TIẾP KHÁCH HOA THƠ [3]
8.
VIÊN TỬ TÀI, tác giả Tuỳ Viên Thi Thoại, nói rằng:
-
Chữ TRUYỀN là chữ
NHÂN thêm chữ CHUYÊN, ý nói: người chuyên ắt truyền được vậy.
Từ ngày học thơ, NGUYỄN THỊ KIM NHUNG chỉ chuyên về
thể Lục Bát và Song Thất Lục Bát. Có một số bài khả ái, nếu gặp được cơ duyên
biết đâu lại không được truyền tụng. Như:
GHÉ NGANG
Lòng em là
bến hàn giang,
Anh, thuyền
du khách ghé ngang một chiều.
Thuyền đi bến
lại cô liêu,
Chân cò mặt
sóng cánh diều lưng mây !
Nước trôi
ngày lại trôi ngày,
Lòng xao sóng
lạnh mây bay bóng thuyền.
Bài này chịu ảnh hưởng bài SANG NGANG của cố thi sỹ
NGUYỄN ĐÌNH THƯ, mà lão nhớ chừng chừng rằng:
Lòng em là
chiếc thuyền lan,
Tình anh là
khách sang ngang một chiều
Thu nào quá
đỗi cô liêu
Bờ hun hút
lạnh nắng hiu hiu buồn…
Đi rồi thuyền
cách bến thôn,
Tình người
gió biển mưa nguồn biết đâu!
Cầm tay chừ
hẹn chi nhau
Bên sông nước
chảy một màu bao la!
Thể cách tuy đồng, những mỗi bài có một phong thú
riêng biệt. Bài của NGUYỄN ĐÌNH THƯ man mác bao la. Một mối tình hiện tại bao
trùm cả quá khứ lẫn tương lai, một quá khứ xa xôi, một tương lai vô định! Một
mối tình bát ngát mênh mông! Còn bài của KIM NHUNG chứa chan một mối tình quá
khứ đương nằm trong hiện tại, một mối tình ôm thu một khoảng thời gian và không
gian dài rộng vào trong một khung cảnh cỏn con! Ý vị!
Về Song Thất Lục bát, KIM NHUNG cũng đã luyện lắm. Như:
NGỌN ĐÈN KHUYA
Cúc đơm hương trời sương ngào ngạt,
Chén quan hoài, đậm? Nhạt? Tình ai …
Ngọn đèn riêng bóng thư trai,
Mộng xuân chưa dệt, còn dài tơ duyên..
Trăng thượng huyền nghiêng nghiêng vẻ ngọc,
Thuyền lãng du
ngang, dọc, đời ai!
Ngọn đèn lụn bấc
thư trai,
Tơ duyên mong dệt
cho dài mộng xuân…
Lời văn tuy không
được mới, chữ dùng tuy có phần xưa, song cách dàn ý, lối diễn tình thật có chỗ
cá biệt, và vị thơ cũng khá đượm đà.
Lão đương cùng
chén trà mai gục gặt, thì KIM NHUNG tìm đến hỏi lão:
- NHUNG muốn tập
làm thơ Đường luật, phỏng có được chăng?
Lão đáp:
-
Đường nhân HỨA
HỒN có câu rằng:
Ngâm thi hảo
tợ thành tiên cốt,
Cốt lý vô thi
mạc lãng ngâm.
Nghĩa là:
Ngâm thơ cốt
tợ thành tiên ,
Không thơ
trong cốt chớ phiền ngâm thơ.
Mà KIM NHUNG vốn là người có sẵn thi cốt thì muốn làm
thơ gì lại chẳng được.
KIM NHUNG cười:
-
Lão Vườn muốn
mượn lời cổ nhân để nhủ khách làm thơ rằng “Thơ quí ở cốt chứ không phải ở
cách”?
Lão gật đầu:
-
Chính thế. Một
thi nhân nước Pháp ở thế kỷ thứ 18 là André CHENIER cũng có câu rằng: “L’art ne
fait que des vers, l’âme seul est poète”. Nghĩa là “Nghệ thuật chỉ làm ra những
câu thơ, chính tâm hồn mới là thi sỹ”.
-
Nhưng có tâm hồn
mà không có nghệ thuật thì thơ cũng chẳng nên thơ.
-
Quả vậy. Nhưng
tâm hồn là của trời, nghệ thuật là của người. Trời khó vói, người dễ gần.
-
Tuy rằng dễ gần,
song há ai cũng có thể gần được? Dễ mà khó, thật khó!
- Có khó mới có thú.
