Những bức thư thơ 7.Cổ Ap Nha - 8.Văn Tiêu, Lộng Ngọc, Tiêu Sử

7. CỔ AP NHA

Nha Trang, tiết Thanh Minh năm Mậu Tuất (1958)

Chị MỸ DUNG,
Thư chị đến một lượt cùng thư Chức Thành, và Chức Thành cũng hỏi một câu như chị.
Câu:
Giai nhân dĩ thuộc Sa Đà Lị
Nghĩa sỹ kim vô Cổ Ap Nha.
Là một câu cổ thi, có nghĩa là:
Giai nhân đã thuộc Sa Đà Lị,
Nghĩa sỹ rày không Cổ Ap Nha.

Sa Đà Lị là ai ? Cổ Ap Nha là ai? Có phải là Sa Sất Lị và Hứa Tuấn trong chuyện LIỄU CHƯƠNG ĐÀI chăng?
- Sa Đà Lị và Sa Sất Lị là một. Chuyện họ Liễu của Hứa Nghiêm Tá thì chép là Sa Sất Lỵ. Vì là tên một anh tướng Phiên, người Tàu viết theo âm chữ Hán, rồi mình lại phiên âm theo tiếng mình một lần nữa nên mới có chỗ khác như thế thôi.
Còn Ap Cổ Nha không phải là Hứa Tuấn.
Đó là một nhân vật trong chuyện VÔ SONG của Tiết Điện. Chuyện rằng:
Vô Song là một tuyệt đại giai nhân, con một của Lưu Trấn làm quan Thượng thư đời Kiến Trung nhà Đường.
Lưu Trấn có người cháu kêu bằng cậu ruột tên là Vương Tiên Khách. Tiên Khách mồ côi cha, theo mẹ đến nương nhờ nhà cậu. Vợ Lưu Trấn thấy Tiên Khách có học lại có hạnh, ý muốn gả Vô Song. Tiên Khách và Vô Song khi ra khi vào thấy nhau, tấm yêu cũng lộ nơi mày mắt.
Mẹ Tiên Khách bỗng ốm nặng. Trước khi chết mời Lưu Trấn đến uỷ thác con côi dặn:
- Đừng để Vô Song về họ khác.
Lưu Trấn gật đầu. Mẹ Tiên Khách vui mừng mà nhắm mắt. Tiên Khách hộ tang mẹ về quê nhà ở Tương Dương. Mãn tang lại đến Kinh Đô cùng cậu.
Lưu Trấn lúc bấy giờ làm chức Tô Dung sứ, thanh thế lừng lẫy. Tiên Khách đến, Lưu Trấn cho ở nơi nhà học quán. Đợi mãi không thấy nhắc đến chuyện hôn nhân, Tiên Khách đánh bạo nhờ người đến ngỏ ý. Lưu Trấn không thuận. Tiên Khách rất đau buồn, muốn tìm gặp Vô Song, nhưng chưa có cách. Một hôm Lưu Trấn đi chầu, bỗng cỡi ngựa hốt hoảng chạy về nói:
- Quân Kinh nguyên làm phản. Thiên tử đã chạy ra ngoài cửa Bắc. Các quan đều theo vua ở nơi hành tại. Nghĩ đến vợ con , ta phải về qua để thu xếp.
Đoạn gọi Tiên Khách đến bảo:
- Giúp ta thu xếp việc nhà cho ổn thoả, sẽ gả Vô Song.
Tiên Khách rất mừng, lo đóng gói suốt nửa ngày mới xong. Đồ vàng ngọc gấm lụa chở đến 20 con lạc đà. Trấn sai Tiên Khách hộ tống ra cửa Quan Viễn, và dặn:
- Hãy đem giấu nơi hẻo lánh mà đợi. Ta cùng mợ mày và Vô Song sẽ ra cửa Khải Hạ.
Tiên Khách theo lời. Song đợi đến lúc mặt trời lặn vẫn không thấy Lưu Trấn đến. Tìm đến cửa Khải Hạ thì cửa đã đóng. Hỏi thăm, kẻ giũ cửa đáp:
