7.
Nói chuyện cùng các em học sinh, lão tự thấy mình trẻ
trở lại. Nhưng ngót mấy tháng nay không biết vì sao vì mắc lo học thi tấn ích
chăng hay đã chán nghe chuyện về thơ cũ mà không có một em nào quen hay lạ đến
thăm Vườn Hoa Thơ. Lòng lão thấy nhớ lạ!
Đương ngồi nghĩ vẩn vơ thì bóng dáng tươi xinh của
tuổi xuân bị chòm râu nửa xanh nửa trắng của ông bạn Thúc Luân làm tan biến
mất! Lão bật cười:
Mơ trẻ thấy già duyên cắt cớ!
Khôn qua lú lại nợ loanh quanh!
Dường như ông bạn không để ý đến câu khẩu chiếm của
lão, nên vừa ngồi xuống thảm cỏ dưới bóng bạch ngọc lan, liền cười tích toác:
-
Hôm trước mình sợ
lão vườn cùng họ Lý chê dốt thi pháp, nên có nhiều điều muốn hỏi mà không dám
hỏi.
-
Nghiền ngẫm những
áng văn chương truyền thế, cổ nhân rút ra được những bút pháp tinh diệu, viết thành
sách để giúp đời. Chúng ta đã học được bao nhiêu, hiểu được bao nhiêu? Chẳng
qua gặp đâu nói đó cho vui vậy thôi. Đường xa diệu vợi, kẻ đi được vài ba cây
số đã thấm gì mà dám lên mặt cùng kẻ đủng đỉnh theo sau.
Thúc Luân gật đầu:
-
Một bài thơ bát
cú gồm có khởi thừa trạng luận chuyển kết. Tôi nhận thấy Lão Vườn, khi nói
chuyện, ít dùng những tên kia mà lại thường gọi khai thừa chuyển hiệp, hoặc hạm
liên, cảnh liên, là ý làm sao?
Biết rằng Đoàn Thúc Luân nhác đọc sách nhưng siêng làm
thơ, và thơ có nhiều câu khả ái:
-
Người xúm tranh đành lo việc nước,
Mình riêng
thong thả chuốt lời thơ.
-
Đời đục lo sao mình khỏi đục,
Thần linh
chưa chắc quỉ không linh.
-
Tơ kéo mưa thu trùng dệt nhớ,
Sen dầm lệ
sáp bút sanh thương
-
Non gió lao xao tùng nổi sóng
Hồ trăng lai
láng nước đông sương.
-
Cúc vàng nở thạnh vườn sương sớm,
Buồm trắng
thưa dần bến trúc xưa.
Lão cười, nói bỡn:
-
Ông bạn thật
giống ông Lục Đinh (Jourdain) trong tuồng Trưởng Giả học Làm Sang (Bourgeois
Gentilhomme) của Ma Lợi Nhĩ (Molinere) nước Pháp. Lục Đinh làm văn xuôi ngót
bốn mươi năm mà không biết rằng mình làm văn xuôi. Còn ông bạn làm thơ đã vượt
ra khỏi vòng ngôn ngữ không cần thiết của thơ mà không biết còn muốn trở lại
hỏi thăm!
-
Mặc người ta.
Người ta hỏi thăm thì mình cứ nói.
-
Người đời Đường
đặt ra Luật thơ, nhưng không “phân nhiệm” cho từng câu, chỉ theo thứ tự mà gọi
từng cặp: cặp Nhất Nhì, cặp Tam Tứ, cặp Ngũ Lục, cặp Thất Bát. Đến đời Tống
trong tập Thương Lang Thi Thoại, Nghiêm Võ gọi là cặp Nhất Nhị là PHÁT ĐOAN,
cặp Tam Tứ là HẠP LIÊN, cặp Ngũ Lục là CẢNH LIÊN, cặp Thất Bát là LẠC CÚ. Sang
đời Nguyên, trong sách trong sách Thi Pháp Gia Số, Dương Tái chia bài thơ ra
làm bốn phần: KHAI, THỪA, CHUYỂN, HIỆP. Qua các đời sau, phần đông khách làm
thơ, nhất là hàng cử tử, thường theo đề chớ ít theo hứng, nên mới “coi mặt đặt
tên”, gọi cặp Nhất Nhì là câu ĐỀ, có phá đề và thừa đề, gọi tắt là phá thừa,
gọi cặp Tam Tứ là câu TRẠNG hay câu THỰC, cặp Năm Sáu là câu LUẬN hay câu BỒI,
cặp bảy Tám là CÂU KẾT, có thúc kết và hoàn kết, họi tắt là Chuyển kết.
Thúc Luân cười:
-
Không biết vẫn
không hại gì cho việc sáng tác, song đã là khách làng thơ mà không thông thạo
ngôn ngữ “bổn kiển” thì chẳng khác người Việt mà nói bập bẹ tiếng Việt như
người nước Ngô nước Lào.
Lão ngồi lặng thinh nhìn đoàn bướm lượn hoa. Thúc Luân
ngã lưng vào gốc cây Ngọc Lan nhìn ánh nắng “bắt chước những vì sao” ở trên tàn
lá biếc… Chợt ngồi dậy hỏi:
-
Trong bài ĐỒNG
QUÊ của Lão Vườn, câu “Cỏ thơm người cũ mộng tìm đâu” có dùng điển phải không?
Người thì bảo sở xuất là câu cổ thi “Xuân du phương thảo địa”, kẻ lại bảo rằng
mượn ý trong câu Sở Từ “Vương tôn du hề bất quy, xuân thảo sanh hề thê thê”.