KIM NHUNG cười: - Khó quá cũng hết thú. Như thơ Đường
luật.
Lão hỏi:
-
Thơ Đường luật
khó ở chỗ nào?
-
Phép đối chọi.
Lão cười:
-
Nếu quả phép đối
chọi là khó, là thật khó, thì những tay rành nghề còn công sức đâu mà bày ra
nhiều cái rắc rối thêm? Như đã hạn những vận mắc mỏ, còn buộc kẻ làm thơ phải
dùng những chữ những tiếng.. đã lựa sẵn trong mỗi câu.. hoặc phải dùng cái này
cái nọ, phải tránh điều này điều nọ. Vân vân …
-
Ví dụ bài Chê gái lấy chồng già của cụ tú Nguyễn
Đức Thuận, dùng vận từ thứ (vận trong bài Từ Thứ qui trào của Tôn Thọ Trường)
câu trên có tên một giống chim câu dưới có tên một giống thú, và mỗi câu có tên
một vị thuốc Bắc. (Từ Thứ vận, thượng cầm hạ thú, nhất cú nhất vị dược):
Chim QUYÊN bả
đậu nhánh choi voi,
MANG bạch đầu
ong nỏ mặn mòi. (1)
PHỤNG ước
thung dung ăn trái trúc,
THỎ đâu cam
toại ấp nhành còi.
Liên kiều
THƯỚC bắc so le nhịp,
Sơn giác NGỰA
đua hụt chạc roi.
LOAN chạ từ
cô đừng chuyện ấy,
Kén LỪA quân
tử giá ngàn thoi.
Bài này do một quan tổng đốc Bình Định ra đề. Thí sinh
có hàng trăm nhưng chỉ có bài của cụ tú NHUẬN là trúng tuyển và được hậu
thưởng.
Về loại này cụ Tam Xuyên TÔN THẤT MỸ rất sở trường. Cụ
có nhiều bài truyền tụng, như bài GHẸO O ĐOÀI BÁN BÁNH, trong mỗi câu có tên một quẻ trong bái Quái và tên 1 thứ bánh:
Vẻ ngọc CÀNG
say rượu ít nồng (2)
Khen ai vòng
KHẢM đúc hình dung.
CẤN nơi quán
khách e dầy dụa
CHẤN bức mành
ba những ước mong
Gieo lá TỐN
công dòng bích thuỷ,
Dấu bèo LY
hận ngọn đông phong.
Ngắm em xem chợ
tình KHÔN hỏi,
Ngoảnh lại non ĐOÀI ngọn ráng hồng.
Một hôm vào chơi nhà người bạn thấy một thiếu nữ ngồi
tập đánh vần chữ Quốc ngữ, cụ bèn làm một bài thơ ghẹo trong có tên những dấu
Huyền sắc nặng hỏi ngã và một câu có mỗi chữ cái La Tinh. Lão chỉ nhớ mày mạy
được bốn câu giữ, rằng:
HUYỀN vi máy tạo E lời
lậu ( `, e)
SẮC sảo câu thơ IT chữ đề ( ', x)
NẶNG gánh tương tư tình ép uổng. ( ., f)
HỎI nơi kỳ ngộ dạ đê mê (?, đ)
Cụ tú NHUẬN và cụ Tam Xuyên là những bậc tiền bối đã
qua đời. Hiện nay còn có cụ NGUYỄN KHOA VY ở Huế, làm thơ rất lanh và có tài
nói lái. Như:
Nhắc bạn riêng thương tình nhạn
bắc,
Trông đời thêm ngán cảnh trời
đông.
Hoặc:
Bảy cụ bóp lầm cô bụ
cảy (bụ cảy: vú đau)
Ba trò ăn xả thịt bò
tra. (bò tra: bò già).
Cụ còn nhiều ngón lắc léo khác, như toàn bài dùng những chữ khởi đầu bằng một phụ
âm hay một nguyên âm, dùng một số chữ nhất định hay một câu thơ thành một bài
thơ có nghĩa lý,vân.. vân… Rất tiếc là lão không nhớ để dẫn ít câu cho vui. Câu
nầy:
Tin nhạn mong
chờ e ít hát (E , X, H)
Gối loan trằn
trọc ép anh ca (F, N, K)
Dường như cũng của cụ là phải.
