Những bức thư thơ 9.Trác Văn Quân-Mạnh Quang - 10.Lòng yêu thơ

9. TRÁC VĂN QUÂN – MẠNH QUANG
Nha Trang tiết Kinh Trập năm Kỷ Hợi (1959)

Chị Giáng Đào,
Vị nào đã cho chị biết câu:
Dẫu say khúc phụng cầu hoàng
Ngang mày chi thẹn vợ chàng Bá Loan.
Vị ấy tất biết rõ xuất xứ. Riêng tôi thì tôi chỉ biết đó là một câu có dụng điển. Vế trên dùng điển Trác Văn Quân. Vế dưới dùng điển Mạnh Quang.
Chẳng cần giải thích dông dài, hễ biết rõ điển thì nhận thấy ngay ý nghĩa câu thơ.
TRÁC VĂN QUÂN là con gái Trác Vương Tôn, một phú ông đất Lâm Cùng. Nàng thông minh, kiều diễm, giỏi âm luật, mới 17 tuổi đã goá chồng.
Một hôm Trác Vương Tôn mở tiệc đãi quan Thú lệnh Lâm Cùng là Vương Cát. Trong số tân khách được mời có người bạn thân của Vương là Tư mã Tương Như.
TƯ MÃ TƯƠNG NHƯ tự Trường Khanh, quê ở Thành Đô. Nhà nghèo nhưng học rộng, tài lớn, đàn hay nổi tiếng, dung mạo khác phàm. Song không có người tiến cử nên đã nửa đời người vẫn còn thân bố y. Vương Cát rất quý trọng Tương Như.
Khi tiệc được nửa chừng, Vương sai mang đàn ra nói cùng Tương Như:
- Tiếng tăm đã lừng lẫy, song chưa được hân hạnh một nghe. Nay gặp dịp vui, xin bạn đừng tiếc.
Vốn đã biết rõ trong nhà có gái đẹp thạo âm luật, Tương Như thừa dịp đưa tình. Bèn soạn khúc Phụng Cầu Hoàng phổ vào nhạc. Khúc nhạc du dương. Trác Văn Quân nấp ở nhà trong, nghe thanh âm, nhìn dung mạo, tâm thần dao động…
Tiệc tan.
Đêm đến.
Đợi người nhà yên giấc, Trác Văn Quân dọn hết đồ tư trang của mình, lén ra cùng Tương Mã Tương Như. Hai người đưa nhau về Thành Đô.
Vương Tôn giận, từ con. Vợ chồng cam sống trong cảnh nhà tranh vách đất. Vợ bán rượu. Chồng dọn bàn, rửa mâm bát. Nghèo khổ nhưng vẫn nồng đượm tình thương yêu nhau và những lúc rảnh rang vẫn không quên văn chương âm nhạc.
Được ít lâu vua nhà Hán xem bài phú Tử Hư của Tương Như, khen ngợi, bèn vời vào triều phong chức Quang Lang. Từ ấy cuộc đời vinh hiển. Trác Vương Tôn mới hối hận rằng mình xét người không bằng Trác Văn Quân.
TRÁC VĂN QUÂN ở về đời Tiền Hán vào khoảng Hán Cảnh Đế (164-148 tr C.N).
Còn MẠNH QUANG ở về đời Hậu Hán vào khoảng Hán Minh Đế ( 58-76)