Điển nào trúng?
-
Bài ĐỒNG QUÊ là một bài xúc cảnh sanh tình. Nhân thấy xuân về cố cảnh mà chạnh lòng hoài niệm viễn
nhân. Câu thứ 2 không cố tâm dụng điển, làm rồi mới hay rằng điển đã theo hứng
mà vào thơ. Nhưng điển tuy được một cách ngẫu nhiên, mà truy nguyên không phải
do câu “Xuân du phương thảo địa”,cũng không phải do câu “Vương tôn du hề bất
quy...”, vì một bên thiếu người, một bên thiếu mộng.
-
Chớ điển gì?
-
Điển Tạ Linh Vận.
Tạ Linh Vận đời Lục Triều có người em họ tên Tạ Huệ Liên, người đẹp trai thơ
khác tục. Linh Vận rất yêu quí, thường nói: “Ngồi bên Huệ Liên tự nhiên sanh
hứng”. Một hôm Linh Vận ngồi một mình nơi bờ ao nghĩ thơ. Suốt buổi không nảy
tứ. Trở về nhà mộng thấy Huệ Liên, tỉnh dậy làm được hai câu đắc ý:
Trì đường sanh xuân thảo
Viên liễu biến minh cầm
Nghĩa là:
Cỏ xuân nảy lục bờ ao
Xanh buông vườn liễu ngọt ngào tiếng chim.
Câu chuyện trở thành giai thoại trong làng phong nhã,
và khách làm thơ thường mượn chữ “ trì đường xuân thảo” để diễn ý nhớ tri âm.
Trong bài LỮ THỨ TRỪ TỊCH của Nguyễn Du, có câu:
Trì thảo vị lan thiên lý mộng
Đình mai dĩ hoán nhất niên xuân
Nghĩa là:
Chằm cỏ chưa tan ngàn dặm mộng
Sân mai đà đổi một năm xuân.
Thúc Luân:
-
Người thuộc nhiều
điển cố thiệt chẳng khác người có tiền sẵn trong mình, khi muốn dùng chỉ có
việc thọc tay vào túi.
-
Trong 1 bài thơ,
chủ ý là vua, điển cố là kẻ phò tá. Kẻ phò tá có khi phải cầu mới đến, như
trường hợp Khổng Minh, nhưng lắm khi thấy vua hiền, tự nhiên tìm đến, như
trường hợp Bàng Thống. Lại nhiều khi phải tìm đủ cách mới vời được, song đến
chỉ để có đến, đến để choán hết một chỗ ngồi của người khác chớ không giúp được
việc gì, như trường hợp Từ Thứ đối với Tào Tháo. Cho nên đừng thấy điển hay mà
ham như ham tiền bạc.
Thúc Luận cười:
-
Kẻ nghèo điển ham
điển như kẻ nghèo tiền ham tiền. Như tôi đây là một phần tử điển hình.
-
Ông bạn đã sánh
điển với tiền, thì nên nhớ lời Tây triết “Tiền là người tôi tốt mà là ông chủ
xấu” (L’argent est un bon serviteur mais un mauvais maitre). Cho nên kẻ nắm
điển trong tay phải có bản lãnh vững chắc mới khỏi bị điển sai khiến.
-
Lão Vườn có
thường bị điển sai khiến chăng?
- Ông bạn có sợ vợ chăng?
-
Sao Lão vườn lại
hỏi thẩn thẩn thế?
- Bởi ca dao có câu:
Không ghen sao phải đàn bà
Có từng sợ vợ mới là đàn ông.
Mỗi khi chất sợ đã nằm sẵn trong
người rồi thì bị vợ sai khiến đâu còn biết rằng mình bị sai khiến, lắm lúc còn
tưởng rằng mình chủ động là khác. Chỉ người ngoài mới thấy rõ rằng mình có sợ
hay không mà thôi.
Thúc Luân vuốt râu:
-
Cứ nhìn đây thì
biết .
-
Ông bạn cũng thử
nhìn lão.
-
Lão Vườn không
râu nên khó đoán. Nhưng nhìn vào thơ thì thấy Lão Vườn thường dùng điển quá!
-
Lão còn sánh điển
như cung phi mỹ nữ. Trừ bạo chúa Tần Thuỷ Hoàng buộc người đi bắt gái đẹp về
nhốt đầy cung A Phòng, và trừ các bạo chúa hôn quân háo sắc khác, không nói làm
gì. Đến như Lương Nguyên Đế thời Nam Bắc Triều là ông vua mê say đạo vô vi của
Lão Trang đến việc nước còn không xem trọng huống hồ sắc đẹp của giai nhân. Thế
mà trong cung cũng đầy cả hương phấn, hương phấn do các bề tôi tự ý đưa đến,
đưa đến lúc nào nhà vua cũng không biết, đến nỗi thứ phi Từ Chiêu Bội, một
tuyệt đại giai nhân, không được nhà vua đoái hoài sanh ra oán giận. Như thế có
thể gọi Lương Nguyên Đế là háo sắc chăng?
-
Nói chuyện thường
mà cũng dùng điển, huống hồ làm thơ! Như thế bị Vũ Ngọc Phan chê là phải lắm.
Chẳng những người trong làng văn chê mà thôi, người ngoài cũng thường trách.