Còn rất nhiều người khác bày ra nhiều ngón xảo kỷ
khác, như dùng chữ Pháp lẫn cả nghĩa khác vào thơ. Ví dụ:
Phản săn ngồi
mãi đơ hai gối (Deux:hai)
Xe lửa nghe
ra huýt tám giờ (Huit:tám)
Của Khương Hữu Dụng. Vân vân…
Thật là khéo! Lối kỹ thuật tiểu xảo ấy, người xưa
không có. Người xưa đặt ra phép, đặt ra luật, cốt để cho người làm thơ nương
theo đó mà phô diễn cho dễ có tiết tấu dễ có vần điệu. Phép đối trượng bày ra
để cho câu thơ được thêm phần trang trọng, để cho nhạc thơ được dễ điều hoà.
Phép đối trượng của cổ nhân rất giản dị: Về thanh thì chỉ có chữ thứ 2, chữ thứ
4, chữ thứ 6, bằng trắc phải đối nhau, chữ thứ 1, chữ thứ 3, chữ thứ 5, không
cần phải đối (nhất, tam, ngũ bất luận; nhị, tứ, lục phân minh). Còn về tự thì
chữ hư đối với chữ hư, chữ thực đối với chữ thực…, nghĩa là loại chữ nào đối
theo loại chữ nấy. Đối thế nào cho câu thơ được thăng bằng, hoà hợp, nhạc thơ
được nhịp nhàng êm ái là ổn thoả, là thành công, chớ không cần phải chỉnh từng
chữ một. Ví dụ câu thơ của cụ Tam Nguyên Yên Đỗ:
Bạn già lớp
trước nay còn mấy,
Chuyện cũ
mười phần chín chẳng như.
Nếu lấy ra so sánh từng chữ, thì trừ 2 chữ đầu của mỗi
câu là chọi nhau sít sao, còn các chữ khác thì không chỉnh. Thế mà đọc lên
chúng ta không hề thấy lệch lạc, và xưa nay ai nấy cũng đều công nhận. Lắm lúc
cổ nhân bỏ cả đối. Ví dụ cặp trạng trong bài Hoàng Hạc Lâu của THÔI HIỆU đời
Thịnh Đường:
Hoàng hạc
nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du…
Mà Tản Đà dịch là:
Hạc vàng đi mất từ xưa,
Nghìn thu mây trắng bây giờ còn bay.
Câu thơ của họ
Thôi chẳng những bỏ đối, mà còn bỏ cả luật bằng trắc. Thế mà câu thơ vẫn giữ
được thế quân bình và tạo nên một nhạc điệu đặc biệt gây nhiều hứng thú cho
người đọc thơ.
KIM NHUNG: - Như thế chứng tỏ rằng Thi nhân đời Đường
sáng chế ra luật thi, nhưng không cố chấp luật.
-
Bởi vì cổ nhân
không bao giờ coi luật thơ có giá trị tối cao, bất khả xâm phạm, mà chỉ coi là
một phương tiện, và lẽ tất nhiên không phải là phương tiện duy nhất, độc tôn.
Cố chấp luật thi là người đời sau, và bày ra những kỷ thuật tiểu xảo cũng do
người đời sau. Vì chấp luật, vì ưa chuộng xảo kỷ mà phần đông người làm thơ quá
thiên về hình thức, xao nhãng mất nội dung, khiến vừơn thơ hiện ra một cảnh hoa
giấy tưng bừng nhưng thiếu hương vị. Đó là cảnh tượng làng thơ Đường Luật buổi
Tiền Chiến. Do đó mới có phong trào Thơ Mới nổi dậy đả kích thơ Đường Luật ngót
10 năm trời, từ 1932 đến 1941… Cũng vì quá chuộng hình thức, cũng vì lo gò gẫm
trong việc đối chọi, làm mất sanh khí của thơ…, nên Lưu Trọng Lư mới dám lớn
tiếng công kích rằng: “Phép đối trong thơ cũ bất ngoại con chó đi ra, con mèo
chạy về”.
KIM NHUNG cau mày: - Sao lại quơ đũa cả nắm như thế?
Lão cười:
-
Cũng bởi mình có
đũa nên người ta mới quơ được chứ.
-
Theo lời Lão Vườn
thì không nên chú trọng đến việc đối chọi. Song NHUNG nhận thấy thơ Lão Vừơn
không bài nào đối không chỉnh, cả đến thơ tứ tuyệt không cần phải đối, mà thỉnh
thoảng lão cũng đối rất sít sao. Như:
SONG CHIỀU
Ngày trôi
chậm chậm sông đưa lá,
Thoi liệng xa
xa én dệt mù.
Mở rộng song
thơ chờ ánh nguyệt,
Nửa lòng xuân
sắc nửa lòng thu!