MẠNH QUANG người huyện Bình Lăng, có sức khoẻ, hạnh kiểm tốt, nhưng tuổi đã 30 mà chưa có chồng vì không người xứng ý.
Cùng huyện có một khoá sinh tên Lương Hồng tự Bá Loan, học rộng nhưng nghèo. Nhà có nuôi một đàn dê. Hễ đi học về thì lo chăm sóc. Một hôm nhà bị phát hoả, cháy lan sang một nhà hàng xóm. Lương Hồng xin đưa đàn dê sang đền. Người láng giềng tỏ ý chưa vừa lòng. Chàng phải xin đến ở đợ, người láng giềng mới ưng thuận. Có người thấy Lương Hồng tướng mạo khác thường mà phải làm thân tôi đòi như thế, bèn trách người láng giềng kia là tệ và khen Lương Hồng là hiền. Người láng giềng bèn trả đàn dê cho Lương Hồng và thôi không để cho ở nữa. Nhưng chàng không chịu nhận dê, chỉ từ giã ra về.
Mạnh Quang thưa cùng cha mẹ:
- Nếu gặp được người như Bá Loan mới lấy. Bằng không thì ở vậy suốt đời.
Lời ấy thấu tai Lương Hồng. Hồng liền đến hỏi Mạnh Quang làm vợ. Khi thấy vợ ăn mặc lụa là, thì không bằng lòng, bảy ngày không nói một câu. Vợ hỏi. Đáp:
- Tôi muốn được người vợ áo quần xoàng xỉnh để cùng tôi ở chốn núi non, mà nàng lại có vẻ xa hoa nên tôi không lấy làm mãn nguyện.
Mạnh Quang liền đổi cách trang phục. Lương Hồng vui mừng:
- Thật là vợ Lương Hồng.
Vua nhà Hán nghe tiếng Lương Hồng là người hiền đức học thức, vời cho làm quan. Hồng từ chối, rồi cùng vợ sang Tề, Lỗ. Sau cùng đưa nhau vào ẩn ở núi Hoa âm.
Đối với chồng, Mạnh Quang rất mực cung kính, đưa cho chồng vật gì, luôn luôn nâng lên ngang mày mà đưa. Người ta gọi là “ Cử án tề my”.
Các cụ xưa khen Mạnh Quang là vợ hiền và chê Trác Văn Quân là trắc nết.

Còn tôi thì cho vợ chồng Mạnh Quang tượng trưng cho Đạo Đức, vợ chồng Trác văn Quân tượng trưng cho Nghệ Thuật. Tôi kính đạo đức, yêu nghệ thuật. Kính thường sợ, yêu nên gần. Bởi vậy tôi không thích mấy câu thơ “ trung dung” vừa Mạnh Quang vừa Trác Văn Quân của chị gởi đó./.


10. LÒNG YÊU THƠ

Nha Trang, tiết Thanh Minh năm Kỷ Hợi (29/2/59)

Chú LÊ MỘNG HÒA,
Lâu nay chú ở đâu?
Tôi nhớ mãi ngày chú đến nơi “gác chuồng cu” ở sau lưng bệnh viện Trung ương Huế để từ giã tôi. Ngày ấy là ngày đầu thu năm Đinh Dậu (1957) Chú tặng tôi tờ Bạn Đường số 6 ra ngày 1-5-1941, và nói:
- Vì số báo bài này có bài Chế Lan Viên nói về anh và có bài thơ anh “Mộng thấy Hàn Mặc Tử” nên tôi giữ kỹ trên 15 năm nay, tuy chưa được biết đến Chế Lan Viên và mãi đến năm nay mới gặp anh lần thứ nhất. Ngày mai tôi vào Nam, xin đến từ giã anh và tặng anh tờ báo làm kỷ niệm.
Tôi hết sức cảm động.
Và từ ấy lòng chú thường lai vãng nơi lòng tôi.
Hôm nay bỗng dưng tôi nhớ chú da diết!
Tôi nghĩ ở trong thời đại mà văn chương thuần tuý bị một số người coi thường bằng bãi phân bò, và các nhà xuất bản được xem công người viết văn không bằng một phần ba công cô hàng bán sách, lại có người yêu quí văn thơ, yêu quí người làm ra văn ra thơ như chú, thì thật là một điểm tuyết trong lò lửa hồng.
Chú có tâm hồn và phong cách của người đời xưa.
Nhớ chú, tôi lan man nhớ đến những chuyện yêu văn chương của người xưa mà tôi đã đọc trong sách, như VIÊN MAI tức VIÊN TỬ TÀI, tác giả Tuỳ Viên thi tập, Tuỳ Viên Thi thoại… một thi bá triều Thanh, là một.
Vì quá yêu văn chương mà ông bỏ quan về nhà đi chu du khắp Trung Quốc để lượm lặt những câu thơ bị chìm lấp vì không gặp được tri âm.
Lòng trọng tài của ông rất cao độ.
Một hôm đi ngang qua đất Lương Hương, thấy nơi vách một lữ quán có đề bài thơ rằng:
Mãn địa du tiền mạc liệu bần,
Thuỳ dương nam hệ chuyển bồng thân.
Ly hoài vị ẩm thường như tuý,
Khách để vô ba bất toán xuân.