Chê trách việc lạm dụng điển cố làm mất sanh khí của thơ, họ lại còn chê trách
lão vườn hay đạo văn cổ nhân làm suy yếu sức sáng tạo. Như trong bài XUÂN QUẠNH
hai câu nhất nhị:
Thược dược gió bay màu tuý vũ
Hải đường sương tỉnh giấc xuân tiêu.
Trùng với câu trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu:
Liều thược dược mơ màng thuỵ vũ
Đoá hải đường thức ngủ xuân tiêu.
Lão làm thinh. Thúc Luân gắt:
-
Lão Vườn có thói
xấu là không đáp lại những lời chỉ trích. Không nên giở thái độ ấy với bạn.
Nghe không?
-
Nghe.
-
Thì cho biết ý
kiến.
-
Về việc dụng điển
thì lão đã thuyết minh. Còn về việc đạo văn thì xin ông bạn xét lại: Hai câu
thơ của lão và hai câu của Ôn Như Hầu chỉ trùng nhau một số chữ. Còn từ tinh 2
tứ đến thanh điệu, phong cách, ý thú.., hai bên đều khác hẳn nhau. Có thể bảo
lão phỏng cổ chớ không thể bảo rằng đạo văn. Mà dù có người cho là du đạo cũng
không xấu hổ gì, vì trước lão cũng đã có nhiều bậc danh gia “đồng điệu”. Như
Đường Nhân Trương Cửu Linh là một. Trương có bài TỰ QUÂN NHI XUẤT HỸ:
Tự quân nhi
xuất hỹ
Bất phục lý
tàn ky
Tư quân như
nguyệt mãn
Dạ dạ giảm
thanh huy
Tản Đà dịch:
Từ ngày chàng
bước chân đi
Cửi canh bỏ
dở nghĩ gì sửa sang
Nhớ chàng như
nguyệt tròn gương
Tiêu hao ánh
sáng đêm thường lại đêm
Trước Trương, về đời Lục Triều, Trần Hậu Chúa cũng đã
có bài TỰ QUÂN NHI XUẤT HỸ:
Tự quân nhi
xuất hỹ
Lục thảo biến
giai sanh
Tư quân như
dạ chúc
Thuỳ lệ trước
kê minh.
Tạm dịch:
Từ ngày chàng
bước chân đi
Vắng thiu
thềm vắng xanh rì cỏ xanh
Nhớ chàng như
nến thâu canh
Lệ tuôn đài
sáp sầu đoanh tiếng gà.
Cũng đời Lục Triều, Giảm văn Đế có câu:
Thấp hoa chi giác trọng
Túc điểu vũ phi trì
Phỏng dịch:
Cành hoa sương thấm nặng nề
Cách chim chậm chậm bay về nghỉ ngơi
Vi Ứng vật đời Đường lại có câu:
Mạc mạc phàm lai trọng
Minh minh điểu khứ trừ
Phỏng dịch:
Nặng nề buồm trở lại đêm
Bóng theo chậm chậm cách chim về rừng.
Những câu có chỗ tương đồng ấy, câu làm sau cũng như
câu làm trước, đều được song song tồn tại trên nghìn thu rồi. Kẻ thức giả đã
không nặng lời chỉ trích mà còn khen: “xanh kia khéo nhuộm đượm hơn chàm”.
Không lẽ độ lượng người đời nay không bằng người đời trước?
Thúc Luân gật đầu:
-
Đọc nhiều kể cũng
có lợi
-
Đọc nhiều không
lợi bằng đọc kỹ, mà đọc kỹ không bằng nghĩ chín. Và đọc kỹ nghĩ chín là để rút
lấy những tinh ba hầu mở rộng phạm vi kiến văn, nâng cao trình độ nhận thức, và
nuôi dưỡng tính tình cho mỗi ngày mỗi thêm sung dật. Chớ nếu dùng sở học để làm
thơ thì kết quả chỉ là một mớ sản phẩm đúng phép tắc, giàu điển cố, người đọc
muốn chỉ trích không có kẽ hở để đặt ngòi bút, song muốn tìm chân thú chân vị
thì dù nhai từng chữ nghiến từng câu rốt cuộc cũng chẳng khác ăn một dĩa thịt
bò xào đã bị anh đầu bếp ép lấy hết cả huyết trước khi bỏ vào chảo.
8.
Nghe tin lão ba hoa về thi pháp cùng Đoàn Thúc Luân và
Thường Kiến, các bạn quen biết cũ Phong Lâm, Đạo Thành và Lạp Mai kéo nhau đến
vườn:
-
Lão Vườn lâu nay
dấu nghề! Chúng tôi tưởng lão chỉ có nghề tưới nước đuổi chim cho Hoa Thơ, chớ
có ngờ đâu cũng theo việc trồng trỉa bón xới.
-
Vào Vườn Hoa Thơ là
để thưởng thức hương thơm sắc thắm, chớ đâu phải để tìm cho biết thứ này thuộc
giống nào có họ với giống kia chăng, đâu phải để tìm cho biết đất nào thích
nghi với giống nào, phân nào thích hợp với thứ nào… Gặp những ông khách tọc
mạch gạn hỏi, không đừng được lão phải thưa qua cho vui câu chuyện vậy thôi.
Lạp Mai:
-
Biết chìu lòng
khách như thế đáng thưởng Hoa Mỹ Bội Tinh.
-
Hoa nào đó? Mỹ
nào đó?
Đạo Thành:
-
Đừng, đừng! Để
được thong thả ngắm hoa thưởng thơ, không nên đả động đến chánh trị.