- Khi trưa có người đem bốn năm người đàn ba2va2 con gái, muốn ra cửa này. Quân giữ cửa biết là gia quyến Tô Dung họ Lưu, nên giữ lại. Kế đó có đoàn kị binh đuổi theo bắt đem cả về hướng Bắc.
Tiên Khách oà khóc, rồi quay về nơi dấu của. Gần hết canh ba cửa thành mở toang, quân lính cầm gươm đuốc, hò hét lùng bắt những quan triều trốn ra ngoài thành. Tiên Khách hoảng sợ, bỏ cả của cãi phi ngựa chạy trốn về Tương Dương.
Ba năm sau, nghe tin vua nhà Đường đã lấy lại được ngôi báu, Tiên Khách bèn tới Kinh Đô dò thăm tin tức nhà họ Lưu. Đến phố Tân Lương tình cờ gặp được tên đầy tớ cũ của cậu là Tái Hồng. Mừng rỡ hỏi thăm. Tái Hồng đáp:
- Tô Dung vì nhận quan chức của Nguỵ Triều nên vợ chồng đều bị tử hình. Còn Vô Song thì bị sung vào cung vua. Chỉ có con hầu Vô Song là Thái Tần hiện còn ở nơi dinh quan tướng quân Vương Toại Trung.
Buồn thương xé ruột, song không lẽ chỉ ngồi mà than. Tiên Khách bèn đem tiền đến dinh Vương Toại Trung chuộc Thái Tần về mướn phố ở chung cùng Tái Hồng, chờ dịp cứu Vô Song.
Cách ít lâu, Tiên Khách nhờ Vương Toại Trung tiến dẫn, được bổ làm quan huyện Phú Bình và coi trạm Trường Lạc.
Được mấy tháng có tin quan trung sứ áp dẫn 30 cung nhân đến Viên Lăng sung vào quét tưới. Tiên Khách bảo Tái Hồng:
- Ta ngờ rằng Vô Song có trong đám cung nhân ấy. Ngươi hãy vì ta mà đi dọ xem.
Tái Hồng vâng lệnh.
Đoàn cung nhân đi đến Trường Lạc, ghé vào trạm nghỉ, Song vì ở cả trong rèm, nên Tái Hồng không thể trông thấy mặt. Canh đã khuya, Tái Hồng vẫn ra vào nơi trạm, bức rức băn khoăn. Bỗng trong rèm có tiếng nói:
- Tái Hồng đó ư? Vương quân có được mạnh khoẻ?
Hồng nhận biết tiếng Vô Song, nhỏ giọng đáp:
- Vương quân hiện coi nhà trạm. Chắc rằng nương tử có ở đây nên sai đến hỏi thăm.
Vô Song dặn:
- Ngày mai đến dưới gác chái nhà đông bắc, lấy bức thư đưa cho Vương quân.
Đoàn cung nhân đi rồi, Hồng tìm lấy bức thư. Tiên Khách xem thư, thương khóc không ra tiếng! Cuối thư có câu: “ Từng nghe ông Sứ giả đem sắc sớ nói chuyện rằng ở huyện Phú Bình có chàng Cổ Ap Nha là người hữu tâm trong thế gian. Liệu có tìm được chăng?”
Tiên Khách hội ý, liền đi tìm Cổ Ap Nha làm thân. Thường ngày qua lại nhà Cổ, Cổ muốn gì Tiên Khách đều cung cấp theo ý. Ngót một năm trời Tiên Khách vẫn không ngỏ việc mình mong muốn. Một hôm Cổ đến chơi huyện Đường, hỏi:
- Tôi là một kẻ võ phu mà xem ngài có lòng biệt đãi. Hẳn muốn uỷ cậy điều chi chăng?