Dục ngữ tánh tình tư cốt nhục,
Ngẫu đàm sơn thuỷ hội phong trần! 

Mưu sanh tiêu tận luân đề thiết,

Du giữ thành đô mại bốc nhân.
Tạm dịch:
Tiền xanh khôn chữa được nghèo,
Liễu xanh khó giữ thân bèo nổi trôi.
Lòng quê chẳng uống say hoài !
Quán không hoa nở xui người quên xuân.

Hồn thơ lịu địu phong trần
Xót câu cốt nhục ngại vần nước non!

Mưu sinh hai bánh xe mòn,

Thua anh thầy bói khoanh tròn thành đô…
Dưới bài thơ chỉ để hai chữ HOÀNG THÔN.
VIÊN MAI bèn hoạ vận bài thơ viết lên vách, rồi chép bài nguyên xướng đi tìm HOÀNG THÔN.
Ba mươi năm sau cùng quan sát đất Giang Nam là LAO TÔN PHÁT nói chuyện thơ. LAO Công nói rằng:
- Lúc ta làm quan tể đất Lương Hương thấy trên vách tiệm có hai bài thơ. Người chủ tiệm toan phá vách để làm lại. Ta tiếc, sao lại hai bài thơ vào xin quan Chế Phủ là PHƯƠNG MẪN XÁC. Quan Chế Phủ rất tán thưởng, bèn khiến người chủ quán đừng phá vách. Ta có tìm hỏi xem hai tác giả là ai, mà chưa ai cho ta biết.
Nói đoạn mở tráp lấp hai bài thơ đưa cho VIÊN MAI xem.
VIÊN MAI cho biết bài thơ hoạ là của mình, còn HOÀNG THÔN là ai thật chưa được rõ.
Ba năm sau, trong biệt thự ông Phương Bá núi Lương Diêu, tình cờ gặp HOÀNG THÔN, mới biết là họ ĐÀO tên NGUYÊN THÁO, học trò đất Cối Kê, VIÊN MAI bèn đem câu chuyện hoạ thơ và chuyện ông LAO ông PHƯƠNG mà nói. HOÀNG THÔN cảm ba người biết mình và thương ông LAO ông PHƯƠNG đã mất, bèn làm lại hai bài thơ tặng VIÊN MAI, trong có câu:
Nhân như khoáng thể tinh nan tụ, 
Thi hữu đồng thanh đức vị cô.
Nghĩa là:
Người như khoáng thế sao khôn tụ,
Thơ có đồng thanh đức chẳng côi.
Và:
Bất giao hoạch mạn dung nô dị,
Tiện thắng sa lung phật diện tôn.
Nghĩa là:
Chẳng khiến chàng nô bôn phá vách,
Rõ hơn cử phật xúm lồng sa.
Chuyện này có chép trong TUỲ VIÊN THI THOẠI.
Trong TUỲ VIÊN THI THOẠI lại chép rằng:
Quan Thái thú đất Giang Tây toan chặt một cây cổ thọ ở trước dinh. Một người khách bèn đề vào cây một tuyệt rằng:
Diêu trì thử khứ đống lương tài,
Vô phục thanh âm phú lục đài.
Chỉ khủng nguyệt minh thu dạ lãnh
Ngộ tha thiên tuế hạc qui lai.
Nghĩa là:
Một đi nên cột nên rường,
Không còn bóng cả lợp đường rêu xanh.
Chỉ e thu lạnh lùng canh,
Tuổi già nương bóng trăng thanh hạc về.
Quan Thái thú xem thơ ngậm ngùi, bèn sai dừng búa.
Vì yêu thơ mà muôn dặm đi tìm nhau. Vì yêu thơ mà không cho phá vách, mà không nỡ đốn cây. Lòng yêu thơ của cổ nhân thật “dễ thương” quá!
Nhưng vách và cây không quan hệ đến lòng người yêu thơ cho mấy, nên cũng có thể “dễ hy sinh”. Có nhiều người vì thơ mà có thể “ hy sinh” những "món” thiết tha đến cõi lòng, như HÀN HOÀNG chẳng hạn.
HÀN HOÀNG người đời Đường, làm quan trấn thủ đất Tích-Tây. Hàn nghe NHUNG DỤC làm bộ nội thứ sử, có người tửu kỹ nhan sắc đã đẹp, ca hát lại hay, bèn sức NHUNG DỤC cho đến hầu. Mặc dù tình đối với người tửu kỹ rất hậu, NHUNG DỤC vẫn không dám trái ý kẻ bề trên, bèn làm thơ tống biệt.
Thơ rằng:
Hảo khứ xuân phong hồ thượng đình, 
Liễu điều đằng mạn hệ ly tình.
Huỳnh oanh cửu trú hồn tương thức,
Dục biệt tần đề tứ ngũ thanh.
Tạm dịch:
Theo xuân gió lộng thuỷ đình,
Giây đằng tơ liễu vướng tình biệt ly! 
Đã tầng tương ái tương tri, 
Tiễn đưa mấy tiếng hoàng ly não nùng.
Người tửu kỹ bèn nói:
- Xin nguyện không phụ tình nhau.
Đến nơi gõ sanh ca bài thơ của NHUNG DỤC. Hàn Hoàng cảm động hậu thưởng rồi cho về ngay.
Thái độ ấy cũng chưa đáng phục bằng thái độ quan Liêu Suý trong chuyện THÔi GIAO:
THÔI GIAO là một thi nhân đời Đường. Chàng có người hầu gái tên LỆ NƯƠNG dung nhan diễm lệ lại thông hiểu âm luật. Nhân nghèo túng phải đem bán cho quan Liên Suý Định trong vùng. Suý rất yêu thích cấp tiền đến bốn mươi vạn.
Được ít lâu THÔI thương nhớ quá lén đến nơi phủ thự tìm thăm. Thơ thẫn dưới bóng liễu suốt mấy ngày mới nhìn thấy được LỆ NƯƠNG. THÔI bèn tặng một tuyệt rằng:
Công tử Vương Tôn trục hậu trần,
Lục Châu thuỳ lệ trích la cân.
Hầu môn nhất nhập thâm như hải: 
Tùng thử Tiêu lang thị lộ nhân.
Tạm dịch:
Theo xe Vương tử bụi lầm, 
Lục Châu sùi sụt khăn dầm giọt thương. 
Cửa hầu là đáy trùng dương: 
Chàng Tiêu làm khách qua đường từ đây