-
Sao lại sợ chánh
trị? Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách kia mà.
Phong Lâm:
-
Ai là “Thất Phu”
thì mới “hữu trách” chớ chúng ta đây hoặc là
"Tứ phu”, hoặc là “Đắc phu” thì chỉ có “vô tiễu” thôi. Vậy xin Lão
Vườn lo làm nhiệm vụ chiêu đãi viên của vườn Hoa Thơ mà chìu khách đi vậy.
-
Chìu giống gì đây?
Lạp Mai:
-
Nói về Hoa Thơ
bát bệnh.
Vì nhận thấy thuyết thanh bệnh xưa nay đã bị nhiều
người công kích, nên không mấy khi lão đề cập đến, mặc dù lão vẫn theo như theo
một cô tình nhân nghiêm khắc nhưng trung thành… Nay nghe các lão hữu hỏi đến,
lão ngần ngại, muốn tìm cách tránh né cho qua.
Lão nhìn Phong Lâm hỏi: - Câu thơ nầy của ai?
Chung một nước non hòn máu đỏ
Chia đôi nòi giống giải sông xanh.
-
Đã biết rồi hỏi
chi nữa?
Lão nhìn Đạo Thành hỏi? - Câu thơ nầy của ai?
Thôn xa nắng tắt trâu về chậm
Sông lạnh buồm xuôi gió thổi mau.
-
Của tôi
-
Còn câu nầy:
Có phải đông quân đà mở vận
Xui nên ẩn sỹ cũng theo thời.
(1)
-
Của Lạp Mai.
Nhưng Lão Vườn cật vấn như thế là có ý gì?
-
Có ý thưa cùng
quí lão hữu rằng những câu thơ ấy đều vô bệnh. Mà làm thơ đã hết bệnh rồi thì còn
hỏi thăm bệnh nữa mà làm chi?
Đạo Thành:
-
Làm chi cũng chẳng làm chi,
Chẳng làm chi mặc hỏi thì phải thưa.
-
Nếu quí lão hữu
muốn biết rành mạch thì nên mua những quyển sách nầy mà đọc :
Thi học Thông Luận của Phạm Huống,
Thi Pháp Gia Số của Dương Tái,
Thi Pháp Nhập Môn của Mân Đàm Du,
Cựu Thi Lược Luận của Lương Xuân Phương,
Vân vân…
Những quyển sách này ở Chợ Lớn có bán, và đã có một
vài học giả dựa theo các sách ấy mà viết sách dạy làm thơ bằng chữ Quốc Ngữ,
bày bán khắp nơi.
Lạp Mai:
-
Ngồi bên cô tình
nhân mà laị nghe nói chuỵên tâm tình bằng máy thu thanh, thì dù giọng kia lời
kia du dương đến đâu thanh nhã đến đâu cũng không thích thú bằng được nghe
chính miệng người tình thủ thỉ.
Lão ngồi ngẫm nghĩ: - Thơ Cũ đã bị coi thường như chữ
Hán, Những nhà Hán học thông hiểu thi pháp của Trung Hoa, thấu rõ bệnh lợi của
nghề làm thơ Hoa Việt, không muốn đem sở đắc của mình ra phổ biến làm gì cho
thêm phiền. Do đó hơn nửa thế kỷ nay, những người còn luyến tiếc Thơ Cũ mà
không thông Hán văn hoặc không gặp được những sách biên khảo về thơ Trung Quốc,
rất ít người biết được thấu đáo những qui tắc của Thơ Cũ, ngoài những thể thức
thông thường. May mình học lóm được đôi chút của tiền nhân, tưởng cũng không
nên hẹp bụng cùng bằng hữu.
Lão ngẩng lên nhìn ba ông bạn: - Trước khi nói đến
bệnh, lão xin trình qua về nguyên nhân sanh ra bệnh.
Thúc Luân: - Đừng cà kê. Nói mau đi .
-
Từ đời Hán trở về
trước, thi nhân không mấy khi bàn đến âm thanh tiết tấu. Đến đời Nguỵ, Lý Đăng
làm sách Thanh Loại, đời Tấn, Lữ Tịnh làm sách Vận Tập, mới gây lên phong trào
nghiên cứu thanh vận. Khi đến Tề, Lương thuộc NÂm Triều, Chu Ngung, Vương
Dung.. đề xướng thuyết tứ thanh. Thầm Ước, sau khi giảng cứu tinh tường, đặt ra
luật Tứ Thanh Bát Bệnh, được phần đông thời nhân hưởng ứng và gây ảnh hưởng lớn
đến hậu thế, từ Đường Tống đến Minh Thanh…
Bày ra luật Thanh Bệnh, cổ nhân nhắm mục đích giúp cho
người làm thơ sẵn phương tiện để đi đến chỗ hài mỹ của âm điệu. Song vì có nhiều
người ham cầu lấy tinh mật, đua giành lấy tế vi, coi thanh luật là “ thiên tử
thánh triết” (2), thường chỉ chú tâm đến cái Đẹp của hình thanh, mà quên mất
cái Chân của tính, tình, khiến trong hàng thức giả có nhiều người đứng lên phản
đối. Như Chung Vinh đời Tề chê luật âm thanh câu thúc thi nhân làm thương tổn
đến Chân Mỹ. Người đời Đường là Hàn Sơn Tử chê những người theo thuyết Thầm Ước
là “Thanh điệu bài ưu” (3). Và Lý Thái Bạch cho thanh luật là “Thanh điệu bài ưu”
(4). Qua các đời sau, đời nào cũng có kẻ khen người chê. Đến cuối đời Thanh thì
lời chê lấn lời khen và sang đời Trung Hoa Dân Quốc thì lời chê trở thành lời
mạc sát… Một số học giả Việt Nam chịu ảnh hưởng các học giả Trung Quốc, chưa
thí nghiệm, chưa thể chứng, đã đưa ra nhiều lời phán đoán, theo lão, không mấy
công minh.