Tiên Khách ứa nước mắt, đem nỗi lòng tỏ thật. Cổ nói:
- Thật là khó, song vì ngài xin thử xem. Có một điều là không thể một sớm một chiều mà xong được.
Đoạn ra đi… Sau nửa năm trở về, mời Khách đến hỏi:
- Trong nhà có người hầu gái nào biết Vô Song chăng?
Tiên Khách đáp có, rồi về gọi Thái Tần cùng sang. Cổ mừng nói:
- Được lắm. Xin cho mượn ít lâu. Còn ngài xin cứ về.
Vài hôm sau, trong lúc canh khuya, Tiên Khách nghe gõ cửa rất gấp. Vội ra xem thì thấy Cổ Ap Nha vai mang một chiếc rọ tre. Cổ bước thẳng vào buồng trong, đóng cửa lại nói:
- Đây là Vô Song, hiện đã chết rồi, nhưng rồi sẽ sống lại. Tiên Khách mở rọ, ôm để trên giường, một mình ngồi canh.Trời vừa sáng Vô Song tỉnh dậy, nhìn thấy Tiên Khách, kêu lên một tiếng rồi tắt hơi. Đêm đến lại tỉnh lại, trông nhau mà sụt sùi…
Cổ Ap Nha sai Tái Hồng đào cho một hố sâu sau nhà. Hố đào vừa sâu, thừa lúc Hồng bất ngờ, Cổ rút dao chém đầu, lấp xuống hố Tiên Khách kinh hãi. Cổ nói:
- Ngày nay đền ơn ngài đến đây là trọn.
Tôi vốn nghe có đạo sỹ núi Mao Sơn có thuốc uống vào thì chết ngay, nhưng sau ba ngày thì sống lại. Tôi đi cầu được thuốc ấy, cho Thái Tần giả làm quan Trung sứ đến Viên lăng, lấy cớ Vô Song liên can cùng đảng nghịch, bắt uống thuốc ấy mà tự tận. Rồi tôi đến lăng, nhận là thân nhân, đem trăm tấm lụa chuộc lấy thây. Dọc đường qua các trạm đều đút lót rất hậu. Những của cải dùng trong việc này là của ngài đã cấp bấy lâu. Để cho việc khỏi tiết lậu, Thái Tần cùng các người giúp việc, tôi đều giết chôn nơi đồng hoang. Ngài nên đem Vô Song đi nơi khác. Lão phu này vì ngài cũng xin một chết thôi.
Nói xong, giơ dao lên. Tiên Khách vội cứu, nhưng đầu Cổ Ap Nha đã rơi.
Đó, chuyện Cổ Ap Nha là thế.
Cái đảm lượng của Hứa Tuấn kể cũng đã ghê, mà đến Cổ Ap Nha thì thật là quá độ !!
Đó cũng vì cảm lòng tri ngộ của Tiên Khách và cũng vì cảm chỗ chí tình và niềm chung thuỷ giữa Tiên Khách và Vô Song. Và nghĩa cử ấy đối với người hữu tâm ngày xưa cũng không lấy gì làm lạ.
Chị hoặc Chức Thành không khỏi nghĩ:
- Cổ Ap Nha chắc chi đã thật có.
- Có Kinh Kha, có Yêu Ly… thì không thể không có Cổ Ap Nha. Và tôi xin nhắc lại lời nói vừa có tình vừa có lý của một thiếu nữ trong CHUYỆN HOA TRONG NGÀY XUÂN: “… Không Văn chương, có hoa đó có giai nhân đó, có đó cũng thành không. Có văn chương, không hoa đó, không giai nhân đó, không đó thế mà có”. Cũng như Kinh Kha, Yêu Ly…, Cổ Ap Nha đã có trong nghìn thu văn chương vậy./.