Có người muốn tâng công, chép bài thơ đem trình quan Liên Suý. Suý cho triệu THÔI đến hỏi:
- Thơ kia có phải của ông làm?
Thôi không chối. Suý cầm tay cười, nói:
- Bốn mươi vạn cũng còn nhỏ. Sao nỡ tiếc một tờ thư mà không sớm bảo cho tôi?
Đoạn bày tiệc rượu tiễn LỆ NƯƠNG về cùng THÔI, và tặng thêm nhiều vàng lụa.
Đối với con nhà thơ như thế thì thật rộng rãi.
Mà có riêng gì nam giới mới có những người yêu thơ hơn người yêu. Bên nữ giới cũng có lắm người. Tôi xin kể cho chú nghe một chuyện. Chuyện bà VƯƠNG THỊ DIỆM đời Minh.
Bà Vương là một tài nữ.
Người chồng là TÔ MẪN tự DĨNH SANH cũng là một tay phong nhã. Lúc ra Trường An ứng thí gặp một người con gái tên là BÍCH ĐÀO, 16 tuổi, sắc diệm thơ hay, Sanh bèn lấy làm vợ bé.
Bà Vương hay tin. Khi DĨNH SANH đưa BÍCH ĐÀO về, bà đóng cửa không tiếp. Sanh nài nỉ. Bà liền ra hai đề thơ, một đề cho Sanh là “ Phấn điệp du ba”, một đề cho BÍCH ĐÀO là “Bá kiều liễu sắc”.
Hai bài thơ trình lên một lượt. Thơ BÍCH ĐÀO tuyệt hay. Thơ rằng:
Tiêu hồn trì tặng biệt ly bi,
Di đáo Giang Nam vị ả thuỳ? 
Nhược đắc đông phong đài cử lực
Trừu tư vĩnh nghĩ quải ân huy.
Nghĩa là:
Ngậm ngùi nhánh tặng biệt ly
Giang Nam đất ấy qua vì ai đây?
Gió xuân mong điểm nét mày,
Bóng cao treo sáng ơn dày tơ vương.
Bà VƯƠNG rất lấy làm xứng ý, bèn cầm đèn ra cửa đón vào, và đối với BÍCH ĐÀO hết lòng thương yêu , chiều chuộng.
Lòng yêu thơ của bà này thật là cực điểm. Vì:
Lòng riêng riêng những kính yêu
Chồng chung ai dễ mà chìu cho ai.
Các nhà thơ có tài và có nhiều tình chắc phải khen bà họ VƯƠNG và coi bà là bậc thánh.
Đó là những chuyện bên Tàu. Ngày xưa bên ta, Thơ và thi nhân vẫn được quí trọng.