Đạo Thành: - Lão Vườn theo phái chê hay phái khen?
-
Lão theo Trung
Đạo, không chấp sắc cũng không chấp không.
Phong Lâm: - Theo Lão Vườn thì luật thanh bệnh có bó
buộc chăng? có khó chăng?
-
Chưa biết thì
thấy khó, chưa quen thí thấy bó buộc. Nhưng khi đã biết rồi đã quen rồi thì
chẳng khác người tài xế vững tay lái thuộc đường sá cho xe chạy trên đường Quốc
Lộ số 1 từ Nha Trang ra Cựu Thần Kinh
Phú Xuân. Các thứ bệnh ví dụ như
các ngọn đèo Rù Rỳ, Ruột Tượng, Cổ Mã, Đại Lãnh, Cù Mông, Hải Lương, Bình Đê,
Hải Vân. Đường đã quen, tay lái đã vững, người tài xế chỉ cần để tâm vào việc
lái xe, thì có “thiên thư định mệnh” mới xảy ra việc rủi ro. (5)
Đạo Thành: - Như vậy tám bệnh đã biết rồi thì có thể
nhận thấy rõ lắm sao?
-
Nhận thấy dễ dàng
như bệnh ngoại thương đối với các vị Bác Sỹ lịch duyệt. Ví dụ đọc câu:
Trời đã sang
đầu hạ
Lòng ngỡ
đương giữa thu
Hoặc:
Mái tây em
thẫn thờ
Dưới hoa anh
ngẩn ngơ.
Thì biết ngay là mắc bệnh BÌNH ĐẦU, tức là Bằng đầu.
Còn đọc câu:
Nhớ em đầu
nhuộm trắng
Nhưng anh
đành ngậm đắng.
Hoặc:
Cửa ải bóng
cờ bay
Gió đưa lẫn
cùng mây.
Thì biết ngay là mắc bệnh THƯỢNG VỸ, tức là Chỏng
đuôi.
Đạo Thành:
-
Bằng vào điểm nào
để nhận chứng?
-
Bệnh Bình Đầu mắc
phải là do chữ thứ 1 và chữ thứ 2 vế trên cùng một thanh với chữ thứ 1 và chữ
thứ 2 vế dưới: Trời và Lòng: Trường bình thanh. Đã và Ngỡ: Trường Thượng thanh.
Mái và dưới: Đoản khứ thanh. Tây và Hoa: Đoản bình thanh. Âm điệu của câu thơ
nghe bằng phẳng, không êm ái nhịp nhàng. Còn bệnh Thượng Vỹ mắc phải là do chữ
thứ 4 và thứ 5 vế trên đồng thanh cùng chữ 4 và chữ 5 vế dưới: Nhuộm và Ngậm:
Trường bình thanh. Bay và Mây: Đoản bình thanh. Câu thơ đọc nghe như tiếng xe
đương chạy bị hãm vội lại (câu Nhuộm trắng, Ngậm đắng). Hoặc như tiếng nói hụt
hơi (câu Cờ Bay Cùng Mây). Đọc xong không còn chút âm ba âm hưởng.
Chỉ chữ thứ 5 vế trên với chữ thứ 5 vế dưới cũng một
thanh với nhau cũng bị bệnh Thương Vỹ:
- Giỏi thay
Trần Quốc Toản
Tuổi trẻ mà
can đảm.
- Vừa mới ra
khỏi trường.
Đã gặp kẻ lỡ
đường.
Đọc câu trên, có cảm giác đi vào một ngõ cụt. Đọc câu
dưới như đương đi bị chuồi xuống hầm.
Bệnh Bình Đầu và Thượng Vỹ sanh ra là do sự “ngang
trái” trong việc hài hoà của hai câu. Nghĩa là có đôi lứa mà ăn ở với nhau
không thuận hoà, ăn nằm với nhau không điều độ thì mới sanh ra bệnh. Đến bệnh
PHONG YÊU, thì độc thân mà không biết giữ vệ sinh cũng thường mắc phải:
Ngày xuân ngắm liễu tươi
Tháng hạ buồn hoa rụng
Trong câu nào chữ thứ 2 cũng đồng thanh cùng chữ thứ
5. Xuân va Tươi đều Đoản bình thanh. Hạ và Rụng đều trường khứ thanh. Đọc lên
nghe thấy hai đầu to chính giữ nhỏ, như lưng ong vè vẽ, ong tò vò… Do đó mà
mệnh danh.
Bệnh Phong yêu là bệnh Độc Thân, bệnh Bình Đầu, Thượng
Vỹ là bệnh Đôi Lứa. Còn bệnh HẠC TẤT lại là bệnh Tổ Tam Tam, vì phải có một
nhóm ba câu mới có thể sanh bệnh: Bệnh sanh ra do chữ cuối của các câu lẽ trùng
thanh với nhau:
Gió bấc từng
cơn thổi
Từng hàng mây
trắng bay
Từng cơn mưa
lá đổ
Trong bóng
vàng xế tây.