Kim Nhung nhìn lão một cách hóm hỉnh, có ý bảo thầm
rằng lão nói một đàng làm một nẻo. Lão mỉm cười:
-
Đó chỉ là thói
quen, cũng như các ông già hay vuốt râu vậy thôi… Nhưng nếu bài SONG CHIỀU quả
là một bài thơ hay, theo ý của Kim Nhung, thì thử xét kỹ xem nó hay nhờ đối
chọi sít sao hay nhờ những gì khác? Xin thú thật rằng lão làm thơ thì trước uẩn
nhưỡng tâm tư, sau mới thôi xao từ điệu. Mà thôi xao từ điệu là cốt để diễn đạt
tâm tư cho được chu đáo, chớ không phải để khoe tài văn chương, vì làm văn làm
thơ là gởi tấm lòng vào thiên cổ chớ đâu phải làm việc phấn sức cho tài ba
trong một thời.
KIM NHUNG: - Làm thơ Đường luật mà không đối có được
chăng ?
-
Không nên cố chấp
mà thôi, chớ bỏ hẳn thì không còn gọi là Đường luật nữa. Có nhiều nhà thơ hiện
đại dùng thể Thất Ngôn bát cú nhưng bỏ đối, tạo thành một thể mới không kém
phần trang nghiêm. Ví dụ bài NGHE HÁT của VŨ HOÀNG CHƯƠNG
Phách ngọt
đàn say nệm khói êm,
Tiếng ca buồn
nổi giữa chừng đêm.
Canh khuya
đưa khách lời gieo ngọc,
Mơ gái Tầm
Dương thoảng áo xiêm,
Ai lạ nghìn
thu xa tám cõi,
Sen vàng như
động phía châu liêm.
Nao nao khói
biếc hài thương nữ,
Trở gối hoa
lê rụng trắng thềm.
Và bài NGHẸN BƯỚC của Vũ Hân:
Nắng rụng gầy
sương đường lỡ thì
Thương người
khăn gói nghẹn chân đi!
Quán nghiêng
nửa mái chờ giông tố,
Cữa hẹp mây
đùn sập nét mi!
Quỉ dựng đàng
sau muôn lớp ải,
Lòng nghe nai
gặm cỏ biên thuỳ.
Xoa tay nhớ
lại mùa xuân trước
Phấn bướm còn
vương nhịp trúc ti.
Những bài thơ như thế chẳng những có giá trị về văn
chương, mà còn ngậm chứa hương vị thời nhà Đường, nhất là hai cặp kết.
Vậy theo ý lão, thì KIM NHUNG nên tập làm thơ Thất
Ngôn Bát Cú theo cách nầy. Và lão khuyên nên tránh xa lối tiểu xảo của các thi
công trong làng thơ Đường luật. Những kỷ thuật tiểu xảo chỉ làm vui mắt những
kẻ hiếu kỳ, nhưng thường hay làm chết hồn Thơ là cái cần thiết, cái cốt yếu
vậy.
KIM NHUNG cười lớn:
-
Một nhà thơ Đường
luật có tiếng là cân nhắc từng câu từng chữ, lại khuyên người không nên chú
trọng về hình thức!
Lão liễm dung đáp:
-
“Cân nhắc từng câu từng chữ: và “chú trọng
hình thức” thật khác nhau xa lắm. Và “Chú trọng hình thức” với “lo tỉa vẽ những
nét tiểu xảo” cũng khác nhau xa. Người có thi cốt như KIM NHUNG không nên lầm
lẫn. Những sự lầm lẫn như thế hay nhường lại cho những người chưa hiểu Thơ cũng
như những xảo kỷ kia nên nhường lại cho các thi công lấy thơ làm món tiêu
khiển, món trang sức.
KIM NHUNG xin “lĩnh giáo”, nhưng lại nói: - Thú thật
cũng Lão Vườn, Nhung thích đối quá, mặc dù biết rằng khó.
-
Sở thích ấy đã
biểu lộ trong những câu thơ lục bát:
Thuyền đi bến
lại cô liêu,
Chân cò mặt
sóng, cánh diều lưng mây.
Nước trôi
ngày lại trôi ngày,
Lòng xao sóng
lạnh, mây bay bóng thuyền.
Cách tiểu đối ấy báo trước rằng Kim Nhung sẽ đạt được
ý muốn… Nhưng không nên say đắm mà sớm già như lão đó.
KIM NHUNG cười, ngâm:
Ngòi hoa mỗi
nét thêm già giặn,
Mái tuyết
nghìn thu vẫn trẻ trung.