Như vua LÊ THÁNH TÔNG đã tầng thưởng cho bà NGÔ CHI LAN hàng 10 đỉnh vàng về bài OANG ƯƠNG TỪ KHÚC và một cây gấm về bài VỆ LINH. Vua DỤC TÔNG nhà Nguyễn đã tầng để bạc nén dưới bản cảo để thưởng cho cụ ĐÀO TẤN mỗi khi gặp được những câu văn tuồng đắc ý…
Và năm 1855, Kinh Đô thất thủ, vua Hàm Nghi xuất bôn, đảng Cần Vương nổi dậy khắp trong nước. Cụ Hường HIỆU lãnh đạo Quảng Ngãi. Ông Tú QUỲ không phục, làm bài thơ Vịnh Hát Bội để nhạo cười trong đảng.
Thơ rằng:
Nhỏ mà không học lớn mà sang,
Trống đánh ba hồi đã thấy quan.
Ra rạp ngồi trên ba chú HIỆU,
Vô buồng luồn dưới mấy ông làng.

Mượn màu son phấn ông kia nọ,
Cởi lớp xiêm đai lũ điếm đàng.

Tuy chẳng ra chi nhưng cũng sướng,

Đã từng trợn mắt lại phùng mang.
Cụ Hường giận kêu vào trách:
- Anh đã chẳng làm lại còn đem lời mỉa mai, như thế có phải thái độ người sỹ quân tử?
Nhân có con dế duỗi nhảy đến, cụ Hường chỉ con dế nói:
- Anh có tài làm thơ. Hãy vịnh ngay con dế duỗi. Nếu hay sẽ tha tội chết.
Ông tú liền ứng khẩu đọc:
Kiến chẳng kiến mà voi chẳng voi! 
Trời sanh dế duỗi cũng loi choi.
Ngắn cánh lên trời bay chẳng thấu,
Có tay vạch đất cũng khoe tài. 

Mưa to nước cả lên cao ở,
Lửa cháy dầu sôi nhảy tới chơi.