Đọc từ trên xuống dưới một hơi, đến chữ thứ 5 (tức chữ
cuối câu 1) và chữ thứ 15 (tức chữ cuối câu 3), thì thấy lời thơ bị gãy ở giữa.
Đó là do chữ THỔI và chư ĐỔ cùng 1 thanh
(Đoản Thượng thanh) làm cho âm hưởng dồn lại gây ấn tượng hai đầu nhỏ ở giữa to
như đầu gối chim hạc. Nên gọi là bệnh Hạc Tất.
Nhưng nếu chữ thứ 15, tức chữ cuối câu thứ 3, cứ giữ
thanh Đoản Thượng, nhưng lựa một chữ đồng vận cùng chữ thứ 5, tức chữ cuối câu
1, thì bệnh trở thành lợi:
Gió bấc từng
cơn thổi
Từng hàng mây
trắng bay
Từng cơn mưa
lá nổi
Trong bóng
vàng xế tây.
Thổi và Nổi vần với nhau làm cho bài thơ thêm nhạc.
Bài thơ đã hết bệnh mà còn trở thành một thể thơ đặc biệt: Bằng Trắc lưỡng vận
thể. (6). Cho nên trong bốn bệnh vừa kể, bệnh Hạc Tất nhẹ nhất, người làm thơ
nhiều khi bỏ qua nếu không muốn lợi dụng biến bệnh thành lợi. Còn ba bệnh kia
muốn chữa cũng không khó: Chỉ đổi thanh nầy ra thanh khác, hoặc chỉ đổi đoản ra
trường, trường ra đoản.
Như chữa bệnh Bình Đầu:
- Tiết đã sang
đầu hạ
Lòng ngờ
đương giữa thu.
- Mái tây em
thẫn thờ
Thềm hoa anh
ngẩn ngơ. (7)
Chữa bệnh Thượng Vỹ:
- Nhớ em đầu
nhuộm trắng
Nhưng anh
đành im lặng.
- Cửa ải bóng
cờ bay
Chờn vờn
trong gió mây (8)
Chữa bệnh Phong Yêu:
- Xuân về ngắm
liễu tươi
-
Hạ đến buồn hoa rụng (9)
Lạp Mai: - Tôi có đôi điều muốn thẩm vấn về Âm, nên
xin để nói sau. Bây giờ xin nói về bệnh của Vận.
-
Hai bệnh của Vận
là Đại Vận và Tiểu vận.
Bệnh Đại Vận do chữ thứ 2 cùng một vần với chữ cuối
câu hạ vận:
Anh mời bạn
đến chơi
Đông người đã
mất vui
Còn bị cảnh
sát phạt
Trăm năm
tiếng để đời.
Cũng bị bệnh Đại Vận nếu những tiếng bằng ở trên câu
không hạ vận mà cùng một vần với vận bài thơ:
Mời muốn mời bạn đến
Đừng quá số năm người
Luật Quốc gia cứng rắn
Mình không nên để người
Trong câu hạ vận mà chữ thứ 1 hoặc chữ thứ 3 cùng 1
vần với chữ cuối câu, cũng bị coi là mắc bệnh Đại Vận:
Luật quốc gia
cứng rắn
Không cho đời
để ngươi
Hoặc:
Luật quốc gia
cứng rắn
Không cho đời
để người
Càng nhiều chữ đồng vận cùng vần câu thơ thì bệnh càng
nặng:
Luật đời nay
dẫu gắt
Người xu thời
vẫn chơi
Còn bệnh Tiểu Vận do chữ thứ 2 và chữ thứ 4 trong mỗi
câu, nhất là câu hạ vận, cùng 1 vần với nhau:
Thuê thuyền
xuống miền đông
Mong cho gặp
mặt chồng
Miễn chữ tùng
giữ vẹn
Gian khổ ngó
như không.
Nói tóm lại là trong khoảng 9 chữ ở trên chữ bỏ vần
của bài thơ, không được dùng những chữ đồng vận, bất kỳ vận gì. Bởi có nhiều
chữ vần với nhau nghe hơi chướng tai.
Những bệnh về Thanh và Vận, một bên nhờ những dấu
chuyển thanh (`’. ? ~), một bên nhờ khuôn âm, mà thành dễ nhận thấy. Còn về hai
bệnh của Âm thì nhiều người cho là khó phân biệt. Khó phân biệt bỡi trong các
sách dạy làm thơ thường giảng minh về thanh vận chớ ít quyển nói về âm.
Lạp Mai: - Chính vì vấn đề đó mà khi nãy tôi yêu cầu
Lão vườn nói về vận trước âm. Bây giờ mong được nghe giải thích về âm trước khi
thuyết minh về bệnh.
-
Chữ ÂM chúng ta
nói đây nghĩa lý khác với chữ ÂM trong câu “Thanh thành văn vị chi ÂM”, khác
với chữ Âm trong câu “Đồng Âm dị nghĩa”.
Cổ nhân dạy rằng: “Đạo làm văn có ba nguyên lý là Hình
văn do ngũ sắc tạo nên, là Thanh văn do ngũ âm tạo nên, là Tình văn do ngũ tính
tạo nên “Chữ Âm trong câu” “thanh thành văn..” Ý nghĩa giống chữ Thanh văn.
Chữ Âm trong câu “Đồng âm dị nghĩa” gồm cả ba yếu tố
của tiếng: Âm Thanh Vận. Ví dụ ĐÔNG là phương đông và ĐÔNG là mùa đông, là hai tiếng
của đồng âm mà dị nghĩa.