Lão vỗ tay khen:
-
Nữ nhi đáo thử
thị hào hùng!
(1), (2) Ở miền Trung từ Huế trở vào, những chữ có G đọc in những chữ không G, nên MAN và CÀN lộn với MANG và CÀNG.
9.
Cặm cụi cùng mấy giỏ hoa, từ hừng đông đến đứng bóng,
mà không lựa được một nhánh xuất sắc để đem chưng bày ra vườn Thơ! Mỏi quá lão
ra nằm khểnh dưới gốc mận, ngửa nhìn mặt trời lách qua tầng lá để “bắt chước
những vì sao”. Thỉnh thoảng gió biển thổi đến làm rụng đôi ánh nắng đậu cành
cao. Lão cao hứng nhịp đùi ngâm bài “Một buổi trưa mùa thu” trong Mùa Cổ Điển:
Gió tự mô về?
Thổi đến mô?
Mấy cành sao
rụng bóng hoa nô.
Đây vài giọt
nhẹ rơi mưa lá,
Đó một màu im
trải nắng hồ.
Tóc vướng hơi
hương vườn thuý liễu,
Lòng nương
tiếng địch bến vi lô.
Trưa Bồng Lai
khẽ rung rinh biếc,
Nghiêng cả
hồn thu xuống lững lờ.
Đương lúc lão “quên thiên hạ”, thì BA NẠI HÀ và MẠN ĐÀ
HOA đến dựng dậy:
-
Lão Vườn có vui
lòng tiếp chúng tôi?
-
Trong lúc nằm
không mà có người đến nói chuyện thì còn gì thích thú bằng.
MẠN ĐÀ HOA: - Nếu câu chuyện không được thích thú, thì
lỗi không phải tại nơi chúng tôi.
-
Thì tại lão.
BA NẠI HÀ: - Đúng vậy. Vì trong câu chuyện nói cùng
chị Kim Nhung hôm nọ, Lão Vườn có dùng mấy chữ “Uẩn nhưỡng tâm tư, Thôi xao từ
điệu”, mà chúng tôi không được rõ nghĩa, nên nay đến thỉnh giáo.
Lão cười: - Đã gieo gió thì phải gặt bão, lão đâu dám
phàn nàn. Vậy lão xin giải thích:
UẨN NHƯỠNG là nung nấu lâu ngày, nấu từ từ với một sức
nóng điều độ, nấu cho đến lúc chín rục, nhuyễn bấn, như nấu rượu, nấu cao.
Làm thơ không nên vội vàng hấp tấp. Những ý niêm,
những tình cảm, những tư tưởng… phải được nấu nung hun đúc cho thật chín, cho
thật nhuyễn, nghĩa là phải được nghiền ngẫm, nhào nặn, phân tách, thử thách…
cho thật kỹ rồi mới đưa ra cùng văn chương.
Như thế là uẩn nhưỡng, là phanh luyện.
Cổ nhân có câu:
Ngâm thành
ngũ cá tự,
Dụng tận bán
sanh tâm.
Nghĩa là: Làm nên được một câu thơ năm chữ, thì đã
dùng hết tâm lực của nửa đời người.
Xem đó thì biết rằng cổ nhân làm thơ thật là công phu.
Mà cũng nhờ có công uẩn nhưỡng phanh luyện, thơ của cổ nhân mới sống mãi với
nghìn thu. Lòng của cổ nhân vẫn cùng lòng của người nghìn muôn thu sau giao
cảm.
-
Đó là “Uẩn nhưỡng
tâm tư”. Còn “Thôi xao từ điệu”?
-
Thôi là xô đẩy,
thúc dục. XAO là gõ, đánh. Đó là nghĩa đen. THÔI XAO trong câu dùng theo nghĩa
bóng. THÔI XAO TỪ ĐIỆU là lựa chữ, chuốt lời, gióng điệu... để diễn tả cho kỳ
được những gì mình muốn diễn tả.
MẠN ĐÀ HOA: - Sao từ “Xô.. Gõ..” mà lại biến thành “lựa,
chuốt..” được ? Thật giống thuyết “Chim se sẻ hoá làm ngao biển” quá!
BA NẠI HÀ: - Không lẽ cổ nhân dùng chữ sai?
Lão đáp: - Ở đời, cái gì cũng có nguyên nhân.
Nguyên đời nhà Đường có một thi ông tên là GIÃ ĐẢO, tự
là LÃNG TIÊN, hiệu là Kiệt Thạch Sơn nhân. Buổi thiếu thời cắt tóc đi tu, nhưng
tính tình rất phóng khoáng.