Quân tử có thương xin chớ phụ,

Thung thăng bay nhảy để mà coi.
Cụ Hường khen là mẫn thiệp bèn tha cho về.
Lúc bấy giờ phong trào đương mạnh, một trở lực nhỏ cũng đủ làm rụng đầu dễ như chơi, huống hồ một bài thơ lời lẽ bất tốn. Nếu ông tú gặp phải một tay xem văn chương không bằng bãi phân bò, thì đừng nói một bài “dế duỗi”, cho đến muôn ức triệu bài thơ “phản tỉnh”. Cũng phải bị làm quỉ không có đoạn trên.
Chỉ có một bài thơ mà đổi được mạng chết, thì lòng yêu thơ của kẻ nhận thơ là cụ HƯỜNG HIỆU cao đến bậc nào! Nếu bà họ VƯƠNG biết được chắc phải cảm phục cụ như bọn nhà thơ có tài và nhiều tình cảm phục bà.
Và cũng vào khoảng Hàm Nghi, Thành Thái, ở Bình Định có một quan Tổng đốc, cũng rất yêu thơ, nhất là thơ Quốc âm. Quan tên gì tôi không được biết. Chỉ nghe tiên nghiêm kể lại rằng quan rất yêu thơ, nhất là thơ quốc âm (dường như có nói tên nhưng lúc ấy tôi chưa được lớn lắm nên không nhớ).
Một hôm quan ra đề thi:
“ Gái lấy chồng già”. Từ Thứ vận. Thượng cầm hạ thú, nhất cú nhất vị dược.
Nghĩa là làm bài thơ Gái lấy chồng già, lấy vận Từ Thứ (Từ Thứ qui Tào của Tôn Thọ Trường), trong bài câu trên thì có tên chim, câu dưới có tên thú, và mỗi câu phải có mỗi vị thuốc.
Và hứa rằng ai làm hay sẽ trọng thưởng.
Quyển nạp rất nhiều. Nhưng chỉ có một bài tuyệt tác, là bài của cụ tú LÊ ĐỨC THUẬN.
Rằng:
Chim quyên bã đậu nhánh choi voi,
Mang bạch đầu ông nõ mặn mòi ! 
Phụng ước thung dung ăn trái trúc,
Thỏ đâu cam toại ấp nhành còi.

Liên kiều thước bắt so le nhịp,
Sơn giác ngựa đua hụt chạt roi.

Loan chạ từ cô đừng chuyện ấy,

Kén lừa quân tử giá ngàn thoi.
Quan liền thưởng một cây lụa đậu tư và ba nén bạc, lại mời về tư dinh thết đãi theo hàng thượng khách. Một vị quan chúa tỉnh mà đối đãi với khách làng thơ trọng hậu như thế, không phải là việc thường có.
Những câu chuyện yêu thơ và những bài thơ được yêu, còn nhiều lắm. Hôm nay chép lại một ít chuyện để làm kỷ niệm ngày nhớ người yêu thơ, là chú.
Khi đọc thư nầy chắc chú sẽ vỗ vế mà cười rằng:
- Trên đời có người yêu Thơ, lại có người yêu người yêu Thơ! Tình yêu thật là loanh quanh lẩn quẩn!
Thôi xin chào chú và chúc chú yêu nhiều thơ và có nhiều người thơ yêu./.
______________________________________________________________________________
(1) Chuyện NHUNG DỤC trên đây, tôi viết theo Tô Văn Trung Thi Tập Hiệp Chú. Tình sử cũng chép chuyện giống như thế, nhưng lại khác vài ba chi tiết:
- Chức vụ của Nhung Dục là Sứ quân.
- Vị quan đòi nàng hầu yêu của Nhung Dục là Vũ Liên Suý, người đã cho nàng hầu Thôi Giao về với tình cũ.
- Bài thơ của Nhung Dục tặng người yêu khi từ biệt khác bài thơ đã chép trên:
Bảo điến hương nga phỉ thuý quần
Trang thành yểm khấp dục hành vân
An cần hảo thủ Trương Vương ý
Mạc hướng Dương Đài mộng sứ quân.
Nghĩa là:
Điểm này hương sửa sang quần thuý
Hồn tan mây dòng lệ ngấm thương
Khuyên lòng chìu ý Trương Vương 
Tình xưa chớ để mộng vương Dương Đài.
Liên Suý nghe bài thơ, hối hận:
- Đại Trượng phu đã chẳng hay dựng nghiệp lớn để danh tiếng về sau, lại cướp vợ yêu của kẻ khác hầu vui thú lấy một mình, thật là không phải đạo.
Liên Suý bèn lấy vàng lụa tặng giai nhân rồi cho về. Lại tự tay viết thư đến tạ lỗi cùng Nhung Dục.
Những điểm khác này chỉ làm giàu cho văn chương. Và tôi không đủ sức, không đủ tài liệu, không đủ phương tiện để khảo cứu xem sách nào chép đúng sự thật. Các nhà khảo cổ không hiếm. Ở đây chúng ta chỉ tìm thú trong thơ./.