Còn chữ Âm chúng ta nói đây chỉ là một yếu tố của
tiếng mà thôi.
Và cũng như Thanh, Âm chia làm bốn đại loại:
-
Hầu âm, tiếng
họng, (sons gutturaux)
-
Thiệt âm, tiếng
lưỡi, (sons lingaux)
-
Xỉ âm , tiếng
răng (sons dentaux)
-
Thần âm, tiếng
môi (sons labiaux)
Mỗi loại chia ra làm nhiều nhánh: Hầu âm thì chia làm
Thâm hầu và thiển hầu; Thiệt âm chia làm Thượng Thiệt và Đầu Thiệt; Xỉ Âm chia
làm bán xỉ, chính xỉ Nha; Thầm âm chia làm Trọng Thần và Khinh thần. Mỗi nhánh
chia ra làm nhiều nhóc. Tính có trên vài chục âm. Chúng ta nhượng việc nghiên
cứu lại cho các nhà chuyên môn về ngôn ngữ học. Khách làm thơ chỉ nên phân biệt
những tiếng nào chữ nào là đồng âm với nhau để tiện việc sử dụng trong khi làm
thơ mà thôi.
Phong Lâm: - Âm và Thanh khác nhau như thế nào?
-
Âm là tiếng gốc,
chịu ảnh hưởng nhiều ở họng thì gọi là hầu âm, chịu ảnh hưởng nhiều ở lưỡi thì
gọi là thiệt âm, chịu ảnh hưởng nhiều ở răng thì gọi là xỉ âm, chịu ảnh hưởng
nhiều ở môi thì gọi là thầm âm. Âm phát ra một cách bằng phẳng. Giọng của
âmbiến chuyển khi cao khi thấp, khi đục khi trong, thành ra 8 thanh. Tám thanh
là 8 cái ngọn của âm do các dấu huyền sắc nặng hỏi ngã tạo thành.
Đạo Thành: - Phân biệt được Thanh nhờ những dấu chuyển
thanh, phân biệt được vận nhờ khuôn cọng với thanh. Còn phân biệt các thứ âm
thì nhờ yếu tố gì?
-
Nhờ 1 hay 2 mẫu
tự ơ đầu hai mẫu chữ. Ví dụ “Bà bán bột bị bắt bỏ bót”, hoặc “Chẳng chính
chuyên chi chớ chực chờ”, đồng âm. Để cho tiện việc kêu gọi thì dùng chữ cái
khởi đầu mà đặt tên cho mỗi âm: Âm B, âm Ch, âm Đ… vân vân… (10)
Lạp Mai: - Nói về âm chừng nấy cũng tạm đủ. Xin nói về
bệnh.
-
Hai bệnh của Âm
là Bàng Nựu và Chánh Nựu.
Bệnh Chánh Nựu mắc phải là do 2 hay nhiều chữ cách
nhau mà đồng âm với nhau:
Phạm pháp thì
bị phạt
Đem tiền đến
chực lo
Rủi lo giám sát
biết
Ai dám dạy
dùm cho
Trong 1 câu 5 chữ mà đến 2 hay 3 tiếng đồng âm thì
nghe lắp bắp quá! Nhưng nếu 2 chữ đồng
âm đứng sít nhau thì không bị bệnh:
Phạm pháp thì
bị tù
Đừng thanh
mình vụng tu
Quan toà sáng
suốt lắm
Lo lót chết
bỏ bu
Chánh Nựu thì bệnh nằm trong từng câu. Còn Bàng Nựu
lại phải do 2 hay nhiều câu “lục đục” với nhau mới sanh ra bệnh, và bệnh nằm ở
chữ cuối mỗi câu:
Ai nấy đều
người phàm
Tội lỗi sao
khỏi phạm
Bắt nhốt vào
nhà pha
Bị đoạ đày
nghĩ thảm.
Phàm phạm pha nối tiếp nhau nghe như nói cà lăm. Không
cần đến ba chữ đồng âm như thế, chỉ hai chữ cũng đủ khó nghe:
Ai nấy đều
người phàm
Tội lỗi sao
khỏi phạm
Bắt nhốt vào
nhà lao
Bị đày đoạ
nghĩ thảm.
Hoặc đổi chữ PHÀM trên câu 1 ra chữ TRẦN và để y chữ
PHA ở câu thứ 3, thì đọc nghe cũng thấp lặp bặp.
Nếu như nghiêm khắc thì bài sau đây cũng bị bệnh Bàng
Nựu:
Nghe đau tìm
đến thăm
Đều những bạn
tình thâm
Ai nấy mặt tươi tỉnh
Người bệnh
được yên tâm.
Nói nghiêm khắc là nói về câu 1 và 2, chớ câu 3 và 4
thì bị bệnh hẳn hoi. (Tỉnh, Tâm)
Phong Lâm:
- Nếu thế thì câu này cũng bệnh sao:
Hiu hắt gió
chiều đông
Mảnh tơi thân
mục đồng.
-
Câu “Nghe đau tìm đến thăm.. tình thâm”, chỉ là
bệnh sổ mũi. Có thể khoan thứ cho là
hiệp thức, vì nhờ vần với nhau. Còn câu “… Chiều đông …. Mục đồng” thì không
bệnh bỡi nhờ sự khác thanh đã hóa giải được chất đôc của sự đồng âm. Do đó câu
“.. đông… đông”, nghe êm ái dễ ưa.