Một hôm, nhân đêm trăng sáng đến tìm nhà ẩn sỹ Lý
Ngưng, hứng cảnh được hai câu rằng:
Điểu túc trì
biên thọ,
Tăng xao
nguyệt hạ môn.
Nghĩa là: Chim ngủ nơi cây bên bờ ao, nhà sư gõ cữa
dưới bóng nguyệt.
GIÃ rất lấy làm đắc ý, song lại muốn đổi chữ XAO ra
chữ THÔI. Cân đi nhắc lại thấy chữ nào cũng hay cả, nên không thễ quyết định
lấy chữ nào bỏ chữ nào. Suốt đêm không ngủ được. Sáng ngày dậy đi lang thang
hết đường nầy đến nẻo nọ, một tay ra hiệu xô, một tay giả bộ gõ… Xảy có quan
Binh bộ thị lang là HÀN DŨ đi ngang qua, trông thấy lấy làm lạ, dừng xe lại
hỏi. GIÃ ĐẢO nói thật sự tình. HÀN lấy làm thích thú xuống xe cùng GIÃ đến nơi
gốc cây ngồi nói chuyện, và khuyên GIÃ nên để chữ XAO.
HÀN để chữ XAO, vì chữ nầy vừa tả được thái độ ung
dung của nhà sư, vừa gợi được cảnh tĩnh mịch của đêm trăng trong nơi ẩn dật.
Còn chữ THÔI và ngậm ý vội vàng, bài tỏ ra vô tình đối với ánh trăng trước cữa.
Không ý vị bằng chữ XAO (1)
MẠN ĐÀ HOA cười: - Có tích mới dịch ra tuồng.. Nếu cứ
chữ đầu nghĩa đó thì đố ai hiểu cho nổi! Mà người xưa làm thơ sao mà khổ công
lắm vậy?
Lão đáp:
-
Tính khổ công như
thế mà nhiều khi còn không nói hết nỗi lòng, huống hồ hạ bút viết đại !
BA NẠI HÀ: - Nghe nói LÝ THÁI BẠCH một đấu rượu nghìn
câu thơ, thì sao?
Lão cười:
- Nếu sự thật quả như vậy, thì thơ họ LÝ còn truyền
lại, sau mấy mươi năm say ngâm, ngâm say, biết chứa vào đâu cho hết được ?
Nhưng thôi, hãy để vị Trích Tiên lại đó. Khi khác sẽ bàn đến. Bây giờ lão xin
kể thêm 1 câu chuyện nữa về GIÃ ĐẢO cho vui.
- Hoan nghênh.
Một hôm khác, GIÃ ĐẢO cỡi lừa đi dạo quanh Tràng An.
Nhân trông thấy lá vàng rụng đầy đất, bèn cao hứng ngâm:
Lạc diệp mãn
Tràng An.
Nghĩa là : Lá
rụng đầy cả Tràng An.
GIÃ thích chí vỗ tay cười lớn. Nhưng rồi tìm mãi không
ra tứ cho vế đối, dong lừa đi lững thững trên đường, miệng lẩm ba lẩm bẩm… Chợt
nhìn xuống sông… Gió xao sóng gợn làm nảy tứ, đối ngay:
Thu phong xuy
Vị Thuỷ.
Nghĩa là: Gió
thu thổi sông Vị Thuỷ.
Khoái quá đâm cuồng, GIÃ giục lừa nhảy lung tung,
chẳng may nhảy xô vào xe quan đại doãn. Lính hầu bèn bắt giam cho đến sáng hôm
sau mới tha về! (2)
Câu chuyện không mấy lúc mà truyền khắp Tràng An.
Người đương thời có lời vịnh GIÃ rằng:
Kỵ lư xung
đại doãn,
Đoạt quyển
ngộ tuyên tôn.
Nghĩa là: Cỡi lừa xông vào quan đại doãn, giựt sách
lầm phải đức tuyên tôn (đức vua).
MẠN ĐÀ HOA: - Vế trên nói về chuyện “hứng bất tử” của
Lãng Tiên. Còn vế dưới nói về việc gì?