8. VĂN TIÊU - THẾ LOAN, LỘNG NGỌC - TIÊU SỬ

Nha trang tiết Lập Xuân năm Kỷ Hợi (1959)

Em Ỷ HƯƠNG,
Em yêu cầu cho biết sự tích chàng Văn Tiêu trong câu Kiều:
Có còn chi nữa mà ngờ
Khách qua đuờng để hững hờ chàng Tiêu.
Trước hết xin cho em biết Chàng Tiêu của Tố Như Tiên Sinh không phải là Văn Tiêu trong Thần Tiên truyện mà cũng không phải là Tiêu Sử đời Đông Châu Liệt Quốc.

Câu ấy đã thoát ý câu thơ Đường:
Hầu môn nhất nhập thâm như hải
Tùng thử tiêu lang thị lộ nhân.
Nghĩa là:
Cửa hầu là đáy trùng dương
Chàng tiêu làm khách qua đường từ đây. (1)

Chữ TIÊU LANG (chàng tiêu) là một chữ phiếm xưng, có nghĩa là anh chàng có tình. Cũng như chữ TIÊU NƯƠNG là cô nàng có tình trong thơ vịnh Thôi Oanh Oanh của Dương Cự Nguyên:
Phong lưu tài tử đa xuân tứ
Trường đoạn tiêu nương nhất chỉ thư
Nghĩa là:
Tình xuân tài tử nhiều xuân quá
Đứt ruột cô nương một bức thư (2)
Tuy chàng TIÊU không phải là Văn Tiêu, cũng không phải là Tiêu Sử, nhưng chắc em vẫn muốn biết sự tích của hai chàng TIÊU này?

VĂN TIÊU là 1 chàng thanh niên đẹp trai thổi tiêu hay. Nhân tiết Trung Thu đến chơi núi Chung Lăng là nơi Hứa Chơn Quân tu thành tiên thuở trước. Khách đăng cao đông đúc, nam có nữ có. Trong đám có một thiếu nữ môi không cười mà tươi, mắt không liếc mà giợn sóng, vừa đi vừa ngâm:
Nhược năng tương bạn trắc tiên đàn
Ung dữ Văn Tiêu giá Thể Loan 
Tự hữu tú nhu tinh giáp trương 
Quỳnh đài bất phạ tuyết sương hàn.
Nghĩa là:
Duyên nay kết bạn đến tiên đàn
Chung bóng Văn Tiêu xe Thể Loan
Đài ngọc sẵn sàng màn trướng gấm
Tuyết sương chi sợ buổi đông hàn.
Văn Tiêu như bị thiếu nữ thu hút, cứ lẻo đẻo theo sau. Đến một nơi vắng vẻ giữa lưng chừng núi, thiếu nữ quay lại hỏi:
- Có phải chàng là Văn Tiêu đó chăng?
Tiêu gật đầu. Thiếu nữ mỉm cười. Tiêu mừng rỡ vội đến cầm tay. Hai bên chuyện trò vui vẻ và cùng nhau dắt lên núi. Đến một nơi đài điện nguy nga lộng lẫy ẩn hiện trong ráng mây. Văn Tiêu đương sững sốt nhìn thì giữa khoảnh cách mênh mông nghe tiếng phán:
- Ngô Thể Loan vì tư dục mà tiết lậu thiên cơ, bị trích xuống làm vợ nhân gian một kỷ.
Nửa buồn nửa vui, Thể Loan lạy giữa không, rồi cùng Văn Tiêu hạ sơn. Loan Tiêu sống với nhau trong tình yêu thương nồng thắm, song trong cảnh sinh kế bần cùng. Thể Loan phải soạn một tập thơ bán và Văn Tiêu phải đi thổi tiêu dạo nơi đông người, thì mới đủ ngày hai bữa. Sau mười năm hai vợ chồng đem nhau vào núi tu hành đắc đạo, cùng cỡi cợp mà về tiên.
Văn Tiêu là người phàm cưới vợ tiên.
Còn Tiêu Sử là người tiên lấy vợ phàm. Vợ chàng là Lộng Ngọc.