(1 là trường bình thanh, 1 là đoản bình thanh)
Mà câu thơ nào nghe thuận tai đọc sướng miệng là câu
thơ không bệnh.
Đạo Thành:
-
Tuỳ âm dị thẩm âm
nan
Phong Lâm:
-
Bởi vậy trên đời
không có nhiều Chu Lang, và Chung Tử Kỳ chết thì Bá Nha đập cầm.
Lạp Mai:
-
Tám bệnh Thẩm Ước
tìm ra tôi thấy cũng không đến nỗi khó nhớ và khó tránh. Những bệnh ấy quả làm
hại âm điệu câu thơ không nhiều thì ít. Nếu mình muốn đi đến chỗ tinh diệu của
âm thanh thì dùng công phu tập luyện, bằng không thì thôi chớ sao lại nặng lời
cùng Thẩm Ước?
-
Cụ Ngô Đức Kế và
cụ Huỳnh Thúc Kháng nặng lời cùng cụ Nguyễn Du, tác giả Đoạn Trường Tân Thanh,
nào phải ghét cụ Nguyễn Du hay ghét Đoạn Trường Tân Thanh, mà chính ghét nhà
văn Phạm Quỳnh đã tán tụng Đoạn Trường Tân Thanh quá đáng gây thêm sức mạnh cho
phong trào lãng mạn và phát sinh, trong khi các cụ đương ra công chấn khởi tinh
thần ái quốc của nhân dân Việt Nam. Đối với Thẩm Ước cũng thế, những thi nhân
văn sỹ công kích thuyết Tứ Thanh Bát Bệnh và buộc tội kẻ đề xướng, là cốt để
ngăn chận bớt lòng sùng kính thái quá luật Thanh Bệnh, coi là giáo điều bất khả
xâm phạm, dồn cả sức lực bình sinh vào hình văn thinh văn mà xao lảng tình văn,
nghĩa là chỉ lo trau lời cho đẹp chuốt giọng cho kêu, còn tánh tình tư tưởng
thì trống rổng.
Trong việc văn chương cũng như việc trần thế, hẽ cái gì thái quá thì cũng
đều gây phản ứng.
Còn một hạng người nữa công kích Thẩm Ước là vì không
đủ tài hoặc lười biếng không vượt qua khỏi những lỗi mà Thẩm Ước đã vạch cho
nhiều khách yêu văn chương thấy rõ. Ví dụ: Ở Bình Định có một số người đọc sai
Chính tả. Như Quả Xoài thì nói là Trái Xoài, Đi Về thì nói là ĐI Dìa… Khuyên họ
sửa lại cho đúng, họ đáp : “Nói sao hiểu được thì thôi”. Nếu khuyên nữa thì họ
đổ khùng mắng: “mấy nghìn năm nay ông bà nói thế đã hại gì mà bây giờ bắt buộc
phải nắn lưỡi uốn mồm cho mệt”.
Để kết luận lão lặp lại những ý lão đã trình bày ở
đoạn trước:
-
Người ta chỉ bệnh
cho mình thấy, mình tránh được càng tốt, bằng không tránh được hoặc không cần
tránh, không muốn tránh, mà tình ý diễn tả được đầy đủ, câu thơ nghe không đến
nỗi trúc trắc ngượng ngập, thì cũng không hề gì. Dùng lời để đạt ý. Lời dù đẹp
dù êm tới đâu mà không đạt được ý hoặc làm hại đến ý, thì đều không ích gì cho
người làm thơ cũng không lợi gì cho làng
Thơ. Nhưng một người dù tài giỏi đến đâu, dù dung mạo có đẹp đẽ bao nhiêu mà bị
bệnh nội thương hay ngoại thương khá nặng thì thiên hạ cũng ít muốn giao du.
Thơ cũng thế.
__________________________________________________________________
(1) Câu luận bài Vịnh Các Nở Cuối Năm của Lạp Mai.
(2) Lời của Chu Xả đáp vua Lương Vũ Đế khi hỏi về tứ
thanh.
(3) Thằng đui vịnh mặt trời.
(4) Trò hề thanh điệu
(5) Kim nhân cũng như cổ
nhân, nhiều người rất sành thanh bệnh, song thỉnh thoảng cũng vẫn “vi phạm”,
muốn tránh nhưng không tránh được, nên phải hy sinh thanh điệu cho tánh tình.
(6) (7) (8) (9) ở đây chỉ đưa ví dụ ra chứng minh cho
sự xuôi tai và không xuôi tai mà thôi, chớ không chú trọng đến nội dung.
Trong 8 bệnh của Thầm Ước, 4 bệnh Bình Đầu, Thượng Vỹ, Phong yêu, Hạc Tất, thuộc về Thanh. Còn 4 bệnh nữa thì 2 bệnh thuộc về Âm và 2 thuộc về Vận.
(10) Nói một cách tóm tắt: Phân biệt Thanh nhờ dấu `’.? ~ phân biệt âm nhờ vần xuôi, phân biệt vận nhờ vần ngược.
Trong 8 bệnh của Thầm Ước, 4 bệnh Bình Đầu, Thượng Vỹ, Phong yêu, Hạc Tất, thuộc về Thanh. Còn 4 bệnh nữa thì 2 bệnh thuộc về Âm và 2 thuộc về Vận.
(10) Nói một cách tóm tắt: Phân biệt Thanh nhờ dấu `’.? ~ phân biệt âm nhờ vần xuôi, phân biệt vận nhờ vần ngược.