- Trước hay sau việc “cỡi lừa đi dạo” đó, GIÃ đến thăm
nhà sư chùa Pháp Kiền. Hai người ngồi nơi trai viện ngâm thơ. Vua Đường Văn Tôn
vi phục đi chơi, ghé vào chùa thấy hai nhà sư ngồi đối diện ngâm nga ra vẻ đắc
ý, bèn đến gần nghe. Nhân thấy quyển thơ để bên cạnh, thuận tay nhà vua cầm lên
xem. GIÃ dằn lại, và mắng: “Nhà ngươi thật lỗ mãng! Biết gì mà xem?”. Vua bỏ đi
ra. Giây lâu thị thần lẻn vào cho biết rằng người bị mắng là đương kim hoàng
đế. GIÃ sợ toát mồ hôi. Sáng hôm sau đến phủ phục trước cửa đền vua xin chịu
tội. Vua truyền tha….
Lão vừa dứt lời thì bê kia rào có tiếng cười hả hả: - Chàng
thi sỹ thầy tu kia sao mà lắm chuyện?
Lão quay lại: - Nhờ vậy mới có kẻ núp rào nghe.
Ông bạn láng giềng lách rào bước sang: - Còn chuyện gì
vui, hãy kể nghe cho hết buổi.
- Nhân vừa kể chuyện thi nhân gặp vua, lại vừa có kẻ
núp rào nghe trộm, nên lão xin kể một chuyện cũng có thi sỹ cũng có vua mà cũng
có núp…
MẠN ĐÀ HOA vỗ tay reo: - Thế thì thú lắm.
Ông bạn láng giềng cười lớn:
-
Lão Vườn sẽ kể
chuyện Đông Phương Sóc chớ gì?
-
Không phải. Lão
kể chuyện MẠNH HẠO NHIÊN.
-
Chuyện họ MẠNH
trông thấy nhà vua, sợ hãi chun xuống giường mà núp đó phải không?
-
Phải.
-
Biết rồi.
-
“Đừng nói nữa,
khổ lắm”?
BA NẠI HÀ: - Hai đứa tôi chưa biết.
MẠN ĐÀ HOA: - Để cho người biết rồi khỏi khổ lắm vì
nghe nói nữa, tôi xin đề nghị người biết rồi kể lại chuyện Mạnh Hạo Nhiên.
Ông bạn láng giềng vuốt râu: - Tớ kể chuyện không có
nhưng nhị. Song không hề gì, vì câu chuyện, tự nó đã đủ hương, đủ vị rồi. Vậy
nghe đây:
MẠNH HẠO NHIÊN là một thi nhân đứng vào bậc niên
trưởng đời Thịnh Đường. Người có khí tiết, thích an nhàn, không chịu xuất sỹ,
ẩn cư trong núi Lộc Môn. Thi tiên Lý Bạch, thi thánh Đỗ Phủ.. đều tôn xưng là
Phu tử, là tiên sinh.
Tiên sinh là
bạn học cùng VƯƠNG DUY. Lúc họ VƯƠNG làm Thượng thư Hữu thừa ở Tràng An, tiên
sinh tìm đến thăm, và ở chơi cùng bạn. Một hôm hai người đương ngồi bình luận
văn thơ nơi sảnh đường, thì tình cờ vua Đường Huyền Tôn đến. MẠNH tiên sinh sợ
hãi liền tụt xuống gầm giường mà trốn, để một mình họ VƯƠNG ra nghinh giá. Nhà
vua vào thấy vật dụng bày chung quanh, biết là vừa có khách ngồi nói chuyện,
bèn phán hỏi. VƯƠNG không dám dấu sự thật. Nhà vua mừng rỡ phán: "Trẫm
nghe danh đã lâu nhưng chưa biết mặt. Nay gặp đây, việc gì phải trốn”. Đoạn gọi
tiên sinh ra, bảo ngồi và đòi nghe thi phẩm. Tiên sinh phụng mệnh.
Khi nghe đọc bài “Quy Chung Nam Sơn” có câu:
Bất tài minh
chúa khí
Đa bệnh cố
nhân sơ
Nghĩa là “Không tài minh chúa bỏ, lắm bệnh cố nhân
sưa”, thì nhà vua cười, phán: “Đó là khanh không chịu đến với trẫm, chứ trẫm có
bỏ khanh đâu, sao lại nói vu như thế?”. Tiên sinh làm thinh. Nhà vua bảo Vương
Duy khuyên ở lại giúp việc nước, nhưng tiên sinh cố từ, và rồi trở về núi.
Lão tiếp: - MẠNH HẠO NHIÊN và VƯƠNG DUY là hai thi nhân
có tiếng là khổ ngâm. Họ MẠNH mỗi lần ngâm xong 1 bài thi thì lông mày rụng gần
hết! Còn VƯƠNG DUY có lần cấu tứ chạy xả vào
vò dấm! Làm thơ khắc khổ như thế, mà thơ hai nhà vẫn ung dung hoà nhã
như tuồng hạ bút thành văn. VIÊN TỬ TÀI khen là “Thiên y vô phùng” nghĩa là “Áo
trời không đường may”.
