Nguyên (1234-1368), VƯƠNG THỤC PHỦ dựa theo Hội Chân viết ra tuồng TÂY SƯƠNG KÝ.
Xem chuyện Thôi Trương, phần đông đều thương cho Oanh Oanh vì quá yêu mà nhẹ dạ, và đều chê Quang Thuỵ là phường không thuỷ chung, giống bạc tình, chơi hoa rồi lại bẻ cành bán rao. Khả ố nhất là câu nói “Vưu vật trời sanh...” và lời thơ sửa lỗi khi Thôi không chịu tiếp.
Thuý Kiều mượn chuyện Thôi Trương nói cùng Kim Trọng là ngầm đem tánh nhẹ dạ của đàn bà ra khuyên Kim không nên thừa cơ lợi dụng, và đem thói phụ bạc của bọn đàn ông ra để cảnh giới hầu khỏi đeo mối hận của Oanh Oanh. Thật thâm trầm và tế nhị.
Còn Tiên Điền tiền bối dùng điển Thôi Trương để thương cho hàng nhi nữ si tình, và để kết án rằng làm hoen ố tình yêu là phường nam nhân bạc hạnh. Đã biết rằng cây kim không dừng chuyển thì sợi chỉ khó xâu vào. Nhưng nếu “trước phá em, sau thương em cho trót”, thì dù mưa dù gió, duyên đằm thắm thì cũng không thể trở thành duyên bẽ bàng. Cho nên Mái Tây mà lạnh hương nguyền thì rìu búa bủa Quang Thuỵ.
Nhưng trên đời đâu có phải ai ai cũng là Quang Thuỵ. Kìa Vỹ Sinh ôm cột cầu đợi người hẹn, Kim Trọng suốt mười lăm năm đi tìm Thuý Kiều… Cho nên nghe chuyện Thôi Trương, em không nên sanh lòng ghét tất cả bọn đàn ông mà mang tội cùng Trời Đất.
_______________________________________
(1) (2) Nhượng Tống dịch – Trích ở tập Mái tây.



6. LIỄU CHƯƠNG ĐÀI

Nha Trang tết Hoa Chiêu năm Mậu Tuất (1958)

Em Chức Thành,
Cũng như em, trước kia tôi tưởng chữ CHƯƠNG ĐÀI trong câu kết của bài CHIỀU HÔM của bà Huyện Thanh Quan:
Kẻ chốn chương đài người lữ thứ
Lấy ai cùng ngỏ nỗi hàn ôn.
Đồng một nghĩa cùng một điển với chữ CHƯƠNG ĐÀI trong Đoạn Trường Tân Thanh của cụ Nguyễn Du:
Khi về hỏi liễu Chương Đài
Cành xuân đã bẻ cho người chuyền tay.
Sau này mới biết là lầm.
Theo sách Từ Nguyên thì CHƯƠNG ĐÀI là tên một cung điện do nhà Tần đời Chiến Quốc dựng tại huyện Tràng An tỉnh Thiểm Tây. Sau các văn nhân lại dùng hai chữ ấy làm tên chung cho các điện vũ cung thất của chư hầu đời Chiến Quốc.
Vốn danh từ riêng, hai chữ CHƯƠNG ĐÀI trở thành danh từ chung để chỉ những đài dinh của một thời, thời Chiến Quốc. Rồi lần lần lại dùng để chỉ tất cả những công thự công phủ của các nhà quyền quý không phân biệt là của thời nào.
Thế là chữ CHƯƠNG ĐÀI từ danh từ riêng trở thành danh từ chung và từ nghĩa hẹp đi đến nghĩa rộng.
Bà Huyện Thanh Quan đã dùng từ CHƯƠNG ĐÀI theo ý chung và nghĩa rộng “kẻ chốn chương đài” trong câu thơ ám chỉ ông Huyện. Bởi bài Chiều Hôm sáng tác lúc bà vào Huế dạy các cung phi vua Tự Đức, còn ông Huyện làm quan tại Bắc Hà.