LỘNG NGỌC là con gái Tần Mục Công, nhan sắc kiều diễm, lại có tài thổi ống sinh . Mục Công rất thương yêu. Đên tuổi cập kê, nhà vua muốn kén rể. Nàng tâu:
- Phải là người có tài thổi ống sinh như con, con mới chịu.
Người trong nước và các nước chư hầu xa gần kéo đến rất đông, song không ai sánh kịp Lộng Ngọc.
Một hôm trời cao không mây, Lộng Ngọc sai tỳ nữ đốt hương nơi lầu hoa, rồi lấy ống sinh ra thổi. Tiếng sinh du dương uyển chuyển, chim quanh lầu đều bay đến lắng tai nghe. Bỗng phảng phất mùi hương dường như có tiếng tiêu hoạ lại. Lộng Ngọc lấy làm lạ, ngừng sinh thì tiếng tiêu cũng dứt. Đêm đến nàng vừa lên giường nằm thì một chàng trai tươi đẹp, đầu đội mão tiên, mình mặc áo hạc, cỡi chim thể phụng bay đến trước lầu. Nàng vội ra đón. Khách nói:
- Ta là chúa non Thái Hoạ, vốn cùng nàng có tiền duyên.
Đoạn mở túi lấy ống xích ngọc tiêu ra thổi. Con thể phụng xoè đuôi cánh ra múa và cất tiếng hoạ theo tiếng tiêu. Am điệu tuyệt diệu. Tâm thần Lộng Ngọc thích khoái đê mê. Tiếng tiêu dứt . Nàng hỏi:
- Chàng thổi khúc gì thế?
Khách đáp:
- Khúc Hoạ Sơn.
- Thiếp học được chăng?
- Nên duyên nợ rồi, có khúc nào lại không học được.
Khách nói xong với nắm tay Lộng Ngọc. Lộng Ngọc giật mình thức dậy thì là 1 giấc chiêm bao .
Sáng hôm sau. Nàng đem giấc chiêm bao thuật lại cùng Mục Công. Mục Công liền sai kẻ bề tôi là Mạnh Minh đến núi Thái Hoạ . Đến chân núi gặp 1 nông phu, Mạnh Minh hỏi:
- Ở đây có ai biết thổi ống tiêu, ống sinh chăng?
- Trên núi có một thanh niên đến từ rằm tháng bảy. Chàng thổi tiêu rất hay.Cứ mỗi buổi chiều, lúc trời hoàng hôn, tiếng tiêu của chàng làm cho mọi người quên cả mỏi mệt trong ngày làm lụng cực nhọc. Hiện chàng còn đương ở trên núi.
Lên núi, Mạnh Minh thấy một chàng trai tuổi độ đôi mươi, mặt trắng môi đỏ, mình mặc áo lông hạc, cốt cách khác phàm. Mạnh vái chào và hỏi tên họ. Đáp:
- Tôi họ Tiêu tên Sử. Còn ngài đến đây có điều chi dạy bảo?
- Tôi là quan Hữu Thứ Trưởng nước Tần, tên Mạnh Minh. Chúa tôi nghe tiếng ngài âm nhạc tinh thông, muốn được diện kiến, sai tôi đến rước.
Tiêu Sử từ chối. Mạnh Minh mấy phen nài ép. Nể lòng chàng phải hạ san.
Tiêu Sử vào ra mắt Tần Mục Công. Mục Công hỏi :
- Nghe tiếng chàng thổi tiêu hay, song có thổi được ống sinh chăng ?
- Tôi chỉ chuyên về ống tiêu.
Mục Công thất vọng toan sai Mạnh Minh đưa Tiêu Sử về non. Lộng Ngọc liền sai thị nữ ra quì tâu:
- Sinh và tiêu vẫn có chỗ giống nhau, Đã vời người đến rồi, xin Chúa Công cho thổi xem hay dở thế nào rồi sẽ định đoạt.
Tần Mục Công chấp thuận. Tiêu Sử lấy Ngọc Tiêu ra thổi. Vừa cất tiếng gió nổi hiu hiu, mùi hương bay phảng phất, chim tứ phương bay đến hót líu lo. Tiếng tiêu càng cao, gió thổi càng mát, hương bay càng đượm, chim đến càng đông… Lộng Ngọc đứng trong rèm nghe tiếng tiêu giống y tiếng tiêu trong mộng, lòng mừng tự nhủ:
- Quả là lương duyên rồi!
Vội hé rèm nhìn ra, mừng quá thốt ra tiếng:
- Rõ là người đã đến trong giấc mộng!
Tần Mục Công nghe lọt, hớn hở bảo Tiêu Sử:
- Ta có 1 gái tên Lộng Ngọc, cũng biết chút ít về âm nhạc. Ta muốn cho nó cùng nhà ngươi kết duyên.
Tiêu Sử sụp lạy, từ chối.
Mục Công cười:
- Con gái ta đã có nguyện ước. Nhà ngươi không nên phụ lòng.
Tiêu Sử lạy tạ.
Liền đó cử lễ thành thân.
Mục Công xây riêng cho con rể một toà hoa lâu để ở. Tiêu Sử dạy Lộng Ngọc thổi tiêu, và cũng thường thổi tiêu hoà cùng sinh của Lồng Ngọc. Những khi vợ chồng hoà âm với nhau thì ngoài những thường điểu ra, còn có chim phụng hoàng đến múa và cất tiếng hoạ theo. Do đó nhà vua mới đặt tên hoạ lầu là Phụng Lầu, và đặt tên hoàng thành là Phụng thành.