BA NẠI HÀ: - Làm thơ mà khổ công như thế thì còn gì
hứng thú?
Lão đáp:
-
Có từng sống với
Thơ mới thấu triệt được nỗi khổ sướng. Người đời Đường có câu:
Khổ ngâm tăng
nhập định,
Đắc cú tướng
thành công.
Nghĩa là: Khách thơ khi làm thơ dụng công khó nhọc
chẳng khác nhà sư tham thiền để vào định xứ; Đến khi làm được câu thơ đắc ý thì
lại vui sướng không thua một ông tướng xuất trận được thành công.
Công phu như thế, thích thú thế mà rủi gặp phải một
người xem thơ không biết mùi vị thì thật là bất hạnh! Bởi vậy Giã Đảo có câu:
Lưỡng cú tam
niên đắc,
Nhất ngâm
song lệ lưu!
Tri âm như
bất ngộ
Qui ngoạ cố
sơn thu.
Tạm dịch là:
Ba năm lòng
gởi đôi câu,
Ngâm lên một
tiếng lệ châu ướt dầm!
Đường đời
không gặp tri âm,
Non xưa trở
lại ôm nằm với thu.
MẠN ĐÀ HOA: - Thật là cảm động ! Đó là “tấc lòng gởi
vào thiên cổ” Dẫu đến người vô tâm đọc lên e cũng phải động tâm.
Lão nói: - Thơ mà truyền cảm được như thế là nhờ công
uẩn nhưỡng.
BA NẠI HÀ: - Nhưng văn chương lại rất bình dị, nghe
qua tưởng ai cũng có thể làm được dễ dàng.
Ông bạn láng giềng: - Biết đâu tác giả lại không mất
ăn mất ngủ vì thôi xao. Nếu không có sách vở để lại thì chúng ta làm gì biết
được họ GIÃ, họ MẠNH, Họ VƯƠNG…. Làm thơ khổ khắc, khi chúng ta rung đùi thưởng
thức giai phẩm của quí ông. Nhớ đến câu thơ của Tản Đà:
Dâu xanh rút
trả sợi tơ vàng,
Thân thế con
tằm như tớ nhĩ,
Tơ tằm đòi
đoạn mối văn chương!
Và:
Bao nhiêu củi nước mới thành văn,
Được bán văn
ra chết mấy lần!
Mà thêm
thương cho người kim cổ sống về nghiệp văn thơ!
Lão cười:
-
Làm thơ là lẽ
sống của con nhà thơ, cũng như kéo tơ là lẽ sống của con tằm. Lão tưởng không
có chi đáng thương cả. Chưa biết chừng những kẻ chung số kiếp với tằm kia lại
trở thương hại chúng ta là người không có lẽ sống như họ…. Âu là ai lo nghiệp
nấy, chẳng cần ai thương hại ai…
Câu chuyện đương nồng thì bóng mặt trời đã lách vào
song tây. Lão nhìn khách ngâm khẽ khẽ:
Tịch dương vô
hạn hảo,
Chỉ thị cận
hoàng hôn!
Ong bạn láng giềng ngâm đáp:
Thiên ý lân u thao,
Nhân nhàn ái vãn tình.
MẠN ĐÀ HOA và BA NẠI HÀ
hỏi: - Là nghĩa làm sao?
Lão đáp: - Câu trên là câu thơ Đường, nghĩa là “Bóng
nắng chiều thật tốt vô hạn, nhưng lại là lúc gần đến hoàng hôn”.
Ông bạn láng giềng: - Còn câu dưới, tớ mượn trong Tuỳ
Viên Thi Thoại, ý nói: “Ý trời vốn thương những giống cỏ mọc nơi thâm sơn u cốc;
còn người nhàn lại yêu bóng trời chiều tạnh ráo”. Như thế buổi mai có cái Đẹp
cái quí buổi mai, buổi chiều có cái Đẹp cái quí buổi chiều… Việc gì phải nghĩ
ngợi…
Chủ khách cả cười: - Như thế là ngày hôm nay của chúng
ta không mất vậy./.
_____________________________________________________________
(1) Đã nói rõ trong bài “Thôi Xao” ở trước ( chương Đ mục 1)
(2) Đã nói ở chương Đ mục 1 ở trước.