Chữ CHƯƠNG ĐÀI trong thơ bà Thanh Quan là danh từ chung, và thuộc dương vì nói về ông Huyện.
Còn chữ CHƯƠNG ĐÀI trong Đoạn Trường Tân Thanh là danh từ riêng, và thuộc âm bởi ám chỉ Thuý Kiều và do chuyện người yêu của Hàn Hoành là Liễu Thị ở Chương Đài mà ra.
HÀN HOÀNH là một danh sỹ đời Đường.
CHƯƠNG ĐÀI là tên một con đường ở Tràng An. Đường có từ đời nhà Hán, sau khi Tràng An trở thành kinh đô, và đặt tên là Chương Đài vì cung điện nhà Tần xưa kia ở nơi vùng đó.

Tình Sử chép rằng:
Niên hiệu Thiên Bảo triều Đường Huyền Tông (742-755), HÀN HOÀNH ra học tại Tràng An, trọ ở phố Chương Đài. Bên cạnh có nhà vị tướng quân họ Lý. Lý Tướng quân là người phóng đạt, thấy Hàn nghèo nhưng có tài có hạnh, nên đem lòng mến mộ thường đi lại chuyện trò.Tướng quân có người hầu yêu họ LIỄU nổi danh tài sắc. Biết Hàn và Liễu đối với nhau không đến nỗi thờ ơ, tướng quân, muốn ra tay tác hợp.
Một hôm tướng quân làm tiệc mời Hàn đến chung vui. Rượu ngà ngà say, nâng chén bảo:
- Cậu đồ là danh sỹ đương thời. Họ Liễu là quốc sách đương thời. Đem quốc sách sánh đôi cùng danh sỹ chẳng là phải lắm sao?
Hàn thất kinh. Lý ung dung nói:
- Không nên ngại lòng nhau.
Hàn hết sức từ chối. Lý bảo:
- Kẻ đại trương phủ chỉ biết nhau trong một lời nói mà còn có thể đem cả cái chết tặng cho nhau, huống hồ đã quen nhau từ lâu mà chỉ tặng nhau một người đàn bà lại phải từ chối!
Đoạn gọi Liễu:
- Anh đồ này nay còn là hàn sỹ, nhưng ngày sau sẽ có danh to. Nàng nên hết lòng yêu kính. Gia sản này ta để lại, hai người có thể sống với nhau được phong lưu.
Liễu Thị khóc. Lý trách:
- Đã biết lòng nhau, sao còn lấy tình thường mà đãi nhau thế ấy?
Liền đứng dậy từ biệt. Ngoài cửa ngựa đã buộc sẵn. Lý lên yên quất roi, khoảnh khắc không còn thấy bóng dáng. Hàn tần ngần trong theo. Rồi nghĩ bụng:
- Lý vốn người hào khoáng, cách đãi ngộ này cũng là thường. Không có gì đáng ngại.
Bèn dọn đến ở cùng Liễu. Hai bên rất tương đắc.
Năm sau Hàn đậu tấn sỹ. Năm sau nữa được bổ làm Viên ngoại, theo quan Tiết Độ Sứ là Hầu Hy Dật ra Phàn Thành. Trong nước lúc bấy giờ đương loạn lạc, chua tiện đem Liễu cùng đi, định lúc đường sá tạm yên sẽ về đón. Nhưng ngót ba năm tròn, cửa quan lắm việc, không sao về được, sắm vàng lụa gởi về cho Liễu cùng một bài thơ:
Chương Đài liễu Chương Đài liễu
Tích nhật thanh thanh kim tại phủ
Túng sử trường điều tợ cựu thuỳ
Đã ưng phan chiết tha nhân thủ
Nghĩa là:
Liễu Chương Đài Liễu Chương Đài
Sắc xanh ngày trước biết còn tươi?
Thướt tha cành dẫu còn tha thướt
Hẳn cũng tay ai vin bẻ rồi!