Vợ chồng ăn ở với nhau được nửa năm, thì một hôm, nhân tiết trăng sáng, đem ống sinh ống tiêu ra thổi. Tiếng nhạc tuôn gió mây. Bỗng 1 con phụng bay đến đậu phía tả, 1 con rồng bay đến đậu phía hữu. Tiêu Sử bảo Lộng Ngọc:
- Ta vốn là tiên bị đọa, vốn cùng nàng có tiền duyên, nên mới gặp nhau trong tiếng nhạc. Nay nợ trần đã mãn, rồng phượng đến rước chúng ta về tiên.
Lộng Ngọc xin đến từ giã vua cha. Tiêu Sử can :
- Chút tình quyến luyến sẽ làm cản trở bước tương lai.
Rồi kẻ cỡi phụng người cỡi rồng bay vút lên từng mây xa thẳm và nhịp nhàng trong tiếng sinh tiếng tiêu.

Em Ỷ HƯƠNG ,
Không biết Văn Tiêu và Tiêu Sử về Tiên có được cùng Thể Loan và Lộng Ngọc đoàn viên hay không, hay là Chàng phải sang hầu Thái Thượng Lão Quân, Nàng phải sang chầu Tây Vương Mẫu.
Nghe nói cửa Thái Thượng Lão Quân ra vào có phần dễ vì tiên ông cũng như đàn ông tương đối được tự do hơn tiên bà tiên cô. Bỡi vậy cửa vào Giao Trì nghiêm cấm lắm. Cửa Hầu nếu sâu như đáy trùng dương thì cửa Giao Trì sâu không biết đến đâu nữa. Cho nên nếu quả Thế Loan và Lộng Ngọc đã vào Giao Trì chầu Tây Vương Mẫu rồi, thì Văn Tiêu và Tiêu Sử không còn mong gì gặp. Hai chàng Tiêu đều trở thành chàng tiêu của Tố Như tiên sinh. Và nghĩ đến hai chàng, chúng ta có thể thương hại mà ngâm:
Có còn chi nữa mà ngờ
Khách qua đường để hững hờ chàng Tiêu.
______________________________________________________________
(1) Xem trọn bài thơ và câu chuyện trong bức thư lòng Yêu Thơ ở sau đây.
Xem chuyện Thôi Oanh Oanh bức thư mái tây ở trước đây.