Liễu được thơ, muôn phần đau xót bèn hồi âm:
Dương liễu chi phương phi tiết
Khả hận niên niên tặng ly biệt
Nhất điệp tuỳ phong hốt báo thu
Túng sử quân lai khởi kham chiết
Nghĩa là:
Tiếc thay cành liễu xanh tươi
Năm năm đàng để tặng người đường xa
Giật mình thu vàng sa lá gió
Buổi chàng về biết có còn như...
Đọc thơ Hàn đứt ruột gan. Song không có cách gì để gần gũi nhau. Tình thế trong nước mỗi ngày mỗi thêm rối, nên người không thể về mà tin tức cũng khó đổi trao. Chẳng bao lâu, ở nhà Liễu bị một phiên tướng có công là Sa Sất Ly cướp làm vợ.
Qua năm sau, Hàn Hoành theo Hầu Hy dật về triều, được tin rất thương thảm. Một hôm , tình cờ gặp một chiếc xe, trong xe có tiếng người hỏi:
- Có phải quan viên ngoại họ Hàn đó chăng? Thiếp là Liễu thị đây. Nếu còn nhớ tình xưa, ngày mai xin đến nơi đây để gặp nhau một lần nữa.
Đúng hẹn. Hàn đến. Một chiếc xe chậm chậm đi qua. Liễu vén rèm nói cùng nước mắt:
- Chim lồng không sao thoát khỏi. Thôi đành vĩnh biệt từ đây!
Hàn chưa kịp đáp thì xe đã vụt đi xa.
Cách ít hôm Lâm Truy có đại hội. Bạn bè mở tiệc đãi Hàn. Hàn đến dự mà không vui. Người trong tiệc gạn hỏi. Hàn bèn tỏ hết sự tình. Ai nấy đều ngậm ngùi, nhưng sợ uy thế Sa Sất Lỵ, không ai dám bàn thiệt hơn. Một viên võ tướng là HỨA TUẤN đứng dậy nói:
- Xin quan viên ngoại tự tay viết cho một ít chữ, sẽ lập tức đem họ Liễu về đây.
Hàn mừng rỡ viết thư. Hứa Tuấn liền ra đi. Cỡi một ngựa, dắt một ngựa, vùn vụt đến nhà Sa Sấy Lỵ. Lúc ấy Sa Sấy Lỵ đi vắng. Hứa vào, nói lớn:
- Tướng quân ngã ngựa rất nguy, sai về tìm phu nhân tức khắc.
Liễu thị giật mình chạy ra. Hứa đưa thư, rồi đỡ lên ngựa, đánh chạy thật nhanh. Đến Lâm Truy tiệc rượu chưa tàn. Cả tiệc đều kinh ngạc và hết lời tán thán. Song nghĩ Sa Sất Lỵ mới lập được công lớn, vua Đường Đại Tông rất trọng đãi, ai nấy đều sợ tai vạ không tránh khỏi cho Hàn. Bèn đến thưa cùng Hầu Hy Dật. Hầu vuốt râu cười:
- Những việc như thế ấy, lúc trẻ ta hay làm. Nay Hứa Tuấn cũng làm được!
Rồi lập tức làm biểu dâng lên hạch tội Sa Sất Lỵ. Nhà vua ngẫm nghĩ ngồi phê:
- Liễu thị phải trả về Hàn Hoành, còn Sa Sấy Lỵ thì được ban cho hai ngàn tấm lụa.
Tích Liễu Chương Đài là thế.
Chữ Liễu vừa là họ người vừa là tên cây. Đó là cách chơi chữ vừa tài vừa thú. Và trong văn thơ điển này thông dụng hơn điển trong thơ bà Huyện Thanh Quan.Nay nhân em hỏi đến điển mà nói xen qua lòng, lòng Liễu Thị, lòng Lý Tướng Quân, lòng Thuý Kiều, lòng Kim Trọng cả lòng bà Huyện Thanh Quan trong nơi lữ thứ:
Lòng ai phảng phất gần xa
Dẫu rằng kim cổ vẫn là cố tri.